Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

CỤC HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG VIỆT NAM
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 16/2000/QĐ-CHK

Hà Nội, ngày 16 tháng 6 năm 2000

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA CỤC TRƯỞNG CỤC HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG VIỆT NAM SỐ 16/2000/QĐ-CHK NGÀY 16 THÁNG 6 NĂM 2000 VỀ VIỆC BAN HÀNH "QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG THUÊ TẦU BAY, ĐỘNG CƠ TẦU BAY"

CỤC TRƯỞNG CỤC HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG VIỆT NAM

Căn cứ Luật Hàng không dân dụng Việt Nam ngày 26/12/1991 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam ngày 20/04/1995;
Căn cứ Nghị định số 68/CP ngày 25/10/1995 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Cục Hàng không dân dụng Việt Nam;
Căn cứ đề nghị của Ông Trưởng ban Không tải - Không vận, Cục Hàng không dân dụng Việt Nam,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này bản "Quy định về quản lý hoạt động thuê tầu bay, động cơ tầu bay".

Điều 2: Các Ông trưởng Ban Không tải - Không vận, Ban Tài chính, Ban Khoa học công nghệ, Ban Kế hoạch và Đầu tư, Ban An toàn, Ban An ninh, Ban Tổ chức cán bộ - Lao động, Phòng Pháp chế của Cục Hàng không dân dụng Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Điều 3: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký và thay thế những điều khoản liên quan đến việc thuê tầu bay, thuê tổ chức khai thác, bảo dưỡng tầu bay của "Quy định về quản lý việc thuê, mua tầu bay, thuê người khai thác tầu bay trong hoạt động bay hàng không dân dụng tại Việt Nam" ban hành kèm theo Quyết định số 1095/CAAV ngày 16/6/1997 của Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng Việt Nam.

 

Nguyễn Tiến Sâm

(Đã ký)

 

QUY ĐỊNH

VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG THUÊ TẦU BAY, ĐỘNG CƠ TẦU BAY
(Ban hành kèm theo Quyết định số 16 ngày 16 tháng 6 năm 2000 của Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng Việt Nam)

Chương 1

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi, đối tượng áp dụng:

Quy định này quy định việc quản lý của Cục Hàng không dân dụng Việt Nam đối với hoạt động thuê tầu bay, động cơ tầu bay của các doanh nghiệp vận chuyển hàng không Việt Nam, các doanh nghiệp hoặc pháp nhân Việt Nam khác được phép sử dụng và khai thác tầu bay theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là doanh nghiệp Việt Nam).

Quy định này được áp dụng đối với các trường hợp sau đây:

Thuê tầu bay để khai thác nhằm phục vụ mục đích kinh doanh vận tải hàng không, đào tạo, huấn luyện người lái, phục vụ các hoạt động kinh tế và các hoạt động hàng không dân dụng khác (gọi tắt là thuê khai thác tầu bay), bao gồm thuê ướt tầu bay và thuê khô tầu bay;

Thuê tầu bay, động cơ tầu bay để làm đồ dùng giảng dạy;

Thuê, hợp tác dùng chung động cơ tầu bay nhằm phục vụ mục đích khai thác tầu bay;

Quy định này không áp dụng đối với trường hợp thuê tài chính tầu bay theo quy định của pháp luật về tài sản cố định thuê tài chính.

Điều 2. Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

"Tầu bay": là tầu bay chuyên hoạt động cho mục đích dân dụng.

"Thuê ướt tầu bay": là việc người thuê thuê tầu bay kèm theo tổ lái (hoặc tổ bay); tầu bay thuê ướt được khai thác theo chứng chỉ người khai thác tầu bay (AOC) không phải của người thuê.

"Thuê khô tầu bay": là việc người thuê chỉ thuê riêng tầu bay; tầu bay thuê khô được khai thác theo chứng chỉ người khai thác tầu bay (AOC) của người thuê.

"Nhà chức trách hàng không": là cá nhân hay tổ chức của một quốc gia, có thẩm quyền thực hiện chức năng quản lý Nhà nước chuyên ngành về hàng không dân dụng hoặc chức năng tương tự theo quy định của pháp luật của quốc gia đó.

Điều 3. Hoạt động thuê tầu bay được thực hiện tuân thủ theo các nguyên tắc sau:

Đảm bảo việc tuân thủ pháp luật Việt Nam; bảo đảm thực hiện đúng mục tiêu chiến lược phát triển đội tầu bay dân dụng quốc gia theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của đất nước;

Đảm bảo đầu tư có trọng điểm, đồng bộ và đạt hiệu quả cao, đảm bảo sự phát triển ổn định và an toàn của doanh nghiệp Việt Nam, phù hợp với khả năng khai thác kinh doanh, khả năng tài chính, khả năng khai thác, bảo dưỡng, sửa chữa tầu bay của doanh nghiệp;

Bảo đảm tiêu chuẩn đủ điều kiện bay và khai thác an toàn tầu bay phù hợp với Luật hàng không dân dụng Việt Nam và các công ước quốc tế về hàng không dân dụng mà Việt Nam tham gia.

Điều 4. Yêu cầu về bảo hiểm trách nhiệm dân sự:

Đối với trường hợp thuê khai thác tầu bay nhằm mục đích kinh doanh vận tải hàng không, doanh nghiệp Việt Nam phải mua bảo hiểm hoặc là người cùng được hưởng lợi trong hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại gây ra cho hành khách, hành lý, hàng hóa.

Trong trường hợp thuê khai thác tầu bay mà doanh nghiệp Việt Nam là người khai thác tầu bay, doanh nghiệp Việt Nam phải mua bảo hiểm hoặc là người cùng được hưởng lợi trong hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại gây ra cho người thứ ba ở mặt đất.

Việc mua bảo hiểm nêu tại các khoản 1 và 2 của điều này phải được thực hiện tới mức giới hạn trách nhiệm dân sự theo quy định của pháp luật Việt Nam và phù hợp với những yêu cầu của luật pháp của các nước mà tầu bay khai thác.

Điều 5. Trong trường hợp thuê khai thác tầu bay, doanh nghiệp Việt Nam phải thực sự khai thác, kiểm soát và chịu trách nhiệm đối với các thương quyền khai thác của doanh nghiệp. Việc doanh nghiệp Việt Nam thuê tầu bay không được cho phép người cho thuê tầu bay, người khai thác tầu bay hoặc bất kỳ người nào khác được trực tiếp hoặc gián tiếp dưới bất kỳ hình thức nào hưởng lợi hoặc sử dụng các thương quyền khai thác của doanh nghiệp. Quyền lợi tài chính của người cho thuê tầu bay theo hợp đồng thuê không được phụ thuộc vào kết quả kinh doanh, khai thác tầu bay của doanh nghiệp Việt Nam.

Điều 6. Đối với việc thuê khai thác tầu bay nhằm mục đích vận chuyển thương mại hành khách phải đảm bảo tầu bay mới hoặc đã được sử dụng không quá 20 năm kể từ ngày xuất xưởng, hoặc đã bay không quá 40.000 giờ, hoặc đã được sử dụng không quá 2/3 tổng thọ mệnh theo niên hạn, giờ bay hoặc số lần hạ cất cánh do Nhà chế tạo quy định tại thời điểm ký kết hợp đồng thuê tầu bay.

Tầu bay, động cơ tầu bay được thuê làm đồ dùng giảng dạy không được sửa chữa, cải tiến để sử dụng cho mục đích khai thác bay.

Điều 7. Đăng ký tầu bay:

Đối với tầu bay thuê khô có thời hạn thuê từ 3 năm trở lên, tầu bay phải được chuyển đăng ký về Việt Nam trong vòng 1 năm kể từ ngày hợp đồng thuê bắt đầu có hiệu lực.

Điều 8. Trong trường hợp người khai thác tầu bay không phải là doanh nghiệp Việt Nam, người khai thác tầu bay phải thoả mãn các quy định của quốc gia nơi đăng ký tầu bay và phải có chứng chỉ người khai thác tầu bay (AOC) còn hiệu lực hoặc giấy tờ tương đương đối với loại tầu bay dự định khai thác do Nhà chức trách hàng không của quốc gia của người khai thác tầu bay cấp và được Cục Hàng không dân dụng Việt Nam thừa nhận hiệu lực. Cục Hàng không dân dụng Việt Nam sẽ không thừa nhận chứng chỉ người khai thác tầu bay (AOC) nếu thấy rằng chứng chỉ đã được cấp theo tiêu chuẩn thấp hơn tiêu chuẩn tối thiểu được thiết lập theo Công ước về hàng không dân dụng quốc tế ký tại Chicago ngày 7/12/1944.

Điều 9. Doanh nghiệp Việt Nam có trách nhiệm tự thu xếp các hình thức đặt cọc cho người cho thuê, bảo lãnh ngân hàng, thế chấp tài khoản chuyên dụng, đóng góp quỹ bảo dưỡng, mua bảo hiểm hoặc hình thức đảm bảo khác theo thỏa thuận với người cho thuê phù hợp với pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế. Doanh nghiệp không được thế chấp doanh thu vận tải hoặc các nguồn doanh thu khác để đảm bảo trách nhiệm thanh toán tiền thuê.

Điều 10. Doanh nghiệp Việt Nam có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ các quy định của Nhà nước về quản lý kinh doanh xuất nhập khẩu đối với việc thuê tầu bay, về đăng ký và quản lý lao động là người nước ngoài tại Việt Nam.

Chương 2

THỰC HIỆN DỰ ÁN THUÊ TẦU BAY

Điều 11. Phê duyệt phương án thuê và khai thác tầu bay:

Đối với dự án thuê tầu bay có thời hạn thuê trên 3 tháng, doanh nghiệp Việt Nam có nghĩa vụ lập phương án thuê và khai thác tầu bay trình Cục Hàng không dân dụng Việt Nam xem xét phê duyệt, bao gồm các tài liệu (10 bộ):

Tờ trình xin phê duyệt dự án thuê và khai thác tầu bay;

Phương án thuê và khai thác tầu bay, trong đó giải trình những nội dung chính sau đây:

i. Kế hoạch phát triển hoạt động khai thác bay của doanh nghiệp;

ii. Sự cần thiết phải thuê tầu bay; kế hoạch khai thác tầu bay được thuê;

iii. Việc thuê tàu bay phù hợp với kế hoạch khai thác, tính đầu tư đồng bộ và định hướng, chiến lược phát triển đội tầu bay ngắn hạn, dài hạn, khả năng khai thác-kinh doanh, khả năng tài chính, khả năng khai thác, bảo dưỡng tầu bay của doanh nghiệp; phù hợp với kế hoạch đào tạo trong trường hợp thuê tầu bay để đào tạo người lái hoặc làm đồ dùng giảng dậy;

iv. Số lượng, chủng loại, kiểu tầu bay được thuê; tầu bay mới xuất xưởng hay đã qua sử dụng; dự kiến thời hạn, giá trị thuê; những đặc tính cơ bản về kỹ thuật, khai thác của tầu bay dự định thuê, những vấn đề pháp lý, tài chính, thương mại liên quan; tình hình thị trường cho thuê tầu bay và dự kiến các đối tác đủ khả năng cho thuê; các mốc tiến độ thời gian thực hiện dự án;

v. Phân tích so sánh phương án thuê được đệ trình với các phương án thuê khác hoặc mua (bao gồm mua đứt hoặc thuê tài chính) về các khía cạnh tài chính, hiệu quả kinh tế-thương mại, kỹ thuật-công nghệ khai thác, bảo dưõng, ưu đãi (nếu có);

c. Các tài liệu khác theo yêu cầu.

2. Cục Hàng không dân dụng Việt Nam sẽ xem xét việc phê duyệt phương án thuê và khai thác tầu bay hợp đồng trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ các tài liệu quy định tại khoản 1 của Điều này.

Điều 12. Yêu cầu về hợp đồng thuê tầu bay:

Mọi hoạt động thuê tầu bay phải được thực hiện thông qua ký kết hợp đồng bằng văn bản giữa các đối tác. Trừ trường hợp quy định tại khoản 2 của Điều này, trong hợp đồng phải có điều khoản quy định hợp đồng chỉ có hiệu lực sau khi được Cục Hàng không dân dụng Việt Nam phê duyệt, và việc không phê duyệt hợp đồng (nếu có) phải được coi là trường hợp bất khả kháng mà doanh nghiệp Việt Nam không phải chịu bất kỳ nghĩa vụ, chi phí hoặc bồi thường nào.

Đối với trường hợp thuê khai thác tầu bay có thời hạn thuê không quá 3 tháng nhằm thay thế tầu bay làm nhiệm vụ chuyên cơ hoặc được trưng dụng vì các mục đích của Nhà nước, thay thế tầu bay bị tai nạn, sự cố kỹ thuật hoặc đột xuất bị đưa ra khỏi khai thác vì các lý do bất khả kháng, doanh nghiệp Việt Nam tự chịu trách nhiệm về việc ký kết và thực hiện hợp đồng mà không phải có sự phê duyệt hợp đồng của Cục Hàng không dân dụng Việt Nam.

Đối với trường hợp thuê ướt tầu bay, hợp đồng thuê tầu bay được hiểu là bao gồm cả hợp đồng thuê dịch vụ khai thác và/hoặc bảo dưỡng tầu bay, không phụ thuộc vào việc hợp đồng thuê dịch vụ khai thác và/hoặc bảo dưỡng tầu bay là một phận của hợp đồng thuê tầu bay hay là hợp đồng độc lập, với cùng một đối tác hay với đối tác khác.

Điều 13. Hình thức lựa chọn đối tác:

Trừ trường hợp được quy định tại các khoản 2 và 3 của Điều này, việc đấu thầu lựa chọn đối tác đối với hoạt động thuê tầu bay được thực hiện bằng hình thức chào hàng cạnh tranh. Thư mời chào hàng cạnh tranh phải được gửi tới tối thiểu 3 nhà thầu đủ năng lực chào hàng.

Trong trường hợp hoạt động thuê tầu bay là một bộ phận của dự án đã được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật, theo hình thức lựa chọn được quy định trong dự án.

Trong các trường hợp dưới đây, hình thức lựa chọn đối tác do doanh nghiệp Việt Nam tự quyết định:

Hoạt động thuê tầu bay có thời hạn thuê không quá 3 tháng;

Hoạt động thuê tầu bay của các doanh nghiệp Việt Nam thuộc các thành phần kinh tế ngoài khu vực nhà nước.

Điều 14. Thủ tục xem xét phê duyệt quá trình chào hàng cạnh tranh:

Trừ trường hợp quy định tại các khoản 2 và 3 Điều 13 của Quy định này, doanh nghiệp Việt Nam phải trình Cục Hàng không dân dụng Việt Nam xem xét phê duyệt các nội dung cơ bản của quá trình chào hàng cạnh tranh, bao gồm:

Giai đoạn chuẩn bị chào hàng cạnh tranh, bao gồm các tài liệu (10 bộ):

i. Kế hoạch mời chào hàng cạnh tranh của dự án;

ii. Danh sách các nhà thầu mời tham gia chào hàng cạnh tranh;

iii. Hồ sơ mời chào hàng cạnh tranh;

iv. Tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự chào hàng cạnh tranh;

Kết quả chào hàng cạnh tranh, bao gồm các tài liệu (10 bộ):

i. Báo cáo về kết quả chào hàng cạnh tranh và sự lựa chọn đối tác;

ii. Hồ sơ chào hàng của tất cả các nhà thầu.

Cục Hàng không dân dụng Việt Nam sẽ xem xét việc phê duyệt các nội dung cơ bản của quá trình chào hàng cạnh tranh trong vòng 5 ngày cho mỗi giai đoạn kể từ ngày nhận được đầy đủ các tài liệu quy định tại các điểm a và b của khoản 1 của Điều này. Kết quả chào hàng cạnh tranh có thể được trình xem xét phê duyệt khi trình hợp đồng thuê tầu bay theo quy định tại Điều 15 của Quy định này.

Điều 15. Thủ tục xem xét phê duyệt hợp đồng thuê tầu bay:

Trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 12 của Quy định này, doanh nghiệp Việt Nam phải trình hợp đồng thuê tầu bay lên Cục Hàng không dân dụng Việt Nam xem xét phê duyệt, bao gồm các tài liệu (10 bộ):

Tờ trình xin phê duyệt hợp đồng;

Kết quả lựa chọn đối tác (đối với các trường hợp nêu tại các khoản 2 và 3 Điều 13 của Quy định này);

Báo cáo về hợp đồng, trong đó nêu rõ tên, chủ thể, đối tượng của hợp đồng; ngày ký, ngày hết hạn hợp đồng, và giải trình các nội dung cơ bản của hợp đồng, bao gồm:

i. Việc ký hợp đồng phù hợp hay không phù hợp với phương án thuê và khai thác tầu bay đã được phê duyệt, lý do của việc không phù hợp (nếu có);

ii. Sự cần thiết phải thuê tầu bay; kế hoạch khai thác tầu bay được thuê; nguồn tài chính thực hiện (đối với trường hợp thuê tầu bay có thời hạn thuê không quá 3 tháng);

iii. Những yếu tố kinh tế, kỹ thuật, thương mại của hợp đồng: giá thuê so với giá thuê hoặc mua trên thị trường quốc tế vào thời điểm thực hiện; cơ cấu và tính hợp lý của giá; các chi phí và hiệu quả khai thác; giờ bay tối thiểu đối với tầu bay thuê (nếu có); vấn đề giao nhận, giao trả, thay thế tầu bay; chuyển giao công nghệ (nếu có); phụ tùng dự trữ, thay thế cho tầu bay (nếu có); điều kiện đặt cọc (nếu có); thể thức thanh toán; những vấn đề về bảo hiểm, đào tạo, khai thác, bảo dưỡng, hỗ trợ hoặc ưu đãi tài chính (nếu có); việc đăng ký của tầu bay; vấn đề thuế;

iv. Tóm tắt những vấn đề pháp lý liên quan: quốc tịch và tư cách pháp nhân của người cho thuê, người cho thuê gốc, chủ sở hữu, người nhận cầm cố, thế chấp, người khai thác tầu bay, tổ chức bảo dưỡng tầu bay; quốc tịch tầu bay; trách nhiệm và quyền hạn của mỗi bên; hệ thống pháp luật được áp dụng liên quan đến việc khai thác và bảo dưỡng tầu bay; trường hợp rủi ro, tổn thất toàn bộ, bất khả kháng; trường hợp hủy bỏ hợp đồng, giải quyết tranh chấp, luật áp dụng cho hợp đồng và các vấn đề liên quan khác (nếu có).

Bản hợp đồng gốc (trong trường hợp hợp đồng không được ký bằng tiếng Việt, phải có bản dịch ra tiếng Việt);

Các tài liệu khẳng định tư cách pháp nhân và hoạt động kinh doanh của bên cho thuê tầu bay, người khai thác tầu bay, tổ chức bảo dưỡng tầu bay; các tài liệu liên quan đến những thông số kỹ thuật của tầu bay thuê; chứng chỉ người khai thác tầu bay, tổ chức bảo dưỡng tầu bay.

Các tài liệu khác theo yêu cầu;

Cục Hàng không dân dụng Việt Nam sẽ xem xét việc phê duyệt hợp đồng trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ các tài liệu quy định tại khoản 1 của Điều này. Trong trường hợp phê duyệt hợp đồng, Cục Hàng không dân dụng Việt Nam sẽ có công văn gửi Bộ Thương mại đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu cho tầu bay.

Trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 12 của Quy định này, theo đề nghị bằng văn bản của doanh nghiệp Việt Nam, Cục Hàng không dân dụng Việt Nam sẽ có công văn gửi Bộ Thương mại đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu cho tầu bay. Hợp đồng thuê tầu bay phải được gửi kèm theo công văn đề nghị của doanh nghiệp.

Thủ tục xem xét việc thay đổi các điều khoản, gia hạn hiệu lực của hợp đồng thuê tầu bay được tiến hành như đối với hợp đồng chính.

Điều 16. Thủ tục đưa tầu bay thuê vào khai thác bay:

Doanh nghiệp Việt Nam muốn đưa tầu bay thuê vào khai thác bay phải gửi đến Cục Hàng không dân dụng Việt Nam đơn xin khai thác tầu bay, trong đó chỉ rõ loại tầu bay; quốc tịch của tầu bay; chủ sở hữu tầu bay; số hiệu đăng ký của tầu bay; trọng lượng cất cánh, hạ cánh tối đa; số lượng ghế cung ứng, số lượng tải cung ứng của tầu bay; người khai thác tầu bay và đính kèm các tài liệu sau đây:

Chứng chỉ đăng ký tầu bay;

Chứng chỉ đủ điều kiện bay của tầu bay;

Giấy phép sử dụng thiết bị vô tuyến trên tầu bay, nếu được lắp đặt;

Chứng chỉ tiếng ồn của tầu bay;

Chứng chỉ Người khai thác tầu bay;

Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với người thứ ba ở mặt đất;

Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của người vận chuyển đối với hành khách, hành lý, hàng hoá (trong trường hợp khai thác vận chuyển thương mại);

Giấy phép nhập khẩu tầu bay vào Việt Nam.

Trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận đủ các tài liệu nêu tại khoản 1 của Điều này, Cục Hàng không dân dụng Việt Nam sẽ xem xét và quyết định việc cấp hoặc không cấp phép khai thác tầu bay thuê và thông báo cho doanh nghiệp nộp đơn.

Điều 17. Báo cáo về việc thực hiện hợp đồng thuê tầu bay:

Doanh nghiệp Việt Nam có nghĩa vụ báo cáo Cục Hàng không dân dụng Việt Nam về các trường hợp vi phạm nghiêm trọng của các bên trong việc thực hiện hợp đồng thuê tầu bay; việc thay đổi các điều khoản của hợp đồng; việc chấm dứt hiệu lực trước thời hạn hoặc gia hạn hiệu lực của hợp đồng. Trong trường hợp doanh nghiệp Việt Nam là bên vi phạm hợp đồng thuê tầu bay dẫn đến khả năng hoặc thực tế ngừng thực hiện hợp đồng, và/hoặc gây ra các tổn thất về tài chính, uy tín cho doanh nghiệp, doanh nghiệp phải kịp thời báo cáo Cục Hàng không dân dụng Việt Nam lý do của việc vi phạm đó và kiến nghị biện pháp xử lý.

Doanh nghiệp Việt Nam có nghĩa vụ thanh lý hợp đồng, tái xuất tầu bay thuê ra khỏi Việt Nam trong trường hợp hợp đồng hết hiệu lực, phép của Bộ Thương mại, Tổng cục Hải quan hết hiệu lực, hoặc theo yêu cầu của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Chương 3

THỰC HIỆN DỰ ÁN THUÊ, HỢP TÁC DÙNG CHUNG ĐỘNG CƠ TẦU BAY

Điều 18. Trừ trường hợp thuê động cơ tầu bay khẩn cấp, dự án thuê động cơ phải được thực hiện thông qua đấu thầu hạn chế hoặc chào hàng cạnh tranh. Thư mời dự thầu phải được gửi tới tối thiểu 3 nhà thầu đủ năng lực dự thầu hoặc chào hàng. Đối với trường hợp thuê động cơ tầu bay khẩn cấp để thay thế cho động cơ bị sự cố kỹ thuật của tầu bay đang khai thác, hình thức lựa chọn đối tác thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của người có thẩm quyền của doanh nghiệp.

Mọi hoạt động thuê động cơ tầu bay phải được thực hiện thông qua ký kết hợp đồng bằng văn bản giữa các đối tác. Doanh nghiệp Việt Nam tự chịu trách nhiệm về việc tổ chức thực hiện các nội dung cơ bản của quá trình đấu thầu hoặc chào hàng cạnh tranh, lựa chọn đối tác, ký kết và thực hiện hợp đồng.

Điều 19. Đối với các trường hợp thuê động cơ tầu bay nêu tại Điều 18 của Quy định này, theo đề nghị bằng văn bản của doanh nghiệp Việt Nam, Cục Hàng không dân dụng Việt Nam sẽ có công văn gửi Bộ Thương mại đề nghị cấp giấy phép xuất nhập khẩu cho động cơ tầu bay. Văn bản hợp đồng thuê động cơ tầu bay phải được gửi kèm theo công văn đề nghị của doanh nghiệp.

Điều 20. Doanh nghiệp Việt Nam được phép hợp tác đầu tư xây dựng kho động cơ, phụ tùng tầu bay dự phòng dùng chung với các doanh nghiệp vận chuyển hàng không Việt Nam hoặc hãng hàng không nước ngoài nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng động cơ, phụ tùng, giảm mức kho tự cung ứng và chi phí.

Điều 21. Việc hợp tác xây dựng kho động cơ, phụ tùng tầu bay dự phòng dùng chung phải được thực hiện thông qua ký kết hợp đồng bằng văn bản giữa các đối tác. Trong hợp đồng phải có điều khoản quy định hợp đồng chỉ có hiệu lực sau khi được Cục Hàng không dân dụng Việt Nam phê duyệt, và việc không phê duyệt hợp đồng (nếu có) phải được coi là trường hợp bất khả kháng mà doanh nghiệp Việt Nam không phải chịu bất kỳ nghĩa vụ, chi phí hoặc bồi thường nào.

Điều 22. Thủ tục xem xét phê duyệt hợp đồng hợp tác xây dựng kho động cơ, phụ tùng tầu bay dự phòng dùng chung:

Doanh nghiệp Việt Nam phải trình hợp đồng hợp tác xây dựng kho động cơ, phụ tùng tầu bay dự phòng dùng chung lên Cục Hàng không dân dụng Việt Nam xem xét phê duyệt, bao gồm các tài liệu (10 bộ):

Tờ trình xin phê duyệt hợp đồng;

Báo cáo về hợp đồng, bao gồm các nội dung: tên, chủ thể, đối tượng của hợp đồng; ngày ký, ngày hết hạn hợp đồng; lý do ký kết hợp đồng; kế hoạch dự kiến và hiệu quả kinh tế của việc khai thác kho; những yếu tố tài chính, kỹ thuật, pháp lý liên quan;

Bản hợp đồng gốc (trong trường hợp hợp đồng không được ký bằng tiếng Việt, phải có bản dịch ra tiếng Việt);

Các tài liệu khẳng định tư cách pháp nhân và hoạt động kinh doanh của bên đối tác ký hợp đồng;

Các tài liệu khác theo yêu cầu;

Cục Hàng không dân dụng Việt Nam sẽ xem xét việc phê duyệt hợp đồng trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ các tài liệu quy định tại khoản 1 của điều này. Trong trường hợp phê duyệt hợp đồng, Cục Hàng không dân dụng Việt Nam sẽ có công văn gửi Bộ Thương mại đề nghị cấp giấy phép xuất nhập khẩu cho động cơ, phụ tùng tầu bay.

Thủ tục xem xét việc thay đổi các điều khoản, gia hạn hiệu lực của hợp đồng hợp tác xây dựng kho động cơ, phụ tùng tầu bay dự phòng dùng chung được tiến hành như đối với hợp đồng chính.

Chương 4

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 23. Hội đồng thẩm định:

Hội đồng thẩm định của Cục Hàng không dân dụng Việt Nam được thành lập nhằm giúp Cục trưởng thực hiện việc quản lý hoạt động thuê tầu bay theo quy định của Quy định này. Hội đồng thực hiện các chức năng sau đây:

Thẩm định các phương án thuê và khai thác tầu bay; thẩm định các nội dung cơ bản của quá trình chào hàng cạnh tranh; thẩm định hợp đồng thuê tầu bay; thẩm định hợp đồng hợp tác xây dựng kho động cơ, phụ tùng dự phòng dùng chung;

Kiến nghị Cục trưởng: phê duyệt phương án thuê và khai thác tầu bay, ban hành quyết định phê duyệt hợp đồng thuê tầu bay.

Các chức năng khác theo sự phân công của Cục trưởng.

Thành phần Hội đồng thẩm định bao gồm:

Chủ tịch Hội đồng: 01 Phó Cục trưởng;

Các thành viên Hội đồng: đại diện các Ban Không tải-Không vận (kiêm thư ký Hội đồng đối với quá trình xem xét phê duyệt phương án thuê và khai thác tầu bay, hợp đồng thuê tầu bay), Ban Kế hoạch và Đầu tư (kiêm thư ký Hội đồng đối với quá trình xem xét phê duyệt các nội dung cơ bản của quá trình chào hàng cạnh tranh), Ban Tài chính, Ban Khoa học công nghệ, Ban An toàn, Ban An ninh, Ban Tổ chức cán bộ-Lao động, Phòng Pháp chế của Cục Hàng không dân dụng Việt Nam.

Điều 24. Trách nhiệm của các cơ quan đơn vị và doanh nghiệp

Các đơn vị nêu tại điểm b, khoản 2, Điều 23 của Quy định này có trách nhiệm theo dõi việc thực hiện hoạt động thuê tầu bay, động cơ tầu bay của các doanh nghiệp Việt Nam trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình, kịp thời kiến nghị Cục trưởng giải quyết và xử lý những trường hợp vi phạm hợp đồng hoặc vi phạm những quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động thuê tầu bay, động cơ tầu bay.

Doanh nghiệp Việt Nam có nghĩa vụ giải trình trước Cục Hàng không dân dụng Việt Nam và các cơ quan chức năng khác của Nhà nước về những vấn đề được yêu cầu theo quy định của pháp luật, và chịu hoàn toàn trách nhiệm về tính xác thực của các tài liệu và thông tin được đệ trình.