- 1 Nghị định 92/2006/NĐ-CP về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 2 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 3 Nghị định 04/2008/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 92/2006/NĐ-CP về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 4 Thông tư 17/2010/TT-BCT quy định về nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phát triển ngành thương mại do Bộ Công thương ban hành
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1545/QĐ-UBND | Hưng Yên, ngày 08 tháng 08 năm 2013 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 7/9/2006;
Căn cứ Thông tư số 17/2010/TT-BCT ngày 05/5/2010 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về nội dung, trình tự, thủ tục, lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phát triển ngành thương mại;
Căn cứ Quyết định số 1594/QĐ-UBND ngày 21/9/2011 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề cương và dự toán kinh phí lập Quy hoạch phát triển hạ tầng thương mại nông thôn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025;
Theo đề nghị của Sở Công Thương tại Tờ trình số 561/TTr-SCT ngày 08 tháng 7 năm 2013 và hồ sơ kèm theo,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển hạ tầng thương mại nông thôn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 với các nội dung chủ yếu sau đây:
- Phát triển hệ thống hạ tầng thương mại nông thôn một cách hợp lý, cân đối, hài hòa, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội và trình độ phát triển thị trường khu vực nông thôn; từng bước phát triển các loại hình hiện đại, kết hợp với kế thừa, cải tạo các loại hình truyền thống, đảm bảo hiệu quả kinh tế của việc đầu tư và kinh doanh; thúc đẩy phát triển các ngành sản xuất và dịch vụ, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp, thuận tiện cho mua bán hàng hóa, góp phần xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn.
- Phát triển hệ thống hạ tầng thương mại nông thôn theo hướng mở, trong mối quan hệ mật thiết, gắn bó với hệ thống hạ tầng thương mại toàn tỉnh và các tỉnh khác trong vùng.
- Phát triển hệ thống hạ tầng nông thôn theo hướng tiêu chuẩn hóa; tăng cường các điều kiện cơ sở vật chất - kỹ thuật, đảm bảo văn minh thương mại, giữ gìn bản sắc, tập quán của người dân địa phương và đảm bảo hài hòa với cảnh quan kiến trúc thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái.
- Phát triển hệ thống hạ tầng thương mại nông thôn trên cơ sở đẩy nhanh quá trình xã hội hóa đầu tư xây dựng đồng thời với việc tăng cường hỗ trợ đầu tư của nhà nước. Thu hút các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động trong các ngành kinh tế trên địa bàn nông thôn.
2.1. Mục tiêu chung:
- Ưu tiên, đầu tư cải tạo, nâng cấp mạng lưới chợ hiện có đảm bảo tiêu chuẩn thiết kế theo quy định, kết hợp với xây dựng và hình thành hệ thống hạ tầng thương mại nông thôn với số lượng, loại hình, cơ cấu, quy mô… phù hợp với sự phát triển của các hoạt động thương mại bán buôn, bán lẻ, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội và quá trình xây dựng nông thôn mới, ưu tiên phát triển ở các vùng có mật độ hạ tầng thương mại thấp, tránh thiếu hụt nhưng không phát triển tràn lan, gây lãng phí đầu tư và giảm hiệu quả kinh doanh.
- Đảm bảo tính ổn định về không gian và thời gian để nhà đầu tư chủ động về kế hoạch xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các loại hình hạ tầng thương mại.
- Đảm bảo các tiêu chuẩn kinh tế - kỹ thuật hiện hành trong thiết kế và xây dựng, các điều kiện về an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm.
- Phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ và phương thức kinh doanh, nâng cao trình độ giao dịch ở các chợ bán buôn, chợ tổng hợp bán buôn bán lẻ quy mô lớn.
- Hoàn thiện mô hình tổ chức quản lý kinh doanh đồng thời với việc nâng cao trình độ và tính chuyên nghiệp của đội ngũ lao động.
2.2. Mục tiêu cụ thể:
- Ngoài 7 chợ đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, đến năm 2020, trên địa bàn nông thôn tỉnh cần xây mới 11 chợ, 58 chợ cần nâng cấp cải tạo, 6 chợ cần di dời. Định hướng đến năm 2025, tổng số chợ cần xây dựng mới là 26 chợ, 12 chợ cần được nâng cấp cải tạo và 2 chợ di dời, giảm thiểu chợ cóc, chợ tạm.
- Giảm số lượng dân cư phục vụ bình quân một chợ xuống dưới 8.500 người/chợ; giảm bán kính phục vụ bình quân một chợ xuống dưới 1,5 km/chợ.
- Cải thiện điều kiện cơ sở vật chất chợ, nâng cao trình độ văn minh thương mại trên chợ, đảm bảo 100% số chợ đạt tiêu chuẩn về môi trường.
- Trong giai đoạn đến năm 2020, phát triển mới 3-4 siêu thị và 1-2 trung tâm mua sắm; giai đoạn đến năm 2025, phát triển mới 10-11 siêu thị, 2-3 trung tâm mua sắm, 01 trung tâm bán buôn và logistics.
- Đảm bảo tỉ lệ hàng hoá và dịch vụ trao đổi qua hệ thống chợ đạt 50%; hệ thống cửa hàng bán lẻ truyền thống 25%; hệ thống phân phối hiện đại (siêu thị, cửa hàng tự chọn, trung tâm mua sắm...) là 20%; các hình thức phân phối khác (mua bán qua mạng, doanh nghiệp trực tiếp phân phối tới người tiêu dùng) 5%.
- Cải thiện tình trạng bảo đảm an toàn thực phẩm: đến năm 2015, 100% siêu thị được kiểm soát an toàn thực phẩm, 30% chợ trong quy hoạch được kiểm soát an toàn thực phẩm; đến năm 2020, 80% chợ trong quy hoạch được kiểm soát an toàn thực phẩm; đến năm 2025, 100% chợ trong quy hoạch được kiểm soát an toàn thực phẩm.
3.1. Nguyên tắc chung:
- Phát triển hệ thống hạ tầng thương mại nông thôn căn cứ vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch các ngành, lĩnh vực có liên quan, tạo ra khả năng gắn kết và ảnh hưởng lan toả của các loại hình hạ tầng thương mại trong khu vực nông thôn, giữa nông thôn với thành thị, tăng cường tính liên kết phát triển giữa từng vùng trong tỉnh với các tỉnh khác.
- Căn cứ vào thực trạng hệ thống hạ tầng thương mại hiện có, căn cứ vào quy mô, cơ cấu, phân bố dân cư và sản xuất trong thời kỳ quy hoạch để xác định địa điểm, quy mô của từng loại hình hạ tầng thương mại khu vực nông thôn theo nguyên tắc sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, hạn chế tối đa sử dụng đất trồng lúa.
- Phát triển hạ tầng thương mại nông thôn trong thời kỳ quy hoạch theo hướng chuyển dần từ quy mô nhỏ lên quy mô lớn hơn, từ phạm vi hoạt động hẹp sang phạm vi rộng, từ các loại hình truyền thống sang các loại hình hiện đại.
3.2. Quy hoạch hệ thống chợ:
Luận chứng phát triển các loại hình chợ:
- Chợ dân sinh:
Chợ dân sinh là loại hình hạ tầng thương mại chủ yếu trên địa bàn nông thôn của tỉnh trong thời kỳ đến năm 2020. Số lượng và tiến độ xây dựng chợ dân sinh ở mỗi thời kỳ sẽ căn cứ vào nhu cầu thực tế của từng địa bàn và gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, chú trọng các xã điểm xây dựng nông thôn mới (mỗi huyện 02 xã). Trước tiên, tập trung nâng cấp cải tạo các chợ hiện có đã xuống cấp, mở chợ mới ở các xã có mật độ dân số cao, có nhu cầu mở chợ, từng bước xóa bỏ chợ cóc, chợ tạm, chợ không có tổ chức…
Khi xác định địa điểm mở chợ dân sinh, cần nghiên cứu, xem xét các chợ tạm, chợ cóc đang hoạt động (có đủ diện tích) ở các thôn, làng truyền thống hoặc mở chợ gắn với quy hoạch các khu dân cư mới, khu nhà ở thương mại.
- Chợ bán buôn, bán lẻ tổng hợp:
Chợ bán buôn, bán lẻ tổng hợp thường có quy mô lớn (hạng I hoặc hạng II), phát triển chủ yếu tại các thị trấn, thị tứ, nơi tập trung đông dân cư, nơi có truyền thống buôn bán từ lâu đời.
Lựa chọn một số chợ để cải tạo, nâng cấp thành chợ văn minh, hiện đại, có phạm vi lan tỏa rộng, làm hạt nhân để hình thành các khu thương mại - dịch vụ của huyện. Điều kiện để xem xét lựa chọn là: khả năng tăng lưu lượng hàng hóa qua chợ, đảm bảo các điều kiện về giao thông, diện tích (5.000 - 10.000m2).
- Chợ đầu mối:
Cải tạo, nâng cấp, mở rộng chợ đầu mối Đông Tảo để nâng cao khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu trung chuyển hàng hóa ngày càng lớn và thu hút người kinh doanh trong chợ.
Đối với các chợ đầu mối đã quy hoạch khác (chợ đầu mối lúa gạo huyện Yên Mỹ; chợ đầu mối huyện Phù Cừ), cần chuẩn bị các điều kiện để hình thành chợ đầu mối khi xuất hiện hàng hóa lưu thông và trung chuyển (ở giai đoạn sau năm 2020). Hoặc có các phương án thay thế theo hướng quy hoạch thành kho chứa lúa gạo phục vụ dịch vụ xay xát của các làng nghề (huyện Yên Mỹ) hoặc chuyển đổi công năng, phát triển chợ dân sinh kết hợp với các loại hình bán lẻ khác (Phù Cừ).
- Chợ chuyên doanh:
Việc phát triển các chợ chuyên doanh cần tập trung theo hướng: Hình thành chợ chuyên doanh đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất phù hợp với đặc tính của ngành hàng; quy hoạch các chợ chuyên doanh mới gắn với các vùng sản xuất nông sản (dưa chuột, ngô bao tử, cam, bưởi, quýt, táo, chuối….).
Kết hợp chợ chuyên doanh nông sản với chợ dân sinh (có diện tích đất đủ rộng, thuận tiện cho vận chuyển hàng hóa). Quy mô chợ chuyên doanh từ 5.000 - 10.000 m2.
- Chợ du lịch: Xây dựng thí điểm tại các khu du lịch nổi tiếng như khu du lịch Chử Đồng Tử - Tiên Dung (huyện Khoái Châu)…
3.3. Quy hoạch hệ thống siêu thị:
Luận chứng phát triển siêu thị:
Phân bố hệ thống siêu thị trên địa bàn nông thôn Hưng Yên chủ yếu căn cứ vào triển vọng phát triển hệ thống đô thị, khu dân cư và dự báo về GDP bình quân đầu người của từng khu vực trong thời kỳ đến năm 2015 và năm 2020; đồng thời, việc phát triển hệ thống siêu thị phải được đặt trong mối quan hệ với các loại hình bán lẻ khác.
- Về không gian: Phát triển tập trung ở các thị trấn (đô thị quy mô loại V), các khu dân cư phi nông nghiệp, khu vực có tốc độ công nghiệp hóa nhanh hoặc được định hướng phát triển thành đô thị như Phố Nối, Văn Giang, Bô Thời; khu vực tập trung các trường đại học, trường đào tạo chuyên nghiệp, có nhiều lao động phi nông nghiệp và các thị tứ.
Phát triển siêu thị tổng hợp, cửa hàng tiện lợi gần kề các khu dân cư, khu đô thị mới ở các xã ngoại vi thành phố Hưng Yên bám theo không gian các cực phát triển của thành phố tại các xã Bảo Khê, Khu Đại học Phố Hiến, các xã Liên Phương, Hồng Nam.
- Về quy mô: Căn cứ vào tiêu chuẩn quy hoạch siêu thị, định hướng phát triển hệ thống đô thị tỉnh Hưng Yên đến năm 2020, trên địa bàn nông thôn sẽ chủ yếu phát triển các siêu thị quy mô nhỏ và vừa (hạng III, II).
- Về thời gian:
+ Giai đoạn đến năm 2020: nâng cấp các siêu thị hiện có để đảm bảo tiêu chuẩn phân hạng; phát triển siêu thị ở khu vực nông thôn vùng phía Bắc tỉnh, chủ yếu ở quy mô hạng III.
+ Giai đoạn đến năm 2025: phát triển siêu thị hạng II ở khu đô thị Phố Nối; phát triển siêu thị hạng III ở các huyện phía Bắc và phía Nam tỉnh.
- Phương án quy hoạch:
+ Nâng cấp các siêu thị hiện có: siêu thị Phương Hải xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm, siêu thị Intimex huyện Yên Mỹ, siêu thị VNF1 huyện Mỹ Hào.
+ Xây mới:
Đến năm 2020, phát triển mới 3-4 siêu thị, chú trọng tại địa bàn các huyện Mỹ Hào, Văn Lâm, Văn Giang, Khoái Châu và các xã ngoại vi thành phố Hưng Yên.
Đến năm 2025, phát triển mới 10-11 siêu thị ở các huyện trên toàn tỉnh.
3.4. Quy hoạch hệ thống trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm:
Phương án quy hoạch:
- Căn cứ tiêu chuẩn phân hạng trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, căn cứ định hướng phát triển đô thị, khu dân cư của tỉnh và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của các huyện đến năm 2020, trên địa bàn nông thôn tỉnh chỉ phát triển trung tâm mua sắm hạng III (có diện tích kinh doanh từ 1 ha trở lên).
- Trong giai đoạn đến năm 2020, phát triển trung tâm mua sắm tại Mỹ Hào hoặc ngoại vi thành phố Hưng Yên.
- Giai đoạn sau 2020: Tùy theo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội để phát triển trung tâm mua sắm tại thị trấn Như Quỳnh, đô thị Văn Giang, Bô Thời - Dân Tiến và các huyện khác…
Về số lượng: Đến năm 2020 trên địa bàn nông thôn tỉnh sẽ phát triển 1-2 trung tâm mua sắm và đến năm 2025 sẽ phát triển 2-3 trung tâm mua sắm.
3.5. Quy hoạch trung tâm bán buôn, trung tâm logistics, kho bãi:
Xây dựng 01 trung tâm bán buôn kết hợp phát triển dịch vụ logistics và kho bãi tại xã Minh Châu, huyện Yên Mỹ, đây sẽ là điểm tập kết và trung chuyển hàng hóa tuyến Hải Phòng - Hà Nội và các cửa khẩu biên giới Lào Cai, Lạng Sơn, diện tích tối thiểu 10-20 ha.
Dựa trên đặc điểm sản xuất và phân bố nông sản hàng hóa của tỉnh, cần ưu tiên tổ chức kho hàng cho lúa gạo, rau quả. Các kho hàng có thể được bố trí gần vùng xay sát và buôn bán lúa gạo huyện Yên Mỹ, kho hàng gắn với chợ đầu mối, chợ chuyên doanh nông sản (Đông Tảo - Khoái Châu; chợ chuyên doanh hoa quả ngoại vi thành phố Hưng Yên).
4.1. Tổng hợp yêu cầu vốn đầu tư, diện tích đất:
Đến năm 2020, nhu cầu vốn đầu tư phát triển chợ nông thôn Hưng Yên khoảng 358,2 tỉ đồng, yêu cầu sử dụng đất là 560.769 m2 (trong đó diện tích hiện có là 292.576 m2); vốn đầu tư xây dựng siêu thị khoảng 225 tỉ đồng, yêu cầu sử dụng đất là 22.500 m2; vốn đầu tư xây dựng trung tâm mua sắm khoảng 500 tỉ đồng, yêu cầu sử dụng đất trên 50.000 m2; vốn đầu tư xây dựng kho, trung tâm logistics khoảng 400 tỉ đồng, yêu cầu sử dụng đất là 200.000 m2.
Nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ xây dựng chợ dân sinh nông thôn, chợ đầu mối (giải phóng, san lấp mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật điện, cấp thoát nước trong chân tường rào). Vốn xây dựng các loại hình hạ tầng thương mại khác chủ yếu là huy động từ các thành phần kinh tế trên cơ sở vận dụng các chính sách, cơ chế ưu đãi đầu tư của nhà nước và của tỉnh.
4.2. Lựa chọn ưu tiên và phân kỳ đầu tư:
- Trong giai đoạn từ nay đến năm 2015, thực hiện quy hoạch vị trí và xác định ranh giới mặt bằng của các công trình thương mại nông thôn. Thực hiện việc đền bù, giải phóng mặt bằng đối với các công trình thương mại cần xây dựng mới và các chợ cần mở rộng.
- Tập trung nâng cấp, cải tạo chợ đầu mối bán buôn nông sản Đông Tảo, chợ chuyên doanh, chợ bán buôn bán lẻ tổng hợp, chợ dân sinh xuống cấp trầm trọng.
- Xây dựng chợ mới ở các xã chưa có chợ và đang có nhu cầu cấp thiết về chợ.
- Xây dựng siêu thị, trung tâm mua sắm trước hết ở các khu đô thị phát triển, dân cư tập trung.
5. Các giải pháp và cơ chế chính sách chủ yếu thực hiện quy hoạch.
5.1. Hỗ trợ vốn đầu tư và khuyến khích đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại nông thôn:
5.1.1. Hỗ trợ vốn đầu tư:
- Ngân sách trung ương:
Tranh thủ nguồn vốn ngân sách trung ương để tiếp tục nâng cấp, mở rộng, xây dựng cơ sở hạ tầng khu kinh doanh bán buôn chợ đầu mối Đông Tảo.
Ngoài ra, có thể kết hợp nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình phát triển cơ sở hạ tầng của tỉnh hoặc lồng ghép giữa nguồn vốn đầu tư xây dựng chợ thuộc chương trình phát triển chợ với nguồn vốn dành cho phát triển chợ thuộc các chương trình phát triển nông thôn hoặc phát triển kinh tế - xã hội khác.
- Ngân sách địa phương:
Theo chính sách hiện hành, ngân sách địa phương chủ yếu hỗ trợ đầu tư xây dựng các chợ đầu mối nông sản, thực phẩm và chợ hạng 2, hạng 3 ở địa bàn nông thôn.
5.1.2. Khuyến khích đầu tư từ các thành phần kinh tế:
Nguồn vốn chủ yếu để phát triển hạ tầng thương mại nói chung và hạ tầng thương mại nông thôn nói riêng là huy động từ các thành phần kinh tế. Ngoài việc áp dụng những ưu đãi (theo các quy định của pháp luật hiện hành) cho nhà đầu tư khi xây dựng và kinh doanh một số loại hạ tầng thương mại hoặc những ưu đãi đầu tư kinh doanh tại địa bàn nông thôn, tỉnh còn khuyến khích đầu tư, thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại khu vực nông thôn bằng các chính sách cụ thể như:
- Chính sách đất đai: Từng huyện, thành phố cần công bố công khai, kịp thời khung giá thuê đất cho từng khu vực, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư lựa chọn.
+ Tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tiếp cận với các địa điểm, mặt bằng đã được quy hoạch.
+ Ưu tiên các doanh nghiệp trong tỉnh đầu tư phát triển hạ tầng thương mại theo đúng mục đích sử dụng.
- Chính sách tài chính, tín dụng:
+ Tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp có dự án xây dựng hạ tầng thương mại được tiếp cận các nguồn tài chính một cách bình đẳng, nhanh chóng, đảm bảo nguồn vốn thực hiện dự án được cấp phép như những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh khác.
- Các chính sách khác:
+ Nhà đầu tư được cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin về các loại quy hoạch có liên quan trong quá trình lập dự án đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại nông thôn.
+ Được ưu tiên để rút ngắn thời gian làm thủ tục, hồ sơ có liên quan đến quy hoạch và kiến trúc của dự án.
5.2. Phát triển thương nhân:
5.2.1. Chính sách về giá thuê diện tích mặt bằng kinh doanh
- Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng và ban hành khung giá cho thuê mặt bằng kinh doanh phù hợp với thực trạng cơ sở vật chất và số lượng thương nhân kinh doanh trong từng địa bàn, phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính của các hộ kinh doanh.
- Các doanh nghiệp hoặc hợp tác xã kinh doanh dựa trên khung giá quy định của UBND tỉnh để xác định mức giá cho thuê hợp lý và có thể điều chỉnh linh hoạt tuỳ theo điều kiện của từng chợ.
- Công khai phương án bố trí, sắp xếp ngành nghề kinh doanh, sử dụng điểm kinh doanh và khung giá cho thuê mặt bằng.
- Thực hiện đấu thầu công khai các điểm kinh doanh thuận lợi khi số lượng thương nhân đăng ký vượt quá số lượng điểm kinh doanh có thể bố trí.
- Cho phép thương nhân được chuyển nhượng điểm kinh doanh hoặc cho thương nhân khác thuê lại điểm kinh doanh đang còn trong thời hạn hợp đồng.
- Tạo điều kiện về mặt bằng và mức thu lệ phí hợp lý đối với những người sản xuất trực tiếp bán sản phẩm trong chợ.
5.2.2. Chính sách tài chính, tín dụng:
- Cơ quan thuế thực hiện giao chỉ tiêu thu thuế đảm bảo phù hợp với doanh số bán của các hộ kinh doanh.
- Ưu tiên lựa chọn lô, sạp, quầy hàng trong chợ; miễn tiền thuê sử dụng lô, sạp, kiốt… hoặc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian đầu kinh doanh không hiệu quả để thu hút thương nhân vào kinh doanh đối với các chợ mới xây dựng.
5.2.3. Hỗ trợ kiến thức và kỹ năng kinh doanh:
- Tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ về vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ, bồi dưỡng kỹ năng quản lý, kinh doanh cho thương nhân kinh doanh trong chợ.
- Phổ biến, hướng dẫn chính sách, pháp luật kinh doanh, cập nhật văn bản pháp lý, cung cấp thông tin thị trường.
- Hỗ trợ thương nhân tiếp cận, giao dịch với cơ quan nhà nước giải quyết những vấn đề liên quan.
5.3. Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước:
5.3.1. Nâng cao vai trò quản lý nhà nước đối với phát triển hạ tầng thương mại nông thôn:
- Xây dựng kế hoạch phát triển hệ thống hạ tầng thương mại nông thôn phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
- Đề xuất các chính sách về đầu tư, xây dựng, khai thác và quản lý hoạt động của hệ thống hạ tầng thương mại nông thôn; kiểm tra, giám sát hoạt động của các loại hình hạ tầng thương mại.
- Nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý trên cơ sở cụ thể hoá cơ chế, chính sách chung của nhà nước thuộc thẩm quyền và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương.
- Phổ biến, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các định mức kinh tế - kỹ thuật khi xây dựng và cải tạo các loại hình hạ tầng thương mại nông thôn cũng như các tiêu chuẩn nghiệp vụ kinh doanh.
- Tổ chức kiểm tra, khen thưởng và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật liên quan; kịp thời phát hiện những bất cập trong đầu tư phát triển hạ tầng thương mại nông thôn, từ đó đề ra các biện pháp khắc phục phù hợp.
5.3.2. Đổi mới phương thức, nội dung quản lý nhà nước:
- Về quy hoạch:
+ Sau khi quy hoạch được phê duyệt, cần xây dựng các kế hoạch phát triển hệ thống hạ tầng thương mại nông thôn cho 5 năm và từng năm.
+ Trong quá trình xây dựng quy hoạch tổng thể hoặc quy hoạch chi tiết các khu dân cư mới khu vực nông thôn, cần dành quỹ đất để xây dựng các loại hình hạ tầng thương mại.
+ Đối với các chợ tạm, chợ tự phát chưa được quy hoạch, chỉ lựa chọn những chợ hoạt động có hiệu quả, có đủ điều kiện về mặt bằng diện tích... để đưa vào quy hoạch và xây dựng kế hoạch nâng cấp, cải tạo hoặc mở rộng kịp thời.
+ Đối với các chợ hoạt động không hiệu quả kéo dài, không phù hợp với bố trí dân cư, cần có phương án chuyển đổi mục đích sử dụng.
- Về nhân sự: đội ngũ quản lý phải được bố trí ổn định và lâu dài, phải thường xuyên được đào tạo, cập nhật kiến thức để nâng cao tính chuyên nghiệp.
- Về phân cấp và phối hợp quản lý chợ trên địa bàn:
+ Thực hiện thống nhất, tránh tình trạng tuỳ tiện trong công tác quản lý nhà nước.
+ Cần có sự phối hợp thường xuyên giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý và thực hiện quy hoạch.
Điều 2. Tổ chức thực hiện quy hoạch
Sở Công Thương có trách nhiệm tổ chức công bố quy hoạch; thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia thực hiện quy hoạch.
- Giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện quy hoạch.
- Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài chính, Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm phối hợp với Sở Công Thương triển khai thực hiện các giải pháp, cơ chế nêu trong quy hoạch.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các sở, ngành: Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông Vận tải, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1 Quyết định 1284/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Quy hoạch phát triển thương mại tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2025
- 2 Quyết định 187/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Quy hoạch phát triển hạ tầng thương mại nông thôn tỉnh Sơn La giai đoạn 2012 - 2020
- 3 Quyết định 37/2013/QĐ-UBND chính sách hỗ trợ phát triển thương mại nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh
- 4 Quyết định 420/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Đề án xây dựng, phát triển hạ tầng thương mại nông thôn tỉnh Hưng Yên, giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020
- 5 Quyết định 885/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt kế hoạch thực hiện Đề án phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010 - 2015 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
- 6 Thông tư 17/2010/TT-BCT quy định về nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phát triển ngành thương mại do Bộ Công thương ban hành
- 7 Quyết định 487/QĐ-UBND năm 2009 phê duyệt Quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng thương mại bao gồm: Trung tâm phân phối, Trung tâm thương mại, Siêu thị và Chợ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2009 - 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên ban hành
- 8 Quyết định 01/2009/QĐ-UBND ban hành Quy định chính sách khuyến khích thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại Thái Bình giai đoạn 2009-2015 do Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình ban hành
- 9 Nghị định 04/2008/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 92/2006/NĐ-CP về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 10 Nghị định 92/2006/NĐ-CP về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 11 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 1 Quyết định 487/QĐ-UBND năm 2009 phê duyệt Quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng thương mại bao gồm: Trung tâm phân phối, Trung tâm thương mại, Siêu thị và Chợ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2009 - 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên ban hành
- 2 Quyết định 01/2009/QĐ-UBND ban hành Quy định chính sách khuyến khích thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại Thái Bình giai đoạn 2009-2015 do Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình ban hành
- 3 Quyết định 420/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Đề án xây dựng, phát triển hạ tầng thương mại nông thôn tỉnh Hưng Yên, giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020
- 4 Quyết định 37/2013/QĐ-UBND chính sách hỗ trợ phát triển thương mại nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh
- 5 Quyết định 187/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Quy hoạch phát triển hạ tầng thương mại nông thôn tỉnh Sơn La giai đoạn 2012 - 2020
- 6 Quyết định 885/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt kế hoạch thực hiện Đề án phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010 - 2015 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
- 7 Quyết định 1284/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Quy hoạch phát triển thương mại tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2025
- 8 Quyết định 579/QĐ-UBND năm 2019 bãi bỏ quy hoạch thuộc đối tượng quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 59 Luật Quy hoạch do tỉnh Hưng Yên ban hành