Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ KHOA HỌC VÀ
CÔNG NGHỆ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1641/QĐ-BKHCN

Hà Nội, ngày 29 tháng 06 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT MỤC TIÊU, NỘI DUNG VÀ DỰ KIẾN SẢN PHẨM CỦA CHƯƠNG TRÌNH KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP QUỐC GIA GIAI ĐOẠN 2016 - 2020 "NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN VÀ CẤP BÁCH VỀ DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ CHÍNH SÁCH DÂN TỘC Ở VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2030"

BỘ TRƯỞNG BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Căn cứ Nghị định số 20/2013/NĐ-CP ngày 26/02/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;

Căn cứ Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 11/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 2356/QĐ-TTg ngày 04/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020;

Căn cứ Thông tư số 05/2015/TT-BKHCN ngày 12/3/2015 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định tổ chức quản lý các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia;

Theo đề nghị của Ủy ban Dân tộc tại Công văn số 1389/UBDT-TH ngày 23/12/2014 về đề xuất Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia;

Xét đề nghị của Ông Vụ trưởng Vụ Khoa học Xã hội và Tự nhiên,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt mục tiêu, nội dung và dự kiến sản phẩm của Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 do Ủy ban Dân tộc chủ trì thực hiện "Những vấn đề cơ bản và cấp bách về các dân tộc thiểu số và chính sách dân tộc ở Việt Nam đến năm 2030", Mã số: CTDT/16-20 (Phụ lục kèm theo).

Điều 2. Các Ông Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Khoa học Xã hội và Tự nhiên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tổng hợp, Vụ trưởng Vụ Tài chính và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Ủy ban Dân tộc;
- Bộ Tài chính;
- Lưu VT, Vụ XHTN.

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Quân

 

PHỤ LỤC

MỤC TIÊU, NỘI DUNG VÀ DỰ KIẾN SẢN PHẨM CỦA CHƯƠNG TRÌNH KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP QUỐC GIA GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

"Những vấn đề cơ bản và cấp bách về các dân tộc thiểu số và chính sách dân tộc ở Việt Nam đến năm 2030"

Mã số: CTDT/16-20
(Kèm theo Quyết định số 1641/QĐ-BKHCN ngày 29/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ)

I. Mục tiêu:

1. Mục tiêu tổng quát:

Cung cấp luận cứ khoa học nhằm giải quyết các vấn đề cơ bản mang tính chiến lược và thực tiễn cấp bách liên quan đến các dân tộc thiểu số, từ đó thực hiện đổi mới chính sách dân tộc đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, góp phần thực hiện thành công Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

2. Mục tiêu cụ thể:

2.1. Cung cấp luận cứ khoa học để nhận diện các vấn đề cơ bản mang tính chiến lược và thực tiễn cấp bách liên quan đến các dân tộc thiểu số và chính sách dân tộc đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

2.2. Đề xuất phương hướng và giải pháp đổi mới chính sách dân tộc nhằm phát triển bền vững đối với các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, góp phần thực hiện thành công Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

2.3. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ công tác hoạch định và thực hiện hiệu quả, lâu dài chính sách dân tộc.

II. Nội dung:

1. Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn của vấn đề dân tộc và chính sách dân tộc ở Việt Nam từ Đổi mới (1986) đến nay để nhận diện các vấn đề cơ bản mang tính chiến lược và thực tiễn cấp bách liên quan đến dân tộc thiểu số và chính sách dân tộc, đảm bảo an ninh quốc gia và phát triển bền vững:

- Phân tầng xã hội và tình trạng đói nghèo ở các dân tộc thiểu số và tác động của nó đối với ổn định và phát triển bền vững.

- Đất đai và sở hữu đất đai ở các dân tộc thiểu số.

- Vấn đề di dân của các dân tộc thiểu số, tái định cư trong quá trình di biến dân số ở nước ta và tác động đến phát triển vùng và phát triển quốc gia.

- Nghiên cứu động thái, xu hướng biến đổi tôn giáo, tín ngưỡng và tác động đến phát triển bền vững.

- Vấn đề đảm bảo quyền của các dân tộc thiểu số ở nước ta trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội hiện nay.

- Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số phục vụ mục tiêu phát triển bền vững. Những vấn đề đặt ra trong quản lý và phát triển.

- Nguồn nhân lực dân tộc thiểu số và chính sách thu hút nguồn nhân lực cho phát triển vùng dân tộc thiểu số.

- Quan hệ dân tộc và xu hướng phát triển của các mối quan hệ tộc người trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa.

- Các yếu tố tiêu cực tác động đến an ninh phi truyền thống ở vùng dân tộc thiểu số.

- Thể chế quản lý xã hội phi chính thức và sự tác động đến phát triển bền vững ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

2. Đánh giá hiệu quả quản lý nhà nước về vấn đề dân tộc và công tác dân tộc từ Đổi mới (1986) đến nay:

- Tổng kết, phân tích, đánh giá hiệu lực, hiệu quả và tác động của các chính sách về dân tộc thiểu số và công tác dân tộc.

- Tổng kết, phân tích, đánh giá tác động của các chương trình, dự án, đề án đã được thực hiện ở vùng dân tộc thiểu số từ Đổi mới đến nay.

- Phân tích, đánh giá tác động của các chương trình, dự án phát triển của các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước đến các dân tộc thiểu số.

3. Nghiên cứu xây dựng các khung chính sách phục vụ phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số đến năm 2030:

- Chính sách về củng cố hệ thống chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.

- Chính sách phát triển kinh tế gắn với đặc thù vùng miền và các dân tộc thiểu số.

- Chính sách phát triển giáo dục, văn hóa, xã hội, môi trường trên cơ sở bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc.

- Chính sách về đảm bảo quốc phòng, an ninh.

4. Nghiên cứu đề xuất quan điểm, giải pháp phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số và thực hiện chiến lược công tác dân tộc đến năm 2030:

- Giải pháp về củng cố hệ thống chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, coi trọng năng lực quản lý, năng lực thực thi và giám sát chính sách về dân tộc của nhà nước trên địa bàn.

- Giải pháp về phát triển kinh tế, coi trọng ứng dụng và chuyển giao công nghệ gắn với các mô hình sinh kế bền vững trong các điều kiện và đặc điểm cụ thể của đồng bào dân tộc thiểu số.

- Giải pháp về phát triển văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường, coi trọng thực hiện quyền của đồng bào dân tộc thiểu số trong điều kiện bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc, v.v..

- Giải pháp về quốc phòng, an ninh vùng đồng bào dân tộc.

5. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về các dân tộc thiểu số và chính sách dân tộc phục vụ công tác hoạch định và thực hiện hiệu quả, lâu dài chính sách dân tộc.

III. Dự kiến các sản phẩm của Chương trình

1. Luận cứ khoa học và hệ thống lý luận về các vấn đề cơ bản mang tính chiến lược và thực tiễn cấp bách liên quan đến các dân tộc thiểu số và chính sách dân tộc.

2. Hệ thống khung chính sách và các giải pháp (kiến nghị Đảng và Nhà nước) để giải quyết những vấn đề cấp bách về dân tộc thiểu số và đổi mới chính sách dân tộc ở Việt Nam trong điều kiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đến năm 2030.

3. Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về các dân tộc thiểu số và chính sách dân tộc phục vụ nghiên cứu giải quyết vấn đề dân tộc thiểu số và đổi mới chính sách dân tộc trong điều kiện CNH, HĐH và hội nhập quốc tế đến năm 2030.

4. Yêu cầu đối với sản phẩm khoa học của Chương trình và các đề tài thuộc Chương trình:

- Đáp ứng được yêu cầu theo các tiêu chí cụ thể để xác định, đánh giá

- Tổng kết được các kết quả nghiên cứu đã có

- Đề xuất được những nhận thức mới

- Dự báo được các khả năng phát triển và biến đổi của những vấn đề nghiên cứu đặt ra

- Có giá trị khoa học và giá trị thực tiễn cụ thể.

IV. Các chỉ tiêu đánh giá Chương trình

- Chỉ tiêu về ứng dụng vào thực tiễn: 60% các kiến nghị, giải pháp, mô hình và sản phẩm khoa học được các cấp có thẩm quyền chấp nhận ứng dụng và thực hiện, nhân rộng.

- Chỉ tiêu về trình độ khoa học: 100% đề tài có kết quả được công bố trên tạp chí khoa học có uy tín của quốc gia hoặc quốc tế, trong đó tỷ lệ công bố quốc tế đạt ít nhất 10%.

- Chỉ tiêu về đào tạo: 80% số đề tài hỗ trợ đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ (mỗi đề tài hỗ trợ đào tạo ít nhất 01 tiến sĩ, 02 thạc sĩ)