Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1503/QĐ-BNN-TCTS

Hà Nội, ngày 05 tháng 7 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY PHẠM THỰC HÀNH NUÔI TRỒNG THUỶ SẢN TỐT TẠI VIỆT NAM (VIETGAP)

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 17 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng nghiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Nghị định số 75/2009/NĐ-CP ngày 10/09/2009 của Chính phủ sửa đổi Điều 3 Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03/1/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy phạm thực hành Nuôi trồng thuỷ sản tốt tại Việt Nam (gọi tắt là VietGAP) và Bộ tiêu chí đánh giá VietGAP.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh văn phòng Bộ, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ trưởng, các Thứ trưởng Bộ NN & PTNT;
- Các Bộ: Y tế, KHCN, Công thương;
- Website Bộ NN & PTNT;
- Các đơn vị thuộc Bộ NN & PTNT;
- Lưu: VT, TCTS.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Vũ Văn Tám

 

QUY PHẠM

THỰC HÀNH NUÔI TRỒNG THUỶ SẢN TỐT TẠI VIỆT NAM (VIETGAP)
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1503/QĐ-BNN-TCTS ngày 05 tháng 7 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Chương I.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1.1. Phạm vi điều chỉnh: Quy phạm này áp dụng để thực hành nuôi trồng thuỷ sản tốt, kiểm soát một cách hệ thống các mối nguy nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giảm thiểu tác động đến môi trường sinh thái, quản lý tốt sức khỏe động vật thuỷ sản, thực hiện các trách nhiệm về phúc lợi xã hội và an toàn cho người lao động.

1.2. Đối tượng áp dụng: Quy phạm này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia sản xuất, kinh doanh, kiểm tra và chứng nhận thực hành nuôi trồng thuỷ sản tốt trên lãnh thổ Việt Nam.

2. Giải thích từ ngữ

2.1. Thực hành nuôi trồng thuỷ sản tốt tại Việt Nam (gọi tắt là VietGAP, dịch sang tiếng Anh là Vietnamese Good Aquaculture Practices) là Quy phạm thực hành ứng dụng trong nuôi trồng thủy sản nhằm đảm bảo các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, giảm thiểu dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường sinh thái, đảm bảo trách nhiệm xã hội và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm.

2.2. An toàn sinh học trong nuôi trồng thủy sản là các biện pháp kỹ thuật nhằm ngăn ngừa, hạn chế sự lây nhiễm của các tác nhân sinh học xuất hiện tự nhiên hoặc do con người tạo ra trong các hoạt động nuôi trồng thủy sản có khả năng gây nguy hại đến con người, vật nuôi và hệ sinh thái.

2.3. Cơ sở nuôi là nơi diễn ra hoạt động nuôi trồng thuỷ sản, do tổ chức hoặc cá nhân làm chủ.

2.4. Chứng nhận VietGAP là hoạt động đánh giá và xác nhận việc thực hiện quy trình thực hành sản xuất thủy sản của nhà sản xuất phù hợp với Quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP).

2.5. Tổ chức chứng nhận VietGAP là tổ chức có đủ năng lực và điều kiện theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để thực hiện kiểm tra, chứng nhận thực hành nuôi trồng thủy sản tốt tại Việt Nam.

Chương II.

NỘI DUNG QUY PHẠM

1. Các yêu cầu chung

Các tiêu chuẩn

Tiêu chuẩn

Nội dung kiểm soát

Chuẩn mực tuân thủ

1.1

Yêu cầu pháp lý

 

1.1.1

Hoạt động của cơ sở nuôi phải tuân thủ các quy định của Nhà nước.

Phải có các giấy tờ hợp lệ theo các quy định hiện hành của Nhà nước như: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc quyết định giao đất hoặc hợp đồng cho thuê đất; báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường hoặc đề án bảo vệ môi trường; hồ sơ chứng minh cơ sở nuôi đủ điều kiện sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; hồ sơ chứng minh cơ sở nuôi đáp ứng các yêu cầu về sử dụng lao động.

1.1.2

Cơ sở nuôi phải có hồ sơ đăng ký hoạt động sản xuất hợp lệ.

Phải đăng ký hoạt động sản xuất với cơ quan quản lý có thẩm quyền theo quy định của Nhà nước và có hồ sơ hợp lệ.

1.1.3

Vị trí địa lý của cơ sở nuôi phải được xác định rõ ràng.

Phải có hồ sơ về tọa độ địa lý và sơ đồ vị trí từng ao nuôi. Tọa độ này cần chỉ rõ tâm của khu vực sản xuất (nếu diện tích nhỏ hơn 1 ha) hoặc các góc của mặt bằng (nếu diện tích lớn hơn 1 ha). Các tọa độ (vĩ độ và kinh độ theo độ và phút) phải chính xác đến hai chữ số thập phân của đơn vị phút (ví dụ 150 22,65' N; 220 43,78' E) theo hệ thống tọa độ VN2000.

Dữ liệu về tọa độ địa lý phải được nhập vào Cơ sở dữ liệu của VietGAP do cấp có thẩm quyền quản lý ngay khi thực hiện được.

1.1.4

Cơ sở nuôi phải nằm trong vùng quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản.

Cơ sở nuôi phải nằm trong vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản và được tham chiếu theo tọa độ VN2000 hoặc có văn bản xác nhận của chính quyền địa phương về khu vực nuôi đó là hợp pháp hoặc đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

1.2

Hồ sơ ghi chép

 

1.2.1

Cơ sở nuôi phải xây dựng hệ thống đánh dấu cho từng khu vực sản xuất và thể hiện trên sơ đồ/ bản đồ.

Phải có biển báo, biển đánh dấu đối với từng ao và sơ đồ/ bản đồ chỉ rõ từng phần cụ thể như khu vực ao nuôi, kênh cấp, kênh thoát, ao chứa, nhà kho và có thể tham chiếu theo hệ thống đánh dấu.

1.2.2

Phải có hồ sơ ghi chép tổng thể và chi tiết đến từng ao nuôi bao gồm các thông tin về hoạt động nuôi trồng thủy sản diễn ra tại cơ sở nuôi.

Hồ sơ ghi chép phải đầy đủ thông tin về quá trình sản xuất đến khi thu hoạch tại tất cả các ao nuôi và các hoạt động khác liên quan của cơ sở nuôi bao gồm:

- Hồ sơ mua hàng bao gồm hợp đồng, hóa đơn mua hàng, ghi chú về từng sản phẩm nhập vào và biên bản kiểm tra hàng nhập.

- Hồ sơ lưu kho các vật tư liên quan đến hoạt động sản xuất và lưu kho hàng năm.

- Hồ sơ sản xuất từ khâu cải tạo ao nuôi đến khâu thu hoạch (bao gồm nhật ký từng ao nuôi). Hồ sơ này phải đảm bảo cung cấp đủ thông tin mà VietGAP yêu cầu.

- Các ghi chép về đơn đặt hàng nhận được và hóa đơn xuất đi nếu có.

1.2.3

Cơ sở nuôi phải có hồ sơ và tài liệu hướng dẫn về đảm bảo các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).

Phải có hồ sơ ghi chép chứng minh cơ sở nuôi tuân thủ các điều kiện VSATTP và các tài liệu hướng dẫn đảm bảo cơ sở nuôi đáp ứng các quy định về VSATTP của Nhà nước.

1.3

Truy xuất nguồn gốc

 

1.3.1

Trong trường hợp cơ sở nuôi chỉ xin đăng ký cấp chứng nhận VietGAP cho một phần của sản phẩm thì phải có hệ thống phân biệt chứng minh được các sản phẩm được cấp chứng nhận VietGAP và không được chứng nhận VietGAP.

Cơ sở nuôi phải kê khai thông tin toàn bộ các trang trại đang sử hữu và các sản phẩm sản xuất cùng chủng loại và xin cấp bổ sung mã số VietGAP phụ để phân biệt sản phẩm được cấp chứng nhận VietGAP và sản phẩm không được cấp chứng nhận VietGAP.

Phải có một hệ thống có thể phân biệt tại chỗ để tránh nhầm lẫn giữa các sản phẩm được cấp chứng nhận và không được cấp chứng nhận VietGAP. Có thể thực hiện qua xác định trực quan hoặc qua qui trình sơ chế sản phẩm, qua các hồ sơ liên quan (ví dụ như số ao nuôi).

1.3.2

Việc di chuyển động vật thuỷ sản nuôi bên trong cơ sở nuôi, từ ngoài vào hoặc từ trong ra phải lưu vào hồ sơ và truy xuất được.

Phải có hồ sơ truy xuất nguồn gốc về tất cả hoạt động di chuyển vật nuôi trong toàn bộ vòng đời: di chuyển bên trong cơ sở nuôi, từ ngoài vào hoặc từ trong ra. Các thông tin bao gồm tên loài, số lượng, sinh khối, số ao/ khu vực nuôi.

2. Chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm

Nguyên tắc

Nuôi trồng thủy sản phải đảm bảo được chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm bằng cách tuân thủ các tiêu chuẩn và quy định hiện hành của Nhà nước và các quy định của Tổ chức Nông Lương (FAO) của Liên Hợp quốc và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Các tiêu chuẩn

Tiêu chuẩn

Nội dung kiểm soát

Chuẩn mực tuân thủ

2.1

Thuốc, hóa chất và chế phẩm sinh học.

 

2.1.1

Cơ sở nuôi phải thực hiện kiểm kê, cập nhật tất cả các loại thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học trong kho.

Phải lập danh mục thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học trong kho và thực hiện kiểm kê định kỳ hàng tháng. Danh mục này phải liên tục được cập nhật đối với tất cả các sản phẩm nhập kho, lưu kho và sử dụng.

2.1.2

Cơ sở nuôi chỉ được sử dụng những loại thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học nằm trong danh mục được phép lưu hành của cấp có thẩm quyền và phương pháp điều trị đã được cán bộ chuyên môn hướng dẫn áp dụng đối với từng loài nuôi cụ thể.

Chỉ được sử dụng các loại thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học nằm trong danh mục được phép lưu hành của cấp có thẩm quyền và phương pháp điều trị đã được cán bộ chuyên môn hướng dẫn áp dụng đối với các loài nuôi có tên cụ thể.

Phải có một bảng liệt kê tất cả các loại hóa chất có thể sẽ sử dụng tại cơ sở nuôi như một phần trong Kế hoạch Quản lý sức khỏe động vật thủy sản (tiêu chuẩn 3.1.1).

2.1.3

Cơ sở nuôi phải bảo quản các loại thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học theo hướng dẫn ghi trên nhãn, đúng quy định.

Thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học phải được lưu trữ trong kho an toàn, có khóa và những điều kiện khác theo chỉ dẫn ghi trên nhãn mác.

Các loại thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học phải được lưu trữ riêng biệt trong kho để loại trừ nguy cơ ô nhiễm chéo, đặt ở nơi kiên cố, thông hơi tốt, không tiếp xúc với các hóa chất khác.

2.1.4

Các loại thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học quá hạn sử dụng phải được loại bỏ đúng cách.

Thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học hết hạn sử dụng phải được loại bỏ đúng quy định và phải có hồ sơ ghi chép để chứng minh.

2.2

Vệ sinh

 

2.2.1

Cơ sở nuôi phải có bản đánh giá mối nguy về an toàn vệ sinh.

Bản đánh giá các mối nguy về an toàn vệ sinh phải bao gồm cả các mối nguy về môi trường nuôi. Các mối nguy phụ thuộc vào sản phẩm được sản xuất và/ hoặc được cung cấp. Đánh giá mối nguy phải được rà soát, điều chỉnh lại hàng năm và cập nhật khi có thay đổi.

2.2.2

Cơ sở nuôi phải có các văn bản hướng dẫn về an toàn vệ sinh.

Các hướng dẫn về an toàn vệ sinh phải được treo, dán, trưng bày ở nơi dễ nhìn thấy, bằng biển báo rõ ràng (có hình minh họa) và/hoặc bằng (các) ngôn ngữ phổ thông đối với người lao động. Tối thiểu, các hướng dẫn phải bao gồm:

- Yêu cầu rửa tay;

- Băng kín các vết thương hở trên da;

- Hạn chế hút thuốc, ăn uống tại nơi làm việc;

- Cảnh báo về tất cả các khả năng lây nhiễm hoặc tình trạng tương tự, bao gồm các dấu hiệu mắc bệnh (ví dụ nôn mửa, vàng da, tiêu chảy) mà nếu bị mắc phải thì người lao động sẽ bị cấm tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm thuỷ sản và thực phẩm;

- Sử dụng quần áo bảo hộ thích hợp.

2.3

Chất thải

 

2.3.1

Các loại chất thải và nguồn có khả năng gây ô nhiễm phải được nhận diện tại cơ sở nuôi.

Phải có bảng liệt kê các loại chất thải (ví dụ giấy, bìa, chất dẻo, dầu, v.v...) và nguồn gây ô nhiễm (ví dụ phân bón dư thừa, khí thải, dầu, nhiên liệu, tiếng ồn, bùn thải, hóa chất, nước tắm/ rửa, thức ăn thừa, rong tảo vữa ra khi giặt lưới, v.v..) tạo ra trong quá trình nuôi.

2.3.2

Cơ sở nuôi phải có hệ thống và thực hiện thu gom, phân loại, tập kết và xử lý rác/ chất thải đúng quy định.

Các loại rác/ chất thải phải được thu gom, phân loại, tập kết và xử lý đúng cách theo quy định.

Phải có hồ sơ ghi chép về việc thu gom, phân loại, tập kết và xử lý chất thải của cơ sở nuôi.

2.3.3

Cơ sở nuôi phải dọn sạch rác và chất thải.

Không có rác/ chất thải ở xung quanh khu vực nuôi hoặc nhà kho.

Không đốt chất thải có nguồn gốc là nhựa, giấy hay bỏ lại các chất này trong môi trường

Tất cả rác và chất thải phải được dọn sạch, kể cả nhiên liệu bị tràn đổ.

2.3.4

Cơ sở nuôi phải có đủ nhà vệ sinh tự hoại và nước thải sinh hoạt từ nhà vệ sinh không làm nhiễm bẩn khu vực sản xuất và hệ thống cấp nước.

Phải có nhà vệ sinh tự hoại đủ dùng cho công nhân tại cơ sở nuôi và đảm bảo nước thải sinh hoạt từ nhà vệ sinh được thu gom, xả qua hệ thống nước thải, không làm nhiễm bẩn khu vực sản xuất và hệ thống cấp nước.

Phải có hồ sơ ghi chép về việc loại bỏ chất thải sinh hoạt và các phương tiện thu gom chất thải phải có sẵn khi kiểm tra.

2.4

Thu hoạch và sau thu hoạch

 

2.4.1

Thu hoạch và vận chuyển sản phẩm nuôi trồng thuỷ sản phải được thực hiện đúng cách, đảm bảo VSATTP.

Phải thực hiện thu hoạch và vận chuyển sản phẩm (nếu cơ sở nuôi tự vận chuyển) đến nơi tiêu thụ đảm bảo điều kiện VSATTP. Phải có hồ sơ ghi chép về quá trình thu hoạch, vận chuyển. Công nhân phải có hiểu biết về vấn đề này.

2.4.2

Giữa hai vụ nuôi, cơ sở nuôi phải thực hiện tẩy trùng và/ hoặc tạm ngừng nuôi.

Phải có sẵn các hồ sơ ghi chép về các quy trình tẩy trùng và/ hoặc các giai đoạn tạm ngừng nuôi thích hợp giữa hai vụ nuôi tùy theo đối tượng nuôi và điều kiện nuôi cụ thể.

3. Quản lý sức khỏe động vật thủy sản

Nguyên tắc

Nuôi trồng thủy sản phải đảm bảo sức khỏe và điều kiện sống cho động vật thủy sản nuôi bằng cách tạo điều kiện tối ưu về sức khỏe, giảm stress, hạn chế các rủi ro về dịch bệnh và duy trì môi trường nuôi tốt ở tất cả các khâu của chu trình sản xuất.

Các tiêu chuẩn

Tiêu chuẩn

Nội dung kiểm soát

Chuẩn mực tuân thủ

3.1

Kế hoạch quản lý sức khỏe động vật thuỷ sản

 

3.1.1

Phải có Kế hoạch quản lý sức khỏe vật nuôi và được cán bộ chuyên môn xác nhận.

Phải có Kế hoạch Quản lý sức khỏe động vật thuỷ sản (QLSKĐVTS) kèm chữ ký xác nhận của cán bộ chuyên môn.

Nội dung Kế hoạch bao gồm: Tên và vị trí cơ sở nuôi; Thống kê các bệnh đã từng phát hiện; Các biện pháp phòng ngừa cần thực hiện để xử lý các bệnh từng gặp; Các quy trình chuẩn bị ao nuôi; Các quy trình sử dụng vacine (nếu có); Chương trình kiểm tra tại chỗ để phát hiện các mầm bệnh có liên quan; Các quy trình quản lý nguồn nước để phòng bệnh; Hồ sơ ghi chép về các đợt kiểm tra định kỳ của cán bộ chuyên môn; Tần suất và phương pháp loại bỏ cá thể nuôi nhiễm bệnh hoặc chết; phương pháp cách ly ao nuôi có bệnh; Các phương pháp phòng ngừa khác nếu có; Các quy trình vận chuyển giống và sản phẩm thu hoạch; Phương án đối phó với bùng phát dịch bệnh bao gồm việc báo cáo diễn biến dịch bệnh cho cán bộ chuyên môn và những người có liên quan; Các quy trình ngăn ngừa dịch bệnh lan rộng.

3.1.2

Tất cả các biện pháp điều trị bệnh động vật thuỷ sản nuôi phải được áp dụng và được ghi chép phù hợp với các quy định hiện hành (nếu có) và phù hợp với Kế hoạch QLSKĐVTS.

Người nuôi phải biết được các biện pháp điều trị bệnh động vật thuỷ sản nuôi đã, đang, sẽ áp dụng và chứng minh rằng các phương pháp này phù hợp với các quy định hiện hành (nếu có) và Kế hoạch QLSKĐVTS.

3.2

Con giống và thức ăn

 

3.2.1

Con giống thả nuôi phải được mua từ cơ sở cung cấp giống đã được cơ quan thẩm quyền chứng nhận đạt chuẩn.

Phải có hồ sơ ghi chép chứng minh con giống được mua từ cơ sở đã được chứng nhận. Các nhà cung cấp con giống cho cơ sở nuôi phải được đăng ký/ chứng nhận đúng quy định.

3.2.2

Con giống đưa vào cơ sở nuôi phải đảm bảo đạt tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) và phải được kiểm dịch.

Phải có giấy kiểm dịch về con giống của cấp có thẩm quyền; giấy kiểm dịch phải có kết quả âm tính đối với các bệnh truyền nhiễm phổ biến.

Con giống phải đạt TCVN (về kích cỡ, ngày tuổi)

Hồ sơ ghi chép về con giống (chứng nhận kiểm dịch, chứng nhận đạt TCVN) phải có sẵn tại cơ sở nuôi.

3.2.3

Lượng thức ăn và chế độ cho ăn cho ăn phải phù hợp với nhu cầu của động vật thuỷ sản nuôi.

Phải có hệ thống theo dõi tại chỗ để đảm bảo lượng thức ăn cho ăn phù hợp với nhu cầu của động vật thuỷ sản nuôi và ghi chép lại chế độ cho ăn hàng ngày.

Chế độ cho ăn phải tuân theo một quy trình/ chế độ nuôi hợp lý hoặc quy trình nuôi đã được cơ quan thẩm quyền quy định.

3.2.4

Thức ăn sử dụng phải có nguồn gốc rõ ràng. Nếu là thức ăn công nghiệp thì phải được cấp phép lưu hành của cơ quan thẩm quyền.

Thức ăn công nghiệp phải được mua từ cơ sở sản xuất thức ăn (hoặc đại lý) đã được cấp phép và loại thức ăn phải nằm trong danh mục được phép lưu hành của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Được phép dùng thức ăn tự chế biến nhưng phải đảm bảo chất lượng theo TCVN và phải ghi chép các thành phần và nguồn gốc nguyên liệu làm thức ăn.

3.2.5

Cơ sở nuôi phải có tài liệu ghi chép về các chất bổ sung vào thức ăn nếu có sử dụng.

Phải có tài liệu ghi chép chi tiết về tất cả các chất bổ sung vào thức ăn cho động vật thủy sản như chất tạo màu, chất chống oxy hóa, chất kích thích miễn dịch, men vi sinh … nếu có sử dụng.

Thức ăn và các chất bổ sung dùng trong cơ sở nuôi phải được mua từ nhà cung cấp đã được cấp phép hợp pháp.

3.2.6

Các loại thức ăn, bao gồm cả thức ăn có trộn thuốc, phải được bảo quản và sử dụng theo quy trình hướng dẫn của nhà sản xuất.

Người nuôi phải được đào tạo và hướng dẫn về cách bảo quản và sử dụng thức ăn. Thức ăn phải được bảo quản và sử dụng theo đúng quy trình hướng dẫn của nhà sản xuất (yêu cầu về nhà kho, điều kiện cất giữ, cách sử dụng và thời hạn sử dụng).

3.3

Điều trị

 

3.3.1

Không sử dụng các loại hormone và các chất kháng sinh để kích thích tăng trưởng hay phòng bệnh trong suốt quá trình nuôi.

Các hormone và chất kháng sinh không được sử dụng để kích thích tăng trưởng hay phòng bệnh.

Chỉ dùng thuốc kháng sinh trong trường hợp động vật thuỷ sản nuôi được cán bộ chuyên môn chẩn đoán là đã mắc bệnh truyền nhiễm.

Phải có bảng kê các loại kháng sinh và liều đã dùng trong quá trình nuôi.

3.3.2

Cơ sở nuôi phải lưu giữ hồ sơ về việc mua và sử dụng thuốc thú y hợp pháp bao gồm cả việc sử dụng thức ăn trộn dược phẩm.

Các sản phẩm được sử dụng/ bảo quản trong kho phải được ghi chép theo mẫu quy định. Hồ sơ mua gồm: Ngày mua; Tên sản phẩm; Số lượng mua; Số lô; Hạn sử dụng; Tên nhà cung cấp. Hồ sơ điều trị gồm: Số lô; Ngày bắt đầu điều trị; Tên loài được điều trị; Số lượng hoặc sinh khối thủy sản được điều trị; Liều lượng và tổng lượng thuốc sử dụng; Ngày kết thúc điều trị; Ngày hết hạn; Ngày sớm nhất động vật thủy sản nuôi được thu hoạch; Tên (những) người cho dùng thuốc theo ngày.

3.4

Theo dõi tỷ lệ sống

 

3.4.1

Số lượng con giống, khối lượng trung bình, mật độ nuôi và tổng sinh khối của động vật thủy sản nuôi phải được theo dõi thường xuyên.

Số lượng con giống, khối lượng trung bình, mật độ nuôi và tổng sinh khối động vật thủy sản nuôi phải được kiểm soát thường xuyên tại từng đơn vị sản xuất. Hồ sơ ghi chép về việc này phải có sẵn.

3.4.2

Các dấu hiệu động vật thuỷ sản nuôi bị stress hoặc bị bệnh phải được ghi chép hàng ngày.

Các dấu hiệu động vật thuỷ sản nuôi bị stress hoặc bị bệnh phải được ghi chép hàng ngày vào Sổ nhật ký nuôi.

3.4.3

Việc kiểm tra và loại bỏ động vật thuỷ sản nuôi bị chết phải được thực hiện hàng ngày.

Động vật thuỷ sản nuôi bị chết trong ao phải được loại bỏ hàng ngày đúng cách. Trong các trường hợp đặc biệt (ví dụ thời tiết xấu, tỷ lệ chết thấp) thì có thể loại bỏ hàng tuần. Số lượng động vật thuỷ sản nuôi chết và lý do chết phải được ghi chép lại.

Sổ Nhật ký nuôi về tỷ lệ chết hàng ngày và lý do chết (nếu biết), phải có sẵn tại từng đơn vị sản xuất. Công nhân phải có sự hiểu biết về tình trạng sức khỏe động vật thủy sản/ các lý do động vật thuỷ sản nuôi chết.

3.4.4

Cơ sở nuôi phải thông báo cho các cơ quan chức năng có liên quan về dịch bệnh theo quy định.

Phải thông báo cho các cơ quan chức năng khi có dịch bệnh theo quy định của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

3.4.5

Cơ sở nuôi phải có hệ thống thu gom và xử lý động vật thuỷ sản chết theo quy định.

Động vật thuỷ sản nuôi bị chết phải được thu gom và xử lý đúng cách theo quy định của Nhà nước để đảm bảo không gây ảnh hưởng đến môi trường và hạn chế tối đa nguy cơ lây lan mầm bệnh.

Phải có nhật ký ghi chép quá trình này.

4. Bảo vệ môi trường

Nguyên tắc

Hoạt động nuôi trồng thủy sản phải được thực hiện một cách có kế hoạch và có trách nhiệm đối với môi trường, theo các quy định của nhà nước và các cam kết quốc tế. Phải có đánh giá các tác động đối với môi trường của việc lập kế hoạch, phát triển và thực hiện nuôi trồng thủy sản.

Các tiêu chuẩn

Tiêu chuẩn

Nội dung kiểm soát

Chuẩn mực tuân thủ

4.1

Quản lý tác động môi trường

 

4.1.1

Cơ sở nuôi phải Đánh giá Tác động Môi trường (ĐTM) có sự tham gia của cộng đồng và thông báo công khai kết quả.

Phải có báo cáo ĐTM trong đó bao gồm tất cả các hoạt động tại cơ sở nuôi.

Quy trình và báo cáo ĐTM phải tuân thủ theo quy định của Nhà nước và theo hướng dẫn thực hiện VietGAP.

4.1.2

Cơ sở nuôi xây dựng sau tháng 5 năm 1999 phải nằm NGOÀI các hệ sinh thái rừng ngập mặn hoặc các khu vực đất ngập nước tự nhiên có ý nghĩa quan trọng về mặt sinh thái như đã nêu trong ĐTM.

Những cơ sở nuôi xây dựng sau tháng 5/1999 phải có văn bản xác nhận của chính quyền địa phương về tình trạng và việc sử dụng đất trong thời gian từ tháng 5/1999 đến ngày xây dựng trại.

Cơ sở nuôi phải có các văn bản của chính quyền địa phương xác nhận thời gian (tháng và năm) xây dựng các ao nuôi.

4.1.3

Vị trí cơ sở nuôi và các cơ sở vật chất liên quan phải nằm NGOÀI phạm vi các Khu vực Bảo tồn (KVBT) quốc gia hoặc quốc tế.

Nếu KVBT nằm trong hạng mục V hoặc VI của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), cần có sự đồng ý của cơ quan quản lý KVBT.

Phải chứng minh vị trí cơ sở nuôi và các cơ sở vật chất liên quan không nằm trong các KVBT quốc gia hoặc quốc tế (thuộc mục từ Ia tới IV của IUCN), hoặc các khu vực được xác định theo công ước quốc tế (ví dụ RAMSAR hoặc Di sản Thế giới). Các minh chứng cần bao gồm vị trí địa lý khi đăng ký. Nếu khu bảo tồn nằm trong hạng mục V hoặc VI, người kiểm tra phải liên lạc với các cơ quan quản lý KVBT để xác định xem cơ sở nuôi có phù hợp với các mục tiêu quản lý của KVBT hay không. Thông tin phải được công khai.

4.2

Sử dụng và thải nước

 

4.2.1

Hạ tầng của cơ sở nuôi phải đảm bảo để nguồn nước cấp không bị ô nhiễm

Hệ thống cấp và thải nước phải độc lập với nhau và được quản lý để tránh làm ô nhiễm nguồn nước cấp.

4.2.2

Việc sử dụng nước và xả thải phải tuân thủ các yêu cầu của cơ quan chức năng.

Phải có nhật ký ghi chép về lượng nước lấy vào hàng năm. Nước thải ra ngoài môi trường phải đạt các chỉ tiêu chất lượng theo quy định của Nhà nước.

4.2.3

Không sử dụng nước sinh hoạt (nước máy) để pha loãng, làm giảm độ mặn trong ao nuôi.

Nước nước sinh hoạt (nước máy) không được dùng để pha loãng, làm hạ độ mặn trong ao nuôi (đối với nuôi nước lợ). Nếu sử dụng nước ngầm (nước giếng) phải theo đúng quy định của pháp luật.

4.2.4

Cơ sở nuôi phải thường xuyên quan trắc và quản lý chất lượng nước.

Phải đánh giá các mối nguy đối với động vật thuỷ sản nuôi dựa trên hệ thống quan trắc và quản lý chất lượng nước tại chỗ. Việc đánh giá các mối nguy phải bao gồm các điểm lấy mẫu phù hợp (tại mỗi hệ thống nuôi hoặc toàn bộ cơ sở nuôi) và các chỉ tiêu chất lượng nước như nhiệt độ, độ mặn, độ trong, O2 hoà tan, độ pH, độ kiềm, NH3, H2S. Phải có sẵn hồ sơ ghi chép tại mỗi cơ sở nuôi. Tần suất quan trắc chất lượng nước tuỳ thuộc mỗi loài nuôi cụ thể theo quy định hiện hành.

4.2.5

Cơ sở nuôi không được làm nhiễm mặn các nguồn nước ngọt tự nhiên.

Cơ sở nuôi phải được thiết kế và quản lý để hạn chế nhiễm mặn nguồn nước ngọt tự nhiên. Không được xả nước mặn vào nguồn nước ngọt tự nhiên.

4.2.6

Các cơ quan chức năng và cộng đồng địa phương phải được thông báo khi nguồn nước ngầm bị nhiễm mặn.

Cơ sở nuôi phải thông báo cho các cơ quan chức năng và cộng đồng địa phương khi có nhiễm mặn xảy ra liên quan đến hoạt động nuôi thủy sản (đối với nuôi nước lợ).

4.2.7

Bùn thải từ cơ sở nuôi phải được gom và lưu trữ đúng cách.

Bùn vét lên từ các kênh, rạch và từ ao nuôi để duy trì độ sâu phải được thu gom và lưu trữ đúng cách để tránh nhiễm mặn vào đất, nước ngầm và không gây ra các thiệt hại về sinh thái đối với các khu vực rừng ngập mặn hoặc khu vực sinh thái nhạy cảm khác.

Việc loại bỏ bùn đặc phải được thực hiện theo quy định. Khi chưa có quy định cụ thể, bùn đặc cần được thu gom và loại bỏ tại một khu vực riêng biệt và có quản lý.

4.3

Kiểm soát địch hại

 

4.3.1

Không áp dụng phương pháp kiểm soát địch hại gây chết đối với động vật.

Các thiết bị phòng ngừa địch hại của động vật thuỷ sản nuôi phải đảm bảo an toàn cho các loài động vật tự nhiên. Yêu cầu này áp dụng cho tất cả các loài địch hại trong quá trình nuôi ngoại trừ các loại động vật thuỷ sinh trong giai đoạn chuẩn bị ao nuôi.

4.3.2

Hoạt động của cơ sở nuôi không được gây chết cho những loài được liệt kê trong Sách đỏ Việt Nam.

Phải sử dụng biện pháp bảo vệ cần thiết khi có loài động vật nằm trong Sách đỏ Việt Nam có khả năng xuất hiện trong khu vực.

5. Các khía cạnh kinh tế-xã hội

Nguyên tắc

Nuôi trồng thuỷ sản phải được thực hiện một cách có trách nhiệm với xã hội, tôn trọng văn hóa cộng đồng địa phương, chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của của Nhà nước và các thỏa thuận liên quan của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về quyền lao động, không làm ảnh hưởng tới sinh kế của người nuôi và các cộng đồng xung quanh. Nuôi trồng thủy sản phải tích cực đóng góp vào sự phát triển nông thôn, đem lại lợi ích, sự công bằng và góp phần giảm đói nghèo cũng như tăng cường an ninh thực phẩm ở địa phương. Do đó các vấn đề kinh tế-xã hội phải được xem xét trong tất cả các giai đoạn của quá trình nuôi từ xây dựng, phát triển và triển khai các kế hoạch nuôi trồng thủy sản.

Các tiêu chuẩn

Tiêu chuẩn

Nội dung kiểm soát

Chuẩn mực tuân thủ

5.1

Điều kiện làm việc

 

5.1.1

Tất cả lao động làm thuê tại cơ sở nuôi phải đủ 15 tuổi trở lên.

Chỉ sử dụng lao động đủ 15 tuổi trở lên và phải có Danh sách và bản sao Chứng minh nhân dân có công chứng của tất cả công nhân tại cơ sở nuôi.

5.1.2

Đối với người lao động dưới 18 tuổi, cơ sở nuôi phải áp dụng các điều kiện làm việc sau:

1 – Có quyền được đi học (nếu muốn);

2 – Tổng số giờ làm việc không vượt quá 8 giờ/ ngày;

3 – Giới hạn ở mức độ lao động nhẹ, giản đơn;

4 – Không nguy hiểm đến tính mạng

Phải có Bản mô tả công việc hàng ngày, cho từng lao động dưới 18 tuổi.

Giới hạn ở mức độ lao động nhẹ, giản đơn là những công việc không gây hại đến sức khỏe và phát triển của người lao động, không ảnh hưởng đến việc học tập hay làm yếu đi năng lực tiếp nhận kiến thức.

Công việc gây nguy hiểm tính mạng là công việc do bản chất hoặc điều kiện làm việc làm hại đến sức khỏe, an toàn và tinh thần của người lao động.

5.1.3

Người lao động phải được phép nghỉ việc và nhận đủ tiền công cho cả ngày làm việc cuối cùng khi có đơn xin nghỉ hợp lý.

Phải có hợp đồng lao động với các điều khoản rõ ràng. Người lao động được phép tự quản lý thời gian nghỉ của họ. Người sử dụng lao động không giữ lại dù là một phần tiền lương, thưởng, tài sản hoặc giấy tờ của người lao động để buộc họ tiếp tục làm việc cho mình.

5.1.4

Người lao động được phép thành lập hoặc tham gia các tổ chức để bảo vệ quyền lợi của họ (kể cả quyền đàm phán tập thể) mà không bị người sử dụng lao động can thiệp và không phải chịu hậu quả nào sau khi thực hiện quyền này.

Người lao động có quyền tham gia các tổ chức bảo vệ quyền lợi của họ như thỏa ước tập thể hoặc công đoàn theo quy định của Luật Lao động.

5.1.5

Người lao động không phải chịu bất cứ sự phân biệt đối xử nào từ phía người sử dụng lao động hoặc các lao động khác ở cơ sở nuôi.

Phải có Quy định chống phân biệt đối xử bằng văn bản do chủ cơ sở nuôi xây dựng và ban hành (có thể ghi trong Nội quy). Không phân biệt đối xử về chủng tộc, địa vị, nguồn gốc quê quán, tôn giáo, khuyết tật, giới tính, tuổi tác hoặc bất kỳ điều kiện nào có thể là căn nguyên của tệ phân biệt đối xử.

5.1.6

Chủ cơ sở nuôi phải tôn trọng nhân phẩm tất cả các công nhân làm thuê.

Người lao động phải luôn được đối xử một cách tôn trọng (ví dụ không có xâm phạm thân thể). Người lao động không bị trừ tiền công do kỷ luật.

5.1.7

Thời gian làm việc ngoài giờ phải đảm bảo các điều kiện sau:

1- Là tự nguyện;

2- Không vượt quá mức tối đa theo quy định của Nhà nước;

3- Chỉ xảy ra trong trường hợp đặc biệt (không thường xuyên);

4- Được trả công cao hơn quy định.

Người lao động xác nhận rằng việc làm ngoài giờ là tự nguyện. Bảng chấm công xác nhận số giờ làm thêm tối đa mỗi tuần và xác nhận giờ làm thêm chỉ xảy ra trong trường hợp đặc biệt chứ không thường xuyên. Hợp đồng phải nêu rõ tiền công trả cho giờ làm thêm phù hợp với luật Lao động.

5.1.8

Điều kiện sinh hoạt của người lao động phải đảm bảo vệ sinh.

Các dụng cụ rửa tay, nước uống, nhà ăn, bếp ăn, thức ăn và khu vực nghỉ ngơi dành cho người lao động phải đảm bảo vệ sinh, sạch sẽ.

5.2

An toàn lao động và sức khỏe

 

5.2.1

Chủ cơ sở nuôi phải có văn bản đánh giá về các mối nguy đối với sức khỏe, sự an toàn của người lao động và quy trình giải quyết.

Phải có Bản đánh giá về các mối nguy hại với sức khỏe, sự an toàn của người lao động và phải cập nhật mỗi khi có thay đổi (ví dụ máy móc mới, nhà xưởng mới, các thuốc bảo vệ thực vật mới, các kỹ thuật nuôi trồng thay đổi v.v..).

Quy trình giải quyết các vấn đề liên quan đến bảo vệ sức khỏe và an toàn lao động phải phù hợp với điều kiện của cơ sở nuôi, bao gồm giải pháp đối phó với tai nạn, các trường hợp khẩn cấp, các kế hoạch dự phòng và thiết bị bảo hộ lao động, các rủi ro đã được nhận diện, bảo hiểm tai nạn.

5.2.2

Chủ cơ sở nuôi phải tạo môi trường sống và làm việc an toàn cho công nhân.

Người lao động được bảo vệ trước các nguy hại như nước uống, điều kiện sinh hoạt, vệ sinh, môi trường sống phải an toàn. Chỗ ở dành cho người lao động phải được xây dựng từ các vật liệu đủ độ bền, an toàn và hợp vệ sinh.

5.2.3

Tất cả người lao động phải được đào tạo, hướng dẫn về sức khỏe và an toàn lao động.

Chủ cơ sở nuôi phải tập huấn về sức khỏe và an toàn cho người lao động khi có tài liệu hoặc trang thiết bị.

5.2.4

Tất cả các tai nạn phải được ghi chép lại và phải có các hành động xử lý đối với từng tai nạn.

Phải có hồ sơ ghi chép tất cả tai nạn, dù nhẹ, xảy ra và các hành động giải quyết cụ thể. Có minh chứng về các hành động giải quyết (ví dụ hóa đơn thanh toán tiền thuốc v.v..).

5.3

Hợp đồng và tiền lương (tiền công)

 

5.3.1

Người lao động thường xuyên phải có hợp đồng lao động và hiểu rõ các điều khoản ghi trong hợp đồng lao động của họ.

Tất cả người lao động thường xuyên tại cơ sở nuôi đều phải có Hợp đồng lao động.

Trường hợp lao động là thành viên trong gia đình của chủ cơ sở nuôi thì không cần phải ký hợp đồng lao động.

5.3.2

Thời gian thử việc tối đa phải đúng theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Hợp đồng lao động và phỏng vấn với người lao động xác nhận điều này.

5.3.3

Chủ cơ sở nuôi phải trả không thấp hơn mức lương tối thiểu theo quy định của pháp luật hiện hành.

Các văn bản luật quy định mức lương tối thiểu áp dụng cho cơ sở nuôi được tuân thủ đầy đủ.

Các hợp đồng lao động của người lao động, bảng lương và các cuộc phỏng vấn người lao động thể hiện cơ sở nuôi tuân thủ đúng quy định về mức lương tối thiểu.

5.3.4

Phải có Bảng chấm công ghi số giờ làm việc của mỗi lao động ở cơ sở nuôi.

Phải có danh sách nhân viên và bảng chấm công theo giờ.

5.3.5

Lương hoặc tiền công phải được trả bằng tiền mặt hoặc bằng cách tiện lợi nhất cho người lao động.

Phỏng vấn với người lao động thể hiện cơ sở nuôi có chấp hành.

5.4

Các kênh liên lạc

 

5.4.1

Chủ cơ sở nuôi phải bảo đảm tất cả người lao động có các kênh liên lạc thích hợp với chủ lao động về các vấn đề liên quan tới quyền lao động và điều kiện làm việc.

Hộp thư góp ý phải có sẵn ở cơ sở nuôi. Phỏng vấn với người lao động thể hiện cơ sở nuôi có chấp hành.

5.4.2

Tất cả các vấn đề khó khăn mà người lao động nêu ra phải được chủ cơ sở nuôi xem xét và phản hồi.

Chủ cơ sở nuôi phải có hồ sơ thống kê và theo dõi các vấn đề khó khăn mà người lao động đưa ra (kể cả các đơn khiếu nại), ngày giờ và phản hồi đã thực hiện. Phỏng vấn với nhân viên thể hiện được tính hợp lệ.

5.5

Các vấn đề trong cộng đồng

 

5.5.1

Chủ cơ sở nuôi phải xây dựng và áp dụng các phương án giải quyết mâu thuẫn đối với cộng đồng xung quanh.

Chủ cơ sở nuôi phải có sự thỏa hiệp và giải pháp xử lý mâu thuẫn đối với các hộ nuôi liền kề và cộng đồng xung quanh. Phải có hồ sơ lưu trữ các vấn đề khiếu nại, ngày giờ cụ thể và lộ trình phản hồi (có biên bản và chữ ký của cộng đồng địa phương xác nhận). Khi tổ chức họp với cộng đồng, cần có chương trình và biên bản họp có chữ ký của đại diện chính quyền và ít nhất một tổ chức đoàn thể địa phương hoặc một tổ chức xã hội dân sự có uy tín xác nhận.