Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH YÊN BÁI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 161/QĐ-UBND

Yên Bái, ngày 06 tháng 02 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH CƠ SỞ GIẾT MỔ GIA SÚC, GIA CẦM TẬP TRUNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH YÊN BÁI GIAI ĐOẠN 2016-2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31/10/2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;

Căn cứ Quyết định số 14/2014/QĐ-UBND ngày 05/9/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành Quy định về lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh, công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu trên địa bàn tỉnh Yên Bái;

Căn cứ Quyết định số 956/QĐ-UBND ngày 02/6/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển nông nghiệp và nông thôn tỉnh Yên Bái đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 10/TTr-SKHĐT ngày 26/01/2018,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030, với những nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm quy hoạch

a) Cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung được quy hoạch phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các địa phương, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp, quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ và quy hoạch phát triển chăn nuôi của tỉnh, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trước mắt và lâu dài.

b) Đầu tư nâng cấp từng bước các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung phù hợp với điều kiện của địa phương, từng bước làm thay đổi thói quen giết mổ, tiêu dùng truyền thống. Ưu tiên đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung tại các khu vực đông dân cư và vùng chăn nuôi tập trung.

c) Các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm được xây dựng với nhiều phương thức giết mổ (công nghiệp, bán công nghiệp và thủ công) đa dạng công nghệ, nhưng quy mô phải phù hợp với điều kiện chăn nuôi và nhu cầu của thị trường.

d) Các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm được xây dựng phải đáp ứng được các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường theo quy định.

2. Mục tiêu quy hoạch

a) Mục tiêu tổng quát

- Từng bước xóa bỏ các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ và hình thành các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, nhằm tăng cường sự quản lý của nhà nước trong lĩnh vực kiểm soát hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm.

- Đáp ứng nguồn thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh từ thịt gia súc, gia cầm phục vụ đời sống sinh hoạt cho người dân tỉnh Yên Bái; nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm chăn nuôi của tỉnh ở thị trường trong nước và quốc tế; thúc đẩy ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển ổn định, bền vững theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm.

- Tăng cường công tác kiểm soát dịch bệnh cho đàn vật nuôi trong quá trình vận chuyển, giết mổ, lưu thông động vật, sản phẩm động vật; chủ động phát hiện khống chế và ngăn ngừa dịch bệnh lây lan; đảm bảo vệ sinh môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm.

b) Mục tiêu cụ thể đến năm 2020: Xây dựng mới 11 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung thủ công (loại III) tại 09 huyện, thị, thành phố. Phấn đấu đến năm 2020 sản lượng thịt hơi qua các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đạt 27.000 - 29.000 tấn, tương đương 80 - 90 tấn/ngày, chiếm khoảng 65 - 75% sản lượng thịt hơi các loại tiêu thụ nội tỉnh.

c) Mục tiêu cụ thể đến năm 2030: Nâng cấp 01 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung loại III lên loại I (quy mô công nghiệp) tại thành phố Yên Bái; nâng cấp 03 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung loại III lên loại II (bán công nghiệp tại các vùng có tiềm năng phát triển chăn nuôi và thị trường tiêu thụ lớn); phấn đấu đến năm 2030 sản lượng thịt hơi qua các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đạt 43.000 - 45.000 tấn, tương đương 130 - 140 tấn/ngày, chiếm khoảng 75 - 85% sản lượng thịt hơi các loại tiêu thụ nội tỉnh.

3. Nội dung quy hoạch

a) Quy hoạch đến năm 2020: Trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 11 cơ sở tập trung giết mổ thủ công (loại III); tổng công suất giết mổ trên 87,1 tấn/ngày, tương đương với 28.700 tấn thịt hơi các loại/năm, chiếm 56,3% sản lượng thịt hơi các loại của tỉnh và chiếm 70,0% sản lượng thịt tiêu thụ nội tỉnh, cụ thể:

- Thành phố Yên Bái:

+ Xây dựng mới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung loại III, tại Thôn 3, xã Phúc Lộc, thành phố Yên Bái, diện tích dự kiến 10.000 m2. Vị trí này ở trung tâm các xã, phường phía Nam của thành phố; gần nút giao thông lên xuống đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, có không gian cách biệt với khu dân cư, các công trình công cộng, gần vùng nguyên liệu, thuận lợi trong lưu thông và phân phối sản phẩm sau giết mổ. Cơ sở có công suất dự kiến 7,9 tấn sản phẩm/ngày (trong đó: trâu, bò 0,9 tấn/ngày; lợn 6,0 tấn/ngày và gia cầm 1,0 tấn/ngày), đảm bảo phần lớn nguồn cung cho thị trường thành phố Yên Bái và các xã lân cận của huyện Trấn Yên, một số xã của huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ.

+ Xây dựng mới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung loại III, tại Tổ 20, phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái, diện tích dự kiến 5.000 m2. Vị trí này ở trung tâm các xã, phường của thành phố; có không gian cách biệt với khu dân cư, các công trình công cộng, gần vùng nguyên liệu, thuận lợi trong lưu thông và phân phối sản phẩm sau giết mổ. Cơ sở có công suất dự kiến 7,3 tấn sản phẩm/ngày (trong đó: trâu, bò 0,3 tấn/ngày; lợn 6,0 tấn/ngày và gia cầm 1,0 tấn/ngày), đảm bảo phần lớn nguồn cung cho thị trường thành phố Yên Bái và các khu vực lân cận.

- Thị xã Nghĩa Lộ: Xây dựng mới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung loại III, tại Bản Ả Hạ, xã Nghĩa Phúc, thị xã Nghĩa Lộ, diện tích dự kiến 7.000 m2. Vị trí này ở gần trung tâm thị xã; có không gian cách biệt với khu dân cư, các công trình công cộng, gần vùng nguyên liệu, thuận lợi trong lưu thông và phân phối sản phẩm sau giết mổ. Cơ sở có công suất dự kiến 7,4 tấn sản phẩm/ngày (trong đó: trâu, bò 0,9 tấn/ngày; lợn 6,0 tấn/ngày và gia cầm 0,5 tấn/ngày), đảm bảo phần lớn nguồn cung cho thị trường thị xã Nghĩa Lộ và các khu vực lân cận.

- Huyện Văn Chấn:

+ Xây dựng mới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung loại III, tại bản Lọng, xã Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn, diện tích dự kiến 1.000 m2. Vị trí này ở trung tâm huyện, có không gian cách biệt với khu dân cư, các công trình công cộng, gần vùng nguyên liệu, thuận lợi trong lưu thông và phân phối sản phẩm sau giết mổ. Cơ sở có công suất dự kiến 11 tấn sản phẩm/ngày (trong đó: trâu, bò 1,5 tấn/ngày; lợn 9,0 tấn/ngày và gia cầm 0,5 tấn/ngày), đảm bảo phần lớn nguồn cung cho thị trường một số xã (xã Sơn Thịnh, thị trấn nông trường Nghĩa Lộ).

+ Xây dựng mới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung loại III, tại thôn Hán, xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn, diện tích dự kiến 1.000 m2. Vị trí này ở trung tâm các xã vùng hạ huyện, có không gian cách biệt với khu dân cư, các công trình công cộng, gần vùng nguyên liệu, thuận lợi trong lưu thông và phân phối sản phẩm sau giết mổ. Cơ sở có công suất dự kiến 8,0 tấn sản phẩm/ngày (trong đó: trâu, bò 1,5 tấn/ngày; lợn 6,0 tấn/ngày và gia cầm 0,5 tấn/ngày), đảm bảo phần lớn nguồn cung cho thị trường huyện Văn Chấn.

- Huyện Trấn Yên: Xây dựng mới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung loại III, tại Thôn 3, thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên, diện tích dự kiến 1.200 m2. Vị trí này ở trung tâm huyện, có không gian cách biệt với khu dân cư, các công trình công cộng, gần vùng nguyên liệu, thuận lợi trong lưu thông và phân phối sản phẩm sau giết mổ. Cơ sở có công suất dự kiến 7,2 tấn sản phẩm/ngày (trong đó: trâu, bò 0,9 tấn/ngày; lợn 6,0 tấn/ngày và gia cầm 0,3 tấn/ngày), đảm bảo phần lớn nguồn cung cho thị trường thị trấn Cổ Phúc, các xã lân cận (Minh Quán, Hòa Cuông, Việt Thành, Báo Đáp, Nga Quán,...) và các xã, phường lân cận của thành phố Yên Bái.

- Huyện Văn Yên: Xây dựng mới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung loại III, tại thôn Gốc Sổ, thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên, diện tích dự kiến 1.000 m2. Vị trí này ở trung tâm huyện, có không gian cách biệt với khu dân cư, các công trình công cộng, gần vùng nguyên liệu, thuận lợi trong lưu thông và phân phối sản phẩm sau giết mổ. Cơ sở có công suất dự kiến 10,5 tấn sản phẩm/ngày (trong đó: trâu, bò 0,9 tấn/ngày; lợn 9,0 tấn/ngày và gia cầm 0,6 tấn/ngày), đảm bảo phần lớn nguồn cung cho thị trường thị trấn Mậu A và các xã lân cận.

- Huyện Yên Bình: Xây dựng mới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung loại III, tại Tổ 16, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình, diện tích dự kiến 4.394 m2. Vị trí ở trung tâm huyện, có không gian cách biệt với khu dân cư, các công trình công cộng, gần vùng nguyên liệu, thuận lợi trong lưu thông và phân phối sản phẩm sau giết mổ. Cơ sở có công suất dự kiến 7,4 tấn sản phẩm/ngày (trong đó: trâu, bò 0,9 tấn/ngày; lợn 6,0 tấn/ngày và gia cầm 0,5 tấn/ngày), đảm bảo phần lớn nguồn cung cho thị trường huyện Yên Bình.

- Huyện Lục Yên: Xây dựng mới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung loại III, tại Tổ 9, thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên, diện tích dự kiến 1.500 m2. Vị trí này ở trung tâm huyện, có không gian cách biệt với khu dân cư, các công trình công cộng, gần vùng nguyên liệu, thuận lợi trong lưu thông và phân phối sản phẩm sau giết mổ. Cơ sở có công suất dự kiến 7,2 tấn sản phẩm/ngày (trong đó: trâu, bò 0,9 tấn/ngày; lợn 6,0 tấn/ngày và gia cầm 0,3 tấn/ngày), đảm bảo phần lớn nguồn cung cho thị trường thị trấn Yên Thế và các xã lân cận.

- Huyện Mù Cang Chải: Xây dựng mới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung loại III, tại thị trấn Mù Cang Chải, huyện Mù Cang Chải, diện tích dự kiến 1.000 m2. Vị trí này ở trung tâm huyện, có không gian cách biệt với khu dân cư, các công trình công cộng, gần vùng nguyên liệu, thuận lợi trong lưu thông và phân phối sản phẩm sau giết mổ. Cơ sở có công suất dự kiến 6,6 tấn sản phẩm/ngày (trong đó: trâu, bò 0,3 tấn/ngày; lợn 6,0 tấn/ngày và gia cầm 0,3 tấn/ngày), đảm bảo phần lớn nguồn cung cho thị trường thị trấn Mù Cang Chải và các xã lân cận.

- Huyện Trạm Tấu: Xây dựng mới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung loại III, tại thôn Vũng Tàu, xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu, diện tích dự kiến 2.000 m2. Vị trí này ở gần trung tâm huyện, có không gian cách biệt với khu dân cư, các công trình công cộng, gần vùng nguyên liệu, thuận lợi trong lưu thông và phân phối sản phẩm sau giết mổ. Cơ sở có công suất dự kiến 6,6 tấn sản phẩm/ngày (trong đó: trâu, bò 0,3 tấn/ngày; lợn 6,0 tấn/ngày và gia cầm 0,3 tấn/ngày), đảm bảo phần lớn nguồn cung cho thị trường huyện Trạm Tấu (thị trấn Trạm Tấu, xã Hát Lừu,...).

b) Định hướng đến năm 2030: Tiếp tục đầu tư nâng cấp các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm hiện có. Phấn đấu đến năm 2030 có 01 cơ sở loại I với phương thức giết mổ công nghiệp tập trung tại xã Phúc Lộc, thành phố Yên Bái; 03 cơ sở loại II với phương thức giết mổ bán công nghiệp tập trung tại phường Yên Thịnh - thành phố Yên Bái, xã Nghĩa Phúc - thị xã Nghĩa Lộ, thị trấn Yên Bình - huyện Yên Bình; 07 cơ sở loại III với phương thức giết mổ thủ công tập trung tại 06 huyện (Lục Yên: 01 cơ sở; Trấn Yên: 01 cơ sở; Văn Yên: 01 cơ sở; Mù Cang Chải: 01 cơ sở; Trạm Tấu: 01 cơ sở và huyện Văn Chấn: 02 cơ sở); Tổng công suất giết mổ của 11 cơ sở dự kiến là 133,6 tấn/ngày, tương đương 44.000 tấn thịt hơi các loại/năm; chiếm 62,9% tổng sản lượng thịt hơi các loại của tỉnh và chiếm 78,6% sản lượng thịt tiêu thụ nội tỉnh.

4. Nhu cầu vốn đầu tư: Tổng nhu cầu vốn đầu tư thực hiện quy hoạch 92.000 triệu đồng, trong đó:

a) Vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ 25.000 triệu đồng (căn cứ Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ để hỗ trợ).

b) Vốn doanh nghiệp 67.000 triệu đồng.

5. Danh mục các dự án ưu tiên đầu tư

Dự án đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung: Tổng số có 11 cơ sở tại 09 huyện, thị xã, thành phố. Trong đó: Thành phố Yên Bái 02 cơ sở; huyện Văn Chấn 02 cơ sở; các huyện, thị xã còn lại 01 cơ sở.

6. Một số giải pháp chủ yếu

a) Về thông tin tuyên truyền: Khuyến khích vận động các hộ giết mổ nhỏ lẻ phân tán vào các cơ sở giết mổ tập trung; tăng cường vận động, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của chủ cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm và người tiêu dùng về vệ sinh an toàn thực phẩm; xây dựng chương trình truyền thông về giết mổ gia súc, gia cầm hoàn chỉnh với lộ trình và giải pháp đồng bộ, nhằm từng bước hình thành thói quen “tiêu dùng sản phẩm có địa chỉ” cho người dân.

b) Về đất đai, xây dựng cơ sở hạ tầng: Các cấp, các ngành làm tốt công tác quy hoạch, đặc biệt là công tác quy hoạch đất đai đối với nhu cầu sử dụng đất để xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; thực hiện chính sách về đất đai, hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ tập trung theo đúng các quy định hiện hành.

c) Về phân vùng nguyên liệu: Hình thành các chuỗi sản xuất, chế biến và cung cấp thực phẩm an toàn theo liên kết dọc, đảm bảo lợi ích giữa các nhà: chăn nuôi, thu mua, giết mổ và tiêu dùng; các cơ sở giết mổ đã được quy hoạch gắn với vùng nguyên liệu, cần có các hình thức ký kết, bao tiêu sản phẩm giữa người chăn nuôi và cơ sở giết mổ; khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến, giữ vệ sinh môi trường, tạo khối lượng sản phẩm lớn, chất lượng cao phục vụ thị trường.

d) Về khoa học kỹ thuật: Chú trọng chuyển giao khoa học công nghệ vào lĩnh vực chăn nuôi; thực hiện nghiêm ngặt chế độ thẩm định công nghệ theo hướng công nghệ kỹ thuật tiên tiến (Đối với cơ sở giết mổ loại I: Đầu tư công nghệ tiên tiến, đồng bộ theo tiêu chuẩn; sử dụng dây truyền giết mổ hiện đại tiên tiến theo tiêu chuẩn khu vực. Đối với cơ sở giết mổ loại II: Áp dụng công nghệ, dây truyền bán tự động; hiện đại hóa, cơ giới hóa từng công đoạn giết mổ; áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới vào công nghệ xử lý môi trường. Đối với cơ sở giết mổ loại III: Khuyến khích áp dụng công nghệ, dây truyền bán công nghiệp, hiện đại từng phần công việc; áp dụng công nghệ sinh học vào xử lý môi trường).

đ) Về môi trường: Các chủ đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc gia cầm tập trung phải lập hồ sơ về môi trường gửi các cơ quan có thẩm quyền để được thẩm định xác nhận, phê duyệt theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các quy chuẩn quốc gia yêu cầu vệ sinh thú y đối với cơ sở giết mổ động vật tập trung.

e) Về thị trường: Cơ quan quản lý thị trường phối hợp với cơ quan thú y và chính quyền địa phương tăng cường xử lý những trường hợp buôn bán sản phẩm chăn nuôi không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch; xây dựng chuỗi liên kết, gắn các cơ sở giết mổ với các hộ chăn nuôi quy mô lớn, tạo quy trình đồng bộ từ "đầu vào" tới "đầu ra" (chăn nuôi - giết mổ - tiêu thụ sản phẩm). Hình thành các kênh tiêu thụ chủ lực, cấp độ lớn với sự tham gia của các doanh nghiệp, thương nhân nòng cốt tại địa phương và các tỉnh lân cận; mở rộng thị trường, hướng tới xuất khẩu. Nâng cấp khu bán sản phẩm gia súc, gia cầm tại các chợ truyền thống; xúc tiến đưa các sản phẩm thịt vào bán tại các siêu thị, trung tâm thương mại trong và ngoài tỉnh...

g) Về nhân lực tại các cơ sở giết mổ: Kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y tại cơ sở giết mổ gia súc gia cầm tập trung do kiểm dịch viên động vật hoặc do nhân viên thú y xã, phường thực hiện dưới sự giám sát về kỹ thuật của Trạm Chăn nuôi và Thú y cấp huyện; thường xuyên tổ chức tập huấn, hoặc cử đi tập huấn nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ thú y làm công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm; tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cơ bản cần thiết cho các chủ doanh nghiệp, chủ nhiệm hợp tác xã nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng quản lý, các chương trình tư vấn về kinh doanh, phát triển thương hiệu, kiến thức và kỹ năng quản lý các chuỗi cung ứng hàng hóa...

h) Về tổ chức, quản lý hệ thống giết mổ:

- Hình thức tổ chức, quản lý: Đối với cơ sở giết mổ loại III vận động các hộ giết mổ nhỏ lẻ tham gia thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; đối với các cơ sở loại II: Thu hút các doanh nghiệp, cá nhân, hợp tác xã đầu tư xây dựng, quản lý và tổ chức sản xuất, tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng. Đối với cơ sở giết mổ loại I: Thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng, kinh doanh giết mổ; sau đó dần phát triển lên thành cơ sở chế biến sản phẩm có chất lượng.

- Tổ chức, sắp xếp các điểm, cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trên địa bàn: Thực hiện rà soát, đánh giá các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ; những cơ sở đủ điều kiện về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm thì cho phép hoạt động và chịu sự kiểm tra, kiểm soát giết mổ theo quy định. Đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ xóa bỏ khoảng 60% sổ điểm giết mổ nhỏ lẻ. Tất cả các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ nằm trong vùng quy hoạch cơ sở giết mổ tập trung phải chấm dứt hoạt động hoàn toàn khi cơ sở giết mổ tập trung đi vào hoạt động.

- Công tác thanh tra, kiểm tra: Các cơ quan (Thú y, Cảnh sát Môi trường, Quản lý thị trường và chính quyền địa phương...) phối hợp, tiến hành kiểm tra định kỳ và đột xuất các cơ sở giết mổ tập trung trên địa bàn và việc kinh doanh sản phẩm động vật theo quy định; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm liên quan đến việc buôn bán, giết mổ, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật.

i) Về vốn đầu tư:

- Vốn ngân sách nhà nước: Đầu tư hỗ trợ từ ngân sách cho đầu tư cơ sở hạ tầng, bảo vệ môi trường, dây truyền thiết bị, hệ thống xử lý chất thải...

- Vốn doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân: Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung theo quy hoạch.

Điều 2. Tổ chức thực hiện.

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành có liên quan cụ thể hóa các nhiệm vụ, các giải pháp thực hiện quy hoạch; tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các chủ trương, chính sách có liên quan đến phát triển cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện quy hoạch về Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính trên cơ sở quy hoạch, các cơ chế chính sách, các chương trình, đề án, dự án và kế hoạch hàng năm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, hướng dẫn chủ đầu tư các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung lập dự án và thực hiện dự án đầu tư theo đúng quy định.

3. Các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan theo chức năng nhiệm vụ được giao có trách nhiệm tham gia, tạo điều kiện thực hiện quy hoạch, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.

4. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố căn cứ nội dung quy hoạch cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung của tỉnh, tổ chức xây dựng kế hoạch thực hiện để thực hiện hoàn thành các mục tiêu quy hoạch đã đề ra.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Kho bạc Nhà nước tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Các Bộ: Nông nghiệp và PTNT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Hội đồng nhân dân tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành của tỉnh;
- Chánh, PVP (NLN) UBND tỉnh;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, NLN.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Khánh