THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1513/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 05 tháng 09 năm 2011 |
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỒ ÁN QUY HOẠCH CHUNG XÂY DỰNG KHU KINH TẾ ĐỊNH AN, TỈNH TRÀ VINH ĐẾN NĂM 2030
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Định An, tỉnh Trà Vinh đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Khu kinh tế) với những nội dung chủ yếu sau:
Khu kinh tế Định An có tổng diện tích tự nhiên là 39.020 ha, gồm đất tự nhiên của huyện Trà Cú và huyện Duyên Hải; giáp giới như sau:
- Phía Bắc giáp tỉnh lộ 914 xã Long Hữu, Hiệp Thạnh, (Duyên Hải), Kim Sơn (Trà Cú)
- Phía Tây Nam giáp sông Hậu và cửa biển Định An.
- Phía Nam và Đông Nam giáp biển Đông với chiều dài bờ biển khoảng 42 km.
- Là Khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, gồm công nghiệp - thương mại - dịch vụ - du lịch - đô thị và nông - lâm - ngư nghiệp gắn với kinh tế biển.
- Là một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa của tỉnh Trà Vinh và vùng đồng bằng sông Cửu Long.
- Là cửa ngõ giao thương hàng hải quốc tế và đầu mối giao thông quan trọng của vùng đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải Nam Bộ.
- Có vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng của vùng và quốc gia.
- Giai đoạn 1 đến năm 2020: Diện tích phát triển là 15.403 ha, dân số khoảng 206.000 người, trong đó dân số đô thị khoảng 105.000 người.
- Giai đoạn 2 đến năm 2030: Diện tích phát triển là 39.020 ha, dân số khoảng 250.000 người, trong đó dân số đô thị khoảng 150.000 người.
4. Định hướng và mô hình phát triển không gian:
a) Định hướng phát triển không gian:
Không gian Khu kinh tế phát triển chủ yếu về 2 hướng Bắc và Nam của kênh đào Trà Vinh:
- Hướng phía Bắc kênh đào Trà Vinh, bao gồm thị trấn Duyên Hải, các xã Long Toàn, Ngũ Lạc, Đôn Châu, Đôn Xuân, Đại An, Hàm Tân và thị trấn Định An.
- Hướng phía Nam kênh đào Trà Vinh, bao gồm các xã Long Vĩnh, Đông Hải, Dân Thành, Trường Long Hòa.
b) Mô hình phát triển không gian:
Không gian Khu kinh tế được phát triển với sự kết nối mạng đa cực, đa trung tâm trên nguyên tắc bảo tồn và tôn tạo môi trường sinh thái tự nhiên.
- Hướng phía Bắc kênh đào Trà Vinh gồm:
+ Cực phía Đông, Đông Bắc: Bố trí các chức năng bao gồm khu phi thuế quan, khu hành chính, một số khu chức năng chuyên dụng khác và thị xã Duyên Hải.
+ Cực phía Tây: Bố trí đô thị Định An và cảng Trà Cú, các khu du lịch, dịch vụ, dân cư và một số khu chuyên dụng khác.
+ Cực phía Bắc (giữa Đông và Tây): Bố trí các khu công nghiệp và các dịch vụ kèm theo, gồm các khu: Định An, Đôn Xuân và Ngũ Lạc.
+ Khu vực còn lại phía Đông Nam thị xã Duyên Hải: Phát triển khu du lịch và dịch vụ Ba Động.
- Hướng phía Nam kênh đào Trà Vinh gồm:
+ Cực phía Đông: Bố trí các chức năng bao gồm thị trấn Long Thành, khu tái định cư và một số khu chức năng chuyên dụng khác.
+ Cực phía Tây: Bố trí đô thị Long Vĩnh và một số khu chuyên dụng khác.
+ Cực giữa Đông và Tây: Bố trí vùng dự trữ phát triển công nghiệp lớn và các dịch vụ kèm theo.
+ Khu vực còn lại phía Nam: Phát triển nông, lâm, ngư nghiệp, bảo vệ môi trường và các điểm dân cư nông thôn mới.
- Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030:
+ Các khu chức năng chính trong Khu kinh tế: 26.424 ha. Bao gồm: Khu phi thuế quan 501 ha; khu công nghiệp và kho tàng 3.156 ha; các khu du lịch, dịch vụ, giải trí 4.305 ha; thị xã Duyên Hải 2.662 ha; đô thị Định An - Cảng Trà Cú 2.572 ha; thị trấn Long Thành 1.080 ha; đô thị Long Vĩnh (dự trữ phát triển) 1.109 ha; các điểm dân cư đô thị khác (tái định cư) 759 ha; các khu phát triển nông - lâm ngư nghiệp và dân cư nông thôn 10.280 ha.
+ Các khu chuyên dụng khác: 12.596 ha. Bao gồm: Khu hành chính và hạ tầng xã hội tập trung 400 ha; các khu thương mại - dịch vụ chuyên dụng 283 ha; khu dự trữ xây dựng sân bay Long Toàn: 719 ha; rừng phòng hộ 2.097 ha; thềm bờ biển 2.275 ha; khu quân sự 164 ha; khu dự trữ phát triển công nghiệp 2.166 ha; sông, kênh chính (mặt nước và thềm cây xanh ngoài khu) 1.120 ha; giao thông đối ngoại và hạ tầng kỹ thuật 3.374 ha; giao thông đối ngoại 1.045 ha; kênh đào Trà Vinh, bến bãi 1.957 ha; khu nghĩa trang 372 ha.
- Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020:
+ Các khu chức năng chính trong Khu kinh tế: 12.272 ha. Bao gồm: Khu phi thuế quan 501 ha; khu công nghiệp và kho tàng 3.156 ha; các khu du lịch, dịch vụ, giải trí 1.965 ha; thị xã Duyên Hải 2.662 ha; đô thị Định An - Cảng Trà Cú 2.571 ha; các điểm dân cư đô thị khác (tái định cư) 380 ha; các khu phát triển nông - lâm - ngư nghiệp và dân cư nông thôn 1.035 ha;
+ Các khu chuyên dụng khác: 3.131 ha. Bao gồm: Khu hành chính và hạ tầng xã hội tập trung 400 ha; đất thương mại - dịch vụ chuyên dụng 283 ha; khu dự trữ xây dựng sân bay Long Toàn 719 ha; khu quân sự 156 ha; rừng phòng hộ 168 ha; thềm bờ biển 414 ha; sông, kênh chính 312 ha; giao thông đối ngoại và hạ tầng kỹ thuật 680 ha.
a) Khu phi thuế quan:
Diện tích 501 ha, bố trí tại khu Đông Bắc, hướng Bắc kênh đào Trà Vinh thuộc xã Long Toàn, huyện Duyên Hải.
b) Các khu công nghiệp và kho tàng:
- Khu vực Bắc kênh đào Trà Vinh:
+ Bố trí 3 khu công nghiệp kèm theo các khu dịch vụ, phụ trợ khác tại khu vực nằm giữa Đông và Tây Bắc, bao gồm:
. Khu công nghiệp Định An: Diện tích 591 ha, thuộc xã Định An và Đôn Xuân.
. Khu công nghiệp Đôn Xuân - Đôn Châu: Diện tích 934 ha, thuộc xã Đôn Xuân và xã Đôn Châu.
. Khu công nghiệp Ngũ Lạc: Diện tích 936 ha, thuộc xã Ngũ Lạc.
. Khu dịch vụ công nghiệp: Diện tích 305 ha, thuộc xã Ngũ Lạc, bố trí các loại dịch vụ và phụ trợ cho các khu công nghiệp như kho bãi, trưng bày sản phẩm v.v…
. Khu kho ngoại quan (logistic): Diện tích 101 ha, thuộc xã Đôn Xuân, có chức năng bốc dỡ đóng gói, trung chuyển hàng hóa từ 2 cảng Long Toàn và Trà Cú cho các khu công nghiệp.
+ Trung tâm điện lực Duyên Hải: Bố trí theo dự án đang được thực hiện, diện tích khoảng 289 ha, thuộc địa phận xã Dân Thành.
- Khu vực Nam kênh đào Trà Vinh: Bố trí đất dự trữ cho phát triển các khu công nghiệp tại cực giữa Đông và Tây Bắc, phục vụ sau năm 2030 như sau:
+ Khu dự trữ phát triển công nghiệp Long Vĩnh: Diện tích 1.173 ha, thuộc xã Long Vĩnh.
+ Khu dự trữ phát triển công nghiệp Long Khánh: Diện tích 993 ha, thuộc xã Long Khánh.
c) Các khu dịch vụ và du lịch:
- Khu vực Bắc kênh đào Trà Vinh: Bố trí một số các khu dịch vụ và du lịch có tính chất tổng hợp hoặc chuyên đề riêng biệt:
+ Khu cảng và dịch vụ cảng Long Toàn: Khu này là cảng trung chuyển tổng hợp, diện tích khoảng 260 ha, thuộc xã Long Toàn.
+ Khu cảng và dịch vụ cảng Trà Cú: Khu này là cảng trung chuyển tổng hợp, diện tích khoảng 150 ha, thuộc xã Hàm Tân.
+ Khu du lịch biển Ba Động: Tổng diện tích tự nhiên 1.614 ha chưa kể rừng phòng hộ và bãi cát ven biển liền kề, thuộc xã Trường Long Hòa.
+ Khu dịch vụ, giải trí Dân Thành 1: Là khu giải trí tổng hợp, diện tích 268 ha, thuộc xã Dân Thành.
+ Khu dịch vụ, giải trí hồ nước ngọt Đôn Châu: Là khu giải trí tổng hợp phục vụ cho vùng công nghiệp, diện tích 299 ha, thuộc xã Đôn Châu.
+ Khu dịch vụ, giải trí hồ nước ngọt Định An: Là khu giải trí tổng hợp, diện tích 330 ha, thuộc xã Định An và Đôn Xuân.
+ Các khu dịch vụ, giải trí khác gồm các khu giải trí phía Bắc thị xã Duyên Hải có diện tích 156 ha và Đông Nam thị xã có diện tích 233 ha, là những khu giải trí và cây xanh chuyên đề, phục vụ cho thị xã nói riêng và khu kinh tế nói chung.
- Khu vực Nam kênh đào Trà Vinh: Bố trí một số các khu dịch vụ và du lịch lớn kết hợp phát triển nông, lâm ngư nghiệp gồm:
+ Rừng sinh thái xã Long Khánh được khai thác cho phát triển du lịch; tổng diện tích 959 ha.
+ Khu dịch vụ, giải trí sinh thái Dân Thành 2: Khu dịch vụ giải trí khai thác thế mạnh sinh thái đồng quê kết hợp nuôi trồng thủy sản và các dịch vụ nông thôn. Được bố trí có diện tích 424 ha, thuộc xã Dân Thành.
d) Khu hành chính và hạ tầng xã hội tập trung của Khu kinh tế:
- Khu hành chính và hạ tầng xã hội tập trung: Tổng diện tích 400 ha, bố trí tại khu vực giáp kênh đào Trà Vinh, giữa 2 đô thị Duyên Hải và Long Thành.
- Khu trung tâm giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học: Bố trí tại thị trấn Long Thành, diện tích 156 ha.
- Khu trung tâm giao lưu văn hóa các dân tộc: Bố trí tại đô thị Định An và cảng Trà Cú, phía Đông là sông Rạch Cá, phía Nam là đường tỉnh lộ 915, có diện tích 59 ha.
Ngoài ra còn có các khu thương mại - dịch vụ chuyên dụng khác của Khu kinh tế có diện tích 283 ha, được bố trí tại các đô thị và xen kẽ các khu chức năng trong Khu kinh tế.
đ) Hệ thống đô thị và điểm dân cư nông thôn:
- Thị xã Duyên Hải:
+ Thị xã Duyên Hải được nâng cấp, mở rộng từ thị trấn Duyên Hải, trong tương lai là đô thị loại III; là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội và du lịch dịch vụ của Khu kinh tế và tỉnh Trà Vinh.
+ Tổng diện tích đất xây dựng đô thị là 2.662 ha.
+ Dự báo quy mô dân số đến năm 2030 là 70.000 người.
+ Hướng phát triển chủ yếu dọc theo quốc lộ 53 và về 2 phía: Phía Bắc đến hết ranh giới hành chính; phía Nam đến giáp sông Láng Chim, theo mô hình cấu trúc dạng đa cực.
- Đô thị Định An - Trà Cú:
+ Đô thị được xây dựng trên địa phận của thị trấn Định An và các xã Định An, Đại An, Hàm Tân (thuộc huyện Trà Cú), trong tương lai là đô thị loại III.
+ Tính chất là một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội và du lịch dịch vụ của Khu kinh tế.
+ Diện tích đất tự nhiên là 2.572 ha, diện tích đất xây dựng đô thị là 1.396 ha.
+ Dự báo quy mô dân số đến năm 2030 là 66.000 người.
+ Hướng phát triển chủ yếu dọc theo đường tỉnh lộ 915, dọc sông Hậu, quốc lộ 53 và kênh Trà Vinh.
- Khu Định An:
+ Phát triển thị trấn Định An và phần đô thị hóa mở rộng trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội và du lịch dịch vụ của huyện Trà Cú và phía Tây Khu kinh tế.
+ Diện tích đất tự nhiên là 1.926 ha (trong đó phần thuộc thị trấn Định An là 984 ha, phần mở rộng là 942 ha). Diện tích đất xây dựng đô thị là 1.090 ha. Dự báo quy mô dân số đến năm 2030 là 51.000 người.
+ Hướng phát triển chủ đạo dọc tuyến đường tỉnh lộ 915 dự kiến và dọc bờ sông Hậu.
- Khu cảng Trà Cú:
+ Là khu đô thị chuyên ngành gắn với dịch vụ cảng Trà Cú.
+ Diện tích đất tự nhiên là 645 ha, thuộc địa phận xã Hàm Tân. Dự báo quy mô dân số đến năm 2030 là 15.000 người. Diện tích đất xây dựng đô thị là 305 ha.
+ Các chức năng dự kiến trong Khu gồm: Cảng, nhà ở, công trình điều hành, các công trình dịch vụ vận tải, kho bãi và các công trình thương mại hỗ trợ khác.
- Thị trấn Long Thành: Quy hoạch xây dựng mới, là thị trấn huyện lỵ của huyện Duyên Hải (thay thế cho thị trấn Duyên Hải), là đô thị loại V với tính chất là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và du lịch dịch vụ của huyện Duyên Hải và của Khu kinh tế.
+ Diện tích đất tự nhiên là 1.080 ha, thuộc phạm vi của xã Long Thành. Diện tích đất xây dựng đô thị là 375 ha.
+ Dự báo quy mô dân số đến năm 2030 là 15.000 người.
- Đô thị Long Vĩnh:
+ Là khu đô thị chuyên ngành, dự trữ phát triển sau năm 2030 cùng với các dự án xây dựng khu công nghiệp tại hướng Nam kênh đào Trà Vinh; là đô thị công nghiệp, thương mại và dịch vụ.
+ Diện tích đất tự nhiên là 1.109 ha, thuộc địa phận xã Long Vĩnh. Diện tích đất đô thị là 542 ha.
+ Dự báo quy mô dân số đến năm 2030 là 23.000 người.
- Các điểm dân cư đô thị khác:
Xây dựng 2 khu tái định cư thuộc xã Dân Thành (huyện Duyên Hải). Tổng diện tích là 759 ha:
+ Khu tái định cư Dân Thành 1, diện tích khoảng 378 ha, phía Tây Bắc giáp đường tỉnh lộ 913, phía Đông Bắc giáp kênh đào Trà Vinh, phía Đông Nam giáp rừng phòng hộ.
+ Khu tái định cư Dân Thành 2, diện tích 380 ha, phía Tây Bắc giáp đường tỉnh lộ 913, phía Tây Nam giáp kênh đào Trà Vinh, phía Đông Nam giáp Trung tâm điện lực Duyên Hải. Khu vực này đáp ứng nhu cầu ở kết hợp phục vụ cho Trung tâm điện lực Duyên Hải.
- Các điểm dân cư nông thôn:
Cải tạo xây dựng 49 điểm dân cư nông thôn cũ với tổng diện tích 1.206 ha, xây dựng mới 18 điểm dân cư nông thôn mới với tổng diện tích 465 ha theo mô hình nông thôn mới gắn với các vùng canh tác nông - lâm - ngư nghiệp tập trung và các khu chuyên môn hóa sản xuất có tính chất nông thôn khác.
e) Các khu phát triển nông - lâm - ngư nghiệp:
- Khu phát triển nông - lâm - ngư nghiệp xã Long Vĩnh, Long Khánh: Diện tích 4.452 ha, gắn với 28 điểm dân cư nông thôn cũ và 5 điểm dân cư nông thôn mới (khoảng 50.000 người). Định hướng phát triển lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, du lịch dịch vụ nông nghiệp nông thôn.
- Khu phát triển nông - lâm - ngư nghiệp xã Đông Hải: Diện tích 1.045 ha gắn với 1 điểm dân cư nông thôn cũ (khoảng 4.000 người). Định hướng phát triển chủ yếu là nuôi trồng thủy sản.
- Khu phát triển nông - lâm - ngư nghiệp xã Dân Thành, Đông Hải:
+ Khu 1 (Khu Dân Thành, Đông Hải): Diện tích 1.951 ha gắn với 9 điểm dân cư nông thôn cũ và 5 điểm dân cư nông thôn mới (bao gồm cả dân cư trong rừng phòng hộ liền kề, tổng số khoảng 25.000 người). Định hướng phát triển nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp, trồng cây ăn quả.
+ Khu 2: diện tích 1.035 ha, gắn với 4 điểm dân cư nông thôn cũ và 4 điểm dân cư nông thôn mới (khoảng 11.500 người). Định hướng phát triển nuôi trồng thủy sản mật độ cao, trồng cây lâu năm, du lịch, dịch vụ nông thôn.
- Khu phát triển nông - lâm - ngư nghiệp xã Trường Long Hòa: Diện tích 1.828 ha gắn với 7 điểm dân cư nông thôn cũ và 4 điểm dân cư nông thôn mới (bao gồm cả dân cư nông thôn trong Khu du lịch biển Ba Động, tổng số khoảng 15.500 người). Định hướng phát triển nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp, trồng cây ăn quả, du lịch, dịch vụ nông thôn.
g) Các khu chuyên dụng khác:
- Rừng phòng hộ: Khoanh vùng bảo vệ, trồng bổ sung cho 2.097 ha rừng hiện trạng tại các xã Long Vĩnh, Đông Hải, Dân Thành và xã Trường Long Hòa.
- Các khu quân sự, di tích: Giữ nguyên quy mô và vị trí các khu điểm hiện có.
- Cải tạo nâng cấp sân bay hiện có phục vụ vận chuyển cho các loại máy bay cỡ nhỏ.
- Dự trữ 719 ha tại khu vực Long Toàn để xây dựng sân bay Long Toàn khi có nhu cầu trong giai đoạn sau năm 2030; trước mắt khu đất này vẫn được sử dụng cho sản xuất nông nghiệp.
7. Định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật:
a) Hệ thống giao thông
- Hệ thống đường bộ:
+ Đường bộ đối ngoại:
. Quốc lộ 53 là trục đối ngoại chính của Khu kinh tế. Đoạn chạy ngoài khu đô thị được thiết kế đạt tiêu chuẩn đường đồng bằng cấp I, lộ giới rộng 32 m. Đoạn đi qua đô thị có mặt cắt lộ giới rộng 67 m, trong đó ngoài luồng giao thông chính cho đối ngoại, bố trí hệ thống đường gom và dải cây xanh cách ly cho đô thị.
. Tuyến đường bộ ven biển: Đoạn tuyến đi qua Khu kinh tế có chiều dài 54 km, điểm đầu tuyến là cầu dân sinh qua sông Láng Chim tại xã Trường Long Hòa - huyện Duyên Hải, điểm cuối tuyến tại điểm giao với quốc lộ 53 tại xã Long Vĩnh - huyện Duyên Hải. Phương án tuyến được xác định theo quy hoạch chi tiết. Mặt cắt được thiết kế theo các thiết kế của các đoạn tuyến thành phần với mặt cắt lộ giới rộng từ 28 - 40 m.
. Tỉnh lộ 914: Là tuyến đường vành đai phía Bắc của Khu kinh tế nối quốc lộ 53, 54, 60 đi các tỉnh thành trong khu vực. Mặt cắt được mở rộng lên 32 m, tiêu chuẩn đường cấp I đồng bằng, lộ giới bảo vệ và dự trữ là 60 m.
. Tuyến đường dọc hai bên kênh đào Trà Vinh là đường trục kết nối hai phía Đông Tây, liên kết các đô thị và các trung tâm chức năng trong Khu kinh tế. Tuyến này được thiết kế với mặt cắt từ 24 - 32 m, đạt tiêu chuẩn đường cấp I, cấp II đồng bằng. Lộ giới bảo vệ và dự trữ từ 45 - 60 m.
. Nâng cấp huyện lộ 81 thành tuyến giao thông liên khu đoạn từ trung tâm Khu kinh tế và cảng Trà Cú đến vùng trung tâm điện lực Duyên Hải, khu du lịch biển Ba Động. Mặt cắt thiết kế theo cấu trúc đường đô thị là 36 m, tuyến này được tính từ cảng Long Toàn đến điểm giao với tỉnh lộ 913.
+ Đường đô thị:
. Đường trục chính đô thị: Kết nối hệ thống đường khu vực trong đô thị với đường giao thông đối ngoại Khu kinh tế bao gồm các tuyến xuyên tâm, liên kết các cực phát triển của đô thị. Mặt cắt thiết kế từ 36 - 42 m, một số tuyến đi qua trung tâm đô thị được kết hợp với các dải cây xanh cảnh quan.
- Đường vành đai của các đô thị được hình thành nhằm gom các luồng vận tải của đô thị, hòa nhập với đường quốc lộ, tỉnh lộ, đường đối ngoại. Các tuyến được thiết kế có mặt cắt từ 33 - 36 m.
- Đường khu vực đô thị: Thiết kế với mặt cắt từ 20,5 - 25 m, có nhiệm vụ kết nối các khu chức năng với các đường trục chính trong đô thị.
- Đường giao thông chính các khu vực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và dân cư nông thôn: Nâng cấp, cải tạo các tuyến huyện lộ, liên xã hiện có; kết hợp mở các tuyến mới tạo thành mạng các tuyến chính cho vùng, liên hệ thuận lợi với các tuyến khác trong Khu kinh tế. Đạt tiêu chuẩn đường cấp III và cấp IV đồng bằng.
- Đường giao thông liên xã, liên thôn: Cải tạo theo hướng nâng cao năng lực giao thông, tạo điều kiện cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Đạt tiêu chuẩn đường cấp V và cấp VI đồng bằng.
- Giao thông đường thủy: Kết hợp với hệ thống giao thông đường bộ, khai thác các tuyến giao thông đường thủy hiện có trong Khu kinh tế, bao gồm các tuyến: Kênh đào Trà Vinh, sông Long Toàn, sông La Ghi, rạch Cỏ, sông Cồn Lợi, sông Động Cao, sông Cồn Cù, sông Ba Động, kênh 3 - 2, kênh Ông Năm …
- Giao thông hàng không:
+ Cải tạo nâng cấp khu vực sân bay quân sự Long Toàn cũ.
+ Dành quỹ đất dự trữ cho việc xây dựng cảng hàng không tại khu vực xã Long Toàn khi cần thiết trong tương lai sau năm 2030, diện tích khoảng 719 ha, trước mắt được sử dụng cho sản xuất nông nghiệp.
- Công trình đầu mối giao thông:
+ Tiếp tục triển khai các dự án xây dựng cầu Láng Chim trên tỉnh lộ 913, qua sông Long Toàn; cầu Ba Động trên đường tỉnh lộ 913 qua sông Ba Động.
+ Xây dựng 3 cầu qua kênh đào Trà Vinh; 2 cầu trên sông Long Toàn nối đô thị Duyên Hải với vùng xã Trường Long Hòa.
+ Cải tạo, xây dựng mới và 9 cầu trên quốc lộ, tỉnh lộ; 8 cầu trên mạng đường khu vực, nội khu qua các sông kênh khác.
+ Xây dựng cảng biển Trà Vinh, địa điểm trên bờ biển Duyên Hải, là cảng tổng hợp đầu mối khu vực trong Hệ thống cảng biển Việt Nam, bao gồm các khu chức năng tổng hợp container cho tàu trọng tải 3 - 5 vạn DWT.
+ Cảng Trà Cú: Xây dựng theo dự án được duyệt, quy mô khoảng 15 - 20 ha, công suất phục vụ 80.000 tấn/năm. Đến năm 2030 có thể mở rộng thêm quy mô trong quỹ đất 150 ha đã quy hoạch.
+ Nghiên cứu mở rộng cảng Long Toàn với diện tích 215 ha với công suất dự kiến là 100.000 tấn/năm, đảm bảo cho tàu biển từ kênh đào Trà Vinh cập bến.
+ Mở rộng nâng cấp cảng cá Định An tại xã Định An có diện tích khoảng 5 ha; cảng cá Láng Chim tại xã Long Toàn có diện tích khoảng 10 ha. Các công trình trên cảng được đầu tư, xây dựng đồng bộ, nhằm nâng cao công suất trên 20.000 tấn/năm.
+ Bến thủy nội Khu kinh tế: Bố trí 05 bến tàu thủy tại các đầu mối giao thông thủy - bộ liên kết mạng lưới giao thông đường thủy và mạng lưới giao thông đường bộ, công suất mỗi bến từ 5.000 - 10.000 tấn/năm.
+ Xây dựng hệ thống giao thông công cộng đồng bộ và hoàn chỉnh gồm: Hệ thống đường bộ với 121 km xe bus đô thị, 80 km xe bus đường dài và 257 km tuyến xe khách; hệ thống đường thủy có 181 km chiều dài các tuyến đường thủy nội địa.
+ Xây dựng 1 kho ngoại quan, 4 tổng kho và 4 kho nhiên liệu tại 3 cảng chính là Cảng Trà Cú, Cảng Long Toàn, Cảng cá Láng Chim và tại kho ngoại quan logestic. Xây dựng 8 kho trung chuyển tại cảng cá Định An, các trung tâm đô thị, khu du lịch biển Ba Động và khu tái định cư Dân Thành. Toàn bộ các cảng, trung tâm đô thị, khu du lịch biển Ba Động và khu tái định cư Dân Thành đều được bố trí 1 trạm phân phối nhiên liệu và 1 bãi đỗ xe tổng hợp.
+ Mở rộng diện tích bến xe hiện có tại thị trấn Duyên Hải lên thành 1,5 - 2 ha, bố trí thêm 01 bến xe tại phía Nam thị trấn quy mô 5 - 7 ha.
+ Xây dựng 06 bến xe có diện tích trung bình từ 4 - 6 ha trong địa bàn Khu kinh tế tại thị trấn Long Thành; đô thị Định An và cảng Trà Cú; đô thị Long Vĩnh; khu du lịch biển Ba Động; khu tái định cư Dân Thành 1 và Dân Thành 2.
+ Xây dựng 3 nút giao thông lập thể gồm: Nút giao đường tránh quốc lộ 53 và đường tỉnh lộ 914 tại xã Long Hữu; nút giao quốc lộ 53 và đường tỉnh lộ 914 tại đô thị Định An; nút giao đường trục chính đô thị và đường phục vụ cảng Trà Cú xã Hàm Tân.
Ngoài ra tại các vị trí đầu cầu trên sông Long Toàn, kênh đào Trà Vinh bố trí các giải pháp giao cắt lập thể nhằm đảm bảo tính liên thông của toàn mạng.
+ Xây dựng 08 nút giao thông cảnh quan gồm: 5 nút tại thị trấn Duyên Hải, 1 nút giáp với khu vực cảng Long Toàn, 1 nút tại thị trấn Long Thành, 1 nút tại đô thị Long Vĩnh, 1 nút tại đô thị Định An và cảng Trà Cú.
b) Chuẩn bị kỹ thuật:
- Quy hoạch hệ thống thoát nước mưa: Gồm 8 lưu vực thoát gắn liền với hệ thống thủy lợi trên cơ sở địa hình tự nhiên, các định hướng san nền trong các đô thị ra các sông nội, kênh đào Trà Vinh và thoát ra biển Đông và sông Hậu.
- Cao độ nền xây dựng:
+ Đô thị Duyên Hải: Cao độ san nền trung bình là 2,4 m; cao độ thấp nhất: 2,0 m; cao độ cao nhất: 3,5 m; hướng dốc về phía sông Long Toàn; độ dốc san nền từ 0,3% - 0,5%.
+ Đô thị Định An và cảng Trà Cú: Cao độ san nền trung bình là 2,2 m; hướng dốc từ trung tâm đô thị về phía các sông Tổng Long, sông Rạch Cá, sông Rạch Bến Tranh; độ dốc san nền từ 0,3% - 0,4%.
+ Đô thị Long Thành: Cao độ san nền trung bình là 2,2 m; hướng dốc từ trung tâm đô thị về phía các kênh rạch xung quanh; độ dốc san nền 0,4%.
+ Đô thị Long Vĩnh: Cao độ san nền trung bình là 2,2 m; hướng dốc về phía các kênh, rạch trong vùng; độ dốc san nền từ 0,3% - 0,4%.
+ Các khu công nghiệp, phía Bắc kênh đào Trà Vinh (giữa đô thị Duyên Hải và đô thị Định An): Cao độ san nền trung bình là 2,2 m; hướng dốc về phía sông Khoen, sông Láng Sắt, kênh La Ban, sông Bến Giá; độ dốc san nền 0,5%.
+ Các khu công nghiệp, phía Nam kênh đào Trà Vinh (giữa đô thị Long Thành và đô thị Long Vĩnh dự kiến sau năm 2030) cao độ san nền trung bình là 2,0 m; hướng dốc về phía các kênh, rạch trong vùng; độ dốc san nền 0,5%.
+ Khu tái định cư: Cao độ san nền trung bình là 2,2 m; hướng dốc từ trung tâm về phía các kênh, rạch bao quanh; độ dốc san nền 0,3%.
+ Các khu lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản và dân cư nông thôn: Quy định san nền đối với các điểm, khu dân cư. Giải pháp hướng dốc chung theo nguyên tắc từ khu dân cư dốc ra các khu sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp lân cận, hướng dốc cục bộ sẽ được quy hoạch xây dựng giai đoạn sau thực hiện. Cao độ san nền của các khu gồm: Các khu dân cư tại xã Long Vĩnh, Long Khánh, Đông Hải, cao độ trung bình là 2,0 m; các khu Trường Long Hòa, Dân Thành, cao độ trung bình là 2,2 m (cao hơn các khu sản xuất từ 1,0 - 1,2 m).
+ Các khu công viên, vui chơi giải trí, du lịch: Cốt xây dựng trung bình khống chế là 2,2 m. Giải pháp chi tiết về hướng dốc, độ dốc theo điều kiện cụ thể sẽ được thực hiện ở các bước quy hoạch sau.
c) Định hướng cấp điện:
- Tổng công suất cấp điện đến năm 2020: 130 MVA.
- Tổng công suất cấp điện đến năm 2030: 168 MVA.
- Nguồn cấp điện: Nguồn 1 cấp từ trạm 220 kV Trà Vinh thông qua phân đoạn thanh cái của trạm 110 kV Cầu Ngang cấp đến trạm 110 kV Duyên Hải; nguồn 2 cấp bổ sung từ Trung tâm điện lực Duyên Hải thông qua trạm 220 kV - 250 MVA Duyên Hải.
d) Định hướng cấp nước:
- Tổng nhu cầu sử dụng nước sạch đến năm 2020 là 54.000 m3/ngày đêm.
- Tổng nhu cầu sử dụng nước sạch đến năm 2030 là 85.000 m3/ngày đêm.
- Công suất dự phòng cho phát triển là 25.000 m3 (đô thị Long Vĩnh và vùng phát triển công nghiệp dự trữ sau năm 2030).
- Nguồn nước:
+ Nguồn nước ngầm: Nguồn nước ngầm có thể khai thác được với trữ lượng đáp ứng trên 200.000 m3/ngày đêm.
+ Nguồn nước mặt: Lấy từ kênh 3 - 2, là tuyến kênh dẫn nước ngọt từ vùng phía Bắc của Khu kinh tế. Hồ chứa nước ngọt có tổng dung tích hữu ích là 5.220.000 m3, có thể cấp độc lập cho toàn Khu kinh tế trong khoảng 4 - 5 tháng.
- Xây dựng mới 03 trạm cấp nước tại phía Đông đô thị Định An, tại xã Đôn Châu, xã Đông Hải, thị trấn Duyên Hải, tổng công suất đến năm 2020 khoảng 41.500 m3/ngày đêm, đến năm 2030 khoảng 67.500 m3/ngày đêm. Cải tạo nâng cấp 02 trạm cấp nước hiện có tại Duyên Hải và khu du lịch Ba Động, tổng công suất đến năm 2020 khoảng 12.500 m3/ngày đêm, đến năm 2030 khoảng 17.500 m3/ngày đêm.
đ) Định hướng thoát nước thải và vệ sinh môi trường:
- Thoát nước thải:
+ Tổng nhu cầu xử lý nước thải đến năm 2020 là 29.250 m3/ngày đêm; đến năm 2030 là 49.000 m3/ngày đêm. Có tính toán sơ bộ dự phòng (đô thị Long Vĩnh, vùng công nghiệp phía Nam kênh đào Trà Vinh) 16.200 m3/ngày đêm.
+ Khu vực đô thị, các khu xây dựng hạ tầng kinh tế (công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, các trung tâm v.v…): Hệ thống thoát nước thải được quy hoạch riêng với hệ thống thoát nước mưa.
+ Khu vực dân cư nông thôn: Hệ thống thoát nước thải được quy hoạch theo phương án thoát nước chung. Nước thải của khu dân cư, các công trình công cộng được xử lý sơ bộ qua bể tự hoại của từng công trình sẽ được thoát ra rãnh thoát nước chung.
+ Xây dựng 13 trạm xử lý nước thải có công suất từ 1.000 - 13.000 m3/ngày đêm, phục vụ cho toàn bộ Khu kinh tế.
- Vệ sinh môi trường:
+ Tổng nhu cầu xử lý rác thải sinh hoạt là: 135 tấn/ngày đêm (tiêu chuẩn rác thải sinh hoạt 0,9 kg/người ngày đêm).
+ Khu xử lý rác thải tập trung: Mở rộng diện tích từ 20 - 25 ha cho khu xử lý rác thải tập trung phía Bắc đường tỉnh lộ 914, thuộc địa phận xã Ngũ Lạc.
+ Cải tạo các nghĩa trang theo mô hình công viên nghĩa trang. Tại các khu vực nông thôn, từ nay đến năm 2020, các nghĩa trang hiện có cho phép tiếp tục chôn lấp. Sau năm 2020, xây dựng nghĩa trang tập trung cho toàn Khu kinh tế tại khu vực phía Tây Nam xã Long Vĩnh (gần tuyến đường bộ ven biển dự kiến) có quy mô khoảng 370 ha.
8. Các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm và kiểm soát môi trường:
- Hạn chế nguồn gây ô nhiễm không khí do công nghiệp và do các hoạt động giao thông. Thực hiện công tác kiểm soát, kiểm tra, kiểm kê và quan trắc môi trường không khí.
- Có các biện pháp ngăn tiếng ồn cục bộ: Xây dựng các tường chắn tiếng ồn giao thông đối với các công trình cần yên tĩnh (bệnh viện, trường học v.v….). Bảo đảm vùng đệm cách ly giữa đường giao thông và nhà ở.
- Bảo vệ môi trường nước kênh đào Trà Vinh và sông Long Toàn. Nghiêm cấm mọi hành động xả nước bẩn ra kênh đào Trà Vinh.
- Nước bẩn sinh hoạt được xử lý sơ bộ bằng các bể tự hoại trước khi xả vào hệ thống thoát nước bẩn chung.
- Xây dựng hệ thống quan trắc môi trường trên lưu vực sông, đặc biệt là tại các khu vực nhạy cảm như: Sau các điểm nhập lưu, tại thượng lưu và hạ lưu, tại các điểm lấy nước, v.v…, để giám sát tình hình ô nhiễm môi trường trên lưu vực sông để có biện pháp khắc phục kịp thời.
- Đối với rác thải sinh hoạt phân loại ngay tại nguồn phát sinh. Có thể tiến hành phân loại thành hai loại rác là vô cơ và hữu cơ.
- Đối với chất thải xây dựng: Các chủ công trình phải đăng ký vận chuyển với công ty môi trường đô thị, không đổ ra các khu vực xung quanh.
- Đối với chất thải công nghiệp: Chất thải độc hại phải được xử lý trước khi thải ra ngoài hoặc thu gom để xử lý riêng.
- Đối với chất thải y tế: Phải được xử lý trước khi vận chuyển tới bãi tập kết; không đổ chung với rác thải sinh hoạt.
- Đối với khu công nghiệp: Chất thải cần được xử lý đạt tiêu chuẩn vệ sinh theo quy định của Tiêu chuẩn Việt Nam sau đó mới được thải ra nguồn tiếp nhận.
- Kiểm soát các hoạt động sản xuất nông nghiệp. Sử dụng hợp lý phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật.
- Nước thải sinh hoạt được thu gom và phân loại theo khả năng phân hủy, có biện pháp xử lý riêng cho từng loại. Đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước bẩn và sử dụng công nghệ hiện đại để giảm mức độ ảnh hưởng ô nhiễm đất do nước bẩn bị ô nhiễm đổ ra môi trường đất.
- Xử lý triệt để phân thải gia súc tránh đất bị ô nhiễm bởi các vi sinh vật gây bệnh. Xử lý và không sử dụng các sản phẩm bền vững trong đất làm yếu cơ cấu lý tính của đất như: Nilon và các hợp chất cao phân tử khó phân hủy khác v.v…
a) Các dự án động lực cấp quốc gia:
- Nâng cấp, mở rộng quốc lộ 53.
- Xây dựng luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu.
- Xây dựng các cầu qua kênh Tắt và kênh Quan Chánh Bố (luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu).
- Xây dựng trung tâm điện lực Duyên Hải với công suất 4.400 MW.
- Xây dựng đường ven biển kết hợp với đê biển, trong phạm vi Khu kinh tế.
- Cảng biển Duyên Hải (cảng tổng hợp khu vực trên bờ biển Duyên Hải - Trà Vinh).
b) Các dự án hạ tầng:
- Khu phi thuế quan.
- Khu công nghiệp Đôn Xuân, Đôn Châu, Ngũ Lạc.
- Khu Hành chính và Hạ tầng xã hội tập trung.
- Cảng Long Toàn, Trà Cú.
- Khu Du lịch Ba Động.
- Các khu giải trí hồ nước ngọt Định An, Đôn Châu.
- Các dự án xây dựng phát triển: Thị xã Duyên Hải, đô thị Định An và cảng Trà Cú, thị trấn Long Thành.
- Các dự án giao thông đường bộ đối ngoại trong Khu kinh tế.
- Các dự án xây dựng điểm dân cư nông thôn.
- Các dự án hạ tầng xã hội thiết yếu: Trụ sở cơ quan, doanh nghiệp, công trình y tế, văn hóa, giáo dục của Khu kinh tế.
Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh triển khai thực hiện các công việc sau:
1. Công bố công khai đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Định An, tỉnh Trà Vinh đến năm 2030 được duyệt.
2. Ban hành Quy định quản lý theo đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Định An, tỉnh Trà Vinh đến năm 2030 được duyệt.
3. Triển khai lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị để cụ thể hóa đồ án Quy hoạch chung xây dựng được duyệt, triển khai các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật khung và các dự án đầu tư xây dựng các khu chức năng của Khu kinh tế.
4. Lập kế hoạch đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật và quản lý quỹ đất phát triển theo quy hoạch chung xây dựng được duyệt.
5. Lập kế hoạch, chương trình để đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý Khu kinh tế.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: | KT. THỦ TƯỚNG |
- 1 Quyết định 241/QĐ-TTg năm 2016 công nhận thành phố Trà Vinh là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Trà Vinh do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2 Quyết định 2134/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt đồ án quy hoạch chung thành phố Trà Vinh quy mô đô thị loại II đến năm 2030
- 3 Quyết định 296/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Năm Căn, tỉnh Cà Mau đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4 Nghị định 29/2008/NĐ-CP về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế
- 5 Nghị định 08/2005/NĐ-CP về quy hoạch xây dựng
- 6 Luật xây dựng 2003
- 7 Luật Tổ chức Chính phủ 2001
- 1 Quyết định 241/QĐ-TTg năm 2016 công nhận thành phố Trà Vinh là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Trà Vinh do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2 Quyết định 2134/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt đồ án quy hoạch chung thành phố Trà Vinh quy mô đô thị loại II đến năm 2030
- 3 Quyết định 296/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Năm Căn, tỉnh Cà Mau đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành