Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 159/2002/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 15 tháng 11 năm 2002

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 159/2002/QĐ-TTG NGÀY 15 THÁNG 11 NĂM 2002 VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH KIÊN CỐ HOÁ TRƯỜNG, LỚP HỌC

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 1999 và Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 05 tháng 5 năm 2000 của Chính phủ về Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tại tờ trình số 9250/KHTC ngày 15 tháng 10 năm 2002 về việc phê duyệt Đề án thực hiện Chương trình kiên cố hoá trường, lớp học,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án thực hiện Chương trình kiên cố hoá trường, lớp học với những nội dung chính như sau:

1. Tên đề án: Đề án thực hiện Chương trình kiên cố hoá trường, lớp học.

2. Mục tiêu:

Thực hiện chương trình kiên cố hoá các trường, lớp học trong cả nước từ giáo dục mầm non đến giáo dục phổ thông để đến cuối năm 2003 xoá bỏ tình trạng học cả 3 ca và đến năm 2005 không còn lớp học tạm thời tranh, tre, nứa, lá.

3. Yêu cầu:

a. Xây dựng các trường, lớp học theo thiết kế mẫu.

b. Chương trình kiên cố hoá trường, lớp học được triển khai trong cả nước; ưu tiên đầu tư để thực hiện trước hết đối với các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các xã nghèo ở miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, miền Trung, vùng hay ngập lũ, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số ở đồng bằng sông Cửu Long và các địa phương khác.

c. Kết hợp Chương trình này với việc chuẩn hoá trường, lớp học.

4. Quy mô xây dựng:

Tổng số phòng học dự kiến xây dựng mới là: 67.500 phòng học.

5. Nguồn vốn:

a. Ngân sách Trung ương hỗ trợ cho các địa phương để thực hiện mục tiêu quy định tại khoản 2 Điều 1 của Quyết định này. Nguồn ngân sách này được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm của địa phương.

b. Ngân sách địa phương hàng năm.

c. Huy động đóng góp tự nguyện bằng nhiều hình thức của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, các tổ chức quốc tế, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước.

6. Thời gian thực hiện: đến năm 2005.

7. Cơ quan quản lý: Bộ Giáo dục và đào tạo.

8. Cơ quan thực hiện: Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Điều 2. Tổ chức thực hiện:

1. Thành lập Ban chỉ đạo Chương trình kiên cố hoá trường, lớp học ở Trung ương do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo là Trưởng Ban, Uỷ viên gồm đại diện lãnh đạo các cơ quan: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ, Ban chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp.

Ban chỉ đạo có trách nhiệm giúp Thủ tướng chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình, nghiên cứu đề xuất các hình thức ghi công, biểu dương, khen thưởng các tập thể và cá nhân có nhiều đóng góp trong việc thực hiện Chương trình.

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan thường trực Chương trình có nhiệm vụ:

a. Xác định cụ thể danh mục lớp học cần xây dựng mới thuộc Chương trình này trong cả nước và từng địa phương;

b. Xây dựng kế hoạch tổng thể triển khai Chương trình và kế hoạch thực hiện hàng năm trong cả nước (cụ thể cho từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương);

c. Chỉ đạo việc tổ chức huy động, tiếp nhận và sử dụng vốn huy động đóng góp.

d. Trên cơ sở nguồn vốn quy định tại khoản 5 Điều 1, căn cứ kế hoạch thực hiện hàng năm để xác định nhu cầu và phương án phân bổ kinh phí cụ thể cho từng địa phương, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

e. Chỉ đạo các địa phương triển khai Chương trình. Tổ chức kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện Chương trình ở các địa phương. Định kỳ 6 tháng và hàng năm đánh giá việc thực hiện chương trình, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ.

3. Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp chủ trì, cùng Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh các Hợp tác xã Việt Nam, các Bộ và các cơ quan có liên quan tổ chức vận động các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tự nguyện đóng góp vốn để thực hiện Chương trình.

4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo cân đối nguồn vốn từ ngân sách Trung ương để thực hiện Chương trình.

5. Bộ Tài chính có nhiệm vụ:

a. Bố trí nguồn vốn ngân sách Trưng ương để thực hiện Chương trình theo kế hoạch triển khai.

b. Hướng dẫn, chỉ đạo việc tiếp nhận và quản lý vốn đóng góp được quy định tại mục c, khoản 5, Điều 1 của Quyết định này;

c. Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng phương án, kế hoạch và dự kiến phân bổ kinh phí hàng năm cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định;

d. Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính về Chương trình này theo nguyên tắc: đơn giản về thủ tục nhưng phải đảm bảo yêu cầu quản lý chặt chẽ.

6. Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành thiết kế mẫu từng loại lớp học, trường học, hướng dẫn thiết kế xây dựng phù hợp với điều kiện của từng vùng.

7. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các địa phương về việc sử dụng đất để triển khai Chương trình.

8. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhiệm vụ:

a. Thành lập Ban chỉ đạo Chương trình kiên cố hoá trường, lớp học của địa phương;

b. Kiểm tra, xác định cụ thể số lượng lớp học 3 ca, lớp học tạm thời tranh, tre, nứa, lá của địa phương (cụ thể đến từng xã, thôn, bản, trường học).

Tổ chức vận động trên địa bàn việc tự nguyện đóng góp vốn để thực hiện Chương trình.

c. Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình đến năm 2005, kế hoạch thực hiện hàng năm (cụ thể đến từng xã, thôn, bản, trường học), kế hoạch dự toán kinh phí tổng thể và hành năm để thực hiện Chương trình (trong đó có đề xuất cụ thể phần vốn hỗ trợ từ Trung ương), báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh, Ban chỉ đạo Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính.

d. Chịu trách nhiệm chỉ đạo, triển khai, kiểm tra thực hiện Chương trình trên địa bàn theo đúng kế hoạch, đúng quy định, bảo đảm chất lượng, chống thất thoát và tiêu cực. Tổ chức giao ban định kỳ để đánh giá và báo cáo Ban chỉ đạo Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Việc triển khai thực hiện Chương trình cần có sự giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp.

9. Ban chỉ đạo Trung ương phối hợp với các cơ quan Trung ương của các đoàn thể, tổ chức xã hội trong việc vận động tích cực hưởng ứng tham gia Chương trình kiên cố hoá trường, lớp học nhằm đạt được các mục tiêu đề ra.

10. Các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương có nhiệm vụ tuyên truyền rộng rãi để toàn xã hội cùng tham gia hưởng ứng, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình kiên cố hoá trường, lớp học.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)