ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 16/2008/QĐ-UBND | Đà Lạt, ngày 05 tháng 5 năm 2008 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH TIÊU CHUẨN CHUYÊN MÔN, NGHIỆP VỤ TRƯỞNG, PHÓ CÁC PHÒNG, BAN VÀ TƯƠNG ĐƯƠNG THUỘC SỞ, BAN, NGÀNH VÀ THUỘC UBND CÁC HUYỆN, THỊ XÃ BẢO LỘC VÀ THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT, TỈNH LÂM ĐỒNG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND&UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Pháp lệnh Cán bộ, công chức ngày 26 tháng 2 năm 1998 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Cán bộ, công chức ngày 29 tháng 4 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 116/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các đơn vị sự nghiệp Nhà nước và Nghị định số 121/2006/NĐ-CP ngày 23/10/2006 của Chính phủ, về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ;
Căn cứ Nghị định số 117/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các cơ quan Nhà nước và Nghị định số 09/2007/NĐ-CP ngày 15/01/2007 của Chính phủ, về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 117/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ;
Theo đề nghị của Sở Nội vụ tỉnh Lâm Đồng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định “tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ trưởng, phó các phòng, ban và tương đương thuộc sở, ban, ngành và thuộc UBND các huyện, thị xã Bảo Lộc và thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng chịu trách nhiệm thi hành./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
TIÊU CHUẨN CHUYÊN MÔN, NGHIỆP VỤ TRƯỞNG, PHÓ CÁC PHÒNG, BAN VÀ TƯƠNG ĐƯƠNG THUỘC SỞ, BAN, NGÀNH, THUỘC UBND CÁC HUYỆN, THỊ XÃ BẢO LỘC VÀ THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT, TỈNH LÂM ĐỒNG.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 16/2008/QĐ-UBND, ngày 05 tháng 5 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Vị trí, chức trách, nhiệm vụ trưởng, phó các phòng, ban và tương đương (cơ quan, đơn vị) sở, ban, ngành (gọi chung là Sở) thuộc tỉnh
1. Trưởng, phó các phòng, ban thuộc sở: là các cán bộ, công chức lãnh đạo các phòng, ban; chịu trách nhiệm lãnh đạo, điều hành hoạt động của phòng, ban để thực hiện chức năng, nhiệm vụ tham mưu giúp lãnh đạo sở thực hiện công tác chuyên môn theo thẩm quyền được giao và chịu trách nhiệm trước Giám đốc sở và trước pháp luật trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực chuyên môn được phân công.
2. Trưởng, phó các cơ quan, đơn vị trực thuộc sở: là các cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo bộ máy các cơ quan, đơn vị; chịu trách nhiệm lãnh đạo, điều hành hoạt động của cơ quan, đơn vị để thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định và giúp sở thực hiện công tác chuyên ngành theo thẩm quyền được giao; chịu trách nhiệm trước Giám đốc sở và trước pháp luật trong việc thực hiện chức năng và nhiệm vụ được giao.
Điều 2. Vị trí, chức trách, nhiệm vụ trưởng, phó các phòng, ban và tương đương (cơ quan, đơn vị) thuộc Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Bảo Lộc và thành phố Đà Lạt (gọi chung là cấp huyện) thuộc tỉnh Lâm Đồng
1. Trưởng, phó các phòng, ban thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện: là các cán bộ, công chức lãnh đạo các phòng, ban; chịu trách nhiệm lãnh đạo, điều hành hoạt động của phòng, ban để thực hiện chức năng, nhiệm vụ tham mưu giúp lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện công tác chuyên môn theo thẩm quyền được giao và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và trước pháp luật trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực chuyên môn được phân công.
2. Trưởng, phó các cơ quan, đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện: là các cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo bộ máy các cơ quan, đơn vị; chịu trách nhiệm lãnh đạo, điều hành hoạt động của cơ quan, đơn vị để thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định và giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện công tác chuyên ngành theo thẩm quyền được giao; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và trước pháp luật trong việc thực hiện chức năng và nhiệm vụ được giao.
Điều 3. Phẩm chất, đạo đức
1. Có tinh thần yêu nước, kiên định đường lối đổi mới, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của Đảng, tận tụy phục vụ nhân dân;
2. Làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, hiệu quả, dám nghĩ, dám làm và chịu trách nhiệm cá nhân. Cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư, trung thực, thẳng thắn, có tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình;
3. Đoàn kết, dân chủ, chân tình với đồng nghiệp, đồng sự, được tập thể tín nhiệm. Gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân nơi cư trú tín nhiệm;
4. Có ý thức tổ chức kỷ luật, guơng mẫu chấp hành luật pháp và các quy định của Nhà nước, nội quy quy chế của cơ quan;
5. Không tham nhũng, lãng phí; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí.
Điều 4. Năng lực công tác
1. Có năng lực tham mưu, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và trách nhiệm về lĩnh vực chuyên môn, chuyên ngành được phân công;
2. Có khả năng nghiên cứu xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, đề xuất các giải pháp, phương pháp quản lý về lĩnh vực chuyên môn, chuyên ngành, phục vụ cho hoạt động quản lý nhà nước của cơ quan, đơn vị;
3. Thành thạo trong việc xây dựng phương án, đề án quản lý nghiệp vụ và thủ tục hành chính Nhà nước;
4. Có năng lực điều hành, có khả năng quy tụ, đoàn kết, tổ chức để cán bộ, công chức, viên chức trong phòng, ban, cơ quan, đơn vị thực hiện và phối hợp với các phòng trong cơ quan, đơn vị các cấp và các cơ quan có liên quan thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Điều 5. Hiểu biết
1. Nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực chuyên môn, chuyên ngành được giao;
2. Nắm vững các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực chuyên môn, chuyên ngành được giao và các văn bản quy phạm pháp luật do địa phương ban hành;
3. Hiểu biết sâu về nghiệp vụ quản lý thuộc lĩnh vực chuyên môn, chuyên ngành được giao; có kinh nghiệm tổ chức, quản lý, điều hành;
4. Nắm được tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức, viên chức dưới quyền;
5. Am hiểu tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của địa phương, đất nước, các nước trong khu vực và trên thế giới.
Điều 6. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ
1. Tốt nghiệp đại học chính quy chuyên ngành phù hợp với lĩnh vực công tác đối với cấp tỉnh, khi bổ nhiệm lần đầu;
2. Tốt nghiệp đại học chuyên ngành phù hợp với lĩnh vực công tác đối với cấp huyện khi bổ nhiệm lần đầu;
3. Có trình độ lý luận chính trị trung cấp trở lên;
4. Đã qua lớp quản lý hành chính nhà nước ngạch chuyên viên trở lên;
5. Có chứng chỉ một trong 5 ngoại ngữ thông dụng ở trình độ A đối với thị xã Bảo Lộc và các huyện; trình độ B đối với cấp tỉnh, thành phố Đà Lạt; khuyến khích học và sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số phục vụ công tác;
6. Sử dụng thành thạo máy vi tính và các trang thiết bị phục vụ cho công tác.
Điều 7. Các điều kiện khác.
1. Có thời gian công tác từ 3 năm trở lên đối với cấp tỉnh và phố Đà Lạt; 02 năm đối với thị xã Bảo Lộc và các huyện;
2. Tuổi bổ nhiệm lần đầu đối với các chức vụ: trưởng, phó phòng và tương đương thuộc UBND cấp huyện không quá 45 tuổi ( kể cả nam lẫn nữ);
3. Tuổi bổ nhiệm lần đầu đối với các chức vụ trưởng, phó phòng và tương đương thuộc các Sở không quá 55 tuổi đối với nam và 50 tuổi đối với nữ;
4. Có sức khoẻ bảo đảm công tác.
Chương II
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 8. Tổ chức thực hiện
1. Giám đốc các Sở, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh căn cứ vào quy định tiêu chuẩn này và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn trực thuộc quy định cụ thể tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ chuyên ngành của cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo các phòng, ban, cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý để thực hiện công tác quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển cán bộ, công chức lãnh đạo các đơn vị trực thuộc đáp ứng yêu cầu chức năng, nhiệm vụ được giao;
2. Giám đốc các Sở, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh căn cứ quy định này để thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm và bổ nhiệm lại chức vụ cán bộ, công chức, viên chức theo quy định hiện hành.
Điều 9. Kiểm tra, thanh tra
Giám đốc Sở Nội vụ có trách nhiệm kiểm tra, thanh tra việc thực hiện quy định này; định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh. Nếu Giám đốc Sở, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nào không thực hiện theo quy định này thì có biện pháp xử lý, đồng thời từng bước hoàn chỉnh quy định này.
- 1 Quyết định 46/2012/QĐ-UBND về Quy định tiêu chuẩn chức danh trưởng, phó phòng, ban, chi cục và tương đương trở xuống thuộc sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố thuộc tỉnh Lâm Đồng
- 2 Quyết định 259/QĐ-UBND năm 2013 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật đến hết ngày 31/12/2012 hết hiệu lực thi hành do tỉnh Lâm Đồng ban hành
- 3 Quyết định 259/QĐ-UBND năm 2013 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật đến hết ngày 31/12/2012 hết hiệu lực thi hành do tỉnh Lâm Đồng ban hành
- 1 Quyết định 33/2010/QĐ-UBND quy định tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm chức danh Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp huyện do tỉnh Tuyên Quang ban hành
- 2 Nghị định 09/2007/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 117/2003/NĐ-CP về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước
- 3 Nghị định 121/2006/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 116/2003/NĐ-CP về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước
- 4 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 5 Nghị định 116/2003/NĐ-CP về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước
- 6 Nghị định 117/2003/NĐ-CP về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các cơ quan Nhà nước
- 7 Pháp lệnh sửa đổi Pháp lệnh Cán bộ, công chức năm 2003
- 8 Pháp lệnh Cán bộ, công chức năm 1998