Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
*****

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 169/2007/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 08 tháng 11 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ GIÁM SÁT ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC KINH DOANH THUA LỖ, HOẠT ĐỘNG KHÔNG CÓ HIỆU QUẢ

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp nhà nước ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 199/2004/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý tài chính Công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư ở doanh nghiệp khác;
Căn cứ Nghị định số 132/2005/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2005 của Chính phủ về thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với công ty nhà nước và Nghị định số 86/2006/NĐ-CP ngày 21 tháng 08 năm 2006 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2005/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2005;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính
,

QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế giám sát đối với doanh nghiệp nhà nước kinh doanh thua lỗ, hoạt động không có hiệu quả.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổ chức được giao nhiệm vụ đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn kinh tế nhà nước, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp nhà nước chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ,
 cơ quan thuộc Chính phủ;
- Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương
 về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố
 trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
 - Các Tập đoàn kinh tế Nhà nước;
- Tổng công ty 91;
- VPCP: BTCN, các Phó Chủ nhiệm,
Website Chính phủ,
 Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ,
 các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KTTH (6b). Hoà 330 bản.

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Nguyễn Sinh Hùng

 

QUY CHẾ

GIÁM SÁT ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC KINH DOANH THUA LỖ, HOẠT ĐỘNG KHÔNG CÓ HIỆU QUẢ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 169/2007/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ)

I. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mục đích giám sát

1. Xác định nguyên nhân dẫn đến tình trạng kinh doanh thua lỗ, hoạt động không có hiệu quả; có biện pháp giúp doanh nghiệp khắc phục tồn tại, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, hiệu quả hoạt động kinh doanh.

2. Phân loại doanh nghiệp và có biện pháp xử lý kịp thời đối với doanh nghiệp, người quản lý, điều hành doanh nghiệp.

Điều 2. Đối tượng giám sát

1. Doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ bao gồm:

a) Công ty nhà nước độc lập;

b) Tổng công ty nhà nước (Tổng công ty do Nhà nước quyết định đầu tư và thành lập, Tổng công ty do các công ty tự đầu tư và thành lập, công ty mẹ, Tập đoàn là công ty mẹ);

c) Công ty thành viên hạch toán độc lập 100% vốn nhà nước thuộc Tổng công ty nhà nước;

d) Công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên.

2. Các doanh nghiệp quy định tại khoản 1 Điều này nếu rơi vào một trong các trường hợp sau đây thì thuộc đối tượng giám sát:

a) kinh doanh thua lỗ 2 năm liên tiếp;

b) kinh doanh thua lỗ một năm nhưng mất từ 30% vốn chủ sở hữu trở lên;

c) kinh doanh giữa hai năm lỗ có một năm lãi;

d)  có hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn nhỏ hơn 0,5.

3. các doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán không thuộc đối tượng áp dụng quy chế này.

4. hàng năm đại diện chủ sở hữu công bố danh sách doanh nghiệp thuộc diện giám sát theo quy chế này.

Điều 3. Doanh nghiệp nhà nước kinh doanh thua lỗ, hoạt động không có hiệu quả thực hiện giám sát theo quy định tại Quy chế này, đồng thời thực hiện giám sát theo quy định tại Quy chế giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước ban hành kèm theo Quyết định số 224/2006/QĐ-TTg ngày 06 tháng 10 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ

II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Chỉ tiêu giám sát

1. Các chỉ tiêu giám sát:

a) Sản lượng, giá trị sản lượng sản phẩm, hàng hóa dịch vụ chủ yếu sản xuất, tiêu thụ, tồn kho;

b) Doanh thu hoạt động kinh doanh, thu nhập khác;

c) Chí phí hoạt động kinh doanh, hoạt động khác, chi phí tiền lương, khấu hao tài sản cố định, chi phí trả lãi vay, chi phí quản lý doanh nghiệp;

d) Lợi nhuận thực hiện và tỷ suất lợi nhuận thực hiện trên vốn nhà nước;

đ) Hiệu quả sử dụng vốn và tài sản;

e) Nợ và khả năng thanh toán nợ;

g) Công tác quản lý, điều hành của Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc.

2. Bộ Tài chính hướng dẫn các chỉ tiêu báo cáo quy định tại Điều này.

Điều 5. Phương thức giám sát

1. Hàng quý, năm doanh nghiệp nhà nước thuộc đối tượng giám sát theo Quy chế này lập báo cáo giám sát theo các chỉ tiêu quy định tại khoản 1 Điều 4 Quy chế này, báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật gửi cho đại diện chủ sở hữu và cơ quan tài chính cùng cấp. Hội đồng quản trị hoặc Tổng giám đốc, Giám đốc (đối với công ty không có Hội đồng quản trị) chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của báo cáo.

2. Đại diện chủ sở hữu phối hợp với cơ quan tài chính cùng cấp căn cứ vào báo cáo của doanh nghiệp tiến hành phân tích, đánh giá kết quả hoạt động kinh doanh, công tác quản lý của doanh nghiệp và kịp thời đưa ra các khuyến nghị đối với doanh nghiệp.

Việc phân tích, đánh giá và khuyến nghị tập trung vào các vấn đề sau:

a) Tình hình sản xuất, tiêu thụ, tồn kho các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ chủ yếu;

b) Tình hình cung ứng, sử dụng vật tư, hàng hoá; thực hiện các định mức kinh tế kỹ thuật, định mức lao động;

c) Tình hình vay, trả nợ;

d) Công tác quản lý và điều hành doanh nghiệp.

3. Đại diện chủ sở hữu phối hợp với cơ quan tài chính cùng cấp tổ chức kiểm tra doanh nghiệp nhằm xác nhận tính trung thực, chính xác về các chỉ tiêu trong các báo cáo quý và năm của doanh nghiệp; công tác quản lý điều hành hoạt động kinh doanh của Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp; công tác quản lý sản xuất, kinh doanh, quản lý lao động, quản lý tài chính của doanh nghiệp. Việc kiểm tra thực hiện mỗi năm một lần và phải tuân thủ theo quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm tra. Kết thúc kiểm tra phải có báo cáo, kết luận về những nội dung kiểm tra và đưa ra những khuyến nghị đối với doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Điều 6. Xử lý những doanh nghiệp thuộc diện giám sát theo Quy chế này

1. Doanh nghiệp trong danh sách giám sát mà 2 năm liên tục không còn lỗ, thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo giám sát theo Quy chế này và Quy chế giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước ban hành kèm theo Quyết định số 224/2006/QĐ-TTg ngày 06 tháng 10 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ thì được đưa ra khỏi danh sách giám sát theo Quy chế này.

2. Doanh nghiệp không thực hiện chế độ báo cáo giám sát thì người quản lý, điều hành doanh nghiệp bị khiển trách hoặc cảnh cáo và không được khen thưởng, không được nâng bậc lương hoặc nâng ngạch theo quy định; trường hợp tái phạm, người quản lý, điều hành doanh nghiệp bị hạ bậc lương hoặc bị cách chức.

3. Doanh nghiệp không thực hiện chế độ báo cáo giám sát hoặc không thực hiện các khuyến nghị, giải pháp của chủ sở hữu khi thực hiện giám sát để doanh nghiệp kinh doanh tiếp tục thua lỗ thì người quản lý, điều hành doanh nghiệp bị cách chức, thay thế.

4. Doanh nghiệp sau khi thực hiện giám sát theo Quy chế này 2 năm liên tục mà vẫn thua lỗ thì phải thực hiện chuyển đổi sở hữu hoặc giải thể, phá sản theo quy định.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 7. Trách nhiệm tổ chức thực hiện

1. Bộ Tài chính chủ trì cùng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan quản lý ngành kinh tế - kỹ thuật hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Quy chế này.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổ chức được giao nhiệm vụ đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp nhà nước chịu trách nhiệm thi hành Quy chế này./.

 

 

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Nguyễn Sinh Hùng