Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1601/2004/QĐ-UB

Long Xuyên, ngày 16 tháng 8 năm 2004

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HẠ GIÁ THÀNH SẢN XUẤT CÁC MẶT HÀNG NÔNG, THUỶ SẢN TỈNH AN GIANG NĂM 2005-2006

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được Quốc hội thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 81/2002/NĐ-CP ngày 17/10/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ;

Căn cứ Chỉ thị số 05/CT-TU ngày 07/9/2001 về việc đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn; Chương trình hành động số 06-Ctr/TU ngày 14/11/2002 của Ban chấp hành tỉnh Đảng bộ An Giang về phát triển khoa học và công nghệ 2005 đến 2010;

Căn cứ kết luận tại hội thảo khoa học “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm và hạ giá thành sản xuất các mặt hàng nông, thủy sản tỉnh An Giang”;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kế hoạch triển khai thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao

chất lượng hạ giá thành sản xuất các mặt hàng nông, thuỷ sản tỉnh An Giang giai đoạn 2005-2010.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các Sở, Ban ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận: 
-TT.TU, HĐND,UBND tỉnh
- Như điều 3
- Các DNNN.
- P.KT,TH, NC
-Lưu VP

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
 KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Lê Minh Tùng

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HẠ GIÁ THÀNH SẢN XUẤT CÁC MẶT HÀNG NÔNG, THUỶ SẢN TỈNH AN GIANG GIAI ĐOẠN 2005 –2006
(Ban hành kèm Quyết định số 1601/2004/QĐ-UB ngày 16 tháng 8 năm 2004 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang)

A. CÁC CĂN CỨ ĐỂ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

- Luật Khoa học và Công nghệ, các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khoa học và Công nghệ.

- Quyết định số 272/QĐ-TTg ngày 24/5/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ Việt nam đến 2010.

- Nội dung chương trình hành động của Chính phủ thực hiện kết luận của Hội nghị TW 6 Khóa IX về Khoa học và Công nghệ;

- Chỉ thị số 05/CT-TU ngày 07/9/2001 về việc đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn;

- Chương trình hành động số 06-Ctr/TU ngày 14/11/2002 của Ban chấp hành tỉnh Đảng bộ An Giang về phát triển khoa học và công nghệ từ nay đến năm 2005 và năm 2010;

- Chiến lược phát triển nông thôn và Chiến lược phát triển thị trường hội nhập kinh tế quốc tế của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang;

- Kết luận của các nhà khoa học tại hội thảo khoa học “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm và hạ giá thành sản xuất các mặt hàng nông, thủy sản tỉnh An Giang”.

B. NỘI DUNG KẾ HOẠCH, PHÂN CÔNG TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I. Những vấn đề chính làm tăng chi phí sản xuất và giảm chất lượng các mặt hàng nông, thủy sản tỉnh An Giang.

 1.Về lúa: Việc sử dụng giống lúa chất lượng cao chưa ổn định, các đơn vị sản xuất giống lúa xác nhận không cung cấp đủ cho nhu cầu của sản xuất, tình trạng nông dân sử dụng hạt giống phẩm chất kém còn nhiều. Kỹ thuật canh tác còn gieo sạ với mật độ dày, bón nhiều phân đạm, phun thuốc hóa học nhiều lần, không cày ải, phơi đất.

2.Về thuỷ sản: Tỉ lệ hao hụt trong nuôi cá tra còn cao (xấp xỉ 30% trong nuôi bè), chất lượng cá giống chưa được kiểm soát tốt. Môi trường vùng nuôi ngày càng giảm chất lượng, bệnh cá xảy ra liên tục và quanh năm. Việc sử dụng thức ăn công nghiệp chưa nhiều và đa phần chỉ sử dụng trong giai đoạn đầu của chu kỳ nuôi, thức ăn tự chế không đảm bảo về dinh dưỡng và không phù hợp cho từng đối tượng nuôi và từng giai đoạn trưởng thành của cá. Việc sử dụng thuốc trị bịnh cá quá liều và không đúng phương pháp.

3. Kỹ thuật, qui trình nuôi cá rô phi chưa được nghiên cứu, đúc kết kinh nghiệm dẫn đến cá nuôi bị bệnh, tỉ lệ sống của cá thấp, kích cỡ cá thu hoạch còn nhỏ, chưa đạt yêu cầu thị trường (0.33±0.11 g/con) nên không bán được giá cao, chất lượng con giống chưa được kiểm soát và năng lực sản xuất tại chỗ có hạn.

4. Quy trình nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa, chưa được chuyển giao rộng rãi cho người nuôi, năng suất nuôi biến động lớn, còn phụ thuộc nhiều vào nguồn thức ăn tự nhiên và thức ăn tự chế, trong khi thức ăn công nghiệp chưa được sử dụng phổ biến. Con giống chưa cung cấp đủ và kịp thời vụ với một số lượng, chất lượng con giống chưa được kiểm soát tốt.

5. Công nghệ thu hoạch và sau thu hoạch chưa được sử dụng rộng rãi và hiệu quả. Thu hoạch lúa chủ yếu là thuê mướn nhân công cắt lúa bằng tay nên chi phí thu hoạch thường cao và không chủ động. Hiện chưa có loại máy cắt nào có khả năng vận hành tốt trong điều kiện của vùng đồng bằng nhất là vào mùa Hè thu có mưa.

6. Chi phí sấy còn cao và chất lượng lúa sấy chưa được tin tưởng nhiều do một số cơ sở dịch vụ sấy không vận hành máy sấy đúng kỹ thuật. Chưa có một mô hình bảo quản lúa đạt tiêu chuẩn phục vụ trong những năm lũ lớn, nông dân chưa đầu tư kho chứa quy mô công nghiệp, dẫn đến tỷ lệ hao hụt trong khâu thu hoạch đến khâu bảo quản còn cao.

7. Công nghệ chế biến thủy sản xuất khẩu như công nghệ thiết bị hiện đại; trình độ nhân lực; sự đầu tư vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường; chiến lược phát triển thương hiệu và mở rộng thị trường.... tất cả còn bị hạn chế và bất cập.    

8. Các cơ sở sản xuất các sản phẩm truyền thống, tiểu thủ công nghiệp công nghệ, thiết bị và trình độ nhân lực thấp, thủ công, chắp vá, kém chất lượng, không đồng nhất; tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường đang ở mức báo động. Kinh tế hộ gia đình chiếm tỷ trọng lớn, thương hiệu và thông tin thị trường không được quan tâm và thiếu hiểu biết; Chính sách hỗ trợ kỹ thuật, vốn cho làng nghề và tiểu thủ công nghiệp truyền thống còn yếu.

II. Hệ thống các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hạ giá thành

1.Các giải pháp giảm chi phí sản xuất và tăng chất lượng lúa xuất khẩu

a) Giải pháp về giống

 Xây dựng bộ giống bổ sung nhằm thay thế kịp thời khi giống chủ lực có vấn đề về sâu bệnh hoặc sự cố nào đó. Trung tâm Nghiên cứu và sản xuất giống phải chuẩn bị sẵn sàng bộ giống khảo nghiệm để phát hiện giống mới đưa vào bộ giống bổ sung.

Tổ chức củng cố và hoàn thiện hệ thống sản xuất giống trong tỉnh.

b) Giải pháp kỹ thuật: Tăng cường triển khai thực hiện quy trình thâm canh tổng hợp “Ba giảm”(giảm mật độ sạ, giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm phân đạm).

c) Giải pháp tổ chức lại sản xuất: Phát triển mối liên kết bốn nhà để gắn nghiên cứu, sản xuất với thị trường. Nâng cao thu nhập cho nông dân vùng trồng lúa đặc sản trên cơ sở tổ chức lại hệ thống sản xuất, kênh phân phối lúa gạo có hiệu quả thật sự (hợp tác xã, giảm chi phí trung gian trong khâu lưu thông, phân phối)

2. Các giải pháp nhằm giảm chi phí nuôi, tăng chất lượng nuôi thuỷ sản

a) Giải pháp về giống

Đối với cá tra: Tiếp tục cải tiến kỹ thuật sản xuất con giống từ khâu sinh sản nhân tạo đến ương nuôi để cải thiện sức sinh sản và tỉ lệ sống cá bột, cá giống nhằm giảm chi phí sản xuất và giá cá giống; nâng cao chất lượng con giống thông qua cải tiến kỹ thuật ương nuôi cá bột lên cá giống như tối ưu mật độ ương, giảm sử dụng thuốc và hóa chất, cải tiến chất lượng thức ăn.... để tạo con giống chất lượng cao giúp hạn chế hao hụt trong nuôi thịt.

Cá rô phi: Tiếp nhận công nghệ sản xuất giống và chuyển giới tính cá rô phi đơn tính dòng GIFT để đảm bảo giống chất lượng tốt từ đó giảm hao hụt và chi phí.

Tôm càng xanh: Tiếp tục phát triển sản xuất giống nhằm đảm bảo đủ giống và giống chất lượng cao, tăng cường kiểm dịch con giống,… nhằm cải thiện tỉ lệ sống trong nuôi thịt, nâng cao năng suất và kích cở tôm thịt.

b) Giải pháp về thức ăn: Cải tiến công thức phối chế thức ăn, nguyên liệu làm thức ăn và phương pháp cho ăn, giảm hệ số thức ăn và hạn chế chất thải vào môi trường, góp phần giảm chi phí thức ăn và hạn chế ô nhiễm môi trường nuôi.

c) Giải pháp về kỹ thuật nuôi

Cải thiện kỹ thuật nuôi cá tra ao để đạt chất lượng cao thông qua quản lý môi trường nuôi và thức ăn để đảm bảo sinh trưởng và chất lượng thịt cá nuôi; ứng dụng các biện pháp quản lý sức khỏe cá nuôi nhằm giảm cá bị bệnh, giảm hao hụt, giảm dùng thuốc/hóa chất xử lý bệnh. Điều chỉnh mật độ nuôi cho phù hợp với từng loại hình nuôi, khảo sát mối tương quan giữa mật độ nuôi, tỉ lệ hao hụt và hiệu quả.

Nghiên cứu hoàn chỉnh qui trình kỹ thuật nuôi cá rô phi trong bè và ao để nâng cao tỉ lệ sống, nâng cao năng suất, kích cở cá thương phẩm, giảm giá thành sản phẩm; áp dụng kỹ thuật tăng cường sức khỏe cá nuôi và quản lý môi trường nuôi để hạn chế cá nhiễm bệnh, giảm sử dụng thuốc/hóa chất.

Tiếp tục hoàn thiện qui trình nuôi tôm càng xanh, nhất là nuôi luân canh trên ruộng lúa vào mùa nước nổi.

d) Giải pháp về quản lý: Qui hoạch và quản lý vùng nuôi nhất là đối với nuôi bè (mật độ bè phù hợp để giảm áp lực ô nhiễm môi trường, bệnh bộc phát và lây lan) nhằm giảm rủi ro do môi trường, dịch bệnh; Qui hoạch vùng nuôi an toàn (nuôi đảm bảo vệ sinh) để đảm bảo chất lượng sản phẩm cao; Tăng cường công tác quan trắc môi trường và dịch bệnh; Đẩy mạnh việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và đăng ký chất lượng vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn SQF.1000.

3. Giải pháp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm ngành nghề truyền thống, tiểu thủ công nghiệp

a) Giải pháp kỹ thuật và công nghệ

Đảm bảo nguyên liệu cung cấp cho sản xuất theo 4 tiêu chí sau:

- Độc đáo, không nơi nào có hoặc nếu có loại sản phẩm đó nhưng chất lượng của nó không bằng.

- Canh tác thuận lợi (năng suất cao, sản lượng lớn, lợi nhuận cao...)

- Kinh nghiệm và kỹ thuật của người nuôi cao hơn nơi khác.

- Tiềm năng tiêu thụ (thị trường trong và ngoài nước)

Ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, thiết kế mẫu mã, đổi mới và cải tiến quy trình sản xuất theo hướng tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; Thiết kế mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm theo hướng vừa bảo tồn các giá trị truyền thống vừa đảm bảo tính thời đại để phục vụ sở thích của khách du lịch.

b) Giải pháp quản lý, chính sách hỗ trợ: Phát triển làng nghề kiểu mới kết hợp du lịch sinh thái trên cơ sở các làng nghề hiện tại, xây dựng các tuyến du lịch kết hợp tham quan làng nghề truyền thống; Hỗ trợ doanh nghiệp và cơ sở tiểu thủ công nghiệp xây dựng quy trình sản xuất với nguyên liệu sạch, chế biến sạch, xây dựng thương hiệu; quảng bá sản phẩm. Xây dựng mô hình kinh tế cá thể dạng trang trại kinh tế lớn, kết hợp nuôi trồng với chế biến; Tổ chức các hiệp hội (câu lạc bộ) ngành hàng tại các huyện, thị trấn để trao đổi kinh nghiệm và tổ chức chuyên đề nghiệp vụ chuyên môn; tổ chức cửa hàng giới thiệu sản phẩm, tổ chức lớp tập huấn, hợp tác khai thác vùng nguyên liệu, thị trường;

4. Giải pháp thúc đẩy, cải tiến công nghệ thu hoạch và sau thu hoạch

a) Giải pháp công nghệ: Lựa chọn kiểu cở máy phù hợp với quy mô từng đối tượng, thường xuyên truy cập và chuyển giao các loại máy mới khắc phục được những nhược điểm của máy cũ; Nghiên cứu chế tạo, tìm kiếm máy cắt và suốt lúa phù hợp với điều kiện An Giang, tổ chức trình diễn để đánh giá thiết bị, hỗ trợ nghiên cứu cải tiến các máy nông cụ, hệ thống máy sấy và silo bảo quản, trình diễn và chuyển giao các loại máy gặt lúa cho nông dân.

b) Giải pháp quản lý, chính sách: Hỗ trợ đầu tư nghiên cứu cải tiến máy gặt lúa, máy sấy nông sản; Phát triển các tổ chức nông nghiệp quy mô trang trại do kinh tế trang trại sẽ phát huy cao những nguồn nội lực ở nông thôn, góp phần sản xuất hàng hoá tạo điều kiện dễ dàng cho công nghiệp hoá nông nghiệp nông thôn.

Xây dựng mô hình điểm các Hợp tác xã dịch vụ từ khâu cải tạo đồng ruộng, tưới tiêu, thu hoạch, bảo quản.

5. Giải pháp phát triển công nghệ thông tin.

a) Giải pháp kỹ thuật: Xây dựng mô hình truy cập mạng dùng chung của tỉnh giảm chi phí cho người sử dụng trong tỉnh. Xây dựng mô hình mẫu ứng dụng công nghệ thông tin điện tử cho ngành giáo dục. Phổ cập Internet tới cán bộ, nông thôn, sử dụng các ứng dụng như mail, tra cứu tìm kiếm thông tin, hình thành thói quen sử dụng internet nâng cao dân trí. Nâng cấp website của tỉnh và xây dựng các website thành viên Sở, ngành trong tỉnh, phân cấp quản lý và cập nhật, để có nguồn thông tin mạnh, phục vụ rộng rãi cho mọi đối tượng, tập hợp liên kết các nguồn tin từ các ngành để có nguồn thông tin chung, phong phú thu hút nhiều đối tượng tham gia.

Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nền để áp dụng công nghệ GIS vào quản lý tập trung thống nhất trên toàn tỉnh.

b) Giải pháp quản lý, chính sách: Xây dựng đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn tỉnh và từng ngành để có kế hoạch triển khai phù hợp tận dụng được đầu tư trong quá khứ với nhu cầu phát triển.

III. Kế hoạch triển khai thực hiện trong hai năm 2005-2006

1. Các đề tài, dự án áp dụng tiến bộ khoa học nhằm nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản xuất lúa xuất khẩu.

1.1 Dự án phát triển hệ thống sản xuất giống nguyên chủng và giống xác nhận chất lượng cao.

a) Cơ quan chủ trì: Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

b) Cơ quan phối hợp:

- Sở Khoa học và Công nghệ: Nghiên cứu tạo bộ giống mới, khảo nghiệm các giống triển vọng trên địa bàn An Giang.

- Các Trại, Trung tâm Sản xuất giống:Tiếp nhận giống nguyên chủng để sản xuất giống xác nhận.

c) Cơ quan chuyển giao giống tác giả: Viện Nghiên cứu lúa ĐBSCL.

d) Nội dung dự án:

- Thường xuyên nghiên cứu tạo bộ giống mới đạt tiêu chuẩn đặt hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu,

- Tổ chức khảo nghiệm các bộ giống mới, sản xuất giống nguyên chủng.

- Tổ chức nghiên cứu lịch thời vụ thích hợp cho từng tiểu vùng canh tác.

- Xây dựng mạng lưới các hợp tác xã sản xuất lúa giống từ việc sử dụng các giống lúa nguyên chủng đã được nghiên cứu để sản xuất giống xác nhận cung cấp cho nông dân trong toàn tỉnh.

1.2 Dự án Xây dựng mô hình sản xuất lúa theo hướng khép kín: Giống đặc sản- quy trình canh tác áp dụng “3 giảm-3 tăng”- thu hoạch và bảo quản- chế biến- xây dựng thương hiệu theo xuất xứ hàng hóa – tiêu thụ.

a) Cơ quan chủ trì: Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

b) Cơ quan phối hợp: Viện nghiên cứu lúa ĐBSCL

c) Nội dung:

- Cải tiến về tổ chức sản xuất theo mô hình khép kín từ khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ nhằm gắn sản xuất với thị trường.

- Xây dựng thương hiệu gắn với vùng chuyên canh đặc biệt.

- Sản xuất tập trung và theo một quy trình chuẩn.

- Áp dụng các giải pháp tổng hợp để phòng trừ ốc bươu vàng, lúa cỏ có hiệu quả và không gây hại môi trường.

2. Các đề tài, dự án áp dụng tiến bộ khoa học nhằm nâng cao chất lượng hạ chi phí nuôi cá tra, rô phi và tôm càng xanh

2.1. Xây dựng các mô hình trại sản xuất các loại giống thuỷ sản: cá Tra, cá Rô phi, tôm Càng xanh.

a) Cơ quan chủ trì: Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

b) Cơ quan phối hợp: - Sở Khoa học và công nghệ

- Khoa Thủy sản- Đại học Cần Thơ

- Đại học An Giang

- Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản II.

c) Nội dung: Chuyển giao ứng dụng quy trình sản xuất và ương nuôi giống cá để cải thiện sức sinh sản và tỉ lệ sống cá bột, cá giống nhằm giảm chi phí sản xuất và giá cá giống; nâng cao chất lượng con giống thông qua cải tiến kỹ thuật ương nuôi cá bột lên cá giống, giảm sử dụng thuốc và hóa chất.

Xây dựng đàn cá bố mẹ hậu bị, không bị hiện tượng đồng huyết; Xây dựng quy trình chuẩn để nuôi vỗ cá bố mẹ;

Xây dựng quy trình quản lý giống thủy sản thông qua hệ thống SQF.1000 và cấp chứng nhận.

2.2 Nghiên cứu cải thiện chất lượng thức ăn viên nổi công nghiệp cho thuỷ sản bằng nguồn nguyên liệu nội địa.

a) Cơ quan chủ trì: Công ty AFIEX.

b) Cơ quan phối hợp: - Sở Khoa học và công nghệ

- Khoa Thủy sản- Đại học Cần Thơ.

c) Nội dung: Cải tiến công thức phối chế thức ăn, nguyên liệu làm thức ăn để cải thiện chất lượng thức ăn và hiệu quả sử dụng của cá để giảm hệ số thức ăn và hạn chế chất thải vào môi trường.

Xây dựng công thức cho từng loại thức ăn cụ thể cho từng đối tượng nuôi và từng giai đoạn sinh trưởng.

2.3 Xây dựng mô hình thí điểm nuôi cá sinh thái theo tiêu chuẩn của Naturland và Aquaservice

a) Cơ quan chủ trì: Hiệp hội nghề nuôi và chế biến thuỷ sản An Giang (AFA)

b) Cơ quan phối hợp: - Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

 - Sở Khoa học và công nghệ

 - Trường Đại học An Giang

 - Công ty BINCA- Cộng hòa Liên Bang Đức

c) Nội dung: Xây dựng mô hình thí điểm nuôi cá sinh thái theo tiêu chuẩn của Naturland trên cơ sở thực hiện các tiêu chí như sử dụng thức ăn sạch, không sử dụng hóa chất, quản lý môi trường nuôi để đảm bảo sinh trưởng và chất lượng thịt cá nuôi; ứng dụng các biện pháp quản lý sức khỏe cá nuôi nhằm giảm cá bị bệnh, giảm hao hụt.

2.4. Xây dựng mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật nuôi tôm càng xanh luân canh trên ruộng lúa trong mùa nước nổi.

a) Cơ quan chủ trì: Sở Khoa học và Công nghệ.

b) Cơ quan phối hợp: Trường Đại học An Giang

c) Cơ quan chuyển giao tiến bộ kỹ thuật: Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II.

d) Nội dung: Hỗ trợ, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật qui trình nuôi tôm càng xanh luân canh trên ruộng lúa trong mùa nước nổi cho nông dân để nâng cao năng suất và kích cở tôm, hạn chế bệnh.

2.5 Ứng dụng hệ thông tin địa lý GIS nhằm quy hoạch các vùng nuôi trồng thuỷ sản phù hợp với sinh thái.

a) Cơ quan chủ trì: Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

b) Cơ quan phối hợp: - Đại học Cần Thơ

- Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh

c) Nội dung: Sử dụng công nghệ GIS để quy hoạch bố trí lại vùng nuôi trồng thuỷ sản bao gồm:

- Quy hoạch vùng nuôi cá bè, cá tra đăng quầng ven sông Tiền, sông Hậu;

- Quy hoạch vùng nuôi cá tra ao hầm và cá tra trên ruộng trong mùa lũ.

- Quy hoạch vùng nuôi tôm càng xanh luân canh trên ruộng lúa.

2.6 Đề án hỗ trợ quy trình nuôi thuỷ sản theo tiêu chuẩn SQF.1000 cho các chi hội nghề cá và các doanh nghiệp nuôi cá bè, đăng quầng.

a) Cơ quan chủ trì: Sở Khoa học và Công nghệ.

b) Cơ quan phối hợp: - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Sở Thương mại và Du lịch

c) Nội dung dự án: Hỗ trợ các chi hội và doanh nghiệp nuôi cá bè/đăng quầng và trại nuôi cá ao hầm áp dụng quy trình nuôi thuỷ sản theo tiêu chuẩn SQF.1000 nhằm nâng cao chất lượng thuỷ sản, tăng sức cạnh tranh trong điều điện hội nhập. xây dựng thương hiệu xuất xứ hàng hóa.

2.7. Xây dựng quy trình nuôi cá tra thịt trắng trong ao hầm, tập huấn chuyển giao quy trình cho các trại nuôi cá ao hầm.

a) Cơ quan chủ trì: Công ty AFIEX.

b) Cơ quan phối hợp: - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Hiệp hội nghề nuôi và chế biến thuỷ sản AG (AFA)

 - Khoa Thủy sản- Đại học Nông lâm TP.HCM

c) Nội dung đề tài: Nghiên cứu, thử nghiệm quy trình nuôi cá tra thịt trắng trong ao hầm. Đào tạo tập huấn và chuyển giao cho ngư dân thuộc các chi hội nuôi cá ao hầm. Hỗ trợ áp dụng quy trình.

3. Các đề tài, dự án cải thiện ngành nghề truyền thống và tiểu thủ công nghiệp

3.1 Ứng dụng khoa học, công nghệ, nâng cao chất lượng các sản phẩm truyền thống, chế biến nông thuỷ sản.

a) Cơ quan chủ trì: Sở Công nghiệp.

b) Cơ quan phối hợp:  - Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư.

 - Trường Đại học bách khoa TP.HCM

c) Nội dung: Hỗ trợ, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật nhằm cải tiến công nghệ theo hướng tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; Thiết kế mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm theo hướng vừa bảo tồn các giá trị truyền thống vừa đảm bảo tính thời đại để phục vụ sở thích của khách du lịch; Áp dụng các biện pháp đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm; xây dựng tiêu chí vệ sinh chuẩn cho từng ngành nghề.

3.2 Nghiên cứu phát triển đa dạng hóa các sản phẩm chế biến thủy sản phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

a) Cơ quan chủ trì: Công ty AFIEX, ANGIFISH

b) Cơ quan phối hợp: - Sở Công nghiệp,

- Sở Khoa học và Công nghệ,

- Sở Thương mại và Du lịch

c) Cơ quan chuyển giao công nghệ: Trường Đại học bách khoa TP. HCM

d) Nội dung: Nghiên cứu các quy trình công nghệ chế biến các sản phẩm thuỷ sản phù hợp với thị trường trong và ngoài nước nhằm mục tiêu nâng cao giá trị hàng thủy sản và đa dạng hóa các sản phẩm thủy sản chế biến.

3.3 Nghiên cứu sản xuất thử các sản phẩm tẩm bột và hun khói từ cá tra.

a) Cơ quan chủ trì: Công ty AFIEX.

b) Cơ quan phối hợp: Sở Công nghiệp.

c) Cơ quan chuyển giao công nghệ: Trường Đại học Bách khoa TP.HCM

d) Nội dung: Nghiên cứu các quy trình công nghệ chế biến các sản phẩm tẩm bột và hun khói từ cá tra.

3.4 Đề án hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hệ thống quản lý chất lượng, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn.

a) Cơ quan chủ trì: Sở Khoa học và Công nghệ.

b) Cơ quan phối hợp: Sở Công nghiệp, Sở Thương mại và Du lịch

c) Nội dung dự án: Hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng hệ thống quản lý chất lượng nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm tăng sức cạnh tranh trong điều điện hội nhập.Tổ chức bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, sở hữu công nghiệp. Áp dụng phương pháp sản xuất sạch nhằm hạ chi phí sản xuất và bảo vệ môi trường.

3.5. Xây dựng mô hình làng nghề kết hợp du lịch sinh thái.

a) Cơ quan chủ trì:         Sở Thương Mại và Du lịch.

b) Cơ quan phối hợp: - Sở Công nghiệp.

- Trường Đại học Bách khoa TP.HCM

c) Nội dung dự án: Hình thành các tuyến du lịch tham quan các làng nghề truyền thống; Cải tạo làng nghề theo hướng vừa sản xuất các mặt hàng truyền thống, thủ công mỹ nghệ phục vụ du lịch vừa là điểm tham quan của du khách; Thiết kế mẫu mã và phát triển sản phẩm; Thông tin giới thiệu quảng bá về sản phẩm trên các trang Web; Đào tạo phát triển trình độ quản lý, kỹ năng tay nghề, kinh nghiệm kinh doanh cho các chủ cơ sở; hỗ trợ tài chính và vốn cho các làng nghề truyền thống và tiểu thủ công nghiệp; Phát triển mạng lưới tiêu thủ sản phẩm kết hợp với du lịch;

4. Các dự án cải tiến và phát triển công nghệ thu hoạch, sau thu hoạch

4.1 Nghiên cứu cải tiến máy gặt, suốt phù hợp với điều kiện ngập nước.

a) Cơ quan chủ trì:         Công ty Cơ khí An Giang

b) Cơ quan phối hợp: - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Khoa công nghệ - Đại học Cần Thơ

c) Nội dung: Nghiên cứu, cải tiến máy gặt, suốt, quy mô nhỏ và trọng tải nhẹ, phù hợp với điều kiện ngập nước; Tổ chức trình diễn để đánh giá thiết bị; Hỗ trợ chuyển giao cho các HTX dịch vụ.

4.2 Xây dựng mô hình HTX làm dịch vụ cơ giới hóa cải tạo đồng ruộng, gieo hạt, tưới tiêu, thu hoạch, sấy, bảo quản.

a) Cơ quan chủ trì:         Liên minh Hợp tác xã.

b) Cơ quan phối hợp: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

c) Cơ quan chuyển giao: - Trường Đại học Nông lâm TP.HCM;

- Khoa Công nghệ- Đại học Cần Thơ

d) Nội dung dự án: Xây dựng mô hình điểm về hợp tác xã làm dịch vụ các khâu từ cải tạo đồng ruộng, gieo hạt, gặt, suốt, sấy phơi và bảo quản.

5. Các đề tài, dự án phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin.

5.1. Xây dựng và phát triển Internet nông thôn.

a) Cơ quan chủ trì: Trung tâm tin học và thông tin khoa học, công nghệ.    

b) Nội dung dự án: Phát triển kết cấu hạ tầng viễn thông và Internet ở nông thôn phục vụ cho việc khai thác thông tin phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn An Giang.

5. 2. Phát triển trang Web An Giang phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn.

a) Cơ quan chủ trì: Trung tâm tin học- Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh

b) Nội dung dự án: Xây dựng và phát triển ngân hàng dữ liệu trên trang Web An Giang phục vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; Tập huấn kỹ thuật và hỗ trợ các Sở, Ngành, Doanh nghiệp xây dựng Website riêng cho từng ngành với trang Web An Giang; Ứng dụng tin học trong xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm.

5.3. Xây dựng trung tâm tích hợp cơ sở dữ liệu tỉnh An Giang

a) Cơ quan chủ trì: Trung tâm Tin học- Văn phòng UBND tỉnh An Giang

b) Nội dung dự án: Xây dựng các hệ thống tin học hóa phục vụ quản lý hành chánh nhà nước song song với tin học hóa các cơ quan đảng; Thiết lập các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, tổng hợp và tích hợp thành một hệ thống thông tin thống nhất dùng chung tại Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh, hệ thống cơ sở dữ liệu này sẽ làm nền cho cổng thông tin tỉnh trên Internet đồng thời cũng là cổng giao tiếp giữa các cơ quan quản lý hành chánh nhà nước với doanh nghiệp và nhân dân.

5.4. Nghiên cứu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nền để áp dụng công nghệ GIS vào quản lý tập trung thống nhất trên toàn tỉnh.

a) Cơ quan chủ trì:         Sở Khoa học và Công nghệ

b) Cơ quan phối hợp: - Đại học Cần Thơ

- Đại học Bách Khoa TP.HCM

6. Các dự án xây dựng và phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ

6.1. Dự án đào tạo nguồn nhân lực cho các tổ chức nghiên cứu và ứng dụng khoa học và phát triển công nghệ.

a) Cơ quan chủ trì: Trường Đại học An Giang

b) Nội dung dự án: Tuyển dụng và đào tạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học trình độ từ thạc sỹ trở lên để bố trí trong các tổ chức nghiên cứu và phát triển công nghệ, trường Đại học An Giang

6. 2. Dự án đào tạo, tập huấn cán bộ quản lý Doanh nghiệp, Hợp tác xã, đào tạo kỹ thuật viên chuyên ngành sản xuất theo khoa học công nghệ tiên tiến.

- Cơ quan chủ trì: Trường Đại học An Giang

- Cơ quan phối hợp: Sở Nội vụ.

IV. Tổ chức thực hiện

1. Sở Khoa học và Công nghệ

a) Tham mưu, tư vấn cho Thường trực UBND tỉnh thẩm định phê duyệt từng đề án, dự án cụ thể theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ

b) Theo dõi, giám sát quá trình tổ chức thực hiện các đề tài, đề án, dự án, báo cáo tiến độ cho Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Sở Kế hoạch và đầu tư:

Dựa trên cơ sở nhiệm vụ, mục tiêu của các đề tài, dự án, đề án của các cơ quan chủ trì, đề xuất cân đối ngân sách trình UBND tỉnh xem xét và quyết định phân bổ chỉ tiêu kế hoạch kinh phí.

 3. Sở Tài chính vật giá

a) Quản lý chi tiêu và quyết toán kinh phí của các dự án, đề án theo Luật Ngân sách Nhà nước, các văn bản hướng dẫn Luật và các văn bản pháp quy liên quan khác của Chính phủ.

b) Phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ thẩm định về tài chính của các đề tài, dự án, đề án (bao gồm cả kinh phí sự nghiệp và vốn đầu tư phát triển).

c) Cấp phát kinh phí đã được cân đối trong dự toán chi ngân sách hàng năm cho các cơ quan chủ trì.

d) Kiểm tra và hướng dẫn các cơ quan chủ trì thực hiện đúng các quy định về chế độ tài chính – kế toán hiện hành.

e) Duyệt và thông báo quyết toán kinh phí các dự án trong quyết toán ngân sách nhà nước do các cơ quan quản lý dự án thực hiện.

 4. Các cơ quan chủ trì đề tài, dự án, đề án

a) Tiến hành xây dựng đề cương các đề tài, dự án, đề án đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phân công gởi về Sở Khoa học và Công nghệ thẩm định xem xét.

b) Thành lập Hội đồng Khoa học công nghệ của đơn vị hoặc Ban quản lý dự án để quản lý thực hiện và điều hành dự án.

c) Quyết toán phần kinh phí của dự án được trực tiếp thực hiện. Chịu trách nhiệm về việc sử dụng kinh phí của dự án đúng mục đích, có hiệu quả, không để thất thoát.

d) Đôn đốc, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện.