Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1529/QĐ-UBND

Vĩnh Long, ngày 13 tháng 7 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH PHỐI HỢP LIÊN NGÀNH TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG NƯỚC DÙNG TRONG ĂN UỐNG, SINH HOẠT

CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 04/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống hạn, xâm nhập mặn;

Căn cứ Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 12/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long;

Thực hiện Công văn số 1598/BYT-MT ngày 24/3/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc tăng cường công tác đảm bảo chất lượng nước dùng trong ăn uống, sinh hoạt;

Xét Tờ trình số 1150/TTr-SYT ngày 03/6/2016 của Giám đốc Sở Y tế về việc phê duyệt Kế hoạch tăng cường công tác đảm bảo chất lượng nước dùng trong ăn uống, sinh hoạt,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch phối hợp liên ngành tăng cường công tác đảm bảo chất lượng nước dùng trong ăn uống, sinh hoạt theo Tờ trình số 1150/TTr-SYT ngày 03/6/2016 của Giám đốc Sở Y tế (kèm theo Kế hoạch số 1017/KH-SYT ngày 19/5/2016).

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Thủ trưởng các sở ngành có liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố Vĩnh Long triển khai thực hiện Kế hoạch nêu trên đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Tài chính; Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp nước Vĩnh Long và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố Vĩnh Long chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Hoàng Tựu

 

UBND TỈNH VĨNH LONG
SỞ Y TẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1017/KH-SYT

Vĩnh Long, ngày 19 tháng 5 năm 2016

 

KẾ HOẠCH PHỐI HỢP LIÊN NGÀNH

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG NƯỚC DÙNG TRONG ĂN UỐNG, SINH HOẠT
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1529/QĐ-UBND ngày 13/7/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long)

Căn cứ vào Công văn số 1598/BYT-MT ngày 24/3/2006 của Bộ Y tế về việc “tăng cường công tác đảm bảo chất lượng nước dùng trong ăn uống, sinh hoạt”;

Căn cứ vào Công văn số 1007/UBND-KTN ngày 31/3/2016 của UBND tỉnh về việc “tăng cường công tác đảm bảo chất lượng nước dùng trong ăn uống, sinh hoạt”;

Thực hiện chỉ đạo trên Sở Y tế phối hợp Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Thông tin truyền thông, Cty TNHH MTV CN Vĩnh Long, Trung tâm NS&VSMT NT thống nhất xây dựng kế hoạch tăng cường công tác đảm bảo chất lượng nước dùng trong ăn uống, sinh hoạt nhằm bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Với các nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH – YÊU CẦU

1. Mục đích

Nước sạch rất cần thiết trong đời sống và sinh hoạt hàng ngày của con người, thế nhưng, hiện nay chúng ta đã và đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm môi trường. Nguồn nước bị ô nhiễm sẽ gây ra một số bệnh dịch nguy hiểm như các bệnh về đường tiêu hoá, bệnh ngoài da, ngoài ra còn nhiều bệnh liên quan khác mà chi phí cho việc chữa trị các bệnh này rất cao, làm ảnh hưởng đến lao động và học tập người dân. Theo thống kê của tổ chức y tế thế giới, có 80% bệnh tật ở người có liên quan đến nước và vệ sinh môi trường.

Trước tình hình ô nhiễm ngày càng tăng của sông ngòi, môi trường sống, những biện pháp xử lý đơn giản: lắng phèn, lọc,... trở nên ít hiệu quả và đặc biệt hơn với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay, hạn hán kéo dài và tình trạng xâm nhập mặn xảy ra ở một số địa phương trong tỉnh, làm ảnh hưởng đến chất lượng nước sinh hoạt ở nông thôn hiện nay, đây là điều đáng lo ngại và còn ảnh hưởng đến các cơ sở cấp nước tập trung, gây khó khăn trong quá trình xử lý nước.

2. Yêu cầu

2.1. Cơ quan quản lý chất lượng của Nhà Nước: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng nước tại các cơ sở cấp nước trên địa bàn tỉnh.

2.2. 100% cơ sở cấp nước trên địa bàn tỉnh phải thực hiện việc tự kiểm tra, giám sát theo quy định và đảm bảo chất lượng nước cấp cho dân sử dụng theo QCVN 01 và 02 năm 2009 (Ban hành theo Thông tư 04 và 05/BYT) về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống và nước sinh hoạt.

2.3. Hộ dân trong vùng bị hạn, nhiễm mặn, thiếu nước sạch nắm bắt được thông tin về tình hình hạn, xâm nhập mặn đảm bảo đủ nước sạch cho các nhu cầu thiết yếu.

2.4. Các ngành chức năng và UBND cấp huyện, cấp xã có trách nhiệm hướng dẫn người dân trữ nước và xử lý nước trong tình hình hạn nhất là thời điểm xâm nhập mặn; đảm bảo người dân sử dụng nước an toàn, chất lượng, góp phần bảo vệ sức khoẻ.

II. THỜI GIAN VÀ PHẠM VI THỰC HIỆN

- Thời gian: từ tháng 5 đến hết tháng 12/2016

- Phạm vi triển khai: Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

III. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Sở Y tế

Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện các nội dung sau:

1.1. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tổ chức tập huấn cho các cơ sở cấp nước tập trung khác trên địa bàn tỉnh về các quy định hiện hành liên quan đến chất lượng nước, kiểm tra, giám sát chất lượng nước, tổng hợp dự trù hoá chất khử trùng cung cấp cho hộ gia đình (Theo thứ tự ưu tiên) tại khu vực thiếu nước sạch sử dụng.

1.2. Thanh tra Sở Y tế phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và Thanh tra các ngành có liên quan tăng cường công tác thanh kiểm tra đảm bảo chất lượng nước dùng trong ăn uống, sinh hoạt.

1.3. Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khoẻ tỉnh thực hiện công tác tuyên truyền về nước sạch và vệ sinh môi trường tại cộng đồng; cung cấp tờ rơi hướng dẫn cách xử lý nước và bảo vệ nguồn nước; tuyên truyền trên báo sức khoẻ; đề xuất với Báo Vĩnh Long và Đài PTTH Vĩnh Long trong công tác tuyên truyền.

1.4. Trung tâm Y tế tuyến huyện và Trạm Y tế tuyến xã hướng dẫn người dân trữ nước và xử lý nước an toàn, lập nhu cầu hoá chất xử lý nước của hộ dân gửi về Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

2.1. Thường xuyên theo dõi tình hình xâm nhập mặn, dự báo và tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, giúp người dân và các cơ sở cấp nước tập trung có kế hoạch trữ nước và xử lý nước an toàn.

2.2. Hướng dẫn quản lý các hoạt động sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch khu vực nông thôn; Tổ chức thanh tra, kiểm tra và giám sát việc thực hiện hoạt động cấp nước khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh.

2.3. Chỉ đạo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn:

- Có kế hoạch cấp nước sinh hoạt tại các xã bị ảnh hưởng xâm nhập mặn;

- Đảm bảo cung cấp nước thường xuyên đạt chất lượng cho hộ dân sử dụng;

- Tự kiểm tra, kiểm soát chất lượng nước đúng theo quy định của BYT;

- Hướng dẫn người dân trữ nước và cách xử lý nước đơn giản (theo hướng dẫn của Bộ Y tế).

3. Sở Xây dựng

Thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về xây dựng các công trình cấp nước nhằm đảm bảo chất lượng nước sinh hoạt.

4. Sở Khoa học và Công nghệ

Cập nhật và công bố thông tin khoa học, các nghiên cứu phát minh sáng chế được công nhận ứng dụng hiệu quả trong lĩnh vực cấp nước.

5. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Quản lý nguồn thải, các nguy cơ có thể gây ô nhiễm nguồn nước nhất là các khu vực thượng nguồn, khu vực khai thác phục vụ sản xuất nước sạch;

- Theo dõi tình hình ô nhiễm nguồn nước, dự báo và tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, giúp người dân và các cơ sở cấp nước tập trung có kế hoạch trữ nước và xử lý nước an toàn.

6. Sở Thông tin và Truyền thông

Phổ biến các quy định về bảo vệ nguồn nước, các phương pháp xử lý nước, sử dụng nước tiết kiệm và tình hình nguồn nước ô nhiễm, xâm nhập mặn trên các phương tiện thông tin đại chúng.

7. Đài Phát thanh Truyền hình Vĩnh Long

Thông báo tình hình hạn, xâm nhập mặn, tuyên truyền nhân dân bảo vệ nguồn nước mặt, trữ nước và xử lý nước an toàn.

8. Công ty TNHH MTV Cấp nước Vĩnh Long

8.1. Có kế hoạch để đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho các khu vực thuộc đơn vị mình quản lý bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn trên địa bàn.

8.2. Tăng cường công tác quan trắc, kiểm soát chất lượng nước sản xuất.

8.3. Điều tiết chế độ vận hành hợp lý, tăng công suất cung cấp tối đa vào thời điểm độ mặn thấp, giảm công suất khi nguồn nước thô có độ mặn tăng cao.

8.4. Phối hợp với địa phương thông báo cho người dân về chế độ vận hành của nhà máy để có kế hoạch dự trữ nước và sử dụng tiết kiệm nước trong thời gian nguồn nước bị nhiễm mặn.

8.5. Có kế hoạch đảm bảo dự trữ nguồn nước thô cho các nhà máy hoạt động theo sự chỉ đạo của tỉnh.

8.6. Tham gia tuyên truyền để người dân biết về cách xử lý nước, trữ nước, bảo vệ nguồn nước và tiết kiệm nước.

9. Các đơn vị cấp nước khác

- Thực hiện nghiêm việc tự kiểm tra, giám sát đúng quy định và đảm bảo đủ nguồn nước, chất lượng nước cấp cho dân sử dụng theo QCVN 01 và 02 Thông tư 50/2015/TT-BYT ngày 11/12/2015 của Bộ Y tế;

- Báo cáo kết quả xét nghiệm định kỳ về các cơ cơ quan thẩm quyền theo quy định.

- Tham gia tuyên truyền cùng với các ngành để người dân hiểu rõ tầm quan trọng của nguồn tài nguyên nước và cách xử lý nước đơn giản theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế

- Tham mưu UBND tỉnh, phối hợp với các ngành có liên quan xây dựng kế hoạch liên ngành đảm bảo chất lượng nước dùng trong ăn uống, sinh hoạt.

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện tốt công tác giám sát về mặt Nhà nước đối với chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt.

- Phối hợp với Báo Vĩnh Long và Đài PTTH Vĩnh Long trong công tác tuyên truyền hướng dẫn người dân trữ nước và xử lý nước an toàn.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cấp nước sạch khu vực nông thôn;

- Phối hợp đơn vị liên quan tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng tình hình xâm nhập mặn; chỉ đạo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn cung cấp nước đủ và đạt chất lượng cho hộ dân sử dụng;

- Tập huấn cho các cơ sở cấp nước thuộc hệ thống do ngành mình quản lý.

3. Sở Xây dựng

Thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về xây dựng các công trình cấp nước nhằm đảm bảo chất lượng nước sinh hoạt.

4. Sở Khoa học và Công nghệ

Cập nhật và công bố thông tin khoa học trong lĩnh vực cấp nước.

5. Sở Tài nguyên và Môi trường

Phối hợp ban ngành có liên quản lý nguồn thải, theo dõi tình hình ô nhiễm nguồn nước tại các vùng xâm nhập mặn và tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng.

6. Sở Thông tin và Truyền thông

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và các cơ quan báo, đài tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định về bảo vệ nguồn nước và tình hình xâm nhập mặn.

7. Đài Phát thanh Truyền hình Vĩnh Long

Phối hợp các đơn vị có liên quan dự báo tình hình hạn, xâm nhập mặn và tuyên truyền nhân dân bảo vệ nguồn nước mặt.

8. Công ty TNHH MTV Cấp nước Vĩnh Long

- Xây dựng kế hoạch tăng cường công tác quan trắc, kiểm soát chất lượng nước. điều tiết chế độ vận hành hợp lý;

- Phối hợp với địa phương thông báo cho người dân về chế độ vận hành của nhà máy để có kế hoạch dự trữ và sử dụng tiết kiệm nước trong thời gian nguồn nước bị xâm nhập mặn;

- Tập huấn cho các cơ sở cấp nước thuộc hệ thống do ngành mình quản lý.

9. Các đơn vị cấp nước khác

Thực hiện việc tự kiểm tra, giám sát đúng quy định và đảm bảo đủ nguồn nước, chất lượng nước cấp cho dân sử dụng, đồng thời tham gia tuyên truyền, hướng dẫn người dân người dân trữ nước và xử lý nước an toàn.

V. KINH PHÍ

1. Thực hiện theo kinh phí đã được phân bổ của từng ngành.

2. Kinh phí từ nguồn xã hội hoá do địa phương vận động (nếu có)./.

 

 

GIÁM ĐỐC




Trần Văn Út