Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1641/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “BỒI DƯỠNG NÂNG CAO NĂNG LỰC ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ TRẺ VÀ CÁN BỘ LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ LÀ NỮ CỦA CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG Ở NƯỚC NGOÀI GIAI ĐOẠN 2023 - 2025

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Cán bộ, công chức ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức ngày 25 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ;

Căn cứ Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức;

Căn cứ Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trẻ và cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ của chính quyền địa phương ở nước ngoài giai đoạn 2023 - 2025” (sau đây gọi là Đề án) với những nội dung chủ yếu sau:

I. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI ÁP DỤNG VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN

1. Đối tượng áp dụng

Đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trẻ (dưới 45 tuổi) có năng lực nổi trội, có chiều hướng phát triển và cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ, bảo đảm các tiêu chuẩn, điều kiện để cử đi bồi dưỡng ở nước ngoài theo quy định của pháp luật hiện hành, gồm:

a) Cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ (dưới 45 tuổi) giữ chức danh Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

b) Cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ giữ chức danh Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh còn đủ tuổi công tác đến hết nhiệm kỳ 2025 - 2030;

c) Cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trẻ (dưới 45 tuổi) có năng lực nổi trội, có thành tích xuất sắc trong công tác và có triển vọng phát triển, được quy hoạch chức danh Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2026 và 2026 - 2030.

2. Phạm vi áp dụng: 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

3. Thời gian thực hiện: từ năm 2023 đến hết năm 2025.

II. YÊU CẦU

1. Việc tổ chức các khóa bồi dưỡng ở nước ngoài bảo đảm thiết thực, chất lượng, hiệu quả, gắn với yêu cầu nhiệm vụ nhằm nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trẻ và cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ của chính quyền địa phương.

2. Lựa chọn đối tượng tham gia bồi dưỡng là các cán bộ, công chức tiêu biểu, có năng lực nổi trội và có chiều hướng phát triển, chưa tham gia bồi dưỡng các Chương trình, Đề án sử dụng ngân sách nhà nước có cùng nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng trong cùng giai đoạn.

3. Tăng cường trách nhiệm của cơ quan quản lý trong việc lựa chọn và cử cán bộ, công chức tham gia các khóa bồi dưỡng. Đề cao ý thức, trách nhiệm, tính tích cực của cán bộ, công chức được cử đi bồi dưỡng, phát huy hết khả năng để tiếp thu và vận dụng những kiến thức, kỹ năng từ các khóa học vào thực tiễn công tác.

4. Tích cực, chủ động phối hợp với các cơ sở đào tạo nước ngoài có uy tín, có năng lực và kinh nghiệm trong công tác bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, quản trị chính quyền địa phương; chủ động xây dựng nội dung, chương trình bồi dưỡng phù hợp, sát với yêu cầu đặt ra trong thực thi nhiệm vụ đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của chính quyền địa phương.

5. Thực hiện có chất lượng và hiệu quả các chương trình bồi dưỡng; bảo đảm tận dụng, phát huy tối đa kiến thức, kinh nghiệm của đội ngũ giảng viên và lựa chọn các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng có uy tín, chất lượng và phù hợp.

6. Thực hiện việc theo dõi đánh giá hiệu quả công tác sau bồi dưỡng gắn với công tác bố trí, sử dụng cán bộ, công chức.

III. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

a) Nâng cao năng lực hoạch định chính sách, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo, điều hành cho đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trẻ và cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ của chính quyền địa phương đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả chỉ đạo, điều hành chính quyền địa phương, góp phần xây dựng và phát triển đất nước trong tình hình mới và hội nhập quốc tế.

b) Tạo chuyển biến lớn trong nhận thức và cách thức tổ chức quản lý; tiếp cận với cách tư duy mới; mở rộng tầm nhìn cho cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trẻ và cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ; học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm và phương pháp làm việc hiệu quả.

c) Nghiên cứu, học tập kinh nghiệm ở một số nước góp phần xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động và thực tài.

2. Mục tiêu cụ thể

Giai đoạn 2023 - 2025 tổ chức bồi dưỡng ở nước ngoài cho khoảng 180 - 200 cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trẻ (dưới 45 tuổi) và cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ của chính quyền địa phương, cụ thể: mỗi năm tổ chức khoảng 04 khóa bồi dưỡng, mỗi khóa có khoảng từ 15 - 17 cán bộ, công chức thuộc đối tượng của Đề án.

IV. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Xác định nội dung chương trình bồi dưỡng

Tập trung bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và yêu cầu vị trí việc làm chuyên môn, nghiệp vụ nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo trẻ, cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ của các địa phương, cụ thể:

a) Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, quản trị chính quyền địa phương, chuyển đổi số, hội nhập quốc tế và cải cách hành chính công.

b) Chương trình bồi dưỡng gồm các nội dung chính sau:

- Quản lý và phát triển lãnh đạo;

- Quản lý công trên nền tảng số; Lãnh đạo trong bối cảnh chuyển đổi số; Chính phủ điện tử/chính phủ số, chính quyền điện tử/chính quyền số; Nâng cao chất lượng và hiệu quả của dịch vụ công;

- Cải cách hành chính;

- Quản trị và quản lý hành chính chính quyền địa phương;

- Đạo đức công vụ và phòng, chống tham nhũng;

- Xử lý khủng hoảng (dịch bệnh, thiên tai, an ninh mạng...);

- Hệ thống hành chính từ Trung ương tới địa phương; Vai trò của chính quyền Trung ương và chính quyền địa phương; Mối quan hệ giữa chính quyền địa phương và chính quyền Trung ương;

- Hệ thống tự chủ địa phương và các hoạt động đẩy mạnh cải cách phân cấp;

- Quản lý hành chính, kinh tế - xã hội, phát triển và quản lý dịch vụ công, chính sách công, hội nhập quốc tế;

- Đổi mới công vụ, trong đó tập trung một số nội dung như: phương pháp xác định vị trí việc làm; đổi mới và nâng cao chất lượng tuyển dụng công chức; thi tuyển công chức tập trung; chính sách thu hút, trọng dụng và đãi ngộ người có tài năng trong hoạt động công vụ...

2. Đổi mới hình thức và phương pháp tổ chức bồi dưỡng

a) Tổ chức các khóa bồi dưỡng ngắn hạn (02 tuần) ở nước ngoài (ưu tiên lựa chọn Nhật Bản, Cộng hòa Pháp và một số nước tiên tiến khác); kết hợp giữa học tập và nghiên cứu, khảo sát thực tế.

Căn cứ vào chủ đề, nội dung cụ thể của từng khóa bồi dưỡng để lựa chọn các đơn vị, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng có uy tín, chất lượng, nhiều kinh nghiệm trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Nghiên cứu, lựa chọn để tổ chức một số khóa bồi dưỡng ở nước ngoài tại các đơn vị, cơ sở đào tạo của Nhật Bản và Cộng hòa Pháp.

b) Nghiên cứu lựa chọn để tổ chức một số khóa học trực tiếp bằng tiếng Anh đối với nhóm đối tượng là cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý có đủ khả năng giao tiếp, tiếp thu bằng tiếng Anh.

c) Thực hiện các khóa bồi dưỡng ngắn hạn trực tiếp ở nước ngoài nhằm đáp ứng đầy đủ các mục tiêu của khóa học (học tập và nghiên cứu, khảo sát thực tế); kết hợp linh hoạt với hình thức trực tuyến tùy vào điều kiện thực tế của các khóa học trong trường hợp bất khả kháng (dịch bệnh, thiên tai,...).

3. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong hoạt động bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trẻ và cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ của chính quyền địa phương

Tích cực mở rộng quan hệ tìm nguồn tài trợ nước ngoài theo các mối quan hệ giữa Nhà nước, Chính phủ Việt Nam, Bộ, ngành với các nước, các tổ chức quốc tế.

Xây dựng kế hoạch, chương trình hợp tác, liên kết với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng có uy tín ở nước ngoài để thực hiện bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trẻ và cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý là nữ. Trong đó, tập trung vào việc xây dựng nội dung chương trình bồi dưỡng.

Hợp tác với các nước phát triển có nhiều ưu thế, lợi thế về những ngành, lĩnh vực liên quan đến nội dung khóa bồi dưỡng.

Mở rộng mạng lưới các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng (trong và ngoài nước) có năng lực, uy tín tham gia thực hiện Đề án.

4. Thu hút, sử dụng có hiệu quả nguồn lực cho hoạt động bồi dưỡng cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trẻ và cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ của chính quyền địa phương ở nước ngoài

a) Bảo đảm nguồn lực tài chính từ ngân sách nhà nước và thu hút các nguồn lực xã hội trong và ngoài nước cho hoạt động bồi dưỡng cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trẻ và cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ ở nước ngoài trong từng năm và cả giai đoạn 2023 - 2025.

b) Tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn hỗ trợ của quốc tế cho công tác bồi dưỡng cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trẻ và cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ ở nước ngoài theo quy định của pháp luật.

V. LỘ TRÌNH VÀ KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Lộ trình

a) Năm 2023, 2024: tập trung xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện Đề án để hoàn thành các mục tiêu đề ra.

b) Năm 2025: Đẩy mạnh thực hiện các hoạt động để hoàn thành các mục tiêu của Đề án, đưa việc bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trẻ và cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ thành hoạt động thường xuyên, thiết thực và triển khai đồng bộ để nâng cao chất lượng, hiệu quả chỉ đạo, điều hành thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý của chính quyền địa phương.

2. Kinh phí

a) Kinh phí thực hiện Đề án được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức hàng năm cấp về Bộ Nội vụ theo quy định; kinh phí của cơ quan quản lý, sử dụng cán bộ, công chức.

b) Huy động thêm các nguồn tài trợ, hỗ trợ khác của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Bộ Nội vụ

a) Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trẻ và cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ của chính quyền địa phương ở nước ngoài hàng năm và cả giai đoạn.

b) Nghiên cứu, đề xuất và lựa chọn cơ sở đào tạo ở nước ngoài có uy tín, chất lượng, nhiều kinh nghiệm trong công tác tổ chức bồi dưỡng cán bộ, công chức để thực hiện các khóa bồi dưỡng theo yêu cầu của Đề án; phối hợp chặt chẽ với các cơ sở đào tạo ở nước ngoài để thực hiện hiệu quả các khóa bồi dưỡng.

c) Chú trọng xây dựng nội dung chương trình bồi dưỡng bảo đảm phù hợp với các nhóm đối tượng của Đề án; kết hợp học trực tiếp và nghiên cứu, khảo sát thực tế.

d) Xây dựng và ban hành quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện tham gia khóa bồi dưỡng đối với các nhóm đối tượng của Đề án bảo đảm phù hợp với quy định chung và quy định cụ thể của từng khóa bồi dưỡng.

đ) Thường xuyên kiểm tra, đánh giá chất lượng các khóa bồi dưỡng; hàng năm rà soát, đánh giá và bổ sung (nếu cần thiết) nội dung bồi dưỡng cho phù hợp với nhu cầu và yêu cầu thực tiễn quản lý, điều hành, bảo đảm gắn bồi dưỡng với công tác quy hoạch và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý, đặc biệt đối với các nhóm đối tượng của Đề án là nguồn cho đội ngũ cán bộ cấp chiến lược.

e) Tổng hợp nhu cầu, đề xuất kinh phí thực hiện Đề án gửi Bộ Tài chính thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

g) Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá, tổng hợp kết quả thực hiện Đề án; định kỳ sơ kết, tổng kết báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

2. Bộ Tài chính

a) Hàng năm cân đối ngân sách nhà nước, trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí thực hiện Đề án theo quy định của pháp luật.

b) Cho ý kiến về việc huy động và sử dụng các nguồn lực tài trợ từ các tổ chức, cá nhân nước ngoài hỗ trợ thực hiện Đề án (nếu có).

3. Bộ Ngoại giao

Cho ý kiến về việc ký kết các thỏa thuận quốc tế (nếu có) giữa Bộ Nội vụ với Cơ quan, Tổ chức nước ngoài về các nội dung liên quan đến việc hỗ trợ, tài trợ thực hiện các hoạt động của Đề án bảo đảm theo các quy định của pháp luật hiện hành.

4. Bộ Công an

a) Cho ý kiến về chủ trương hợp tác quốc tế và ký kết các thỏa thuận quốc tế (nếu có) giữa Bộ Nội vụ với Cơ quan, Tổ chức nước ngoài nhằm hỗ trợ thực hiện Đề án bảo đảm an ninh chính trị theo quy định của pháp luật.

b) Cho ý kiến về nguồn kinh phí tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thực hiện Đề án theo quy định của pháp luật.

5. Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

Đề nghị Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy phối hợp thực hiện Đề án và chỉ đạo thực hiện các nội dung sau:

a) Phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ trong việc tổ chức triển khai thực hiện Đề án đối với các nhóm đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao và theo quy định của pháp luật;

b) Lựa chọn và cử cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý đúng đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện, yêu cầu của Đề án; theo dõi, đánh giá cán bộ, công chức sau khi được bồi dưỡng gắn với công tác quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức;

c) Bố trí kinh phí, huy động các nguồn lực hợp pháp để thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức được cử đi bồi dưỡng theo quy định của pháp luật;

d) Phối hợp với Bộ Nội vụ tổ chức kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết kết quả thực hiện Đề án để báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phối hợp với Bộ Nội vụ và các cơ quan có liên quan triển khai thực hiện Đề án.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Bộ trưởng các Bộ: Nội vụ, Công an, Tài chính, Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ: Nội vụ, Công an, Tài chính, Ngoại giao;
- Tỉnh ủy, Thành ủy, HĐND, UBND các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương;
- Ban Tổ chức Trung ương;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT,
các Vụ: KTTH, KGVX;
- Lưu: VT, TCCV (2b).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Phạm Bình Minh