Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1644/QĐ-UBND

Đà Lạt, ngày 20 tháng 7 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “QUY HOẠCH MẠNG LƯỚI TRUNG TÂM TRỢ GIÚP PHÁP LÝ NHÀ NƯỚC VÀ CHI NHÁNH CỦA TRUNG TÂM GIAI ĐOẠN 2008 - 2010, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2015” CỦA CHÍNH PHỦ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Trợ giúp pháp lý ngày 29/6/2006;

Căn cứ Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý;

Căn cứ Quyết định số 792/QĐ-TTg ngày 23/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Quy hoạch mạng lưới Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước và Chi nhánh của Trung tâm giai đoạn 2008 - 2010, định hướng đến năm 2015”;

Xét đề nghị của Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng tại Tờ trình số 115/TTr-STP ngày 04/6/2009 về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Quy hoạch mạng lưới Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước và Chi nhánh của Trung tâm giai đoạn 2008-2010, định hướng đến năm 2015” của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng;

Theo đề nghị của Sở Nội vụ tỉnh Lâm Đồng tại Tờ trình số 417/TTr-SNV ngày 13/7/2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Đề án “Quy hoạch mạng lưới Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước và Chi nhánh của Trung tâm giai đoạn 2008 - 2010, định hướng đến năm 2015” của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài chính, Thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./-

 

 

TM.ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH





Huỳnh Đức Hòa

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN QUY HOẠCH MẠNG LƯỚI TRUNG TÂM TRỢ GIÚP PHÁP LÝ NHÀ NƯỚC VÀ CHI NHÁNH CỦA TRUNG TÂM GIAI ĐOẠN 2008 - 2010, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2015 CỦA CHÍNH PHỦ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1644/QĐ-UBND ngày 20/7/2009 của UBND tỉnh Lâm Đồng)

Triển khai Luật Trợ giúp pháp lý ngày 29/6/2006, Quyết định số 792/QĐ-TTg ngày 23/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Quy hoạch mạng lưới Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước và Chi nhánh của Trung tâm giai đoạn 2008 - 2010, định hướng đến năm 2015”.

Nhằm phát huy nguồn lực hiện có, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, từng bước xã hội hóa trợ giúp pháp lý bằng việc mở rộng và phát triền mạng lưới cộng tác viên, khuyến khích, thu hút và huy động tổ chức luật sư, tư vấn pháp luật tham gia trợ giúp pháp lý, tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước, bảo đảm sự phát triển ổn định và bền vững trên cơ sở nhu cầu trợ giúp pháp lý ngày càng tăng của nhân dân.

UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Quy hoạch mạng lưới Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước và Chi nhánh của Trung tâm giai đoạn 2008 - 2010, định hướng đến năm 2015” của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng như sau:

I. Mục tiêu:

1. Mục tiêu chung:

a) Bảo đảm thực hiện trên thực tế quyền được trợ giúp pháp lý của người nghèo, người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số và các đối tượng khác theo quy định của pháp luật, khắc phục các bất cập, hạn chế trong tổ chức bộ máy, cán bộ của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước (sau đây gọi là Trung tâm) và Chi nhánh Trung tâm (sau đây gọi là Chi nhánh), huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia trợ giúp pháp lý, tăng cường điều kiện về nguồn lực và cơ sở vật chất để đáp ứng kịp thời nhu cầu trợ giúp pháp lý của nhân dân.

b) Kiện toàn Trung tâm và hình thành mạng lưới Chi nhánh, đáp ứng có hiệu quả yêu cầu nhiệm vụ, bảo đảm trợ giúp pháp lý là trách nhiệm của Nhà nước. Nhà nước giữ vai trò nòng cốt trong việc thực hiện, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý để hoạt động trợ giúp pháp lý thực sự gần dân, thân dân, sát cơ sở, giải quyết vụ việc ngay tại địa bàn, gắn với tuyên truyền, giải đáp pháp luật, giảm bớt tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp và không đúng pháp luật.

c) Xác định hợp lý về cơ cấu tổ chức bộ máy, số lượng viên chức của Trung tâm và Chi nhánh, bảo đảm tính chuyên môn hóa, tách bạch các hoạt động mang tính hành chính với các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ trợ giúp pháp lý cũng như định hướng phát triển cộng tác viên trên cơ sở dự báo đầy đủ nhu cầu trợ giúp pháp lý để thực hiện việc quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho phù hợp, nâng cao năng lực cán bộ nghiệp vụ, bảo đảm tính chuyên sâu, chuẩn hóa đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý theo hướng chuyên môn hóa, đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ.

2. Mục tiêu cụ thể:

a) Giai đoạn 2009 - 2010:

- Tập trung củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy của Trung tâm, Trung tâm có Giám đốc, các Phó Giám đốc và các viên chức chuyên môn nghiệp vụ, kế toán và văn thư, thủ quỹ với 02 phòng chuyên môn là Phòng Tổ chức - Hành chính và Phòng Nghiệp vụ. Tích cực tìm nguồn cán bộ để thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, chú trọng cán bộ là nữ, người dân tộc thiểu số để tạo nguồn bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý và chuẩn bị nguồn cho việc thành lập các Chi nhánh tại các huyện xa Trung tâm.

Rà soát củng cố các Tổ trợ giúp pháp lý (Tổ cộng tác viên) ở các huyện và xây dựng đề án thành lập các Chi nhánh. Ngoài Chi nhánh số 1 (tại thị xã Bảo Lộc), trong năm 2009 - 2010, thành lập tiếp Chi nhánh số 2 (tại huyện Lâm Hà) và Chi nhánh số 3 (tại huyện Đạ Tẻh). Chi nhánh có Trưởng Chi nhánh là Trợ giúp viên pháp lý và các viên chức nghiệp vụ, bảo đảm chuyên môn hóa, đáp ứng từ 95% đến 98% nhu cầu trợ giúp pháp lý của người được trợ giúp pháp lý.

- Tiến hành thành lập, củng cố mạng lưới Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý ở các xã, phường, thị trấn, nhất là ở các xã đặc biệt khó khăn và ở huyện nghèo Đam Rông, duy trì và nâng cao chất lượng sinh hoạt các câu lạc bộ để câu lạc bộ thực sự là hình thức trợ giúp pháp lý cộng đồng, cung cấp kiến thức pháp luật, giải tỏa kịp thời các vướng mắc pháp luật của nhân dân ngay tại địa bàn dân cư.

- Củng cố và phát triển mạng lưới Cộng tác viên trợ giúp pháp lý, nhất là ở cơ sở và cán bộ, công chức làm việc trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, luật sư, luật gia tham gia trợ giúp pháp lý. Đến năm 2010, Trung tâm có từ 150 cộng tác viên trở lên, bảo đảm mỗi lĩnh vực trợ giúp pháp lý có 10 cộng tác viên chuyên sâu, trong đó có 70% cộng tác viên có trình độ đại học.

Chú trọng mạng lưới tổ chức hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật, khuyến khích và thu hút các tổ chức này đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý. Đến 2010 thu hút từ 30% đến 40% tổng số tổ chức hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý.

- Thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về kiến thức pháp luật, kỹ năng trợ giúp pháp lý cho cán bộ, viên chức của Trung tâm, Chi nhánh, Tổ trợ giúp pháp lý, Trợ giúp viên, Cộng tác viên, Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, bảo đảm hàng năm có từ 60 - 80% các đối tượng được bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ và kiến thức pháp luật.

- UBND tỉnh bảo đảm nguồn lực cán bộ, cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc, kinh phí theo quy định cho công tác trợ giúp pháp lý; bảo đảm cho Trung tâm và Chi nhánh có đủ kinh phí cho hoạt động chuyên môn nghiệp vụ và cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc, phương tiện đi lại phục vụ hoạt động chuyên môn như xác minh vụ việc, trợ giúp lưu động, sinh hoạt câu lạc bộ, tập huấn chuyên đề pháp luật…Đồng thời có chính sách khuyến khích động viên các cơ quan, tổ chức, cá nhân đóng góp, hỗ trợ hoạt động trợ giúp pháp lý và tranh thủ sự hỗ trợ từ quỹ trợ giúp pháp lý Việt Nam, qua các dự án, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đối với hoạt động của Trung tâm.

b) Giai đoạn 2011 - 2015:

- Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, tăng cường biên chế, nâng cao năng lực hoạt động của Trung tâm và Chi nhánh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, tiếp tục thành lập các Chi nhánh tại các địa bàn nơi đặt Tòa án khu vực theo lộ trình cải cách tư pháp, đáp ứng kịp thời nhu cầu trợ giúp pháp lý của nhân dân.

Đến năm 2015, mỗi lĩnh vực trợ giúp pháp lý đều có ít nhất từ 02 - 03 Trợ giúp viên pháp lý chuyên trách, trong đó có ít nhất 05 Trợ giúp viên pháp lý giỏi, có khả năng thực hiện ít nhất từ 02 - 03 lĩnh vực trợ giúp pháp lý trở lên và có khả năng tham gia tố tụng thành thạo. Dự liệu đủ nguồn lực cán bộ, viên chức cho Trung tâm và Chi nhánh tạo nguồn bổ sung Trợ giúp viên pháp lý để khắc phục tình trạng điều động, luân chuyển cán bộ, bảo đảm Trung tâm ổn định số lượng Trợ giúp viên pháp lý để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

- Nâng cao năng lực của Trung tâm để có đủ khả năng tổ chức, huy động các tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý. Tạo nguồn lực người thực hiện trợ giúp pháp lý để đáp ứng 100% nhu cầu trợ giúp pháp lý của người được trợ giúp pháp lý, bảo đảm đến năm 2015 thực hiện trong thực tế quyền được lựa chọn người thực hiện trợ giúp pháp lý.

Đến năm 2015, Trung tâm có từ 200 cộng tác viên trở lên, trong đó mỗi lĩnh vực trợ giúp pháp lý có từ 05 cộng tác viên chuyên sâu trở lên, ở các xã có Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, có từ 01 đến 02 cộng tác viên để tham gia sinh hoạt câu lạc bộ và hỗ trợ Trung tâm, Chi nhánh tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động đến các thôn, bản. Bảo đảm hàng năm 100% tổng số người thực hiện trợ giúp pháp lý đều được bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn về kỹ năng trợ giúp pháp lý và kiến thức pháp luật.

Dự liệu đủ nguồn kinh phí và tăng dần hàng năm, bảo đảm cho hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Trung tâm và các Chi nhánh.

II. Các nội dung cụ thể của kế hoạch:

1. Giai đoạn 2009 - 2010:

a) Thành lập các Chi nhánh của Trung tâm:

- Về vị trí pháp lý: Chi nhánh là đơn vị trực thuộc của Trung tâm đặt tại cấp huyện, thực hiện trợ giúp pháp lý trong phạm vi từ 01 đến 03 huyện trở lên và chịu sự quản lý của Trung tâm. Chi nhánh có con dấu để giao dịch, sử dụng cho hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ. Trung tâm chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của Chi nhánh.

- Về nhiệm vụ, quyền hạn: Chi nhánh có nhiệm vụ thực hiện trợ giúp pháp lý bằng các hình thức trợ giúp pháp lý quy định tại Điều 27 Luật Trợ giúp pháp lý và các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm do UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành và theo phân công của Giám đốc Trung tâm.

- Về cơ cấu tổ chức: Chi nhánh có Trưởng Chi nhánh, Trợ giúp viên pháp lý và các chuyên viên, Trưởng Chi nhánh phải là Trợ giúp viên pháp lý.

- Năm 2009 - 2010, triển khai thành lập mới Chi nhánh số 2 (tại huyện Lâm Hà) để trợ giúp pháp lý cho nhân dân tại các huyện Lâm Hà, Đam Rông và Chi nhánh số 3 (tại huyện Đạ Tẻh) để trợ giúp pháp lý cho nhân dân ở các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên (trong đó bảo đảm mỗi Chi nhánh ít nhất có 03 biên chế, trong đó có 01 Trưởng Chi nhánh là Trợ giúp viên pháp lý).

Việc thành lập và kiện toàn Chi nhánh phải bảo đảm đáp ứng được nhu cầu trợ giúp pháp lý của nhân dân ngay tại cơ sở, huy động được các nguồn lực của địa phương tham gia thực hiện, hỗ trợ công tác trợ giúp pháp lý, đồng thời đảm bảo việc hướng dẫn, triển khai sinh hoạt đối với các Tổ trợ giúp pháp lý, các Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý và hỗ trợ trợ giúp pháp lý lưu động.

b) Phát triển mạng lưới trợ giúp pháp lý ở cơ sở để hỗ trợ hoạt động cho Trung tâm và Chi nhánh.

- Đối với các huyện chưa thể thành lập Chi nhánh thì tiếp tục củng cố, duy trì hoạt động của Tổ trợ giúp pháp lý và phát triển mạng lưới cộng tác viên để hỗ trợ triển khai thực hiện trợ giúp pháp lý trên địa bàn cấp huyện.

- Năm 2009 - 2010, tiếp tục thành lập Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý ở tất cả các xã nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc qia giảm nghèo và Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các năm tiếp theo, tiếp tục củng cố các câu lạc bộ đã được thành lập để thu hút người được trợ giúp pháp lý, những người thuộc diện cận nghèo, phụ nữ, người dân tộc thiểu số tham gia sinh hoạt và điều hành câu lạc bộ.

c) Chuẩn bị tốt nguồn lực bảo đảm triển khai thực hiện nhiệm vụ:

- Thu hút nguồn cử nhân luật, khuyến khích, động viên các luật sư vào làm việc tại Trung tâm và Chi nhánh, tạo nguồn để cử đi đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ trợ giúp pháp lý. Khuyến khích và có chính sách đối với cán bộ, viên chức trẻ, tích cực đến làm việc tại các Chi nhánh, nhất là các Chi nhánh đặt tại vùng sâu, vùng xa.

Chú trọng việc quy hoạch bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý đối với đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý, kịp thời bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý đối với người đủ tiêu chuẩn, hạn chế tối đa việc luân chuyển Trợ giúp viên pháp lý đã có kinh nghiệm và kỹ năng trợ giúp pháp lý. Khuyến khích các tổ chức hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật, cá nhân có đủ điều kiện tham gia trợ giúp pháp lý.

- Đầu tư nâng cấp, cải tạo trụ sở làm việc của Trung tâm thuận tiện cho người được trợ giúp pháp lý trong việc tiếp cận với hoạt động trợ giúp pháp lý theo Điều 32 Luật Trợ giúp pháp lý. Bố trí địa điểm và phương tiện làm việc của các Chi nhánh. Trước mắt, khi mới thành lập, UBND cấp huyện bố trí địa điểm làm việc cho Chi nhánh gắn với Phòng Tư pháp. Về lâu dài, Nhà nước có chính sách đầu tư, bố trí, xắp xếp hoặc xây dựng trụ sở riêng cho Chi nhánh.

- Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc, đặc biệt là tủ sách pháp luật, máy tính cho Trung tâm và Chi nhánh để từng bước thực hiện việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác trợ giúp pháp lý, tạo sự liên thông trong việc thực hiện các vụ việc giữa các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý.

- Tăng cường đầu tư kinh phí từ nguồn ngân sách Nhà nước và từ các chương trình mục tiêu quốc gia, từ các nguồn hỗ trợ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Trung tâm và Chi nhánh.

2. Định hướng đến năm 2015:

- Tiếp tục củng cố, kiện toàn Trung tâm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, kiện toàn các phòng chuyên môn theo lĩnh vực trợ giúp pháp lý và có đầy đủ các chức danh trưởng, phó phòng, đảm bảo mỗi lĩnh vực trợ giúp pháp lý đều có Trợ giúp viên pháp lý chuyên trách.

- Củng cố, kiện toàn các Chi nhánh, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn 2011 - 2015, bảo đảm sự phát triển ổn định, bền vững của các Chi nhánh. Bố trí nguồn lực cán bộ, kinh phí, cơ sở vật chất để các chi nhánh hoạt động có chất lượng, hiệu quả. Phấn đấu mỗi Chi nhánh có ít nhất 02 Trợ giúp viên pháp lý trở lên. Tiếp tục thành lập Chi nhánh tại nơi có tòa án khu vực để tham gia tố tụng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý.

- Xây dựng, kiện toàn mạng lưới trợ giúp pháp lý ở cơ sở, củng cố, phát triển mạng lưới cộng tác viên ít nhất từ 200 cộng tác viên trở lên, mỗi lĩnh vực trợ giúp pháp lý có 05 cộng tác viên, cấp xã có ít nhất từ 01 - 02 cộng tác viên để hỗ trợ sinh hoạt Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý. Phấn đấu có từ 50% đến 60% tổng số tổ chức hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý.

- Dự liệu các nguồn lực về con người, cơ sở vật chất, kinh phí bảo đảm cho hoạt động trợ giúp pháp lý.

III. Các giải pháp để thực hiện kế hoạch:

1. Dự toán nguồn kinh phí bảo đảm cho hoạt động và thực hiện kế hoạch:

a) Ngân sách địa phương bảo đảm cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động, trang thiết bị, phương tiện làm việc của Trung tâm và Chi nhánh (bao gồm kinh phí bảo đảm hoạt động thường xuyên, kinh phí chi không thường xuyên và dự trù kinh phí nghiệp vụ trợ giúp pháp lý) theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

b) Ngoài nguồn kinh phí do ngân sách Nhà nước cấp hàng năm, cấp từ các chương trình mục tiêu quốc gia, Quỹ trợ giúp pháp lý Việt Nam và dự án quốc tế, cần huy động thêm sự hỗ trợ của tổ chức, cá nhân để thực hiện đầu tư cho việc phát triểm mạng lưới Trung tâm và Chi nhánh.

2. Giải pháp kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ:

a) Hoàn thiện quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế làm việc của Trung tâm và Chi nhánh theo hướng quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, nâng cao trách nhiệm và nâng cao chất lượng công việc của từng cán bộ, viên chức.

Rà soát mạng lưới người thực hiện trợ giúp pháp lý, sắp xếp, củng cố và phát triển mạng lưới cộng tác viên, hợp đồng cộng tác viên thực hiện trợ giúp pháp lý với Trung tâm, Chi nhánh theo hướng đa lĩnh vực, có trình độ chuyên môn cao.

b) Sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, bảo đảm hoạt động của Trợ giúp viên pháp lý mang tính chuyên nghiệp tương ứng với trình độ và chất lượng luật sư. Duy trì ổn định, hạn chế luân chuyển để đảm bảo đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý thạo nghề và đáp ứng yêu cầu trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng, tham gia trợ giúp pháp lý ngoài tố tụng và hòa giải.

c) Quy hoạch nguồn để bổ nhiệm trợ giúp viên pháp lý, bố trí đủ tại Trung tâm và Chi nhánh, bồi dưỡng nguồn lãnh đạo Trung tâm và Trưởng Chi nhánh để làm công tác quản lý, giỏi về chuyên môn, thành thạo kỹ năng và có đạo đức nghề nghiệp, khuyến khích viên chức trẻ, người dân tộc thiểu số làm việc tại chi nhánh.

d) Khuyến khích các tổ chức hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật và cá nhân đủ tiêu chuẩn tham gia thực hiện, hỗ trợ hoặc đóng góp cho hoạt động trợ giúp pháp lý.

3. Giải pháp về tăng cường mối quan hệ phối hợp:

a) Tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa Trung tâm với các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý và giữa Chi nhánh của Trung tâm trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ.

b) Tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức (nhất là cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thông tin đại chúng, tổ chức đoàn thể xã hội), chính quyền các cấp với Trung tâm và Chi nhánh trong việc thực hiện trợ giúp pháp lý, cung cấp thông tin tài liệu, trả lời kiến nghị trợ giúp pháp lý.

4. Giải pháp về các điều kiện bảo đảm hoạt động:

a) Đầu tư trang thiết bị, phương tiện làm việc và bố trí địa điểm thuận lợi cho Trung tâm và các Chi nhánh để người được trợ giúp pháp lý dễ dàng tiếp cận với hoạt động trợ giúp pháp lý.

Tăng cường khả năng ứng dụng công nghệ thông tin cho Trung tâm và Chi nhánh, nhất là các thiết bị phục vụ trực tiếp cho hoạt động trợ giúp pháp lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tại chỗ để người thực hiện trợ giúp pháp lý có thể khai thác dễ dàng tư liệu pháp luật, các tài liệu, giáo trình, sách hướng dẫn nghiệp vụ và kỹ năng trợ giúp pháp lý.

b) Tăng cường giám sát của các cơ quan, tổ chức để phát hiện những sai sót, vướng mắc, bất cập để hướng dẫn, chỉ đạo và kịp thời biểu dương các gương điển hình tích cực, xử lý đối với hành vi vi phạm trong hoạt động trợ giúp pháp lý.

IV. Tổ chức thực hiện:

Để đảm bảo thực thi có hiệu quả chính sách trợ giúp pháp lý, cần quán triệt, nâng cao nhận thức về công tác trợ giúp pháp lý trong cấp ủy Đảng, chính quyền và tổ chức, coi đây là một trong các nhiệm vụ góp phần tích cực trong ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.

Các cơ quan, ban ngành, UBND các huyện, thị xã Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt thực hiện tốt các nhiệm vụ cụ thể như sau:

1. Sở Tư pháp:

- Chủ trì phối hợp cùng Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động thương binh và xã hội, Văn phòng UBND tỉnh, các sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt tổ chức triển khai thực hiện nội dung kế hoạch này; hướng dẫn, đôn đốc kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch, định kỳ 6 tháng, hàng năm báo cáo UBND tỉnh.

- Chủ trì phối hợp các Sở, ngành có liên quan kiểm tra việc triển khai kế hoạch; xác lập cơ chế kiểm tra, đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý, kiểm tra nguồn lực bố trí cho hoạt động trợ giúp pháp lý, thực hiện việc khen thưởng, xử lý vi phạm và kiến nghị các giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý.

2. Sở Nội vụ:

Chủ trì phối hợp Sở Tư pháp xác định cụ thể về tổ chức bộ máy, định mức biên chế viên chức cho Trung tâm và Chi nhánh; tham mưu, thẩm định trình UBND tỉnh xem xét, quyết định thành lập các Chi nhánh và xác định biên chế cho Trung tâm và các Chi nhánh trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Phối hợp với Sở Tư pháp xây dựng kế hoạch phát triển hỗ trợ đầu tư xây dựng trụ sở làm việc của Trung tâm và của các Chi nhánh. Phối hợp Sở Tài chính, Sở Tư pháp cân đối và bố trí nguồn kinh phí bổ sung hàng năm từ ngân sách Trung ương cho các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo để hỗ trợ cho hoạt động trợ giúp pháp lý ở địa phương.

4. Sở Tài chính:

Bố trí kinh phí hỗ trợ cho công tác trợ giúp pháp lý từ nguồn ngân sách địa phương để thực hiện kế hoạch; bảo đảm đủ điều kiện về cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động cho Trung tâm và các Chi nhánh, bố trí đủ kinh phí chi thường xuyên và kinh phí chi cho hoạt động chuyên môn nghiệp vụ để Trung tâm và Chi nhánh triển khai có hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý.

5. Các sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt thuộc tỉnh:

Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Sở Tư pháp triển khai thực hiện tốt kế hoạch này và tạo mọi điều kiện thuận lợi để Trung tâm và Chi nhánh thực hiện nhiệm vụ trợ giúp pháp lý. Hỗ trợ cơ sở vật chất, địa điểm làm việc, chuẩn bị cho việc thành lập các Chi nhánh theo Kế hoạch này.

6. Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Lâm Đồng và các tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp: tích cực đóng góp, tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý; đồng thời khuyến khích các luật sư và tổ chức hành nghề luật sư, các tổ chức tư vấn pháp luật thuộc các tổ chức đoàn thể xã hội tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý.

Đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng tạo điều kiện, hỗ trợ cho các Trợ giúp viên pháp lý và cộng tác viên thực hiện nhiệm vụ trợ giúp pháp lý cho các đối tượng được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật./-