THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1528/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 03 tháng 09 năm 2015 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH MỘT SỐ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ PHÁT TRIỂN THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT, TỈNH LÂM ĐỒNG
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;
Căn cứ Quyết định số 704/QĐ-TTg ngày 12 tháng 5 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận, tỉnh Lâm Đồng với các nội dung sau:
1. Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng được phép cho các nhà đầu tư kinh doanh bất động sản (trừ các dự án du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng) trong phạm vi thành phố Đà Lạt: Sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng được phép chuyển nhượng dự án cho các đối tượng khác xây dựng nhà ở, công trình kiến trúc theo quy hoạch chung và dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phù hợp với quy định của Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn.
2. Tỉnh Lâm Đồng được thuê tư vấn, chuyên gia có năng lực trong và ngoài nước lập một số quy hoạch phân khu chức năng đặc thù và kêu gọi đầu tư vào các đô thị vệ tinh, đô thị đối trọng cùng với kết nối giao thông công cộng của thành phố Đà Lạt theo Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, được phê duyệt tại Quyết định số 704/QĐ-TTg ngày 12 tháng 5 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ.
3. Về ưu đãi đối với nhà đầu tư tham gia đầu tư tại thành phố Đà Lạt:
a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc miễn tiền thuê đất đối với các dự án đầu tư xây dựng khu du lịch quốc gia và khu du lịch trọng điểm của thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, theo quy định tại Khoản 10 Điều 19 Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước;
b) Được miễn thuế nhập khẩu vật tư, trang thiết bị để đầu tư xây dựng nhà kính, nhà lưới sản xuất rau, hoa ứng dụng công nghệ cao mà trong nước chưa sản xuất được trong thời gian 5 năm đầu thực hiện Quyết định này.
4. Về nguồn vốn đầu tư và sử dụng vốn đầu tư các công trình trọng điểm:
a) Tỉnh Lâm Đồng được ưu tiên bố trí vốn từ nguồn ngân sách trung ương (bao gồm: Nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức - ODA, trái phiếu Chính phủ, các chương trình hỗ trợ có mục tiêu, tín dụng ưu đãi Chính phủ), bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương trong kế hoạch hàng năm và giai đoạn để thực hiện các công trình, dự án trọng điểm phát triển thành phố Đà Lạt;
b) Tỉnh Lâm Đồng được ưu tiên vay vốn ODA để đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng quan trọng của thành phố Đà Lạt thuộc nhiệm vụ đầu tư của ngân sách địa phương;
c) Giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan cùng Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng đề xuất cơ chế đầu tư để sớm triển khai thực hiện một số dự án hạ tầng giao thông quan trọng có tính chất thông thương, đối ngoại, liên kết vùng và liên kết với các vùng khác, cụ thể như sau:
- Đầu tư nâng cấp Quốc lộ 27.
- Nâng cấp đường tỉnh 723 nối thành phố Đà Lạt với thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa thành Quốc lộ.
- Đầu tư xây dựng công trình tuyến cao tốc Dầu Giấy - Liên Khương, hoàn thành các đoạn thiết yếu trước năm 2020 theo các hình thức: PPP, BT, BOT, BTO, ODA,...
d) Việc ứng trước vốn kế hoạch từ nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu, vốn trái phiếu Chính phủ của năm sau để thực hiện các dự án hạ tầng quan trọng của thành phố Đà Lạt thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Nghị quyết của Quốc hội. Trường hợp đặc biệt, Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng báo cáo Chính phủ để xem xét, xử lý theo quy định;
đ) Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng được vận động và thu hút vốn ODA, vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật – xã hội về giao thông, xử lý rác thải, các công trình dịch vụ tiện ích, công trình công cộng cần thiết của thành phố Đà Lạt;
e) Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng được huy động vốn đầu tư trực tiếp của các tổ chức, cá nhân trong nước, vốn ứng trước của các đối tượng có nhu cầu sử dụng hạ tầng, vốn của các doanh nghiệp có chức năng xây dựng và kinh doanh công trình hạ tầng kỹ thuật của thành phố Đà Lạt, theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư công;
g) Khuyến khích đầu tư theo hình thức BOT, BTO, PPP, BT (trừ các dự án BT bằng tiền),... đối với các công trình hạ tầng thuộc nhiệm vụ đầu tư của ngân sách nhà nước;
h) Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng được vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ để thực hiện các dự án trọng điểm của thành phố Đà Lạt thuộc nhiệm vụ đầu tư của ngân sách địa phương. Việc cho vay lại, quản lý và sử dụng nguồn vay lại, hoàn trả vốn vay thực hiện theo quy định của pháp luật.
5. Về một số cơ chế, chính sách khác:
a) Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng được thực hiện việc thu hồi đất đối với dự án nông nghiệp công nghệ cao tập trung đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận theo quy định của pháp luật về đất đai;
b) Tỉnh Lâm Đồng được thí điểm xây dựng mô hình "làng đô thị xanh" (green village) tại thành phố Đà Lạt theo Đồ án quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để tổ chức thực hiện;
c) Được Trung ương đầu tư hoặc đưa vào danh mục ưu tiên kêu gọi đầu tư của Trung ương; đồng thời, Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng được trực tiếp kêu gọi đầu tư đối với các công trình, dự án quan trọng thuộc lĩnh vực môi trường, các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng, Khu du lịch quốc gia và Khu du lịch trọng điểm trên địa bàn tỉnh, Khu Công nghệ sinh học và Nông nghiệp công nghệ cao Đà Lạt, Khu Công nghệ thông tin tập trung Đà Lạt, đã được đưa vào danh mục dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao, các Bộ, ngành, cơ quan liên quan có trách nhiệm hướng dẫn, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng thực hiện các cơ chế, chính sách quy định tại Quyết định này.
Điều 3. Hiệu lực thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng và Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Lạt chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./
| THỦ TƯỚNG |
- 1 Nghị quyết 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh do Quốc hội ban hành
- 2 Quyết định 1193/QĐ-TTg năm 2015 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Vườn ươm Công nghệ công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc tại thành phố Cần Thơ do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3 Luật Kinh doanh bất động sản 2014
- 4 Luật Đầu tư công 2014
- 5 Nghị định 46/2014/NĐ-CP về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước
- 6 Quyết định 704/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7 Quyết định 80/2013/QĐ-TTg về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8 Luật đất đai 2013
- 9 Quyết định 11/2008/QĐ-TTg về một số cơ chế, chính sách đặc thù trong quản lý, phát triển kinh tế - xã hội đối với thành phố Huế (đô thị loại I) trực thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 10 Luật Ngân sách Nhà nước 2002
- 11 Luật Tổ chức Chính phủ 2001
- 1 Nghị quyết 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh do Quốc hội ban hành
- 2 Quyết định 1193/QĐ-TTg năm 2015 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Vườn ươm Công nghệ công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc tại thành phố Cần Thơ do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3 Quyết định 80/2013/QĐ-TTg về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4 Quyết định 11/2008/QĐ-TTg về một số cơ chế, chính sách đặc thù trong quản lý, phát triển kinh tế - xã hội đối với thành phố Huế (đô thị loại I) trực thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế do Thủ tướng Chính phủ ban hành