Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ QUỐC PHÒNG
*****

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
******

Số: 168/2007/QĐ-BQP

Hà Nội, ngày 02 tháng 11 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC CHUẨN BỊ MẶT BẰNG CÁC DỰ ÁN THUỘC ĐỀ ÁN ĐƯỜNG TUẦN TRA BIÊN GIỚI ĐẤT LIỀN

BỘ TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNG

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 12 tháng 11 năm 1996, đã sửa đổi, bổ sung ngày 16 tháng 12 năm 2002;
Căn cứ Quyết định số 313/QĐ-TTg ngày 14 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án quy hoạch xây dựng Đường tuần tra biên giới đất liền giai đoạn 2006-2010 và những năm tiếp theo;
Căn cứ Nghị định số 30/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2004 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;
Theo đề nghị của Tổng Tham mưu trưởng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Quyết định này quy định nội dung, trình tự, cách thức và mối quan hệ trong quá trình thực hiện công tác chuẩn bị mặt bằng của các dự án thuộc Đề án Đường tuần tra biên giới.

2. Quyết định này áp dụng đối với các Chủ đầu tư, các cơ quan thẩm định dự án, Tư vấn khảo sát, thiết kế, Tư vấn giám sát, Nhà thầu thi công, rà phá bom, mìn, vật nổ các dự án thuộc Đề án Đường tuần tra biên giới, các cơ quan, đơn vị có liên quan và địa phương nơi có tuyến đường đi qua.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Phạm vi chiếm dụng vĩnh viễn, là dải đất nằm trong giới hạn giữa hai hàng cọc giải phóng mặt bằng ở hai bên đường và dài theo suốt chiều dài của tuyến đường.

2. Lộ trình đường bộ, là dải đất nằm trong giới hạn giữa hai hàng cọc lộ giới đường bộ ở hai bên đường và dài theo suốt chiều dài của tuyến đường.

3. Hành lang an toàn đường bộ, là phần đất dọc hai bên đường bộ, nằm giữa hàng cọc lộ giới đường bộ và hành cọc giải phóng mặt bằng, nhằm đảm bảo an toàn giao thông và bảo vệ công trình đường bộ.

4. Đất mượn thi công, là dải đất tính từ cọc lộ giới đường bộ đến chỉ giới cần sử dụng trong thi công. Mép ngoài của dải đất này có thể được đánh dấu bằng hàng cọc tạm.

Điều 3. Phạm vi giải phóng mặt bằng

1. Cọc lộ giới đường bộ

1.1. Vị trí cắm cọc

a) Theo mặt cắt ngang tuyến:

Được cắm tính từ mép ngoài công trình (mép chân ta-luy đường đắp, mép đỉnh ta-luy đường đào hoặc mép ngoài các công trình khác thuộc đường), xác định bằng phương pháp đo trắc ngang ra mỗi bên là 5 m;

Trường hợp công trình đi qua thị trấn, thị tứ, cửa khẩu mà địa phương đã phê duyệt quy hoạch thì cắm theo quy hoạch địa phương.

b) Theo chiều dọc tuyến:

Đường qua khu dân cư, khoảng cách cắm 200m/cọc;

Đường qua khu vực đồng ruộng, đất rừng có canh tác, khoảng cách cắm 500m đến 1000m/cọc;

Đường qua vùng rừng núi hiểm trở, dọc đường biên giới, không cắm cọc lộ giới đường bộ, khi cần thiết chỉ cắm cọc đại diện;

Đối với công trình cầu, cống thực hiện theo Điều 14 Nghị định 186/2004/NĐ-CP ngày 05/11/2004 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

Bắt buộc cắm cọc tại gianh giới hành chính các cấp; có thể cắm bổ sung tại các vị trí đường cong, cầu, cống bảo đảm đủ điều kiện giải phóng mặt bằng.

1.2. Quy cách cọc

a) Theo quy định của Tiêu chuẩn ngành Điều lệ báo hiệu đường bộ 22TCN-237-01 (ban hành kèm theo Quyết định số 4393/2001/QĐ-BGTVT ngày 20/12/2001 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải);

b) Mặt trước có chữ “MỐC LỘ GIỚI” hướng về phía đường, hai mặt bên có chữ “TTBG”; chữ chìm sâu vào bê tông 3mm-5mm, cao 6cm, nét rộng 1cm, sơn màu đỏ;

c) Phần cọc nổi phía trên mặt đất cao 40cm, sơn màu trắng 4 mặt, đầu cọc cao 8cm, sơn màu đỏ.

2. Cọc giải phóng mặt bằng

2.1. Vị trí cắm cọc

a) Theo mặt cắt ngang tuyến:

Được cắm tính từ mép ngoài công trình (mép chân ta-luy đường đắp, mép đinh ta-luy đường đào, mép ngoài mố cầu hoặc mép ngoài các công trình khác thuộc đường), xác định bằng phương pháp đo trắc ngang ra mỗi bên là 3m;

Trường hợp công trình đi qua thị trấn, thị tứ, cửa khẩu mà địa phương đã phê duyệt quy hoạch thì cắm theo quy hoạch của địa phương.

b) Theo chiều dọc tuyến:

Đường qua khu vực thị trấn, thị tứ, cửa khẩu từ 50m đến 100m/cọc.

Đường qua khu dân cư phải đền bù, bồi thường khoảng 200m/cọc.

Đường qua khu vực đồng ruộng, đất rừng từ 500m đến 1.000m/cọc.

Đối với công trình cầu: 5 m kể từ phía sau tường chắn đất.

c) Bắt buộc cắm cọc tại ranh giới hành chính các cấp; có thể cắm bổ sung tại các vị trí đường cong, cầu, cống bảo đảm đủ điều kiện giải phóng mặt bằng.

2.2. Quy cách cọc:

a) Theo quy định của Tiêu chuẩn ngành Điều lệ báo hiệu đường bộ 22TCN-237-01 (ban hành kèm theo Quyết định số 4393/2001/QĐ-BGTVT ngày 20/12/2001 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải);

b) Mặt trước có chữ “GPMB” hướng về phía đường, hai mặt bên có chữ “TTBG”; chữ chìm sâu vào bê tông 3mm – 5mm, cao 6cm, nét rộng 1cm, sơn màu đỏ;

c) Phần cọc nổi phía trên mặt đất cao 40cm (không tính phần bệ cọc), sơn màu trắng 4 mặt, đầy cọc sơn màu đỏ cao 8cm.

3. Một số quy định khác khi cắm cọc lộ giới đường bộ, giải phóng mặt bằng

3.1. Cách cắm cọc:

a) Cọc phải được cắm thẳng đúng, trên mặt cắt vuông góc với tim tuyến;

b) Sai số cho phép khi cắm cọc là 20cm;

c) Toàn bộ hệ thống cọc lộ giới đường bộ, giải phóng mặt bằng phải được đánh dấu trên bản đồ, theo tọa độ chính xác và phù hợp với biên bản bàn giao.

d) Ở những vị trí không thể cắm được cọc, cho phép cắm gửi ở nơi có địa hình ổn định, nhưng chỉ được phép gửi theo chiều dọc tuyến và phải có thuyết minh cụ thể trong hồ sơ hoàn công giải phóng mặt bằng. Trên cọc gửi ghi khoảng cách gửi cọc và mũi tên chỉ chiều gửi cọc.

3.2. Cắm cọc đối với đường đi bộ:

a) Đối với đường đi bộ chỉ cắm cọc giải phóng mặt bằng.

b) Vị trí cắm cọc:

Theo mặt cắt ngang tuyến: được cắm tính từ mép ngoài công trình xác định bằng phương pháp đo trắc ngang ra mỗi bên là 2m;

Theo chiều dọc tuyến: cắm vận dụng đủ đảm bảo công tác giải phóng mặt bằng.

c) Quy cách cọc: cọc gỗ, kích thước 5cm x 5cm x 50cm, đầu cọc sơn màu đỏ trên chiều dài 8cm.

3.3. Thời gian cắm cọc:

a) Hoàn thành trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày dự án được phê duyệt;

Trong trường hợp cần cắm cọc gấp để giải phóng mặt bằng kịp tiến độ, Ban quản lý dự án yêu cầu đơn vị tư vấn cắm cọc tạm bằng gỗ, trước thời gian nêu trên. Việc cắm cọc tạm phải bảo đảm đủ điều kiện để thực hiện giải phóng mặt bằng cho đến khi cắm xong cọc bê tông cốt thép.

b) Khi địa hình gặp khó khăn việc cắm cọc 1 bước gây tốn kém, đơn vị tư vấn phải lập đề cương cắm cọc 2 bước:

Bước 1: cắm trước khi tiến hành đo đạc, kiểm đếm công trình và tài sản trên đất. Thực hiện cắm cọc tạm bằng gỗ với số lượng cần thiết, đủ để đảm bảo cho công tác giải phóng mặt bằng;

Bước 2: cắm cọc bê tông cốt thép theo quy định.

3.4. Đơn vị thực hiện:

Tư vấn khảo sát, thiết kế của dự án chịu trách nhiệm cắm cọc;

Trường hợp đặc biệt, cần sử dụng đơn vị khác cắm cọc thì phải có quyết định của cấp trên Chủ đầu tư

4. Cọc ranh giới đất mượn phục vụ thi công

4.1. Quy cách cọc:

Cọc gỗ có kích thước 5cm x 5cm x 50cm, đầu cọc sơn màu đỏ, trên chiều dài 8cm.

4.2. Vị trí cắm cọc:

Vận dụng cụ thể theo địa hình để bảo đảm xác định ranh giới đất mượn.

4.3. Thời gian cắm cọc:

Cùng với thời gian phê duyệt kế hoạch thi công

4.4. Đơn vị thực hiện:

Nhà thầu thi công chịu trách nhiệm cắm cọc.

5. Sử dụng bản đồ trong thực hiện dự án

5.1. Các loại bản đồ liên quan đến quản lý đất đai, thực hiện theo quy định của Luật đất đai, Cụ thể là sử dụng hệ VN-2000, theo Quyết định số 83/2000/QĐ-TTg ngày 12/7/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng hệ quy chiếu và hệ tọa độ quốc gia Việt Nam.

5.2. Đối với dự án đi qua vùng đất lâm nghiệp, không phải đền bù giải phóng mặt bằng sử dụng bản đồ tỷ lệ không nhỏ hơn 1/25.000.

5.3. Đối với dự án đi qua khu vực nương rẫy, đồng ruộng, nhà ở và vật kiến trúc, có đền bù giải phóng mặt bằng sử dụng bản đồ tỷ lệ 1/1.000.

5.4. Tỷ lệ bản đồ, khổ bản vẽ để thông báo hướng tuyến và thể hiện các nội dung khác giao do Ban quản lý dự án quy định.

Điều 4. Công tác rà phá bom, mìn, vật nổ

Công tác rà phá bom, mìn, vật nổ là một hạng mục được tách thành một gói thầu của dự án, được tổ chức triển khai thực hiện theo các quy định hiện hành của Bộ Quốc phòng.

1. Các bước tiến hành

1.1. Lập và thẩm định khái toán rà phá bom, mìn, vật nổ trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư

a) Lập khái khoán: Ban quản lý dự án căn cứ vào hồ sơ khảo sát thiết kế xác định diện tích cần rà phá bom, mìn, vật nổ và định mức đơn giá để lập khai toán mức vốn đầu tư theo Thông tư số 146/2007/TT-BQP ngày 11/9/2007 của Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện Quyết định số 96/2006/QĐ-TTg ngày 04/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý và thực hiện công tác rà phá bom, mìn, vật nổ;

b) Thẩm định khái toán: tổng hợp mức vốn khái toán vào tổng mức đầu tư và cùng trình duyệt với bước 1 của dự án.

1.2. Triển khai rà phá bom, mìn, vật nổ trong giai đoạn thực hiện dự án

a) Bước 1 – khảo sát, lập phương án kỹ thuật thi công, dự toán:

Ban quản lý dự án ký hợp đồng với Trung tâm công nghệ xử lý bom, mìn, vật nổ/Bộ Tư lệnh Công binh – đơn vị được giao nhiệm vụ khảo sát lập phương án rà phá bom, mìn, vật nổ;

Đơn vị khảo sát lập phương án rà phá bom, mìn, vật nổ, tổ chức khảo sát hiện trường, lập phương án kỹ thuật thi công – dự toán và gửi hồ sơ về Bộ Tư lệnh Công binh để tổ chức thẩm định, báo cáo Bộ Tổng tham mưu phê duyệt;

Sau khi Bộ Tổng tham mưu phê duyệt, Chủ đầu tư (Ban quản lý dự án) tổng hợp dự toán rà phá bom, mìn, vật nổ vào tổng dự toán và cùng trình duyệt với bước 2 của dự án.

b) Bước 2 – ký hợp đồng và tổ chức thi công:

Căn cứ vào quyết định giao nhiệm vụ của Bộ Tổng tham mưu, Ban quản lý dự án tiến hành ký hợp đồng với đơn vị được chỉ định thi công;

Đơn vị thi công nhận mặt bằng, lập kế hoạch thi công báo cáo Ban quản lý dự án xem xét chấp thuận, hiệp đồng với các cơ quan liên quan để thi công theo hợp đồng ký kết;

Bộ tư lệnh Công binh chủ trì, phối hợp Ban quản lý dự án và các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra giám sát thi công rà phá bom, mìn, vật nổ.

1.3. Nghiệm thu, bàn giao

a) Sau khi hoàn thnàh thi công, đơn vị thực hiện báo cáo Ban quản lý dự án tổ chức nghiệm thu, thanh quyết toán;

b) Chủ đầu tư (Ban quản lý dự án) tổ chức nghiệm thu theo quy định của Điều 34 Quyết định số 95/2003/QĐ-BQP ngày 07/8/2003 của Bộ Quốc phòng ban hành Quy trình kỹ thuật dò tìm, xử lý bom, mìn, vật nổ (sau đây viết tắt là Quyết định số 95/2003/QĐ-BQP ngày 07/8/2003) và các văn bản hướng dẫn hiện hành của Bộ Quốc phòng, lưu trữ hồ sơ cùng hồ sơ dự án.

2. Phạm vi rà phá bom, mìn, vật nổ

2.1. Diện tích:

Toàn bộ phần đất được giới hạn trong phạm vi của cọc lộ giới đường bộ.

2.2 Độ sâu:

Áp dụng theo Điều 5 Quyết định số 95/2003/QĐ-BQP ngày 07/8/2003 là 3m.

2.3. Các trường hợp đặc biệt:

Áp dụng cho các công trình cầu, cống, kè… thực hiện theo Điều 5 Quyết định số 95/2003/QĐ-BQP ngày 07/8/2003.

3. Các hồ sơ cần có trong công tác rà phá bom, mìn, vật nổ

Thực hiện đầy đủ các loại hồ sơ, văn bản theo Hướng dẫn số 6312/QP ngày 13/12/2004 của Bộ Quốc phòng về áp dụng kỹ thuật và định mức dự toán, dò tìm xử lý bom, mìn, vật nổ và các hướng dẫn của Ban quản lý dự án.

Điều 5. Trình tự, nội dung thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng

1. Quy trình chung

1.1. Thông báo dự án:

Căn cứ vào Đề án đã được Chính phủ phê duyệt, kế hoạch triển khai cụ thể, Chủ đầu tư thực hiện thông báo dự án (hướng tuyến, thời gian khởi công, yêu cầu giải phóng mặt bằng…) đến Ủy ban nhân dân các tỉnh có dự án đi qua để địa phương chủ động trong công tác giải phóng mặt bằng.

1.2. Lập phương án tổng thể giải phóng mặt bằng:

a) Tư vấn khảo sát, thiết kế lập phương án tổng thể giải phóng mặt bằng trong giai đoạn khảo sát, thiết kế, lập dự án đầu tư. Nội dung thực hiện theo Điều 51 Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ quy định bổ sung về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai (sau đây viết tắt là Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007). Trong quá trình thực hiện đơn vị tư vấn khảo sát, thiết kế thống nhất với địa phương để xác định sơ bộ phương án, khái toán cho công tác giải phóng mặt bằng. Địa phương thực hiện theo Điều 51 Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007;

b) Trường hợp địa phương chưa thực hiện được phương án tổng thể giải phóng mặt bằng, do yêu cầu tiến độ thì Ban quản lý dự án kiểm tra hồ sơ phương án, đưa số liệu vào tổng mức đầu tư và cùng trình duyệt với bước 1 của dự án.

1.3. Ký hợp đồng giải phóng mặt bằng với địa phương:

Sau khi dự án được phê duyệt, Ban quản lý dự án chỉ đạo tư vấn khảo sát, thiết kế hoàn chỉnh hồ sơ tổng thể giải phóng mặt bằng, chuyển hồ sơ cho địa phương và tổ chức ký hợp đồng giải phóng mặt bằng với địa phương; hợp đồng về đo đạc, lập bản đồ địa chính, trích sao, trích lục hồ sơ địa chính để thu hồi, giao đất các dự án; cấp tạm ứng vốn theo kế hoạch thực hiện.

1.4. Quyết định giao đất tạm thời cho dự án:

a) Sau khi có quyết định phê duyệt bước 1 của dự án, Ban quản lý dự án làm việc với địa phương, nộp hồ sơ xin giao đất và nhận quyết định giao đất tạm thời;

b) Ban quản lý dự án chỉ đạo tư vấn khảo sát, thiết lập đề cương cắm cọc, kiểm tra, ký hợp đồng để tư vấn tổ chức cắm cọc lộ giới đường bộ, giải phóng mặt bằng, bàn giao mốc giới dự án cho địa phương trên hồ sơ và thực địa.

1.5. Lập phương án giải phóng mặt bằng cụ thể:

a) Địa phương dựa vào hồ sơ giải phóng mặt bằng tổng thể, tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt phương án, kế hoạch giải phóng mặt bằng cụ thể và xác định kinh phí cho việc tổ chức thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng và kinh phí cần thiết để đền bù giải phóng mặt bằng;

b) Sau khi nhận được phương án giải phóng mặt bằng cụ thể của địa phương, Ban quản lý dự án kiểm tra và trình Chủ đầu tư chấp thuận phương án;

c) Ban quản lý dự án chuyển kinh phí theo hợp đồng cho địa phương.

1.6. Tổ chức đền bù:

a) Địa phương tổ chức thực hiện đền bù theo phương án mặt bằng cụ thể;

b) Ban quản lý dự án phối hợp trong công tác tuyên truyền, đôn đốc, theo dõi quá trình đền bù.

1.7 Quyết định giao đất chính thức cho dự án:

Ban quản lý dự án làm việc với địa phương nhận quyết định giao đất chính thức cho dự án.

1.8. Thanh, quyết toán:

Địa phương thanh, quyết toán kinh phí theo quy định, gửi 03 bộ hồ sơ về ban quản lý dự án để lưu trữ và tổng hợp quyết toán dự án.

2. Quy trình trong một số trường hợp cụ thể:

Đối với các dự án đi qua khu vực không đền bù, không có tận thu lâm sản hoặc giá trị đền bù thấp, đơn lẻ:

Ban quản lý dự án chuyển hồ sơ cho địa phương và thống nhất cho phép tổ chức thi công, đồng thời làm các thủ tục giải phóng mặt bằng theo quy định song song với quá trình thi công để bảo đảm tiến độ dự án. Trường hợp đặc biệt, Ban quản lý dự án vận dụng theo quy định hiện hành của địa phương.

Điều 6. Trách nhiệm tổ chức thực hiện.

1. Tổ chức giải phóng mặt bằng thuộc Bộ Quốc phòng

1.1. Bộ Quốc phòng:

a) Phê duyệt dự án, trong đó có các nội dung của công tác chuẩn bị mặt bằng;

b) Chủ trì phối hợp, cùng với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để xử lý tháo gỡ những khó khăn vướng mắc về cơ chế chính sách trong công tác giải phóng mặt bằng;

c) Chỉ đạo Bộ Tổng tham mưu, các cơ quan Bộ Quốc phòng, Tư lệnh các quân khu, Bộ đội Biên phòng tạo điều kiện và phối hợp thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.

1.2. Bộ Tổng tham mưu:

a) Chỉ đạo Ban quản lý dự án 47 và các đơn vị liên quan thực hiện công tác chuẩn bị mặt bằng dự án đúng quy định.

b) Trực tiếp giải quyết kịp thời những vấn đề khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng vượt quá năng lực và thẩm quyền của Ban quản lý dự án;

c) Thẩm định, phê duyệt những văn bản thuộc thẩm quyền và những văn bản do Bộ Quốc phòng ủy quyền.

1.3. Tư lệnh các quân khu có tuyến đường đi qua:

Giao nhiệm vụ cho Bộ chỉ huy quân sự các tỉnh có tuyến đường đi qua làm tham mưu cho cấp ủy, Ủy ban nhân dân trên địa bàn ủng hộ thiết thực công tác giải phóng mặt bằng, tham gia vận động nhân dân chấp hành chủ trương, phương án giải phóng mặt bằng; thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, bảo đảm cho công tác giải phóng mặt bằng thực hiện nhanh chóng và hiệu quả.

1.4. Tư lệnh Bộ đội Biên phòng:

a) Tham gia với Ủy ban nhân dân các tỉnh có tuyến đường đi qua theo Điều 14 Nghị định số 34/2000/NĐ-CP ngày 18/8/2000 của Chính phủ về Quy chế khu vực biên giới đất liền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

b) Chỉ đạo Bộ chỉ huy Biên phòng các tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương và Ban quản lý dự án thực hiện hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng.

c) Chỉ đạo các Đồn Biên phòng cùng với địa phương thực hiện tuyên truyền vận động mọi tổ chức, cá nhân về chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thực hiện giải phóng mặt bằng theo đúng quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và tiến độ của dự án đã được Bộ Quốc phòng phê duyệt.

1.5. Các đơn vị tham gia thực hiện dự án:

a) Tư vấn khảo sát, thiết kế;

Chủ động phối hợp với địa phương để thực hiện đầy đủ các bước công tác giải phóng mặt bằng thuộc đơn vị tư vấn quy định tại Điều 5 Quyết định này và nội dung đã nêu trong hợp đồng giữa đơn vị tư vấn và Ban quản lý dự án;

Chủ động khảo sát, lập hồ sơ giải phóng mặt bằng, trình duyệt kịp thời cùng với hồ sơ dự án;

Hồ sơ giải phóng mặt bằng tổng thể phải bảo đảm đầy đủ các yếu tố theo quy định tại Điều 51 Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007; được địa phương chấp thuận để triển khai công tác giải phóng mặt bằng được thuận lợi;

Giúp địa phương thực hiện phương án giải phóng mặt bằng cụ thể theo Quy định tại Điều 56 Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007;

Bàn giao cho Ban quản lý dự án, các cơ quan chức năng, địa phương, các đơn vị thực hiện dự án, các cơ quan, đơn vị có liên quan hồ sơ dự án và trên thực địa theo quy định;

Bổ sung những thiếu sót, hiệu chỉnh những sai lệch trên bản vẽ và trên thực địa. Thực hiện các yêu cầu khác theo quy định của Ban quản lý dự án;

Thực hiện trách nhiệm của đơn vị tư vấn trong giám sát thực hiện.

b) Các đơn vị thi công:

Chấp hành nghiêm các chế độ, quy định liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng;

Thực hiện nghiệm thu bàn giao những nội dung, công việc thực hiện thuộc công tác chuẩn bị mặt bằng;

Phối hợp chặt chẽ và cùng với Ban quản lý dự án, địa phương cùng giải quyết những vướng mắc trong quá trình giải phóng mặt bằng để đáp ứng yêu cầu tiến độ thi công.

1.6. Cơ quan thẩm định:

a) Cục Kế hoạch và Đầu tư – Bộ Quốc phòng thẩm định phương án tổng thể giải phóng mặt bằng – khái toán cùng với hồ sơ dự án;

b) Bộ Tư lệnh Công binh xem xét hồ sơ giải phóng mặt bằng cụ thể - dự toán của địa phương báo cáo chủ đầu tư chấp thuận phê duyệt cùng với thiết kế bản vẽ thi công – Tổng dự toán.

1.7. Ban quản lý dự án:

a) Thực hiện đầy đủ các bước của công tác giải phóng mặt bằng quy định tại Điều 5 Quyết định này;

b) Chỉ đạo các đơn vị tư vấn khảo sát, thiết kế thực hiện đầy đủ các bước của công tác khảo sát, lập hồ sơ giải phóng mặt bằng theo quy định;

c) Phối hợp với hội đồng giải phóng mặt bằng của địa phương, đơn vị thi công giải quyết kịp thời các vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

2. Tổ chức giải phóng mặt bằng ở địa phương

2.1 Căn cứ vào các Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ quy định bổ sung về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai; Văn bản số 1665/TTg-CN ngày 17/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện quản lý công tác giải phóng mặt bằng và rà phá bom, mìn, vật nổ phục vụ các dự án đường giao thông; các văn bản pháp luật có liên quan và đặc điểm công tác giải phóng mặt bằng Đường tuần tra biên giới, Bộ Quốc phòng có thể tách công tác giải phóng mặt bằng thành một gói thầu riêng và chuyển công tác giải phóng mặt bằng các dự án Đường tuần tra biên giới cho địa phương tổ chức thực hiện.

2.2. Bộ Quốc phòng ủy quyền cho Ban quản lý dự án 47 trực tiếp làm việc với Ủy ban nhân dân và các cơ quan của tỉnh nơi có dự án Đường tuần tra biên giới để giải quyết công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án.

2.3. Ban quản lý dự án 47 được tham gia Hội đồng giải phóng mặt bằng của địa phương theo yêu cầu cụ thể của từng địa phương.

Điều 7. Điều khoản thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

2. Chủ đầu tư (Ban quản lý dự án 47) chịu trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức thực hiện Quyết định này; kiểm tra và chỉ đạo các nhà thầu, các đơn vị khảo sát, thiết kế phối hợp với Hội đồng bồi thường hỗ trợ, tái định cư các địa phương có dự án đi qua thực hiện.

3. Tổng Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm các Tổng cục, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quá trình thực hiện có phát sinh vướng mắc, Chủ đầu tư (Ban quản lý dự án) tổng hợp, trình Bộ Quốc phòng xem xét, quyết định./.

 

 

BỘ TRƯỞNG
ĐẠI TƯỚNG




Phùng Quang Thanh