UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 15/2006/QĐ-UBND | Lạng Sơn, ngày 31 tháng 8 năm 2006 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐIỀU CHỈNH, BỔ SUNG QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH LẠNG SƠN ĐẾN NĂM 2010, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2020
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Chỉ thị số 32/1998/CT-TTg ngày 23 tháng 9 năm 1998 của Thủ tướng Chính Phủ về công tác rà soát qui hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội đến năm 2010;
Căn cứ Nghị quyết số 57/2006/NQ-HĐND ngày 21 tháng 7 năm 2006 của Hội đồng nhân dân tỉnh khoá XIV kỳ họp thứ 6 về việc thông qua Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lạng Sơn đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lạng Sơn đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 tại Quyết định số 782 UB/QĐ ngày 04 tháng 11 năm 1996 của Uỷ ban nhân dân tỉnh như sau:
I. Điều chỉnh các nhiệm vụ, mục tiêu đến năm 2010
1. Mục tiêu tổng quát
Đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch rõ nét cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát huy tiềm năng, lợi thế, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn giai đoạn 2001-2005 và phát triển bền vững; rút ngắn khoảng cách so với trình độ phát triển chung của cả nước; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc; cải thiện mức sống của nhân dân; củng cố quốc phòng - an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, giữ gìn biên giới quốc gia hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
2. Nhiệm vụ và mục tiêu chủ yếu
a) Các nhiệm vụ chủ yếu:
- Tập trung mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế để đạt được tốc độ tăng trưởng cao, chú trọng chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát huy tiềm năng thế mạnh của từng ngành, lĩnh vực, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
- Huy động tối đa vốn đầu tư của các thành phần kinh tế trong tỉnh, nhất là vốn của khu vực dân doanh, vốn đầu tư trong nước, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn viện trợ phi chính phủ. Mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại.
- Tăng khả năng huy động các nguồn thu ngân sách nhà nước, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tài sản nhà nước. Phấn đấu tăng tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu ngân sách trên địa bàn.
- Phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đẩy mạnh xã hội hoá lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, đào tạo nghề.
- Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và đời sống. Phát triển kinh tế - xã hội phải đi đôi với việc bảo vệ tài nguyên, giữ gìn môi trường, sinh thái.
- Tiếp tục giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội bức xúc về giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo, từng bước giảm dần khoảng cách về trình độ phát triển và mức sống giữa các vùng, khu vực. Ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, kiểm soát có hiệu quả tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép.
- Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách các thủ tục hành chính; nâng cao hiệu lực quản lý, điều hành của bộ máy hành chính nhà nước ở các cấp, ngành. Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở.
- Tăng cường tiềm lực quốc phòng an ninh kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
b) Các mục tiêu chủ yếu:
- Tốc độ tăng GDP bình quân hàng năm thời kỳ 2006-2010 từ 11-12%, trong đó: ngành công nghiệp - xây dựng tăng 18 - 19%, ngành dịch vụ - du lịch tăng 14,5 - 15%, ngành nông lâm nghiệp tăng 3,5 - 4%. Đến năm 2010, GDP gấp 1,7 -1,8 lần năm 2005.
- Cơ cấu kinh tế đến năm 2010: tỷ trọng ngành dịch vụ 45 - 46%; nông lâm nghiệp 30 - 31%; công nghiệp - xây dựng 24 - 25%.
- Thu nhập bình quân đầu người năm 2010 đạt 12,6-13 triệu đồng, tương đương 600-640 USD.
- Tổng vốn đầu tư xã hội trong 5 năm huy động 20-21 nghìn tỷ đồng. Điều chỉnh cơ cấu đầu tư đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ưu tiên đầu tư cho các vùng trọng điểm, vùng kinh tế động lực, quan tâm xây dựng cơ sở hạ tầng vùng khó khăn, vùng biên giới.
- Thu ngân sách trên địa bàn bình quân hàng năm tăng 8-10%, trong đó thu nội địa tăng 13% trở lên.
- Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 15-18%, trong đó xuất khẩu hàng địa phương tăng 15%; kinh ngạch nhập khẩu tăng bình quân 12-13%.
- Đến năm 2010, có 90% số xã có đường ô tô đến trung tâm đi được 4 mùa, 70% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 49-51%.
- Hoàn thành phổ cập trung học cơ sở 100% xã, phường thị trấn vào năm 2007. Đến năm 2010, xây dựng mới 55 trường đạt chuẩn quốc gia; 80% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã, 80% trạm y tế xã có bác sĩ, 60% thôn bản, khối phố đạt tiêu chuẩn văn hóa.
- Giảm tỷ lệ sinh tự nhiên hàng năm 0,35-0,4%o, giải quyết thêm việc làm hàng năm cho 1,1-1,2 vạn lao động. Năm 2010, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 30 - 32%
- Giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm từ 2- 3%.
II. Bổ sung tầm nhìn phát triển kinh tế, xã hội đến năm 2020
1. Quan điểm phát triển thời kỳ 2011 - 2020
- Phát huy toàn diện nội lực, kết hợp với nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài để duy trì nhịp độ tăng trưởng kinh tế cao, hiệu quả và bền vững; kết hợp hài hoà giữa mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa - xã hội, sử dụng hợp lý các điều kiện nguồn lực, tài nguyên thiên nhiên gắn với bảo vệ môi trường sinh thái; nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân đi đôi với thực hiện công bằng xã hội.
- Đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát huy tối đa lợi thế so sánh của từng vùng, từng ngành, lĩnh vực, sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế.
- Tạo môi trường thuận lợi, minh bạch, khuyến khích các thành phần kinh tế cùng phát triển bình đẳng, lành mạnh, không giới hạn quy mô.
- Đẩy mạnh xã hội hóa các lĩnh vực đầu tư công, văn hoá, y tế, giáo dục - đào tạo, thể thao, phát triển đô thị.
- Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy nhanh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, đời sống.
- Phát triển kinh tế kết hợp giải quyết tốt các vấn đề xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
2. Mục tiêu phát triển kinh tế đến năm 2020
Tổng sản phẩm nội tỉnh (GDP) thời kỳ 2011 - 2020 bình quân hàng năm tăng 9-10%, trong đó: tốc độ tăng bình quân của ngành dịch vụ 10,5-11,5%, công nghiệp - xây dựng tăng 11-12%, nông - lâm nghiệp tăng 3,5-4%. Cơ cấu kinh tế đến năm 2020: tỷ trọng ngành dịch vụ trong GDP tăng từ 45-46% năm 2010 lên 52-53% năm 2020, công nghiệp - xây dựng tăng từ 24-25% lên 29-30%, nông - lâm nghiệp giảm từ 30-31% xuống còn 18-19%. GDP bình quân đầu người (giá năm 2010) năm 2020 đạt 29 triệu đồng, gấp 2,3 lần so với năm 2010. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thời kỳ 2011 - 2020 là 70.000-72.000 tỷ đồng.
3. Tầm nhìn các ngành, lĩnh vực đến năm 2020
a) Lĩnh vực thương mại, dịch vụ và du lịch:
Phát triển mạnh kinh tế cửa khẩu đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Phát huy vai trò Trung tâm thương mại, dịch vụ và du lịch của thành phố Lạng Sơn, thị trấn Đồng Đăng và các Khu kinh tế cửa khẩu, vai trò cầu nối, điểm trung chuyển trong hành lang kinh tế Nam Ninh – Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng. Phát triển các ngành dịch vụ vận tải, kho ngoại quan, bưu chính viễn thông, dịch vụ tư vấn, thông tin… Xây dựng, hiện đại hóa các trung tâm thương mại, trung tâm hội chợ, triển lãm trên địa bàn tỉnh. Phát triển mạnh các hoạt động xuất nhập khẩu với sự tham gia của mọi thành phần kinh tế. Phát triển thị trường tài chính, hệ thống ngân hàng, bảo hiểm, kiểm toán . Xây dựng khu du lịch Mẫu Sơn trở thành điểm du lịch quốc gia, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu di tích danh thắng Tam- Nhị Thanh, Thành Nhà Mạc, khu du lịch Đèo Giang - Văn Vỉ... đa dạng hoá các hình thức du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.
b) Lĩnh vực công nghiệp - xây dựng:
Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có công nghệ kỹ thuật tiên tiến. Gắn kết chặt chẽ các cơ sở chế biến nông lâm sản với việc phát triển các vùng nguyên liệu. Đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế như sản xuất vật liệu xây dựng, điện, khai thác than, công nghiệp cơ khí, điện tử. Tổ chức khai thác có hiệu quả Khu công nghiệp Đồng Bành, Khu công nghiệp Na Dương, Khu hợp tác kinh tế biên giới Đồng Đăng - Lạng Sơn. Quy hoạch và xây dựng thêm một số khu, cụm công nghiệp tập trung. Khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản và thực phẩm quy mô vừa và nhỏ.
c) Lĩnh vực nông, lâm nghiệp và nông thôn:
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển các vùng chuyên canh tập trung để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp trên một đơn vị diện tích; ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, bảo quản và chế biến.
Mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; đa dạng hoá sản phẩm và cơ cấu ngành nghề ở khu vực nông thôn theo hướng sản xuất hàng hoá. Đầu tư xây dựng và phát triển các vùng sản xuất hàng hoá nông nghiệp sạch phục vụ nhu cầu dân cư đô thị và các cụm công nghiệp tập trung. Phát triển mạnh kinh tế đồi rừng, kinh tế trang trại với quy mô sản xuất hàng hoá.
Bảo vệ diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ hiện có. Tăng cường khoanh nuôi tái sinh rừng, trồng rừng mới, trồng rừng cảnh quan dọc đường quốc lộ, các khu du lịch, nghỉ dưỡng. Xây dựng kế hoạch khai thác hợp lý vốn rừng, không làm suy thoái tài nguyên rừng. Tập trung phát triển một số cây ăn quả có giá trị kinh tế cao.
Nâng cấp, xây dựng mới các cụm công trình thuỷ lợi đảm bảo đáp dúng được yêu cầu sản xuất nông, lâm nghiệp.
d) Xây dựng kết cấu hạ tầng:
Hoàn chỉnh các tuyến đường quốc lộ với quy mô cấp 3 miền núi. Xây dựng tuyến đường cao tốc quốc lộ 1A Lạng Sơn - Hà Nội, đường sắt cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn. Nhựa hoá, bê tông hoá các tuyến đường giao thông nông thôn. Xây dựng mới một số tuyến đường giao thông vành đai và một số tuyến chính đường nội thị thành phố Lạng Sơn phục vụ cho việc mở rộng và phát triển các khu đô thị, khu công nghiệp. Đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến đường nối với các Khu kinh tế cửa khẩu, các khu, cụm công nghiệp tập trung của tỉnh. Hoàn thiện hệ thống đường vành đai biên giới, đường tuần tra biên giới. Phát triển và mở rộng hệ thống xe buýt nội tỉnh, liên tỉnh. Xây dựng hệ thống bến xe khách, bến bãi xe khu vực thành phố, các thị trấn, thị tứ.
Hoàn thiện hệ thống cấp, thoát nước đô thị, đảm bảo 100% dân số được sử dụng nước sạch. Tiếp tục đầu tư xây dựng các nhà máy nhiệt điện, thuỷ điện, hệ thống lưới điện đáp ứng đầy đủ nhu cầu sản xuất và đời sống. Từng bước đầu tư hiện đại hoá mạng lưới bưu chính viễn thông, phát triển hệ thống thông tin liên lạc đến các thôn, bản.
đ) Khoa học - công nghệ, môi trường sinh thái
Đẩy mạnh việc nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất và đời sống. Ưu tiên ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, tốn ít nguyên, nhiên liệu (công nghệ sinh học, sản xuất vật liệu mới, công nghệ thông tin, chế biến nông lâm sản ...).
Ứng dụng công nghệ xử lý chất thải để giảm thiểu ô nhiễm môi trường; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, hệ thống tiêu chuẩn về đảm bảo môi trường tại các cơ quan, đơn vị, các khu, cụm công nghiệp tập trung, khu vực đô thị. Khai thác, sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên đất, nước và các loại tài nguyên khoáng sản khác.
e) Các lĩnh vực xã hội:
- Giáo dục - đào tạo:
Đẩy mạnh phát triển giáo dục - đào tạo, nâng cao trình độ dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục - đào tạo. Tiếp tục đầu tư hệ thống trường dân tộc nội trú, mở thêm trường bán trú, trường trung học phổ thông ở một số trung tâm cụm xã, hoàn thành phổ cập trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh. Hiện đại hoá từng bước hệ thống trường học.
Mở rộng quy mô các Trường đại học Lạng Sơn, Cao đẳng Kinh tế, Cao đẳng Y tế theo hướng đa năng. Tăng quy mô đào tạo các ngành nghề theo địa chỉ, đào tạo hệ cử tuyển. Tiếp tục xã hội hoá mạnh mẽ công tác đào tạo nghề theo hướng chuyên môn, kỹ thuật cao cho người lao động, đáp ứng yêu cầu của công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Năm 2020 có 40-45% lực lượng lao động được đào tạo.
- Chăm sóc sức khoẻ nhân dân:
Mở rộng và nâng cao chất lượng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ từ tỉnh đến cơ sở; phấn đấu giảm tỷ lệ mắc các loại bệnh; nâng cao thể lực, tăng tuổi thọ bình quân; kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, duy trì và nâng cao kết quả phòng bệnh, đẩy lùi đại dịch HIV/AIDS.
Từng bước hiện đại hoá cơ sở vật chất và trang thiết bị ngành y tế; xây dựng Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh, Bệnh viện y học cổ truyền, Bệnh viện điều dưỡng - phục hồi chức năng, Trung tâm y tế dự phòng có trang thiết bị hiện đại, trình độ chuyên môn cao.
Tiếp tục thực hiện xã hội hoá công tác y tế, đa dạng hoá các loại hình dịch vụ chăm sóc sức khoẻ nhân dân; khuyến khích phát triển y tế ngoài công lập, trọng tâm phát triển các bệnh viện, phòng khám đa khoa tư nhân hoặc liên doanh, liên kết.
- Văn hoá thông tin, phát thanh truyền hình, thể dục thể thao:
Nâng cao chất lượng các hoạt động văn hoá, thông tin, văn học, nghệ thuật, nếp sống văn hoá, xây dựng và củng cố các thiết chế văn hoá ở cơ sở nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về hưởng thụ văn hoá của các tầng lớp nhân dân; đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá.
Nâng cao chất lượng phủ sóng phát thanh và truyền hình trên toàn tỉnh, tăng thời lượng phát sóng bằng tiếng dân tộc.
Tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật cho ngành thể thao. Phát triển phong trào thể dục - thể thao quần chúng, quan tâm các môn thể thao thành tích cao.
- Dân số, lao động, việc làm và xoá đói giảm nghèo:
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình dân số kế hoạch hoá gia đình, giảm tỷ lệ sinh hàng năm khoảng 0,2- 0,3‰, tỷ lệ tăng dân số chung 0,6% vào năm 2020. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về dân số kế hoạch hoá gia đình, chăm sóc sức khoẻ sinh sản. Hiện đại hoá các Trung tâm dân số - kế hoạch hoá gia đình.
Khuyến khích và hỗ trợ người lao động tự tạo việc làm; hình thành hệ thống dịch vụ cung ứng lao động; tiếp tục phấn đấu giảm tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị, tăng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn.
Chuyển dịch cơ cấu dân số giữa thành thị và nông thôn, cơ cấu lao động cho phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Tạo cơ hội bình đẳng về việc làm, thu nhập, mức sống, hưởng thụ phúc lợi xã hội cho các tầng lớp dân cư. Đẩy mạnh thực hiện chương trình xoá đói giảm nghèo, rút ngắn khoảng cách giữa các khu vực, các vùng.
4. Phát triển kinh tế gắn với an ninh quốc phòng
Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với việc củng cố và tăng cường khả năng an ninh quốc phòng. Xây dựng tỉnh Lạng Sơn thành khu vực phòng thủ vững chắc. Đẩy mạnh thực hiện chương trình phòng chống tội phạm, phát triển thế trận an ninh nhân dân, đảm bảo an ninh chính trị, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.
5. Định hướng tổ chức không gian lãnh thổ
a) Phát triển các vùng kinh tế
Vùng kinh tế động lực thành phố Lạng Sơn - Đồng Đăng: Quy hoạch và phát triển vùng kinh tế động lực của tỉnh gồm thành phố Lạng Sơn, thị xã Đồng Đăng và các Khu kinh tế cửa khẩu trở thành trung tâm thương mại, du lịch, dịch vụ của cả nước. Tập trung các hoạt động xuất nhập khẩu, du lịch, dịch vụ, xây dựng các trung tâm thương mại, giao dịch, buôn bán, văn phòng đại diện, các cơ sở dịch vụ. Hình thành Khu hợp tác kinh tế biên giới giữa Lạng Sơn và Quảng Tây (Trung Quốc).
Vùng kinh tế Hữu Lũng - Chi Lăng, xác định đây là vùng kinh tế trọng điểm, khu công nghiệp tập trung của tỉnh, phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng. Vùng trồng rừng, chuyên canh tập trung cây ăn quả..
Vùng kinh tế Lộc Bình- Đình Lập, là khu công nghiệp tập trung, trung tâm là thị trấn Na Dương với các cơ sở công nghiệp khai thác than, nhiệt điện, chế biến gỗ, chè, nhựa thông,... phát triển các hoạt động thương mại- dịch vụ tại khu Khu kinh tế cửa khẩu Chi Ma và cửa khẩu Bản Chắt, xây dựng điểm du lịch quốc gia Mẫu Sơn. Vùng nguyên liệu tập trung, phát triển kinh tế đồi rừng, chăn nuôi trâu, bò.
Vùng kinh tế Văn Quan- Bình Gia- Bắc Sơn, tập trung các vùng chuyên canh tập trung như: hồi, cây ăn quả (quýt, mơ, mận,…), đỗ tương, thuốc lá, phát triển đàn bò. Phát triển công nghiệp chế biến đá ốp lát, thức ăn gia súc, gỗ, thuỷ điện... Phát triển du lịch ở các khu căn cứ cách mạng Bắc Sơn, hệ thống hang động, khu bảo tồn thiên nhiên Mỏ Rẹ.
Vùng kinh tế Văn Lãng - Tràng Định, là vùng chuyên canh các cây lương thực, tập trung các cơ sở công nghiệp chế biến giấy, bột giấy, khai thác nước khoáng, thuỷ điện,… phát triển thương mại- dịch vụ
b) Phát triển đô thị và nông thôn:
- Quy hoạch phát triển đô thị:
Phát triển các đô thị đồng bộ với phát triển các khu công nghiệp, các vùng kinh tế động lực, vùng kinh tế trọng điểm. Quy hoạch xây dựng thành phố Lạng Sơn đạt tiêu chuẩn đô thị loại II.
Phát triển và mở rộng qui mô dân số ở các thị trấn. Tiến hành qui hoạch chi tiết xây dựng các thị trấn, huyện lỵ, với qui mô dân cư từ 10.000-20.000 dân. Xây dựng các khu đô thị mới, khu dân cư tập trung có qui mô dân số từ 5.000-8.000 người ở các Khu kinh tế cửa khẩu, các khu, cụm công nghiệp tập trung của tỉnh. Dự kiến tỷ lệ dân số thành thị sẽ tăng từ 30-32% năm 2010 lên 38- 40% năm 2020.
- Qui hoạch phát triển các điểm dân cư nông thôn:
Qui hoạch các điểm dân cư nông thôn gắn với qui hoạch kết cấu hạ tầng để hình thành các thị trấn, thị tứ, trung tâm cụm xã. Tỷ lệ dân số khu vực nông thôn giảm dần từ 68-70% vào năm 2010 xuống còn 58-60% vào năm 2020.
Điều 2. Các Sở, Ban, ngành, huyện, thành phố tổ chức xây dựng Kế hoạch phát triển 5 năm, các quy hoạch chuyên ngành, lĩnh vực, sản phẩm của ngành, địa bàn mình quản lý, đảm bảo phù hợp với nội dung Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lạng Sơn đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020. Giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các Sở, ngành, huyện, thành phố thực hiện theo Quy hoạch; tổng hợp, đánh giá tiến trình thực hiện Quy hoạch, định kỳ báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |
- 1 Quyết định 19/2019/QĐ-UBND bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn
- 2 Quyết định 157/QĐ-UBND năm 2020 công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn
- 3 Quyết định 157/QĐ-UBND năm 2020 công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn
- 1 Quyết định 40/2012/QĐ-UBND về Quy định trình tự lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu cấp tỉnh do Ủy ban nhân dân tỉnh BìnhThuận ban hành
- 2 Nghị quyết 57/2006/NQ-HĐND thông qua phương án điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lạng Sơn đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020
- 3 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 4 Chỉ thị 32 /1998/CT-TTg về công tác quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ đến 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 1 Quyết định 40/2012/QĐ-UBND về Quy định trình tự lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu cấp tỉnh do Ủy ban nhân dân tỉnh BìnhThuận ban hành
- 2 Quyết định 19/2019/QĐ-UBND bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn
- 3 Quyết định 157/QĐ-UBND năm 2020 công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn