Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 156/QĐ-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 11 tháng 7 năm 1985

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH GỌI THANH NIÊN ĐI LÀM NHIỆM VỤ XÂY DỰNG KINH TẾ QUỐC PHÒNG CỦA THÀNH PHỐ

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân đã được Quốc hội thông qua ngày 30-6-1983.
- Căn cứ vào điều 1, 37 và 49 của Luật nghĩa vụ quân sự đã được Quốc hội thông qua ngày 30-12-1981.
- Xét yêu cầu thực hiện các mục tiêu kinh tế - quốc phòng của thành phố và để tạo điều kiện cho thanh niên thành phố có điều kiện cống hiến vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Nay ban hành kèm theo quyết định này bản quy định gọi thanh niên đi làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế - quốc phòng của thành phố.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3: Các đồng chí Chánh văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự thành phố, Hội đồng nghĩa vụ quân sự thành phố, Giám đốc Công an thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, Chủ nhiệm Ủy ban kế hoạch thành phố, Giám đốc Sở Lao động, Giám đốc Sở Tài chánh, Chỉ huy trưởng Lực lượng thanh niên xung phong thành phố và Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành của thành phố theo chức năng nhiệm vụ chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT/CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Vĩnh Nghiệp

 

QUY ĐỊNH

VỀ VIỆC GỌI THANH NIÊN ĐI LÀM NHIỆM VỤ XÂY DỰNG KINH TẾ - QUỐC PHÒNG CỦA THÀNH PHỐ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 156/QĐ-UB ngày 11-7-1985 của Uỷ ban Nhân dân Thành phố)

Lực lượng thanh niên của thành phố rất lớn, trong những năm qua, nhiều anh chị em đã đem sức lực, trí tuệ và nhiệt tình của tuổi trẻ đóng góp xứng đáng trên mặt trận chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và lao động sản xuất thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược của Đảng và Nhà nước lập được nhiều thành tích, xứng đáng là thanh niên của thành phố mang tên Bác Hồ vĩ đại.

Tuy nhiên, vẫn còn hàng vạn thanh niên chưa có điều kiện để cống hiến cho việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hoặc vẫn còn nhiều thanh niên chưa chịu tìm việc làm ổn định và chính đáng, có người trốn tránh làm nghĩa vụ quân sự hoặc không tham gia vào lực lượng lao động đi xây dựng các vùng kinh tế mới của thành phố… Từ đó, chưa công bằng về nghĩa vụ đóng góp của thanh niên, gây nên sự bất hợp lý giữa cống hiến và hưởng thụ, giữa nghĩa vụ và quyền lợi, nên đã ảnh hưởng không tốt đến tư tưởng của thanh niên nói riêng và dư luận xã hội nói chung.

Nhằm giúp thanh niên có điều kiện cống hiến hết sức lực và trí tuệ của mình vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ thành phố, tạo sự công bằng trong xã hội. Trong lúc chờ luật về nghĩa vụ lao động do Nhà nước ban hành, vận dụng luật nghĩa vụ quân sự và để thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế quốc phòng của thành phố, phân công lại lực lượng lao động, bố trí dân cư và giải quyết công ăn việc làm mà nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần 3 đã đề ra, Ủy ban Nhân dân thành phố quy định gọi thanh niên trong độ tuổi nghĩa vụ quân sự đi làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế - quốc phòng mỗi năm 2 lần ngay sau mỗi đợt gọi thanh niên đi nghĩa vụ quân sự, cụ thể như sau:

I- ĐỐI TƯỢNG VÀ THỜI GIAN LAO ĐỘNG:

Điều 1: Đối tượng và thời gian gọi đi lao động xây dựng kinh tế - quốc phòng chung:

1. Công dân nam giới từ 18 đến 27 tuổi, nữ giới từ 18 đến 22 tuổi, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, thành phần xã hội, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, có sức lao động, có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú dài hạn tại thành phố Hồ Chí Minh, không phạm pháp hình sự, ngoài kế hoạch gọi thanh niên làm nghĩa vụ phục vụ tại ngũ trong quân đội nhân dân Việt Nam hàng năm của địa phương (đối với nam thanh niên) đều có nhiệm vụ đi lao động xây dưng kinh tế - quốc phòng của thành phố.

2. Thời gian lao động được quy định là 3 năm đối với nam thanh niên và 2 năm đối với nữ thanh niên chưa có chồng, con.

Điều 2: Đối tượng gọi đi xây dựng kinh tế - quốc phòng cụ thể:

1. Những nam thanh niên không thuộc diện hoãn gọi nhập ngũ theo điều 29 của luật nghĩa vụ quân sự quy định, nhưng ngoài kế hoạch gọi thanh niên làm nghĩa vụ phục vụ tại ngũ trong quân đội nhân dân Việt Nam.

2. Những nữ thanh niên chưa chồng, con, tự nguyện tham gia đi lao động xây dựng kinh tế - quốc phòng.

Nói chung các đối tượng nêu trên tùy tình hình và điều kiện cụ thể hàng năm, hội đồng nghĩa vụ quân sự thành phố có thể thay đổi cho phù hợp với yêu cầu chung. Riêng những người ngoài độ tuổi ghi ở điểm 1 điều 1 nêu trên, nếu tự nguyện và có đủ điều kiện thì được thu nhận vào làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế - quốc phòng.

II- CHẾ ĐỘ HOÃN GỌI LAO ĐỘNG:

Điều 3: Ngoài các quy định của luật nghĩa vụ quân sự, đối với những thanh niên đang đảm nhiệm công tác của đoàn thể các cấp, thanh niên đang lao động sản xuất trong các cơ quan, xí nghiệp, nông lâm – ngư trường quốc doanh, công tư hợp doanh, hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông nghiệp, tổ sản xuất tiểu, thủ công nghiệp có việc làm cụ thể, ổn định thì được xét hoãn làm nhiệm vụ kinh tế - quốc phòng hàng năm.

Điều 4: Việc xét các đối tượng được hoãn làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế - quốc phòng hàng năm đều phải do Hội đồng nghĩa vụ quân sự địa phương, đơn vị cơ sở đề nghị và Ủy ban Nhân dân quận, huyện xét quyết định, danh sách này phải được công bố công khai tại địa phương phường, xã.

III- NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN LỢI:

Điều 5: Nhiệm vụ:

Khi tại ngũ, thanh niên làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế - quốc phòng có nhiệm vụ:

1. Phục tùng sự phân công của tổ chức, tự giác chấp hành kỷ luật lao động, hoàn thành các chỉ tiêu định mức lao động sản xuất được giao, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nhằm không ngừng tăng năng suất lao đông và hiệu quả công tác.

2. Phát huy tinh thần làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa, tích cực học tập chính trị, văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ, rèn luyện đạo đức cách mạng, đoàn kết giúp nhau cùng tiến bộ, chấp hành nghiêm chỉnh các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước để trở thành người thanh niên mới xã hội chủ nghĩa.

3. Phải tham gia đầy đủ chương trình huấn luyện quân sự phổ thông nắm vững và không ngừng rèn luyện kỹ thuật và trình độ sẵn sàng chiến đấu.

Điều 6: Quyền lợi:

Nhằm tạo sự công bằng trong xã hội, động viên tinh thần thực hiện luật nghĩa vụ quân sự và sự cống hiến của mọi tầng lớp thanh niên vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc:

1. Đối với những thanh niên đi làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế - quốc phòng trong thời gian tại ngũ sẽ được hưởng mọi chế độ, chính sách như quy định đối với lực lượng Thanh niên xung phong thành phố (Quyết định số 122/QĐ-UB ngày 9-10-1980 của Ủy ban Nhân dân thanh phố về việc ban hành quy chế lực lượng Thanh niên xung phong thành phố).

2. Những thanh niên chống lệnh gọi đi làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế - quốc phòng, hoặc những người trong thời gian lao động quy định nếu vô kỷ luật, đào bỏ ngũ sẽ bị xử lý theo luật nghĩa vụ quân sự hiện hành.

3. Khi mãn hạn lao động quy định:

Sau khi mãn hạn lao động quy định, các nam nữ thanh niên sẽ được ưu tiên tuyển vào biên chế Nhà nước làm công nhân tại các nông, lâm trường công ty, xí nghiệp đang công tác; nếu có nhiều thành tích thì được chọn đi đào tạo tại các trường trong và ngoài nước và nếu có nguyện vọng xin về thành phố thì được xét cho nhập lại hộ khẩu nơi thường trú trước khi đi làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế - quốc phòng, và được xem như đã hoàn thành nghĩa vụ phục vụ tại ngũ, được đăng ký quân nhân dự bị tại các địa phương nơi cư ngụ như điều 35 luật nghĩa vụ quân sự quy định.

IV- TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

Điều 7:

1. Hàng năm, Bộ chỉ huy quân sự thành phố căn cứ vào kết quả điều tra, phân loại thanh niên trong độ tuổi nghĩa vụ quân sự và báo cáo cho Ủy ban Nhân dân thành phố về số lượng thanh niên trong diện gọi đi làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế - quốc phòng để giao cho lực lượng thanh niên xung phong thành phố.

2. Lực lương Thanh niên xung phong thành phố căn cứ vào nhiệm vụ của Ủy ban Nhân dân thành phố giao, phối hợp với Bộ chỉ huy quân sự thành phố, các Sở, Ban, Ngành của thành phố và các quận, huyện để tiếp nhận và tổ chức số thanh niên nói trên thực hiện nhiệm vụ xây dựng kinh tế - quốc phòng.

Điều 8:

1. Hội đồng nghĩa vụ quân sự thành phố có nhiệm vụ tổ chức thực hiện và phối hợp, chỉ đạo ngành dọc cấp quận, huyện, phường, xã có kế hoạch tuyên truyền giáo dục sâu rộng trong thanh niên và nhân dân để tích cực hưởng ứng và cung cấp lao động đúng đối tượng đã nêu, đúng tiến độ theo kế hoạch hàng năm.

2. Bổ sung đồng chí Chỉ huy trưởng Lực lương Thanh niên xung phong thành phố, Liên đội trưởng Liên đội Thanh niên xung phong quận, huyện làm thành viên của Hội đồng nghĩa vụ quân sự thành phố và quận, huyện. Phân công bộ phận thường trực của hội đồng nghĩa vụ quân sự các cấp gồm ngành quân sự. Thanh niên xung phong, Công an và Lao động để theo dõi chỉ đạo thực hiện quy định này.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề không hợp lý thì Ủy ban Nhân dân thành phố sẽ có văn bản bổ sung

Điều 9: Ngoài ra, căn cứ vào nhu cầu lao động hàng năm lực lượng Thanh niên xung phong thành phố, Liên đội Thanh niên xung phong các quận, huyện có thể tiếp nhận quản lý số thanh niên trốn tránh thi hành Luật nghĩa vụ quân sự những quân nhân đào bỏ ngũ theo Quyết định 191/CP ngày 23-6-1980 của Hội đồng Chính phủ về các hình thức xử lý đối với quân nhân đào ngũ, thanh niên trốn tránh nghĩa vụ tại ngũ và những người có hành vi phá hoại việc thi hành chế độ nghĩa vụ quân sự do Bộ Chỉ huy quân sự thành phố và Hội đồng nghĩa vụ quân sự thành phồ thu gom tổ chức chuyển giao.

Điều 10: Các đồng chí Chánh văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự thành phố, Hội đồng nghĩa vụ quân sự thành phố, Giám đốc Công an Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, phường xã, Chỉ huy trưởng Lực lượng Thanh niên xung phong thành phố và Thủ trưởng các Sở, Ngành của thành phố theo chức năng nhiệm vụ chịu trách nhiệm thi hành quy định này.

 ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ