Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẠC LIÊU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 17/2023/QĐ-UBND

Bạc Liêu, ngày 13 tháng 4 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ DẠY THÊM, HỌC THÊM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẠC LIÊU

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16 tháng 5 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về dạy thêm, học thêm;

Thực hiện Quyết định số 2499/QĐ-BGDĐT ngày 26 tháng 8 năm 2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc công bố hết hiệu lực các điều 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16 tháng 5 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về dạy thêm, học thêm;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 68/TTr-SGDĐT ngày 28 tháng 3 năm 2023.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Điều 3. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 24 tháng 4 năm 2023 và thay thế Quyết định số 15/2013/QĐ-UBND ngày 25 tháng 7 năm 2013 của UBND tỉnh Bạc Liêu về việc ban hành Quy định dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu và Quyết định số 06/2014/QĐ-UBND ngày 12 tháng 6 năm 2014 của UBND tỉnh Bạc Liêu về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 15/2013/QĐ-UBND ngày 25 tháng 7 năm 2013 của UBND tỉnh Bạc Liêu về việc ban hành Quy định dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy (để báo cáo);
- Thường trực HĐND tỉnh (để báo cáo);
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh (để giám sát);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Sở Tư pháp (tự kiểm tra);
- TT Công báo - Tin học (đăng công báo);
- Lưu: VT, (TTH-1002).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phan Thanh Duy

 

QUY ĐỊNH

VỀ DẠY THÊM, HỌC THÊM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẠC LIÊU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 17/2023/QĐ-UBND ngày 13 tháng 4 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Văn bản này quy định chi tiết trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan quản lý giáo dục và các ngành liên quan trong việc quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn; thu, quản lý và sử dụng tiền học thêm; thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.

2. Văn bản này áp dụng đối với người dạy thêm, người học thêm và các tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm hoặc có liên quan đến hoạt động dạy thêm, học thêm (trong và ngoài nhà trường).

3. Việc phụ đạo cho những học sinh học lực yếu, kém, bồi dưỡng học sinh giỏi, hoạt động trông giữ trẻ ngoài giờ, bồi dưỡng nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống không thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy định này.

Chương II

TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG DẠY THÊM, HỌC THÊM

Điều 2. Trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo

1. Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh theo quy định này và quy định tại các khoản 1, 3 và 4 Điều 16 Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16 tháng 5 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về dạy thêm, học thêm (sau đây gọi tắt là Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT).

2. Là cơ quan đầu mối, chủ trì, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan triển khai, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra về nội dung dạy thêm, học thêm; phòng ngừa và xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm.

3. Thông báo công khai nơi tiếp công dân tại trụ sở cơ quan và số điện thoại đường dây nóng dùng cho việc tiếp nhận và xử lý các kiến nghị, phản ánh về dạy thêm, học thêm.

Điều 3. Trách nhiệm của các Sở, Ban, Ngành và đoàn thể

Các sở, ban, ngành và đoàn thể có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan quản lý giáo dục và chính quyền các cấp để tuyên truyền, quản lý thực hiện tốt việc dạy thêm, học thêm theo chức năng và thẩm quyền; kịp thời phát hiện, phản ánh những sai phạm trong hoạt động dạy thêm, học thêm.

Điều 4. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố

1. Thực hiện theo quy định tại khoản 2, 3 và 5 Điều 17 Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT.

2. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã theo dõi, quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn theo chức năng, quyền hạn, kịp thời phát hiện những sai phạm, xử lý sai phạm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.

Điều 5. Trách nhiệm của Phòng Giáo dục và Đào tạo

1. Thực hiện theo quy định tại khoản 2, 3 và 5 quy định tại Điều 18 Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT.

2. Thông báo công khai nơi tiếp công dân tại trụ sở cơ quan và số điện thoại đường dây nóng dùng cho việc tiếp nhận và xử lý các kiến nghị, phản ánh về dạy thêm, học thêm.

Điều 6. Trách nhiệm của Hiệu trưởng và Thủ trưởng các cơ sở giáo dục

1. Thực hiện theo quy định tại Điều 3; Điều 4; Điều 5; khoản 1, 3 và 4 Điều 19 Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT.

2. Xây dựng kế hoạch dạy thêm, học thêm trong nhà trường theo năm học và gửi về cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp để theo dõi; kịp thời thông tin, phản ảnh tình hình dạy thêm, học thêm tại đơn vị, báo cáo cho các cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp khi kết thúc năm học hoặc báo cáo theo yêu cầu đột xuất.

Điều 7. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã

Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm theo dõi, quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn theo chức năng, quyền hạn; kịp thời phát hiện những sai phạm, xử lý sai phạm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.

Điều 8. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường

Thực hiện theo quy định tại khoản 1, 3 và 4 Điều 20 Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT.

Chương III

VIỆC THU, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG TIỀN HỌC THÊM

Điều 9. Việc thu, quản lý tiền học thêm

1. Thực hiện theo Điều 7 Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT.

2. Đối với các cơ sở giáo dục công lập, việc sử dụng tiền học thêm thực hiện theo quy định tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của luật quản lý, sử dụng tài sản công.

Chương IV

THANH TRA, KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 10. Thanh tra, kiểm tra

Thực hiện theo quy định tại Điều 21 Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT.

Điều 11. Xử lý vi phạm

Thực hiện theo quy định tại Điều 22 Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 12. Trách nhiệm thi hành

1. Giao Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các ngành có liên quan kịp thời phổ biến, quán triệt sâu rộng nội dung Quy định này cho cán bộ, giáo viên và nhân viên trên địa bàn tỉnh.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, phát sinh các cơ quan, đơn vị báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Giáo dục và Đào tạo) để kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.