Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1577/QĐ-UBND

Cà Mau, ngày 26 tháng 10 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN VÀ ỨNG DỤNG PHẦN MỀM MÃ NGUỒN MỞ NĂM 2014

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Chỉ thị số 07/2008/CT-BTTTT ngày 30/12/2008 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc đẩy mạnh sử dụng phần mềm mã nguồn mở trong cơ quan, tổ chức nhà nước và Thông tư số 41/2009/TT-BTTTT ngày 30/12/2009 của Bộ Thông tin và Truyền thông về ban hành danh mục các sản phẩm phần mềm mã nguồn mở đáp ứng được yêu cầu sử dụng trong các cơ quan, tổ chức nhà nước;

Căn cứ Công văn số 1943/BTTTT-CNTT ngày 04/7/2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin năm 2014;

Xét đề nghị của Sở Thông tin và Truyền thông tại Tờ trình số 77/TTr-STTTT ngày 18/10/2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch Thúc đẩy phát triển và ứng dụng phần mềm mã nguồn mở năm 2014 (kèm theo Kế hoạch số 36/KH-STTTT ngày 18/10/2013 của Sở Thông tin và Truyền thông).

Điều 2. Giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức triển khai thực hiện, hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch này.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Thông tin và Truyền thông, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Cà Mau và Thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Thông tin và Truyền thông;
- PVP (H.Hùng);
- CVVX (T);
- Cổng TTĐT;
- Trung tâm Công báo;
- Lưu: VT, Mi53/10.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Tiến Hải

 

KẾ HOẠCH

THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN VÀ ỨNG DỤNG PHẦN MỀM MÃ NGUỒN MỞ NĂM 2014

I. TÌNH HÌNH ỨNG DỤNG VÀ PHÁT TRIỂN PHẦN MỀM MÃ NGUỒN MỞ (PMNM) NĂM 2013

1. Tình hình thực hiện và ban hành các cơ chế chính sách về PMNM

Trong thời gian qua, Thủ trưởng các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã nhận thức được tầm quan trọng của việc ứng dụng CNTT cũng như PMNM đối với hoạt động của cơ quan nhà nước. Bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, Sở đã tập huấn, đào tạo PMNM cho từng đơn vị. Tuy nhiên do khó khăn đối với nguồn kinh phí cũng như mới đưa vào sử dụng PMNM nên trong quá trình sử dụng, tiếp cận cái mới vẫn chưa đạt hiệu quả cao. Vì vậy, kết quả ứng dụng PMNM trong các năm vừa qua đạt chưa cao. Một số ứng dụng đã được tỉnh đầu tư nhằm tạo ra môi trường và thúc đẩy việc ứng dụng phát triển PMNM. Bên cạnh đó một số văn bản đã được ban hành để chỉ đạo, thúc đẩy việc ứng dụng PMNM.

2. Công tác tổ chức triển khai sử dụng PMNM trong các hệ thống thông tin

Tỉnh đã triển khai cài đặt, ứng dụng phần mềm mã nguồn mở (OpenOffice, Mozilla ThunderBird, Mozilla FireFox, Unikey) cho cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, tổ chức nhà nước. Hiện tại, các máy tính của các đơn vị vẫn song song sử dụng phần mềm mã nguồn đóng và phần mềm mã nguồn mở để cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan dân thay đổi thói quen nhằm đảm bảo công việc vẫn được tiến hành có hiệu quả mà vẫn triển khai ứng dụng được PMNM vào hoạt động thực tiễn.

3. Đào tạo nhân lực ứng dụng và phát triển PMNM

Tỉnh đã đào tạo, tập huấn , sử dụng PMNM cho lãnh đạo và cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin (CNTT) của các cơ quan, tổ chức nhà nước trên địa bàn tỉnh, giúp người sử dụng nắm vững các tính năng cần thiết để làm việc hiệu quả với các phần mềm mã nguồn mở. Cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo ở các lớp này là lực lượng nòng cốt hỗ trợ cho công tác triển khai ứng dụng PMNM tại các đơn vị.

4. Phát triển sản phẩm, doanh nghiệp, cộng đồng, thị trường PMNM

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa có doanh nghiệp đầu tư phát triển sản phẩm PMNM. Do đó, trong thời gian tới cần kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh phát triển các sản phẩm PMNM. Mở ra cơ chế chính sách tốt thu hút các nhà đầu tư PMNM.

5. Kinh phí cho PMNM

Kinh phí đầu tư ứng dụng PMNM không ngừng tăng lên, nhiều dự án được bố trí sử dụng kinh phí của tỉnh. Tuy nhiên các dự án, nhiệm vụ triển khai phần mềm nguồn mở còn chậm vì đang chờ hướng dẫn chung từ các Bộ, ngành Trung ương

6. Khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất

Phát triển và ứng dụng PMNM trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, việc ứng dụng PMNM trên địa bàn tỉnh còn hạn chế vì thiếu các quy định, hướng dẫn cụ thể về việc áp dụng các chuẩn mở, chính sách, cơ chế tài chính, định mức, các quy định cụ thể về ứng dụng PMNM cũng như những chính sách ưu tiên sử dụng PMNM trong các cơ quan Nhà nước làm cơ sở để các cơ quan thống nhất thực hiện. Lý do chính để việc ứng dụng PMNM gặp nhiều khó khăn cản trở chính là do hạn chế về nhận thức đối với loại phần mềm này. Do người sử dụng chưa quen, tâm lý còn ngại khi sử dụng.

Từ những khó khăn trên, Sở Thông tin và Truyền thông kiến nghị tổ chức nhiều cuộc hội thảo, giao ban truyền hình trực tuyến giữa Bộ Thông tin và Truyền thông với Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có liên quan về ứng dụng và tìm ra giải pháp thúc đẩy phát triển PMNM.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH NĂM 2014

1. Triển khai sử dụng PMNM trong cơ quan nhà nước

Triển khai ứng dụng phần mềm mã nguồn mở trong các cơ quan nhà nước đối với các sản phẩm phần mềm mã nguồn mở theo hướng dẫn tại Thông tư số 41/2009/TT-BTTTT ngày 30/12/2009 của Bộ Thông tin Truyền thông về việc ban hành Danh mục các sản phẩm phần mềm mã nguồn mở đáp ứng được nhu cầu sử dụng trong các cơ quan, tổ chức nhà nước.

2. Đào tạo nguồn nhân lực ứng dụng và phát triển PMNM

Tổ chức mở các lớp tập huấn, đào tạo và chuyển giao các PMNM cho các cán bộ chuyên trách, phụ trách công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước sau khi được hướng dẫn của Trung ương, Bộ, ngành. Nhằm triển khai việc chuyển đổi hệ điều hành Microsoft Windows và các phần mềm ứng dụng khác có bản quyền sang hệ điều hành và các phần mềm ứng dụng nguồn mở. Sau khi được triển khai đào tạo, đội ngũ này sẽ là lực lượng chính tại mỗi đơn vị cùng phối hợp với cơ quan chuyên môn của tỉnh để triển khai cài đặt và đưa vào sử dụng.

3. Phát triển doanh nghiệp PMNM

Khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh phát triển các sản phẩm PMNM trên địa bàn. Mở ra cơ chế, chính sách tốt thu hút các nhà đầu tư PMNM.

4. Nghiên cứu phát triển sản phẩm, tài liệu PMNM

Các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp nghiên cứu phát triển sản phẩm, tài liệu PMNM đáp ứng được nhu cầu người sử dụng.

Đào tạo nguồn nhân lực CNTT trên địa bàn tỉnh có đủ trình độ cao để lập trình ra các sản phẩm PMNM.

5. Kinh phí cho PMNM

Trong thời gian qua, kinh phí từ nguồn ngân sách tỉnh được phân bổ để triển khai các dự án PMNM vẫn còn hạn chế. Chính vì vậy, để triển khai thành công dự án này Sở rất cần sự hỗ trợ từ Trung ương, Chính phủ và Bộ trong việc phân bổ thêm kinh phí.

III. GIẢI PHÁP

1. Về tài chính

Bố trí kinh phí ngân sách tỉnh và các nguồn kinh phí hợp pháp khác để: triển khai các dự án ứng dụng mã nguồn mở; tập huấn, đào tạo chuyển giao.

Tăng cường tìm kiếm, tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương và các dự án tài trợ của nước ngoài, đặc biệt là các dự án liên quan đến ứng dụng mã nguồn mở.

2. Về triển khai

Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các phòng chuyên môn và Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông đảm bảo vai trò tiếp nhận chuyển giao, đào tạo, bồi dưỡng và phối hợp triển khai các ứng dụng PMNM trên địa bàn tỉnh; triển khai các dự án ứng dụng mã nguồn mở.

3. Về tổ chức thực hiện

Các sở, ban, ngành tỉnh các huyện, thành phố có trách nhiệm bố trí đủ cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin, phù hợp với kế hoạch ứng dụng phần mềm nguồn mở tại đơn vị mình.

4. Giải pháp môi trường chính sách

- Tiếp tục triển khai các Quyết định số 50/2009/QĐ-TTg ngày 03/4/2009; của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành “Quy chế quản lý Chương trình phát triển công nghiệp phần mềm và Chương trình phát triển công nghiệp nội dung số Việt Nam”; Chỉ thị số 07/2008/CT-BTTTT ngày 30/12/2008 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc đẩy mạnh sử dụng phần mềm mã nguồn mở trong các cơ quan, tổ chức nhà nước.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Tổng kinh phí dự kiến thực hiện các dự án, nhiệm vụ ứng dụng phần mềm nguồn mở năm 2014 là: 2.000.000.000 đồng (Hai tỷ đồng).

(Phụ lục kèm theo)

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trách nhiệm Sở Thông tin và Truyền thông

Chủ trì phối hợp với các đơn vị có năng lực và kinh nghiệm trong việc, đào tạo, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực mã nguồn mở để thực hiện tốt nội dung kế hoạch này.

Chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch này. Tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện hàng quý, tháng, năm.

2. Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị các đơn vị có liên quan phối hợp để thực hiện tốt kế hoạch này như sau:

2.1. Sở Tài chính

Phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông cân đối kinh phí để đảm bảo thực hiện tốt Kế hoạch này.

2.2. Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức nhà nước trên địa bàn tỉnh

Căn cứ Kế hoạch này, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức nhà nước trên địa bàn tỉnh bố trí cán bộ chuyên trách CNTT làm công tác quản lý, điều hành đẩy mạnh ứng dụng phần mềm mã nguồn mở tại đơn vị mình, theo hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông.

Trên đây là kế hoạch thúc đẩy phát triển và ứng dụng phần mềm mã nguồn mở năm 2014 trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

 

 

Nơi nhận:
- UBND tỉnh;
- Đ/c Nguyễn Tiến Hải, PCTUBND tỉnh (B/cáo)
- Sở Kế hoạch, và Đầu tư;
- Sở Tài chính;
- Sở, ban, ngành tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Lưu: VT, PKHTC.

GIÁM ĐỐC




Võ Quốc Việt

 

PHỤ LỤC

(Kèm theo Kế hoạch số 36/KH-STTTT ngày 18/10/2013 của Sở Thông tin và Truyền thông)

TT

Tên dự án, nhiệm vụ

Mục tiêu, quy mô

Thời gian thực hiện

Đơn vị chủ trì

Dự kiến tổng kinh phí (triệu đồng)

Nội dung/hạng mục công việc năm 2014

Dự kiến kinh phí năm 2014 (triệu đồng)

NS địa phương

Nguồn khác

I

Các dự án, nhiệm vụ sử dụng nguồn vốn sự nghiệp (năm 2014: 2.000 triệu đồng, ngân sách tỉnh)

1.

Mua sắm trang thiết bị nhằm nâng cao năng lực quản lý và điều hành

Phục vụ công tác nâng cao năng lực quản lý và điều hành

2014-2015

Sở TT&TT

4.000

Mua sắm trang thiết bị phòng tập huấn di động

2.000

 

Tổng cộng

4.000

 

2.000