Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 1532/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 23 tháng 09 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN LUẬT LÝ LỊCH TƯ PHÁP

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Để triển khai thực hiện Luật Lý lịch tư pháp ngày 17 tháng 6 năm 2009;
Sau khi thống nhất ý kiến với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Luật Lý lịch tư pháp.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính QG;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, PL (3).

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN LUẬT LÝ LỊCH TƯ PHÁP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1532/QĐ-TTg ngày 23 tháng 9 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ)

Luật Lý lịch tư pháp được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 17 tháng 6 năm 2009 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2010. Đây là một đạo luật quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền của công dân và hoạt động của các cơ quan tư pháp. Luật lý lịch tư pháp đặt ra những nhiệm vụ mới, phức tạp và khó khăn trong quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp như xây dựng hệ thống dữ liệu về lý lịch tư pháp; hình thành cơ chế cung cấp, tiếp nhận, cập nhật, xử lý thông tin lý lịch tư pháp; chủ động xóa án tích cho những người đã từng bị kết án có đủ điều kiện …. Việc chuẩn bị triển khai thực hiện những nhiệm vụ này đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan như Tòa án, Kiểm sát, Công an, Quốc phòng, Tư pháp trong việc hướng dẫn, quy định chi tiết thi hành Luật; đào tạo, tập huấn cán bộ, công chức; trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp. Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Luật Lý lịch tư pháp với các nội dung như sau:

A. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Thực hiện tốt việc xây dựng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Lý lịch tư pháp; chuẩn bị nội dung và các biện pháp cần thiết để thi hành có hiệu quả Luật Lý lịch tư pháp ngay từ khi có hiệu lực pháp luật (ngày 01 tháng 7 năm 2010).

2. Xây dựng cơ chế đồng bộ giữa các bộ, ngành trong việc trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp, xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, tăng cường và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp.

3. Tuyên truyền, phổ biến Luật Lý lịch tư pháp, đặc biệt cho người dân về cơ chế cập nhật thông tin lý lịch tư pháp, chủ động xóa án tích cho những người đã từng bị kết án có đủ điều kiện đương nhiên được xóa án tích. Đào tạo, tập huấn cán bộ, công chức làm công tác lý lịch tư pháp và cán bộ, công chức các bộ, ngành có liên quan về Luật Lý lịch tư pháp;

4. Xây dựng cơ chế trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp có trước ngày Luật Lý lịch tư pháp có hiệu lực để phục vụ yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

B. NỘI DUNG KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN LUẬT LÝ LỊCH TƯ PHÁP

I. XÂY DỰNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH LUẬT LÝ LỊCH TƯ PHÁP

1. Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Lý lịch tư pháp

Cơ quan chủ trì: Bộ Tư pháp.

Cơ quan phối hợp: Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ.

Nội dung:

- Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành 3 điều trong Luật Lý lịch tư pháp: tổ chức của Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia (Điều 11); việc bảo vệ và lưu trữ cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp (Điều 14); thủ tục tra cứu, trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp có trước ngày Luật lý lịch tư pháp có hiệu lực để phục vụ cấp Phiếu lý lịch tư pháp và xây dựng Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp (Điều 56);

- Hướng dẫn những quy định cần thiết để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước: Trình tự, thủ tục cập nhập, xử lý thông tin lý lịch tư pháp; ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý lý lịch tư pháp; thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

Thời gian hoàn thành: tháng 01 năm 2010 trình Chính phủ.

2. Thông tư liên tịch của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng hướng dẫn chi tiết trình tự, thủ tục cung cấp, trao đổi thông tin lý lịch tư pháp.

Cơ quan chủ trì: Bộ Tư pháp

Cơ quan phối hợp: Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng.

Nội dung:

- Hướng dẫn chi tiết trình tự, thủ tục cung cấp, trao đổi thông tin lý lịch tư pháp từ ngày Luật Lý lịch tư pháp có hiệu lực;

- Hướng dẫn chi tiết thủ tục tra cứu, trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp có trước ngày Luật lý lịch tư pháp có hiệu lực để phục vụ cấp Phiếu lý lịch tư pháp và xây dựng Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp (Điều 56);

- Ban hành kèm theo một số biểu mẫu liên quan đến cung cấp thông tin lý lịch tư pháp: mẫu trích lục bản án; mẫu trích lục quyết định tuyên bố phá sản.

Thời gian hoàn thành: tháng 3 năm 2010.

3. Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn mức thu nộp, quản lý và sử dụng lệ phí cấp Phiếu lý lịch tư pháp

Cơ quan chủ trì: Bộ Tài chính.

Cơ quan phối hợp: Bộ Tư pháp.

Nội dung: Trên cơ sở rà soát Quyết định số 94/2004/QĐ-BTC ngày 07 tháng 12 năm 2004 của Bộ Tài chính quy định về chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí cấp Phiếu lý lịch tư pháp, thống nhất quy định chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho phù hợp với điều kiện và tình hình hiện nay.

Thời gian hoàn thành: tháng 5 năm 2010.

4. Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành biểu mẫu lý lịch tư pháp

Cơ quan thực hiện: Bộ Tư pháp.

Thời gian hoàn thành: tháng 2 năm 2010.

II. XÂY DỰNG ĐỀ ÁN THÀNH LẬP TRUNG TÂM LÝ LỊCH TƯ PHÁP QUỐC GIA VÀ TỔ CHỨC THUỘC SỞ TƯ PHÁP ĐỂ QUẢN LÝ CƠ SỞ DỮ LIỆU LÝ LỊCH TƯ PHÁP

Cơ quan chủ trì: Bộ Tư pháp

Cơ quan phối hợp: Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Nội dung:

- Địa vị pháp lý, cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia;

- Tổ chức thuộc Sở Tư pháp để quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp tại địa phương.

Thời gian hoàn thành: tháng 3 năm 2010 trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Đề án.

III. TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN LUẬT LÝ LỊCH TƯ PHÁP

1. Tuyên truyền, phổ biến Luật Lý lịch tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành

Cơ quan thực hiện: Bộ Tư pháp

Cơ quan phối hợp: Bộ Thông tin và Truyền thông

Đối tượng tuyên truyền: cá nhân, cơ quan, tổ chức

Nội dung:

- Hướng dẫn cơ quan chức năng các Bộ, ngành liên quan và các Sở Tư pháp về công tác tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật;

- Biên soạn các tài liệu: Hỏi đáp pháp luật, đặc san tuyên truyền Luật Lý lịch tư pháp, đề cương giới thiệu Luật Lý lịch tư pháp.

Thời gian: trong năm 2009 và năm 2010.

2. Phổ biến, quán triệt Luật Lý lịch tư pháp cho cán bộ lãnh đạo ngành Tư pháp

Cơ quan chủ trì: Bộ Tư pháp.

Đối tượng phổ biến, quán triệt: Lãnh đạo Sở Tư pháp, trưởng (phó) phòng hành chính tư pháp (lý lịch tư pháp) 63 tỉnh, thành phố.

Nội dung:

- Những nội dung cơ bản của Luật Lý lịch tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành;

- Cung cấp, tiếp nhận, cập nhật, xử lý thông tin lý lịch tư pháp

- Tổ chức xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

Thời gian: Quý I năm 2010.

3. Phổ biến, quán triệt Luật Lý lịch tư pháp cho cán bộ lãnh đạo ngành Tòa án, Viện kiểm sát, Công an, Quốc phòng

Cơ quan chủ trì: Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tổ chức phổ biến, quán triệt cho cán bộ trong ngành mình.

Cơ quan phối hợp: Bộ Tư pháp.

Đối tượng phổ biến, quán triệt:

- Cán bộ ngành Tòa án: Lãnh đạo Tòa án nhân dân cấp tỉnh (63 tỉnh, thành phố), Lãnh đạo Tòa án nhân dân cấp huyện (700 huyện), Tòa án quân khu và tương đương (09), Tòa án khu vực (17);

- Cán bộ ngành Kiểm sát: Lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh (63 tỉnh, thành phố), Lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện (700 huyện); Viện kiểm sát quân khu và tương đương (16), Viện kiểm sát quân sự khu vực (34);

- Cán bộ ngành Công an: Trưởng phòng PC27, Trưởng phòng PA18 (63 tỉnh, thành phố x 2), giám thị trại giam (44 trại), giám thị trại tạm giam (63 trại); cán bộ, chiến sĩ làm công tác thi hành án hình sự, hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và các lực lượng khác có liên quan;

- Cán bộ thi hành án (hình sự) thuộc Bộ Quốc phòng: giám thị trại giam (08), giám thị trại tạm giam (13);

- Cán bộ thi hành án (dân sự) thuộc Bộ Quốc phòng: Trưởng thi hành án quân khu và tương đương (09).

Nội dung:

- Những nội dung cơ bản của Luật Lý lịch tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành;

- Xử lý, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp;

- Tổ chức thực hiện cung cấp thông tin lý lịch tư pháp có trước ngày Luật Lý lịch tư pháp có hiệu lực để phục vụ việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp và xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp.

Thời gian: tháng 5 năm 2010.

IV. ĐÀO TẠO NGHIỆP VỤ LÝ LỊCH TƯ PHÁP

1. Đào tạo nghiệp vụ cho cán bộ, công chức làm công tác lý lịch tư pháp tại Bộ Tư pháp và các Sở Tư pháp.

Cơ quan chủ trì: Bộ Tư pháp

Cơ quan phối hợp: Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.

Nội dung:

- Những vấn đề chung: những nội dung cơ bản của Luật Lý lịch tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành, các văn bản pháp luật có liên quan đến lý lịch tư pháp. Kinh nghiệm của một số nước có hệ thống quản lý lý lịch tư pháp phát triển;

- Kỹ năng, nghiệp vụ: tiếp nhận, cập nhật, xử lý thông tin lý lịch tư pháp; lập Lý lịch tư pháp; sắp xếp, lưu trữ, thống kê lý lịch tư pháp; tra cứu thông tin cấp Phiếu lý lịch tư pháp;

- Kiến thức bổ trợ: tin học; kỹ thuật nhận dạng; quan hệ xã hội với các cơ quan có liên quan; thực hành, xử lý các tình huống nghiệp vụ; báo cáo thực tế của Tòa án, Viện Kiểm sát, Bộ Công an, …

Thời gian: Quý II năm 2010.

2. Bổ sung chương trình giảng dạy của Trường Đại học Luật Hà Nội, Học viện Tư pháp và các Trường trung cấp luật

Cơ quan chủ trì: Bộ Tư pháp

Nội dung: Bổ sung giáo trình và chương trình giảng dạy phù hợp với những quy định của Luật Lý lịch tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Thời gian: từ quý II năm 2010.

V. TRIỂN KHAI ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG QUẢN LÝ CƠ SỞ DỮ LIỆU LÝ LỊCH TƯ PHÁP

Cơ quan chủ trì: Bộ Tư pháp

Cơ quan phối hợp: Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.

1. Xây dựng phần mềm quản lý lý lịch tư pháp

Nội dung: Xây dựng phần mềm quản lý lý lịch tư pháp để áp dụng tại Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia

Thời gian hoàn thành: tháng 4 năm 2010.

2. Xây dựng Dự án tin học hóa cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp

Nội dung:

- Xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp quốc gia bằng điện tử tại Bộ Tư pháp;

- Ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng cơ sở dữ liệu và quản lý lý lịch tư pháp tại các Sở Tư pháp.

Thời gian thực hiện: từ năm 2010 đến năm 2013.

VI. SƠ KẾT 3 NĂM THỰC HIỆN LUẬT LÝ LỊCH TƯ PHÁP

Cơ quan chủ trì: Bộ Tư pháp.

Cơ quan phối hợp: Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.

Nội dung: Tổ chức sơ kết việc thực hiện Luật Lý lịch tư pháp để đánh giá tình hình, kết quả và những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; trên cơ sở đó đề xuất, kiến nghị để có giải pháp tháo gỡ.

C. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trên cơ sở Kế hoạch này, các Bộ, ngành, địa phương được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng Kế hoạch cụ thể để triển khai các nhiệm vụ được phân công.

2. Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện Kế hoạch này.

3. Bộ Tư pháp phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thực hiện các nhiệm vụ được phân công trong Kế hoạch.

4. Bộ Tư pháp chủ trì tiến hành khảo sát kinh nghiệm một số nước về mô hình tổ chức và hoạt động lý lịch tư pháp.

5. Các cơ quan được giao chủ trì có trách nhiệm hoàn thành sản phẩm, bảo đảm tiến độ và nội dung công việc; các cơ quan phối hợp có trách nhiệm tham gia chặt chẽ với cơ quan chủ trì thực hiện các nhiệm vụ được giao theo Kế hoạch này.

6. Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ tại Kế hoạch này được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn hỗ trợ hợp pháp khác (nếu có).