UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1618/QĐ-UBND | Hưng Yên, ngày 17 tháng 09 năm 2007 |
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 112/2005/QĐ-TTg ngày 18/05/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005 - 2010”;
Căn cứ Công văn số 7318/BGD&ĐT-GDTX ngày 18/08/2005 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc “Hướng dẫn lập kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 112/2005/QĐ-TTg ngày 18/05/2005 của Thủ tướng Chính phủ”;
Xét đề nghị của Ban chỉ đạo cấp tỉnh triển khai thực hiện Quyết định số 112/2005/QĐ-TTg ngày 18/05/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005 - 2010” trên địa bàn tỉnh Hưng Yên,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản “Kế hoạch triển khai xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005 - 2010” trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.
Điều 2. Giao Sở Giáo dục và Đào tạo, các sở, ban ngành chức năng xây dựng kế hoạch cụ thể, hướng dẫn và phối hợp cùng UBND các huyện, thị xã tổ chức thực hiện chương trình đạt kết quả thiết thực.
Điều 3. Ông Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở, ban ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã căn cứ quyết định thi hành./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH |
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “XÂY DỰNG XÃ HỘI HỌC TẬP” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HƯNG YÊN
(Ban hành theo Quyết định số 1618/QĐ-UBND ngày 17/09/2007 của UBND tỉnh Hưng Yên)
Xây dựng xã hội học tập gắn liền với việc phát triển giáo dục thường xuyên giúp mọi người vừa làm vừa học, học liên tục, học suốt đời ở mọi nơi, mọi lúc, mọi cấp, mọi trình độ nhằm hoàn thiện nhân cách, mở rộng hiểu biết, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ để cải thiện chất lượng cuộc sống, tự tìm việc làm, thích nghi với đời sống xã hội; đồng thời huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội tham gia xây dựng và phát triển giáo dục đang là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, đã được thể chế hoá trong Luật Giáo dục năm 2005, Quyết định số 112/2005/QĐ-TTg ngày 18/05/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005-2010”.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên khoá XVI “… Phát triển giáo dục cân đối về quy mô, loại hình, tăng cường chất lượng, hiệu quả; chuyển dần sang mô hình giáo dục mở, xây dựng xã hội học tập…”.
Để triển khai thực hiện tốt chủ trương xây dựng xã hội học tập của Đảng và Nhà nước, xây dựng thành công xã hội học tập ở Hưng Yên, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch như sau:
ĐÁNH GIÁ XÃ HỘI HỌC TẬP Ở HƯNG YÊN ĐẾN NĂM 2006
1. Những tiến bộ đã đạt được:
- Mạng lưới trường Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở đã tương đối hoàn thiện; các xã, phường, thị trấn đã có lớp mẫu giáo, trường mầm non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở.
- Mỗi huyện có từ 02 đến 03 trường THPT công lập, 6 huyện đã có trường THPT dân lập.
- 05 huyện có Trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp, trong đó 02 Trung tâm mới được thành lập.
- Công tác xây dựng trường chuẩn đã được quan tâm hơn, đến hết năm 2006, toàn ngành đã có 117 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó ngành học mầm non có 18 trường, tiểu học có 74 trường, THCS có 24 trường, THPT có 01 trường.
- Mạng lưới các trường Đại học, Cao đẳng, THCN phát triển nhanh, đa dạng, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu học tập của nhân dân. Trên địa bàn tỉnh hiện có 2 trường Đại học, 3 trường Cao đẳng, 5 trường THCN, 4 trường dạy nghề và 2 trường nghiệp vụ.
Quy mô các cấp học trong năm học 2006 - 2007 như sau:
- Giáo dục mầm non: Có 06 trường công lập, 159 trường bán công, 01 trường dân lập. Tỷ lệ huy động cháu ra Nhà trẻ đạt 44,73%; Mẫu giáo đạt 91,3%. Riêng cháu 5 tuổi huy động ra lớp đạt 100%.
- Giáo dục Tiểu học: Có 169 trường, 2.868 lớp, với 81.689 học sinh. Huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100% (trừ trẻ khuyết tật).
- Giáo dục THCS: Có 168 trường, 2.117 lớp với 83.270 học sinh.
- Giáo dục THPT: Có 33 trường (trong đó có 25 trường công lập, 8 trường ngoài công lập); đã huy động khoảng 80% học sinh tốt nghiệp THCS vào học THPT, bổ túc THPT.
- Trung tâm KTTH-HN: có 5 trung tâm. Tổ chức dạy hướng nghiệp nghề cho 11.500 học sinh THPT, 4.000 học sinh THCS.
Chất lượng giáo dục có mặt được nâng lên, các cấp học, bậc học nghiêm túc thực hiện chương trình, hoạt động đi dần vào nền nếp, các phong trào như “Giữ vở sạch - Viết chữ đẹp - Phát âm chuẩn” được đẩy mạnh và thu được kết quả tốt. Việc đổi mới chương trình, thay sách được thực hiện theo quy định hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục THCS được củng cố và giữ vững. Công tác bồi dưỡng giáo viên được quan tâm thường xuyên. Năm 2006 có 3.970 học sinh đỗ đại học cao đẳng (cao hơn năm trước 390 em), 32 học sinh đạt giải quốc gia.
2. Hạn chế:
- Giáo dục Mầm non: Tỷ lệ giáo viên nhà trẻ chưa qua đào tạo còn cao, ở một số nơi cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa được đầu tư đúng mức, ảnh hưởng đến việc chăm sóc và giáo dục trẻ. Việc xây dựng khu điểm và văn phòng nhà trường còn khó khăn.
- Giáo dục Tiểu học: Cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới, hầu hết các trường thiếu phòng chức năng, nhiều phòng học chưa đủ tiêu chuẩn; việc tổ chức dạy tăng buổi ở một số địa phương gặp nhiều khó khăn.
- Giáo dục Trung học: Còn thiếu nhiều giáo viên (dạy Mỹ thuật, Âm nhạc, Công nghệ); hầu hết các trường thiếu phòng chức năng, chưa có phòng để thiết bị cho các lớp thay sách. Quy mô trường THPT đã mở rộng, đã có 80% học sinh tốt nghiệp THCS vào học THPT nhưng việc học nghề còn có khó khăn.
- Giáo dục Chuyên nghiệp: Một số trường CSVC, trang thiết bị phục vụ cho dạy nghề còn hạn chế; khu nội trú cho học sinh sinh viên còn khó khăn ảnh hưởng đến công tác quản lý học sinh sinh viên.
II. ĐỐI VỚI GIÁO DỤC THƯỜNG XUYÊN
1. Ưu điểm:
Cơ sở Giáo dục thường xuyên (GDTX) gồm: 02 Trung tâm giáo dục thường xuyên (TT GDTX) cấp tỉnh, 9 TT GDTX cấp huyện, thị xã, 161 Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) ở xã, phường, thị trấn (100% xã, phường, thị trấn có TTHTCĐ), 01 Trung tâm ngoại ngữ, tin học.
Đội ngũ cán bộ giáo viên, nhân viên TT GDTX huyện, thị xã gồm 148 biên chế, trong đó có 25 cán bộ quản lý, đang tổ chức thực hiện các chương trình: Chương trình xoá mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ; Chương trình giáo dục để lấy văn bằng, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân và một số chương trình khác theo các lớp chuyên đề để đáp ứng yêu cầu người học, giúp mọi người vừa làm vừa học nhằm cập nhật kiến thức, tìm hiểu về Văn hoá, Khoa học kỹ thuật, Sức khoẻ, Pháp luật, theo đúng tinh thần “Vì người học”, “Cần gì học nấy” cho mọi người dân.
Riêng kế hoạch năm học 2006 - 2007 là:
- Dạy sau XMC cho 659 học viên.
- Dạy Tin học ứng dụng A, B, C cho 974 học viên.
- Dạy Ngoại ngữ ứng dụng A, B, C cho 2.645 học viên.
- Dạy số lớp chuyên đề mở trong học kỳ I là 1.064 lớp.
- Dạy BT THPT cho 7.608 học viên.
Ngoài ra các cơ quan, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội có tổ chức các hoạt động bồi dưỡng kiến thức nhằm giúp cán bộ, nhân viên, nhân dân lao động cập nhật kiến thức, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao dân trí, ổn định tình hình chính trị và an toàn xã hội.
2. Hạn chế:
- Còn thiếu nhiều phòng học (hiện tại toàn tỉnh mới có 105 phòng học, trong đó 70 phòng học kiên cố, 35 phòng học cấp 4; thiết bị dạy học còn thiếu chưa đáp ứng được yêu cầu; đội ngũ giáo viên còn thiếu nhiều, nhiều TT GDTX không đủ giáo viên bộ môn; hàng năm các TT GDTX phải hợp đồng với giáo viên về hưu, đang dạy tại các trường THPT nên thường bị động, khó kiểm soát chất lượng dạy học.
- Việc tham mưu phát triển Trung tâm Ngoại ngữ, Tin học còn chậm.
- Chất lượng hoạt động của TT HTCĐ chưa cao, chưa có người chuyên tổ chức hoạt động; cơ sở vật chất còn thiếu, cán bộ trung tâm còn thiếu kinh nghiệm, năng lực và nhiệt tình.
- Các TT GDTX chưa phát huy hết chức năng, như việc liên kết, hỗ trợ đào tạo còn rất hạn chế, chưa có cơ chế thích hợp để phát huy hết vai trò của các cơ sở giáo dục thường xuyên.
Nguyên nhân:
Ở nhiều nơi, nhận thức, trách nhiệm của cán bộ địa phương cơ sở giáo dục còn hạn chế, công tác tham mưu chưa tích cực, việc phối hợp tổ chức chưa nhiều.
Do điều kiện kinh tế còn khó khăn nên việc đầu tư xây dựng phòng học, mua sắm trang thiết bị dạy học cho hoạt động của các cơ sở GDTX còn hạn chế.
Đội ngũ giáo viên còn thiếu nhiều, không có nguồn giáo viên bổ sung, ít có giáo viên có nguyện vọng về công tác trong ngành học GDTX.
1. Mục tiêu chung:
Xây dựng cả tỉnh trở thành một xã hội học tập, góp phần xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập giúp mọi người vừa làm vừa học, học liên tục, học suốt đời ở mọi nơi, mọi lúc, mọi cấp, mọi trình độ nhằm hoàn thiện nhân cách, mở rộng hiểu biết, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ để cải thiện chất lượng cuộc sống, tự tìm việc làm, thích nghi với đời sống xã hội; đồng thời huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội tham gia xây dựng và phát triển giáo dục.
Xây dựng cả tỉnh trở thành một xã hội học tập dựa trên nền tảng phát triển đồng thời, gắn kết, liên thông cả hai bộ phận cấu thành: Giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên của hệ thống giáo dục quốc dân, trong đó giáo dục thường xuyên thực hiện các chương trình học tập nhằm tạo các điều kiện tốt nhất đáp ứng mọi yêu cầu học tập suốt đời, học tập liên tục của mọi công dân sẽ là một bộ phận có chức năng quan trọng, làm tiền đề để xây dựng xã hội học tập.
2. Mục tiêu cụ thể:
1. Nâng cao kết quả xoá mù chữ, phấn đấu tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 tuổi trở lên đạt trên 99%, trong đó đối với số người có độ tuổi từ 15 tuổi đến 35 tuổi đạt tỷ lệ trên 99,5%.
Huy động trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ khuyết tật không đi học ở nhà trường được đi học theo các chương trình phổ cập đạt trên 85% đối với trẻ trong độ tuổi từ 6 đến 10 tuổi, đạt trên 75% đối với số trẻ trong độ tuổi từ 11 đến 14 tuổi.
Bảo đảm tỷ lệ số người biết chữ bằng nhau giữa nam và nữ.
2. Phấn đấu đạt tỷ lệ trên 80% số cán bộ xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) và các huyện, thị xã (gọi chung là cấp huyện) được học tập, bồi dưỡng cập nhật kiến thức về quản lý, pháp luật, kinh tế và xã hội, để nâng cao khả năng công tác.
3. 100% số cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan Nhà nước được tham gia các khoá đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý, lý luận chính trị, tin học, ngoại ngữ v.v...
4. Trên 85% số người lao động trong các lĩnh vực nông nghiệp và các lĩnh vực khác được tiếp cận và thụ hưởng các chương trình bồi dưỡng giúp nâng cao hiểu biết, khả năng lao động, sản xuất và nâng cao chất lượng cuộc sống.
5. Hoàn thành phổ cập bậc trung học trong toàn tỉnh vào năm 2010.
1. Tăng cường công tác quán triệt, tuyên truyền, giáo dục, xây dựng phong trào “Cả tỉnh trở thành một xã hội học tập".
Làm tốt công tác quán triệt, đa dạng hoá công tác tuyên truyền để các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các sở, ban ngành, đoàn thể quan tâm làm tốt việc phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo, chú trọng giáo dục thường xuyên.
Nâng cao nhận thức về quyền lợi và trách nhiệm của cán bộ, nhân dân, của các cá nhân, tập thể trong việc học tập thường xuyên, học liên tục, học suốt đời.
Kết hợp giáo dục nhà trường, gia đình và xã hội, tạo môi trường giáo dục lành mạnh ở mọi nơi, mọi lúc, trong từng cộng đồng, từng tập thể.
2. Củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm giáo dục thường xuyên:
a) Tăng cường đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên của các TT GDTX theo hướng đáp ứng được yêu cầu tiêu chuẩn trong giáo dục mới, tổ chức đào tạo bồi dưỡng theo quy định, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học để có khả năng thực hiện được nhiều chương trình giáo dục, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân.
Xây dựng thực hiện định mức biên chế giáo viên trong các TT GDTX, đảm bảo bình đẳng các loại hình đào tạo.
b) Củng cố tổ chức và chấn chỉnh hoạt động của các TT GDTX và Trung tâm ngoại ngữ, tin học theo hướng hoàn thiện mô hình tổ chức, tăng cường trách nhiệm cho cơ sở, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục; quản lý chặt các khâu thi, tuyển sinh, cấp văn bằng, chứng chỉ.
c) Thực hiện phân cấp quản lý các TT GDTX theo Quy chế tổ chức và hoạt động của TT GDTX được ban hành theo Quyết định số 01/2007/QĐ-BGD&ĐT ngày 02/01/2007 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và quyết định của UBND tỉnh.
d) Tăng cường mở các khoá đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý, lý luận chính trị, tin học, ngoại ngữ v.v... cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các lĩnh vực nông nghiệp và các lĩnh vực khác nhằm bồi dưỡng nâng cao hiểu biết, khả năng lao động, sản xuất và nâng cao chất lượng cuộc sống.
e) Thực hiện tốt chương trình bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, giáo viên trong các cơ sở GDTX theo Quyết định số 03/2005/QĐ-BGD&ĐT ngày 15/02/2005 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc ban hành quy chế bồi dưỡng thường xuyên chu kỳ III.
3. Củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng:
Tăng cường quản lý nhà nước, đầu tư và chỉ đạo hoạt động đối với TTHTCĐ xã, phường, thị trấn để có khả năng thực hiện nhiều chương trình giáo dục đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân.
Đa dạng về nội dung, hình thức tổ chức các hoạt động, tăng cường báo cáo viên có chất lượng; đẩy mạnh xã hội hoá, sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí cấp hàng năm. Mỗi huyện xây dựng ít nhất một TT HTCĐ điển hình tiên tiến.
Ban cộng tác viên cấp xã tăng cường sưu tầm tài liệu của các cơ quan chức năng, các cơ sở khoa học, tham gia giảng bài, hướng dẫn thực hành cho các TT HTCĐ.
Việc tham gia sưu tầm tài liệu, giảng bài, hướng dẫn thực hành tại các TT HTCĐ được coi là vinh dự, trách nhiệm trong việc phục vụ nhân dân lao động, phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
4. Củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của các hình thức giáo dục, các cơ sở giáo dục khác:
Tích cực triển khai thực hiện nội dung Quyết định số 164/2005/QĐ-TTg ngày 04/09/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Phát triển giáo dục từ xa giai đoạn 2005 - 2010” nhằm tăng nhanh khả năng cung ứng cơ hội học tập theo phương thức giáo dục từ xa. Sử dụng có hiệu quả các phương tiện thông tin và truyền thông hiện đại, tận dụng tối đa các phương tiện truyền thanh, truyền hình để phục vụ cho việc dạy và học theo phương thức giáo dục từ xa.
Củng cố và duy trì bền vững các cơ sở đang tham gia hoạt động GDTX, phát triển việc dạy chương trình BT THPT của các trường chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành lập thêm trung tâm ngoại ngữ - tin học, phấn đấu đến năm 2010 thành lập được từ 5 đến 7 trung tâm ngoại ngữ - tin học hoạt động có hiệu quả.
Hướng dẫn, chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, dịch vụ, kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế khác thành lập các cơ sở học tập, bồi dưỡng thường xuyên cho người lao động theo quy định của Nhà nước.
Thực hiện phương châm tạo điều kiện thuận lợi cho người học. Tổ chức thời gian học tập linh hoạt như học ban đêm, học vào ngày nghỉ, học theo mùa vụ.
5. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về giáo dục:
Ngành giáo dục - đào tạo, UBND các cấp theo chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường công tác quản lý nhà nước về giáo dục; tổ chức thanh tra, kiểm tra đánh giá, kiểm định chất lượng theo quy định, đẩy mạnh công tác thi đua khen thưởng thường xuyên, định kỳ đối với việc xây dựng xã hội học tập của các cấp, ngành, đoàn thể.
1. Giải pháp về cơ chế, chính sách:
Sở Giáo dục - Đào tạo phối hợp với các Sở, ban ngành chức năng tham mưu để tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo, cơ chế, chính sách cụ thể để khuyến khích và quy định trách nhiệm cho các sở, ban ngành, các tổ chức, địa phương; tạo điều kiện thuận lợi cho các sở, ban ngành, cá nhân và tập thể phát huy khả năng góp phần xây dựng xã hội học tập.
2. Giải pháp tài chính:
Đẩy mạnh thực hiện xã hội hoá theo Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18/04/2005 về đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá và thể dục thể thao nhằm huy động mọi nguồn lực của xã hội để phát triển GDTX.
Dành ngân sách Nhà nước để hỗ trợ phát triển GDTX cho các nhiệm vụ sau:
a) Xây dựng định mức kinh phí hàng năm cho Phòng Giáo dục các huyện, thị xã để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ đẩy mạnh hoạt động của TT HTCĐ.
b) Tăng cường đầu tư ngân sách Nhà nước; từng bước hiện đại hoá các trang thiết bị, thư viện, trường học theo hướng chuẩn hoá để phục vụ đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp dạy học.
c) Hỗ trợ kinh phí cho công tác điều tra cơ bản, tập huấn, biên soạn và in ấn tài liệu cung cấp nội dung cho hoạt động của TT HTCĐ.
3. Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành, đoàn thể:
Trên cơ sở các quy định của Nhà nước, chức năng nhiệm vụ các sở, ban ngành các địa phương chủ động trong hoạt động nhằm hoàn thành tốt mục tiêu đề ra.
Phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Sở Văn hoá Thông tin để gắn kết phong trào “Cả tỉnh thành một xã hội học tập” với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”.
Phối hợp với Hội Khuyến học để đẩy mạnh các hoạt động khuyến học, khuyến tài nhằm phát huy tính hiệu quả của các mô hình: "Gia đình hiếu học", "Dòng họ khuyến học”, “Tổ dân phố, làng bản văn hoá", "Xã, phường, thị trấn khuyến học" với những nội dung, tiêu chí xác định, cụ thể, thiết thực.
1. Phân công trách nhiệm của các sở, ban, ngành.
1.1. Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm tham mưu, chủ trì và phối hợp với các sở, ban ngành liên quan xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện; trực tiếp phụ trách đối với việc “Xây dựng xã hội học tập” trong giáo dục phổ thông và GDTX theo quyết định của Nhà nước. Hướng dẫn kiểm tra, giám sát, tổng hợp tình hình thực hiện, báo cáo UBND tỉnh và Bộ GD&ĐT, giúp tổ chức sơ kết, tổng kết.
1.2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp cùng với Sở GD&ĐT, các sở, ban, ngành liên quan và địa phương xây dựng định mức, tổ chức thực hiện việc dạy nghề.
1.3. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, tham mưu xây dựng ngân sách hàng năm cho giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên, kinh phí thực hiện kế hoạch “Xây dựng xã hội học tập”; tham mưu xây dựng các chính sách hỗ trợ học sinh sinh viên, không để sinh viên đại học, cao đẳng, học nghề phải bỏ học theo tinh thần Chỉ thị số 21/2007/CT-TTg ngày 04/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ; tham mưu cơ chế chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư cho giáo dục, trình UBND tỉnh hướng dẫn thu chi; kiểm tra, thanh tra tài chính theo quy định hiện hành.
1.4. Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các sở, ban ngành liên quan và địa phương đưa kế hoạch xây dựng xã hội học tập vào nhiệm vụ kế hoạch định kỳ của ngành và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Chủ trì và phối hợp cùng Sở Tài chính, Sở GD&ĐT để tham mưu kế hoạch ngân sách Nhà nước trình UBND tỉnh phê duyệt.
1.5. Sở Nội vụ chủ trì và phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tham mưu việc thực hiện bồi dưỡng cán bộ, công nhân viên chức. Nghiên cứu để xác định biên chế cho các TT GDTX trình UBND tỉnh phê duyệt.
1.6. Đề nghị Liên đoàn lao động tỉnh: Quán triệt triển khai thành hệ thống chỉ đạo Công đoàn cơ sở phối hợp xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện để công chức, viên chức và người lao động tham gia học tập nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp.
1.7. Đề nghị Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh: Chỉ đạo Hội Phụ nữ cơ sở phối hợp tổ chức các hình thức học phù hợp, lồng ghép các chương trình giáo dục XMC, sau XMC với các nội dung hoạt động kinh tế, văn hoá, xã hội … thiết thực, bổ ích.
1.8. Đề nghị Hội Nông dân tỉnh: Hướng dẫn Hội Nông dân các cấp tham mưu về cơ chế tài chính để nông dân được tham gia các chương trình GDTX. Chỉ đạo Hội Nông dân các cấp phối hợp với ngành chức năng để tổ chức điều tra khảo sát trình độ văn hoá, nhu cầu học tập suốt đời của nông dân; xây dựng kế hoạch học XMC, học chuyên đề khoa học kỹ thuật, pháp luật, kỹ thuật nông nghiệp cho nông dân tại các TT GDTX, TT HTCĐ và các cơ sở giáo dục khác.
1.9. Hội Khuyến học tỉnh: Chỉ đạo và hướng dẫn các cấp hội khuyến học ở cơ sở vận động xây dựng Quỹ khuyến học theo quy định, tạo điều kiện thuận lợi để mọi người được tham gia học tập. Xây dựng những điển hình tiên tiến về phong trào: "Gia đình hiếu học", "Dòng họ khuyến học”, "Xã, phường, thị trấn khuyến học" ...
1.10. Đề nghị Tỉnh Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh: Phối hợp điều tra cơ bản về trình độ văn hoá và nhu cầu học tập, đào tạo nghề của thanh niên. Phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan để mở lớp đào tạo nghề, bồi dưỡng nâng cao trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ.
1.11. Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Hưng Yên có trách nhiệm phối hợp với các ngành, đoàn thể trong tỉnh để tổ chức tuyên truyền về kế hoạch “Xây dựng xã hội học tập” ở Hưng Yên.
1.12. UBND huyện, thị xã có trách nhiệm chỉ đạo các ban, ngành ở địa phương phối hợp cụ thể hoá các nội dung của Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “xây dựng xã hội học tập” trên địa bàn vào chương trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Thành lập ban chỉ đạo cấp huyện với thành phần tương ứng như Ban chỉ đạo cấp tỉnh.
2. Kế hoạch triển khai thực hiện:
Đến tháng 12/2007: Triển khai quán triệt văn bản chỉ đạo của cấp trên, thành lập Ban chỉ đạo các cấp; điều tra khảo sát nhu cầu học tập, đào tạo nghề, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng sống của cán bộ công chức, nhân dân; xây dựng mô hình thí điểm cấp tỉnh và cấp huyện (mỗi huyện chọn từ 2 đến 4 xã tiêu biểu); sưu tầm tài liệu và tập huấn cán bộ, chuyển giao kinh nghiệm.
Năm 2008, 2009: Triển khai đại trà ở các cấp các ngành, các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện xây dựng xã hội học tập hoàn thành các mục tiêu của kế hoạch. Tháng 6/2009 tổ chức sơ kết.
Năm 2010: Đánh giá tổng kết việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, tiếp tục duy trì kết quả đã đạt được, đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu các năm tiếp theo./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH |
- 1 Kế hoạch 177/KH-UBND năm 2013 xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2013-2020 thành phố Hà Nội
- 2 Quyết định 684/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Kế hoạch xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020 tỉnh Vĩnh Long
- 3 Quyết định 856/QĐ.UBND.VX năm 2013 về phê duyệt Đề án Xây dựng xã hội học tập ở Nghệ An giai đoạn 2012 - 2020
- 4 Chỉ thị 21/2007/CT-TTg về việc thực hiện chế độ cho vay ưu đãi để học đại học, cao đẳng và dạy nghề do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5 Quyết định 01/2007/QĐ-BGDĐT về Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm giáo dục thường xuyên do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 6 Quyết định 164/2005/QĐ-TTg phê duyệt đề án "Phát triển giáo dục từ xa giai đoạn 2005 - 2010" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7 Quyết định 112/2005/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005 - 2010" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8 Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP về việc đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục, thể thao do Chính Phủ ban hành
- 9 Quyết định 03/2005/QĐ-BGD&ĐT về Quy chế bồi dưỡng thường xuyên chu kỳ III cho giáo viên các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, bổ túc văn hóa, trung tâm giáo dục thường xuyên và trung tâm kỹ thuật tổng hợp – hướng nghiệp do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 10 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 1 Quyết định 856/QĐ.UBND.VX năm 2013 về phê duyệt Đề án Xây dựng xã hội học tập ở Nghệ An giai đoạn 2012 - 2020
- 2 Quyết định 684/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Kế hoạch xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020 tỉnh Vĩnh Long
- 3 Kế hoạch 177/KH-UBND năm 2013 xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2013-2020 thành phố Hà Nội