Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TƯ PHÁP
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1564/2001/QĐ-BTP

Hà Nội, ngày 18 tháng 12 năm 2001 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ TIÊU CHUẨN, ĐỊNH MỨC SỬ DỤNG ĐIỆN THOẠI CÔNG VỤ TẠI NHÀ RIÊNG VÀ ĐIỆN THOẠI DI ĐỘNG ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC TRONG NGÀNH TƯ PHÁP

BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP

Căn cứ Nghị định số 38/CP ngày 04 tháng 6 năm 1993 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Bộ Tư pháp;
Căn cứ Quyết định số 78/2001/QĐ-TTg ngày 16 tháng 5 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng điện thoại công vụ tại nhà riêng và điện thoại di động đối với cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội;
Căn cứ Thông tư số 73/2001/TT-BTC ngày 30 tháng 8 năm 2001 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ sử dụng điện thoại công vụ tại nhà riêng và điện thoại di động đối với cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội;
Để bảo đảm việc sử dụng điện thoại công vụ tại nhà riêng và điện thoại di động đối với cán bộ, công chức trong ngành Tư pháp đúng mục đích, chế độ, tiêu chuẩn định mức, tiết kiệm và có hiệu quả;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế tiêu chuẩn, định mức sử dụng điện thoại công vụ tại nhà riêng và điện thoại di động đối với cán bộ, công chức trong ngành Tư pháp”.

Điều 2. Quy chế này áp dụng cho các Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cơ quan Thi hành án dân sự địa phương và các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2001. Những quy định trước đây của Bộ Tư pháp trái với Quy chế ban hành kèm theo Quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 4. Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Chánh Văn phòng Bộ, Chánh án Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc Sở Tư pháp, Trưởng phòng Thi hành án dân sự các địa phương, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ có trách nhiệm thi hành Quyết định này.


Nơi nhận:

- Bộ Tài chính;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các đ/c Thứ trưởng;
- TAND tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Sở Tư pháp; Phòng THA;
- Các đơn vị thuộc Bộ;
- Công báo;
- Lưu VP, Vụ KHTC.

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP
THỨ TRƯỞNG THƯỜNG TRỰC



 
Uông Chu Lưu

QUY CHẾ

TIÊU CHUẨN, ĐỊNH MỨC SỬ DỤNG ĐIỆN THOẠI CÔNG VỤ TẠI NHÀ RIÊNG VÀ ĐIỆN THOẠI DI ĐỘNG ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC TRONG NGÀNH TƯ PHÁP
(Ban hành kèm theo Quyết định số:1564/QĐ-BTP ngày 18tháng 12 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp) 

I - QUY ĐỊNH CHUNG:

Điều 1. Điện thoại công vụ cố định tại nhà riêng và điện thoại di động trang bị cho cán bộ, công chức trong ngành Tư pháp quy định tại Quy chế này được mua sắm bằng nguồn ngân sách nhà nước hoặc các nguồn vốn khác là tài sản nhà nước do Bộ Tư pháp thống nhất quản lý.

Điều 2. Các đơn vị có cán bộ, công chức được sử dụng điện thoại công vụ cố định tại nhà riêng hay điện thoại di động phải quản lý chặt chẽ theo Quy chế Quản lý tài sản nhà nước thuộc Bộ Tư pháp ban hành kèm theo Quyết định số 615/2000/QĐ-BTP ngày 14 tháng 7 năm 2000 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Điều 3. Cán bộ, công chức được sử dụng điện thoại công vụ cố định tại nhà riêng hay điện thoại di động phải sử dụng đúng mục đích, chế độ, tiêu chuẩn, định mức, bảo đảm tiết kiệm và có hiệu quả.

Điều 4. Vụ Kế hoạch - Tài chính có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra việc sử dụng kinh phí trang bị điện thoại và việc thanh toán cước phí điện thoại công vụ cố định tại nhà riêng và điện thoại di động bảo đảm theo đúng tiêu chuẩn, mức thanh toán quy định tại Quy chế này, định kỳ tổng hợp báo cáo Bộ trưởng và các cơ quan có thẩm quyền.

II - QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 5. Cán bộ, công chức được trang bị 01 máy điện thoại công vụ cố định tại nhà riêng và 01 máy điện thoại di động bao gồm:

1 - Bộ trưởng Bộ Tư pháp;

2 - Thứ trưởng Bộ Tư pháp;

3 - Chánh án Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Cục trưởng, Vụ trưởng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học Pháp lý, Tổng Biên tập Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội, Giám đốc Trường Đào tạo các chức danh Tư pháp và các chức danh tương đương khác.

4 - Các Giáo sư được Nhà nước Việt Nam công nhận một trong các tiêu chuẩn sau:

- Được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh;

- Được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.

Đối với các Giáo sư đã nghỉ hưu, nhưng còn làm Chủ nhiệm đề tài khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ nếu có một trong các tiêu chuẩn trên cũng thuộc đối tượng áp dụng tại Quy chế này.

Điều 6. Cán bộ, công chức được trang bị điện thoại công vụ cố định tại nhà riêng và điện thoại di động được thanh toán các khoản chi phí ban đầu như sau:

1 - Đối với điện thoại cố định:

a - Chi phí mua máy điện thoại cố định không quá 300.000 đồng/máy;

b - Chi phí lắp đặt máy: thanh toán theo hợp đồng lắp đặt ký với cơ quan bưu điện.

2 - Đối với điện thoại di động:

a - Chi phí mua máy điện thoại di động không quá 3.000.000 đồng/máy;

b - Chi phí lắp đặt máy: thanh toán theo hợp đồng lắp đặt ký với cơ quan bưu điện.

Điều 7. Mức thanh toán cước phí sử dụng điện thoại (kể cả tiền thuê bao) hàng tháng được quy định như sau:

1 - Đối với Bộ trưởng: mức thanh toán theo thực tế sử dụng nhưng không quá 300.000 đồng/máy/tháng đối với điện thoại cố định và không quá 500.000 đồng/máy/tháng đối với điện thoại di động;

2 - Đối với Thứ trưởng: mức thanh toán theo thực tế sử dụng nhưng không quá 200.000 đồng/máy/tháng đối với điện thoại cố định và không quá 400.000 đồng/máy/tháng đối với điện thoại di động;

3 - Đối với cán bộ, công chức quy định tại khoản 3, 4 Điều 5 của Quy chế này: mức thanh toán không quá 100.000 đồng/máy/tháng đối với điện thoại cố định và không quá 250.000 đồng/máy/tháng đối với điện thoại di động.

Mức thanh toán trên được tính và thanh toán theo hàng tháng, không được bù trừ giữa các tháng trong năm. Trường hợp đặc biệt, cán bộ, công chức quy định tại Điều 5 của Quy chế này được Bộ trưởng quyết định bằng văn bản giao nhiệm vụ trực tiếp tham gia công tác tìm kiếm, phòng chống bão lũ, khắc phục thiên tai thì trong thời gian thực hiện nhiệm vụ được thanh toán cước phí điện thoại theo thực tế đã sử dụng trên cơ sở hoá đơn thanh toán của bưu điện. Thời gian được thanh toán cước phí sử dụng điện thoại tính từ khi nhận quyết định giao nhiệm vụ (tính từ đầu tháng) đến khi hoàn thành nhiệm vụ (tính đến hết tháng).

Cán bộ, công chức sử dụng ngoài mức cước phí điện thoại quy định trên đây phải tự thanh toán số tiền vượt trội.

Điều 8. Trường hợp cán bộ, công chức được trang bị điện thoại công vụ cố định tại nhà riêng và điện thoại di động khi chuyển sang đảm nhiệm công tác mới, khi có quyết định nghỉ hưu, nghỉ công tác được thực hiện như sau:

1 - Đối với cán bộ, công chức chuyển sang cơ quan khác công tác mà ở vị trí công tác mới vẫn được tiêu chuẩn sử dụng điện thoại công vụ cố định tại nhà riêng, điện thoại di động thì cơ quan cũ chuyển hợp đồng sử dụng điện thoại sang cơ quan mới để cơ quan mới thanh toán cước sử dụng điện thoại kể từ tháng cán bộ, công chức chuyển đến công tác. Cơ quan cũ thanh toán cước phí sử dụng điện thoại cho cán bộ, công chức đến hết tháng khi chuyển đi.

2 - Đối với cán bộ, công chức khi chuyển sang đảm nhiệm công tác mới không thuộc diện được trang bị điện thoại di động thì cơ quan quản lý cán bộ, công chức thu hồi điện thoại di động đã trang bị. Đối với điện thoại cố định, nếu cán bộ, công chức có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì cơ quan làm thủ tục chuyển hợp đồng sử dụng điện thoại về gia đình để cán bộ, công chức tự thanh toán với cơ quan bưu điện. Cơ quan quản lý cán bộ, công chức thanh toán cước phí điện thoại cho cán bộ, công chức đó đến hết tháng khi chuyển sang đảm nhiệm công tác mới;

3 - Cán bộ, công chức lãnh đạo thuộc các đối tượng quy định tại khoản 1, 2 Điều 5 của Quy chế này, khi nghỉ hưu, nghỉ công tác được cơ quan quản lý tiếp tục thanh toán cước phí sử dụng điện thoại cố định tại nhà riêng trong thời gian 3 tháng kể từ ngày có quyết định nghỉ hưu, nghỉ công tác. Hết thời hạn 3 tháng, nếu cán bộ, công chức có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì cơ quan làm thủ tục chuyển hợp đồng sử dụng điện thoại về gia đình để cán bộ, công chức tự thanh toán cước phí với cơ quan bưu điện.

Đối với điện thoại di động, cơ quan quản lý cán bộ, công chức phải thu hồi kể từ ngày có quyết định nghỉ hưu, nghỉ công tác.

Điều 9. Căn cứ vào tính chất và yêu cầu công tác thực sự cần thiết, những cán bộ, công chức dưới đây được sử dụng thẻ điện thoại di động với mức thanh toán không quá 100.000 đồng/máy/tháng:

1 - Trưởng phòng Thi hành án dân sự các địa phương;

2 - Thư ký Bộ trưởng;

3 - Phó Văn phòng Bộ phụ trách phía Nam (tại TP Hồ Chí Minh);

4 - Đồng chí phụ trách công tác lễ tân, đoàn ra, đoàn vào thuộc Vụ Hợp tác quốc tế;

5 - Các công chức giúp việc cho Thứ trưởng;

6 - Các đồng chí lái xe cho Lãnh đạo Bộ.

Các cán bộ, công chức nói trên nếu chưa được trang bị máy điện thoại di động thì được mua máy điện thoại di động không quá 2.000.000 đồng/máy.

Điều 10. Kinh phí bảo đảm cho việc lắp đặt ban đầu và thanh toán cước phí điện thoại công vụ cố định tại nhà riêng và điện thoại di động cho các cán bộ, công chức quy định tại Điều 5, Điều 9 của Quy chế này được bố trí trong dự toán ngân sách Nhà nước hàng năm của các đơn vị dự toán.

Điều 11. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm phổ biến Quy chế này đến tất cả cán bộ, công chức trong cơ quan, đơn vị.

Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện Quy chế này, định kỳ báo cáo Lãnh đạo Bộ.