Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI BÌNH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1597/QĐ-UBND

Thái Bình, ngày 17 tháng 7 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN NUÔI CÁ LỒNG TRÊN SÔNG GIAI ĐOẠN 2016 - 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 1690/QĐ-TTg ngày 16/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển Thủy sản Việt Nam đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 332/QĐ-TTg ngày 03/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 1445/QĐ-TTg ngày 16/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn 2030;

Căn cứ Quyết định số 2760/QĐ-BNN-TCTS ngày 22/11/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 238/TTr-SNN&PTNT ngày 13/7/2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Phát triển nuôi cá lồng trên sông giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025, với nội dung chủ yếu sau:

I. PHẠM VI NGHIÊN CỨU

Quy hoạch phát triển nuôi cá lồng trên sông tại các khu vực đã được nghiên cứu trên các con sông: sông Hồng, sông Trà Lý, sông Luộc, sông Hóa thuộc các huyện: Hưng Hà, Đông Hưng, Quỳnh Phụ, Vũ Thư và Kiến Xương.

II. MỤC TIÊU

1. Năm 2020:

- Số lượng lồng: 1.500 lồng;

- Sản lượng: 4.210 tấn (tương ứng với 1.050 ha nuôi trong nội đồng);

- Giá trị sản lượng: 117.095 triệu đồng (giá cố định năm 2010);

- Giải quyết lao động: 1.500 người;

- Tốc độ tăng trưởng giá trị sản lượng giai đoạn 2016 - 2020 bình quân đạt 49,6%/năm.

2. Năm 2025:

- Số lượng lồng nuôi là 3.000 lồng;

- Sản lượng: 9.072 tấn (tương đương với 2.268 ha cố định nuôi trong nội đồng);

- Giá trị sản lượng: 252.202 triệu đồng (giá cố định năm 2010);

- Giải quyết lao động: 3.000 người;

- Tốc độ tăng trưởng giá trị sản lượng giai đoạn 2021 - 2025 bình quân đạt 15%/năm.

III. CÁC GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NUÔI CÁ LỒNG TRÊN SÔNG

1. Giải pháp thông tin tuyên truyền

- Nội dung thông tin:

+ Công khai quy hoạch;

+ Công khai chủ trương chính sách;

+ Các quy định về nuôi cá lồng.

- Hình thức: Phương tiện thông tin đại chúng, tập huấn, tờ rơi...

Thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, tổ chức họp bàn với nhân dân trước khi thực hiện cho thuê đất mặt nước khu vực phát triển nuôi cá lồng.

2. Giải pháp quy hoạch phát triển nuôi cá lồng

- Lồng ghép nhiệm vụ quy hoạch chi tiết của các huyện vào quy hoạch tổng thể của tỉnh; xác định tọa độ, phạm vi, vị trí đất mặt nước từng khu vực, từng vùng phát triển nuôi cá lồng để giao cho các huyện, các xã triển khai thực hiện và quản lý phát triển.

- Thực hiện tốt quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết phát triển nuôi cá lồng (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là chủ đầu tư), mỗi khu vực, mỗi vùng nuôi phải đảm bảo yêu cầu các thông số kỹ thuật và không chồng chéo với các quy hoạch của các lĩnh vực khác và các cơ chế chính sách được lồng ghép trong quy hoạch.

3. Giải pháp về đầu tư vốn và cơ chế chính sách hỗ trợ

Tổng nguồn vốn đầu tư đến năm 2020 ước khoảng 43,62 tỷ đồng, trong đó:

- Nguồn vốn tự đầu tư của dân là chủ yếu, chiếm khoảng 89,79%. Nguồn vốn này để đầu tư làm lồng (lắp, hàn, hạ lồng), mua con giống, thức ăn, điện, thuốc phòng trị bệnh, vôi, nhà bảo vệ trên lồng;

- Ngân sách nhà nước hỗ trợ chiếm khoảng 10,21% trong tổng vốn đầu tư, phục vụ cho công tác quy hoạch, lắp đặt hệ thống phao tiêu, biển báo; hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn, tập huấn kỹ thuật, thăm quan học tập mô hình tổ chức quản lý sản xuất ngoài tỉnh, xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiếp nhận và chuyển giao công nghệ sản xuất giống; hỗ trợ thay thế đàn cá bố mẹ nước ngọt; hỗ trợ lãi suất tiền vay đầu tư 02 năm đầu tiên để thúc đẩy phát triển phong trào nuôi cá lồng trên sông.

4. Giải pháp tổ chức sản xuất và tiêu thụ

Sau khi có quy hoạch chi tiết được duyệt, Ủy ban nhân dân xã xây dựng phương án sản xuất trình Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt và triển khai thực hiện.

4.1. Tổ chức sản xuất

Hộ gia đình, nhóm hộ gia đình và doanh nghiệp là đơn vị tổ chức sản xuất nuôi cá lồng; chủ động tổ chức sản xuất và tự liên kết với nhau hình thành tổ hợp tác để phối hợp cùng nhau trong mua giống, tiếp thu kỹ thuật nuôi, hợp tác trong tiêu thụ sản phẩm, bảo vệ sản xuất để giảm chi phí và tăng lợi nhuận, đến khi nhu cầu hợp tác cao hơn thì thành lập Hợp tác xã sản xuất cá lồng.

Phương án cho thuê mặt nước trên sông

Đối với diện tích mới quy hoạch, thực hiện theo hình thức đấu giá cho thuê, ưu tiên cho hộ dân địa phương giáp ranh với khu vực quy hoạch có vốn, có nhân lực và có điều kiện thu hút các thành phần kinh tế đầu tư nguồn vốn phát triển nuôi cá lồng.

Đối với các lồng đang nuôi đã giao cho hộ dân, Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo các xã tiến hành rà soát lại khu vực thực tế đang nuôi; xét thấy phù hợp với quy hoạch thì giữ ổn định theo hợp đồng đã ký, khi hết thời hạn hợp đồng thì cho đấu thầu lại theo hợp đồng 05 năm và hạn mức quy định mới; nếu lồng không phù hợp với quy hoạch thì sau khi hết hạn hợp đồng phải thanh lý.

Thẩm quyền đấu giá và cho thuê: Theo quy định hiện hành của pháp luật về đất đai; được sự ủy quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, Ủy ban nhân dân các xã giáp ranh tổ chức đấu giá cho thuê theo quy định hiện hành.

Thời hạn cho thuê: Là 05 năm; hết thời hạn, tiến hành đấu giá lại với các hộ, các tổ chức thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo hợp đồng đã quy định.

Định mức giá cho thuê: Căn cứ vào điều kiện cụ thể, các cơ quan chức năng tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.

4.2. Thị trường tiêu thụ sản phẩm

Người sản xuất tìm thị trường trước khi tổ chức sản xuất.

Nhà nước hỗ trợ thông tin thị trường, hỗ trợ xúc tiến thương mại theo quy định.

Khuyến cáo các doanh nghiệp đầu tư bao tiêu sản phẩm nuôi trong tỉnh, tạo thị trường tiêu thụ ổn định cho các hộ nuôi.

5. Giải pháp nguồn nhân lực

Bố trí nguồn lực hiện có gồm lực lượng lao động thường xuyên và lao động theo thời vụ một cách khoa học, hợp lý để chỉ đạo sản xuất nuôi cá lồng tại địa phương.

Tích cực đào tạo nghề nuôi cá lồng cho các doanh nghiệp và hộ gia đình ở các xã ven sông; giai đoạn 2016 - 2020 đào tạo, tập huấn từ 300 đến 1.500 lao động. Hàng năm bằng nguồn vốn khuyến ngư của tỉnh tiếp tục bố trí các lớp tập huấn nuôi cá lồng cho các hộ nuôi ở các xã ven sông.

6. Về khoa học công nghệ

Nghiên cứu khảo nghiệm sản xuất cá giống và nuôi cá thương phẩm trong lồng các đối tượng cá có giá trị kinh tế gồm cá điêu hồng, cá lăng, cá trắm lai, cá ngạnh..

Tiếp nhận công nghệ sản xuất giống từ các địa phương khác, tiếp nhận đàn cá bố mẹ có chất lượng, sức sinh sản tốt để chủ động giải quyết nhu cầu con giống tại chỗ cho người nuôi.

Nghiên cứu cải tiến chất liệu kết cấu lồng có tuổi thọ cao, chi phí thấp nhằm tăng giá trị cạnh tranh cho sản phẩm cá lồng.

Nghiên cứu các biện pháp tiên tiến trong phòng và trị bệnh cho cá nuôi trong lồng.

IV. T CHỨC THỰC HIỆN

1. Đối với các Sở, ngành của tỉnh

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì xây dựng quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết phát triển nuôi cá lồng trên sông, bàn giao quy hoạch cho huyện; hướng dẫn tiếp nhận chuyển giao khoa học công nghệ, quản lý khống chế dịch bệnh, xây dựng kế hoạch phát triển hàng năm, tập huấn kỹ thuật cho các hộ dân; tổ chức xây dựng mô hình nuôi cá lồng thương phẩm; tổng kết rút kinh nghiệm và khuyến cáo cho các hộ dân thăm quan học tập để phát triển nuôi cá lồng; phối hợp với các ngành liên quan trong việc kiểm tra, giám sát.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tài chính, các sở, ngành chức năng: Xây dựng cơ chế chính sách cho phát triển nuôi cá lồng; bố trí ngân sách quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết vùng nuôi cá lồng, ngân sách hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng công trình chính của các cơ sở sản xuất giống, mua đàn cá bố mẹ, ngân sách nghiên cứu khoa học; bố trí vốn khuyến ngư xây dựng mô hình, tập huấn kỹ thuật nuôi, chuyển giao tiến bộ khoa học về sản xuất giống.

- Sở Công thương phối hợp với sở, ngành hữu quan hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cá lồng.

- Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính phối hợp các ngành chức năng, Ủy ban nhân dân các huyện xây dựng phương án cho thuê mặt nước trên sông, thời hạn cho thuê, mức thu tiền cho thuê mặt nước nuôi cá lồng.

- Sở Khoa học và Công nghệ căn cứ nguồn vốn hàng năm bố trí kinh phí chuyển giao công nghệ sản xuất giống một số đối tượng có giá trị kinh tế; kinh phí thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học về sản xuất giống, công nghệ xử lý sau thu hoạch để nâng cao chất lượng sản phẩm.

- Sở Giao thông và Vận tải phối hợp Cục Quản lý đường sông hỗ trợ, hướng dẫn cắm phao tiêu, biển báo để đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa.

- Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thái Bình chỉ đạo các tổ chức tín dụng khai thác nguồn vốn, tạo điều kiện cho các hộ dân, các tổ chức vay vốn để phát triển nuôi cá lồng.

- Các cơ quan tuyên truyền: Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình, Báo Thái Bình, các tổ chức đoàn thể tuyên truyền Đề án phát triển nuôi cá lồng của tỉnh.

- Công an đường thủy căn cứ vào chức năng nhiệm vụ được giao xây dựng phương án giữ gìn trật tự an ninh tại địa phương khi triển khai thực hiện Đề án.

2. Đối với Ủy ban nhân dân các huyện

Phối hợp với các ngành chức năng tiếp nhận và triển khai thực hiện quy hoạch, xây dựng kế hoạch phát triển cho từng năm. Thống nhất phương án cho thuê mặt nước trên sông, thời hạn và mức thu tiền cho thuê mặt nước hàng năm. Quản lý, sử dụng nguồn thu tiền thuê mặt nước đúng mục đích theo quy định hiện hành. Chịu trách nhiệm triển khai Quyết định này đến các xã thuộc địa bàn quản lý.

3. Đối với Ủy ban nhân dân các xã giáp ranh khu vực có diện tích mặt nước phát triển nuôi cá lồng

- Chịu sự chỉ đạo của tỉnh, huyện.

- Được Ủy ban nhân dân huyện ủy quyền triển khai thực hiện quy hoạch chi tiết khu vực nuôi cá lồng. Xây dựng phương án sản xuất trình Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt.

- Tuyên truyền chủ trương của tỉnh, huyện tới nhân dân; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tỉnh, huyện tuyên truyền và thực hiện tốt nội dung Thông tư 14/2011/TT-BNNPTNT trong việc kiểm tra, đánh giá phân loại các cơ sở nuôi cá lồng bè, tạo sản phẩm an toàn cho người sử dụng.

- Phối hợp với lực lượng chức năng triển khai thực hiện tốt công tác an ninh và trật tự xã hội tại địa phương và an toàn về người, tài sản, đê điều, môi trường trên sông.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 71/QĐ-UBND ngày 09/01/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Đề án Phát triển nuôi cá lồng trên sông giai đoạn 2013 - 2015, định hướng đến năm 2020.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công thương, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và công nghệ; Giám đốc Công an tỉnh; Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thái Bình; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện: Hưng Hà, Đông Hưng, Quỳnh Phụ, Vũ Thư, Kiến Xương; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Thường trực Tỉnh ủy, HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh;
- Lưu VT, NNTNMT, TH.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Hồng Diên