Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

 

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Số:150/2007/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 10 tháng 9 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2015, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Xét đề nghị của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) tại tờ trình số 3514/TTr-BCN ngày 27 tháng 7 năm 2007, 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN) Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2025 với nội dung chủ yếu như sau:

1. Quan điểm phát triển

- Vật liệu nổ công nghiệp là hàng hoá, dịch vụ hạn chế kinh doanh do Nhà nước thống nhất quản lý. Quy hoạch phát triển ngành vật liệu nổ công nghiệp phải phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp Việt Nam, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội các địa phương, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế quốc dân về vật liệu nổ công nghiệp và xuất khẩu trong khu vực.

- Xây dựng và phát triển ngành vật liệu nổ công nghiệp trở thành một ngành công nghiệp tiên tiến từ khâu sản xuất nguyên liệu cơ bản đến khâu sản xuất vật liệu nổ công nghiệp, cung ứng và phục vụ dịch vụ nổ hoàn chỉnh, đảm bảo các yêu cầu an toàn, tiện dụng, hiệu quả, bảo vệ môi trường sinh thái và đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

- Đầu tư chiều sâu, khai thác tối đa năng lực hiện có của các cơ sở sản xuất vật liệu nổ công nghiệp và các Trung tâm nghiên cứu. Phát huy nội lực, kết hợp chặt chẽ với các ngành công nghiệp hoá chất và quốc phòng, các lực lượng khoa học và công nghệ của đất nước tham gia nghiên cứu để phát triển ngành vật liệu nổ công nghiệp.

- Mở rộng hợp tác quốc tế, nghiên cứu áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại của thế giới trong lĩnh vực sản xuất, sử dụng và dịch vụ nổ công nghiệp.

- Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế trong việc phát triển ngành vật liệu nổ công nghiệp, nhằm hoàn thành tốt cả 2 nhiệm vụ xây dựng kinh tế và bảo vệ Tổ quốc.

2. Mục tiêu phát triển

- Hoàn thiện, hiện đại hoá dây chuyền sản xuất thuốc nổ nhũ tương hiện có, từng bước loại bỏ dần các loại thuốc nổ truyền thống (trong thành phần có TNT) để sau năm 2010 chỉ sử dụng không quá 5% đến 10% ở những nơi có điều kiện cho phép, kể cả sử dụng vật liệu nổ công nghiệp tái chế từ vật liệu nổ phế thải quốc phòng.

- Đầu tư sản xuất thuốc nổ nhũ tương rời, nhũ tương an toàn chịu nước, sức công phá mạnh cho các mỏ hầm lò có khí Metan và bụi nổ. Nghiên cứu đầu tư sản xuất một số chủng loại thuốc nổ và phụ kiện nổ phục vụ ngành Dầu khí.

- Đầu tư sản xuất Nitrat amôn (NH4NO3) là nguyên liệu chủ yếu sản xuất thuốc nổ, chủ động cung ứng cho các cơ sở sản xuất thuốc nổ. Đầu tư sản xuất một số loại nguyên liệu khác để sản xuất phụ kiện nổ.

- Tổ chức sản xuất vật liệu nổ công nghiệp, mạng lưới kinh doanh, dịch vụ nổ mìn có chuyên môn hóa cao, đáp ứng kịp thời đối với các hộ tiêu thụ, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội.

- Đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực và hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý nhà nước đối với ngành vật liệu nổ công nghiệp.

3. Quy hoạch phát triển

a) Nhu cầu tiêu thụ vật liệu nổ công nghiệp năm 2007 khoảng 98.500 tấn; đến năm 2010 khoảng 120.000 tấn; từ năm 2015 đến năm 2025 tăng dần từ 150.000 tấn thuốc nổ/năm đến khoảng 180.000 tấn thuốc nổ/năm.

b) Mức sản xuất vật liệu nổ công nghiệp

Để đáp ứng đủ về số lượng và chủng loại vật liệu nổ công nghiệp cho nhu cầu trong nước với giả cả hợp lý và có một phần xuất khẩu, dự kiến mức sản xuất vật liệu nổ công nghiệp các năm như sau:

- Đến năm 2010: tăng dần đến khoảng 120.000 tấn thuốc nổ/năm.

- Từ năm 2011 đến năm 2015: tăng dần đến khoảng 150.000 tấn thuốc nổ/năm.

- Từ năm 2016 đến năm 2025: tăng dần đến khoảng 180.000 tấn thuốc nổ/năm.

c) Kế hoạch phát triển

- Giai đoạn 2007-2015: đẩy nhanh việc đầu tư sản xuất Nitrat amôn, thuốc nổ nhũ tương an toàn hầm lò, nhũ tương rời, vật liệu nổ cho ngành Dầu khí, nâng cấp chất lượng các loại thuốc nổ và phụ kiện nổ hiện có.

- Giai đoạn 2016-2025: đầu tư thay đổi công nghệ, nâng cấp chất lượng vật liệu nổ công nghiệp; quy mô và tiến độ đầu tư các dự án tuỳ theo tình hình thực tế của giai đoạn 2007-2015 sẽ được điều chỉnh cho phù hợp.

(Danh mục các dự án đầu tư có Phụ lục kèm theo)

d) Vốn đầu tư

- Tổng vốn đầu tư phát triển ngành vật liệu nổ công nghiệp:

Ước tính nhu cầu vốn đầu tư đến năm 2025 khoảng 1.794 tỷ đồng, trong đó:

+ Giai đoạn 2007-2015 khoảng 1.294 tỷ đồng.

+ Giai đoạn 2016-2025 khoảng 500 tỷ đồng.

- Nguồn vốn đầu tư:

+ Vốn vay và các nguồn vốn khác để đầu tư theo danh mục các dự án được duyệt.

+ Vốn ngân sách nhà nước cho các công tác điều chỉnh Quy hoạch, nghiên cứu ứng dụng, chế tạo thử nghiệm và dự trữ quốc gia vật liệu nổ công nghiệp, thực hiện theo quy định hiện hành.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Công thương, với chức năng quản lý nhà nước về vật liệu nổ công nghiệp, có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện Quy hoạch. Tổ chức danh giá việc thực hiện Quy hoạch, đề xuất điều chỉnh Quy hoạch cho phù hợp với tình hình thực tế; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật và cơ chế chính sách để phát triển ngành vật liệu nổ công nghiệp.

Bộ Công thương phối hợp với Bộ Quốc phòng chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất vật liệu nổ công nghiệp đáp ứng đủ cho nhu cầu của nền kinh tế quốc dân; nghiên cứu, tiếp thu công nghệ để sản xuất vật liệu nổ công nghiệp phục vụ cho ngành Dầu khí.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu chính sách hỗ trợ, cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước cho các công tác điều chỉnh Quy hoạch, nghiên cứu ứng dụng, chế tạo thử nghiệm và dự trữ quốc gia vật liệu nổ công nghiệp.

3. Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Công thương và Bộ Quốc phòng chỉ đạo hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ trong ngành vật liệu nổ công nghiệp, tiếp thu và tổ chức triển khai ứng dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến của khu vực và thế giới để phát triển ngành vật liệu nổ công nghiệp Việt Nam.

4. Bộ Công an phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan chỉ đạo việc đảm bảo về an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ trong sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, sử dụng, bảo quản vật liệu nổ công nghiệp và chống buôn bán trái phép vật liệu nổ công nghiệp.

5. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu bổ sung, sửa đổi chế độ chính sách đối với người lao động trong ngành vật liệu nổ công nghiệp.

6. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, căn cứ Quy hoạch được duyệt tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư sản xuất vật liệu nổ công nghiệp, thực hiện việc quản lý kinh doanh, vận chuyển và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn theo thẩm quyền.

Điểu 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Quyết định số 64/2002/QĐ-TTg ngày 23 tháng 5 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ.

Điểu 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:

- Ban Bí thư Trung ương Đảng;

- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;

- Văn phòng BCĐTW về phòng, chống tham nhũng;

- HĐND, UBND các tỉnh,

  thành phố trực thuộc Trung ương;

- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;

- Văn phòng Chủ tịch nước;

- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;

- Văn phòng Quốc hội;

- Toà án nhân dân tốt cao;

- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;

-  Kiểm toán Nhà nước;

- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;

- VPCP: BTCN, các PCN,

  Website Chính phủ, Ban Điều hành 112,

  Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ,

  các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;

- Lưu: Văn thư, CN (5b).

KT. THỦ TƯỚNG

PHÓ THỦ TƯỚNG

 

 

Hoàng Trung Hải