Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 1669/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 13 tháng 04 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT NHIỆM VỤ QUY HOẠCH CẤP NƯỚC KHU VỰC HAI BÊN TRỤC ĐƯỜNG LÁNG - HÒA LẠC GIAI ĐOẠN TỚI NĂM 2020, CÓ ĐỊNH HƯỚNG TỚI NĂM 2030.

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Xây dựng năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ về Quy hoạch Xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2007 của Chính phủ về sản xuất – cung cấp và tiêu thụ nước sạch;
Căn cứ quyết định số 855/QĐ-TTg ngày 27/09/2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Định hướng quy hoạch chung xây dựng tuyến đường Láng – Hòa Lạc đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 1251/QĐ-TTg ngày 12/9/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch cấp nước ba vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, miền Trung và phía Nam đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 136/QĐ-BXD ngày 3/2/2004 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc Ban hành Quy chế quản lý kiến trúc và quy hoạch xây dựng theo Định hướng Quy hoạch chung toàn tuyến đường Láng – Hòa Lạc;
Căn cứ Quyết định số 03/2008/QĐ-BXD ngày 31 tháng 3 năm 2008 của Bộ Xây dựng ban hành quy định về nội dung thể hiện bản vẽ, và thuyết minh đối với nhiệm vụ quy hoạch và đồ án quy hoạch xây dựng;
Căn cứ Thông tư số 07/2008/TT-BXD ngày 07 tháng 4 năm 2008 của Bộ Xây dựng về việc hướng dẫn lập – thẩm định và phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội tại tờ trình số 1388/TTr-SXD ngày 11/3/2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch quy hoạch cấp nước khu vực hai bên trục đường Láng Hòa Lạc giai đoạn tới năm 2020, có định hướng tới năm 2030 (do Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và kinh doanh nước sạch – VIWACO lập năm 2009) với các nội dung chủ yếu sau:

1. Tên đồ án:

Quy hoạch cấp nước khu vực hai bên trục đường Láng Hòa Lạc giai đoạn tới năm 2020, có định hướng tới năm 2030.

Địa điểm: Thuộc 3 huyện Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất – Hà Nội.

2. Vị trí, ranh giới và phạm vi nghiên cứu:

a. Vị trí:

Dọc hai bên đường Láng Hòa Lạc qua 3 huyện là Hoài Đức, Quốc Oai và Thạch Thất.

b. Phạm vi nghiên cứu:

Phía Bắc: Giáp tuyến đường song song với đường Láng Hòa Lạc về phía Bắc, dự kiến nối từ điểm giao cắt vành đai 3 tại cầu vượt Mai Dịch – dọc đường 32 đến điểm giao cắt với vành đai 4-dọc đường VĐ4 đến điểm giao cắt với đường Sơn Đồng – Thị trấn Thạch Thất đến Đại học Quốc gia tại Hòa Lạc.

Phía Nam: Giáp đường song song với đường Láng – Hòa Lạc về phía Nam dự kiến nối từ đoạn tỉnh lộ mới qua khu đô thị mới Trung Văn, chuyển tiếp tỉnh lộ 72 đi phía Nam thị trấn Quốc Oai và nối quốc lộ 21A tại xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây.

Phía Đông: Giáp đường Láng (thành phố Hà Nội).

Phía Tây: Đến hết giới hạn khu đô thị Hòa Lạc

Chia thành các khu như sau:

+ Khu A (thuộc địa phận Hà Nội cũ), từ đường Láng tới ranh giới Hà Nội – Hà Tây (cũ): Diện tích đất xây dựng khoảng 2.080 ha; quy mô dân số đô thị khoảng 135.000 người. (Khu A sẽ được nghiên cứu phối hợp với khu vực cấp nước Tây Nam Hà Nội do công ty Viwaco làm chủ đầu tư.

+ Khu B – Đô thị mới An Khánh (thuộc địa phận huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây cũ), từ ranh giới Hà Nội – Hà Tây cũ đến đê Tả sông Đáy: diện tích đất xây dựng đô thị khoảng 670 ha; quy mô dân số đô thị khoảng 70.000 người.

+ Khu C – Đô thị Quốc Oai (cả các khu chức năng liên quan – thuộc địa phận huyện Quốc Oai và huyện Thạch thất, tỉnh Hà Tây cũ), từ đê Hữu sông Đáy đến đường vành đai đô thị Hòa Lạc có quỹ đất xây dựng đô thị khoảng 1.220 ha; quy mô dân số đô thị khoảng 85.000 người. Trong đó:

Khu đô thị Quốc Oai có diện tích đất xây dựng đô thị khoảng 600 ha, quy mô dân số đô thị khoảng 55.000 người.

Khu đô thị Ngọc Liệp có diện tích đất xây dựng đô thị khoảng 370 ha, quy mô dân số đô thị khoảng 30.000 người.

+ Khu D – Khu đô thị Hòa Lạc (thuộc địa phận các tỉnh: Hà Tây cũ và Hòa Bình): đất xây dựng đô thị khoảng 8.350 ha, quy mô dân số đô thị khoảng 590.000 người.

+ Các đô thị Liên Quan, Sơn Đồng và Dương Cốc (thuộc tỉnh Hà Tây cũ); diện tích đất xây dựng đô thị khoảng 300 ha, quy mô dân số đô thị khoảng 20.000 người.

Ngoài ra, các đô thị sẽ được nghiên cứu trong mối liên hệ vùng để định hướng phát triển cấp nước gồm:

+ Các đô thị dọc trục đường QL21, đường Hồ Chí Minh: Sơn Tây, thị trấn Xuân Mai, thị trấn Miếu Môn.

+ Các đô thị dọc Quốc lộ 6 giao cắt với các trục đường Bắc Nam, đường vành đai 4: Hà Đông, Chúc Sơn.

+ Các đô thị dọc trục đường 32: Thị trấn Phùng, Trạm Trôi, Ba Vì …

+ Các khu đô thị, công nghiệp, dân cư dọc đường 70 từ Nhổn đến Văn Điển.

c. Quy mô:

Tổng diện tích đất nghiên cứu quy hoạch khoảng 30.000 ha.

(Ranh giới và Quy mô sẽ được xác định cụ thể trong quá trình nghiên cứu – Theo hồ sơ bản vẽ).

3. Mục tiêu của đồ án:

Mục tiêu chung: Quy hoạch cấp nước (QHCN) đảm bảo tuân thủ theo quy hoạch được đề xuất, phát triển dịch vụ cấp nước tại khu vực, đáp ứng được nhu cầu của cộng đồng, phát triển cấp nước bền vững – đồng bộ với hạ tầng cơ sở và được tiến hành theo một quy hoạch có kiểm soát để cân bằng phát triển đô thị; phát triển cấp nước sẽ góp phần cải thiện đời sống người dân và đẩy nhanh quá trình đô thị hóa tại khu vực hai bên đường Láng – Hòa Lạc.

Về các mục tiêu cụ thể cần đạt được như sau:

+ Có các đánh giá đầy đủ về thực trạng cấp nước.

+ Đề ra phương án quy hoạch phát triển cấp nước và vệ sinh liên quan cho toàn bộ chuỗi các đô thị, khu công nghiệp, các điểm dân cư và vùng phụ cận theo một giai đoạn dài hạn tới 2020 và có định hướng phát triển tới năm 2030 trên cơ sở khai thác các đặc thù riêng của vùng về tự nhiện và các mặt kinh tế xã hội, đồng bộ với các mặt phát triển đô thị khác theo định hướng quy hoạch dọc trục đường Láng – Hòa Lạc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và trong mối liên hệ với các vùng đô thị liên quan của Thủ đô.

+ Đề xuất các dự án ưu tiên trong giai đoạn 2009 tới 2015 cho cấp nước khu vực có tính tới mối liên hệ với các vùng và đô thị liên quan của thủ đô: Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Đông...

+ Về mặt pháp lý, hồ sơ quy hoạch phải là tài liệu cơ sở để triển khai các bước chuẩn bị đầu tư cấp nước kế tiếp theo. Đề xuất quy hoạch và báo cáo quy hoạch được duyệt cũng là công cụ để các cơ quan quản lý nhà nước quản lý, kiểm tra, kiểm soát công tác phát triển cấp nước tại khu vực.

+ Đề xuất được lộ trình đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước dọc hai bên đường Láng Hòa Lạc.

4. Nội dung thành phần hồ sơ:

Hồ sơ quy hoạch cấp nước sẽ bao gồm phần thuyết minh và phần bản vẽ theo đúng yêu cầu hiện hành của Chính phủ và Bộ xây dựng về QHXD và QHCN vùng.

Thực hiện theo Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24/01/2005, Thông tư số 07/2008/TT-BXD ngày 07/4/2008 của Bộ Xây dựng, Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2007 của Chính phủ, Nhiệm vụ quy hoạch chi tiết đã được Sở Xây dựng Hà Nội thẩm định xác nhận tại tờ trình số 1388 ngày 11 tháng 03 năm 2009 và Sở Quy hoạch Kiến trúc hướng dẫn tại công văn số 376/QHKT-HTKT ngày 27 tháng 02 năm 2009.

5. Thời gian hoàn thành đồ án: Theo thời gian yêu cầu của dự án và quy định của nghị định 117/2007/NĐ-CP ngày 11 tháng 07 năm 2007 của Chính phủ.

Điều 2. Tổ chức thực hiện:

Giao Công ty Viwaco – Sở Xây dựng Thành phố Hà Nội lập quy hoạch chi tiết theo Nhiệm vụ quy hoạch được UBND Thành phố duyệt; có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định hiện hành của Nhà nước và Thành phố về quản lý đầu tư xây dựng, phối hợp chặt chẽ với địa phương, các Chủ đầu tư dự án trong khu vực nghiên cứu và lân cận.

Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất có trách nhiệm tạo điều kiện, giúp đỡ công ty Viwaco tổ chức thực hiện lập quy hoạch đảm bảo hiệu quả, nhanh chóng, tránh trùng lặp.

Đơn vị tư vấn lập quy hoạch: Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và kinh doanh nước sạch – Viwaco.

Cơ quan thẩm định, trình duyệt: Sở Xây dựng Hà Nội.

Cơ quan phê duyệt: Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND Thành phố; Giám đốc các Sở: Quy hoạch Kiến trúc, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Tài chính, Kho bạc Nhà nước Hà Nội, Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất; Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- TT TU, TT HĐND;
- Đ/c Chủ tịch UBND TP (để báo cáo);
- Các Đ/c Phó Chủ tịch UBND TP;
- Đ/c PVP Phạm Chí Công;
- Đ/c PVP Nguyễn Văn Thịnh;
- TH, XD, TN, GT n (3b)
- Lưu VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Khôi