Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1578/QĐ-UBND

Phú Yên, ngày 15 tháng 8 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG NGÀNH, NGHỀ ĐẦU TƯ KINH DOANH CÓ ĐIỀU KIỆN VỀ AN NINH, TRẬT TỰ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ YÊN.

CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;

Căn cứ Luật Doanh nghiệp năm 2014;

Căn cứ Luật Đầu tư năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 96/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định điều kiện về an ninh trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện;

Theo đề nghị của Giám đốc Công an tỉnh (tại Tờ trình số 115/TTr-CAT-PC46 ngày 02/8/2017),

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp quản lý hoạt động ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh Phú Yên.

Điều 2. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Công an tỉnh; Giám đốc các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Tổng Cục CS-Bộ CA;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh (để b/c);
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- Các PCVP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, Đ, Q.

CHỦ TỊCH




Hoàng Văn Trà

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG NGÀNH, NGHỀ ĐẦU TƯ KINH DOANH CÓ ĐIỀU KIỆN VỀ AN NINH, TRẬT TỰ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ YÊN
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1578 /QĐ-UBND ngày 15 /8/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định nguyên tắc, nội dung, phương thức, chế độ thông tin báo cáo và trách nhiệm phối hợp của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh Phú Yên.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy chế này áp dụng đối với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi tắt là các cơ quan, đơn vị) có liên quan đến hoạt động thành lập, cấp phép, đăng ký và quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự.

Điều 3. Nguyên tắc phối hợp

- Tuân thủ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong công tác quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự.

- Công tác phối hợp quản lý giữa các cơ quan liên quan phải dựa trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được pháp luật quy định. Các cơ quan chủ động giải quyết những vấn đề thuộc trách nhiệm của mình, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong công tác quản lý Nhà nước đối với cơ sở kinh doanh.

- Công tác thanh tra, kiểm tra cơ sở kinh doanh phải được tiến hành công khai, minh bạch, phải xây dựng kế hoạch cụ thể; đảm bảo không chồng chéo, trùng lặp về nội dung; các trường hợp vi phạm pháp luật phải được xử lý đúng, kịp thời theo quy định. Trường hợp đột xuất theo sự chỉ đạo của cấp có thẩm quyền hoặc phát hiện có dấu hiệu vi phạm cần kiểm tra phục vụ công tác quản lý Nhà nước, cơ quan chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành thanh tra, kiểm tra theo quy định.

Điều 4. Nội dung phối hợp

- Phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật có liên quan về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự cho các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự.

- Cung cấp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước tham gia thực hiện Quy chế này.

- Phối hợp trong đăng ký, quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự; phát hiện, xử lý đối với các cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm theo thẩm quyền hoặc báo cáo với cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định pháp luật.

- Tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả công tác phối hợp, rút kinh nghiệm và đề xuất, kiến nghị (nếu có).

- Báo cáo định kỳ việc thực hiện các thủ tục hành chính trong công tác cấp phép, đăng ký, quản lý; kết quả kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh.

- Tham mưu UBND tỉnh thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh; đề xuất, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự.

Điều 5. Phương thức phối hợp

- Công an tỉnh là cơ quan đầu mối, các cơ quan khác có trách nhiệm thường xuyên phối hợp với Công an tỉnh, phân công đầu mối theo dõi, giải quyết công việc liên quan đến công tác phối hợp quản lý; xử lý những vấn đề liên quan đến hoạt động ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự theo chức năng, nhiệm vụ được giao và tổng hợp thông tin, số liệu định kỳ hàng năm hoặc đột xuất gửi về Công an tỉnh để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

- Các cơ quan phối hợp và cơ quan đầu mối thường xuyên, kịp thời trao đổi thông tin, đề xuất các nội dung cần phối hợp; thông tin liên quan đến hoạt động ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự trên địa bàn; kết quả công tác quản lý; các đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự theo chức năng, phạm vi quản lý của từng đơn vị.

- Để đảm bảo công tác phối hợp được kịp thời, các cơ quan có thể trao đổi thông tin thông qua hình thức trực tiếp gặp gỡ để trao đổi, thông qua văn bản hoặc bằng các phương tiện thông tin liên lạc.

- Đối với từng chuyên đề, vụ việc cụ thể cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan thì đơn vị chủ trì đoàn liên ngành triển khai công tác có trách nhiệm: Bảo đảm tính pháp lý và trình tự, thủ tục đối với các chuyên đề, vụ việc; chịu trách nhiệm về kinh phí trong quá trình phối hợp; báo cáo kết quả về Công an tỉnh để tổng hợp.

Chương II

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ

Điều 6. Công an tỉnh

Chịu trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về an ninh, trật tự đối với các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trên địa bàn tỉnh để phục vụ công tác phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác và có trách nhiệm sau đây:

1. Nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, biện pháp đảm bảo an ninh, trật tự để tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp thực hiện trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự. Đề xuất UBND tỉnh có biện pháp chỉ đạo giải quyết kịp thời những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong công tác phối hợp quản lý về an ninh, trật tự giữa các cơ quan, đơn vị.

2. Tiếp nhận hồ sơ, cấp mới, cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự để làm ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự; hướng dẫn các cơ sở sở kinh doanh thực hiện nghiêm túc các quy định về điều kiện an ninh, trật tự và thực hiện trách nhiệm quản lý về an ninh, trật tự theo quy định tại Nghị định số 96/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

3. Tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất hoặc phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra liên ngành việc chấp hành các quy định về an ninh, trật tự và quy định pháp luật chuyên ngành trong hoạt động kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự. Xử lý các hành vi vi phạm điều kiện về an ninh, trật tự của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp làm ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền quyết định xử lý theo quy định pháp luật chuyên ngành.

4. Thông báo cho Sở Kế hoạch và Đầu tư trường hợp thu hồi không có thời hạn giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự hoặc cơ sở làm ngành, nghề kinh doanh có điều kiện nhưng không thực hiện các quy định về điều kiện an ninh, trật tự, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự, đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư hoặc UBND cấp huyện ra thông báo yêu cầu doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tạm ngừng kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự do không đáp ứng đủ điều kiện về an ninh, trật tự theo quy định pháp luật và thông tin về những doanh nghiệp làm ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.

5. Hàng năm, chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức họp liên ngành để tổng kết nhằm đánh giá kết quả thực hiện Quy chế, kinh nghiệm, những vướng mắc, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự, đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh sửa đổi cho phù hợp.

Điều 7. Sở Kế hoạch và Đầu tư

1. Tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về thủ tục đăng ký doanh nghiệp; đăng ký tạm ngừng hoạt động doanh nghiệp; cấp mới, bổ sung, thay đổi, cấp lại và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện trên địa bàn tỉnh thuộc thẩm quyền của Sở.

2. Khi nhận được văn bản của cơ quan công an về việc doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nhưng không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, Phòng Đăng ký kinh doanh ra thông báo yêu cầu doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Trường hợp doanh nghiệp không tạm ngừng kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo yêu cầu, Phòng Đăng ký kinh doanh yêu cầu doanh nghiệp báo cáo theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 209 Luật Doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không báo cáo, giải trình, Phòng Đăng ký kinh doanh thực hiện thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 211 Luật Doanh nghiệp.

Phối hợp với các cơ quan, đơn vị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp làm ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thuộc các trường hợp quy định tại Điều 211 của Luật Doanh nghiệp.

3. Trực tiếp kiểm tra hoặc đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra doanh nghiệp theo nội dung trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.

4. Thu thập, lưu trữ và quản lý thông tin về đăng ký doanh nghiệp theo quy định pháp luật, quản lý, vận hành hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia ở cấp địa phương; đầu mối, theo dõi, tổng hợp tình hình doanh nghiệp sau đăng ký thành lập.

Điều 8. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

1. Tiếp nhận hồ sơ đăng ký hạng cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch, tổ chức thẩm định và quyết định xếp hạng 01 sao, 02 sao cho khách sạn, làng du lịch, hạng đạt chuẩn kinh doanh biệt thự, căn hộ du lịch, tàu thủy du lịch; hạng đạt tiêu chuẩn kinh doanh lưu trú du lịch đối với nhà nghỉ du lịch, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê, cơ sở lưu trú du lịch khác.

2. Tiếp nhận hồ sơ, thẩm định cấp giấy phép kinh doanh vũ trường.

3. Quản lý hoạt động kinh doanh trò chơi có thưởng dành cho người nước ngoài theo thẩm quyền.

4. Hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch, karaoke, vũ trường và xử lý các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật.

5. Tổ chức kiểm tra, hướng dẫn việc cấp giấy phép kinh doanh karaoke đối với Phòng Văn hóa và Thông tin cấp huyện.

6. Chỉ đạo, điều hành Đội kiểm tra liên ngành văn hóa, thể thao, du lịch và phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh Phú Yên (gọi tắt là Đội kiểm tra liên ngành 814 tỉnh) tổ chức kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa, thể thao và du lịch; xử lý hoặc kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý đối với các cơ sở có hành vi vi phạm theo quy định pháp luật.

7. Phối hợp Sở kế hoạch và Đầu tư (Phòng Đăng ký kinh doanh), Công an tỉnh (Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội; Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ) trong quản lý, trao đổi, nắm bắt thông tin về tình hình hoạt động, việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực an ninh, trật tự, phòng cháy, chữa cháy và các điều kiện khác theo quy định của các doanh nghiệp có đăng ký ngành, nghề kinh doanh có điều kiện như karaoke, vũ trường, các cơ sở lưu trú du lịch,...

Điều 9. Sở Y tế

1. Tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, cấp, cấp lại, điều chỉnh Giấy phép hoạt động đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ phẩu thuật thẩm mỹ.

2. Tiếp nhận hồ sơ tự công bố đủ điều kiện hoạt động dịch vụ xoa bóp (massage), thực hiện công bố cơ sở lên trang thông tin điện tử Sở Y tế. Trực tiếp thanh tra, kiểm tra hoặc phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các điều kiện hoạt động và điều kiện về an ninh, trật tự đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ xoa bóp và phẫu thuật thẩm mỹ. Qua thanh tra, kiểm tra, nếu cơ sở kinh doanh không tuân thủ các điều kiện theo quy định tại Điều 38 Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì tiến hành lập biên bản đình chỉ hoạt động, xóa tên trong danh sách công bố trên trang thông tin điện tử Sở Y tế và xử lý theo quy định pháp luật.

Điều 10. Sở Tài nguyên và Môi trường

Chỉ đạo Trung tâm quan trắc môi trường phối hợp với các cơ quan, đơn vị tiến hành kiểm tra, đo các chỉ tiêu môi trường độ ồn tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường và các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa khác, xử lý các cơ sở kinh doanh vi phạm các chỉ tiêu môi trường theo quy định pháp luật.

Điều 11. Sở Thông tin và Truyền thông

1. Tiếp nhận hồ sơ, cấp, cấp lại giấy phép hoạt động in cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ in thực hiện chế bản in, in, gia công sau in để tạo ra các sản phẩm: Báo, tạp chí và các ấn phẩm báo chí khác theo quy định pháp luật về báo chí; mẫu, biểu mẫu giấy tờ do cơ quan nhà nước ban hành; tem chống giả; hóa đơn tài chính, các loại thẻ, giấy tờ có sẵn mệnh giá hoặc dùng để ghi mệnh giá (không bao gồm tiền) và xuất bản phẩm theo quy định của pháp luật về xuất bản.

Tiến hành thu hồi giấy phép hoạt động in đối với các trường hợp quy định tại khoản 2, Điều 13 Nghị định số 60/2014/NĐ-CP ngày 19/6/2014 của Chính phủ quy định về hoạt động in.

2. Tiếp nhận tờ khai đăng ký hoạt động cơ sở in, xác nhận đăng ký và cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu của Sở Thông tin và Truyền thông đối với cơ sở in thực hiện chế bản, in, gia công sau in các sản phẩm in không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1, Điều 10 Quy chế này để quản lý.

3. Tạm đình chỉ hoạt động in sản phẩm in hoặc đình chỉ việc in sản phẩm in đang in tại địa phương nếu phát hiện, nội dung sản phẩm in vi phạm Luật Xuất bản, báo cáo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch UBND cấp tỉnh; tạm đình chỉ việc phát hành xuất bản sản phẩm có nội dung vi phạm Luật Xuất bản của cơ sở phát hành xuất bản sản phẩm tại địa phương.

4. Tổ chức thanh tra, kiểm tra hoặc phối hợp với Đội liên ngành phòng, chống in lậu tỉnh tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động in.

5. Gửi Phòng Đăng ký kinh doanh - Sở kế hoạch và Đầu tư thông tin về những doanh nghiệp làm ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự đã được cấp giấy phép kinh doanh hoạt động in và các hành vi vi phạm hành chính của doanh nghiệp.

Điều 12. Sở Công Thương

1. Tiếp nhận hồ sơ, thẩm định và xem xét cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp và giấy đăng ký sử dụng vật liệu nổ công nghiệp theo thẩm quyền.

2. Tiếp nhận hồ sơ, xem xét, thẩm định, cấp mới, cấp lại, điều chỉnh, gia hạn và thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khí theo thẩm quyền.

3. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng, bảo quản, kinh doanh, vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp và các cơ sở kinh doanh khí theo quy định pháp luật.

Điều 13. Cục Thuế tỉnh

1. Đăng ký thuế, cấp mã số thuế, xử lý hồ sơ khai thuế, tính thuế, nộp thuế, đôn đốc người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ nộp thuế đầy đủ, kịp thời vào ngân sách nhà nước.

2. Trực tiếp thanh tra, kiểm tra, giám sát việc kê khai thuế và xử lý các trường hợp vi phạm theo luật chuyên ngành hoặc phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra việc chấp hành kê khai thuế, nộp thuế và xử lý theo thẩm quyền.

3. Định kỳ hàng tháng, Cục Thuế tỉnh có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho Sở Kế hoạch và Đầu tư về danh sách doanh nghiệp đóng mã số thuế, không hoạt động tại địa chỉ trụ sở đã đăng ký, tạm ngừng hoạt động kinh doanh một năm liên tục không thông báo, doanh nghiệp vi phạm các quy định về thuế để xử phạt theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và quy định pháp luật.

Điều 14. Các sở, ban, ngành khác có liên quan

- Ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị chức năng thuộc ngành, lĩnh vực được phân công tổ chức thực hiện Quy chế này.

- Phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong lĩnh vực quản lý chuyên ngành có liên quan đến ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự do sở, ngành mình quản lý.

- Phối hợp với Công an tỉnh thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các điều kiện về an ninh, trật tự của các cơ sở kinh doanh có liên quan đến sở, ngành mình quản lý theo thẩm quyền.

- Kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự.

Điều 15. UBND các huyện, thị xã, thành phố

Chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương thuộc thẩm quyền quản lý thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau:

- Quản lý nhà nước đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự theo quy định tại Nghị định số 96/2016/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan theo thẩm quyền.

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc có liên quan thẩm định các điều kiện kinh doanh trước khi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với các hộ kinh doanh cá thể hoạt động ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự.

- Phòng ngừa, phát hiện đấu tranh, ngăn chặn, xử lý tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác liên quan đến hoạt động của các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự tại địa phương.

- Thực hiện chế độ thông tin báo cáo định kỳ hoặc đột xuất và kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 16. Tổ chức thực hiện

Công an tỉnh là cơ quan đầu mối, chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu, giúp UBND tỉnh triển khai, tổ chức thực hiện Quy chế này; đôn đốc các cơ quan, đơn vị trong việc triển khai thực hiện và tổng hợp tình hình, kết quả báo cáo UBND tỉnh theo định kỳ 01 năm hoặc đột xuất.

Điều 17. Chế độ thông tin, báo cáo

1. Định kỳ vào các ngày 25/5, 25/11 hàng năm và đột xuất, các cơ quan, đơn vị báo cáo kết quả thực hiện công tác đăng ký, quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình và kết quả phối hợp với các đơn vị liên quan về Công an tỉnh.

2. Công an tỉnh chịu trách nhiệm tổng hợp tình hình, kết quả triển khai, thực hiện Quy chế phối hợp này; định kỳ mỗi năm một lần vào cuối năm Công an tỉnh chủ trì tham mưu UBND tỉnh tổ chức họp giao ban để nhận xét, đánh giá việc phối hợp thực hiện, đề ra nhiệm vụ tiếp theo và báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo.

Điều 18. Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm

1. Thanh tra, kiểm tra định kỳ: Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch kiểm tra liên ngành và thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra các cơ sở làm ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự không quá 1 lần/1 năm/cơ sở.

2. Thanh tra, kiểm tra đột xuất:

- Trường hợp phát hiện cơ sở làm ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc có đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo về hoạt động kinh doanh, các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý của mình tiến hành thanh tra, kiểm tra đột xuất theo thẩm quyền.

- Trong trường hợp cần thiết, đơn vị chủ trì việc thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền có văn bản đề nghị các đơn vị liên quan cử cán bộ tham gia phối hợp xử lý theo quy định.

Kết quả thanh tra, kiểm tra báo cáo về công an tỉnh theo dõi, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

Điều 19. Sửa đổi, bổ sung quy chế

Trong quá trình tổ chức thực hiện Quy chế này, nếu có vướng mắc, có nội dung không phù hợp với quy định pháp luật hoặc không phù hợp với thực tế, các cơ quan, đơn vị phản ánh bằng văn bản về UBND tỉnh (qua Công an tỉnh) để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung Quy chế cho phù hợp./.