Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 16-CP

Hà Nội, ngày 15 tháng 1 năm 1981

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ SỐ 16 - CP NGÀY 15 THÁNG 1 NĂM 1981 VỀ MỞ RỘNG VIỆC TRẢ LƯƠNG KHOÁN, LƯƠNG SẢN PHẨM, TIỀN THƯỞNG TRONG CÁC ĐƠN VỊ QUỐC DOANH VÀ TẬP THỂ KHAI THÁC VÀ NUÔI TRỒNG THUỶ SẢN

Để khuyến khích các đơn vị và người lao động làm nghề khai thác và nuôi trồng thuỷ sản tích cực phát huy sáng kiến, hợp lý hoá sản xuất, cải tiến kỹ thuật, sử dụng tốt trang bị hiện có, tăng năng suất loa động, đẩy mạnh sản xuất, củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, cải thiện đời sống người lao động, tăng tích luỹ cho xí nghiệp và tập thể để tái sản xuất mở rộng và thực hiện tốt nghĩa vụ đối với Nhà nước.

Hội đồng Chính phủ quyết định mở rộng việc thực hiện các hình thức trả lương khoán, lương sản phẩm và các hình thức tiền thưởng trong các đơn vị quốc doanh và tập thể khai thác và nuôi trồng thuỷ sản.

1. Nguyên tắc chung:

Các hình thức trả lương khoán, lương sản phẩm phải bảo đảm kết hợp tốt giữa 3 lợi ích: lợi ích của Nhà nước, của tập thể và của người lao động, cụ thể là:

- Phải đạt được hiệu quả kinh tế cao hơn, tăng năng suất lao động, tăng chất lượng sản phẩm và giảm chi phí sản xuất, tăng tích luỹ cho Nhà nước hoặc cho hợp tác xã;

- Phải đem lại thu nhập cao hơn cho người lao động và tăng thêm phúc lợi tập thể;

- Phải củng cố được quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, tăng cường công tác kế hoạch hoá, gìn giữ và tăng cường kỷ luật lao động và pháp chế xã hội chủ nghĩa.

2. Các hình thức trả lương khoán, lương sản phẩm đối với các quốc doanh hải, thuỷ sản:

a) Khoán sản phẩm cuối cùng cho tập thể người lao động trên từng tàu, thuyền và theo từng chuyến đi biển, nội dung là khoán sản lượng và chi phí sản xuất. Sau mỗi chuyến biển, lấy tổng thu nhập trừ các khoản nộp khấu hao, chi phí quản lý và chi phí sản xuất, trích lập các quỹ theo chế độ quy định, phần còn lại nộp cho Nhà nước từ 40 đến 50%, chia cho người lao động từ 50 đến 60%.

b) Khoán định mức có thưởng, nội dung là giao khoán thực hiện các định mức sau đây cho từng tàu, thuyền theo từng chuyến biển: chi phí sản xuất, tổng quỹ lương, sản lượng và giá trị hàng hoá. Nếu hoàn thành và vượt định mức giao khoán về sản lượng, giá trị hàng hoá và đảm bảo chi phí vật chất thì được hưởng đủ tổng quỹ lương và được thưởng các khoản về vượt mức sản lượng, tiết kiệm chi phí vật chất, hoàn thành kế hoạch và thưởng theo quỹ lương.

c) Khoán trả lương sản phẩm theo đơn giá luỹ tiến, nội dung là giao khoán cho từng tàu thuyền, theo từng mùa vụ và ngư trường thực hiện các định mức về số lượng và chất lượng sản phẩm, về chi phí vật chất, về thời gian hoạt động một chuyến biển. Sản phẩm đạt được trong mức quy định tính tiền lương theo đơn giá quý định; sản phẩm vượt mức được tính tiền theo đơn giá luỹ tiến.

3. Đối với đơn vị kinh tế tập thể (hợp tác xã, tổ sản xuất) áp dụng hình thức khoán tiền công theo thu nhập thực tế. Nội dung là khoán cho từng đơn vị thuyền nghề, theo từng tháng hoặc từng chuyến biển các chỉ tiêu sản lượng và giá trị sản phẩm trên cơ sở các định mức khoán khấu hao, chi phí sản xuất; quản lý và trả nợ, trích nộp các quỹ và tiền công lao động. Sản phẩm khai thác được bán cho Nhà nước theo mức quy định bằng số lượng tuyệt đối; số còn lại do đơn vị xử lý, nếu hụt mức khoán, đơn vị nhận khoán phải bù vào các chuyến sau. Phân phối ăn chia theo từng tháng hoặc từng chuyến biển theo nguyên tắc lấy toàn bộ giá trị thu nhập trừ chi phí và các khoản phải nộp hoặc trích lập quỹ, số còn lại chia cho người lao động theo ngày công; phần vượt mức khoán để lại 30% làm quỹ dự phòng, cuối năm quyết toán.

Ngoài hình thức khoán này, đơn vị kinh tế tập thể cũng có thể vận dụng các hình thức khoán trong các xí nghiệp quốc doanh đã nói ở điểm 2.

4. Để đảm bảo mở rộng việc áp dụng các hình thức trả lương khoán, lương sản phẩm đạt các yêu cầu đề ra, Bộ Hải sản, Uỷ ban nhân dân các cấp và các Bộ, Tổng cục có liên quan cần chỉ đạo làm tốt các công tác sau đây.

a) Các xí nghiệp quốc doanh và đơn vị kinh tế tập thể phải quản lý chặt chẽ vật tư sản xuất, phương tiện thiết bị và lao động hiện có; xác định lại đúng đắn giá trị tài sản cố định; xây dựng hợp lý các định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức khoán; quy định việc bù sản phẩm đối với những đơn vị không hoàn thành mức khoán, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tổ chức hợp lý lao động để không ngừng đẩy mạnh sản xuất phát triển. Phải quản lý chặt chẽ sản phẩm, bảo đảm giao nộp đủ số sản phẩm cho Nhà nước theo nghĩa vụ, bảo đảm kết hợp 3 lợi ích trong phân phối ăn chia, chú trọng quyền lợi của người lao động, khen thưởng đích đáng cá nhân và đơn vị có năng suất cao, có sáng kiến cải tiến kỹ thuật và thực hành tiết kiệm; bảo đảm các điều kiện để mở rộng tái sản xuất ở cơ sở.

Trong các công việc nói trên ở các xí nghiệp quốc doanh phải phát huy vai trò làm chủ tập thể của công nhân và công đoàn, ở các cơ sở kinh tế tập thể phải phát huy vai trò làm chủ tập thể của xã viên.

b) Bộ Hải sản và Uỷ ban nhân dân các cấp phải có kế hoạch cụ thể hướng dẫn, chỉ đạo các xí nghiệp quốc doanh và các đơn vị kinh tế tập thể tuỳ theo điều kiện cụ thể mà áp dụng một trong các hình thức khoán trên đây, sao cho có lợi nhất để phát triển sản xuất và củng cố đơn vị.

Đối với các lĩnh vực khác trong quá trình sản xuất như thu mua, cung ứng, chế biến, xây dựng cơ bản... Bộ Hải sản và Uỷ ban nhân dân các cấp căn cứ vào quyết định chung về khoán của Chính phủ để hướng dẫn thực hiện trong các đơn vị thuộc phạm vi mình phụ trách.

c) Trong khi chỉ đạo thực hiện các hình thức khoán, phải thường xuyên theo dõi, nắm tình hình, thường xuyên rút kinh nghiệm và phổ biến kinh nghiệm tốt; chú ý đề phòng và ngăn ngừa những xu hướng lệch lạc có thể xảy ra làm thiệt hại cho Nhà nước, làm suy yếu kinh tế tập thể và quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, như:

- Đề ra các định mức thấp hoặc định mức chi phí không đúng để tạo ra nhiều lãi giả tạo, tăng quỹ lương, tăng thu nhập quá đáng, làm thiệt cho Nhà nước và tập thể;

- Lấy vật tư hoặc sản phẩm thuộc diện Nhà nước quản lý để bán ra ngoài với giá cao hoặc phân phối trong nội bộ để kiểm lời riêng;

- Quá nặng về lợi ích cá nhân, coi nhẹ việc trả nợ, tích luỹ cho Nhà nước và cho tập thể, coi nhẹ phúc lợi tập thể;

- Trong khi đảy mạnh sản xuất không coi trọng bảo đảm an toàn cho người đi biển cũng như bảo vệ tàu thuyền, trang bị.

d) Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Uỷ ban Vật giá Nhà nước và các Bộ có liên quan, nhất là các Bộ Lao động, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, tuỳ theo chức năng của mình nghiên cứu và đề nghị Chính phủ cho sửa đổi những quy chế cũ không hợp lý, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Bộ Hải sản và Uỷ ban nhân dân các tỉnh trong việc tổ chức thực hiện quyết định này.

Trong quá trình thực hiện, Bộ Hải sản và Uỷ ban nhân dân các tỉnh thường xuyên báo cáo tình hình cho Thủ tướng Chính phủ.

 

Tố Hữu

(Đã ký)