Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1615/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 15 tháng 09 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN VỀ CÁC SỰ KIỆN HỘI NHẬP QUỐC TẾ NỔI BẬT 2015-2016

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10 tháng 4 năm 2014 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế;

Căn cứ Nghị quyết số 31/NQ-CP ngày 13 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10 tháng 4 năm 2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế;

Căn cứ Nghị quyết số 49/NQ-CP ngày 10 tháng 7 năm 2014  ban hành Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thông tin, tuyên truyền về các sự kiện hội nhập quốc tế nổi bật 2015-2016

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./. 


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế;
- Các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, QHQT (3b).

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

KẾ HOẠCH

THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN VỀ CÁC SỰ KIỆN HỘI NHẬP QUỐC TẾ NỔI BẬT 2015-2016
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1615/QĐ-TTg ngày 15 tháng 9 năm 2015 của Thtướng Chính phủ)

I. Ý NGHĨA, MỤC ĐÍCH

1. Ý nghĩa

Năm 2015 là một năm đặc biệt với nhiều sự kiện khu vực và quốc tế quan trọng, đánh dấu một năm hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực. Các sự kiện hội nhập quốc tế sẽ tạo ra động lực cho tăng trưởng thương mại và đầu tư, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tác động trực tiếp tới môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chất lượng hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Năm 2015 là năm bản lề đối với hội nhập quốc tế của Việt Nam với việc Việt Nam sẽ hoàn tất thực hiện các cam kết quốc tế trong đó có Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc (MDGs) và xây dựng các Mục tiêu phát triển sau 2015 (SDGs); đẩy mạnh triển khai chủ trương “nâng tầm đối ngoại đa phương” của Thủ tướng Chính phủ đã đề ra, chuyển mạnh từ tư duy “gia nhập và tham gia” sang “chủ động đóng góp, khởi xướng và tích cực tham gia định hình các cơ chế, luật chơi quốc tế mới” và tích cực chuẩn bị đảm nhiệm thành công các trọng trách quốc tế trong 2-3 năm tới, đặc biệt là việc đăng cai năm APEC Việt-Nam 2017.

Năm 2015 là năm chuẩn bị cho việc thực thi một số hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã kết thúc đàm phán và ký kết chính thức, gồm FTA với Hàn Quốc và Liên minh kinh tế Á-Âu; dự kiến hoàn tất trong năm 2015 FTA với Liên minh châu Âu (EU); đẩy nhanh tiến độ đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Năm nay cũng đánh dấu mốc hình thành Cộng đồng ASEAN vào ngày 31 tháng 12 năm 2015 và đánh dấu 20 năm Việt Nam tham gia ASEAN (28/7/1995 - 28/7/2015).

Năm 2015 cũng là năm có nhiều bộ luật, đạo luật liên quan đến kinh doanh, môi trường đầu tư – thể chế kinh tế thị trường được ban hành và có hiệu lực như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Dạy nghề...

Để triển khai thành công chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước trong tình hình mới, sự tham gia, phối hợp của các địa phương, doanh nghiệp, đồng hành cùng Chính phủ trong nhận thức, cách nghĩ, cách làm là yếu tố quyết định sự thành công của công cuộc hội nhập quốc tế.

2. Mục đích

- Tăng cường sự phối hợp và phân công trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị.

- Nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương, tổ chức, doanh nghiệp và người dân hiểu đúng thực chất các sự kiện hội nhập quốc tế và tính cấp bách của việc đẩy mạnh chuẩn bị trong nước cho hội nhập quốc tế, đặc biệt là hội nhập kinh tế quốc tế;

- Nâng cao nhận thức về hội nhập quốc tế tới cộng đồng người Việt Nam ở trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài về các giá trị và lợi ích của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân khi hội nhập quốc tế trong bối cảnh hiện nay, đảm bảo các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam thực sự đi vào cuộc sống, mang lại lợi ích thiết thực.

- Nâng cao hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến về hội nhập quốc tế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam, những thành tựu của công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế của Việt Nam đến với cộng đồng trong nước và nước ngoài để cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, các tổ chức cá nhân nước ngoài và các quốc gia trên thế giới thấy được tiềm năng phát triển và cơ hội hợp tác với Việt Nam.

- Thông tin, tuyên truyền một cách đồng bộ, có trọng tâm theo hướng tiết kiệm, đa dạng về phương thức, phù hợp với từng nhóm đối tượng nhưng vẫn bảo đảm hiệu quả.

II. ĐỐI TƯỢNG, THỜI GIAN THỰC HIỆN

1. Đối tượng thông tin tuyên truyền

- Trong nước: Các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức từ Trung ương đến địa phương; cộng đồng doanh nghiệp; các tầng lớp nhân dân; người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam.

- Ngoài nước: Người Việt Nam sinh sống, làm việc và học tập tại nước ngoài; người nước ngoài; các tổ chức, cá nhân nước ngoài.

2. Thời gian thực hiện và mức độ tuyên truyền

- Thời gian thực hiện Kế hoạch thông tin, tuyên truyền về các sự kiện hội nhập quốc tế nổi bật 2015-2016 được thực hiện từ nay đến hết năm 2016. Sau năm 2016, trên cơ sở các kết quả đã đạt được, sẽ cập nhật, bổ sung các nội dung mới phù hợp với tình hình thực tế để xây dựng Kế hoạch thông tin, tuyên truyền trong các năm tiếp theo.

- Chủ trương thông tin, tuyên truyền ở mức độ cao thông qua tuyên truyền định kỳ hàng tuần, hàng tháng và phối hợp liên ngành tổ chức sự kiện mang tính điểm nhấn đối với các sự kiện hội nhập quốc tế nổi bật, đặc biệt khi ASEAN bước vào thời điểm hình thành Cộng đồng vào cuối năm 2015 và thời điểm các điều ước quốc tế hoàn thành đàm phán và sắp được ký kết.

III. NỘI DUNG THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN

1. Cộng đồng chung ASEAN và 20 năm Việt Nam gia nhập ASEAN

a) Nội dung:

- Tháng Hội nhập ASEAN (12/2015) gồm;

i) Quá trình hình thành, cơ cấu tổ chức, tôn chỉ mục đích, các nội dung hoạt động của ASEAN; vị trí, vai trò và những thành tựu mà ASEAN đã đạt được trong quá trình phát triển; các hoạt động của các nước trong khối ASEAN trên mọi lĩnh vực để đảm bảo người dân được tiếp cận toàn diện về ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN bao gồm: Cộng đồng Chính trị - An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội.

ii) Nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện cam kết xây dựng Cộng đồng ASEAN; những đóng góp của Việt Nam cho sự hình thành Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015; sự tham gia, hợp tác và vai trò của Việt Nam đối với ASEAN; quan hệ giữa Việt Nam và các nước thành viên ASEAN; quảng bá rộng rãi về mọi lĩnh vực của Việt Nam với cộng đồng ASEAN và quốc tế.

- Việc hình thành cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015 với sự tham gia tích cực, đóng góp hiệu quả của Việt Nam trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN và Tầm nhìn sau năm 2015 gồm:

i) Các bước chuẩn bị cho việc gia nhập Cộng đồng ASEAN; Kế hoạch của các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam chuẩn bị tham gia Cộng đồng ASEAN; những tác động và ý nghĩa từ việc hình thành Cộng đồng ASEAN, dự báo các xu hướng, những thuận lợi và thách thức đối với Việt Nam; những chính sách, ưu đãi trong quá trình gia nhập Cộng đồng ASEAN; vai trò của cộng đồng ASEAN trong quá trình định hình cấu trúc khu vực.

ii) Thông tin giới thiệu về đất nước, con người, văn hóa và những thành tựu nổi bật của các nước thành viên ASEAN.

b) Hình thức:

Tiếp tục triển khai Kế hoạch tuyên truyền theo Quyết định số 04/QĐ-BCĐ ngày 26 tháng 4 năm 2014 của Trưởng ban chỉ đạo thông tin tuyên truyền ASEAN, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về việc ban hành Kế hoạch tuyên truyền, quảng bá ASEAN giai đoạn 2014-2015, trong đó tập trung một số nội dung nổi bật sau:

- Tổ chức thông tin tuyên truyền theo các sự kiện lớn diễn ra trong ASEAN (Cấp cao, các Hội nghị cấp Bộ trưởng), các Hiệp định ASEAN, ASEAN +, cao trào trước và sau thời điểm hình thành Cộng đồng ASEAN vào 31/12/2015 trên các báo, đài Trung ương và địa phương.

- Đăng tải, cung cấp và phổ biến tất cả các thông tin về ASEAN tới người dân thông qua cổng thông tin điện tử chung về ASEAN; xây dựng các chuyên mục, chuyên trang thông tin tuyên truyền; đặc biệt trên các trang thông tin điện tử, trang báo mạng điện tử bằng nhiều thứ tiếng (đặc biệt là ngôn ngữ các nước ASEAN).

- Tổ chức tuyên truyền thường xuyên trên các phương tiện truyền thông (báo, đài Trung ương và địa phương) trong các chương trình hàng ngày và trong khung giờ vàng: đưa tin, viết bài, tọa đàm, phóng sự, hội nghị, hội thảo chuyên đề phổ biến về ASEAN trên các lĩnh vực hình ảnh đất nước, con người, thành tựu kinh tế - xã hội, cổ động và tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về ASEAN cấp khu vực, cấp quốc gia và địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Tổ chức tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ tuyên truyền, quảng bá thông tin về ASEAN cho các phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.

- Xây dựng và phát hành các bộ tài liệu, ấn phẩm, sách, phụ san, tờ rơi, phim tài liệu tuyên truyền các thông tin về kinh tế, văn hóa - xã hội các nước ASEAN, về quan hệ song phương, đa phương của Việt Nam với các nước trong khu vực.

- Tổ chức liên hoan ảnh, cuộc thi ảnh, phim phóng sự, tài liệu về các nước ASEAN.

- Trao đổi các đoàn phóng viên giữa Việt Nam với các nước trong khu vực ASEAN.

- Thông qua cầu truyền hình hội nghị, một số địa điểm trong các nước sẽ được kết nối và cùng tham gia sự kiện bước vào Cộng đồng ASEAN.

2. Các Hiệp định thương mại tự do được ký kết hoặc kết thúc đàm phán trong giai đoạn 2015-2016:

a) Nội dung:

- Thông tin về các hiệp định thương mại song phương và đa phương mà Việt Nam đã và sắp ký kết (Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Hàn Quốc, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP); lộ trình thực thi đầy đủ các cam kết của Việt Nam.

- Những lợi ích mà các FTA mang lại cho Việt Nam cũng như những khó khăn, thách thức mà doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt.

- Phân tích, đánh giá tác động thực hiện các cam kết của Việt Nam đối với các ngành công nghiệp, nông nghiệp, hoạt động thương mại... để góp phần hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tìm kiếm cơ hội, mở rộng thị trường.

- Phân tích bài học kinh nghiệm của các nước trong quá trình hội nhập quốc tế.

b) Hình thức:

- Thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng: báo viết, báo nói, báo hình và báo điện tử; xây dựng các chuyên mục, chuyên trang thông tin tuyên truyền; phát thanh và truyền hình; xây dựng các phóng sự chuyên đề, phim tài liệu...

- Xuất bản các ấn phẩm (sách, sổ tay, tờ rơi...) gồm thông tin về tiềm năng hợp tác kinh tế và hội nhập quốc tế của Việt Nam, giải thích các cam kết trong các thỏa thuận thương mại.

- Tổ chức các hội nghị chuyên đề, hội thảo, tọa đàm về các cơ hội và thách thức do các Hiệp định thương mại tự do mang lại.

- Tổ chức thông tin, tuyên truyền, đào tạo, phổ biến kiến thức về các nội dung các cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương của Việt Nam cho các nhóm đối tượng khác nhau, trong đó tập trung vào các doanh nghiệp và tổ chức kinh tế lớn trong nước.

- Tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn nâng nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác hội nhập quốc tế ở các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương.

- Tổ chức sự kiện cấp quốc gia nhằm vinh danh các tổ chức, cá nhân doanh nghiệp tiêu biểu trong việc thực hiện nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu hội nhập quốc tế.

c) Các sự kiện hội nhập quốc tế quan trọng khác:

- Nội dung:

Thông tin về những lợi ích, chính sách ưu đãi cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp trong hợp tác và hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực khác nhau- Hình thức:

Thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và tổ chức xuất bản các ấn phẩm giới thiệu thông tin về quá trình hội nhập và hợp tác của Việt Nam trên các lĩnh vực.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Bộ Thông tin và Truyền thông

- Chỉ đạo, định hướng công tác thông tin tuyên truyền cho các cơ quan thông tấn, báo chí để bảo đảm thực hiện các mục tiêu tuyên truyền đã đặt ra thông qua việc cung cấp tài liệu tuyên truyền và tổ chức tập huấn cho các cơ quan thông tấn, báo chí.

- Chủ trì tổ chức tổng hợp cơ sở dữ liệu, xây dựng trung tâm thông tin tra cứu trực tuyến về các sự kiện hội nhập quốc tế, trong đó các Bộ, ngành, địa phương liên quan phối hợp để cung cấp tin, bài thường xuyên, tạo nguồn chính thống để các phóng viên, biên tập viên khai thác và đưa tin dưới mọi hình thức báo chí.

- Chủ trì tổ chức triển lãm sách, ảnh, tư liệu về những thành tựu của ngành thông tin và truyền thông trong quá trình hội nhập quốc tế.

- Chủ trì theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch thông tin, tuyên truyền về các sự kiện hội nhập quốc tế nổi bật của Việt Nam 2015-2016.

2. Bộ Ngoại giao

- Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông cung cấp cho các cơ quan thông tấn, báo chí thông tin về các hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam tại các nước, các tổ chức, diễn đàn, hội nghị quốc tế; các sự kiện đối ngoại lớn do Việt Nam đăng cai chủ trì liên quan đến ASEAN và các tổ chức quốc tế và khu vực khác.

3. Bộ Công Thương

- Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông cung cấp cho các cơ quan thông tấn, báo chí thông tin về Cộng đồng kinh tế ASEAN và các Hiệp định tự do thương mại song phương và đa phương đã dự kiến hoàn tất trong giai đoạn 2015-2016.

- Chủ trì triển khai các hoạt động thông tin tuyên truyền hội nhập quốc tế trong lĩnh vực kinh tế.

- Chủ trì tổ chức sự kiện vinh danh các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tiêu biểu trong việc thực hiện nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu hội nhập quốc tế.

4. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

- Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông cung cấp cho các cơ quan thông tấn, báo chí thông tin về lĩnh vực lao động, việc làm và xã hội liên quan đến Cộng đồng ASEAN và các Hiệp định tự do thương mại song phương và đa phương đã và dự kiến hoàn tất trong giai đoạn 2015-2016.

- Chủ trì tổ chức triển lãm về những thành tựu trong lĩnh vực xuất khẩu lao động.

5. Bộ Tài chính

Căn cứ vào Kế hoạch này, cân đối bổ sung kinh phí ngân sách nhà nước cấp cho các hoạt động thông tin, tuyên truyền nổi bật bao gồm xây dựng tài liệu cung cấp cho các cơ quan thông tấn, báo chí; xây dựng cơ sở dữ liệu về các sự kiện hội nhập quốc tế; sự kiện vinh danh các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tiêu biểu trong hội nhập quốc tế và triển lãm về những thành tựu thông tin và truyền thông, xuất khẩu lao động trong quá trình hội nhập quốc tế.

6. Các Bộ, ngành và địa phương

- Chủ động cung cấp thông tin về các dự án hợp tác trong khuôn khổ ASEAN và các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia cho Bộ Thông tin và Truyền thông để sử dụng làm nguồn tư liệu cung cấp cho các cơ quan thông tấn, báo chí và đăng tải lên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Chủ động thực hiện các hoạt động cụ thể nhằm thực hiện thông tin, tuyên truyền cho Cộng đồng ASEAN, Hiệp định thương mại tự do và các sự kiện hội nhập quốc tế quan trọng khác trên cơ sở kế hoạch tuyên truyền này.

7. Các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương

- Tổ chức thực hiện các hoạt động phù hợp để thông tin sâu rộng về các vấn đề hội nhập quốc tế.

- Trên cơ sở kế hoạch tuyên truyền này, các cơ quan thông tấn, báo chí chủ động xây dựng kế hoạch và bố trí đủ nguồn lực để thực hiện kế hoạch tuyên truyền của cơ quan mình.

V. KINH PHÍ

- Kế hoạch thông tin, tuyên truyền về các sự kiện hội nhập quốc tế nổi bật 2015-2016 sử dụng kinh phí từ nhiều nguồn khác nhau trên nguyên tiết kiệm, hiệu quả và đúng pháp luật.

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương căn cứ nội dung Kế hoạch và các nhóm nhiệm vụ và đề án của mình xây dựng kế hoạch chi tiết và cân đối kinh phí để thực hiện.

- Căn cứ vào Kế hoạch này, Bộ Tài chính cân đối bổ sung kinh phí ngân sách nhà nước cấp cho các hoạt động thông tin, tuyên truyền nổi bật đã nêu tại mục IV của Kế hoạch.

VI. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương tổng hợp kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch thông tin và tuyên truyền các sự kiện hội nhập quốc tế nổi bật 2015-2016 gửi về Bộ Thông tin và Truyền thông để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15 tháng 11 năm 2016./.