Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 15/2015/QĐ-UBND

Lào Cai, ngày 10 tháng 04 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH CÁC NỘI DUNG ĐẦU TƯ HỖ TRỢ CHƯƠNG TRÌNH 135 ĐỐI VỚI CÁC XÃ ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN, XÃ BIÊN GIỚI, CÁC THÔN, BẢN ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI NĂM 2015

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND,UBND ngày 26/11/2004;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 05/2013/TTLT-UBDT-NNPTNT-KHĐT-TC-XD ngày 18/11/2013 của Uỷ ban Dân tộc, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện Chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn;

Căn cứ Thông tư 46/2014/TT-BNNPTNT ngày 05/12/2014 củ Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn thực hiện một số nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất quy định tại quyết định số 551/QĐ-TTg ngày 04/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn;

Thực hiện Quyết định số 551/QĐ-TTg ngày 04/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toan khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn;

Thực hiện Quyết định số 2405/QĐ-TTg ngày 10/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 năm 2014 và 2015; Quyết định số 582/QĐ-UBDT ngày 18/12/2013 của Uỷ ban Dân tộc phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi vào diện đầu tư của Chương trình 135;

Thực hiện Văn bản số 314/HĐND-TT ngày 27/12/2014 của HĐND tỉnh Lào Cai về việc thỏa thuận Tờ trình của UBND tỉnh Lào Cai;

Theo đề nghị của Trưởng Ban Dân tộc tỉnh tại Tờ trình số 05/TTr-BDT ngày 12/02/2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Quyết định này Quy định các nội dung đầu tư hỗ trợ Chương trình 135 đối với các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, các thôn, bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm 2015.

2. Đối tượng áp dụng

Các cơ quan tổ chức và cá nhân có liên quan được giao nhiệm vụ quản lý, giám sát thực hiện Chương trình 135; các hộ gia đình, cá nhân tại các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới và thôn, bản đặc biệt khó khăn được thụ hưởng chính sách hỗ trợ đầu tư từ Chương trình 135.

3. Những nội dung không nêu trong Quyết định này được thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 05/2013/TTLT-UBDT-NNPTNT-KHĐT-TC-XD ngày 18/11/2013 của Uỷ ban Dân tộc, Bộ nông nghiệp và PTNT, Bộ kế hoạch – Đầu tư, Bộ tài chính, Bộ Xây dựng hướng dẫn việc thực hiện Chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn; xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, các bản đặc biệt khó khăn; Thông tư 46/2014/TT-BNNPTNT ngày 05/12/2014 của Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn thực hiện một số nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất quy định tại Quyết định số 551/QĐ/TTg ngày 04/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn khác còn hiệu lực thi hành.

Điều 2. Nguồn vốn, nguyên tắc quản lý và lập kế hoạch

1. Chương trình 135 được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn: Vốn ngân sách Trung ương (NSTW), vốn ngân sách địa phương (NSĐP), vốn huy động đóng góp từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các nguồn vốn hợp pháp khác.

2. Vốn đầu tư hàng năm thực hiện phân bổ cho các xã, thôn thuộc Chương trình 135 theo mức độ khó khăn (Hệ số K), dựa trên các yếu tố như: Số thôn bản đặc biệt khó khăn, Số hộ nghèo (số tuyệt đối), vị trí địa lý, diện tích, dân số, điều kiện đặc thù của từng xã.

3.Thực hiện Chương trình 135 đảm bảo tính công khai, dân chủ, phát huy mạnh mẽ sự tham gia của người dân. UBND xã thông báo công khai, minh bạch về đối tượng thụ hưởng, mức vốn kế hoạch, quyết toán kinh phí hàng năm và cả giai đoạn của Chương trình.

4. Việc lập kế hoạch hàng năm và cả giai đoạn phải tổ chức họp lấy ý kiến của nhân dân. UBND cấp xã tổng hợp, thông qua Hội đồng nhân dân cùng cấp (ở những nơi có tổ chức hội đồng nhân dân), trình UBND cấp huyện phê duyệt. Ưu tiên đầu tư những công trình, nội dung hỗ trợ tác động trực tiếp đến việc giảm nghèo. Kế hoạch thực hiện Chương trình 135 phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, gắn với tiêu chí nông thôn mới và phải có ý kiến thống nhất của cơ quan thường trực Chương trình 135 cấp tỉnh. Ngoài việc thực hiện ở tất cả các xã thôn ĐBKK, cần tập trung ưu tiên nguồn lực chỉ đạo điểm thực hiện ở một số xã, thôn để rút kinh nghiệm. Các công trình phải được bố trí vốn để hoàn thành dứt điểm trong thời gian một năm, tối đa không quá hai năm.

5. Tăng cường phân cấp cho UBND xã quản lý các dự án của Chương trình 135. Tăng cường năng lực lập kế hoạch, quản lý đầu tư cũng như việc kiểm tra, giám sát cho cấp xã được thụ hưởng chương trình. UBND cấp huyện có trách nhiệm hướng dẫn và bố trí cán bộ giúp đỡ để UBND xã trực tiếp quản lý dự án. Các nhà thầu thi công phải ưu tiên sử dụng lao động trong xã để gắn quyền lợi, trách nhiệm và tạo việc làm thu nhập cho nhân dân địa phương; chủ đầu tư chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng nguồn vốn đảm bảo đúng nội dung, mục đích và có hiệu quả.

Điều 3. Định mức phân bổ vốn

1. Đối với cấp huyện

Tổng vốn phân bổ cho từng huyện bằng số xã, thôn ĐBKK nhận định mức đầu tư hàng năm của Chính phủ đối với từng dự án cho 01 xã và 01 thôn.

2. Đối với cấp xã

Tổng số vốn phân bổ cho từng xã tổng số vốn của các dự án, trong đó:

a) Đối với dự án Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng

- Hệ số mức phân bổ vốn: Căn cứ vị trí địa lý, số thôn, bản đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo điều kiện cơ sở hạ tầng. UBND huyện phân xếp phân loại các xã được thụ hưởng Chương trình 135 thành 3 mức: Xã khó khăn nhất (loại I, tương ứng hệ số K = 1,2); xã khó khăn trung bình (loại II, tương ứng hệ số K = 1,0); xã ít khó khăn hơn là những xã còn lại (loại III, tương ứng hệ số K= 0,8).

- Mức vốn phân bổ.

Vốn đầu tư cơ sở hạ tầng

=

Mức vốn bình quân của dự án

x

Hệ số tương ứng đối với từng loại xã

Trong đó:

Mức vốn bình quân của dự án

=

Số xã ĐBKK x (Mức vốn bình quân Chính phủ giao/1 xã)

(Số xã loại I x 1,2)+(Số xã loại II x 1,0)+(số xã loại III x 0,8)

b)Đối với dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất

Vốn bố trí hỗ trợ phát triển sản xuất cho 01 xã

=

Số hộ nghèo và cận nghèo của xã

x

Định mức trung bình hỗ trợ cho 01 hộ

Trong đó: Mức trung bình hỗ trợ cho 01 hộ bằng tổng số kinh phí của dự án (của 01 huyện) theo định mức bình quân được TW phân bổ chia cho tổng số hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện.

3. Đối với thôn, bản ĐBKK

Căn cứ định mức vốn Trung ương giao hàng năm, trên cơ sở đề nghị của xã, thôn và căn cứ vào điều kiện thực tế từng thôn để phân vốn cho phù hợp (danh sách thôn ĐBKK thuộc diện được đầu tư Chương trình 135 được phê duyệt tại Quyết định số 582/QĐ-UBDT ngày 18/12/2013 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc)

Điều 4. Nội dung, định mức hỗ trợ, quy trình lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch và tổ chức thực hiện dự án phát triển sản xuất

1. Nội dung, định mức hỗ trợ:

1.1. Hỗ trợ các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công giúp người dân nâng cao kiến thức phát triển sản xuất kinh tế hộ gia đình, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tiếp cận tín dụng, thông tin thị trường, sử dụng đất đai có hiệu quả.

a) Bồi dưỡng, tập huấn và truyền nghề: Không quá 3 ngày/lớp tập huấn

Áp dụng theo khoản 1, điều 5 Thông tư số 183/2010/TTLT-BTC-BNN ngày 15/11/2010 của liên Bộ: Tài chính - Nông nghiệp và PTNT về việc Hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cấp đối với hoạt động khuyến nông;

b) Hỗ trợ tham quan học tập kinh nghiệm sản xuất trong và ngoài tỉnh: tham quan trong tỉnh tối đa không quá 3 ngày, ngoài tỉnh không quá 5 ngày. Mức chi phí áp dụng theo Quyết định số 12/2011/QĐ-UBND ngày 30/3/2011 của UBND tỉnh Lào Cai về Ban hành Quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

c) Hỗ trợ thông tin tuyên truyền: Áp dụng theo khoản 2, điều 5 Thông tư số 183/2010/TTLT-BTC-BNN ngày 15/11/2010.

1.2. Hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản có năng suất, chất lượng, có giá trị cao trên thị trường theo nguyện vọng của người dân và phù hợp với điều kiện của địa phương; hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, vắc xin tiêm phòng các dịch bệnh nguy hiểm cho gia súc, gia cầm vật nuôi, cải tạo diện tích nuôi trồng thủy sản. Quy mô hỗ trợ như sau:

a) Giống cây trồng

- Cây nông nghiệp ngắn ngày: lương thực, rau, hoa, cây hoa màu theo hình thức tập trung, an toàn có diện tích canh tác 0,1 ha/hộ; cây thuốc lá 0,2 ha/hộ; cây dược liệu 0,2 ha/hộ.

- Cây lâm nghiệp quy mô không quá 0,2 ha/hộ;

- Cây công nghiệp,ăn quả không quá 0,1 ha/hộ.

- Hỗ trợ trồng cỏ phát triển chăn nuôi cho các hộ gia đình có diện tích trồng cỏ tối thiểu 360 m2/hộ và tối đa không quá 2.000 m2/hộ. Mức hỗ trợ là 0,4 triệu đồng/ha đất trồng cỏ.

b) Hỗ trợ giống vật nuôi :

- Đối với đại gia súc: 0,1 con/hộ;

- Tiểu gia súc: không quá 0,2 con/hộ;

- Gia cầm, thủy cầm: không quá 100 con/hộ;

c) Hỗ trợ phát triển thủy sản: hỗ trợ cải tạo diện tích nuôi trồng thủy sản (chi phí cho cải tạo đắp bờ, mương máng, mua bán hóa chất và các chế phẩm sinh hoặc cải tạo môi trường, mua phân bón lót và chuẩn bị ao trước khi thả giống: 1,5 triệu đồng/hộ có diện tích ao nuôi từ 100 m2 trở lên.

Hỗ trợ một lần toàn bộ tiền mua giống thủy sản khi chuyển đổi các loài thủy sản mới. Mức hỗ trợ được thanh toán thực tế tối đa không quá 02 triệu đồng/1.000 m2 mặt nước.

d) Hỗ trợ vật tư, thuốc bảo vệ thực vật, thú y:

- Phân bón: hỗ trợ không quá 200 kg/hộ;

- Thuốc bảo vệ thực vật, thú y: tùy theo chủng loại nhưng giá trị không quá 500.000 đồng/hộ.

e) Hỗ trợ một lần làm chuồng trại (gồm nền, mái, hố ga): 2triệu đồng/hộ.

1.3. Hỗ trợ xây dựng mô hình phát triển sản xuất; hợp tác với các tổ chức và doanh nghiệp, áp dụng tiến bộ khoa học thuật vào sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, chế biến nông, lâm, thủy sản gắn với bảo quản, tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ tạo điều kiện cho người dân tham quan học tập nhân rộng mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả.

Áp dụng theo khoản 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11 điều 5 Thông tư số 183/2010/TTLT-BTC-BNN ngày 15/11/2010

1.4. Hỗ trợ mua sắm trang thiết bị, máy móc, công cụ sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch.

- Đối với hộ nghèo, cận nghèo hỗ trợ tối đa không quá 7 triệu đồng/hộ. Bao gồm: chi phí mua máy; kinh phí vận chuyển, thẩm định giá, chuyển giao công nghệ (nếu có).

- Đối với máy móc thiết bị có giá trị lớn từ 10 triệu đồng trở lên phải tổ chức theo nhóm hộ.

1.5. Hỗ trợ nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý phát triển sản xuất, cán bộ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư về dịch vụ bảo vệ thực vật, thú y, vệ sinh an toàn thực vật; giúp hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận các dịch vụ, kiến thức khoa học kỹ thuật, nâng cao nhận thức và vận dụng vào kế hoạch sản xuất của hộ, nhóm hộ đã được xác định để phát triển sản xuất trên địa bàn xã.

Áp dụng theo Thông tư Thông tư số 139/2010/BTC ngày 21/9/2010 của Bộ Tài chính về việc Quy định việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức.

1.6. Định mức hỗ trợ tối đa cho 01 hộ nghèo, cận nghèo không quá 7 triệu đồng/hộ/năm; Đối với các hộ không phải hộ nghèo mức hỗ trợ không quá 5 triệu đồng/hộ/năm. Riêng các xã thuộc huyện nghèo theo chương trình 30a, mức hỗ trợ áp dụng theo Quyết định 1200/QĐ-UBND ngày 29/4/2014 của UBND tỉnh Lào Cai về việc quy định mức hỗ trợ phát triển sản xuất theo quy định tại Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

2. Quy trình lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch hỗ trợ sản xuất và tổ chức thực hiện: Thực hiện theo Thông tư 46/TT-BNN ngày 05/12/2014 của Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn thực hiện một số nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất quy định tại Quyết định số 551/QĐ-TTg ngày 04/4/2013 của thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn.

Điều 5. Nội dung, sơ chế hỗ trợ, trình tự, thủ tục hồ sơ thực hiện dự án đầu tư cơ sở hạ tầng.

1. Nội dung, cơ chế hỗ trợ

- Công trình đường giao thông nông thôn: Mức hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 28/2013/QĐ-UBND ngày 30/7/2013 của UBND tỉnh về quy định đầu tư xây dựng các công trình đường giao thông trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

- Công trình trường mầm non: Vốn ngân sách thuộc Chương trình đầu tư các hạng mục công trình: Phòng học, phòng chức năng, nhà công vụ cho giáo viên, bếp, nhà vệ sinh, kho của từng điểm trường. Các nội dung: Đền bù giải phóng, san tạo mặt bằng; vận chuyển vật liệu xây dựng bằng phương pháp thủ công; xây dựng các hạng mục phụ trợ khác (sân, cổng, tường rào... ) do ngân sách cấp huyện, cấp xã đầu tư và huy động nhân dân tự nguyện đóng góp, đảm bảo công trình được đầu tư hoàn thành;

- Công trình nhà văn hóa xã (hội trường kết hợp văn hóa), nhà văn hóa thôn, trạm y tế xã: Vốn ngân sách thuộc Chương trình hỗ trợ xây dựng các hạng mục của công trình. Các nội dung: đền bù giải phóng mặt bằng; xây dựng các hạng mục phụ trợ khác (cổng, tường rào...) do ngân sách cấp huyện, cấp xã đầu tư và huy động nhân dân tự nguyện đóng góp, đảm bảo công trình được đầu tư hoàn thành. Riêng với xây dựng nhà văn hoá thôn vốn ngân sách thuộc Chương trình hỗ trợ theo mức: xây dựng mới 50 triệu đồng/1nhà; nâng cấp: 20 triệu đồng/1nhà; Tùy vào điều kiện cụ thể của địa phương, UBND cấp huyện, cấp xã có thể hỗ trợ thêm và huy động nhân dân tự nguyện đóng góp, đảm bảo công trình được đầu tư hoàn thành;

- Công trình thủy lợi, nước sạch: Vốn ngân sách thuộc Chương trình hỗ trợ tối đa 90 % tổng mức đầu tư công trình; còn lại do ngân sách cấp huyện, cấp xã có thể hỗ trợ thêm và huy động nhân dân tự nguyện đóng góp, đảm bảo công trình đầu tư được hoàn thành;

- Công trình nhà vệ sinh hộ gia đình: Thực hiện theo Quyết định số 2417/QĐ-UBND ngày 16/9/2013 của UBND tỉnh về phê duyệt và thiết kế mẫu, gia thành, mức hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh cho hộ nghèo, gia đình chính sách và hộ cận nghèo giai đoạn 2013-2015 thuộc chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và VSMT nông thôn tỉnh Lào Cai;

- Các công trình cấp thiết khác thực hiện theo các quy định về đầu tư xây dựng cơ bản hiện hành. UBND các huyện, thành phố căn cứ tình hình thực tế tại địa phương huy động các nguồn vốn khác, vận động nhân dân tự nguyện đóng góp để thực hiện đầu tư các công trình CSHT theo cơ chế hỗ trợ trên.

2. Trình tự, thủ tục hồ sơ: Thực hiện theo Luật xây dựng, và những quy định tại các Mục c, d, đ, e, g, h, i; Khoản 2, Điều 4 của Thông tư liên tịch số 05/2013/TTLT-UBDT-NNPTNT-KHĐT-TC-XD ngày 18/11/2013 của Uỷ ban Dân tộc, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng hướng dẫn hiện Chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn và các văn bản quy định hiện hành.

Điều 6. Kinh phí quản lý chương trình: Do Ngân sách địa phương cân đối hàng năm cho cơ quan thường trực chương trình 135 cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã tối đa không quá 500 triệu đồng/năm

Điều 7. Tổng hợp và sử dụng nguồn vốn đầu tư

Thực hiện theo khoản 2, khoản 3 Điều 5 của Thông tư liên tịch số 05/2013/TTLT-UBDT-NNPTNT-KHĐT-TC-XD ngày 18/11/2013 của Uỷ ban Dân tộc, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện Chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, đặc biệt khó khăn và các văn bản quy định hiện hành.

Điều 8. Tổ chức thực hiện

UBND tỉnh thống nhất quản lý Nhà nước về Chương trình 135 trên địa bàn tỉnh Lài Cai, giao cho các cơ quan, đơn vị chủ trì, tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện Chương trình, cụ thể:

1. Ban Dân tộc tỉnh: Là cơ quan thường trực Chương trình 135 tỉnh chủ trì phối hợp các cơ Sở, ngành tham mưu cho UBND tỉnh quản lý Chương trình và có nhiệm vụ:

a) Thống nhất với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính hướng dẫn huyện lập kế hoạch đầu tư cho cả giai đoạn và hàng năm; tổng hợp trình UBND tỉnh báo cáo Uỷ ban Dân tộc và các Bộ, ngành liên quan;

b) Tổng hợp kế hoạch vốn thực hiện các dự án thuộc Chương trình 135 gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở tài chính để thực hiện lồng ghép các nguồn vốn trên địa bàn;

c) Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư thống nhất kế hoạch điều chỉnh các dự án các huyện đề nghị;

d) Chủ trì phối hợp các ngành tổ chức kiểm tra, thanh tra kết quả thực hiện chương trình, tham mưu UBND tỉnh thực hiện chế độ báo cáo theo quy định của Uỷ ban Dân tộc và các bộ, ngành liên quan;

đ) Lập kế hoạch đề nghị bố trí kinh phí quản lý Chương trình 135 gửi Sở Tài chính thẩm định trình UBND tỉnh xem xét quyết định để thực hiện cho các hoạt động như: tổ chức họp triển khai, sơ kết, tổng kết, công tác kiểm tra, chi phí mua sắm thiết bị, văn phòng phẩm...

e) Hàng năm tổng hợp kết quả rà soát thôn ĐBKK, xã thuộc khu vực I, II, III trình UBND tỉnh xem xét báo cáo Uỷ ban Dân tộc phê duyệt thôn ĐBKK, xã thuộc khu vực I, II, III trước ngày 01/7.

2. Sở Nông nghiệp và PTNT

a) Là cơ quan thường trực chủ trì dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, phối hợp với các sở, ngành liên quan trong tỉnh tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trên địa bàn, chỉ đạo một số mô hình điểm để rút kinh nghiệm chỉ đạo chung. Thống nhất với UBND các huyện, thành phố về kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất.

b) Tổ chức kiểm tra, theo dõi, đôn đốc thực hiện việc tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện dự án gửi cơ quan thường trực chương trình; UBND tỉnh và Bộ Nông nghiệp và PTNT theo quy định.

3. Sở Kế hoạch Đầu tư

a) Phối hợp với Ban Dân tộc để tham mưu UBND tỉnh phân bổ kế hoạch đầu tư hỗ trợ hàng năm cho các huyện, thành phố thực hiện;

b) Phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh thống nhất kế hoạch điều chỉnh các dự án khi các huyện đề nghị;

c) Chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Ban Dân tộc tham mưu UBND tỉnh cân đối nguồn vốn và lồng ghép các nguồn vốn khác để thực hiện các chương trình có hiệu quả.

4. Sở Tài chính

a) Chủ trì phối hợp với các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Dân tộc tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT trình UBND tỉnh phân bổ các nguồn vốn do Sở Tài chính quản lý;

b) Chủ trì dự định dự toán kinh phí quản lý thực hiện chương trình UBND tỉnh xem xét, quyết định;

c) Phối hợp tham gia ý kiến Phương án phân bổ kế hoạch vốn thực hiện Chương trình hàng năm theo quyết định;

d) Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng đơn giá giống cây trồng, vật nuôi trình UBND tỉnh phê duyệt để làm cơ sở cho việc thanh, quyết toán các dự án đầu tư;

đ) Phối hợp thực hiện công tác kiểm tra tình hình thực hiện Chương trình.

5. Sở Xây dựng: Sở Xây dựng căn cứ chức năng nhiệm vụ của ngành tổ chức hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực liên quan trong công tác quản lý nhà nước của ngành xây dựng.

7. Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố (cấp huyện)

a) UBND cấp huyện chịu trách nhiệm toàn diện về kết quả thực hiện chương trình 135 trên địa bàn; trực tiếp làm chủ đầu tư các công trình đầu tư có tính liên hoàn, sử dụng trên địa bàn liên xã hoặc công trình có yêu cầu kỹ thuật cao. Giao phòng Dân tộc làm cơ quan thường trực chung Chương trình 135 của huyện; Phòng Nông nghiệp và PTNT/Kinh tế là cơ quan Thường trực dự án hỗ trợ phát triển sản xuất.

b) Giao kế hoạch chi tiết cho UBND các xã thuộc huyện đầu tư của chương trình 135 theo hệ số phân bổ vốn (K)

- Riêng đối với dự án hỗ trợ phát triển sản xuất UBND huyện tổ chức thẩm định và phê duyệt dự án cho các xã; UBND cấp huyện trước khi ra Quyết định phê duyệt dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã và các chủ đầu tư có văn bản thống nhất kế hoạch của Sở Nông nghiệp và PTNT về các nội dung hỗ trợ.

c) Chỉ đạo, kiểm tra đánh giá kết quả thực hiện các dự án trên địa bàn, thực hiện chế độ thông tin báo cáo định kỳ quý I, 6 tháng, quý III, báo cáo năm gửi UBND tỉnh (qua Ban Dân tộc tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT);

d) UBND cấp huyện cử cán bộ thuộc các phòng ban chuyên môn của huyện giúp xã triển khai thực hiện Chương trình 135 hiệu quả;

đ) Hướng dẫn các xã lập kế hoạch đầu tư chương trình cả giai đoạn và hàng năm; tổng hợp báo cáo UBND tỉnh;

e) Tổng hợp đề nghị UBND tỉnh (qua Ban Dân tộc, Sở Kế hoạch và Đầu tư) điều chỉnh các nội dung đầu tư hỗ trợ (CSHT) phù hợp với thực tế và theo đề nghị của chủ đầu tư;

- Riêng đối với dự án hỗ trợ phát triển sản xuất UBND cấp huyện xem xét ra Quyết định điều chỉnh các nội dung, hạng mục trong tổng hạn mức kế hoạch đã được UBND tỉnh giao hàng năm theo đề nghị của UBND xã và chủ đầu tư.

g) Hàng năm UBND cấp huyện căn cứ các tiêu chí quy định tại Quyết định số 30/2012/QĐ-TTg ngày 18/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ tổ chức rà soát các xã, thôn ĐBKK, lập hồ sơ đề nghị xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn hoặc bổ sung xã, thôn vào diện ĐBKK gửi UBND tỉnh (qua Ban Dân tộc tỉnh) trước ngày 15/6 để tổng hợp báo cáo Uỷ ban Dân tộc xem xét trình cấp có thẩm quyền quyết định.

- Về quy trình rà soát, bổ sung (tăng, giảm) thôn ĐBKK, xã khu vực I, II, III và hồ sơ: Thực hiện theo Thông tư số 01/2012/TT-UBDT ngày 24/10/2012 của Ủy ban Dân tộc về Hướng dẫn thực hiện Quyết định số 30/2012/QĐ-TTg ngày 18/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí xác định thôn ĐBKK, xã thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012-2015.

8. Uỷ ban nhân dân các xã: Chủ đầu tư các dự án

a) Uỷ ban nhân dân xã là chủ đầu tư các dự án trên địa bàn, chịu trách nhiệm về kết quả dự án trên địa bàn;

b) Chịu trách nhiệm, hướng dẫn các thôn lập kế hoạch thực hiện năm, kế hoạch thực hiện giai đoạn (2014-2015), tổ chức hội nghị duyệt kế hoạch năm, kế hoạch cả giai đoạn trình UBND cấp huyện phê duyệt;

c) Đề nghị cấp trên điều chỉnh các nội dung đầu tư hỗ trợ cho phù hợp với thực tế (nếu có);

đ) Tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát các dự án đầu tư trên địa bàn. Thực hiện chế độ thông tin báo cáo định kỳ quý I, 6 tháng, quý III, báo cáo năm gửi UBND huyện (qua phòng Dân tộc, phòng Kinh tế/phòng Nông nghiệp và PTNT).

Điều 9. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Trưởng Ban Dân tộc, Giám đốc các sở: Sở kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và PTNT, Tài chính, Xây dựng, Lao động-TBXH và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này. Ngoài những quy định trên, thực hiện theo Thông tư số 05/2013/TTLT-UBDT-NNPTNT-KHĐT-TC-XD ngày 18/11/2013 của Uỷ ban Dân tộc, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn bản đặc biệt khó khăn;

Quyết định có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành, trong quá trình triển khai, thực hiện có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị phản ánh bằng văn bản về UBND tỉnh (qua Ban Dân tộc tỉnh) để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét,giải quyết./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Doãn Văn Hưởng