Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1552/QĐ-UB

Bến Tre, ngày 07 tháng 10 năm 1998

 

QUYẾT ĐỊNH

“V/V BAN HÀNH QUI CHẾ VỀ QUẢN LÝ GIỐNG TÔM BIỂN CỦA TỈNH BẾN TRE”

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE

- Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 21-6-1994;

- Căn cứ Pháp lệnh Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản ngày 25-4-1989 ;

- Căn cứ Quyết định 166 TS/QĐ ngày 12-6-1991 của Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản "V/v ban hành qui chế quản lý gống nuôi trồng thuỷ sản. Quyết định 407 TS/QĐ ngày 07-12-1991 của Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản "V/v ban hành bản quy định về đăng ký và cấp các loại giấy phép liên quan đến hoạt động nghề cá";

- Căn cứ tình hình thực tế của địa phương;

- Xét đề nghị của Giám đốc Sở Thuỷ sản tại Tờ trình số : 113/TT-TS ngày 21-9-1998.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo quyết định này bản "Qui chế về quản lý giống tôm biển của tỉnh Bến Tre".

Điều 2. Giao trách nhiệm cho Giám đốc Sở Thuỷ sản, Chủ tịch UBND các huyện, thị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện qui chế này.

Điều 3. Các ông Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Giám đốc Sở Thuỷ sản, Chi cục Trưởng Chi cục Quản lý thị trường, Chủ tịch UBND các huyện, thị, Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trịnh Văn Y

 

QUY CHẾ

"V/V QUẢN LÝ GIỐNG TÔM BIỂN CỦA TỈNH BẾN TRE
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1552/QĐ-UB ngày 07-10-1998 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bến Tre)

Điều 1. Qui chế này quy định về quản lý chất lượng giống tôm biển nhằm đảm bảo chất lượng con giống cung cấp cho người nuôi, nâng cao năng suất và hiệu quả nghề nuôi thuỷ sản.

Điều 2. Phạm vi áp dụng của qui chế này bao gồm :

- Sản xuất, kinh doanh tôm giống.

- Di nhập tôm giống từ ngoài vào tỉnh hoặc xuất ra khỏi tỉnh.

- Thanh tra, kiểm tra, kiểm dịch tôm giống.

Điều 3. Các thuật ngữ trong qui chế này đuợc hiểu như sau :

- Giống tôm biển : Bao gồm giống tôm sú và giống tôm thẻ (được gọi tắt là tôm giống).

- Kích thước tôm giống: Đuợc tính từ mũi chuỳ đến mút đốt đuôi (telson).

- Hộ đại diện trá hình: Thực chất là người kinh doanh tôm giống mượn danh nghĩa người đại diện cho một số hộ có ngư trường nuôi tôm xin phép nhập tôm giống về nuôi kinh doanh trốn thuế.

Điều 4. Trách nhiệm quản lý tôm giống.

1) Sở Thuỷ sản: Là cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành, chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, di nhập tôm giống trên địa bàn tỉnh.

2) Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản (BVNL): Là cơ quan trực tiếp thanh tra, kiểm tra, phối hợp với các ngành hữu quan và địa phương kiểm tra, kiểm soát các hoạt động sản xuất, kinh doanh, di nhập tôm giống.

3) Trung tâm Khuyến ngư: Chịu trách nhiệm chuyển giao công nghệ sản xuất tôm giống, di nhập và ương tôm giống cho các thành phần kinh tế, đồng thời phối hợp với Chi cục BVNL thuỷ sản quản lý tốt nguồn tôm giống.

4) UBND các huyện, thị, xã phường và các cơ quan có chức năng kiểm tra kiểm soát: Phối hợp chặt chẽ với ngành Thuỷ sản quản lý tốt nguồn tôm giống, kiểm tra, xử lý các vụ vi phạm về quản lý tôm giống trên địa bàn mình phụ trách.

Điều 5. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh tôm giống, nghiêm cấm kinh doanh tôm giống dưới hình thức hộ đại diện trá hình, trường hợp hộ có ngư trường nuôi tôm xin nhập tôm giống về nuôi phải tuân thủ theo hướng dẫn của Sở Thuỷ sản về điều kiện ương tôm giống.

Điều 6. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm giống phải đảm bảo các điều kiện sau:

- Có giấy tờ đúng quy định.

- Có cơ sở vật chất và lao động kỹ thuật có chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng được yêu cầu sản xuất kinh doanh tôm giống.

- Qui trình sản xuất và ương phải đảm bảo chất lượng tôm giống. Không gây dịch bệnh, Không làm ô nhiễm môi trường xung quanh.

- Trước khi xuất bán tôm giống phải loại bỏ các các thể dị hình, còi cọc, nhiễm bệnh.

- Khi phát hiện dịch bệnh phải tự xử lý ngày theo đúng hướng dẫn về phòng trừ dịch bệnh của ngành và phải báo cáo cho Sở Thuỷ sản để có biện pháp ngăn chặn kịp thời dịch bệnh lây lan.

Điều 7. Các giấy tờ đuợc cấp.

1) Cơ sở sản xuất :

- Giấy chứng nhận đăng ký sản xuất và kinh doanh giống thuỷ sản (Chi cục BVNL thuỷ sản cấp).

- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch - Đầu tư cấp).

2) Cơ sở kinh doanh :

- Giấy chứng nhận đăng ký sản xuất và kinh doanh giống thuỷ sản (Chi cục BVNL thuỷ sản cấp).

- Giấy phép di nhập giống thuỷ sản (Sở Thuỷ sản cấp).

- Giấy phép kinh doanh (UBND huyện cấp).

Điều 8. Thời gian sản xuất và di nhập tôm giống.

1) Đối với cơ sở sản xuất tôm giống trong tỉnh đuợc phép sản xuất quanh năm, tùy theo điều kiện cụ thể của từng cơ sở mà bố trí thời gian sản xuất thích hợp.

2) Đối với cơ sở kinh doanh tôm giống: Giao cho Sở Thuỷ sản có quy định thời gian di nhập tôm giống căn cứ theo diễn biến môi trường của từng năm.

Điều 9. Kích cỡ tôm giống di nhập và xuất bán.

1) Đối với trại sản xuất tôm giống đuợc phép xuất bán dưới hai dạng :

- Xuất bán tôm giống cho cơ sở ương có kích thước từ 11mm trở lên.

- Xuất bán tôm giống cho người nuôi có kích thước từ 18mm trở lên.

2) Đối với hộ kinh doanh tôm giống :

- Di nhập tôm giống có kích thước từ 11mm trở lên và phải ương tại bể ương, ao ương đạt kích thước 18mm mới được xuất bán cho người nuôi.

- Di nhập tôm giống có kích thước từ 18mm trở lên thì phải thuần dưỡng tại bể ương, ao ương, thời gian thuần dưỡng là 48 giờ mới được xuất bán.

Điều 10. Kiểm tra - Kiểm dịch tôm giống:

1) Cơ sở sản xuất tôm giống:

- Trước khi xuất bán 3 ngày, chủ cơ sở phải gởi giấy khai báo kiểm dịch động vật & sản phẩm động vật thuỷ sản cho Chi cục BVNL thuỷ sản để được kiểm dịch (kể cả xuất bán trong và ngoài tỉnh). Trường hợp xuất bán tại địa phương phải niêm yết giấy chứng nhận kiểm dịch tại cơ sở sản xuất.

- Đối với cơ sở sản xuất - ương tôm giống của Trung tâm Khuyến ngư tỉnh thuộc Sở Thuỷ sản, giao cho Trung tâm Khuyến ngư chịu trách nhiệm về chất lượng con tôm xuất bán, hàng tháng Trung tâm Khuyến ngư báo cáo số lượng tôm giống đã xuất bán cho người nuôi để Chi cục BVNL thuỷ sản theo dõi. Trường hợp Trung tâm Khuyến ngư xuất bán tôm giống cho các cơ sở ương thì phải báo cho Chi cục BVNL thuỷ sản để theo dõi, kiểm dịch.

2) Cơ sở kinh doanh, di nhập tôm giống (kể cả Trung tâm Khuyến ngư):

Trước khi vận chuyển tôm giống vào tỉnh 24 giờ, chủ cơ sở kinh doanh phải báo cáo cho Chi cục BVNL thuỷ sản, cán bộ giám sát phụ trách địa bàn để giám sát việc đưa tôm giống vào địa điểm ương, đồng thời giám sát thời gian ương tại cơ sở.

a) Tại trạm kiểm dịch, Chi cục BVNL thuỷ sản chịu trách nhiệm kiểm tra :

- Giấy phép di nhập giống.

- Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật & sản phẩm động vật thuỷ sản.

- Kiểm tra số lượng và chất lượng tôm giống theo các chỉ tiêu kỹ thuật đúng quy định của chuyên ngành.

- Cấp biên bản kiểm tra tôm giống nhập tỉnh.

b) Tại cơ sở ương tôm giống:

Tôm giống chuyển từ ngoài tỉnh phải đuợc ương, thuần dưỡng tại bể ương, ao ương theo đúng quy định trong biên bản kiểm tra của Chi cục BVNL thuỷ sản, trước khi xuất bán cho người nuôi phải đuợc Chi cục BVNL thuỷ sản kiểm dịch và phải niêm yết giấy chứng nhận kiểm dịch tại cơ sở ương. Trường hợp khi nhập tỉnh tôm giống đạt kích thước 18mm, sau khi thuần dưỡng 24 giờ xuất bán cho người nuôi không phải kiểm dịch mà phải báo giám sát kiểm tra và niêm yết biên bản kiểm tra tại cơ sở.

Điều 11. Phối hợp giám sát - kiểm tra tôm giống:

- Chủ tịch UBND 3 huyện Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú, Chủ tịch UBND các xã có phong trào nuôi tôm phát triển mạnh và Giám đốc Trung tâm Khuyến ngư cử cán bộ giám sát cùng với Chi cục BVNL thuỷ sản để quản lý tốt nguồn tôm giống.

- Chi cục Trưởng Chi cục BVNL thuỷ sản có trách nhiệm bàn bạc thống nhất với UBND 3 huyện ven biển, UBND các xã có phong trào nuôi tôm phát triển mạnh và Trung tâm Khuyến ngư để cử giám sát viên và ban hành quyết định bổ nhiệm giám sát viên.

- Thanh tra Chi cục BVNL thuỷ sản thường xuyên bám sát địa bàn, phối hợp với giám sát viên và chính quyền địa phương quản lý tốt nguồn tôm giống nhập tỉnh và xuất bán cho người nuôi, dồng thời xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm về quản lý tôm giống.

Điều 12. Chế độ thông tin báo cáo.

Chi cục BVNL thuỷ sản tổng hợp tình hình sản xuất, kinh doanh tôm giống trên địa bàn tỉnh, báo cáo về Sở Thuỷ sản chậm nhất là ngày 20 hàng tháng.

Điều 13. Khen thưởng - Kỷ luật.

1) Khen thưởng: Các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh tôm giống, chấp hành nghiêm túc các quy định về quản lý giống sẽ được khen thưởng theo chế độ hiện hành.

2) Xử phạt: Các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh tôm giống nếu vi phạm pháp lệnh bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản, vi phạm các quy định của qui chế này sẽ bị xử lý theo pháp lệnh xử phạt hành chánh và Nghị định 48/CP ngày 12-8-1996 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chánh trong lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản .

Điều 14. Tổ chức thực hiện

Giao cho Sở Thuỷ sản có văn bản hướng dẫn thực hiện qui chế này. Những văn bản trước đây trái với quy định này được bãi bỏ. Trong quá trình thực hiện nếu có gì vướng mắc Chi cục BVNL thuỷ sản, UBND các huyện và các cơ quan có liên quan phản ánh kịp thời về Sở Thuỷ sản, để Giám đốc Sở Thuỷ sản tập hợp trình UBND tỉnh xem sét sửa đổi bổ sung./.