THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1660/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2022 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN BẢO HIỂM TIỀN GỬI ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Luật Bảo hiểm tiền gửi ngày 18 tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng ngày 16 tháng 6 năm 2010; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng ngày 20 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp ngày 26 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 16/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
Căn cứ Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 08 tháng 8 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;
Theo đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại văn bản số 136/TTr-NHNN ngày 05 tháng 12 năm 2022.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này “Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (sau đây gọi là Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi) với những nội dung sau:
I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU
1. Quan điểm
- Sự phát triển của tổ chức bảo hiểm tiền gửi góp phần ổn định hệ thống tài chính, ngân hàng Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế xã hội đất nước.
- Kiên trì mục tiêu thống nhất của hệ thống bảo hiểm tiền gửi là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, đảm bảo sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.
- Tăng cường vai trò của tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong quá trình tham gia tái cơ cấu các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi yếu kém gắn với xử lý nợ xấu.
- Tăng cường nghiên cứu, áp dụng các chuẩn mực quốc tế vào hoạt động bảo hiểm tiền gửi và các hoạt động nghiệp vụ liên quan đến các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.
- Ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại và đổi mới sáng tạo đi đôi với phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao là những thành tố then chốt cho sự phát triển nhanh và bền vững của tổ chức bảo hiểm tiền gửi.
2. Mục tiêu
a) Mục tiêu tổng quát
- Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần tích cực duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.
- Nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động bảo hiểm tiền gửi bao gồm chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi, thông tin báo cáo, giám sát, kiểm tra, tham gia kiểm soát đặc biệt, phát hiện, cảnh báo sớm những rủi ro tiềm ẩn đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi; tham gia tái cơ cấu có hiệu quả đối với các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi yếu kém; tính và thu phí bảo hiểm tiền gửi, quản lý nguồn vốn và đầu tư, tuyên truyền chính sách bảo hiểm tiền gửi, chi trả bảo hiểm tiền gửi theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế và các quy định của pháp luật Việt Nam.
- Tăng cường năng lực tài chính của tổ chức bảo hiểm tiền gửi để khẳng định cam kết của Nhà nước và nâng cao niềm tin của người gửi tiền đối với chính sách bảo hiểm tiền gửi.
b) Mục tiêu cụ thể
- Phấn đấu tỷ lệ người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ trên tổng số người gửi tiền được bảo hiểm đạt 92% - 95%, đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế.
- Phấn đấu rút ngắn thời gian chi trả thực tế kể từ khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm đến năm 2025 là 30 ngày làm việc và đến năm 2030 là 15 ngày làm việc, nhằm giúp người gửi tiền được tiếp cận sớm với tiền gửi của mình khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi được xử lý.
- Phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2025 có 45% và đến năm 2030 có 55% người gửi tiền nắm bắt được các nội dung cốt lõi của chính sách bảo hiểm tiền gửi.
II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU VÀ LỘ TRÌNH THỰC HIỆN
1. Hoàn thiện cơ sở pháp lý
- Sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm tiền gửi và hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành Luật Bảo hiểm tiền gửi, Luật Các tổ chức tín dụng.
- Hoàn thiện quy định về chế độ tài chính của tổ chức bảo hiểm tiền gửi.
2. Hoàn thiện chính sách bảo hiểm tiền gửi
- Định kỳ rà soát, đánh giá mức độ phù hợp và đề xuất điều chỉnh hạn mức trả tiền bảo hiểm nhằm tiến tới tỷ lệ người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ trên tổng số người gửi tiền được bảo hiểm đạt 92% - 95%, đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế.
- Nghiên cứu, đánh giá các điều kiện thực tế của Việt Nam và đề xuất thời điểm phù hợp tiến hành xây dựng, triển khai phí bảo hiểm tiền gửi trên cơ sở đánh giá và phân loại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.
3. Hoạt động bảo hiểm tiền gửi
a) Hoàn thiện khung pháp lý và quy trình thực hiện cấp, thu hồi và quản lý chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi
Giai đoạn 2022 - 2025:
- Hoàn thiện quy trình cấp chứng nhận bảo hiểm tiền gửi đảm bảo ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao hiệu quả công tác cấp chứng nhận bảo hiểm tiền gửi, đảm bảo quyền lợi của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.
- Đề xuất sửa đổi, bổ sung nội dung về niêm yết Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi cho phù hợp với thực tế.
b) Thông tin báo cáo
- Thường xuyên rà soát, đánh giá sự vận hành và hoàn thiện hệ thống thông tin báo cáo đảm bảo thông tin đầy đủ, đáng tin cậy.
- Nâng cao hiệu quả phối hợp, cung cấp thông tin giữa tổ chức bảo hiểm tiền gửi với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan có liên quan.
- Xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu đầy đủ, đồng bộ đảm bảo nguồn thông tin đầy đủ, đáng tin cậy bao gồm (i) Hệ thống cơ sở thông tin, dữ liệu nhận từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; (ii) Hệ thống cơ sở dữ liệu về tiền gửi được bảo hiểm.
- Đảm bảo khai thác hiệu quả và có những điều chỉnh phù hợp với thực tiễn hoạt động của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, đảm bảo hệ thống vận hành thông suốt, cung cấp đầy đủ thông tin về các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi bao gồm thông tin từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tiền gửi được bảo hiểm, toàn bộ hồ sơ về tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi từ khi tham gia bảo hiểm tiền gửi và toàn bộ quá trình giám sát hoạt động của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.
- Thường xuyên đánh giá thực trạng của các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi để dự báo trước khả năng chi trả bảo hiểm và có kế hoạch xây dựng các nguồn thu của tổ chức bảo hiểm tiền gửi nếu tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản.
c) Nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra, giám sát, cảnh báo sớm
- Giai đoạn 2022 - 2025:
Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm tiền gửi nội dung quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong việc hỗ trợ chức năng kiểm tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với quỹ tín dụng nhân dân.
Thực hiện kiểm tra chuyên sâu về tiền gửi được bảo hiểm tại 100% tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi yếu kém theo kết quả giám sát của tổ chức bảo hiểm tiền gửi.
- Giai đoạn 2025 - 2030:
Hoàn thiện các phương pháp giám sát rủi ro và bộ chỉ tiêu giám sát, chú trọng phát hiện, cảnh báo sớm những rủi ro tiềm ẩn đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, để phù hợp với sự phát triển của thị trường và yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong từng thời kỳ.
Ứng dụng các mô hình giám sát tiên tiến nhằm đảm bảo các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi tuân thủ các quy định của pháp luật về tiền gửi được bảo hiểm, phát hiện, cảnh báo sớm những rủi ro tiềm ẩn đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi nhằm bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích của người gửi tiền.
d) Tính và thu phí bảo hiểm tiền gửi
Giai đoạn 2022 - 2025:
- Nâng cao hiệu quả và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tính và thu phí bảo hiểm tiền gửi nhằm đảm bảo nguồn thu từ phí bảo hiểm tiền gửi.
- Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm tiền gửi về trách nhiệm của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi trong việc tính và nộp phí bảo hiểm tiền gửi.
đ) Tham gia kiểm soát đặc biệt, xử lý các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi
- Tham gia, phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong quá trình kiểm soát đặc biệt đối với các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi yếu kém, nhằm đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền. Triển khai chức năng, nhiệm vụ được quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Các tổ chức tín dụng.
- Giai đoạn 2022 - 2025: Xây dựng Đề án áp dụng bổ sung các biện pháp và hình thức xử lý tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi yếu kém theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện thực tế tại Việt Nam.
e) Tăng cường hiệu quả chi trả bảo hiểm tiền gửi và thanh lý tài sản
- Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm tiền gửi nhằm: (i) Đảm bảo ngăn chặn tình trạng trục lợi bảo hiểm tiền gửi, nâng cao trách nhiệm phối hợp giữa tổ chức bảo hiểm tiền gửi và các cơ quan liên quan; (ii) Tạo hành lang pháp lý để tổ chức bảo hiểm tiền gửi tham gia thanh lý tài sản của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi nhằm tối đa hóa giá trị thu hồi.
- Xây dựng kế hoạch dự phòng và diễn tập chi trả cho từng loại hình tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.
- Xây dựng sổ tay chi trả đối với từng loại hình tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi nhằm chuẩn hóa quy trình chi trả, đa dạng hóa các hình thức chi trả, áp dụng công nghệ thông tin vào quá trình chi trả nhằm rút ngắn thời gian chi trả thực tế.
g) Về tuyên truyền chính sách bảo hiểm tiền gửi
- Triển khai công tác tuyên truyền chính sách bảo hiểm tiền gửi tập trung vào các đối tượng công chúng mục tiêu trong từng giai đoạn nhất định phù hợp với tình hình thực tế.
- Nâng cao hiệu quả và đa dạng hóa hình thức tuyên truyền chính sách bảo hiểm tiền gửi.
- Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm tiền gửi nội dung quy định tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi có trách nhiệm phối hợp với tổ chức bảo hiểm tiền gửi tuyên truyền chính sách bảo hiểm tiền gửi.
- Triển khai khảo sát mức độ nhận thức về chính sách bảo hiểm tiền gửi của người gửi tiền, sau đó thực hiện khảo sát mức độ nhận thức của người gửi tiền ba năm một lần.
- Xây dựng Đề án truyền thông tổng thể và dài hạn phù hợp với Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi.
h) Các vấn đề khác về bảo hiểm tiền gửi
Giai đoạn 2022 - 2025:
- Nghiên cứu, đề xuất ký kết thỏa thuận hợp tác về bảo hiểm tiền gửi xuyên quốc gia trong khuôn khổ hợp tác giữa ngân hàng trung ương hoặc cơ quan có thẩm quyền các nước để đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền tại các chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam cũng như tại chi nhánh ngân hàng Việt Nam có hoạt động ở nước ngoài.
- Nghiên cứu, đề xuất cơ chế bảo vệ pháp lý cho tổ chức và cá nhân làm việc cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.
4. Tổ chức bảo hiểm tiền gửi
a) Nâng cao năng lực tài chính của tổ chức bảo hiểm tiền gửi
- Giai đoạn 2022 - 2025
Nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan, đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp luật để thực hiện:
Tăng vốn điều lệ cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi lên 10.000 tỷ đồng vào năm 2025 và lên 15.000 tỷ đồng vào năm 2030 từ nguồn tự tích lũy và các nguồn vốn hợp pháp khác nhằm đảm bảo năng lực tài chính của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, khẳng định cam kết của Nhà nước và nâng cao niềm tin của người gửi tiền đối với chính sách bảo hiểm tiền gửi, đảm bảo nguồn lực triển khai hiệu quả hoạt động bảo hiểm tiền gửi.
Tăng cường năng lực tài chính thông qua việc cho phép tổ chức bảo hiểm tiền gửi đa dạng hóa hình thức và danh mục đầu tư gồm: (i) Mua và bán trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh; (ii) Gửi tiền tại ngân hàng thương mại có chất lượng hoạt động tốt; (iii) Mua và bán trái phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi do các ngân hàng thương mại có chất lượng hoạt động tốt phát hành; (iv) Mua, bán trái phiếu chính quyền địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý nợ công, các văn bản hướng dẫn và được xếp hạng tín nhiệm cao.
Bổ sung hình thức vay từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong trường hợp nguồn vốn của tổ chức bảo hiểm tiền gửi không đủ để trả tiền bảo hiểm.
- Xây dựng Đề án tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ trong trường hợp nguồn vốn của tổ chức bảo hiểm tiền gửi tạm thời không đủ để trả tiền bảo hiểm.
b) Tổ chức bộ máy, phát triển nguồn nhân lực
- Thường xuyên rà soát và hoàn thiện hệ thống văn bản và cơ chế quản trị điều hành.
- Đổi mới công tác nhân sự như tuyển dụng, đánh giá người lao động, quy hoạch, bổ nhiệm, khen thưởng nhằm hình thành đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, gắn bó với tổ chức.
- Giai đoạn 2022 - 2025:
Hoàn thiện mô hình tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, chuyên môn hóa cao, hiệu quả và đồng bộ trong quản trị điều hành từ trụ sở chính đến các chi nhánh.
Xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực phù hợp với Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi.
c) Công tác đào tạo
- Ưu tiên đào tạo chuyên sâu cho đội ngũ nòng cốt về chuyên môn nghiệp vụ, đội ngũ lãnh đạo có năng lực.
- Thúc đẩy phát triển hình thức đào tạo nội bộ và đào tạo trực tuyến (e-learning).
- Tăng cường phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và một số đơn vị đào tạo khác để tận dụng lợi thế sẵn có về chuyên môn, cơ sở vật chất, kinh nghiệm quản lý đào tạo của các đơn vị này, giúp nâng cao chất lượng đào tạo tại tổ chức bảo hiểm tiền gửi.
- Đổi mới và hiện đại hóa công tác quản lý đào tạo thông qua việc áp dụng công nghệ để xác định nhu cầu đào tạo, quản lý dữ liệu, phân tích đánh giá để xây dựng kế hoạch đào tạo.
d) Quản lý tài chính, kiểm soát và kiểm toán nội bộ
- Thường xuyên rà soát, hoàn thiện hệ thống kiểm soát và kiểm toán nội bộ đảm bảo minh bạch, chặt chẽ, tiết kiệm.
- Giai đoạn 2022 - 2025: Đề xuất phương án hoàn thiện chế độ tài chính nhằm đảm bảo nguồn tài chính thực hiện nhiệm vụ tham gia hiệu quả vào quá trình tái cơ cấu tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi yếu kém, nhưng ưu tiên đảm bảo nguồn tài chính phục vụ công tác chi trả tiền gửi được bảo hiểm cho người gửi tiền trong trường hợp phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm.
đ) Ứng dụng công nghệ thông tin và hợp tác phát triển
- Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới và ứng dụng công nghệ hiện đại thông qua việc tăng cường tích hợp công nghệ thông tin trong các quy trình quản trị và quản lý của tổ chức bảo hiểm tiền gửi từ Trụ sở chính đến các chi nhánh, nhằm bắt kịp với sự phát triển công nghệ hiện đại và sự phát triển của ngành ngân hàng. Hoàn thiện cơ chế quản trị hệ thống công nghệ thông tin, tăng cường bảo mật và an toàn hệ thống.
- Chú trọng công tác nghiên cứu ứng dụng, khuyến khích các sáng kiến cải tiến nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức. Hợp tác nghiên cứu với các trường đại học, viện nghiên cứu trong nước.
- Mở rộng hợp tác quốc tế với Hiệp hội bảo hiểm tiền gửi quốc tế, hợp tác song phương, đa phương với tổ chức bảo hiểm tiền gửi các nước nhằm tăng cường hiệu quả đối ngoại trong lĩnh vực bảo hiểm tiền gửi.
- Chủ động và triển khai có hiệu quả các dự án hỗ trợ kỹ thuật và tài chính trong khuôn khổ dự án của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
- Giai đoạn 2022 - 2025: Xây dựng Đề án phát triển công nghệ thông tin phù hợp với Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi.
Điều 2. Trách nhiệm tổ chức, thực hiện Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi
1. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan:
a) Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát đánh giá tình hình triển khai thực hiện Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi; tổ chức thực hiện đánh giá sơ kết năm 2025 và đánh giá tổng kết năm 2030 rút kinh nghiệm việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp và mục tiêu Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi trong từng giai đoạn.
b) Định kỳ hàng năm, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp và mục tiêu của Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi trong từng giai đoạn. Trình Thủ tướng Chính phủ quyết định, phê duyệt điều chỉnh mục tiêu, nội dung của Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi trong trường hợp cần thiết.
c) Đề xuất Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm tiền gửi.
2. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam
a) Tập trung, chủ động tổ chức triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện các mục tiêu, lộ trình đã nêu tại Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi phù hợp với Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng và theo quy định của pháp luật.
b) Xây dựng Chương trình hành động để triển khai thực hiện các nội dung của Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi theo từng giai đoạn nhằm đảm bảo đạt được các mục tiêu định hướng theo các lộ trình đã đặt ra tại Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi.
c) Định kỳ hàng năm báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp và mục tiêu của Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi trong từng giai đoạn.
d) Báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kết quả sơ kết năm 2025 và tổng kết năm 2030 rút kinh nghiệm việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp và mục tiêu Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi trong từng giai đoạn.
đ) Rà soát, đề xuất Ngân hàng Nhà nước Việt Nam báo cáo Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm tiền gửi.
e) Rà soát, đề xuất và phối hợp với Cơ quan có thẩm quyền sửa đổi quy định về chế độ tài chính.
g) Tham mưu, đề xuất Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh mục tiêu, nội dung của Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi trong trường hợp cần thiết.
3. Các bộ, ngành liên quan
Các bộ, ngành liên quan phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tạo điều kiện cho việc triển khai Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi.
4. Ủy ban nhân dân các cấp
Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước tạo điều kiện cho việc triển khai hiệu quả chính sách bảo hiểm tiền gửi tại địa phương.
5. Các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi
Các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi triển khai Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 4. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc của các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| KT. THỦ TƯỚNG |