Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LAI CHÂU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 17/2015/QĐ-UBND

Lai Châu, ngày 14 tháng 08 năm 2015

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP LẬP HỒ SƠ ÁP DỤNG BIỆN PHÁP XỬ LÝ HÀNH CHÍNH ĐƯA VÀO CƠ SỞ CAI NGHIỆN BẮT BUỘC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LAI CHÂU

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Phòng, chống ma túy ngày 09/12/2000 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy ngày 03/6/2008;

Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20/6/2012;

Căn cứ Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 ngày 20/01/2014 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân;

n cứ Nghị định số 135/2004/NĐ-CP ngày 10/6/2004 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh, tổ chức hoạt động của cơ sở chữa bệnh theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và chế độ áp dụng đối với người chưa thành niên, người tự nguyện vào cơ sở chữa bệnh;

Căn cứ Nghị định số 221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

Căn cứ Thông tư số 14/2014/TT-BLĐTBXH ngày 12/6/2014 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành biểu mẫu về lập hồ sơ đề nghị, thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và hướng dẫn xây dựng nội quy, quy chế đối với học viên của cơ sở cai nghiện bắt buộc;

Căn cứ Thông tư số 17/2015/TTLT-BYT-BLĐTBXH-BCA ngày 09/7/2015 của Liên bộ: Y tế - Lao động TB&XH - Công an quy định thẩm quyền thủ tục và quy trình xác định tình trạng nghiện ma tuý;

Thực hiện Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 26/12/2014 của Chính phủ về tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống, kiểm soát và cai nghiện ma túy trong tình hình mới;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 751/TTr-SLĐTBXH ngày 13/7/2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp lập hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

Điều 2. Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Quy chế này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./. 


i nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ: LĐTBXH, Công an, Y tế;
- Cục Kiểm tra VBQPPL-Bộ Tư pháp;
- TT: Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- UBND các xã, phường, thị trấn;
- TTXVN tại Lai Châu;
- Đài PTTH Lai Châu, Báo Lai Châu;
- Cổng TTĐT tỉnh, Công báo tỉnh;
- Lưu: VT,VX.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Tống Thanh Hải

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP LẬP HỒ SƠ ÁP DỤNG BIỆN PHÁP SỬ LÝ HÀNH CHÍNH ĐƯA VÀO CƠ SỞ CAI NGHIỆN BẮT BUỘC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LAI CHÂU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 17/2015/QĐ-UBND ngày 14/8/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định về thời gian, quy trình phối hợp, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong việc lập hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

Điều 2. Đối tượng bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

1. Đối tượng bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định tại Khoản 1 Điều 96 của Luật Xử lý vi phạm hành chính gồm:

a) Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên có nơi cư trú ổn định đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy mà vẫn còn nghiện.

b) Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên chưa bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy nhưng không có nơi cư trú ổn định.

2. Không lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với các trường hợp sau:

a) Người theo quy định tại Khoản 2 Điều 96 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

b) Người đang tham gia các chương trình cai nghiện ma túy tại cộng đồng theo quy định tại Khoản 3 Điều 16 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.

c) Người đang tham gia điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện được quy định tại Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 96/2012/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.

Điều 3. Cơ sở cai nghiện bắt buộc

Cơ sở cai nghiện bắt buộc tỉnh Lai Châu là Trung tâm 05-06 tỉnh (sau đây gọi tắt là Trung tâm) trực thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội

Điều 4. Thời gian cai nghiện ma túy bắt buộc

Thời gian cai nghiện ma túy bắt buộc tại Trung tâm thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 95 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Điều 5. Thẩm quyền, thủ tục và quy trình xác định tình trạng nghiện ma túy

Thẩm quyền, thủ tục và quy trình xác định tình trạng nghiện ma túy thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 17/2015/TTLT-BYT-BLĐTBXH- BCA ngày 9/7/2015 của Bộ Y tế - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Công an.

Điều 6. Tổ chức quản lý người nghiện không có nơi cư trú ổn định trong thời gian lập hồ sơ áp dụng biện pháp đưa vào cai nghiện bắt buộc

1. Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội các huyện, thành phố (Được chuyển đổi thành Trung tâm Tiếp nhận đối tượng xã hội - Điều trị nghiện tự nguyện huyện, thành phố theo Kế hoạch của UBND tỉnh) là cơ sở quản lý người nghiện không có nơi cư trú ổn định hoặc không xác định được nơi cư trú ổn định trong thời gian chờ lập hồ sơ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

2. Người nghiện ma túy được phát hiện trên địa bàn tỉnh nhưng không có nơi cư trú ổn định hoặc không xác định được nơi cư trú ổn định trong thời gian chờ lập hồ sơ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì được đưa vào cơ sở quản lý quy định tại Khoản 1 Điều này.

3. Cơ sở quản lý có nhiệm vụ quản lý, cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý, phục hồi, chăm sóc sức khỏe cho người nghiện ma túy. Tổ chức xét nghiệm, điều trị ARV cho người nghiện nhiễm HIV/AIDS; rà soát, phân loại, xác định tình trạng nghiện ma túy.

4. Đối tượng thuộc diện đưa vào cơ sở quản lý của huyện Nậm Nhùn, trong thời gian chưa thành lập cơ sở thì được đưa vào cơ sở quản lý của huyện Sìn Hồ, huyện Mường Tè tùy theo vị trí địa lý phù hợp.

Điều 7. Tổ tư vấn thẩm định hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc

Tổ tư vấn thẩm định hồ sơ do Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố quyết định thành lập gồm: Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội; Trưởng phòng Tư pháp, Trưởng phòng Y tế, Trưởng Công an huyện, thành phố; đại diện UBND cấp xã nơi người nghiện cư trú hoặc vi phạm và mời đại diện Viện Kiểm sát nhân dân huyện, thành phố tham gia Tổ tư vấn. Tổ tư vấn do Trưởng phòng Lao động Thương binh và Xã hội làm Tổ trưởng.

Trên Cơ sở ý kiến thẩm định của Trưởng phòng Tư pháp về tính pháp lý của hồ sơ, Tổ tư vấn xem xét và biểu quyết với từng trường hợp cụ thể và quyết định theo đa số. Trường hợp ý kiến bằng nhau thì lấy theo ý kiến của Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội.

Điều 8. Thẩm quyền áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc

Thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 105 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Chương II

QUY TRÌNH PHỐI HỢP LẬP VÀ THẨM ĐỊNH HỒ SƠ, THỦ TỤC ĐƯA VÀO CAI NGHIỆN BẮT BUỘC TẠI TRUNG TÂM

Điều 9. Quy trình phối hợp lập và thẩm định hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc

1. Trong thời gian 07 ngày làm việc, kể từ khi phát hiện người có hành vi sử dụng ma túy trái phép, cơ quan Công an cấp xã hoặc Công an cấp huyện, cấp tỉnh có liên quan có văn bản đề nghị người có thẩm quyền xác định tình trạng nghiện; tiến hành xác minh, thu thập tài liệu, lập xong hồ sơ với những trường hợp thuộc đối tượng bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc gửi đến Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội; đồng thời, thông báo bằng văn bản về việc lập hồ sơ đến người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc người đại diện hợp pháp của họ được biết. Người được thông báo có quyền đọc, ghi chép, sao chụp hồ sơ theo quy định.

2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ khi nhận được hồ sơ đề nghị của cơ quan lập hồ sơ, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, thành phố triệu tập và chủ trì cuộc họp Tổ tư vấn thẩm định hồ sơ đề nghị.

3. Trong thời bạn 02 ngày làm việc, kể từ khi kết thúc cuộc họp thẩm định hồ sơ; Trưởng phòng Tư pháp có trách nhiệm gửi văn bản đã xác định tính pháp lý hồ sơ đề nghị đến Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội.

4. Trong thời gian 02 ngày làm việc, kể từ khi nhận được văn bản xác định tính pháp lý hồ sơ đề nghị của Phòng Tư pháp, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm hoàn tất hồ sơ gửi Tòa án nhân dân huyện, thành phố.

- Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì có văn bản đề nghị cơ quan lập hồ sơ bổ sung trong đó nêu rõ lý do và các tài liệu cần bổ sung. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan lập hồ sơ phải bổ sung các tài liệu, hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu. Sau thời hạn trên, nếu hồ sơ không được bổ sung, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội trả lại hồ sơ cho cơ quan lập hồ sơ, đồng thời thông báo bằng văn bản cho Trưởng phòng Tư pháp và người bị lập hồ sơ.

- Trường hợp hồ sơ đầy đủ thì đánh bút lục và lập thành 02 bản, bản gốc gửi Tòa án nhân dân huyện, thành phố, bản sao lưu tại Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định về pháp luật lưu trữ.

5. Hồ sơ gửi Tòa án nhân dân huyện, thành phố gồm:

a) Toàn bộ hồ sơ đề nghị của cơ quan lập hồ sơ.

b) Biên bản cuộc họp Tổ tư vấn thẩm định hồ sơ đề nghị.

c) Văn bản xác định tính pháp lý hồ sơ đề nghị của Trưởng phòng Tư pháp.

d) Văn bản đề nghị của Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội.

6. Trường hợp Tòa án có văn bản đề nghị làm rõ một số nội dung trong hồ sơ, trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của Tòa án Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 10. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

a) Chỉ đạo công tác cai nghiện tại các Trung tâm, chủ động phối hợp với các ngành, đoàn thể, địa phương kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh.

b) Định kỳ 06 tháng, một năm tổng hợp báo cáo và đề xuất giải quyết những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Quy chế này với Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Sở Y tế

a) Hướng dẫn thủ tục xác định tình trạng nghiện ma túy, tổ chức tập huấn và cấp chứng chỉ hoặc chứng nhận đã tập huấn về chẩn đoán và điều trị nghiện ma túy cho người có thẩm quyền xác định tình trạng nghiện ma túy theo quy định tại Thông tư số 17/2015/TTLT-BYT-BLĐTBXH-BCA ngày 9/7/2015 của liên Bộ: Y tế - Lao động - Thương binh và Xã hội - Công an.

b) Hướng dẫn phác đồ điều trị nghiện thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; hỗ trợ chuyên môn trong giai đoạn dò liều cho bệnh nhân tự nguyện tham gia điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế và phối hợp khám kiểm tra sức khỏe định kỳ cho bệnh nhân; thực hiện giám sát, kiểm tra chuyên môn trong công tác điều trị, cấp phát thuốc điều trị nghiện cho bệnh nhân tự nguyện tham gia điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.

c) Tập huấn kiến thức về điều trị cắt cơn nghiện ma túy cho y sỹ, bác sỹ tại các cơ sở y tế. Xem xét cấp chứng chỉ hành nghề khám, bệnh chữa bệnh theo quy định tại Luật Khám bệnh chữa bệnh để đủ điều kiện xác định nghiện theo quy định hiện hành.

3. Công an tỉnh

a) Chỉ đạo hệ thống ngành dọc phối hợp với các ngành chức năng giúp Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn lập hồ sơ đề nghị áp dụng đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

b) Chỉ đạo công an huyện, thành phố chủ trì phối hợp với với phòng Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức đưa người đã có quyết định áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc vào cai nghiện tại Trung tâm.

c) Hướng dẫn sử dụng các loại trang thiết bị, công cụ hỗ trợ cho cán bộ theo đề nghị của Trung tâm, Cơ sở quản lý.

d) Hỗ trợ lực lượng bảo vệ an ninh trật tự, phối hợp với các ngành chức năng bảo đảm an toàn, xử lý các tình huống xấu xảy ra trong quá trình tổ chức, thực hiện cai nghiện ma túy tại Trung tâm, tại Cơ sở quản lý.

e) Phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra, xử lý người cai nghiện ma túy tại Trung tâm, người nghiện ma tuý không có nơi cư trú ổn định đang được quản lý tại Cơ sở quản lý có hành vi vi phạm pháp luật.

4. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

Chỉ đạo lực lượng chuyên trách phòng, chống ma tuý và các Đồn Biên phòng khi phát hiện người có hành vi sử dụng ma túy trái phép hoặc có dấu hiệu nghiện ma túy trong quá trình điều tra, thụ lý các vụ vi phạm pháp luật thì lập biên bản, thông báo và bàn giao cho cơ quan Công an xã, phường nơi người vi phạm cư trú; hoặc cơ quan Công an nơi Đồn Biên phòng đóng trụ sở đối với trường hợp người vi phạm không có nơi cư trú ổn định.

5. Sở Nội vụ

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn về tổ chức bộ máy và hoạt động của Cơ sở quản lý người nghiện ma tuý không có nơi cư trú ổn định.

b) Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thành lập Tổ tư vấn thẩm định hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm.

6. Ủy ban nhân dân các huyện, thành ph

a) Xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác cai nghiện ma túy huyện, thành phố và các xã phường, thị trấn trên địa bàn.

b) Quyết định thành lập Tổ tư vấn thẩm định hồ sơ và chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan Công an, Phòng Tư pháp huyện, thành phố, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và các đơn vị liên quan phối hợp trong việc lập và thẩm định hồ sơ, thi hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

c) Thực hiện chế độ báo cáo, thống kê về công tác cai nghiện ma túy theo quy định.

d) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn hỗ trợ tạo điều kiện cho những người đã chấp hành xong biện pháp cai nghiện ma túy tại Trung tâm tạo việc làm, sớm hòa nhập cộng đồng và phòng, chống tái nghiện ma túy.

7. Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn

a) Chỉ đạo, thực hiện lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp cai nghiện ma túy bắt buộc tại Trung tâm; hướng dẫn gia đình có người nghiện và đoàn thể xã hội địa phương tham gia quản lý người nghiện trong thời gian lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp cai nghiện ma túy bắt buộc tại Trung tâm.

b) Tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao và các hoạt động xã hội khác nhằm giúp người cai nghiện ma túy phục hồi sức khoẻ nhân cách và sớm hòa nhập cộng đồng.

c) Hỗ trợ, tạo điều kiện cho người đã chấp hành xong quyết định cai nghiện ma túy tại Trung tâm được học nghề, tìm việc làm, vay vốn sản xuất - kinh doanh và tiếp cận với các dịch vụ y tế, xã hội; tích cực phòng, chống tái nghiện ma túy.

d) Thực hiện chế độ báo cáo, thống kê về công tác cai nghiện ma túy theo quy định.

8. Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các đoàn thể có liên quan phối hợp thực hiện:

1. Tòa án nhân dân tỉnh chỉ đạo Tòa án nhân dân các huyện, thành phố đẩy nhanh tiến độ trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; phối hợp với Tổ tư vấn thẩm định hồ sơ và các cơ quan có liên quan trong việc xử lý các trường hợp còn vướng mắc về hồ sơ, thủ tục xét xử đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

2. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Hội Cựu chiến binh, Tỉnh Đoàn Lai Châu và các hội, đoàn thể trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh việc vận động người nghiện và thân nhân gia đình người nghiện ma tuý tự giác khai báo tình trạng nghiện và tự nguyện đăng ký hình thức cai nghiện; đồng thời tích cực phối hợp triển khai thực hiện Quy chế này.

Điều 11. Chế độ báo cáo

1. Định kỳ hằng tháng, quý, năm, các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố báo cáo tình hình và kết quả thực hiện công tác cai nghiện về Ủy ban nhân dân tỉnh thông qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân phản ánh về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.