Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1552/QĐ-UBND

Cà Mau, ngày 30 tháng 10 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 08-NQ/TU NGÀY 17 THÁNG 5 NĂM 2012 CỦA BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ TỈNH VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG, THÍCH ỨNG VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU VÀ NƯỚC BIỂN DÂNG TỈNH CÀ MAU ĐẾN NĂM 2015, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15 tháng 11 năm 2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;

Căn cứ Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 17 tháng 5 năm 2012 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng tỉnh Cà Mau đến năm 2015, định hướng đến năm 2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 393/TTr-STNMT ngày 17 tháng 10 năm 2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 17 tháng 5 năm 2012 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng tỉnh Cà Mau đến năm 2015, định hướng đến năm 2020.

Điều 2. Trên cơ sở Kế hoạch được ban hành, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan; Chủ tịch UBND huyện, thành phố Cà Mau, căn cứ chức năng, nhiệm vụ và nội dung của Kế hoạch này, có trách nhiệm xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai cụ thể, nhằm thực hiện đạt kết quả các mục tiêu Nghị quyết số 08-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đề ra.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Giao thông Vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông; Giám đốc Công an tỉnh, Trưởng ban Quản lý khu kinh tế; Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình; Chủ tịch UBND huyện, thành phố Cà Mau; Thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- CVP Nguyễn Thanh Luận;
- Cổng TTĐT tỉnh Cà Mau;
- TT. Công báo;
- CV: NĐ (Ng);
- Lưu: VT, L49/10.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ
CHỦ TỊCH




Lê Dũng

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 08-NQ/TU NGÀY 17/5/2012 CỦA BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ TỈNH VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG, THÍCH ỨNG VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU VÀ NƯỚC BIỂN DÂNG TỈNH CÀ MAU ĐẾN NĂM 2015, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
(Kèm theo Quyết định số: 1552/QĐ-UBND ngày 30 tháng 10 năm 2012 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau)

I. MỤC TIÊU

Khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo đảm cân bằng sinh thái, bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ đa dạng sinh học. Xây dựng tỉnh nhà trở thành nơi có môi trường tốt, có sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường; mọi người đều có ý thức bảo vệ môi trường, sống thân thiện với thiên nhiên.

Ngăn ngừa, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường do các hoạt động của con người và của tự nhiên, đáp ứng các yêu cầu về môi trường trong hội nhập kinh tế quốc tế, hạn chế các ảnh hưởng xấu từ quá trình toàn cầu hóa đến môi trường trong tỉnh. Giải quyết một bước cơ bản suy thoái môi trường ở các khu sản xuất tập trung, khu công nghiệp, khu dân cư, cải tạo xử lý ô nhiễm môi trường trên các dòng sông, ao hồ. Tập trung cải thiện tình hình môi trường ở nông thôn.

Thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, nước biển dâng để bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân, đảm bảo sản xuất và sử dụng hợp lý nguồn lực thích ứng để phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong cộng đồng về bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng:

a) Công tác tuyên truyền:

- Phổ biến, quán triệt Nghị quyết số 08-NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh và các Văn bản khác có liên quan trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng đến cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân, các cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, các đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp trong tỉnh, để tạo sự đồng thuận trong quá trình triển khai thực hiện.

- Phổ biến kiến thức về bảo vệ môi trường từ tình hình thực tế của địa phương để đảm bảo mục tiêu chính của Kế hoạch được thực hiện tốt; công tác tuyên truyền tập trung vào các doanh nghiệp, khu thương mại, đơn vị sản xuất, dân cư đô thị, dân cư ven sông rạch, vùng ven biển, các Vườn Quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên.

b) Biện pháp chế tài: Đẩy mạnh chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; qua đó, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với tất cả mọi người, góp phần thay đổi tư duy, cách sống vì môi trường trong cộng đồng.

c) Áp dụng công cụ kinh tế: Kiện toàn công tác thu phí, thu thuế bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật, qua đó góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường.

2. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng:

a) Công tác quy hoạch, sắp xếp khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ:

- Nâng cao năng lực quy hoạch kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường và cảnh quan. Khẩn trương rà soát quy hoạch, điều chỉnh lại các quy hoạch như: Đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp, khu sản xuất, kinh doanh thương mại, sử dụng đất, cấp thoát nước, cảnh quan đô thị. Trong công tác quy hoạch, yêu cầu phải kiểm soát được nguồn thải, khu vực thải, xử lý chất thải, bảo vệ tốt hệ sinh thái và tài nguyên thiên nhiên.

- Khi quy hoạch các khu, cụm công nghiệp cần phải có đầy đủ cơ sở hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường hoàn chỉnh. Đối với các khu, cụm công nghiệp chưa có hạ tầng bảo vệ môi trường cần khẩn trương tập trung đầu tư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường. Các khu, cụm công nghiệp phải hoàn thành cơ sở hạ tầng về bảo vệ môi trường trước khi triển khai hoạt động sản xuất.

- Quy hoạch “Cụm công nghiệp có mùi” để di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm mùi, phát tán khí độc hại. Không bố trí cơ sở sản xuất gây mùi, phát tán khí độc gần khu dân cư, gần hoặc trong khu công nghiệp khác.

- Khắc phục tình trạng không đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật làm ảnh hưởng đến việc triển khai công tác bảo vệ môi trường. Xây dựng nhà ở, công trình ven sông gắn với yêu cầu bảo vệ môi trường; giải tỏa những điểm đen về môi trường trên các địa bàn, các khu vực gây cản trở trong việc kiểm soát nguồn thải.

- Có giải pháp phù hợp thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng xảy ra đối với hệ sinh thái trên biển và dải ven bờ như: Xây dựng tuyến đê biển kiên cố có tính đến độ cao mực nước biển dâng ở những nơi cần thiết; nâng cấp hệ thống đê biển và đê vùng cửa sông. Quản lý tổng hợp vùng ven biển, bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn, vùng đất ngập nước ven biển, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên.

b) Giải pháp quản lý môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng:

- Tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm việc xả rác thải nơi công cộng, quản lý chặt chẽ hoạt động xây dựng, xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm lòng sông, kênh, rạch, luồng lạch thoát nước, hệ thống thu gom và thoát nước thải sinh hoạt. Giám sát chặt các nguồn thải gây ô nhiễm, lập danh sách các điểm đen gây ô nhiễm, lấn chiếm sông rạch, để theo dõi, xử lý; lập lại kỷ cương trong việc thực hiện nghiêm Luật Bảo vệ môi trường. Kiểm soát chặt tiếng ồn trong khu dân cư, nhất là hoạt động dịch vụ, vui chơi, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, sửa chữa cơ khí, mua bán thiết bị âm thanh,... Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.

- Kiểm soát chặt chẽ các công trình xây dựng, các dự án xây dựng, nâng cấp, cải tạo các tuyến đường phố, cầu đường có mức độ phát tán bụi cao. Xây dựng kế hoạch giải quyết tình trạng ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại các khu vực dân cư ven sông và các đoạn sông trong nội ô thành phố Cà Mau. Kết hợp cải tạo, chỉnh trang đô thị, cải thiện các điều kiện về môi trường.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc xả thải của các đơn vị sản xuất, kinh doanh. Xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm về xả thải. Lập danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng để theo dõi và xử lý theo quy định. Công khai danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên trang Thông tin điện tử của Sở Tài nguyên và Môi trường. Tăng cường giám sát các cơ sở phát tán mùi hôi, khí độc, nước thải chứa chất ô nhiễm, có thải lượng lớn, chất thải nguy hại, các cơ sở cố tình vi phạm, vi phạm nhiều lần. Đóng cửa, đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng mà không có giải pháp khắc phục kịp thời theo yêu cầu của cơ quan chức năng; đồng thời, có chính sách biểu dương, khen thưởng các cá nhân, tập thể, đơn vị thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường.

- Tăng cường kiểm soát ô nhiễm tại nguồn, tập trung quản lý chất thải, nhất là chất thải nguy hại trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ y tế, nghiên cứu khoa học, kiểm nghiệm hóa chất...; kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản nông sản và thuốc phòng trừ dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản.

- Nâng cao năng lực của hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp, dịch vụ, chất thải y tế. Tổ chức tốt việc quản lý thu gom, xử lý rác thải. Khuyến khích xã hội hóa các hoạt động thu gom, xử lý chất thải. Đầu tư cơ sở xử lý chất thải nguy hại tập trung. Quản lý tốt nguồn thải y tế, trang bị đồng bộ lò đốt chất thải y tế ở các bệnh viện, xây dựng hệ thống xử lý nước thải y tế ở các cơ sở khám chữa bệnh tập trung.

- Kiểm soát tốt việc sên vét, cải tạo ao, đầm nuôi thủy sản. Ban hành, cập nhật các quy định kiểm soát xả thải trong nuôi trồng thủy sản. Kiểm soát chặt các nguồn gây ô nhiễm, bố trí sản xuất theo quy hoạch. Điều tra, xây dựng cơ sở dữ liệu về kiểm soát ô nhiễm, làm cơ sở để khắc phục và xử lý ô nhiễm.

- Đầu tư xây dựng Trung tâm quan trắc môi trường để quan trắc các tác động môi trường phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội và nghiên cứu khoa học về môi trường. Hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường trong tỉnh. Cập nhật, hoàn thiện kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của tỉnh, kết hợp với ngành dầu khí quản lý tốt kế hoạch ứng phó sự cố trong ngành khai thác dầu khí, sản xuất điện, đạm.

- Hoàn thành việc cải tạo và nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước mưa và nước thải đô thị, tách riêng hệ thống thoát nước mưa và nước thải sinh hoạt, đảm bảo đến năm 2020 các đường phố chính ở đô thị có hệ thống thoát nước đúng quy định. Xây dựng một số trạm xử lý nước thải sinh hoạt ở nội ô thành phố Cà Mau.

- Thực hiện tốt quy hoạch môi trường; lồng ghép yêu cầu bảo vệ môi trường vào các dự án đầu tư phát triển ngay từ khâu xây dựng và phê duyệt các quy hoạch, dự án; xem xét kỹ yêu cầu về công nghệ sản xuất, công trình xử lý ô nhiễm đối với các dự án có tác động lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn nguy cơ cao đối với môi trường.

- Thực hiện tốt quy hoạch đa dạng sinh học, các chương trình hành động bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ tốt hệ sinh thái, nguồn lợi thủy sản, đảm bảo khả năng tự phục hồi của các giống loài trong tự nhiên nhằm mục tiêu thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Tăng cường trồng rừng ở các khu vực ven sông, ven biển có yếu tố phòng hộ, chống xói lở, nâng tỷ lệ che phủ rừng và cây phân tán theo quy định. Nghiêm cấm chặt, phá rừng trái phép để nuôi, trồng các loại khác; tăng cường công tác phòng, chống cháy rừng.

- Xác định rõ trách nhiệm, phân cấp hợp lý nhiệm vụ bảo vệ môi trường giữa các sở, ngành và địa phương; tăng cường sự liên kết, phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong công tác bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Kiện toàn tổ chức, đào tạo nâng cao năng lực cán bộ quản lý môi trường từ tỉnh đến cơ sở.

- Xây dựng các đề án, dự án, chương trình đầu tư cho hoạt động bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

- Căn cứ vào mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện công tác bảo vệ môi trường hàng năm, trên cơ sở khả năng cân đối ngân sách, đảm bảo nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường theo quy định.

- Đa dạng hóa nguồn đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Tăng hợp lý đầu tư từ nguồn ngân sách, khai thác tốt nguồn đầu tư của xã hội cho công tác bảo vệ môi trường; đồng thời, tranh thủ nguồn vốn ODA, để tăng chi cho bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo xử lý ô nhiễm môi trường cấp tỉnh và Tổ kiểm tra liên ngành về bảo vệ môi trường.

- Xây dựng Kế hoạch liên tịch, chương trình phối hợp cụ thể với các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể trong công tác bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, hoàn thành trong quý IV năm 2012.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan khẩn trương triển khai các dự án: Xây dựng Trung tâm quan trắc môi trường, quy hoạch mạng lưới quan trắc môi trường của tỉnh và các Trạm quan trắc tự động môi trường nước mặt, không khí ở một số khu vực trọng điểm.

- Tham mưu UBND tỉnh thành lập Quỹ bảo vệ môi trường của tỉnh.

- Chủ trì xây dựng Kế hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh hàng năm, các chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh có thải lượng lớn, mức độ ô nhiễm cao.

- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường của các tỉnh lân cận để giải quyết các vấn đề môi trường trong khu vực.

- Tham mưu UBND tỉnh cập nhật, bổ sung các nội dung vào trong Kế hoạch nếu cần thiết cho các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan thực hiện.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan, tổng hợp kết quả thực hiện Kế hoạch, báo cáo UBND tỉnh định kỳ trước ngày 30 tháng 6 hàng năm.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các sở, ngành, đơn vị có liên quan thẩm định hoặc xây dựng các đề án, dự án, quy hoạch, các chương trình, kế hoạch bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu, khai thác tài nguyên thiên nhiên; xây dựng cơ chế khuyến khích xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường,...

3. Sở Tài chính:

Xem xét, thẩm định, tham mưu UBND tỉnh phê duyệt kinh phí thực hiện các kế hoạch, nhiệm vụ, chương trình, dự án về bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu và nước biển dâng, các công trình bảo vệ môi trường sử dụng ngân sách nhà nước.

4. Sở Xây dựng:

- Chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý khu kinh tế, các sở, ngành, đơn vị có liên quan; UBND huyện, thành phố Cà Mau rà soát lập quy hoạch “Cụm công nghiệp có mùi” để di dời toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm lớn về mùi hôi, khí thải độc hại; quy hoạch chất thải rắn, chất thải nguy hại, quy hoạch xây dựng nghĩa trang, nghĩa địa đảm bảo khoảng cách ly đối với khu dân cư theo quy định.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, UBND huyện, thành phố Cà Mau có kế hoạch kiểm tra, xác định mốc lộ giới các tuyến đường, hướng dẫn địa phương tổ chức trồng cây xanh, tạo bóng mát và mỹ quan đô thị.

- Tổ chức triển khai thực hiện các tiêu chuẩn quy phạm về các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị (đặc biệt là cấp nước, thoát nước thải sinh hoạt), xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

5. Sở Y tế:

Chủ trì, theo dõi, triển khai việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn, chất thải nguy hại trong các bệnh viện, trung tâm, cơ sở y tế. Thường xuyên tuyên truyền, kiểm tra công tác thu gom, phân loại và xử lý chất thải theo quy định; phối hợp với Sở Tài chính phân bổ nguồn vốn tăng cường đầu tư hệ thống xử lý chất thải các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh.

6. Sở Công thương:

Chủ trì xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện tốt chương trình sản xuất sạch hơn trong sản xuất công nghiệp; giám sát, kiểm tra việc thực hiện bảo vệ môi trường trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực do ngành quản lý.

7. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Xây dựng kế hoạch bảo vệ các Vườn Quốc gia, khu vực rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, các cơ sở sản xuất con giống, cây giống đáp ứng yêu cầu của sản xuất và thích ứng với biến đổi khí hậu. Nâng cao hiệu quả bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, tăng cường công tác bảo tồn tính đa dạng sinh học biển, rừng ngập mặn, rừng tràm; áp dụng đầy đủ các biện pháp bảo vệ môi trường ở các khu chăn nuôi tập trung, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm và các làng nghề; nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch hệ thống các khu bảo tồn của tỉnh, nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu; khuyến khích đầu tư vào các dự án thử nghiệm, lai tạo chọn giống loài thích nghi với tăng nhiệt độ, xâm nhập mặn để thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

- Phối hợp với UBND huyện, thành phố Cà Mau kiểm tra việc nạo vét ao, đầm nuôi thủy sản và xây dựng kế hoạch nạo vét các tuyến sông, kênh đang bị ô nhiễm lớn trong nội ô thành phố Cà Mau.

8. Sở Khoa học và Công nghệ:

Áp dụng thử nghiệm các mô hình sản xuất theo công nghệ sạch, thân thiện với môi trường. Tăng cường các hoạt động điều tra, nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ thích ứng bảo vệ môi trường và giảm nhẹ biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh nghiên cứu, khuyến khích chuyển giao công nghệ và ứng dụng hiệu quả các thành tựu khoa học, công nghệ hiện đại như: Nhiên liệu, vật liệu mới trong giảm phát thải khí nhà kính; tham gia thẩm định các dự án về xử lý môi trường có liên quan về công nghệ.

9. Sở Giao thông Vận tải:

Thường xuyên kiểm tra, xử lý kịp thời đối với các nhà thầu, đơn vị thi công trong quá trình thi công xây dựng cầu, đường gây ô nhiễm môi trường.

10. Sở Giáo dục và Đào tạo:

Xây dựng kế hoạch bố trí nội dung giáo dục về bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng vào nhà trường để tuyên truyền nâng cao nhận thức, kiến thức cho học sinh ở các cấp học.

11. Sở Nội vụ:

Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng Đề án nâng cao năng lực và kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý bảo vệ môi trường trong tỉnh, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu trong dự báo, cảnh báo thiên tai.

12. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

Phối hợp với địa phương, đơn vị chuyên ngành du lịch thường xuyên tổ chức thông tin, tuyên truyền sâu rộng về bảo vệ môi trường đến cộng đồng dân cư của khu du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch, thực hiện chương trình giáo dục môi trường cho du khách.

13. Sở Thông tin và Truyền thông:

Theo chức năng quản lý, hướng dẫn các cơ quan báo chí xây dựng kế hoạch thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền về bảo vệ môi trường, tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng trên các phương tiện thông tin, truyền thông.

14. Công an tỉnh:

Chỉ đạo Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, công an huyện, thành phố Cà Mau tăng cường công tác giám sát việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường đối với tất cả các dự án đầu tư, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh, xử lý theo thẩm quyền.

15. Ban quản lý khu kinh tế:

Phối hợp với các chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật của các khu công nghiệp xúc tiến, hoàn thiện việc đầu tư xây dựng công trình xử lý chất thải tập trung (nước thải, khí thải), hệ thống quan trắc tự động ở các khu công nghiệp, khu kinh tế; triển khai các quy định về bảo vệ môi trường; xây dựng kế hoạch thường xuyên kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với các cơ sở nằm trong khu kinh tế, khu công nghiệp.

16. Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh:

Phối hợp với các sở, ngành và đơn vị có liên quan tổ chức tuyên truyền trên đài phát thanh, truyền hình về công tác bảo vệ môi trường, các thông tin về biến đổi khí hậu đến các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

17. UBND huyện, thành phố Cà Mau:

- Xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng ở địa phương phù hợp với định hướng, mục tiêu chung đã được xác định tại Nghị quyết; xây dựng quy chế bảo vệ môi trường và quản lý đô thị để thực hiện và giải quyết các trường hợp đặc thù của đô thị.

- Sắp xếp khu vực sản xuất, kinh doanh, tụ điểm mua bán, nơi tập trung vui chơi giải trí trên địa bàn, gắn với yêu cầu bảo vệ môi trường. Thường xuyên thống kê, giám sát các nguồn thải, xử lý kịp thời mọi hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường theo quy định. Tăng cường quản lý, bảo vệ môi trường ở các cụm công nghiệp.

- Xây dựng kế hoạch tài chính cho hoạt động sự nghiệp môi trường. Tăng cường chỉ đạo các bộ phận chuyên môn kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở; tổ chức thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền về bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên. Đẩy mạnh kiểm soát việc nạo, vét, cải tạo ao, đầm nuôi thủy sản.

- UBND thành phố Cà Mau triển khai dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải đô thị tập trung ở thành phố Cà Mau; chọn điểm chỉ đạo xây dựng mô hình thí điểm bảo vệ môi trường ở khóm, ấp làm cơ sở đánh giá tổng kết, nhân rộng mô hình ở các năm tiếp theo.

Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan; Ủy ban nhân dân huyện, thành phố Cà Mau phản ánh kịp thời về Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết./.