ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1680/QĐ-UB-KT | TP. Hồ Chí Minh, ngày 30 tháng 3 năm 1996 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC DUYỆT KẾ HOẠCH CẢI TẠO LƯỚI ĐIỆN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH NĂM 1996
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
- Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 21 / 6 / 1994 ;
- Căn cứ Thông báo số 1015/KTTH ngày 7/3/1996 của Thủ tướng Chính phủ về việc cho phép thành phố Hồ Chí Minh được phép phụ thu tiền điện để cải tạo lưới điện trong giai đoạn 1996- 2000 ;
- Căn cứ Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố số 01/NQ-HĐ ngày 30/1/1996 đã thông qua biện pháp phụ thu tiền điện giai đoạn 1996- 2000 để tạo nguồn vốn điện khí hóa ngoại thành và hoàn thiện lưới điện nội thành ;
- Xét tờ trình số 189/ĐCV/HCM-II ngày 01/3/1996 của Công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh về việc trình duyệt kế hoạch cải tạo lưới điện thành phố Hồ Chí Minh năm 1996 và kế hoạch xây dựng cơ bản năm 1996 của các huyện ;
- Theo đề nghị của Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch thành phố ở tờ trình số 87/KH-CN ngày 22/3/1996 ;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. - Duyệt kế hoạch cải tạo lưới điện thành phố Hồ Chí Minh năm 1996 với nội dung chính như sau :
I- MỤC TIÊU CHÍNH CỦA KẾ HOẠCH NĂM 1996 :
1- Nâng công suất tiếp nhận và phân phối của lưới điện lên 750 MW, đảm bảo sản lượng tối đa 15 triệu Kwh/ngày và sản lượng điện bình quân trên dưới 11,5 triệu Kwh/ngày trong năm 1996, đáp ứng yêu cầu phụ tải tăng 22% so với năm 1995.
2- Khắc phục tình trạng mất điện do quá tải các trạm trung gian và lưới truyền tải.
3- Phát triển lưới điện ngõ hẻm và vùng ven nội thành, mở rộng lưới điện ngoại thành và điện khí hóa từ 21 xã trong năm 1996.
4- Giảm số lần mất điện cả năm 1996 xuống còn 70% so với năm 1995 và đảm bảo số lần mất điện của tháng sau giảm hơn tháng trước.
5- Đảm bảo chất lượng điện năng cung cấp cho khách hàng, giữ tần số điện ổn định ở 50 Hz và điện áp cung cấp tại điện kế khách hàng nằm trong giới hạn ± 5% điện áp định mức.
6- Không để xảy ra tai nạn lao động và nâng cao tính an toàn trong khâu cung cấp điện.
7- Phấn đấu thực hiện tổn thất điện năng năm 1996 đạt được 16,5% đối với lưới phân phối và 2% đối với lưới truyền tải.
II- NỘI DUNG CHÍNH CỦA KẾ HOẠCH NĂM 1996 :
1- Cải tạo và phát triển lưới trung thế :
1.1- Xây dựng mới lộ ra : Theo đề án quy hoạch cải tạo và phát triển lưới điện thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 1995- 2000, do Viện Năng lượng và Ngân hàng Thế giới lập, trong năm 1996 sẽ xây dựng mới 5 trạm, tăng cường 5 trạm biến thế trung gian 66- 110/15KV và 1 trạm ngắt với tổng dung lượng tăng thêm là 380.5 MVA. Phần Công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh tổ chức xây dựng 45 lộ ra trung thế mới với khối lượng như sau :
- Xây dựng mới : 166,25 Km.
Cáp ngầm : 121,9 Km.
Dây nổi : 44,35 Km.
(kể cả khối lượng 9 lộ ra mới của 2 trạm Củ Chi và Nhà Bè từ kế hoạch 1995 chuyển sang).
- Cải tạo, tăng cường, bọc hóa : 63,9 Km.
- Khái toán vốn đầu tư : 134.867,4 triệu đồng, nguồn vốn do Tổng Công ty Điện lực Việt Nam cấp cho Công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh.
1.2- Cải tạo, tăng cường, bọc hóa lưới trung thế nổi hiện hữu :
- Khối lượng : 211,11 Km.
- Khái toán đầu tư : 49.248,5 triệu đồng, nguồn vốn do Tổng Công ty Điện lực Việt Nam cấp cho Công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh.
1.3- Cải tạo và phát triển lưới cáp ngầm trung thế :
- Khối lượng : 77,3 Km (kể cả 28,16 Km cáp ngầm thay mới từ kế hoạch 1995 chuyển sang 1996).
- Khái toán đầu tư : 69.859 triệu đồng, nguồn vốn do Tổng Công ty Điện lực Việt Nam cấp cho Công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh.
1.4- Xây dựng mới trạm ngắt : 1 trạm ngắt, nâng cấp 3 phòng biến điện thành trạm ngắt, kiện toàn thiết bị 2 trạm ngắt, lắp hệ thống chuyển nguồn tự động cho các cơ quan quan trọng :
- Khối lượng gồm có : 2 recloser, 29 máy cắt, rơle bảo vệ và đo lường.
- Khái toán vốn đầu tư : 15.695 triệu đồng, nguồn vốn phụ thu tiền điện.
1.5- Kiện toàn thiết bị lưới trung thế :
- Thay 3.160 FCO bảo vệ máy biến thế công cộng và thuê bao trên lưới trung thế.
- Thay 936 bộ cầu dao trung thế chì ống hợp bộ bảo vệ máy biến thế trong phòng biến điện.
- Khái toán vốn đầu tư : 27.957 triệu đồng, nguồn vốn do Tổng Công ty Điện lực Việt Nam cấp cho Công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh.
2- Lắp đặt tụ bù trung thế :
- Lắp tụ bù trung thế trên các tuyến dây với tổng dung lượng bù ứng động là 65.700 KVAR. Ngoài ra, sẽ lắp đặt thêm bộ điều khiển ứng động cho 36.000 KVAR hiện hữu.
- Lặp đặt tụ bù hạ thế với tổng dung lượng bù là 79.270 KVAR.
- Khái toán vốn đầu tư : 20.682 triệu đồng, nguồn vốn do Tổng Công ty Điện lực Việt Nam cấp cho Công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh.
3- Cải tạo và phát triển trạm hạ thế, lưới hạ thế :
3.1- Điện khí hóa 21 xã ngoại thành bao gồm :
- Huyện Củ Chi gồm các xã : Nhuận Đức, Trung Lập Hạ, Tân Thuận Đông, An Nhơn Tây.
- Huyện Hóc Môn gồm các xã: Nhị Bình, Xuân Thới Sơn, An Phú Đông, Thạnh Lộc.
- Huyện Bình Chánh gồm các xã : Tân Túc, Tân Tạo, Bình Trị Đông, Hưng Long, Bình Lợi, Tân Quý Tây.
- Huyện Thủ Đức gồm các xã: Tam Bình, Bình Trưng, Hiệp Bình Phước.
- Huyện Nhà Bè gồm các xã : Phú Mỹ, Nhơn Đức, Phú Xuân, Long Thới.
- Dự kiến khối lượng như sau : Điện khí hóa 48.220 hộ, 84,6 Km lưới trung thế, cải tạo 23 Km lưới trung thế, xây dựng mới 419 Km hạ thế, cải tạo 105 Km lưới hạ thế. Tăng cường công suất : 179 trạm hạ thế, cấy mới 366 trạm hạ thế, với tổng công suất tăng thêm trên 41.858 KVA.
- Khái toán vốn đầu tư : 127.488,5 triệu đồng, nguồn vốn phụ thu tiền điện.
3.2- Điện nông thôn 6 huyện ngoại thành : Đường dây 15 KV và trạm biến thế 15/0,4 KV :
Nguồn vốn phụ thu tiền điện : 14.0000 triệu đồng.
Chủ đầu tư : Ủy ban nhân dân các huyện ngoại thành.
Bao gồm các huyện :
- Huyện Củ Chi : 20 Km, 2.000 KVA, với kinh phí : 3.500 triệu đồng
- Huyện Cần Giờ : 10 Km, 50 KVA, với kinh phí : 1.500 triệu đồng
- Huyện Hóc Môn : 20 Km, 2.000 KVA, với kinh phí : 3.500 triệu đồng
- Huyện Nhà Bè : 10 Km, 1.000 KVA, với kinh phí : 2.000 triệu đồng
- Huyện Thủ Đức : 05 Km, 500 KVA, với kinh phí : 1.000 triệu đồng
- Huyện Bình Chánh: 15 Km, 1.500 KVA, với kinh phí : 2.500 triệu đồng
3.3- Hoàn thiện và phát triển lưới và trạm hạ thế :
Tổ chức cải tạo tập trung lưới hạ thế dọc theo các đường phố chính, các cư xá... phát triển lưới hạ thế vào sâu trong ngõ hẻm và vùng ven nội thành với khối lượng như sau :
- Xây dựng mới lưới trung thế : 46 Km dây nổi. 2 Km cáp ngầm.
- Cải tạo, tăng cường, bọc hóa lưới 15 KV nổi : 6 Km.
- Cải tạo, tăng cường, bọc hóa lưới hạ thế : 517 Km dây nổi, 2 Km cáp ngầm.
- Tăng cường công suất 168 trạm và cấy mới 442 trạm hạ thế với tổng dung lượng máy biến thế tăng thêm là 102.246 KVA.
- Khái toán vốn đầu tư : 317.063 triệu đồng, nguồn vốn do Tổng Công ty Điện lực Việt Nam cấp cho Công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh.
3.4- Bổ sung hoàn thiện và phát triển lưới hạ thế, trạm hạ thế :
- Hoàn thiện lưới và trạm hạ thế huyện Cần Giờ giai đoạn 2.
- Điện khí hóa bổ sung xã Vĩnh Lộc A.
- Hoàn thiện lưới và trạm hạ thế Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố.
- Chiếu sáng đèn đường 10 xã điện khí hóa năm 1995.
- Khối lượng : cải tạo lưới trung thế 1,19 Km, kéo mới lưới trung thế 8,35 Km, kéo mới lưới hạ thế 51,5 Km hạ thế, tăng cường công suất 1 trạm và cấy mới 9 trạm với tổng dung lượng tăng thêm là 575 KVA.
- Khái toán vốn đầu tư : 5.384 triệu đồng, nguồn vốn phụ thu tiền điện.
3.5- Điện khí hóa 5 xã bổ sung :
- Các xã do đơn vị viện trợ chọn lựa.
- Khái toán vốn đầu tư : 25.683,77 triệu đồng, nguồn vốn viện trợ do Tổng Công ty Điện lực Việt Nam cấp cho Công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh.
III- KẾ HOẠCH CHUYỂN TIẾP TỪ 1995 : 143.112,9 triệu đồng.
1- Xây dựng mới lộ ra trung thế : 55.515,6 triệu đồng , nguồn vốn do Tổng Công ty Điện lực Việt Nam cấp cho Công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh.
2- Cải tạo, tăng cường, bọc hóa lưới trung thế : 39.864,2 triệu đồng , nguồn vốn do Tổng Công ty Điện lực Việt Nam cấp cho Công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh.
3- Kiện toàn thiết bị trạm ngắt : 6.941,9 triệu đồng , nguồn vốn phụ thu tiền điện.
4- Hoàn thiện và phát triển lưới và trạm hạ thế : 40.791,2 triệu đồng , nguồn vốn phụ thu tiền điện.
IV- TỔNG KINH PHÍ (II III) :
1- Theo kế hoạch chung : 951,0 tỷ đồng
Trong đó
- Xây lắp : 788,9.
- Thiết bị : 73,2.
- KTCB khác : 88,9.
2- Theo nguồn vốn phụ thu : 210,3 tỷ đồng
Trong đó
- Xây lắp : 159,6.
- Thiết bị : 34,7.
- KTCB khác : 16,0.
3- Đề nghị Tổng Công ty Điện lực Việt Nam cấp bổ sung cho Công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh : 740,7 tỷ đồng
Trong đó
- Xây lắp : 629,3.
- Thiết bị : 38,5.
- KTCB khác : 72,9.
Thiết kế kỹ thuật, thi công phải được thực hiện theo quy định của ngành điện lực. Danh mục công trình theo tờ trình số 489/ĐCV/HCM-II ngày 01/3/1996 của Công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh và đề nghị của Ủy ban Kế hoạch thành phố ở tờ trình số 87/KH-CN ngày 22 tháng 03 năm 1996.
V- NGUỒN KINH PHÍ :
- Vốn ngân sách, vay, khấu hao cơ bản, viện trợ.
- Vốn phụ thu trên giá bán điện.
VI- THỜI GIAN THỰC HIỆN : Từ tháng 4/1996 đến quí 1/1997.
VII- CHỦ ĐẦU TƯ DỰ ÁN :
- Công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh : 937 tỷ đồng.
- Ủy ban nhân dân các huyện : 14 tỷ đồng.
Điều 2 . - Công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh và Ủy ban nhân dân các huyện có trách nhiệm triển khai kế hoạch cải tạo lưới điện thành phố Hồ Chí Minh đúng theo Nghị định 177/CP ngày 20 tháng 10 năm 1994 của Chính phủ về việc ban hành điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng, và Chỉ thị 12/CT-UB-KT ngày 11 tháng 03 năm 1995 của Ủy ban nhân dân thành phố về triển khai nghị định trên.
Điều 3.- Công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm thống kê toán bộ giá trị tài sản tăng thêm trong kế hoạch cải tạo lưới điện thành phố Hồ Chí Minh năm 1996 bằng nguồn vốn phụ thu tiền điện, trích khấu hao cho ngân sách thành phố để sử dụng cho các công trình khác có nhu cầu.
Điều 4.- Ủy ban nhân dân các huyện có trách nhiệm liên hệ với Công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh để lập thiết kế kỹ thuật, dự toán, thi công, nghiệm thu công trình đi vào vận hành theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật của ngành điện. Đồng thời, bàn giao tài sản cho ngành điện, để Công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh bảo trì sửa chữa và trích khấu hao nộp cho ngân sách của thành phố.
Điều 5.- Các ông Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch thành phố, Giám đốc Sở Công nghiệp, Giám đốc Công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Sở Xây dựng, Giám đốc Sở Tài chánh, Giám đốc Cục Quản lý vốn và Tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Cục Đầu tư và Phát triển, Ủy ban nhân dân các huyện chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.-
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |