Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 154/1998/QĐ-NHNN14

Hà Nội, ngày 29 tháng 4 năm 1998

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ ĐỒNG TÀI TRỢ CỦA CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG

THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

Căn cứ Pháp lệnh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Pháp lệnh Ngân hàng, Hợp tác xã tín dụng và Công ty tài chính công bố theo Lệnh số 37/LCT-HĐNN8 và Lệnh số 38/LCT-HĐNN8 ngày 24/05/1990 của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 02/03/1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ và cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ vào các thể lệ tín dụng và quy định về bảo lãnh hiện hành của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tín dụng Ngân hàng Nhà nước;

QUYẾT ĐỊNH::

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế đồng tài trợ của các tổ chức tín dụng.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký; mọi quy định trái với nội dung Quy chế này đều được bãi bỏ.

Điều 3. Chánh Văn phòng Thống đốc, Vụ trưởng Vụ tín dụng, Thủ trưởng đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Trung ương, Giám đốc, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố, Tổng Giám đốc (Giám đốc) tổ chức tín dụng chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Dương Thu Hương

(Đã ký)

 

QUY CHẾ

ĐỒNG TÀI TRỢ CỦA CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG
(Ban hành theo Quyết định số 154/1998/QĐ-NHNN14 ngày 29 tháng 04 năm 1998 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước)

I. QUY ĐỊNH CHUNG:

Điều 1.- Việc đồng tài trợ của các Tổ chức tín dụng (TCTD) (trong quy chế này gọi tắt là đồng tài trợ) là quá trình cho vay - bảo lãnh của một nhóm TCTD (từ 2 trở lên) cho một dự án, do một TCTD làm đầu mối phối hợp các bên tài trợ để thực hiện, nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và của TCTD.

Điều 2.- Các bên tham gia đồng tài trợ phải thống nhất phương thức thẩm định dự án, có thể thành lập Hội đồng thẩm định chung hoặc không thành lập Hội đồng thẩm định chung nhưng vẫn đảm bảo thực hiện việc cho vay (bảo lãnh) được chặt chẽ, thuận lợi đồng thời phải quản lý được dự án sau khi đã cho vay (bảo lãnh) nhằm kiểm thường xuyên và định kỳ đối với bên nhận tài trợ để xử lý những vấn đề phát sinh.

Việc thống nhất phương thức thẩm định và quản lý dự án phải quy định rõ trách nhiệm của mỗi TCTD trong từng trường hợp: cùng thẩm định qua Hội đồng thẩm định chung hoặc thẩm định đơn phương (trường hợp không có Hội đồng thẩm định chung) để cùng quản lý hoặc đơn phương quản lý dự án.

Điều 3.- Các hình thức đồng tài trợ trong quy chế này được hiểu là:

1. Cho vay hợp vốn;

2. Bảo lãnh, tái bảo lãnh;

3. Kết hợp các hình thức trên.

Điều 4.- Việc đồng tài trợ được áp dụng trong những trường hợp:

1. Nhu cầu vay vốn hoặc bảo lãnh để thực hiện dự án vượt giới hạn tối đa cho phép cho vay hoặc được phép bảo lãnh của một TCTD;

2. Nhu cầu phân tán rủi ro của các TCTD;

3. Khả năng nguồn vốn của một TCTD không đáp ứng được nhu cầu vốn của dự án.

Đồng tiền dùng trong đồng tài trợ có thể là VNĐ hay ngoại tệ, phù hợp với nhu cầu của dự án và quy định về quản lý ngoại hối có liên quan.

Điều 5.- Các TCTD được tham gia hoặc tổ chức hợp đồng tài trợ bao gồm:

- Ngân hàng Thương mại;

- Ngân hàng Đầu tư và phát triển;

- Ngân hàng liên doanh;

- Chi nhánh Ngân hàng nước ngoài;

- Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương và Công ty tài chính được tham gia đồng tài trợ nhưng không được đứng ra tổ chức đồng tài trợ.

Điều 6.- Phạm vi đồng tài trợ:

Việc đồng tài trợ được thực hiện đối với nhu cầu vay vốn hay bảo lãnh để đầu tư cho các dự án theo các thời hạn ngắn, trung và dài hạn;

Điều 7.- Các bên trong quan hệ đồng tài trợ:

1. Bên đồng tài trợ: Bên đồng tài trợ bao gồm từ 2 thành viên trở lên, mỗi thành viên là một TCTD hoặc Chi nhánh của một TCTD được Tổng giám đốc (Giám đốc) của TCTD uỷ quyền (quy định ở Điều 5). Các thành viên này tham gia góp vốn, cho vay trực tiếp, hoặc bảo lãnh để đồng tài trợ cho một dự án với các mức tiền nhất định do các TCTD này thoả thuận thông qua việc ký kết hợp đồng tài trợ.

Các thành viên tài trợ tự chọn ra TCTD đầu mối. TCTD đầu mối có thể là TCTD hoặc Chi nhánh của TCTD mà doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn hoặc xin bảo lãnh mở tài khoản tiền gửi thanh toán. Mọi quan hệ tín dụng, bảo lãnh giữa bên đồng tài trợ với bên nhận tài trợ đều thông qua TCTD đầu mối.

2. Bên nhận tài trợ: là một pháp nhân hoặc cá nhân có nhu cầu vay vốn hoặc xin bảo lãnh, được bên đồng tài trợ cho vay vốn hoặc bảo lãnh theo các quy định tại Quy chế này để thực hiện dự án.

Điều 8.- Nguồn vốn đồng tài trợ:

Các thành viên tài trợ sử dụng nguồn vốn tự có, nguồn vốn huy động, vốn vay để tham gia đồng tài trợ.

Điều 9.- Mức vốn tham gia đồng tài trợ của mỗi thành viên (tính chung cả cho vay và bảo lãnh) do các bên đồng tài trợ thoả thuận nhưng không được vượt giới hạn cho vay, bảo lãnh đối với một khách hàng của TCTD đó theo quy định của pháp luật.

Điều 10.- Nguyên tắc và điều kiện để xem xét đồng tài trợ, việc xác định đối tượng đồng tài trợ, thời hạn đồng tài trợ và lãi suất cho vay hay phí bảo lãnh, các điều kiện về thế chấp, cầm cố, bảo lãnh được thực hiện theo các thể lệ và quy định hiện hành về tín dụng và về bảo lãnh của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và quy chế này.

Điều 11.- TCTD đầu mối được hưởng phí thu xếp trên cơ sở thoả thuận giữa các thành viên đồng tài trợ. Mức phí được tính toán trên cơ sở tham khảo thông lệ quốc tế hoặc theo tỷ lệ phần trăm trên lãi suất tài trợ dự án.

II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ:

Điều 12.- Đề xuất đồng tài trợ cho một dự án:

Khi một pháp nhân hoặc cá nhân có nhu cầu vay tiền hoặc bảo lãnh thì gửi hồ sơ đề nghị tới TCTD mà pháp nhân hoặc cá nhân đang có quan hệ tín dụng, TCTD thẩm định sơ bộ, nếu thấy dự án có tính khả thi và cần có sự đồng tài trợ cho dự án thì dự kiến các TCTD có khả năng đồng tài trợ và mời cùng đồng tài trợ, đồng thời gửi kết quả thẩm định sơ bộ cho các tổ chức tín dụng này. Khi mời đồng tài trợ cần nêu rõ các dự kiến về hình thức, thời hạn tài trợ, lãi suất, phí và số tiền đề nghị tham gia tài trợ cho dự án.

Điều 13.- Phối hợp thực hiện đồng tài trợ:

Trong khoảng thời gian do TCTD mời đồng tài trợ đề nghị, sau khi nghiên cứu hồ sơ xin vay của doanh nghiệp TCTD phải trả lời bằng văn bản nêu rõ ý kiến đồng ý (hay không đồng ý) tham gia đồng tài trợ. Nếu muốn tham gia đồng tài trợ, TCTD được mời phải trả lời các đề nghị cụ thể của TCTD mời đồng tài trợ. Nếu còn thiếu các thành viên tham gia, thì TCTD mời đồng tài trợ có thể mời tiếp các TCTD khác tham gia. Sau đợt mời đồng tài trợ (không quá hai đợt) nếu:

- Đã thống nhất được việc thực hiện đồng tài trợ thì các TCTD tham gia đồng tài trợ tiến hành thẩm định tài liệu, hồ sơ xin vay do bên vay gửi đến để quyết định cho vay.

- Nếu vẫn không thống nhất được thì TCTD nhận hồ sơ của doanh nghiệp xử lý như sau:

+ Xem xét lại khả năng tài trợ đơn phương nếu nhu cầu vay vốn hoặc bảo lãnh không vượt các giới hạn mà pháp luật cho phép và có đủ nguồn vốn để tài trợ thì tài trợ.

+ Nếu TCTD nhận hồ sơ không có khả năng tài trợ đơn phương thì thông báo cho doanh nghiệp về việc không thể cho vay, bảo lãnh kể cả bằng hình thức đồng tài trợ.

Trong thời gian mời đồng tài, bên đề nghị đồng tài trợ có thể đề nghị TCTD khác cho vay (bảo lãnh) nhưng phải thoả thuận và được chấp nhận của TCTD đã nhận hồ sơ.

Điều 14.- Hợp đồng đồng tài trợ

1. Hợp đồng đồng tài trợ là cam kết bằng văn bản giữa các TCTD tham gia đồng tài trợ về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mỗi TCTD trong toàn bộ quá trình cho vay - bảo lãnh (đồng tài trợ) để thực hiện một dự án, nội dung của Hợp đồng đồng tài trợ phải phù hợp với quy định của pháp luật về hợp đồng kinh tế, các quy định của Quy chế này và các quy định khác của Pháp luật.

Các TCTD tham gia đồng tài trợ phải thống nhất với nhau các nội dung cụ thể của việc thế chấp, cầm cố tài sản, bảo lãnh cho các khoản vốn đồng tài trợ cho bên nhận tài trợ.

2. Mọi thoả thuận, cam kết, biện pháp giải quyết tranh chấp giữa các thành viên tham gia đồng tài trợ (bên đồng tài trợ) được thể hiện trong hợp đồng đồng tài trợ.

3. Các thành viên tham gia đồng tài trợ phải cùng nhau xây dựng hợp đồng này và có trách nhiệm thực hiện đúng các điều khoản của hợp đồng.

TCTD đầu mối có trách nhiệm dự thảo Hợp đồng tín dụng (hoặc Hợp đồng bảo lãnh), lấy ý kiến thống nhất của các thành viên tài trợ; thay mặt bên đồng tài trợ thảo luận với bên nhận tài trợ.

4. Việc vi phạm hợp đồng sẽ được xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 15.- Hợp đồng tín dụng (hoặc Hợp đồng bảo lãnh) giữa bên đồng tài trợ với bên nhận tài trợ:

1. Nội dung Hợp đồng tín dụng (hoặc Hợp đồng bảo lãnh): ngoài các nội dung như Hợp đồng tín dụng (hoặc Hợp đồng Bảo lãnh) song phương mà các TCTD vẫn ký với bên vay vốn, có thể ghi thêm tên các thành viên tài trợ, số tiền là tỷ trọng tài trợ, phương thức tài trợ của từng thành viên và có thêm chữ ký của các thành viên tài trợ (ngoài TCTD đầu mối).

2. Trong trường hợp vay vốn, kèm theo Hợp đồng tín dụng, TCTD đầu mối phải ký khế ước cho vay với bên nhận tài trợ đối với từng lần giải ngân.

3. TCTD đầu mối theo thoả thuận của các bên tài trợ thực hiện mọi nghĩa vụ và quyền lợi của bên đồng tài trợ với bên nhận tài trợ được quy định trong Hợp đồng tín dụng (hoặc Hợp đồng bảo lãnh).

Điều 16.- Thu hồi vốn (gốc và lãi) tài trợ (gồm cả trường hợp các TCTD phải cho vay bắt buộc khi thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh cho doanh nghiệp):

1. Bên nhận tài trợ phải chủ động trả nợ (gốc và lãi) cho TCTD đầu mối theo kỳ hạn đã thoả thuận, hoặc trả nợ cho bên thứ 3 mà một hoặc một số TCTD trong số TCTD tham gia đồng tài trợ đã bảo lãnh.

2. Đến kỳ hạn trả nợ (gốc và lãi) nếu bên nhận tài trợ không chủ động trả nợ thì TCTD đầu mối phải đôn đốc bên nhận tài trợ trả nợ. Nếu bên nhận tài trợ không trả nợ (và không có thoả thuận nào khác) thì theo sự thoả thuận của các TCTD đồng tài trợ, TCTD đầu mối được thực hiện các quyền mà pháp luật cho phép để thu hồi nợ.

3. Bên nhận tài trợ có thể trả nợ trước hạn nhưng phải thông báo trước cho TCTD đầu mối và được TCTD đầu mối chấp nhận trừ khi trong hợp đồng có quy định khác.

Điều 17.- Gia hạn nợ, giảm lãi, giảm phí đồng tài trợ:

TCTD đầu mối thống nhất với các thành viên tài trợ để giải quyết việc chấp nhận đề nghị trả nợ trước hạn của bên nhận tài trợ, gia hạn nợ, giảm lãi, giảm phí đối với các khoản nợ đồng tài trợ theo các quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Điều 18.- Trách nhiệm cung cấp mọi thông tin cần thiết liên quan đến quá trình đồng tài trợ của các bên trong quan hệ đồng tài trợ:

1. Bên nhận tài trợ có trách nhiệm báo cáo đầy đủ tình hình tài chính và hoạt động của mình cho TCTD đầu mối để thực hiện việc theo dõi, kiểm tra sau khi tiến hành việc đồng tài trợ;

2. TCTD đầu mối phải thông báo kịp thời, đầy đủ kết quả kiểm tra sử dụng vốn và các thông tin liên quan cho các bên, nhằm bàn bạc và thống nhất thực hiện các biện pháp xử lý khi cần;

3. TCTD đầu mối phải gửi bản sao Hợp đồng đồng tài trợ và thông báo tình hình có liên quan cho Ngân hàng Nhà nước (Thanh tra Ngân hàng) để giám sát và hỗ trợ khi cần thiết.

III. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH:

Điều 19.- Các TCTD nói ở Điều 5, ngoài việc tham gia đồng tài trợ với nhau theo các quy định của Quy chế này, còn được tham gia đồng tài trợ với các TCTD khác trong hoặc ngoài nước cho các dự án trong nước trên cơ sở bảo đảm an toàn số tiền tham gia đồng tài trợ.

Điều 20.- Căn cứ vào Quy chế đồng tài trợ của các TCTD cho một dự án, Tổng Giám đốc (Giám đốc) TCTD tổ chức triển khai thực hiện và ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể phù hợp với đặc điểm hoạt động riêng của từng TCTD.

Thủ trưởng đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Trung ương, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm chỉ đạo và giám sát việc thực hiện Quy chế này.

Điều 21.- Việc sửa đổi, bổ sung Quy chế này do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định.