Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 17/1998/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 24 tháng 1 năm 1998

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ BAN HÀNH QUY ĐỊNH TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC BỘ, CÁC CẤP CHÍNH QUYỀN TRONG VIỆC TẠO ĐIỀU KIỆN ĐỂ CÁC CẤP HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM HOẠT ĐỘNG CÓ HIỆU QUẢ

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ các Điều 9, 87, 111, 112 và 125 Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;
Căn cứ các Điều 7, 8 và 39 Luật Tổ chức Chính phủ năm 1992;
Theo đề nghị của Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản "Quy định trách nhiệm của các Bộ và các cấp chính quyền trong việc tạo điều kiện để các cấp Hội Nông dân Việt Nam hoạt động có hiệu quả".

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)

 

QUY ĐỊNH

VỀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC BỘ, CÁC CẤP CHÍNH QUYỀN TRONG VIỆC TẠO ĐIỀU KIỆN ĐỂ CÁC CẤP HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM HOẠT ĐỘNG CÓ HIỆU QUẢ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 17/1998/QĐ-TTg ngày 24 tháng 01 năm 1998)

Điều 1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi chung là Bộ), HĐND và UBND các cấp (sau đây gọi chung là các cấp chính quyền ở địa phương) khi xây dựng chính sách, pháp luật, kế hoạch Nhà nước hoặc giải quyết các vấn đề kinh tế xã hội có liên quan tới quyền lợi nghĩa vụ của nông dân, đến nhiệm vụ của Hội Nông dân Việt Nam phải thông báo và tạo điều kiện để các cấp Hội Nông dân Việt Nam tham gia ngay từ đầu.

Trong quá trình xây dựng và soạn thảo văn bản, nếu có ý kiến không thống nhất thì cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản phải trình rõ những ý kiến khác nhau để cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Điều 2. Trong quá trình tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn nông thôn và trong lĩnh vực nông nghiệp, các Bộ và các cấp chính quyền ở địa phương phải phối hợp với Hội Nông dân cùng cấp để tổ chức chỉ đạo và tạo điều kiện phát triển các phong trào của nông dân.

Các Bộ và chính quyền các cấp ở địa phương thường xuyên cung cấp thông tin về các chủ trương, chính sách mới của nhà nước; kịp thời thay đổi, bổ sung điều chỉnh các cơ chế chính sách cho phù hợp với thực tiễn của cuộc sống để huy động mọi tiềm năng của nông dân vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Điều 3. Các Bộ và các cấp chính quyền ở địa phương mời đại diện Hội Nông dân cùng cấp tham gia các kỳ họp bàn về các nội dung có liên quan đến nông dân và mời tham gia với tư cách là thành viên chính thức trong các tổ chức tư vấn (Ban, Hội đồng) có chức năng, nội dung hoạt động gắn với quyền và nghĩa vụ của nông dân.

Điều 4. Để Hội Nông dân Việt Nam thực hiện tốt chức năng giám sát, kiểm tra việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, các Bộ và các cấp chính quyền ở địa phương có trách nhiệm tạo mọi điều kiện thuận lợi trong quá trình kiểm tra; khẩn trương xem xét, giải quyết và trả lời đối với những kiến nghị của Hội Nông dân theo đúng quy định của pháp luật.

Khi thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật và việc thực hiện các chính sách chế độ liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của nông dân, các Bộ và các cấp chính quyền ở địa phương cần mời đại diện của Hội Nông dân tham gia.

Điều 5. Các Bộ và các cấp chính quyền ở địa phương có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế phối hợp, kinh phí hoạt động, phương tiện làm việc cho các cấp Hội Nông dân Việt Nam theo các chế độ hiện hành để Hội tổ chức thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.

Điều 6. Chính quyền các cấp ở địa phương có kế hoạch làm việc định kỳ (6 tháng 1 lần) với Hội Nông dân cùng cấp để bàn chương trình phối hợp hoạt động và giải quyết những vấn đề bức xúc của phong trào nông dân đặt ra. Khi có việc đột xuất, chính quyền và Hội Nông dân cùng cấp kịp thời phối hợp để xử lý.

Điều 7. Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng các cơ quan trực thuộc Chính phủ, Chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND các cấp có trách nhiệm cùng với Hội Nông dân cùng cấp cụ thể hoá chương trình phối hợp nhằm đạt hiệu quả thiết thực.

Điều 8. Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm theo dõi, tổng hợp và định kỳ báo cáo Thủ tướng về kết quả thi hành quy định này.