Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1513/QĐ-TLĐ

Hà Nội, ngày 16 tháng 12 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ VỐN CỦA CÔNG ĐOÀN ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH, HOẠT ĐỘNG KINH TẾ.

ĐOÀN CHỦ TỊCH TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Căn cứ Luật doanh nghiệp năm 2005; Luật Công đoàn năm 2012; Luật quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước năm 2008; Điều lệ Công đoàn Việt Nam năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 191/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết về tài chính công đoàn;

Căn cứ Quyết định số 269/QĐ-TLĐ ngày 7/3/2014 của Tổng Liên đoàn về ban hành Quy chế quản lý tài chính công đoàn;

Theo đề nghị của Ban Tài chính Tổng Liên đoàn.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này Quy chế quản lý vốn của công đoàn đầu tư tài chính, hoạt động kinh tế.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 1 năm 2015. Bãi bỏ các quy định, văn bản của Tổng Liên đoàn trước đây trái với Quyết định này.

Điều 3. Các ban, đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn, các cấp công đoàn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Các đ/c UVĐCTTLĐ (Để báo cáo);
- Lưu VT TLĐ.

TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH
CHỦ TỊCH




Đặng Ngọc Tùng

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ VỐN CỦA CÔNG ĐOÀN ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH, HOẠT ĐỘNG KINH TẾ.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1513/QĐ-TLĐ ngày 16 tháng 12 năm 2014 của Đoàn Chủ tịch TLĐ).

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng.

1. Phạm vi điều chỉnh: Quy chế này quy định quản lý nguồn tài chính của các cấp công đoàn đầu tư tài chính, hoạt động kinh tế.

2. Đối tượng áp dụng:

- Các cấp công đoàn theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam sử dụng tài chính công đoàn đầu tư tài chính, hoạt động kinh tế.

- Người đại diện phần vốn của tổ chức Công đoàn đầu tư vào doanh nghiệp khác.

Điều 2. Mục đích sử dụng tài chính công đoàn đầu tư tài chính, hoạt động kinh tế.

Nâng cao hiệu quả sử dụng tài chính, tài sản công đoàn, tăng nguồn thu tài chính công đoàn, hỗ trợ thu nhập của cán bộ công đoàn, góp phần phát triển kinh tế xã hội.

Điều 3: Nguyên tắc về sử dụng tài chính công đoàn đầu tư tài chính, hoạt động kinh tế.

1. Bảo toàn và phát triển nguồn tài chính công đoàn đầu tư tài chính, hoạt động kinh tế, tuân thủ quy định của pháp luật và quy định của Tổng Liên đoàn.

2. Theo dõi, phản ánh nguồn tài chính công đoàn đầu tư tài chính, hoạt động kinh tế theo quy định của Nhà nước và Tổng Liên đoàn.

3. Phân công, phân cấp gắn quyền với trách nhiệm của từng cấp, của tập thể, cá nhân trong việc sử dụng tài chính công đoàn đầu tư tài chính, hoạt động kinh tế.

Điều 4. Chủ sở hữu, đại diện Chủ sở hữu.

1. Chủ sở hữu.

Tổng Liên đoàn là chủ sở hữu tài chính, tài sản công đoàn đầu tư tài chính, hoạt động kinh tế.

2. Đại diện Chủ sở hữu.

Các cấp Công đoàn theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam là đại diện Chủ sở hữu vốn của đơn vị đầu tư tài chính, hoạt động kinh tế. Thực hiện quyền và nghĩa vụ của Chủ sở hữu theo phân cấp hoặc ủy quyền tại Quy chế này; đồng thời chịu trách nhiệm trước Chủ sở hữu về quyền hạn, nhiệm vụ được giao về Quyết định sử dụng tài chính công đoàn đầu tư tài chính, hoạt động kinh tế.

Chương II

QUYỀN, NGHĨA VỤ CỦA CHỦ SỞ HỮU, ĐẠI DIỆN CHỦ SỞ HỮU

Điều 5. Các quyền của Chủ sở hữu.

1. Ban hành quy chế quản lý sử dụng tài chính công đoàn đầu tư tài chính, hoạt động kinh tế.

2. Thẩm định, quyết định sử dụng tài chính công đoàn đầu tư tài chính, hoạt động kinh tế theo đề nghị của đại diện Chủ sở hữu.

3. Quyết định việc sử dụng tài chính của các cấp công đoàn góp vốn thành lập doanh nghiệp, cho thuê doanh nghiệp, liên doanh, liên kết.

4. Cử đại diện quản lý vốn của Chủ sở hữu đầu tư tài chính, đầu tư vào doanh nghiệp khác.

5. Kiểm tra, thanh tra, giám sát các cấp công đoàn sử dụng tài chính công đoàn đầu tư tài chính, hoạt động kinh tế. Xử lý vi phạm hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý tập thể, cá nhân vi phạm quy chế sử dụng tài chính công đoàn đầu tư tài chính, hoạt động kinh tế, tham ô, lãng phí, làm thất thoát tài sản, tiền vốn của công đoàn đầu tư tài chính, hoạt động kinh tế.

6. Thực hiện các quyền khác theo quy định của pháp luật và quy định của Tổng Liên đoàn.

Điều 6. Quyền của đại diện Chủ sở hữu.

1 .Thẩm định, đề nghị Chủ sở hữu quyết định sử dụng tài chính công đoàn đầu tư tài chính, hoạt động kinh tế của đơn vị hoặc cấp dưới. Quyết định việc sử dụng tài chính công đoàn của cấp mình và cấp dưới đầu tư tài chính, hoạt động kinh tế theo phân cấp của Chủ sở hữu.

2. Cử đại diện quản lý vốn của đơn vị đầu tư tài chính, đầu tư vào doanh nghiệp khác.

3. Kiểm tra, thanh tra, giám sát các cấp công đoàn trực thuộc sử dụng tài chính đầu tư tài chính, hoạt động kinh tế. Xử lý vi phạm hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý tập thể, cá nhân vi phạm quy chế sử dụng tài chính công đoàn đầu tư tài chính, hoạt động kinh tế, tham ô, lãng phí, làm thất thoát tài sản, tiền vốn của công đoàn đầu tư tài chính, hoạt động kinh tế.

4. Thực hiện các quyền khác theo quy định của pháp luật và quy định của Tổng Liên đoàn.

Chương III0

QUẢN LÝ VỐN CỦA CÔNG ĐOÀN ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH, HOẠT ĐỘNG KINH TẾ

Điều 7. Quản lý nguồn tài chính công đoàn đầu tư tài chính.

1. Về tiền gửi tại ngân hàng của các cấp công đoàn.

Các cấp công đoàn được mở tài khoản tiền gửi tại ngân hàng để quản lý nguồn tài chính công đoàn. Việc gửi tiền có kỳ hạn hoặc không kỳ hạn tại ngân hàng do lãnh đạo đơn vị đó quyết định và phải đảm bảo nguyên tắc bảo toàn tiền gửi, không ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị.

2. Về sử dụng tài chính công đoàn mua cổ phần.

2.1. Công đoàn cơ sở doanh nghiệp được sử dụng tài chính công đoàn để mua cổ phần của doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa theo quy định của Chính phủ. Khi Công đoàn cơ sở mua cổ phần, phải lập đề án kèm theo phương án cổ phần hóa của doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền duyệt, trình công đoàn cấp trên có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện.

2.2. Công đoàn cấp trên trực tiếp công đoàn cơ sở; LĐLĐ cấp tỉnh thành phố; công đoàn ngành TW và tương đương được sử dụng tài chính công đoàn của đơn vị để thông qua công đoàn cơ sở và cấp dưới trực thuộc mua cổ phần của doanh nghiệp nhà nước, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước, doanh nghiệp công đoàn cổ phần hóa. Đơn vị mua cổ phần phải lập đề án kèm theo văn bản của Ban cổ phần hóa doanh nghiệp chấp thuận cho tổ chức Công đoàn được mua cổ phần, trình công đoàn cấp trên có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện.

2.3. Thẩm quyền quyết định sử dụng tài chính công đoàn mua cổ phần.

- LĐLĐ cấp tỉnh, thành phố; công đoàn ngành TW và tương đương phê duyệt đề án mua cổ phần đến 2 tỷ đồng.

- Tổng Liên đoàn phê duyệt đề án mua cổ phần mức trên 2 tỷ đồng.

3. Sử dụng tài chính công đoàn góp vốn thành lập doanh nghiệp, liên doanh, liên kết.

3.1. Đối tượng thực hiện.

Công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở; LĐLĐ cấp tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành TW và tương đương, Tổng Liên đoàn.

3.2. Thẩm quyền quyết định sử dụng tài chính công đoàn góp vốn.

Đơn vị sử dụng tài chính công đoàn góp vốn thành lập doanh nghiệp, liên doanh, liên kết phải lập đề án trình Tổng Liên đoàn phê duyệt để thực hiện.

4. Cấp quyết định mua cổ phần, sử dụng tài chính công đoàn góp vốn thành lập doanh nghiệp quyết định việc chuyển nhượng cổ phần, chuyển nhượng vốn góp thành lập doanh nghiệp của các cấp công đoàn (trừ trường hợp đấu giá trên sàn chứng khoán).

5. Cho thuê tài sản của các cơ quan công đoàn.

Tài sản của các cơ quan công đoàn (từ công đoàn cấp trên trực tiếp trở lên) được cho thuê là tài sản chờ chuyển giao, chờ thực hiện dự án xây dựng cơ bản, chờ sắp xếp lại.... Hợp đồng cho thuê tài sản có giá trị 2 tỷ đồng/đơn vị tài sản/năm trở xuống do LĐLĐ cấp tỉnh thành phố; Công đoàn ngành Trung ương và tương đương phê duyệt chủ trương. Hợp đồng cho thuê tài sản trên 2 tỷ đồng/năm/đơn vị tài sản do Tổng Liên đoàn phê duyệt chủ trương để thực hiện.

6. Sử dụng tên của tổ chức công đoàn đặt tên cho doanh nghiệp.

Các đơn vị không sử dụng tên của tổ chức Công đoàn đặt tên cho doanh nghiệp không có vốn của tổ chức công đoàn.

Điều 8. Sử dụng tài chính công đoàn cho vay.

1. Nguyên tắc cho vay.

- Việc sử dụng tài chính công đoàn cho vay phải tuân thủ chặt chẽ quy trình nguyên tắc, đúng mục đích, đúng thẩm quyền, đảm bảo việc thu hồi tiền cho vay.

- Đơn vị sử dụng tài chính công đoàn cho vay nếu để đơn vị vay sử dụng tiền vay không đúng mục đích, làm thất thoát phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

- Đơn vị vay tiền phải có đề án kèm theo tờ trình gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định số tiền cho vay, lãi suất cho vay, thời hạn thu hồi tiền vay.

2. Đối tượng, phạm vi cho vay.

2.1. Đối tượng cho vay: Đơn vị sự nghiệp của tổ chức công đoàn, Công ty TNHH MTV công đoàn, doanh nghiệp cổ phần công đoàn giữ cổ phần chi phối, cơ quan công đoàn (từ công đoàn cấp trên trực tiếp trở lên).

2.2. Phạm vi cho vay: Cho vay bổ sung vốn lưu động, cho vay thực hiện dự án đầu tư XDCB, mua sắm tài sản cố định, cho vay để bảo lãnh, làm vốn đối ứng vay ngân hàng, tổ chức tài chính.

2.3. Thẩm quyền cho vay:

- LĐLĐ tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành TW và tương đương cho vay đến 2 tỷ đồng.

- Tổng Liên đoàn xem xét, quyết định cho vay mức trên 2 tỷ đồng.

Điều 9. Quyền và nghĩa vụ của Chủ sở hữu (đại diện Chủ sở hữu) vốn của công đoàn đầu tư vào doanh nghiệp.

1. Quyền của nhà đầu tư, cổ đông, thành viên góp vốn theo quy định của pháp luật và điều lệ của doanh nghiệp khác.

2. Cử người đại diện phần vốn của công đoàn hay người đại diện theo ủy quyền để thực hiện quyền của nhà đầu tư, cổ đông, thành viên góp vốn, bên liên doanh.

3. Cử, bãi miễn, khen thưởng, kỷ luật, quyết định tiền lương, thù lao, tiền thưởng và các quyền lợi khác đối với người đại diện phần vốn của công đoàn hoặc người đại diện theo ủy quyền tại doanh nghiệp (sau đây gọi tắt là người đại diện) theo quy định của pháp luật.

4. Yêu cầu người đại diện báo cáo tình hình kết quả kinh doanh, tình hình tài chính của doanh nghiệp khác và các vấn đề khác có liên quan của doanh nghiệp nơi Chủ sở hữu hoặc đại diện Chủ sở hữu đầu tư vốn.

5. Quyết định việc tăng vốn đầu tư, thu hồi vốn đầu tư theo thẩm quyền; giám sát việc thu hồi lợi tức được chia từ doanh nghiệp khác, chịu trách nhiệm bảo toàn và phát triển vốn công đoàn đầu tư vào doanh nghiệp khác phù hợp với quy định của pháp luật và điều lệ của doanh nghiệp khác.

6. Thực hiện các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 10. Quyền và nghĩa vụ của người đại diện.

1. Tham gia ứng cử vào bộ máy quản lý, điều hành doanh nghiệp khi được Chủ sở hữu (đại diện Chủ sở hữu) giới thiệu.

2. Báo cáo Chủ sở hữu (đại diện chủ sở hữu) tình hình tài chính, kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; xin ý kiến về những vấn đề biểu quyết thuộc thẩm quyền của Chủ sở hữu, đại diện Chủ sở hữu.

3. Theo dõi, đôn đốc, thực hiện thu hồi vốn, thu cổ tức hoặc các khoản được chia khác từ vốn góp theo quy định của pháp luật và điều lệ doanh nghiệp khác.

4. Thực hiện các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật, quy định khác của Điều lệ doanh nghiệp và Chủ sở hữu (đại diện Chủ sở hữu) giao.

Điều 11. Thù lao, tiền thưởng và quyền lợi khác của người đại diện.

1. Người đại diện không tham gia ban quản lý, điều hành doanh nghiệp khác thì thù lao, tiền thưởng và các quyền lợi khác do Chủ sở hữu (đại diện Chủ sở hữu) quyết định.

2. Người đại diện tham gia ban quản lý, điều hành doanh nghiệp nơi góp vốn được hưởng tiền lương, thù lao, tiền thưởng và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật và quy chế của doanh nghiệp nơi đơn vị đầu tư, góp vốn.

Điều 12: Phân phối kết quả đầu tư tài chính, đầu tư hoạt động kinh tế.

1. Đối với công đoàn cơ sở.

Lãi sử dụng tài chính công đoàn đầu tư tài chính, đầu tư hoạt động kinh tế sau khi trừ chi phí (nếu có) ghi thu tài chính công đoàn cơ sở.

2. Đối với công đoàn các cấp trên cơ sở.

2.1. Lãi tiền gửi, lãi cho vay nguồn tài chính công đoàn ghi thu tài chính công đoàn.

2.2. Lợi nhuận do Công ty TNHH MTV trực thuộc nộp, lãi được chia từ góp vốn liên doanh trích 40% vào Quỹ cơ quan, 60% thu tài chính công đoàn.

2.3. Lãi mua cổ phần, cho thuê doanh nghiệp được trích 20% vào quỹ cơ quan, 80% ghi thu tài chính công đoàn.

2.4. Tiền cho thuê tài sản được trích 40% vào Quỹ cơ quan, 60% ghi thu tài chính công đoàn. Đối với đơn vị có chênh lệch thu, chi cho thuê tài sản dưới 200 triệu đồng/năm: ghi thu tài chính công đoàn 40%, trích quỹ cơ quan 60%.

3. Tài sản chủ sở hữu, đại diện chủ sở hữu giao cho Công ty TNHH MTV, đơn vị sự nghiệp trực thuộc (ngoài vốn điều lệ) để quản lý, khai thác, lãi thu được từ hoạt động của tài sản này nộp Chủ sở hữu (đại diện Chủ sở hữu) tối thiểu 50%, mức cụ thể do Chủ sở hữu (đại diện Chủ sở hữu) quyết định.

Điều 13. Sử dụng quỹ cơ quan.

Quỹ cơ quan hình thành từ các khoản trích theo Điều 12 được chi khen thưởng và phúc lợi cho CBCC trong cơ quan và cán bộ công đoàn chuyên trách của các đơn vị trực thuộc (nếu có).

Mức chi quỹ của cấp nào do cấp đó quyết định.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 14. Điều khoản thi hành.

1. Ban Tài chính, UBKT Tổng Liên đoàn có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra các cấp công đoàn, Công ty TNHH một thành viên của công đoàn thực hiện Quy chế này.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị phản ánh về Tổng Liên đoàn để nghiên cứu giải quyết.