Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 15/2008/QĐ-UBND

Vũng Tàu, ngày 08 tháng 04 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG TIỀN THU PHẠT TỪ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG CÁC LĨNH VỰC GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ VÀ ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 146/2007/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2007 của Chính phủ quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ;

Căn cứ Nghị định 09/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa;

Căn cứ Nghị định số 124/2005/NĐ-CP ngày 06 tháng 10 năm 2005 của Chính phủ quy định về biên lai thu tiền phạt và quản lý, sử dụng tiền nộp phạt vi phạm hành chính;

Căn cứ Thông tư số 89/2007/TT-BTC ngày 25 tháng 7 năm 2007 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn việc thu, nộp tiền phạt, quản lý và sử dụng tiền thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa;

Theo đề nghị của Sở Tài chính tại Công văn số 240/STC-NS ngày 23 tháng 01 năm 2008,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Quyết định này kèm theo “Quy định về quản lý và sử dụng tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực giao thông đường bộ và đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu”.

Điều 2. Hiệu lực thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

2. Việc áp dụng các mức chi cụ thể theo quy định ban hành kèm theo Quyết định này được thực hiện từ ngày 23 tháng 8 năm 2007.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Tài chính, Giao thông vận tải; Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh; Giám đốc Công an tỉnh; Trưởng Ban an toàn giao thông; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Ngọc Thới

 

QUY ĐỊNH

VỀ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG TIỀN THU TỪ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG CÁC LĨNH VỰC GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ VÀ ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA TRÊN DỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 15/2008/QĐ-UBND ngày 08 tháng 4 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)

Điều 1. Phạm vi áp dụng

Quyết định này quy định việc quản lý và sử dụng tiền thu xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Điều 2. Phân bổ tiền thu phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông như sau:

1. Tỷ lệ phân bổ cụ thể để chi bồi dưỡng, mua sắm trang thiết bị đảm bảo trật tự an toàn giao thông của lực lượng Công an (gồm Công an tỉnh, huyện, thị xã, thành phố, Công an xã, phường, thị trấn):

Trích 70% trên tổng số tiền thu phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường bộ và đường thủy nội địa cho Công an tỉnh, số được trích này coi là 100%, sử dụng như sau:

a) Dành 70% cho các nội dung chi như sau:

- Chi bồi dưỡng cho lực lượng trực tiếp tham gia công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông:

+ Chi bồi dưỡng cho lực lượng trực tiếp tham gia thường xuyên từ 700.000 đồng đến 1.500.000 đồng/người/tháng, mức chi cụ thể cho từng đối tượng do Giám đốc Công an tỉnh quyết định.

+ Cán bộ trực tiếp tham gia công tác đảm bảo an toàn giao thông vào ban đêm (bao gồm cả lực lượng Công an chống đua xe trái phép vào ban đêm, cán bộ điều tra xử lý tai nạn giao thông thuộc lực lượng cảnh sát giao thông) được bồi dưỡng thêm 100.000 đồng/người/ca.

- Các nội dung còn lại thực hiện theo quy định tại tiết a, c, d, đ, e, g - điểm 1.1 - khoản 1 - phần IV –Thông tư 89/2007/TT-BTC ngày 25 tháng 7 năm 2007.

b) Dành 30% để mua sắm trang thiết bị phục vụ cho công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Việc mua sắm thực hiện theo định mức, tiêu chuẩn, chế độ hiện hành.

2. Tỷ lệ phân bổ cụ thể để chi bồi dưỡng, mua sắm trang thiết bị đảm bảo trật tự an toàn giao thông của lực lượng Thanh tra giao thông:

Trích 8% trên tổng số tiền thu phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường bộ và đường thủy nội địa cho lực lượng Thanh tra giao thông hoạt động tại địa phương (bao gồm cả việc hỗ trợ kinh phí cho lực lượng Thanh tra giao thông vận tải của Trung ương đóng trên địa bàn và kinh phí trích lại cho Cảng vụ đường thủy nội địa), mức trích và nội dung chi cụ thể như sau:

a) Trích lại cho Cảng vụ đường thủy nội địa bằng 2% trên tổng số thu phạt nhưng tổng số tiền trích không quá 40% số thực thu tiền phạt nộp vào ngân sách do Cảng vụ đường thuỷ nội địa thực hiện.

b) Số còn lại được coi là 100% và sử dụng như sau:

- Dành 30% chi bồi dưỡng cho lực lượng trực tiếp tham gia công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, mức chi cụ thể như sau:

+ Chi bồi dưỡng cho lực lượng trực tiếp tham gia thường xuyên từ 700.000 đồng đến 1.500.000 đồng/người/tháng, mức chi cụ thể cho từng đối tượng do Giám đốc Sở Giao thông vận tải quyết định.

+ Cán bộ trực tiếp tham gia công tác đảm bảo an toàn giao thông vào ban đêm được bồi dưỡng thêm 100.000 đồng/người/ca.

- Dành 40% chi theo quy định tại tiết a, c, d, đ, e, g - điểm 1.1- khoản 1- phần IV – Thông tư 89/2007/TT-BTC ngày 25 tháng 7 năm 2007.

- Dành 30% để mua sắm trang thiết bị phục vụ cho công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Việc mua sắm thực hiện theo định mức, tiêu chuẩn, chế độ hiện hành.

- Trích 10% cho Ban an toàn giao thông tỉnh, việc sử dụng khoản kinh phí này do Trưởng Ban an toàn giao thông tỉnh trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định theo nội dung chi được nêu tại điểm 2 phần IV của Thông tư 89/2007/TT-BTC .

4. Trích 1,5% cho Kho bạc Nhà nước tỉnh để chi phí cho việc tổ chức thực hiện thu phạt (bao gồm cả cơ quan được Kho bạc Nhà nước ủy quyền thu phạt).

5. Trích 0,5% cho Sở Tài chính thực hiện việc theo dõi, quản lý, báo cáo, cấp phát quyết toán kinh phí từ nguồn thu phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông; chi bồi dưỡng cho cán bộ trực tiếp theo dõi, quản lý số tiền thu phạt trật tự an toàn giao thông.

6. Trích 10% cho các lực lượng khác trực tiếp tham gia vào công tác trật tự an toàn giao thông tại các huyện, thị xã, thành phố và xã, phường, thị trấn (trừ lực lượng Công an và Thanh tra giao thông vận tải địa phương).

Sở Tài chính cấp bổ sung kinh phí cho ngân sách huyện, thị, thành phố, theo tỷ trọng số thu thực hiện trên từng địa bàn để sử dụng cho các nội dung sau:

- Bổ sung, hỗ trợ kinh phí mua sắm phương tiện, gắn biển báo, trang thiết bị phục vụ cho công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

- Chi bồi dưỡng cho các lực lượng khác được huy động tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông, mức chi không quá 2 lần tiền lương tối thiểu chung.

- Chi khác phục vụ cho công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Việc sử dụng các khoản chi này do cơ quan tài chính đề nghị Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định.

Điều 3. Lập dự toán, cấp phát và quyết toán kinh phí từ nguồn thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông được thực hiện sau

Các đơn vị được thụ hưởng tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông, căn cứ tình hình sử dụng tiền thu phạt năm trước, dự kiến khả năng thu năm kế hoạch tiến hành lập kế hoạch sử dụng theo định mức, chế độ quy định tại Thông tư 89/2007/TT-BTC và mức phân bổ do Ủy ban nhân dân tỉnh quy định gửi cơ quan tài chính thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

Điều 4. Cấp phát kinh phí:

Vào ngày 5 hàng tháng, Kho bạc Nhà nước tỉnh có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho Sở tài chính về số thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông của tháng trước. Căn cứ số thu do Kho bạc Nhà nước thông báo và dự toán được duyệt của các đơn vị, Sở Tài chính phân bổ và thực hiện cấp phát kinh phí cho các lực lượng tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông theo mức và nội dung quy định trên.

Điều 5. Quyết toán kinh phí:

Các đơn vị thụ hưởng kinh phí từ nguồn xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông quyết toán theo quy định hiện hành tại Thông tư số 01/2007/TT-BTC ngày 02 tháng 01 năm 2007 của Bộ Tài chính về hướng dẫn xét duyệt, thẩm định và thông báo quyết toán năm đối với các cơ quan hành chính sự nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức được ngân sách cấp.

Việc quản lý và sử dụng tiền thu phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông của các đơn vị được thực hiện theo quy định tại phần IV – Thông tư 89/2007/TT-BTC ngày 25 tháng 7 năm 2007 của Bộ Tài chính./.