Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1505/QĐ-UBND

Thanh Hóa, ngày 26 tháng 4 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “PHÁT TRIỂN MỘT SỐ SẢN PHẨM CÔNG NGHỆ THÔNG TIN MŨI NHỌN CỦA TỈNH THANH HÓA ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030”

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29/6/2006;

Căn cứ Luật An toàn thông tin mạng ngày 19/11/2015;

Căn cứ Luật Giao dịch điện tử ngày 29/11/2005;

Căn cứ Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 15/4/2015 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của của Bộ Chính trị (khóa XI);

Căn cứ Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử;

Căn cứ Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước;

Căn cứ Quyết định số 66/2014/QĐ-TTg ngày 25/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ, về việc phê duyệt Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển;

Căn cứ Quyết định số 392/QĐ-TTg ngày 27/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển ngành công nghiệp CNTT đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025;

Căn cứ Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ Quyết định số 13/2017/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ, về việc sửa đổi, bổ sung danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển ban hành kèm theo Quyết định số 66/2014/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ

Căn cứ Thông tư số 43/2016/TT-BTTTT ngày 26/12/2016 của Bộ Thông tin và Truyền thông, ban hành Danh mục sản phẩm nội dung thông tin số;

Căn cứ Thông tư số 47/2016/TT-BTTTT ngày 26/12/ 2016 của Bộ Thông tin và Truyền thông, quy định chi tiết về ưu tiên đầu tư, mua sắm sản phẩm, dịch vụ CNTT sản xuất trong nước sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước;

Căn cứ Thông tư số 01/2017/TT-BTTTT ngày 16/02/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông, ban hành Danh mục sản phẩm CNTT trọng điểm;

Căn cứ Quyết định số 3269/QĐ-UBND ngày 26/8/2016 của UBND tỉnh Thanh hóa, phê duyệt đề cương Đề án phát triển một số sản phẩm CNTT mũi nhọn của tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 2538/QĐ-UBND ngày 17/7/2017 của UBND tỉnh Thanh hóa, phê duyệt Đề án xây dựng Chính quyền điện tử và phát triển các dịch vụ thành phố thông minh tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2017-2020;

Căn cứ Thông báo số 34/TB-UBND ngày 14/3/2018, kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh tại Hội nghị về Đề án phát triển một số sản phẩm công nghệ thông tin mũi nhọn của tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Xét đề nghị của Sở Thông tin và Truyền thông tại Văn bản số 1686/STTTT- CNTT ngày 15/12/2017 và số 307/STTTT-CNTT ngày 30/3/2018 (kèm theo Báo cáo thẩm định của Sở Tư pháp số 32/BCTĐ-STP ngày 25/01/2018),

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Phát triển một số sản phẩm công nghệ thông tin mũi nhọn của tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” với những nội dung chính như sau:

I. Quan điểm, định hướng lựa chọn sản phẩm CNTT mũi nhọn:

1. Sản phẩm CNTT mũi nhọn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh:

Việc lựa chọn các sản phẩm CNTT mũi nhọn của tỉnh phải phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hình thành và phát triển ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ cao.

Các sản phẩm CNTT mũi nhọn của tỉnh về chuyên môn phải đạt các tiêu chí về sản phẩm trọng điểm được xác định trong Luật CNTT và phù hợp danh mục các sản phẩm trọng điểm đề xuất tại Thông tư số 47/2016/TT-BTTTT và Thông tư số 01/2017/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Các sản phẩm CNTT mũi nhọn phải phù hợp và tác động hiệu quả đến định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh: Tăng trưởng theo chiều sâu, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu, hình thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Các sản phẩm phần mềm, nội dung số phải tác động tích cực đến việc phát triển khu CNTT tập trung, gắn liền với Khu CNTT tập trung để phát triển công nghiệp phần mềm và nội dung số.

Các sản phẩm phần cứng phải tạo lập môi trường đầu tư về CNTT để sẵn sàng thu hút và tiếp nhận các dự án FDI về sản phẩm phần cứng CNTT vào các khu công nghệ cao của tỉnh.

Các sản phẩm CNTT mũi nhọn lựa chọn phải đảm bảo tính hiện đại, thiết thực và hiệu quả. Bên cạnh các sản phẩm phải phát triển nguồn nhân lực nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao về CNTT.

Các sản phẩm CNTT mũi nhọn phải do doanh nghiệp đầu tư, thực hiện. Tỉnh sẽ hỗ trợ thông qua chính sách ưu đãi về môi trường làm việc, cung cấp thông tin thị trường, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, khuyến khích, ưu đãi đầu tư, thuế và ưu tiên sử dụng sản phẩm do doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh trên cơ sở sản phẩm phải đảm bảo chất lượng và có tính cạnh tranh cao trên thị trường.

Đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp, khuyến khích đề xuất các ý tưởng sáng tạo trong các nhóm sản phẩm CNTT mũi nhọn để lựa chọn, ươm tạo và phát triển.

2. Sản phẩm CNTT mũi nhọn đáp ứng hội nhập về lĩnh vực CNTT của tỉnh đối với khu vực và quốc tế.

Phát triển sản phẩm CNTT mũi nhọn phải gắn với quá trình hội nhập quốc tế. Việc lựa chọn sản phẩm CNTT mũi nhọn của tỉnh, cần tiếp thu các thành tựu và kinh nghiệm trong nước và quốc tế để tham gia tích cực vào chuỗi liên kết cung cấp các sản phẩm dịch vụ CNTT-TT trong nước và quốc tế.

II. Mục tiêu

1. Mục tiêu tổng quát

Lựa chọn để phát triển một số sản phẩm CNTT mũi nhọn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 nhằm đẩy mạnh phát triển công nghiệp CNTT dựa trên thế mạnh của tỉnh, góp phần vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể

Mục tiêu đến năm 2020:

- Thu hút từ 2 đến 5 doanh nghiệp đầu tư sản xuất một số sản phẩm phần cứng CNTT, sản phẩm phụ trợ cho sản phẩm CNTT vào các khu công nghiệp của tỉnh.

- Xây dựng từ 3 đến 5 sản phẩm phần mềm thương mại điện tử, kết nối cung cầu để giới thiệu sản phẩm truyền thống, sản phẩm du lịch, tham gia lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp Thanh Hóa.

- Lựa chọn, hỗ trợ 4 đến 5 sản phẩm phần mềm CNTT, phục vụ Chính quyền điện tử của tỉnh.

- Triển khai từ 4 đến 5 dịch vụ thành phố thông minh đáp ứng các nhu cầu thiết yếu trong đời sống kinh tế, xã hội của tỉnh.

- Khuyến khích xây dựng từ 4 đến 5 sản phẩm nội dung số, phục vụ công tác tuyên truyền, giải trí, quảng cáo, du lịch, khuyến nông… để thúc đẩy phát triển công nghiệp nội dung số.

Định hướng đến năm 2030:

Các sản phẩm CNTT mũi nhọn của tỉnh được tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu góp phần đưa Công nghiệp CNTT tỉnh Thanh Hóa trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

III. Các nhóm sản phẩm CNTT mũi nhọn của tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2030

Trên cơ sở các định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển ngành công nghệ cao, lựa chọn sản phẩm CNTT mũi nhọn của tỉnh Thanh Hóa theo các nhóm sản phẩm sau:

- Nhóm 1: Nhóm các sản phẩm phần cứng, sản phẩm phụ trợ cho sản phẩm CNTT thu hút đầu tư vào Thanh Hóa.

- Nhóm 2: Nhóm các sản phẩm phần mềm thương mại điện tử, kết nối cung cầu.

- Nhóm 3: Nhóm các sản phẩm phần mềm phục vụ Chính quyền điện tử.

- Nhóm 4: Nhóm các sản phẩm về dịch vụ thành phố thông minh.

- Nhóm 5: Nhóm các sản phẩm phần mềm, nội dung số.

(Danh mục các dự án, nhiệm vụ cụ thể trong phụ lục kèm theo)

IV. Các giải pháp

1. Giải pháp phát triển thị trường CNTT trên địa bàn tỉnh

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực để xây dựng Chính quyền điện tử, doanh nghiệp điện tử, công dân điện tử.

Tuyên truyền, vận động các cơ quan, doanh nghiệp dùng các sản phẩm phần mềm do doanh nghiệp Thanh Hóa xây dựng.

Tập trung xây dựng CSDL tạo lập tài nguyên, dữ liệu lớn cho các phần mềm phát triển (giáo dục, y tế, đất đai, nông nghiệp…); khuyến khích phát triển hạ tầng mạng theo hướng hiện đại để nâng cao chất lượng về dịch vụ.

Triển khai xây dựng các dịch vụ thành phố thông minh trên cơ sở các nền tảng công nghệ đám mây, Big Data, trí tuệ nhân tạo và IoT phục vụ đời sống xã hội.

Đẩy mạnh hợp tác giữa nhà nước - doanh nghiệp và đơn vị hưởng thụ.

2. Giải pháp tạo lập tài nguyên, môi trường mạng và dữ liệu lớn để phát triển các sản phẩm phần mềm và nội dung số

Xây dựng khu CNTT tập trung để tạo lập tài nguyên số là cơ sở dữ liệu mở, môi trường số như đám mây, dịch vụ hạ tầng làm cơ sở để phát triển phần mềm và nội dung số.

Khu CNTT sẽ hình thành Trung tâm dữ liệu Big Data thu thập từ các nguồn IoT để các doanh nghiệp có thể khai thác các dữ liệu mở, phát triển các các phần mềm và nội dung số trên nền dữ liệu lớn của tỉnh.

Các doanh nghiệp tham gia làm các sản phẩm CNTT mũi nhọn phục vụ Chính phủ điện tử sẽ được hưởng các chính sách dành cho doanh nghiệp tham gia vào Khu CNTT tập trung của tỉnh; các doanh nghiệp đầu tư vào các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh được hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo Quyết định số 3667/2013/QĐ-UBND ngày 18/10/2013 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc Ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư vào Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và các chính sách ưu đãi chung theo quy định của Nhà nước. Khuyến khích các doanh nghiệp phát triển hạ tầng mạng theo hướng hiện đại để nâng cao chất lượng dịch vụ.

3. Giải pháp về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực CNTT cho phát triển một số sản phẩm CNTT mũi nhọn của tỉnh

Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về quản lý phát triển công nghiệp CNTT: Thực thi chính sách, pháp luật, năng lực thực hiện thủ tục hành chính.

Thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao về CNTT làm việc trong cơ quan, doanh nghiệp trong tỉnh. Đồng thời tạo cơ chế về thu nhập và điều kiện sống thuận lợi cho người lao động để giữ nguồn nhân lực lâu dài.

Phát triển nguồn nhân lực: Đội ngũ lao động làm việc trực tiếp ở các khu công nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất; tỉnh hỗ trợ đào tạo ban đầu cho công nhân, kỹ thuật viên làm việc trong nhà máy sản xuất sản phẩm về CNTT theo nhu cầu của doanh nghiệp, thực hiện đào tạo trước và sau tuyển dụng.

Xây dựng và đưa vào vận hành trung tâm đào tạo và chuyển giao công nghệ trong Khu công nghệ thông tin tập trung (phần mềm, nội dung số) của tỉnh.

Thực hiện liên kết, hợp tác với các trường Đại học, Cao đẳng và các tổ chức hợp tác đào tạo có uy tín và kinh nghiệm trong nước và trên thế giới trong cùng lĩnh vực để đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, chuyên sâu, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao về nhân lực CNTT.

Các trường Đại học, Cao đẳng đào tạo trong lĩnh vực CNTT đặc biệt là trường Đại học Hồng Đức xây dựng đề án đào tạo nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao đáp ứng nhu cầu nhân lực trên địa bàn tỉnh.

4. Giải pháp về xúc tiến đầu tư và huy động vốn đầu tư phát triển một số sản phẩm CNTT mũi nhọn của tỉnh.

Tổ chức hoặc lồng ghép với các hội nghị xúc tiến đầu tư tại các nước, các thành phố của tỉnh bạn có quan hệ, liên kết với tỉnh Thanh Hóa; Vận động xúc tiến các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư phát triển các sản phẩm CNTT mũi nhọn tại Thanh Hóa. Chủ động tiếp cận các nhà đầu tư có tiềm năng tại các quốc gia như: Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore…

Xây dựng và ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan xúc tiến đầu tư: Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Du lịch, VCCI Thanh Hóa… Hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp…

5. Giải pháp phát triển doanh nghiệp, tạo vườn ươm doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp CNTT; xây dựng phong trào khởi nghiệp trong thanh niên trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Tạo vườn ươm doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp CNTT; xây dựng phong trào khởi nghiệp trong thanh niên, khuyến khích khởi nghiệp dựa trên nền tảng CNTT. Các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể khai thác tài nguyên dữ liệu từ Trung tâm dữ liệu của tỉnh, môi trường nền tảng đám mây của Khu CNTT tập trung để phát triển các sản phẩm phần mềm và nội dung số.

Xây dựng các khu CNTT tập trung nhằm trợ giúp các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng về vốn, quỹ đất… tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xây dựng các khu công nghiệp, khu công nghệ cao nhằm thu hút đầu tư vào CNTT.

Khuyến khích các doanh nghiệp trong tỉnh đầu tư để phát triển các sản phẩm CNTT, tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp thông qua chính sách khoa học công nghệ, qua đề tài KHCN, qua chính sách khởi nghiệp, qua chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong khu CNTT tập trung và qua việc đặt hàng các sản phẩm có chất lượng tốt và tính cạnh tranh cao.

Xây dựng chính sách thu hút các doanh nghiệp CNTT lớn mở Chi nhánh, Văn phòng đại diện tại tỉnh và thu hút các nhà đầu tư cơ sở sản xuất tại Khu công nghiệp CNTT tập trung của tỉnh.

IV. Tổ chức thực hiện

1. Sở Thông tin và Truyền thông

Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh liên quan xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ cho các dự án sản phẩm CNTT mũi nhọn của tỉnh

Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện các chương trình phát triển, thu hút đầu vào các lĩnh vực CNTT.

Tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hoàn thiện môi trường pháp lý, hỗ trợ phát triển các sản phẩm CNTT mũi nhọn; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường CNTT trên địa bàn tỉnh và trong nước; hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp; tăng cường hạ tầng viễn thông, Internet; xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo ngắn hạn về các kỹ năng và công nghệ điện tử, phần mềm, nội dung thông tin số; xây dựng, ban hành các quy chuẩn chất lượng, kỹ thuật cho các sản phẩm công nghiệp CNTT.

Hướng dẫn các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện tử, CNTT căn cứ phát triển một số sản phẩm CNTT mũi nhọn phù hợp.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Thông tin và Truyền thông, UBND huyện, thị xã, thành phố triển khai các biện pháp nhằm huy động tối đa các nguồn vốn, tập trung các nguồn lực, thu hút mạnh mẽ đầu tư trong và ngoài nước phát triển sản phẩm CNTT mũi nhọn của tỉnh.

Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổng hợp triển khai thực hiện cơ chế chính sách hỗ trợ các dự án phát triển một số sản phẩm CNTT mũi nhọn.

Cân đối và huy động các nguồn vốn để đảm bảo kinh phí thực hiện các dự án phát triển công nghiệp CNTT của tỉnh.

3. Sở Khoa học và Công nghệ

Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các sở, ban, ngành cấp tỉnh liên quan lựa chọn thị trường chủng loại cho sản phẩm CNTT mũi nhọn, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển các sản phẩm mũi nhọn về phần mềm, nội dung thông tin số mũi nhọn; phối hợp lựa chọn các công nghệ cho sản phẩm CNTT mũi nhọn của tỉnh, ưu tiên đầu tư cho các dự án nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ các sản phẩm mới để đưa vào sản xuất; đẩy mạnh công tác bảo vệ sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực phần mềm, nội dung thông tin số; phối hợp bố trí nguồn lực KH&CN cho sản phẩm CNTT mũi nhọn của tỉnh, đề xuất trích nguồn ngân sách KHCN của tỉnh hàng năm để triển khai một số nhiệm vụ trong Đề án.

4. Sở Giáo dục và Đào tạo

Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Lao động thương binh và xã hội và các sở, ban, ngành cấp tỉnh liên quan tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp, nhằm định hướng nghề nghiệp trong các nhà tường để xây dựng dựng nguồn nhân lực, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp CNTT theo hướng mở rộng môn học, khoá học về chuyên ngành này, tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng đào tạo trong các trường công lập và dân lập; đẩy mạnh các chương trình đào tạo từ xa; quy định và khuyến khích sử dụng các tài liệu, học liệu điện tử trong công tác dạy và học; khai thác tối đa kho tài nguyên kiến thức trên Internet vào việc dạy và học của nhà trường các cấp.

5. Ban quản lý khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp của tỉnh

Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan, xây dựng các chính sách ưu đãi và khuyến khích cụ thể, phù hợp với các quy định hiện hành của Nhà nước, trên các lĩnh vực: Thu hút, tuyển dụng và sử dụng lao động; hỗ trợ xúc tiến đầu tư thương mại; hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội, công trình dịch vụ và tiện ích công cộng; bồi thường, giải phóng mặt bằng cho các dự án được hưởng chế độ ưu đãi trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

6. Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch

Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện nhóm giải pháp về xúc tiến đầu tư và huy động vốn đầu tư ODA, FDI để phát triển các sản phẩm CNTT mũi nhọn; đặc biệt là thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài từ các tập đoàn lớn, tập đoàn đa quốc gia và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. Thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư và chuyển giao công nghệ vào các lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghệ cao, hàm lượng trí tuệ cao. Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu sản phẩm và phát triển thị trường cho ngành công nghiệp phần mềm và nội dung số của tỉnh.

7. Trường Đại học Hồng Đức

Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các tập đoàn, doanh nghiệp CNTT lớn xây dựng đề án đào tạo nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao, tập trung xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, chuyên sâu, đáp ứng được nhu cầu về nhân lực CNTT trong các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

8. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT

Tích cực tham gia thực hiện các dự án thuộc Chương trình phát triển sản phẩm CNTT mũi nhọn; Tăng cường đầu tư phát triển thị trường, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh.

Xây dựng kế hoạch kinh doanh, sản xuất các sản phẩm CNTT hàng năm, đặc biệt trong lĩnh vực giao dịch điện tử, thương mại điện tử nhằm tăng cường kêu gọi đầu tư, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường theo định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

9. Các Sở, ban, ngành cấp tỉnh khác

Căn cứ Đề án này chủ động xây dựng, đề xuất các nội dung liên quan để thúc đẩy phát triển một số sản phẩm CNTT mũi nhọn của tỉnh, đảm bảo các hoạt động về ứng dụng CNTT trong kế hoạch hoạt động thường xuyên của đơn vị.

10. Các tổ chức, đoàn thể

Các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp, các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh phối hợp trong công tác giáo dục, tuyên truyền, đào tạo nguồn nhân lực theo định hướng phát triển sản phẩm CNTT mũi nhọn, đóng góp trong xây dựng cơ chế chính sách, đề xuất với tỉnh các sáng kiến phát triển sản phẩm và ứng dụng CNTT.

Điều 2. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các đơn vị có liên quan căn cứ nhiệm vụ được giao tại Đề án tổ chức triển khai thực hiện theo các nội dung được phê duyệt.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các đơn vị, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Đình Xứng

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC CÁC DỰ ÁN, NHIỆM VỤ CHÍNH CỦA ĐỀ ÁN “PHÁT TRIỂN MỘT SỐ SẢN PHẨM CÔNG NGHỆ THÔNG TIN MŨI NHỌN CỦA TỈNH THANH HÓA ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030”
(Kèm theo Quyết định số: 1505 /QĐ-UBND ngày 26 /4/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh)

a) Nhóm các sản phẩm phần cứng, sản phẩm phụ trợ cho sản phẩm CNTT thu hút đầu tư vào Thanh Hóa

STT

Tên sản phẩm

Địa điểm thu hút đầu tư

Đơn vị triển khai

Thời gian thực hiện

1

Sản xuất Điện thoại thông minh, máy tính

Khu Lam Sơn Sao vàng và các khu CN trên địa bàn tỉnh

Doanh nghiệp

2018-2025

2

Sản xuất linh kiện điện tử

Khu Lam Sơn Sao vàng và các khu CN trên địa bàn tỉnh

Doanh nghiệp

2020-2025

3

Sản xuất sản phẩm phụ trợ cho các nhà máy sản xuất điện thoại thông minh, máy tính, máy in...

Khu công nghiệp Đông Nam TP Thanh Hóa và các khu CN trên địa bàn tỉnh

Doanh nghiệp

2018-2025

4

Bao bì đóng gói sản phẩm phần cứng

Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu CN trên địa bàn tỉnh

Doanh nghiệp

2020-2025

b) Nhóm các sản phẩm phần mềm thương mại điện tử, kết nối cung cầu

STT

Tên sản phẩm

Đơn vị triển khai

Thời gian thực hiện

1

Hệ thống phục vụ thương mại điện tử giúp quảng cáo, phân phối và bán các sản phẩm truyền thống của Thanh Hóa qua mạng

Doanh nghiệp

2018-2020

2

Phần mềm ứng dụng CNTT phục vụ du lịch Thanh Hóa

Doanh nghiệp

2018-2020

3

Ứng dụng CNTT để giúp điều khiển tự động, theo dõi quá trình sản xuất, phân phối và tiêu thụ sản phẩm nông sản, hỗ trợ việc xây dựng nông nghiệp thông minh, an toàn thực phẩm.

Doanh nghiệp

2018-2020

c) Nhóm sản phẩm phần mềm dùng chung phục vụ Chính quyền điện tử

TT

Tên sản phẩm

Đơn vị triển khai

Thời gian thực hiện

1

Hệ thống tra cứu thông tin KT-XH

Doanh nghiệp

2018-2020

2

Hệ thống phần mềm giải quyết các thủ tục hành chính phục vụ Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã

Doanh nghiệp

2018-2020

3

Hệ thống quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm

Doanh nghiệp

2018-2020

4

Hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân

Doanh nghiệp

2018-2025

d) Nhóm sản phẩm về dịch vụ thành phố thông minh

TT

Tên sản phẩm

Đơn vị triển khai

Thời gian thực hiện

1

Hệ thống kiểm soát phương tiện giao thông theo thời gian thực

Doanh nghiệp

2020-2025

2

Hệ thống quan trắc môi trường thông minh

Doanh nghiệp

2018-2025

3

Hệ thống giáo dục thông minh

Doanh nghiệp

2020-2025

4

Hệ thống chăm sóc sức khoẻ, khám bệnh thông minh

Doanh nghiệp

2020-2030

5

Hệ thống kiểm soát PCCC thông minh

Doanh nghiệp

2020-2030

e) Nhóm sản phẩm phần mềm nội dung số

TT

Tên sản phẩm

Đơn vị triển khai

Thời gian thực hiện

1

Sản phẩm nội dung số về giáo án điện tử, học liệu đào tạo trực tuyến … phục vụ công tác giáo dục đào tạo trực tuyến, học tập điện tử.

Doanh nghiệp

2020-2030

2

Sản phẩm giải trí số (trò chơi trực tuyến, trò chơi tương tác) thể hiện văn hóa, con người Thanh Hóa, Việt Nam

Doanh nghiệp

2020-2030

3

Sản phẩm phát triển dịch vụ nội dung cho mạng di động, phát thanh truyền hình

Doanh nghiệp

2020-2030

4

Hệ thống thông tin tiếp nhận ý kiến phản ánh của người dân qua Internet, thoại.

Doanh nghiệp

2020-2030

5

Sản phẩm thư viện và bảo tàng số

Doanh nghiệp

2020-2030