Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 16/2010/QĐ-UBND

Đồng Hới, ngày 15 tháng 12 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V THÀNH LẬP VÀ BAN HÀNH QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CHI CỤC VĂN THƯ - LƯU TRỮ TRỰC THUỘC SỞ NỘI VỤ TỈNH QUẢNG BÌNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Pháp lệnh Lưu trữ quốc gia ngày 04/4/2001;

Căn cứ Nghị định số 111/2004/NĐ-CP ngày 08/4/2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh lưu trữ quốc gia;

Căn cứ Nghị định số 110/2004/NĐ-CP ngày 08/4/2004 của Chính phủ về công tác văn thư;

Căn cứ Thông tư số 04/2008/TT-BNV ngày 04/6/2008 của Bộ Nôi vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Nội vụ, Phòng Nội vụ thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện;

Căn cứ Thông tư số 02/2010/TT-BNV ngày 28/4/2010 của Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của tổ chức Văn thư, Lưu trữ Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các cấp;

Căn cứ Quyết định số 14/2008/QĐ-UBND ngày 04/11/2008 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc Ban hành Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Nội vụ tỉnh Quảng Bình;

Căn cứ kết luận của Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh tại phiên họp ngày 06 tháng 11 năm 2010;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Công văn số 1064/SNV-TC ngày 15/11/2010,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Thành lập Chi cục Văn thư - Lưu trữ trực thuộc Sở Nội vụ trên cơ sở hợp nhất Phòng Quản lý Văn thư, Lưu trữ và Trung tâm Lưu trữ tỉnh.

Điều 2. Ban hành kèm theo quyết định này Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Chi cục Văn thư - Lưu trữ trực thuộc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Bình.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký ban hành. Bãi bỏ quy định tại khoản 11, Điều 2 Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Nội vụ tỉnh Quảng Bình ban hành kèm theo Quyết định số 14/2008/QĐ-UBND ngày 04/11/2008 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Bình; Quyết định số 2840/QĐ-UBND ngày 04/11/2008 của UBND tỉnh về việc kiện toàn Trung tâm Lưu trữ tỉnh Quảng Bình và các quy định trước đây trái với quyết định này bị bãi bỏ.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ; Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Chi cục trưởng Chi cục Văn thư - Lưu trữ và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 4;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Nội vụ;
- Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Thường vụ Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các P. CT UBND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội;
- Ủy ban MTTQVN tỉnh;
- Ban Tổ chức Tỉnh ủy;
- Báo Quảng Bình; Đài PT-TH tỉnh;
- Sở Tư pháp;
- TT Công báo tỉnh;
- Lưu: VT, NC.

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Hoài

 

QUY ĐỊNH

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CHI CỤC VĂN THƯ - LƯU TRỮ TRỰC THUỘC SỞ NỘI VỤ TỈNH QUẢNG BÌNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 16 /2010/QĐ-UBND ngày 15/12/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình)

Điều 1. Vị trí, chức năng

Chi cục Văn thư - Lưu trữ (sau đây gọi tắt là Chi cục) là tổ chức trực thuộc Sở Nội vụ, có chức năng giúp Giám đốc Sở Nội vụ (sau đây gọi tắt là Giám đốc Sở) tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về văn thư, lưu trữ của tỉnh và quản lý trực tiếp tài liệu lưu trữ lịch sử của tỉnh theo quy định của pháp luật.

Chi cục chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và hoạt động của Sở Nội vụ, đồng thời chịu sự hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước trực thuộc Bộ Nội vụ.

Chi cục có tư cách pháp nhân, con dấu, có tài khoản riêng, có trụ sở đặt tại thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, kinh phí hoạt động của Chi cục do ngân sách nhà nước cấp theo quy định pháp luật;

Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn

1 Giúp Giám đốc Sở Nội vụ thực hiện các nhiệm vụ sau:

a. Tham mưu cho Giám đốc Sở trình Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành quy hoạch, kế hoạch dài hạn, hàng năm, các chương trình, đề án, dự án và tổ chức thực hiện chế độ, quy định về văn thư, lưu trữ;

b. Giúp Giám đốc Sở hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các chế độ, quy định về văn thư, lưu trữ;

c. Tham mưu cho Giám đốc Sở thẩm định, trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt “Danh mục tài liệu hết giá trị” của Lưu trữ lịch sử của tỉnh;

d. Thẩm định, trình Giám đốc Sở phê duyệt “Danh mục nguồn và thành phần tài liệu thuộc diện nộp lưu vào Lưu trữ lịch sử của tỉnh”;

đ. Thẩm định, trình Giám đốc Sở phê duyệt “Danh mục tài liệu hết giá trị” bảo quản tại cơ quan, tổ chức thuộc nguồn nộp lưu vào Lưu trữ lịch sử của tỉnh;

e. Nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào công tác văn thư, lưu trữ;

g. Phối hợp với các Phòng liên quan của Sở Nội vụ tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ văn thư, lưu trữ;

h. Phối hợp với Thanh tra Sở Nội vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về văn thư, lưu trữ;

i. Tham mưu giúp Giám đốc Sở tổ chức kiểm tra chấn chỉnh công tác văn thư, lưu trữ tại các cơ quan, đơn vị theo quy định;

k. Thực hiện báo cáo, thống kê về văn thư, lưu trữ;

l. Sở kết, tổng kết công tác văn thư, lưu trữ;

m. Thực hiện công tác thi đua, khen thưởng về công tác văn thư, lưu trữ;

n. Quản lý tổ chức, biên chế, cơ sở vật chất, vật tư, tài sản và kinh phí theo quy định của pháp luật và theo quy định phân cấp quản lý của Sở Nội vụ và thực hiện các nhiệm vụ khác do Giám đốc Sở Nội vụ quy định.

2. Giúp Giám đốc Sở Nội vụ thực hiện nhiệm vụ Lưu trữ lịch sử của tỉnh:

a. Giúp giám đốc Sở hướng dẫn các cơ quan, tổ chức thuộc nguồn nộp lưu chuẩn bị hồ sơ, tài liệu đến hạn nộp;

b. Thu thập hồ sơ, tài liệu đến hạn nộp lưu vào lưu trữ lịch sử của tỉnh;

c. Phân loại, chỉnh lý, xác định giá trị, thống kê, sắp xếp hồ sơ, tài liệu;

d. Bảo vệ, bảo quản tài liệu lưu trữ tại chi cục;

đ. Tu bổ phục chế và bảo hiểm tài liệu lưu trữ;

e. Xây dựng công cụ tra cứu và tổ chức khai thác, sử dụng tài liệu, tư liệu lưu trữ;

g. Thực hiện một số dịch vụ công về lưu trữ;

Điều 3. Cơ cấu tổ chức và biên chế

1. Lãnh đạo Chi cục: Chi cục Văn thư - Lưu trữ có Chi cục trưởng và không quá 02 Phó Chi cục trưởng.

Chi cục trưởng chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở Nội vụ và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Chi cục.

Phó Chi cục trưởng chịu trách nhiệm trước Chi cục trưởng và trước pháp luật về lĩnh vực công tác được phân công.

Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Chi cục trưởng, Phó Chi cục trưởng thực hiện theo quy định của pháp luật và phân cấp quản lý cán bộ của Uỷ ban nhân dân tỉnh.

2. Cơ cấu tổ chức:

a. Phòng Hành chính - Tổng hợp;

b. Phòng Quản lý Văn thư - Lưu trữ;

c. Phòng Thu thập - Chỉnh lý;

d. Phòng bảo quản, khai thác, sử dụng tài liệu (bao gồm Kho chuyên dụng).

3. Biên chế:

Biên chế của Chi cục được UBND tỉnh giao trong tổng số biên chế công chức và biên chế sự nghiệp của Sở Nội vụ.

Công chức, viên chức thuộc Chi cục Văn thư – Lưu trữ phải có đủ tiêu chuẩn nghiệp vụ của ngạch công chức, viên chức văn thư, lưu trữ theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Tổ chức thực hiện

Giao Giám đốc Sở Nội vụ chỉ đạo Chi cục trưởng Chi cục Văn thư - Lưu trữ quy định chức năng, nhiệm vụ của các phòng chuyên môn, nghiệp vụ và bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo đúng chức danh, tiêu chuẩn nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao./.