Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 1679/QĐ-UB-KT

TP. Hồ Chí Minh, ngày  30 tháng 3 năm 1996

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH VỀ PHÂN CÔNG, PHÂN CẤP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC DOANH NGHIỆP THÀNH LẬP THEO LUẬT DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN, LUẬT CÔNG TY TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH.

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 21/6/1994 ;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp tư nhân ngày 21/12/1990 và Luật sửa đổi một số điều của Luật Doanh nghiệp tư nhân ngày 22/6/1994 ;
Căn cứ Luật Công ty ngày 21/12/1990 và Luật sửa đổi một số điều của Luật Công ty ngày 22/6/1994 ;
Căn cứ Luật khuyến khích đầu tư trong nước ngày 05/7/1994 ;
Theo đề nghị của Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch thành phố ;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1.- Nay ban hành kèm theo quyết định này bản quy định về phân công phân cấp quản lý Nhà nước đối với các doanh nghiệp thành lập theo Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 2.- Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3.- Các đồng chí Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch thành phố, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.-

 

 

T/M ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
CHỦ TỊCH




Trương Tấn Sang

 

QUY ĐỊNH

VỀ PHÂN CÔNG, PHÂN CẤP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC DOANH NGHIỆP THÀNH LẬP THEO LUẬT DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN, LUẬT CÔNG TY TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH.

(Ban hành kèm theo Quyết định số 1679/QĐ-UB-KT ngày 30/3/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh).

I- NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.- Quản lý Nhà nước các doanh nghiệp ngoài quốc doanh thành lập theo Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty trên địa bàn thành phố (gọi tắt là các doanh nghiệp) nhằm : Bảo đảm cho doanh nghiệp hoạt động độc lập, bình đẳng trước pháp luật, phù hợp với định hướng phát triển về kinh tế- xã hội của thành phố ; chấp hành tốt luật pháp của Nhà nước ; tạo môi trường kinh tế- xã hội thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển lành mạnh.

Điều 2.- Nội dung chủ yếu quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp là:

1- Cấp giấy phép thành lập, cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, giải thể doanh nghiệp.

2- Ban hành quy hoạch, kế hoạch phát triển, các chương trình dự án trọng điểm, các ngành nghề ưu tiên để định hướng sự phát triển của các doanh nghiệp phù hợp cơ cấu kinh tế thành phố và thị trường trong và ngoài nước.

3- Thực hiện tốt các cơ chế chính sách của Nhà nước, vận dụng các chánh sách để khuyến khích đầu tư.

4- Tạo môi trường thuận lợi về kinh tế- xã hội để khuyến khích đầu tư.

5- Kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật.

6- Xử lý vi phạm pháp luật, giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân có liên quan đến doanh nghiệp.

7- Đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ.

II- PHÂN CÔNG, PHÂN CẤP QUẢN LÝ

Điều 3.- Ủy ban nhân dân thành phố là cơ quan quản lý Nhà nước các doanh nghiệp ở thành phố, có những nhiệm vụ chủ yếu như sau :

1- Cấp giấy phép thành lập, thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, giải thể doanh nghiệp.

2- Ban hành quy hoạch, kế hoạch phát triển, các chương trình dự án trọng điểm, các ngành, nghề ưu tiên đầu tư để định hướng sự phát triển của các doanh nghiệp. Vận dụng các chủ trương, chính sách của Nhà nước để khuyến khích đầu tư ở thành phố. Xây dựng cơ sở hạ tầng về kinh tế và xã hội để hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển.

3- Quyết định kiểm tra, thanh tra.

4- Xử lý vi phạm pháp luật theo thẩm quyền luật định.

5- Điều hành và giải quyết những vướng mắc chung trong quản lý Nhà nước giữa các ngành, các cấp ở thành phố.

Điều 4.- Ủy ban nhân dân quận, huyện có những nhiệm vụ chủ yếu sau :

1- Xem xét việc cho phép các doanh nghiệp xin đặt trụ sở trên địa bàn hoặc địa điểm kinh doanh của một số ngành nghề đặc biệt có trụ sở và địa điểm kinh doanh cùng một nơi (theo Quyết định 46/QĐ-UB-KT). Tham gia xem xét việc cho phép xây dựng các cơ sở sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn.

2- Quy hoạch phát triển cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển của thành phố.

3- Kiểm tra, kiểm soát định kỳ việc chấp hành luật pháp của các doanh nghiệp. Trước mắt căn cứ vào quy định của pháp luật như : Luật thuế, Luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo vệ môi trường, Pháp lệnh Kế toán- Thống kê, kiểm tra kinh doanh theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giữ gìn trật tự trị an ở địa phương.

4- Kiểm tra, thanh tra theo quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố hoặc kiểm tra, thanh tra khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật của doanh nghiệp.

5- Tuyên truyền phổ biến pháp luật và chủ trương chính sách của Nhà nước có liên quan đến doanh nghiệp.

6- Giải quyết khiếu nại, tố cáo giữa công dân với doanh nghiệp ; xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền luật định.

Điều 5.- Ủy ban nhân dân các phường, xã có những nhiệm vụ chủ yếu như sau :

1- Xác nhận lý lịch của người cư trú trên địa bàn xin thành lập doanh nghiệp (theo Quyết định 46/QĐ-UB-KT).

2- Kiểm tra việc chấp hành những quy định về an ninh, trật tự ; chấp hành kinh doanh theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp đóng trên địa bàn.

3- Giải quyết khiếu nại, tố cáo giữa công dân với doanh nghiệp, xử lý vi phạm hành chánh theo thẩm quyền luật định. (Theo điều 26 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày 19/7/1995).

Điều 6.- Các sở, ngành kinh tế- kỹ thuật trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố có những nhiệm vụ chủ yếu sau :

1- Xem xét việc cho phép sản xuất kinh doanh các ngành nghề có điều kiện theo quy định của Nhà nước (theo Quyết định 46/QĐ-UB-KT).

2- Cấp giấy phép hành nghề, giấy phép kinh doanh các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, giấy chứng nhận đăng ký chất lượng sản phẩm (nếu có duy định của Chính phủ  hoặc các Bộ, Ngành).

3- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố ban hành qui hoạch, định hướng phát triển, các chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp ; hướng dẫn việc áp dụng các quy định của Bộ, Ngành trên địa bàn thành phố.

4- Tổ chức kiểm tra, thanh tra các doanh nghiệp khi có quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố hoặc theo những quy định của Nhà nước về thẩm quyền của thanh tra chuyên ngành.

5- Tổ chức các cuộc hội thảo, nghiên cứu chuyên đề về các vấn đề có liên quan đến quản lý Nhà nước các doanh nghiệp. Hỗ trợ việc đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ cho các doanh nghiệp.

6- Xử lý vi phạm hành chánh theo thẩm quyền luật định.

Điều 7.- Các ngành chức năng trực thuộc quản lý theo ngành dọc từ Trung ương như Cục Thuế, Cục Thống kê thành phố có chức năng, nhiệm vụ, phương pháp kiểm kê, kiểm soát các doanh nghiệp theo luật định.

III- QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC HỆ THỐNG THÔNG TIN TRONG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC DOANH NGHIỆP

Để nâng cao hiệu quả thông tin phục vụ công tác quản lý Nhà nước các doanh nghiệp, cần kiện toàn và nâng cao thông tin giữa các doanh nghiệp với Nhà nước và ngược lại, giữa các cơ quan Nhà nước với nhau ; nâng cao công tác tổng hợp, phân tích thông tin quản lý các doanh nghiệp.

Điều 8.- Doanh nghiệp có trách nhiệm báo cáo :

- Báo cáo định kỳ theo mẫu quy định cho Phòng Thống kê các quận, huyện mà doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

- Báo cáo chuyên đề từng lĩnh vực theo quy định của Chính phủ và Bộ ngành (nếu có quy định của Chính phủ và Bộ, ngành).

- Báo cáo theo yêu cầu khi có quyết định kiểm tra, thanh tra của Ủy ban nhân dân thành phố, Ủy ban nhân dân quận, huyện và của thanh tra chuyên ngành.

Điều 9.- Phòng Thống kê các quận, huyện có trách nhiệm tổng hợp báo cáo định kỳ với Cục Thống kê thành phố và Ủy ban nhân dân các quận, huyện cùng cấp về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn.

Điều 10.- Cục Thống kê có trách nhiệm tổng hợp tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, báo cáo định kỳ với Ủy ban nhân dân thành phố, đồng thời gởi cho Ủy ban Kế hoạch thành phố và các ngành có liên quan.

Điều 11.- Ủy ban nhân dân các quận, huyện có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo tình hình hoạt động của các doanh nghiệp có trụ sở chính đóng trên địa bàn theo định kỳ với Ủy ban nhân dân thành phố, đồng thời gởi cho Ủy ban Kế hoạch thành phố và các ngành có liên quan.

Điều 12.- Cục Thuế có trách nhiệm báo cáo định kỳ hàng quý, 6 tháng, hằng năm tình hình tài chính và nộp thuế của các doanh nghiệp với Ủy ban nhân dân thành phố, đồng thời gởi cho Ủy ban Kế hoạch thành phố.

Điều 13.- Các sở, ngành ở thành phố có trách nhiệm báo cáo tổng hợp công tác thanh tra và tình hình có liên quan mà ngành sở phụ trách đối với doanh nghiệp theo định kỳ 6 tháng, hằng năm cho Ủy ban nhân dân thành phố và đồng gởi cho Ủy ban Kế hoạch thành phố.

Điều 14.- Ủy ban Kế hoạch thành phố có trách nhiệm :

- Thông báo với các sở, ngành, quận, huyện về tình hình cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh của các doanh nghiệp có liên quan đến ngành, sở và quận, huyện.

- Báo cáo tổng hợp tình hình hoạt động các doanh nghiệp ngoài quốc doanh định kỳ 6 tháng, hằng năm cho Ủy ban nhân dân thành phố, đồng thời gởi cho các ngành, sở, Ủy ban nhân dân các quận, huyện.

- Làm đầu mối, tổ chức hệ thống thông tin để đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp về định hướng phát triển, tìm hiểu chủ trương, chính sách của Nhà nước và các vấn đề có liên quan khác.

Điều 15.- Tổ chức thực hiện :

Ủy ban Kế hoạch thành phố có trách nhiệm phối hợp với các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các quận, huyện tổ chức hướng dẫn bản quy định này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có điều gì vướng mắc, kịp thời báo cáo để Ủy ban nhân dân thành phố xem xét giải quyêt.-

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ