Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
----------

Số: 1618/QĐ-KHKT

Hà nội, ngày 31 tháng 10 năm 1995

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH TIÊU CHUẨN NGÀNH

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Nghị định số 141/HĐBT ngày 24-8-1982của Hội đồng Bộ trưởng ban hành “Điều lệ về tiêu chuẩn hóa” ;
Căn cứ Nghị định số 22/CP ngày 22-3-1994 của Chính phủ về nhiệm vụ và trách nhiệm quản lý Nhà nước và cơ cấu tổ chức bộ máy của Bộ Giao Thông vận tải; Theo đề nghị của các ông : Vụ trưởng Vụ Khoa học kỹ thuật và Giám đốc Sở giao thông vận tải Hà Tây ;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này bàn Tiêu chuẩn ngành

“Qui trình thi công và nghiệm thu lợp đất gia cố vôi bằng máy chuyên dùng BOMAG”

Số đăng ký : 22 TCN 229-95

Điều 2: Tiêu chuẩn ngành có hiệu lực thi hành từ ngày ký.

Điều 3: Các ông bà: Chánh Văn Phòng Bộ, Vụ Trưởng Vụ KHKT, Giám đốc Sở GTVT, và Thủ tướng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm triển khai và kiểm tra quá trình áp dụng tiêu chuẩn này trong cả nước.

 

 

BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Ngọc Khuê

 

TIÊU CHUẨN NGÀNH

CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

QUY TRÌNH KỸ THUẬT

THI CÔNG VÀ NGHIỆM THU LỚP ĐẤT GIA CỐ BẰNG MÁY CHUYÊN DÙNG BOMAG

22 TCN - 229 – 95

Có hiệu lực từ ngày: 31/10/1995

 

1. Quy định chung

1.1 Nội dung quy trình này bao gồm các quy định về:

-Quy định chung về lớp đất gua cố vôi bằng máy chuyên dùng BOMAG.

-Yêu cầu kỹ thuật vật liệu.

-Công nghệ thi công.

-Kiểm tra chất lượng và nghiệm thu lớp đất gia cố vôi thi công bằng máy phay chuyên dùng.

Ngoài ra còn có phụ lục giới thiệu tính năng kỹ thuật máy BOMAG.

1.2 Phạm vi áp dụng quy trình:

Được áp dụng để xây dựng lớp đất gia cố vôi (ĐGCV) của áo đường thuộc các cấp đường bộ, đường nông thôn, đường băng sân bay, các loại đường chuyên dùng khác, của sân bãi đỗ ô tô, sân đỗ máy bay, quảng trường và các loại sân bãi khác.

Trường hợp sử dụng máy chuyên dùng khác nhưng có tính năng tương tự như máy BOMAG thì cũng áp dụng quy trình này.

1.3 Ngoài việc phải thực hiện quy trình này, còn phải thực hiện các quy định khác có liên quan về an toàn lao động, về bảo vệ môi trường vv…

1.4 Khi thiết kế thi công xây dựng lớp ĐGCV bằng máy phay chuyên dùng thì nên ưu tiên phương án cày xới đất tại chỗ, chỉ từ khi nào điều kiện kỹ thuật hoặc điều kiện bảo đảm giao thông không cho phép mới áp dụng phương án mang đất từ nơi khác đến.

1.5 Vôi bột nghiền dùng để gia cố đất cần được bảo quản và chống ẩm tốt. Không được đặt trực tiếp bao vôi trên đất và phải có mái che. Thời gian bảo quản không quá 50 ngày.

2. Yêu cầu kỹ thuật về vật liệu

2.1 Đất: Đất dùng để gia cố vôi trong xây dựng áo đường ô tô gồm các loại đất sét, á sét và á cát. Các loại đất này được lẫn sỏi sạn (cấp phối đồi la-tê-rít) nhưng thành phần sỏi sạn phải thỏa mãn các yêu cầu sau:

-Cỡ lớn hơn 70 mm: 0% (theo khối lượng)

-Cỡ 50 đến 70 mm: Không được vượt quá 10% (theo khối lượng)

-Cỡ 2- 50 mm: Không được vượt quá 50% (theo khối lượng)

2.2 Ngoài ra các loại đất còn phải đảm bảo các yêu cầu sau:

-Hàm lượng hữu cơ: không quá 6% (TCVN 4050-85)

-Độ pH: không nhỏ hơn 4 (TCVN 4402-87)

-Hàm lượng muối các loại:không quá 4% (TCVN 4352-86)

2.3 Vôi: Các loại vôi bột nghiền (CaO) hoặc vôi đã thủy hóa{Ca(OH)2}

đều có thể dùng để gia cố đất, vôi được phân loại chất lượng theo 2 chỉ tiêu cơ bản là hàm lượng (CaO + MgO) và độ mịn (xem bảng 2.3). Sử dụng loại nào là tuy theo điều kiện kinh tế kỹ thuật cụ thể và do thiết kế quy định.

Loại vôi

Hàm lượng CaO + MgO tự do

Độ mịn

Ghi chú

A. Vôi bột nghiền

 

 

 

Loại 1

≥ 90%

Qua sàng 2mm: 100% Qua sàng 0.1mm: ≥ 80%

thử nghiệm hàm lượng CaO tự do theo TCVN 2231-89

Loại 2

≥ 50%

Qua sàng 2mm: 100% Qua sàng 0.1mm: ≥ 80%

 

B. Vôi đã thủy hóa

 

 

 

Loại 1

≥ 90%

Qua sàng 2mm: 100% Qua sàng 0.1mm: ≥80%

 

Loại 2

≥ 50%

Qua sàng 2mm: 100% Qua sàng 0.1mm: ≥ 80%

 

Trong trường hợp tận dụng vôi có hàm lượng CaO + MgO tự do dưới 5% thì phải nghiên cứu thiết kế kỹ ở trong phòng thí nghiệm trước và phải được sự chấp thuận của Bộ GTVT.

2.4 Nước: Yêu cầu chất lượng nước như bảng 2.4

Chỉ tiêu

Yêu cầu

Phương pháp thử nghiệm

1. Độ pH

Không nhỏ hơn 4

TCVN 2655-78

2. Hàm lượng muối

Không quá 30mg/lít

TCVN 2659 - 78

TCVN 2656- 78

3. Hàm lượng hữu cơ

0%

TCVN 2671 – 78

4. Váng dầu mỡ

Không có

 

Các loại nước uống được không phải kiểm tra chất lượng

3.Công nghệ thi công lớp đất gia cố vôi bằng máy phay chuyên dùng BOMAG

3.1. Các công tác chuẩn bị trước khi thi công bao gồm:

-Kiểm tra các số liệu thiết kế và tính toán các số liệu thi công

-Xác định phạm vi thi công, tạo điều kiện thpát nước tốt trong quá trình thi công, và thi công lòng đường;

-Chuẩn bị vật liệu đất và vôi;

-Chuẩn bị xe máy;

-Chuẩn bị các dụng cụ thí nghiệm kiểm tra thi công

-Tính toán, thiết kế tổ chức dây chuyền thi công.

3.2 Nội dung xem xét và kiểm tra hồ sơ thiết kế cần tập trung vào các số liệu thiết thực phục vụ cho việc tổ chức và thực hiện công nghệ thi công:

3.2.1 Bề dày lớp đất (hoặc cấp phôi đồi, cáp phôi la-tê-rít) gia cố vôi, nếu dày quá so với khả năng đầm nén của thiết bị hiện có thì phải chia làm hai hoặc nhiều lớp để thi công, nhưng bề dày lớp thi công không được mỏng hơn 10cm.

Nếu có các loại lu 18 - 20 Tấn thì bề dày lớp thi công lớn nhất cho phép là 20cm.Nếu chỉ có các loại lu 12 - 15 tấn thì bề dày lớp thi công lớn nhất cho là 15cm.

3.2.2 Kiểm tra các đặc trưng của đất dùng để trộn với vôi và đất sau khi trộn với vôi:

-Giới hạn dẻo, giới hạn nhão, chỉ số dẻo, thành phần hạt và các chỉ tiêu nói ở điểm 2.2.

-Dung trọng tự nhiên và độ ẩm tự nhiên ở trạng thái nguyên thổ và ở trạng thái đã cày xới, làm nhỏ: Từ đó tính được dung trọng khô của đất ứng với trạng thái nguyên thổ và ở trạng thái đất khi sắp trộn với vôi.

-Dung trọng khô lớn nhất và độ ẩm tốt nhất của đất trộn với vôi theo tỷ lệ thiết kế (suy ra dung trọng khô và độ ẩm yêu cầu khi thi công phải đạt được tương ứng với độ chặt K quy định trong thiết kế) . Dung trọng khô d(đất vôi) yêu cầu phải đạt được của đất gia cố vôi chính là số liệu quan trọng để sau nghiệm thu thi công.

Các số liệu này phải đúng với loại đất thực tế và loại vôi thực tế sắp sử dụng để thi công. Đơn vị thi công nên làm lại các thí nghiệm nói trên để đối chiếu với các số liệu do phía thiết kế đưa ra, nếu có sự sai khác thì cần điều chỉnh kịp thời (có sự trao đổi thống nhất với phía thiết kế).

3.2.3 Từ các số liệu nói trên ở điểm 3.2.2 đơn vị thi công phải tính toán ra các số liệu sau đây để phục vụ cho công việc thi công.

-Hệ số bề dày rải đất Kh

Kh =

D(đất vôi)(100-p)

(3.1)

d(tơi xốp).100

Trong đó d(đất vôi) và d(tơi xốp) là dung trọng khô của đất gia cố vôi yêu cầu phải

đạt được dầm nén và dung trọng khô của đất ở trạng thái đã cày xới làm nhỏ sau khi sắp trộn với vôi (T/m3);

p là số phần trăm theo khối lượng của tỷ lệ vôi (%) đem trộn với đất, thường lấy bằng tỷ lệ vôi thí nghiệm trong phòng cộng thêm 1%.

-Lượng vôi khô cần rải trên 1m2

Pv = d(đất vôi).p.h               (3.2)

d(đất vôi) và p có ý nghĩa như ở (3.1); h là bề dày (m) của lớp đất gia cố vôi sẽ thi công.

Nếu vôi có độ ẩm Wv thì lượng vôi ẩm rải trên 1m2 sẽ là:

Pv.ẩm = Pv(1+Wv)         (3.3)

(Wv biểu thị dưới dạng số thập phân).

Trường hợp sử dụng vôi tôi hoặc vôi tả thì từ Pv ẩm có thể đổi ra thể tích vôi cần rải trên 1m2 (lúc này phải biết dung trọng ướt của vôi) .

3.3 Để xác định phạm vi thi công, phải cắm lại tim đường và cắm tiêu xác định hai bên mép lòng đường. Bạt lề dốc 5 - 7 % và khơi thông rãnh dọc để đảm bảo triệt để thoát nước khi mưa. Nếu lòng đường đào thì phải xẻ rãnh thoát nước trong quá trình thi công.

3.4 Trong trường hợp dùng ngay đất lòng đường để gia cố thì cao độ thi công lòng đường phải tính đến chiều dày cần phải cày xới lấy đất làm lớp gia cố vôi.

hxới =

D(đất vôi)(100-p).h

(3.4)

dn

3.5 Đất và vôi dùng làm lớp đất gia cố vôi phải được chuẩn bị theo yêu cầu nói ở các điểm 2.1, 2.2, 2.3

Trường hợp dùng vôi sống nghiền thì độ mịn phải đạt yêu cầu nói ở điểm 2.3, phải được đóng thành bao với khối lượng nhất định.

Trường hợp dùng vôi cục thì phải làm vôi tả thành bột từ trước khi thi công 5 – 7 ngày bằng cách tưới nước vào hố vôi với lượng nước 500 – 800 kg cho một tấn vôi cục. Khoảng 300m dọc tuyến làm một hố vôi và sau khi vôi tả nên duy trì ở độ ẩm khoảng 35% để khi vận chuyển không bị bụi và không quá ẩm khiến cho khô trộn. Loại vôi này phải đạt yêu cầu chất lưọng quy định ở bảng 2.3 (loại vôi đã thủy hóa).

3.6 Chuẩn bị xe máy thi công ở trạng thái vận hành tốt

- Máy chính là máy phay BOMAG 300 CV.

- 1 máy san có lắp thêm dàn lưỡi cày xới (nếu lấy đất tại chỗ có thể lẫn đá để thi công).

- 1 xe xi-téc nước có dàn phun, dung tích lớn hơn 3000 lít và có thể không che được lượng nước phun, nếu dùng dàn phun của máy chính BOMAG thì xi-téc phải có vòi ống nối khớp với hệ dàn phun đó;

- 1 lu bánh nhẵn loại ba bánh 12 – 15 tấn hoặc 1 lu lốp 15 – 18 tấn (tải trọng một bánh lốp từ 4 tấn trở lên); cũng có thể dùng một lu rung loại nặng;

- 1 lu vừa 8 – 10 tấn;

- Các ô tô chở đất hoặc đất gia cố vôi (nếu không lấy đất tại chỗ hoặc không trộn tại chỗ).

3.7 Chuẩn bị các dụng cụ thí nghiệm, kiểm tra phục vụ thi công:

-Con xúc xắc để khống chế bề dày rải đất và bề dày lu lèn chặt;

Phễu rót cát hoặc dao vòng để xác định dung trọng ướt của đất và đất gia cố vôi;

-Thước 3m để kiểm tra độ bằng phẳng và thước kiểm tra mui luyện bề mặt đường.

3.8 Trước khi thi công đơn vị thi công phải căn cứ vào cấu tạo lớp đất gia cố vôi, điều kiện xe máy, nhân lực và tình hình thực tế nơi thi công để thiết kế tổ chức dây chuyền thi công chi tiết và bố trí mặt bằng thi công chi tiết.

3.8.1 Thiết kế tổ chức dây chuyền thi công chi tiết nhằm xác định đựoc chiều dài đoạn đường bằng đất gia cố vôi được hoàn thành trong một ngấy sao cho tận dụng được hết thời gian làm việc của các máy chính (máy phay, các máy lu, ô tô và bố trí thời gian làm việc phối hợp giữa các xe máy không để các xe máy phải nghỉ chờ đợi nhau).

Muốn vậy phải tính toán thời gian làm việc cần thiết của từng loại xe máy để hoàn thành từng trình tự công việc trong các điều kiện cụ thể tại chỗ (cự ly vận chuyển đất cụ thể; từng thời gian quay đầu của xe may sau mỗi hành trình, trong đó kể cả thời gian xe, máy phải di chuyển không thao thác…) tưong ứng với một số phương án có tốc độ dây chuyền khác nhau (50m, 75m, 100m, 150m /ngày …), từ đó chọn được phương án đạt yêu cầu nói trên, tức là tận dụng được hết khả năng của số xe máy thực tế đơn vị có .

Với máy phay BOMAG tốc độ dây chuyền thường từ 100 – 200m /ngày.

3.8.2 Bố trí mặt bằng thi công chi tiết gồm các nội dung:

-Bố trí chiều dài khai triển dây chuyền hợp lý (chiều dài này bằng bội số của tốc độ dây chuyền đã chọn) để xe máy có đủ mặt bằng làm việc liên tục (máy phay trộn xong ở một đoạn, có thể chuyển sang một đoạn phía trước để xới và làm nhỏ đất…); Thường chỉ nên bố trí chiều dài này gồm hai đọan (gấp đôi tốc độ dây chuyền) vì nếu càng khai triển dài thì thi công càng dễ chịu ảnh hưởng của thời tiết, nhất là trong mùa mưa;

-Bố trí đường tạm để chở đất, để xe máy đi lại và quay đầu…

-Bố trí chỗ lấy nước;

-Bố trí chỗ lấy đất và bãi trộn dất với vôi (nếu theo phương án trộn ở ngoài pham vi lòng đường).

Trước khi thi công chính thức, đơn vị thi công phải tổ chức thi công thí điểm trên một đoạn bằng chiều dài khai triển dây chuyền nói ở điểm 3.8.2, để kiểm tra toàn bộ các nội dung chuẩn bị nói trên và kiểm tra việc vận hành, phối hợp của các xe, máy theo dây chuyền thi công đã thiết kế xem hợp lý chưa; nếu cần thì điều chỉnh kịp thời, đặc biệt là các nội dung ở điểm 3.2.2, 3.2.3, 3.4, 3.7 và các nội dung có liên quan đến chất lượng thi công như khả năng làm nhỏ đất, trộn đều với vôi và khả năng đầm nén đạt độ chặt yêu cầu trên thực tế.

3.10 Trình tự thi công lớp đất gia cố vôi:

3.10.1 Trường hợp lấy đất ngay tại lòng đường để gia cố:

- Cày xới đất nền với bề dày hxới được xác định như ở điểm 3.4

- Làm nhỏ đất

- Rải vôi

- Trộn khô đất với vôi

- San sửa bề mặt, tạo mui luyện

- Lu lèn đạt độ chặt yêu cầu

- Bảo dưỡng

3.10.2 Trường hợp lấy đất ngoài lòng đường (từ mỏ đất) để gia cố:

- Tạo mui luyện lòng đường và lu lèn lòng đường bằng lu nặng 3 bánh loại 12 đến 15 tấn khoảng 3 – 4 lần /1điểm cho đến khi không thấy vệt lu, tưới ẩm lòng đường trước khi rải đất.

- Chở đất từ mỏ, san rải đều trong phạm vi lòng đường bằng máy san và làm nhỏ đất ngay tại lòng đường bằng máy phay sau đó thực hiện tiếp các khâu từ rải vôi cho đến bảo dưỡng như ở điểm 3.10.1.

Cũng có thể làm nhỏ tại mỏ thậm chí vừa làm nhỏ vừa trộn khô đất với vôi tại chỗ, rồi chở chúng ra đường và thực hiện tiếp các khâu công tác còn lại; trong trường hợp này tại mỏ phải có bãi để máy phay (hoặc các máy khác) đi lại, thao tác làm nhỏ hoặc làm nhỏ và trộn vôi, sau đó phải vun đống để dùng máy xúc các loại xúc lên ô tô tự đổ chuyên chở ra hiện trường.

3.11 Để lấy đất tại mỏ, tùy theo độ cứng và mức độ khó dễ của đất hay cấp phối, có thể sử dụng các loại phương tiện cơ giới khác nhau giống như khi thi công đào đất làm nền đường (máy ủi, máy cạp chuyển, máy xúc…).

3.12 Để cày xới đất nền ở lòng đường ở độ sâu hxới nên dùng các máy có lắp lưỡi cày xới hoặc dùng ngay máy san có lắp dàn lưỡi cày xới đi khắp bề rộng lòng đường một vài lượt, sau đó dùng nhân lực nhặt bỏ những hòn đá có kích cỡ lớn hơn 70 mm rồi mới cho máy phay vào tiếp tục vừa cày xới vừa làm nhỏ.

3.13 Dùng máy phay làm nhỏ đất phải đạt yêu cầu như sau:

- 100% hạt đất nhỏ hơn 25 mm (không kể sỏi sạn lẫn vào đất có cỡ hạt quy định như nói ở điểm 2.1).

- 60% hạt đất nhỏ hơn 5mm.

Tùy theo độ ẩm và độ chặt của đất khi làm nhỏ, máy phay phải đi lại từ 2 – 4 lần/điểm với tốc độ di chuyển của máy từ 150 – 300m /giờ.

Độ ẩm của đất khi làm nhỏ thích hợp nhất thường là độ ẩm nhỏ hơn độ ẩm tốt nhất khi dầm nén 3 - 4%. Nếu đất có độ ẩm lớn hơn thì phải tăng số lần phay để đất chóng khô. Đất chắc và thuộc loại á sét nặng thì nên giảm tốc độ di chuyển của máy. Phải kiểm tra bằng cách quan sát mức độ đồng đều về độ nhỏ trên toàn bề dày lớp đất được làm nhỏ và kiểm tra nhanh bằng rây sàng theo yêu cầu nói trên, đồng thời phải kiểm tra bề dày lớp đất đã được làm nhỏ với hệ số rải đất Kh nói ở điểm

3.2.3, nhất là đối với các trường hợp lấy đất từ mỏ hoặc ngoài phạm vi lòng đường.

3.14 Việc rải vôi được thực hiện bằng nhân lực với lượng vôi tính toán như hướng dẫn ở điểm 3.2.3. Tỷ lệ vôi thực tế dùng khi thi công phải lớn hơn tỷ lệ với thí nghiệm trong phòng 1%.

Việc rải vôi ở đây chỉ có nghĩa là khuân, xếp các bao vôi có khối lượng đã biết đặt cách nhau một cự ly tính trước và sau đó rạch miệng túi trút vôi ngay tại chỗ (để tránh bụi, khi trút vôi sống nghiền không phải rê và rũ bao, không được nhấc miệng bao quá cao). Đối với vôi tả có thể dùng xô, chậu đong (theo thể tích) để phân bố đều trên đất đã đựoc làm ngỏ với khoảng cách theo tính toán trước.

Với máy phay, không cần phải rải vôi đều phủ kín lớp đất đã được làm nhỏ.

3.15 Sau khi rải vôi tiến hành trộn khô đất với vôi bằng máy phay với 3 - 4 lần /điểm rồi tưới ẩm để có độ ẩm lớn hơn độ ẩm tốt nhất 1 – 2% (trời nắng nên dùng trị số lớn để phòng bốc hơi nước) và lập tức tiến hành trộn ẩm hỗn hợp với 3 - 4 lần /điểm nữa.

Hỗn hợp trộn đều phải đồng màu sắc từ trên xuống dưới trong toàn đoạn thi công, không được thấy có vết vôi, vón hòn vôi, lốm đốm vôi… và phải có độ ẩm xấp xỉ độ ẩm tốt nhất để dầm nén được thuận lợi, nếu phát hiện hỗn hợp hơi khô thì phải tưới thêm nước trộn lại vài lần và nếu hỗn hợp hơi quá ẩm thì cũng phải trộn thêm để đất khô bớt.

Kết thúc trình tự này phải kiểm tra bề dày lớp hỗn hợp đất – vôi và đặc biệt phải kiểm tra chặt độ ẩm, vì nếu thiếu ẩm thì lu sẽ rất khó chặt và thừa ẩm thì sau dễ phát sinh nhiều khe nứt không có quy luật trên mặt lớp đất – vôi.

Sau khi kiểm tra, phải san sửa bề mặt, nếu phát hiện có các chỗ lồi thì phải kịp thời gạt bằng và có các chỗ lõm thì phải kịp thời bù phụ bằng hỗn hợp đã trộn, tạo dốc ngang trước khi lu.

3.16 Bề dày lớp hỗn hợp đất vôi sau khi trộn phải được kiểm tra đạt trị số hđất -vôi tính theo công thức sau:

hđất–vôi = Khv.htk                 (3-5)

Trong đó ht k là bề dày thiết kế của lớp đất gia cố vôi đã được đầm nén chặt, Khv là tỷ số giữa dung trọng khô yêu cầu của đất gia cố vôi sau khi đầm nén d(đất-vôi)

(xem điểm 3.2.2) với dung trọng khô của đất vừ trộn đều với vôi ở trạng thái chưa đầm nén d’(đất -vôi).

Trị số d’(đất -vôi) được xác định nhanh bằng thí nghiệmngay tại hiện trường sau khi vừa trộn xong đất với vôi (tức là sau trình tự nói ở điểm 3.15). Nếu không có điều kiện thí nghiệm thì cho phép dùng trị số Khv = 1,53 ~ 1,58.

3.17 Việc lu lèn được thực hiện như sau:

- Lu vừa lu sơ bộ 2 lần/điểm, nếu qua lu sơ bộ còn phát hiện có chỗ lồi lõm thì phải tiếp tục bù phụ hoặc gạt bằng, lúc này phải cuốc, xới cục bộ với độ sâu 5cm để san sửa lại nhằm tránh hiện tượng bù phụ ngay trên mặt dễ gây ra hiện tượng bóc bánh đa;

- Dùng lu nặng hoặc lu lốp 6 – 10 lần/điểm với tốc độ 1,5 – 2,5 km/h (các lần

đầu đi chậm);

- Lu nặng là phẳng 2 – 3 lần/điểm;

Trong quá trình lu lèn, nếu phát hiện độ ẩm ở bề mặt lớp đất - vôi không đủ thì nên tưới ẩm thêm, nếu phát hiện quá ẩm, gây hiện tượng “cao su” thì phải ngừng lu, kịp thời cày xới và trộn lại cho đến khi giảm độ ẩm đạt yêu cầu.

Nếu kiểm tra độ chặt chưa đạt thì phải lu lèn tiếp tục cho tới khi đạt yêu cầu. Việc lu lèn đất gia cố vôi có thể kéo dài trong phạm vi 24 giờ kể từ sau khi trộn đất với vôi, tuy nhiên vẫn nên hoàn thành nhanh để tránh nước bốc hơi và đề phòng bị mưa đột ngột.

3.18 Khi gia cố đất quá ẩm với vôi thì phải chia lượng vôi làm hai phần, một phần

(khoảng 30 – 50% tổng lượng vôi) đem rải và trộn trước với đất quá ẩm ngay khi đất vừa được cày xới lèn cho đến khi độ ẩm giảm, sau đó đem phần vôi còn lại rải, trộn

và thực hiện tiếp các trình tự thi công nói trên.

3.19 Nếu đất gia cố vôi phải thi công làm hai họăc nhiều lớp thì sau khi lu lèn xong lớp dưới có thể thi công ngay lớp trên với trình tự và cách làm tương tự (trước đó, phải tưới ẩm bề mặt lớp dưới). Nếu không kịp làm ngay thì nên rải đất lớp trên để giữ ẩm cho lớp dưới và chậm nhất là 1 – 2 ngày sau phải trộn vôi, lu lèn xong lớp trên. Nếu làm xong lớp dưới nhưng không có điều kiện làm ngay lớp trên thì phải tiến hành bảo dưỡng như quy định ở điều 3.2.1

3.20 Đối với lớp đất gia cố vôi dùng làm tầng mặt trên có láng nhựa thì sau khi lu lèn gần chặt (đạt khoảng 80% công lu quy định) phải rải đá găm kích cỡ 15 – 20 mm (không được dùng sỏi cuội mà phải dùng đá nghiền) với số lượng 15 – 20 lít/m2, rồi lu tiếp cho đá chìm một phần vào trong đất gia cố (lúc đó, độ chặt của đất gia cố cũng vừa đạt yêu cầu).

3.21 Công việc bảo dưỡng

Đất gia cố vôi phải tiến hành bảo dưỡng ngay sau khi vừa hoàn thành khâu lu lèn nhằm giữ ẩm trong thời gian hình thành cường độ và chống nứt co ngót không có quy luật. Việc giữ ẩm được thực hiện băng một trong các cách sau:

- Phủ cát (dày 4 – 5 cm) và tưới nước thường xuyên ít nhất là 7 ngày đêm. Nếu có điều kiện nên tưới ẩm 2 – 3 tuần. Số lần và lượng nước tưới được xác định tùy thuộc điều kiện thời tiết .

- Dùng nhũ tương, nhựa lỏng hoặc nhựa pha dầu tưới phủ kín bề mặt lớp đất gia cố vôi để ngăn chặn bốc hơi nước, lượng nhựa tưới là 0.8 – 1 lít/m2.

3.22 Phải cấm xe đi lại trên lớp đất gia cố vôi trong 7 ngày kể từ khi thi công xong. Nếu không có điều kiện thì phải cấm xe tải và hạn chế tốc độ xe dưới 20 km/h.

4- Kiểm tra, nghiệm thu.

4.1 Kiểm tra trước khi thi công gồm các nội dung sau:

4.1.1 Kiểm tra mọi công tác chuẩn bị nói ở điểm 3.1 trong đó chú trọng kiểm tra tình trạng xe máy, kiểm tra việc định vị tìm đường, phạm vi lòng đường và các biện pháp thoát nước mặt bằng thi công. Việc kiểm tra chất lượng vật liệu phải tuân theo quy định ở các điểm 4.2.1 và 4.2.2.

4.1.2 Kiểm tra độ bằng phằng cao độ và độ dốc ngang của nền hoặc lớp móng dưới

lớp đất gia cố sẽ thi công theo các quy định ở điểm 4.2.5.

4.2 Kiểm tra trong quá trình thi công:

4.2.1 Kiểm tra đất dùng để gia cố vôi: phải tiến hành thí nghiệm kiểm tra các chỉ tiêu của đất nói ở điểm 2.1, 2.2 và 3.2.2 theo quy định như sau:

- Cứ mỗi lần thay đổi loại đất phải thí nghiệm kiểm tra tất cả các chỉ tiêu nói trên;

- Nếu quan sát thấy nghi ngờ đất thuộc loại khác thì cần kiểm tra một số chỉ tiêu đơn giản như chỉ số dẻo, tỷ lệ cỡ hạt lớn… để khẳng định.

- Đất cùng loại, cùng lấy ở một mỏ thì cứ 1.000 m3 phải tiến hành kiểm tra lại tất cả các chỉ tiêu nói trên.

- Nếu kết quả kiểm tra đất không đạt các yêu cầu nói ở 2.1 và 2.2 thì không được phép sử dụng. Còn nếu đạt yêu cầu quy định ở 2.1 và 2.2 nhưng có khác với các chỉ tiêu của loại đất trong đồ án thiết kế thì phải trao đổi với phía thiết kế hoặc phía tư vấn giám sát để họ điều chỉnh tỷ lệ vôi, điều chỉnh các chỉ tiêu kiểm tra (như d(đất-vôi), bề dày rải đất, vôi …) nếu thấy cần thiết.

4.2.2 Vôi phải được kiểm tra thông qua các chỉ tiêu hàm lượng vôi và độ mịn (bảng 2.3, điểm 2.3) để bảo đảm các yêu cầu ở bảng 2.3 và bảo đảm vôi sử dụng có chất lượng bằng hoặc tốt hơn loại vôi phía thiết kế đã dùng để thí nghiệm các định các chỉ tiêu của đất gia cố vôi và để chọn tỷ lệ vôi:

- Cứ mỗi lần thay đổi nguồn cung cấp vôi đều phải tiến hành thí nghiệm kiểm tra;

- Cùng một cơ sở sản xuất cung cấp vôi thì cứ sử dụng 300 tấn vôi lại phải tiến hành thí nghiệm kiểm tra.

4.2.3 Việc kiểm tra lượng vôi trộn vào đất tạm thời cho phép được thực hiện bằng cách đếm số lượng bao gói và cự ly bao gói xếp trên phạm vi đất sắp được trộn với vôi. Nếu dùng vôi tôi, vôi tả thì đếm số lượng xô vôi được đổ trên phạm vi sắp trộn. Đồng thời phải kiểm tra khối lượng mỗi bao gói (hoặc thể tích mỗi xô vôi) với xác xuất 3 bao (3 xô) trên 100 bao (100 xô). Khối lượng này không được ít hơn khối lượng quy định 1% với điều kiện số bao (hoặc số xô vôi) không được thiếu so với dự tính.

4.2.4 Việc kiểm tra mức độ trộn đều vôi với đất tạm thời cho phép dùng cách quan sát bằng mắt nhưng phải quan sát cả trên mặt và cả theo bề dày lớp trộn với các biểu hiện như miêu tả ở điểm 3.15. Việc kiểm tra phải tiên hành thường xuyên trong quá trình trộn.

4.2.5 Trước khi ra vôi, khi trộn, và trươc khi lu lèn phải kiểm tra độ ẩm của đất và của hỗn hợp vôi đất bằng phương pháp đốt cồn hoặc bằng phao thử độ chặt (22TCN 67- 84), đồng thời phải kiểm tra bề dày rải đất đã làm nhỏ (điểm 3.13) và bề dày đất đã trộn vôi trước khi lu lèn (điểm 3.16). Cứ mỗi đoạn thi công phải kiểm tra ngay tại hiện trường ở 3 vị trí với các nội dung nói trên tương ứng với từng trình tự thi công.

4.2.6 Kết thúc lu phải tiến hành kiểm tra độ chặt (trên cơ sở xác định dung trọng khô của lớp đất gia cố). Cứ 1.000 m2 (hoặc trong một đoạn công tác, trong một ca làm việc) thí nghiệm ba vị trí. Chú ý kiểm tra chỗ tiếp giáp giữa các đợt, các ca hoặc các đoạn thi công gia cố. Thử nghiệm theo phương pháp rót cát (22TCVN -13- 79) hoặc phương pháp dao vòng. Độ chặt không được thấp hơn độ chặt quy định.

4.2.7 Phải kiểm tra chiều dày lớp đất gia cố, sau khi dầm nén chặt. Mỗi đoạn thi công ít nhất 3 điểm. Xác định chiều dày bằng cách đào, khoan xăm kiểu xách tay. Sai số bề dày cho phép là ± 10 mm.

4.2.8 Sau khi lu kết thúc, tiến hành đo dộ bằng phẳng bằng thức đo 3m đảm bảo đạt loại tốt với khe hở không lớn 10 mm (theo quy trình 22TCVN -16- 79), đo theo cả hai phương dọc và ngang, cứ trung bình 100m kiểm tra 1 điểm vị trí cụ thể do GSV hoặc Kỹ sư tư vấn quyết định, đồng thời phải dùng máy cao đạc để đo cao độ xác định độ bằng phẳng chung của cả đoạn làm lớp đất gia cố sai số cho phép về cao độ là ± 10mm, về độ dốc ngang là ± 0.5%.

4.2.9 Nếu có yêu cầu của Tổ chức tư vấn hoặc kỹ sư tư vấn đo cường độ móng đất sau khi biến cứng (sau 28 ngày) thì cần đúc mẫu bằng hỗn hợp khi trộn xong khuôn cối 1000cc và bảo dưỡng theo quy định trong đồ án thiết kế, sau đó thí nghiệm cường độ trong phòng.

4.3 Công tác kiểm định nghiệm thu.

4.3.1 Ban quản lý dự án và Tổ chức tư vấn ngoài việc kiểm tra soát xét và xác nhận chỉ tiêu chất lượng từng ca (đoạn) của đơn vị thi công, còn cần phải kiểm tra cường độ chịu nén sau 28 ngày (lấy mẫu nguyên dạng tại lớp kết cấu mang về phòng thí nghiệm kiểm tra Rn). Số lượng điểm kiểm tra do Kỹ sư tư vấn quyết định.

4.3.2 Ban quản lý dự án cùng với Tổ chức tư vấn cần xem xét chứng chỉ chất lượng và các văn kiện hồ sơ hoàn công (thí nghiệm phúc tra nếu thấy cần thiết) để nghiệm thu lớp đất gia cố đã thi công đảm bảo các yêu cầu quy định nói trên, trước khi tiến hành tiếp tục thi công lớp kết cấu bên trên.

 

PHỤ LỤC

TÍNH NĂNG KỸ THUẬT CỦA MÁY PHAY CHUYÊN DÙNG

Hãng sản xuất: BOMAG Ký hiệu: MPH 100 S

- Trọng lượng (Kg) Trọng lượng hoạt động CECE; 14664

- Đặc điểm:

+ Tốc độ (làm việc) m/min: 0 – 55,5

+ Tốc độ đi km/h : 0 – 19,7

-Tên hãng sản xuất động cơ : DETROIT Loại 6V-92T

Làm mát: Bằng nước

-Công suất làm việc: SAEJ 1349 – 275 Km/345md

-Số vòng quay 2100 vòng/ph

-Hệ thống dẫn động thủy lực

-Hệ thống phanh:

+Công tác: Thủy lực

+Dừng: Thủy lực

- Phương pháp lái: Thủy lực

-Rô to cào trộn đất:

+Chiều rộng: 2005 mm

+Đường kính đến đỉnh răng: 1218 mm

+Số răng cắt: 70

+Chiêu rộng cắt: 356 mm