Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1666/QĐ-UBND

Đồng Nai, ngày 06 tháng 6 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH “PHÁT TRIỂN NGÀNH RƯỢU - BIA - NƯỚC GIẢI KHÁT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI ĐẾN NĂM 2020, CÓ TÍNH ĐẾN NĂM 2030”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ;

Căn cứ Nghị định số 94/2012/NĐ-CP ngày 12/12/2012 của Chính phủ về sản xuất kinh doanh rượu;

Căn cứ Quyết định số 73/2008/QĐ-TTg ngày 4/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 2435/QĐ-BCT ngày 21/5/2009 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành rượu – bia – nước giải khát Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025;

Căn cứ Quyết định số 496/QĐ-UBND ngày 20/02/2012 của UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, có tính đến năm 2025;

Xét đề nghị của Sở Công Thương tại Tờ trình số 1469/TTr-SCT ngày 29 tháng 5 năm 2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch Phát triển ngành công nghiệp rượu - bia - nước giải khát trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, có xét đến năm 2030, với nội dung chính như sau:

1. Quan điểm phát triển

a) Phát triển ngành công nghiệp sản xuất rượu - bia - nước giải khát tỉnh Đồng Nai theo hướng phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng và bảo vệ môi trường.

b) Chú trọng ứng dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến trong sản xuất rượu - bia - nước giải khát nhằm nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm và tăng tỷ lệ xuất khẩu những sản phẩm tinh chế; đồng thời giảm tiêu hao năng lượng để tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp và sản phẩm rượu - bia - nước giải khát.

c) Tập trung xây dựng một số thương hiệu tầm cỡ quốc gia đối với các sản phẩm rượu - bia - nước giải khát tỉnh Đồng Nai để cạnh tranh đạt hiệu quả cao trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

d) Phát triển các sản phẩm mang đặc trưng địa phương để nâng cao lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

đ) Phát triển các sản phẩm theo hướng tăng sản lượng sản xuất sản phẩm rượu công nghiệp đảm bảo an toàn thực phẩm; đồng thời giảm sản lượng sản phẩm rượu thủ công.

e) Chú trọng phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, tạo nền tảng cho ngành công nghiệp sản xuất rượu - bia - nước giải khát tỉnh Đồng Nai phát triển bền vững.

2. Mục tiêu phát triển

a) Mục tiêu chung

Xây dựng ngành công nghiệp sản xuất rượu - bia - nước giải khát tỉnh Đồng Nai trở thành ngành kinh tế phát triển dựa vào tiềm năng, thế mạnh của địa phương, sản xuất các sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, đóng góp ngày càng cao cho ngân sách tỉnh Đồng Nai. Những sản phẩm rượu - bia - nước giải khát có chất lượng cao, có uy tín thương hiệu, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường, đa dạng về mẫu mã, chủng loại và có khả năng cạnh tranh trong tiến trình hội nhập với khu vực và thế giới.

b) Mục tiêu cụ thể

- Giá trị sản xuất công nghiệp

Dự báo về giá trị và tốc độ tăng bình quân giá trị sản xuất ngành rượu - bia - nước giải khát theo giá so sánh 2010 giai đoạn 2015 - 2030 như sau:

ĐVT: Tỷ đồng

Ngành

2015

2020

2025

2030

BQ GĐ 2016-2020 (%/năm)

BQ GĐ 2021-2025 (%/năm)

BQ GĐ 2026-2030 (%/năm)

Tổng cộng

4.138

9.240

22.532

59.845

17,5

19,5

21,5

Rượu

150

243

426

815

10,08

11,94

13,82

Bia

29

37

53

81

5,00

7,00

9,00

Nước giải khát

3.959

8.960

22.053

58.949

17,74

19,74

21,73

- Sản lượng các sản phẩm chủ lực

Dự báo về sản lượng và tốc độ tăng bình quân của các sản phẩm chủ lực giai đoạn 2015 - 2030 như sau:

ĐVT: Triệu lít

Sản phẩm chủ lực

2015

2020

2025

2030

BQ GĐ 2016-2020 (%/năm)

BQ GĐ 2021-2025 (%/năm)

BQ GĐ 2026-2030 (%năm)

Rượu các loại

10

14

22

35

7

9

10

Trong đó: Rượu thủ công (%)

62

60

55

50

 

 

 

Bia các loại

2,1

2,4

3,1

4,3

3

5

7

Nước giải khát các loại

822

1.678

3.600

8.100

15

17

18

- Kim ngạch xuất khẩu

Dự báo về giá trị và tốc độ tăng bình quân kim ngạch xuất khẩu ngành rượu - bia - nước giải khát giai đoạn 2015 - 2030 như sau:

ĐVT: Triệu USD

Ngành

2015

2020

2025

2030

BQ GĐ 2016-2020 (%/năm)

BQ GĐ 2021-2025 (%/năm)

BQ GĐ 2026-2030 (%/năm)

Rượu – bia – nước giải khát

4,22

5,16

6,56

8,77

4

5

6

Trong đó: Nước giải khát

4,22

5,16

6,56

8,77

4

5

6

3. Định hướng phát triển

a) Đối với sản xuất rượu

- Ưu tiên phát triển sản xuất rượu công nghiệp quy mô doanh nghiệp vừa và lớn với chất lượng cao, công nghệ hiện đại, từng bước thu hẹp sản xuất rượu thủ công chất lượng thấp, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Phát triển sản phẩm rượu cao cấp sử dụng nguyên liệu trong nước, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước để thay thế nhập khẩu.

- Thúc đẩy phát triển ngành rượu theo hướng tăng dần số lượng cơ sở sản xuất rượu công nghiệp, đồng thời giảm dần số lượng cơ sở sản xuất rượu thủ công. Kết hợp nấu rượu thủ công có cải tiến công nghệ ở các cơ sở nhỏ lẻ với thu gom xử lý theo quy mô công nghiệp ở các công ty để sản xuất ra rượu chất lượng cao, không độc hại, giá rẻ, phục vụ nhu cầu của các địa phương.

- Hình thành và phát triển một số hợp tác xã sản xuất rượu truyền thống với chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Từng bước đưa các cơ sở sản xuất rượu thủ công tuân thủ các quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm và điều kiện sản xuất rượu.

- Khuyến khích phát triển sản xuất rượu trái cây từ những loại quả tươi gắn kết chặt chẽ với phát triển các vùng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và các tỉnh lân cận.

- Phát triển các thương hiệu rượu sẵn có của địa phương như rượu bưởi Tân Triều, rượu Bến Gỗ, rượu ngâm nhung hươu.

- Tăng sản lượng xuất khẩu các loại rượu đặc trưng của tỉnh như rượu bưởi Tân Triều, rượu nhung hươu, nai, rượu gạo Bến Gỗ.

b) Đối với sản xuất bia

- Xây dựng mới một số cơ sở sản xuất bia (bia tươi, bia đen…) có quy mô công suất dưới 5 triệu lít/năm.

- Kêu gọi đầu tư xây dựng mới một nhà máy bia công nghiệp có quy mô công suất 50-100 triệu lít/năm.

c) Đối với sản xuất nước giải khát

- Thúc đẩy phát triển sản xuất nước giải khát quy mô doanh nghiệp lớn với chất lượng cao, công nghệ hiện đại, đảm bảo an toàn thực phẩm.

- Khuyến khích phát triển sản xuất nước giải khát từ những loại quả tươi và nước giải khát bổ dưỡng các loại gắn kết chặt chẽ với phát triển những vùng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và các tỉnh lân cận như bí đao, dừa, chè, cà phê, cam, chanh, xoài, chôm chôm, thơm…

- Khuyến khích sản xuất các sản phẩm nước giải khát có nguồn gốc thảo dược hướng đến tăng cường sức khỏe người tiêu dùng.

- Tăng sản lượng xuất khẩu các sản phẩm nước giải khát từ những loại quả tươi và có nguồn gốc thảo dược.

- Khuyến khích sản xuất các sản phẩm nước uống đóng chai và nước khoáng. Từng bước xây dựng thương hiệu mới của sản phẩm nước uống đóng chai, nước khoáng dựa trên việc sử dụng nguồn nguyên liệu đặc trưng có lợi thế của địa phương.

4. Định hướng phân bố không gian lãnh thổ

Căn cứ hiện trạng phân bố các cơ sở sản xuất rượu - bia - nước giải khát tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, quy hoạch phân bố các cơ sở sản xuất rượu - bia - nước giải khát trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, có xét đến năm 2030 như sau:

a) Đối với các cơ sở sản xuất rượu:

- Nâng cấp các cơ sở sản xuất rượu thủ công hiện hữu đảm bảo các điều kiện về chất lượng, an toàn thực phẩm, nhãn hàng hóa nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tại chỗ của các địa phương.

- Khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở sản xuất rượu thủ công đầu tư nâng cao quy mô sản xuất rượu chất lượng cao với trình độ công nghệ hiện đại tại các cụm công nghiệp đã được quy hoạch trên địa bàn tỉnh.

- Phát triển mô hình sản xuất rượu thủ công theo hướng tập trung các cơ sở sản xuất rượu với quy mô nhỏ (hộ cá thể) thành các hợp tác xã sản xuất rượu tại các khu quy hoạch sản xuất tập trung hoặc đầu tư vào các cụm công nghiệp đã được quy hoạch trên địa bàn tỉnh.

- Đối với các cơ sở sản xuất rượu công nghiệp đầu tư mới sẽ được phân bố tập trung chủ yếu vào các khu - cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

b) Đối với các cơ sở sản xuất bia:

Đối với các cơ sở sản xuất bia mới xây dựng có quy mô nhỏ, vừa và nhà máy sản xuất bia quy mô công nghiệp sẽ được phân bố chủ yếu tại các khu - cụm công nghiệp đã được quy hoạch trên địa bàn tỉnh.

c) Đối với các cơ sở sản xuất nước giải khát, nước đóng chai:

- Đầu tư nâng cấp các cơ sở hiện hữu để đảm bảo các điều kiện an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và từng bước xem xét di dời các cơ sở sản xuất này vào các khu - cụm công nghiệp đã được quy hoạch trên địa bàn tỉnh.

- Đối với các cơ sở sản xuất nước giải khát, nước đóng chai quy mô công nghiệp sẽ được phân bố chủ yếu vào các khu - cụm công nghiệp đã được quy hoạch trên địa bàn tỉnh.

5. Các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư (xem phụ lục đính kèm)

6. Nhu cầu vốn

Tổng vốn đầu tư phát triển ngành rượu - bia - nước giải khát tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2010- 2030 khoảng 46.091 tỷ đồng, bình quân mỗi năm khoảng 2.304 tỷ đồng (tính theo giá so sánh 2010) (xem phụ lục đính kèm).

7. Giải pháp và cơ chế chính sách phát triển

a) Giải pháp về thị trường

- Đối với doanh nghiệp:

+ Tổ chức nghiên cứu thị trường, thị hiếu khách hàng để có giải pháp đáp ứng nhu cầu, giữ vững và phát triển thị phần, mở thêm thị trường mới.

+ Xây dựng chiến lược giá phù hợp để thâm nhập thị trường như: định giá dựa trên chi phí sản xuất, định giá dựa trên người mua và định giá dựa theo thời giá và giá của đối thủ cạnh tranh.

+ Tích cực tham gia hội chợ trong nước và ngoài nước để tìm kiếm thị trường mới cho ngành rượu - bia - nước giải khát.

+ Mở rộng hệ thống phân phối đến người tiêu dùng thông qua các nhà phân phối, đại lý cấp một, siêu thị, nhà hàng khách sạn…

+ Xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm rượu mang đặc trưng của tỉnh và có sự khác biệt lớn như rượu Bến Gỗ, rượu bưởi Tân Triều, rượu nhung nai, rượu đế Nam Bộ.

+ Áp dụng các biện pháp quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm như ISO 22000, HACCP…

+ Đa dạng hóa sản phẩm, cải tiến mẫu mã bao bì, nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng khả năng cạnh tranh.

- Đối với nhà nước:

+ Có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc quảng bá các sản phẩm đặc trưng. Ưu tiên sử dụng các sản phẩm rượu - bia - nước giải khát đặc trưng của tỉnh trong các tiệc chiêu đãi của các cơ quan trong tỉnh; ưu tiên trưng bày các sản phẩm đặc trưng tại các hội chợ triển lãm, trong tuyến, tour du lịch tại địa phương.

+ Hình thành tuyến du lịch văn hóa sinh thái dọc sông Đồng Nai để phối hợp giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của địa phương trong đó: Điểm bắt đầu là Khu Bến Gỗ tại xã An Hòa và phường Long Bình Tân. Tuyến du lịch này sẽ gắn việc tham quan các công trình Làng cổ, nhà thờ Bến Gỗ, cù lao Ba Xê, xem quy trình sản xuất rượu thủ công và thưởng thức rượu Bến Gỗ, tham quan làng bưởi Biên Hòa (Tân Triều), tham quan vườn bưởi, nhà cổ, xem quy trình làm rượu bưởi và thưởng thức đặc sản từ bưởi (rượu bưởi, chè bưởi, gỏi bưởi…).

+ Hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường trong và ngoài nước cho các doanh nghiệp ngành rượu - bia - nước giải khát.

+ Tổ chức thường niên hội chợ triển lãm trong nước để các doanh nghiệp tham gia giới thiệu, quảng bá sản phẩm.

+ Hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia hội chợ, quảng bá sản phẩm ở nước ngoài để mở rộng thị trường xuất khẩu.

+ Tìm hiểu và giúp đỡ các doanh nghiệp tham gia vào các mạng thương mại điện tử toàn cầu như Ebay.com, Amazon.com…

+ Ngân sách tỉnh tài trợ một phần cho các doanh nghiệp đi khảo sát thị trường tiềm năng.

+ Tập trung kiểm tra, kiểm soát thị trường để chống hàng lậu, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng.

+ Tăng cường kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu, bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.

b) Giải pháp về vốn đầu tư

- Đối với doanh nghiệp:

+ Đa dạng hoá hình thức đầu tư và phương thức huy động vốn, huy động vốn từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước thông qua phát hành trái phiếu, cổ phiếu, liên doanh, liên kết, hoặc ứng trước vốn từ khách hàng…

+ Không ngừng nâng cao quy mô, chất lượng, hiệu quả hoạt động và uy tín của doanh nghiệp để tạo niềm tin đối với các tổ chức tín dụng.

- Đối với nhà nước và các tổ chức tín dụng:

+ Khuyến khích mọi thành phần kinh tế trong nước và ngoài nước góp vốn đầu tư, liên doanh, liên kết. Khuyến khích các doanh nghiệp huy động vốn qua thị trường chứng khoán (thông qua phát hành trái phiếu, cổ phiếu và trái phiếu quốc tế).

+ Tạo điều kiện cho các dự án đầu tư xử lý môi trường của các doanh nghiệp được vay vốn tín dụng của nhà nước, vốn ODA và vốn của quỹ môi trường.

+ Các tổ chức tín dụng cần thực hiện chính sách lãi suất linh hoạt; góp vốn đầu tư, liên doanh, liên kết với doanh nghiệp; chiết khấu các chứng từ có giá; cho vay có đảm bảo bằng các khoản sẽ thu của doanh nghiệp; cho vay thông qua nghiệp vụ phát hành và sử dụng thẻ tín dụng; linh hoạt hình thức cho vay có đảm bảo; thực hiện chính sách khách hàng đặc biệt đối với các doanh nghiệp.

c) Giải pháp bảo vệ môi trường

- Đối với các doanh nghiệp:

+ Các doanh nghiệp cần tập trung giảm thải tại nguồn.

+ Các doanh nghiệp có thể tuần hoàn các loại dòng thải không thể tránh được trong khu vực sản xuất hoặc bán ra như một loại sản phẩm phụ.

+ Thu thập “chất thải” và sử dụng lại cho quá trình sản xuất khác.

+ Tạo ra các sản phẩm phụ là việc thu thập (và xử lý) “các dòng thải” để có thể trở thành một sản phẩm mới hoặc bán ra cho các cơ sở sản xuất khác.

+ Cải thiện chất lượng sản phẩm để làm giảm ô nhiễm. Các doanh nghiệp cần xem xét lại yêu cầu sản phẩm và cải thiện thiết kế để tiết kiệm về tiêu thụ nguyên liệu và năng lượng sử dụng.

+ Thay đổi về bao bì nhằm giảm thiểu bao bì sử dụng, đồng thời bảo vệ được sản phẩm.

+ Đối với các cơ sở sản xuất nhỏ, cần xây dựng các hệ thống lọc nước nhỏ, đảm bảo chất lượng của nước trước khi thải ra môi trường.

- Đối với nhà nước:

+ Các cơ quan quản lý cần hỗ trợ cho các đơn vị chuyên xử lý chất thải rắn để xử lý triệt để chất thải với chi phí thấp nhất có thể.

+ Thường xuyên kiểm tra và có chế tài xử phạt nếu các doanh nghiệp trong khu công nghiệp gây ô nhiễm.

+ Đẩy mạnh triển khai chương trình sản xuất sạch hơn tại các doanh nghiệp, áp dụng tiêu chuẩn môi trường, tiêu chuẩn sản phẩm, tạo môi trường lao động tốt với người lao động theo tiêu chuẩn SA 8000, ISO 14000.

+ Xây dựng và thực hiện lộ trình đổi mới công nghệ theo hướng tiết kiệm nguyên liệu và thân thiện với môi trường; tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học công nghệ về môi trường để đáp ứng các yêu cầu về môi trường và rào cản kỹ thuật trong hội nhập kinh tế quốc tế.

d) Giải pháp về nâng cao trình độ công nghệ

- Đối với doanh nghiệp:

+ Thực hiện chuyển giao công nghệ và kỹ thuật hiện đại ở những khâu quyết định đến chất lượng và giá thành sản phẩm, phần thiết bị còn lại có thể đặt hàng trong nước, mua thiết bị cũ hoặc tự cải tiến nhằm tự động hóa quy trình sản xuất với chi phí thấp nhưng vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm cao, giá thành thấp.

+ Khi nhập khẩu công nghệ cần lập hợp đồng nhập khẩu, quy định chặt chẽ ở khâu thẩm định và định giá, đồng thời lựa chọn nhập những công nghệ phù hợp với khả năng, trình độ sản xuất của doanh nghiệp.

+ Đối với các dự án đầu tư mới, cần chú trọng đầu tư các nhà máy có công suất lớn, thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến. Các dự án đầu tư mở rộng và đầu tư theo chiều sâu, cần thực hiện triệt để hiện đại hóa công nghệ, chú trọng xử lý chất thải bảo vệ môi trường.

- Đối với nhà nước:

+ Thực hiện nghiêm ngặt hơn với hệ thống pháp lý có hiệu lực về quyền sở hữu trí tuệ.

+ Khuyến khích sự phát triển của các văn phòng t­ư vấn thiết kế và kỹ thuật tư­ nhân.

+ Nâng cao năng lực cung cấp thông tin khoa học - công nghệ; thành lập trung tâm dữ liệu về khoa học - công nghệ.

+ Khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện quản lý chất lượng theo các tiêu chuẩn quốc tế như ISO 9000, SA 8000…

đ) Giải pháp nghiên cứu khoa học

- Đối với các doanh nghiệp:

+ Thực hiện chuyển giao công nghệ từ các nước phát triển và của các công ty hàng đầu thế giới; có chương trình phối hợp với các viện nghiên cứu, các trường đại học để nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến theo xu hướng phát triển của thế giới.

+ Các doanh nghiệp lớn trong ngành cần chú trọng đầu tư cho trung tâm hoặc phòng nghiên cứu chuyên ngành với trang thiết bị hiện đại và đội ngũ cán bộ khoa học đủ mạnh để nghiên cứu các sản phẩm mới, nghiên cứu cải tiến công nghệ hiện có.

- Đối với nhà nước:

Hỗ trợ một phần kinh phí từ ngân sách cho hoạt động nghiên cứu, đào tạo và vốn đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực cho các cơ quan nghiên cứu và các cơ sở đào tạo.

e) Giải pháp về phát triển sản xuất nguyên liệu chính, phụ cho ngành (công nghiệp hỗ trợ)

- Đối với doanh nghiệp:

+ Chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương trong việc lập dự án đầu tư, phát triển vùng nguyên liệu tập trung trên địa bàn hoặc tổ chức liên kết với các hợp tác xã, nông, lâm trường và người dân để hình thành vùng nguyên liệu đảm bảo chất lượng, ổn định lâu dài.

+ Phối hợp với các sở, ban, ngành và các nhà máy rượu - bia - nước giải khát thực hiện các dự án đầu tư phát triển vùng nguyên liệu tập trung trên địa bàn hoặc hỗ trợ thực hiện việc tổ chức sản xuất, liên kết sản xuất giữa người dân tại các vùng nguyên liệu với các nhà máy sản xuất rượu - bia - nước giải khát trên địa bàn.

+ Nâng cao việc học tập, trao đổi kinh nghiệm và tìm kiếm hợp tác, liên kết với nhau giữa các doanh nghiệp trong cùng ngành rượu - bia - nước giải khát trong công tác phát triển sản xuất nguyên liệu chính, phụ phục vụ ngành.

- Đối với nhà nước:

+ Ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp ngành rượu - bia - nước giải khát sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ. Bên cạnh đó, cần phải quy hoạch đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, giao thông, thủy lợi tại các vùng nguyên liệu tập trung đã được quy hoạch, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư.

+ Khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp phối hợp với các địa phương khác trong cả nước xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất hoa quả tập trung để cung cấp nguyên liệu cho ngành sản xuất rượu - bia - nước giải khát.

+ Khuyến khích áp dụng khoa học kỹ thuật vào việc phát triển nguyên liệu chính, phụ cho ngành.

+ Nâng cao sự kết hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, cơ quan chức năng, doanh nghiệp, các hộ nông dân, nông trường, và các nhà khoa học trong việc phát triển và xây dựng vùng nguyên liệu bền vững.

g) Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực

- Đối với doanh nghiệp:

+ Xây dựng kế hoạch đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực theo định kỳ, kể cả đội ngũ cán bộ quản lý và công nhân lành nghề để có đủ trình độ tiếp thu, vận hành công nghệ, thiết bị mới, thích nghi với điều kiện cạnh tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế.

+ Tăng cường phổ biến các kiến thức về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm để từ đây trở thành ý thức thường trực trong người lao động.

+ Cử các cán bộ đi đào tạo tại các trường nổi tiếng của các quốc gia có nền công nghiệp bia, rượu, nước giải khát phát triển; nghiên cứu xây dựng hệ thống đánh giá và đãi ngộ xứng đáng, có cơ chế thu hút và giữ người tài.

- Đối với nhà nước:

+ Định hướng phát triển công tác đào tạo tại các trường, trung tâm đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.

+ Có chính sách ưu đãi nhằm thu hút nguồn nhân lực từ các tỉnh, thành phố lân cận.

+ Xây dựng và cập nhật hệ thống thông tin dữ liệu về nguồn nhân lực.

+ Xây dựng chính sách đãi ngộ đối với nhân lực chất lượng cao trong các cơ quan quản lý nhà nước.

h) Giải pháp tăng cường mối liên kết trong ngành

- Thường xuyên tiến hành công tác bổ sung, hoàn thiện các chính sách phát triển ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nói chung, ngành sản xuất rượu - bia - nước giải khát nói riêng.

- Thường xuyên tổ chức nâng cao trình độ quản lý nhà nước về lĩnh vực công nghiệp cho bộ máy làm công tác quản lý chuyên ngành công nghiệp từ cấp tỉnh đến cấp xã.

- Tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành, đơn vị có liên quan, giữa tỉnh và huyện… để công tác quản lý nhà nước về công nghiệp ngày càng được tăng cường và nâng cao hiệu lực quản lý.

- Tăng cường mối liên kết chặt chẽ giữa các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai với các tỉnh Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong việc tổ chức vùng nguyên liệu phục vụ phát triển ngành sản xuất rượu - bia - nước giải khát.

i) Giải pháp về quản lý ngành

- Phổ biến kịp thời các văn bản pháp quy về sửa đổi, bổ sung các điều kiện sản xuất rượu - bia - nước giải khát và trên cơ sở đó tăng cường chỉ đạo, giám sát việc chấp hành của các doanh nghiệp.

- Các cơ quan quản lý cần yêu cầu các doanh nghiệp có hình thức thích hợp để thông tin đến khách hàng về thành phần, hàm lượng, tác hại của việc lạm dụng rượu - bia.

- Thường xuyên thực hiện công tác chống gian lận trong sản xuất rượu - bia - nước giải khát trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm, kể cả việc thu hồi giấy phép hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

- Thực hiện việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính cấp phép nhưng vẫn đảm bảo việc thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của nhà nước.

- Quản lý chặt chẽ điều kiện cấp giấy phép sản xuất rượu, nước uống đóng chai. Các cơ sở sản xuất phải đủ điều kiện theo quy định của pháp luật mới được cấp giấy phép sản xuất.

- Tăng cường kiểm tra tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về điều kiện sản xuất đối với các cơ sở sản xuất rượu, nước uống đóng chai và xử lý nghiêm các cơ sở không thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật.

- Vận động thành lập các hợp tác xã sản xuất rượu làm đầu mối thực hiện quy định về cấp giấy phép sản xuất rượu, đóng chai và đăng ký nhãn hiệu chung cho các cơ sở sản xuất rượu thủ công.

- Về công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, người lao động phải được tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, định kỳ khám sức khỏe.

- Tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, cung cấp các trang thiết bị và sử dụng công nghệ cao.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức, đào tạo về an toàn vệ sinh thực phẩm đối với người lao động.

k) Chính sách khuyến khích đầu tư

- Thực hiện phân loại các dự án đầu tư cho phù hợp với các nhà đầu tư, có chính sách khuyến khích cho các nhà đầu tư tham gia các dự án sản xuất rượu - bia - nước giải khát.

- Cải thiện môi trường đầu tư theo hướng thông thoáng nhằm thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài

l) Chính sách đất đai

- Hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng mặt bằng sản xuất phù hợp với xu

hướng gia tăng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng yêu cầu đảm bảo hiệu quả sản xuất - kinh doanh và các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Dành quỹ đất cho yêu cầu di chuyển, mở rộng, đầu tư xây dựng một số hợp tác xã sản xuất rượu mang đặc trưng của tỉnh.

- Quy hoạch riêng một khu công nghiệp, cụm công nghiệp hoặc chọn một khu công nghiệp có sẵn và hỗ trợ các doanh nghiệp di dời.

m) Chính sách hỗ trợ thông tin thị trường

- Hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận những văn bản hướng dẫn quy định về thủ tục hồ sơ, trình tự cấp giấy phép và các vấn đề có liên quan đến hoạt động sản xuất trên website của Sở Công Thương.

- Hỗ trợ về cung cấp thông tin pháp luật, thông tin khách hàng trong và ngoài tỉnh, thông tin về giá cả trên bản tin và website của Sở Công Thương.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

Sau khi Quy hoạch được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa xây dựng kế hoạch hành động cụ thể để triển khai thực hiện quy hoạch.

1. Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức thực hiện giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ sản xuất rượu - bia - nước giải khát, giải pháp về thị trường, quản lý quy hoạch ngành và tăng cường liên kết ngành; kiểm tra thực hiện quy hoạch và báo cáo định kỳ cho Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện quy hoạch ngành.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý các Khu công nghiệp chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức thực hiện giải pháp về đầu tư và xúc tiến thu hút các nguồn vốn để phát triển ngành công nghiệp rượu - bia - nước giải khát.

3. Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức thực hiện giải pháp nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong ngành rượu - bia - nước giải khát; đào tạo phát triển nguồn nhân lực khoa học -công nghệ có trình độ chuyên môn cao nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển ngành rượu - bia - nước giải khát.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức thực hiện giải pháp bảo vệ môi trường, tổ chức kiểm tra, kiểm soát môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.

5. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức thực hiện giải pháp đào tạo nguồn nhân lực rượu - bia - nước giải khát đáp ứng nguồn nhân lực của ngành trong từng thời kỳ.

6. Sở Tài chính chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành cân đối nguồn vốn ngân sách hàng năm nhằm thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với phát triển ngành công nghiệp rượu - bia - nước giải khát.

7. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa phối hợp với các ngành liên quan xây dựng các cụm công nghiệp và thu hút đầu tư các dự án đầu tư ngành rượu - bia - nước giải khát vào các cụm công nghiệp.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày k‎ý ban hành.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý các Khu công nghiệp, UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phan Thị Mỹ Thanh

 

PHỤ LỤC

CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ
(Kèm theo Quyết định số 1666/QĐ-UBND, ngày 06/6/2014 của UBND tỉnh)

Bảng 1: Dự kiến danh mục các dự án đầu tư ưu tiên ngành rượu - bia - nước giải khát tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, có xét đến năm 2030

Tên dự án

Địa điểm

Công suất (triệu lít/năm)

1. Kêu gọi đầu tư xây mới 3 - 4 nhà máy sản xuất rượu công nghiệp

Thị xã Long Khánh; các huyện Long Thành, Vĩnh Cửu và Trảng Bom

40

2. Kêu gọi đầu tư xây mới 01 nhà máy bia công nghiệp

Huyện Long Thành

50-100

3. Đầu tư xây mới 2 - 3 nhà máy bia tươi, bia đen

Thành phố Biên Hòa, huyện Long Thành

5

4. Đầu tư xây mới 7 - 8 nhà máy sản xuất nước giải khát

Thành phố Biên Hòa; thị xã Long Khánh; các huyện Xuân Lộc, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu, Long Thành, Định Quán, Trảng Bom

400

Nguồn: Báo cáo tổng hợp Quy hoạch phát triển ngành rượu - bia - nước giải khát Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025. Dự kiến của nhóm nghiên cứu Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM

Bảng 2: Dự báo tổng vốn đầu tư ngành rượu - bia - nước giải khát tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2010 - 2030 (tính theo giá so sánh 2010)

Chỉ tiêu

Đơn vị tính

2010

2015

2020

2025

2030

1. Giá trị sản xuất ngành rượu - bia - nước giải khát

Triệu đồng

2.116.565

4.257.200

9.739.400

24.234.700

65.499.300

2. Tỷ lệ GTGT/GTSX ngành rượu - bia - nước giải khát

%

26,5

25,0

28,0

30,0

32,0

3. Giá trị gia tăng ngành rượu - bia - nước giải khát

Triệu đồng

560.890

1.064.300

2.727.100

7.270.400

20.959.800

4. Tỷ lệ vốn đầu tư/GTGT ngành rượu - bia - nước giải khát

%

23,8

20,0

25,0

28,0

30,0

5. Tổng vốn đầu tư ngành rượu - bia - nước giải khát

Triệu đồng

133.492

212.900

681.800

2.035.700

6.287.900

Nguồn: Tính toán của nhóm nghiên cứu Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM