Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1609/QĐ-UBND

Bình Phước, ngày 16 tháng 7 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN NGHỀ TRỒNG NẤM (BÀO NGƯ) CHO NGƯỜI DÂN CÁC XÃ VỀ ĐÍCH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2019;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/ 04/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn;

Căn cứ Thông tư số 43/2017/TT-BTC ngày 12/5/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ Thông tư số 08/2019/TT-BTC ngày 30/01/2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 43/2017/TT-BTC ngày 12/5/2017;

Căn cứ Nghị quyết số 48/2017/NQ-HĐND ngày 12/12/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Phước về mức hỗ trợ, nguồn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2018-2020; Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND ngày 05/7/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Phước sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 48/2017/NQ-HĐND ngày 12/12/2017;

Căn cứ Quyết định số 683/QĐ-UBND ngày 03/4/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước về việc phân bố kinh phí vốn sự nghiệp Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2020;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 106 /TTr-SNN ngày 10/7/2020.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch hỗ trợ phát triển nghề trồng nấm (Bào Ngư) cho người dân các xã về đích xây dựng nông thôn mới, gồm các nội dung chính như sau:

1. Nội dung Kế hoạch:

Thực hiện hỗ trợ phát triển nghề trồng nấm (Bào Ngư) cho người dân các xã về đích xây dựng nông thôn mới, gồm 15 hộ dân của 05 xã: Đồng Tâm, Đồng Tiến, Thuận Lợi (huyện Đồng Phú); Lộc Thiện (huyện Lộc Ninh); Nha Bích (huyện Chơn Thành).

2. Kinh phí thực hiện: 505.750.000 đồng, trong đó:

a) Ngân sách nhà nước (vốn sự nghiệp Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2020): 250.000.000 đồng.

b) Các hộ dân tham gia đối ứng: 255.750.000 đồng.

3. Nguồn kinh phí thực hiện: từ kinh phí được giao tại Quyết định số 683/QĐ-UBND ngày 03/4/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phân bổ kinh phí vốn sự nghiệp Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2020 và kinh phí do người dân đối ứng.

4. Thời gian thực hiện: năm 2020.

(Kèm theo Kế hoạch hỗ trợ phát triển nghề trồng nấm (Bào Ngư) cho người dân các xã về đích xây dựng nông thôn mới)

Điều 2. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

1. Xây dựng dự toán chi tiết gửi Sở Tài chính thẩm định, tổ chức thực hiện và thanh quyết toán nguồn vốn Ngân sách Nhà nước hỗ trợ theo đúng quy định.

2. Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan; UBND các huyện: Đồng Phú, Lộc Ninh, Chơn Thành; UBND các xã có liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch.

Điều 3: Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kho bạc Nhà nước Bình Phước; Chủ tịch UBND các huyện: Đồng Phú, Chơn Thành, Lộc Ninh và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này, kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- CT, các PCT;
- LĐVP, Phòng KT, TH;
- Lưu: VT(NN-0514/7).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Huỳnh Anh Minh

 

KẾ HOẠCH

HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN NGHỀ TRỒNG NẤM (BÀO NGƯ) CHO NGƯỜI DÂN CÁC XÃ VỀ ĐÍCH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
(Kèm theo Quyết định số: 1609/QĐ-UBND ngày 46 /7/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh)

1. Sự cần thiết thực hiện Kế hoạch

Trong những năm qua, việc phát triển nghề trồng nấm trong tỉnh đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế hộ, tiếp cận nghề mới, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần cải thiện thu nhập, tận dụng lao động nhàn rỗi và phụ phế phẩm tại địa phương.

Việc phát triển nghề trồng nấm (Bào Ngư) cho người dân các xã về đích xây dựng nông thôn mới tại các xã: Đồng Tâm, Đồng Tiến, Thuận Lợi (huyện Đồng Phú); Lộc Thiện (huyện Lộc Ninh); Nha Bích (huyện Chơn Thành) nhằm hướng đến cung cấp sản phẩm nấm Bào Ngư có chất lượng cao, ngon, an toàn vệ sinh thực phẩm, phục vụ người dân tại chỗ, đồng thời hướng đến thị trường là các khu công nghiệp, khu dân cư đang phát triển tại các khu vực này và thành phố Đồng Xoài. Qua đó, tiếp tục thực hiện các giải pháp trong công tác hỗ trợ đào tạo nghề trồng nấm thời gian qua tại một số địa phương nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân khu vực nông thôn.

Trên cơ sở đề xuất của UBND 05 xã: Đồng Tâm, Đồng Tiến, Thuận Lợi (huyện Đồng Phú); Lộc Thiện (huyện Lộc Ninh); Nha Bích (huyện Chơn Thành) là các xã phấn đấu về đích nông thôn mới năm 2019 và 2020, việc thực hiện Kế hoạch hỗ trợ phát triển nghề trồng nấm (Bào Ngư) cho người dân các xã về đích xây dựng nông thôn mới cho các hộ dân là cần thiết.

2. Mục tiêu

- Giúp các hộ thụ hưởng có nghề mới, tận dụng lao động nhàn rỗi, nâng cao thu nhập và giúp các xã hoàn thành và giữ vững Tiêu chí số 10 - Thu nhập.

- Từng bước phát triển nghề trồng nấm trên địa bàn.

- Tạo mô hình để các hộ dân lân cận tham quan, học tập và làm theo.

3. Căn cứ pháp lý và các văn bản liên quan

- Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/04/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn.

- Thông tư số 43/2017/TT-BTC ngày 12/5/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020.

- Thông tư số 08/2019/TT-BTC ngày 30/01/2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 43/2017/TT-BTC ngày 12/5/2017.

- Nghị quyết số 48/2017/NQ-HĐND ngày 12/12/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh về mức hỗ trợ, nguồn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2018-2020.

- Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND ngày 05/7/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 48/2017/NQ-HĐND ngày 12/12/2017.

- Quyết định số 1739/QĐ-UBND ngày 20/8/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc Phê duyệt 12 xã phấn đấu về đích nông thôn mới năm 2020 và phân giao nhiệm vụ cho thành viên Ban chỉ đạo tỉnh.

- Quyết định số 683/QĐ-UBND ngày 03/4/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phân bổ kinh phí vốn sự nghiệp Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2020.

- Công văn số 516/SNN-VP ngày 14/4/2020 và Công văn số 637/SNN-VP ngày 29/4/2020 của Sở Nông nghiệp và PTNT về việc đề xuất nội dung, đăng ký danh sách hộ thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn năm 2020 và đăng ký của UBND 05 xã: Đồng Tâm, Đồng Tiến, Thuận Lợi (huyện Đồng Phú); Lộc Thiện (huyện Lộc Ninh) và Nha Bích (huyện Chơn Thành).

4. Địa điểm, thời gian thực hiện

a) Địa điểm: thực hiện tại 05 xã Đồng Tâm, Đồng Tiến, Thuận Lợi (huyện Đồng Phú), Lộc Thiện (huyện Lộc Ninh); Nha Bích (huyện Chơn Thành).

b) Thời gian thực hiện: năm 2020.

5. Đơn vị quản lý và thực hiện

a) Đơn vị quản lý và thực hiện: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

b) Đơn vị thụ hưởng: 15 hộ dân của 05 xã nêu trên (theo đề xuất của UBND 05 xã).

6. Nội dung thực hiện

a) Yêu cầu đối với các hộ tham gia

Đây là một trong những mô hình điểm, thực hiện hiệu quả để tạo sự lan tỏa và nhân rộng trong những năm tiếp theo, vì vậy yêu cầu đối với hộ tham gia:

- Có đơn xin tham gia.

- Có biên bản hợp dân về việc chọn hộ được hỗ trợ.

- Có nhà nuôi và cam kết đối ứng theo yêu cầu.

- Đủ điều kiện về nhà nuôi, tài chính và sức khỏe lao động.

- Có nhận thức tốt, cần cù, chịu khó học hỏi kinh nghiệm.

- Có cam kết đầu tư đúng mục đích, đúng quy trình kỹ thuật khi được hỗ trợ.

- Cam kết chưa nhận được hỗ trợ từ các mô hình tương tự của Nhà nước.

b) Công tác chuẩn bị

- Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT 03 huyện và UBND 05 xã nêu trên trực tiếp lựa chọn 15 hộ tham gia đảm bảo các yêu cầu của kế hoạch và tình hình thực tế địa phương.

- Chuẩn bị nhà nuôi, lao động: các hộ tham gia chuẩn bị nhà nuôi đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và nhân công thực hiện (UBND xã hướng dẫn các hộ).

c) Nội dung triển khai

- Công khai Kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt.

- Kiểm tra công tác chuẩn bị, các nội dung đối ứng của người dân và thống nhất với 5 xã lựa chọn 15 hộ tham gia.

- Sở Nông nghiệp và PTNT thông báo kết quả lựa chọn và tổ chức triển khai thực hiện.

- Hướng dẫn kỹ thuật, thao tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tại nơi sản xuất của các hộ, cấp phát tài liệu kỹ thuật trồng nấm bào ngư cho các hộ tham gia mô hình.

- Lựa chọn nhà thầu đủ điều kiện, uy tín cung cấp phôi nấm giống.

- Giống nấm hỗ trợ: Phôi nấm Bào Ngư xám.

- Quy mô số hộ dân hỗ trợ: 15 hộ dân tại 05 xã nêu trên trên, trong đó hỗ trợ cho mỗi hộ dân 2.500 bịch phôi nấm (Bào Ngư xám). Hộ dân tham gia phải đầu tư đối ứng như: đầu tư nhà trồng nấm; vật tư như: dây treo, dụng cụ tưới, nước tưới, vật tư xử lý nhà trồng nấm,... và một số kinh phí đầu tư khác có liên quan đến nghề trồng nấm.

- Quy trình triển khai: người dân đối ứng thông qua nhà trồng; nhà nước hỗ trợ bịch phôi nấm đã cấy phôi sống; người dân tiến hành treo bịch phôi, chăm sóc, tưới và thu hoạch.

- Bàn giao và nghiệm thu phôi giống nấm bào ngư cho 15 hộ tham gia.

d) Kiểm tra, giám sát

+ Sau khi có quyết định phê duyệt Kế hoạch, Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với UBND các xã kiểm tra nghiệm thu tiêu chuẩn chủng loại, chất lượng, xuất xứ trước khi chuyển giao cho các hộ dân tham gia, đồng thời kiểm tra, hướng dẫn các hộ tham gia mô hình.

+ UBND các xã kiểm tra, thẩm định hộ thụ hưởng và đề xuất; theo dõi, quản lý và hướng dẫn các hộ được hỗ trợ đảm bảo sử dụng đúng mục đích và đạt hiệu quả; lập biên bản đề xuất xử lý các trường hợp rủi ro, phát sinh trong quá trình thực hiện; hướng dẫn, hỗ trợ các hộ dân mở rộng sản xuất và nhân rộng sau khi kết thúc triển khai Kế hoạch.

+ Các hộ thụ hưởng: cam kết thực hiện đúng Kế hoạch này và hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và PTNT, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện và UBND xã.

7. Phương án tăng cường năng lực cho các hộ tham gia

Các hộ tham gia Kế hoạch được hướng dẫn kỹ thuật, cấp phát tài liệu, đồng thời được ưu tiên tham gia các lớp đào tạo nghề nông nghiệp tổ chức trên địa bàn để thành thục về kỹ thuật và tay nghề, sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng, an toàn thực phẩm, có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó nông hộ được nâng cao năng lực, đa dạng hóa sinh kế để tăng thu nhập.

8. Tổ chức tiêu thụ sản phẩm cho các hộ tham gia

- Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn quy trình kỹ thuật và là cầu nối liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc tiểu thương trong và ngoài địa bàn xã.

- Phương thức tiêu thụ: các hộ tự quyết định giá bán và thời điểm, địa điểm và chất lượng sản phẩm...

9. Kinh phí và nguồn kinh phí thực hiện

a) Kinh phí: 505.750.000 đồng, trong đó:

- Ngân sách nhà nước: 250.000.000 đồng, gồm:

+ Hỗ trợ vật tư phục vụ phát triển nghề trồng nấm (Bào Ngư) cho 15 hộ: 225.000.000 đồng.

+ Chi phí triển khai thực hiện (triển khai, lập hồ sơ thầu, văn phòng phẩm...): 25.000.000 đồng.

- Kinh phí đối ứng của người dân tham gia: 255.750.000 đồng.

b) Nguồn kinh phí: Kinh phí từ nguồn vốn sự nghiệp Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2020 được Chủ tịch UBND tỉnh giao tại Quyết định số 683/QĐ-UBND ngày 03/4/2020) và nguồn đối ứng của người dân.

10. Hiệu quả

a) Về kinh tế: mô hình này phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của địa phương và lợi nhuận mang lại khoảng 15-20 triệu đồng/mô hình.

b) Về nhận thức: qua mô hình này giúp cho người dân có nhận thức đúng đắn về đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát triển nghề mới tại địa phương và giúp nâng cao nhận thức về quy trình sản xuất sản phẩm sạch, an toàn và sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

c) Về xã hội: mô hình là địa chỉ để người dân tham quan học tập kinh nghiệm; tạo ra sản phẩm an toàn cho thị trường; tạo việc làm, có thu nhập cho nông dân, góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới.

11. Tổ chức thực hiện

a) Sở Nông nghiệp và PTNT

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan triển khai tổ chức thực hiện Kế hoạch trong năm 2020.

- Quản lý, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kế hoạch đã được phê duyệt, đảm bảo hiệu quả, thiết thực.

b) UBND các huyện: phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các xã và các ngành có liên quan thực hiện giám sát, kiểm tra, hướng dẫn các hộ thụ hưởng về quy trình chăm sóc, nhân rộng mô hình sau khi kết thúc.

c) UBND các xã được triển khai Kế hoạch: phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT thực hiện các nội dung:

- Lựa chọn hộ đủ điều kiện được hỗ trợ theo đúng đối tượng nêu trên: có biên bản hợp dân về việc chọn hộ được hỗ trợ và biên bản của các hộ cam kết thực hiện tốt các quy định khi tham gia mô hình.

- Triển khai, theo dõi, quản lý và hướng dẫn các hộ được hỗ trợ đảm bảo sử dụng đúng mục đích và đạt hiệu quả.

- Lập biên bản đề xuất xử lý các trường hợp rủi ro, phát sinh trong quá trình thực hiện.

- Hướng dẫn, hỗ trợ các hộ dân mở rộng sản xuất và nhân rộng sau khi Kế hoạch kết thúc.

- Định kỳ hàng tháng báo cáo kết quả thực hiện về Sở Nông nghiệp và PTNT.

d) Các đối tượng thụ hưởng

- Cam kết với địa phương nơi cư trú và Sở Nông nghiệp và PTNT thực hiện tốt theo quy định.

- Trong trường hợp rủi ro dịch bệnh phải kịp thời báo cáo với chính quyền địa phương biết để có phương án xử lý./.