Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1701/QĐ-UBND

Đồng Nai, ngày 17 tháng 7 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC THÔNG QUA CHÍNH SÁCH TRONG ĐỀ NGHỊ XÂY DỰNG NGHỊ QUYẾT QUY ĐỊNH CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP VỀ LĨNH VỰC CÔNG NGHỆ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày 12 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Luật Chuyển giao công nghệ ngày 19 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ;

Căn cứ Nghị định 80/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số 30/TTr-SKHCN ngày 31 tháng 3 năm 2023.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Thông qua chính sách trong đề nghị xây dựng Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về lĩnh vực công nghệ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, như sau:

1. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và thực hiện lộ trình đổi mới công nghệ

1.1. Đối tượng

a) Doanh nghiệp trong nước được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Đồng Nai;

b) Các loại hình tổ chức khác có nguồn vốn trong nước hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Đồng Nai theo quy định của pháp luật;

c) Không áp dụng đối với tổ chức, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

1.2. Điều kiện hỗ trợ

a) Doanh nghiệp trong nước được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Đồng Nai;

b) Các loại hình tổ chức khác có nguồn vốn trong nước hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Đồng Nai theo quy định của pháp luật;

c) Có phiếu đăng ký, báo cáo kết quả thực hiện và đảm bảo thực hiện đúng các nội dung đã đề xuất đúng theo quy định của pháp luật.

1.3. Nguyên tắc hỗ trợ

a) Việc hỗ trợ phải đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, bình đẳng, hiệu quả, đúng mục đích, không trùng lặp.

b) Trường hợp cùng một nội dung, đối tượng áp dụng đồng thời đáp ứng điều kiện được hỗ trợ theo quy định của Nghị quyết này và chính sách khác áp dụng trên địa bàn tỉnh, thì đối tượng áp dụng được lựa chọn một (01) chương trình hỗ trợ phù hợp nhất.

c) Trường hợp một tổ chức, doanh nghiệp thực hiện nhiều nội dung khác nhau của chính sách thì sẽ được hưởng các chính sách hỗ trợ theo từng nội dung nếu đủ các điều kiện.

d) Tổ chức, doanh nghiệp được nhận hỗ trợ phải đảm bảo sử dụng nguồn hỗ trợ đúng mục đích, đúng quy định về tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi tiêu hiện hành và báo cáo việc sử dụng chi tiết nguồn hỗ trợ cho Sở Khoa học và Công nghệ hàng năm.

1.4. Mức hỗ trợ

Hỗ trợ 50% giá trị hợp đồng tư vấn nhưng không quá 50 triệu đồng/hợp đồng/năm đối với doanh nghiệp nhỏ và không quá 100 triệu đồng/ hợp đồng/năm đối với doanh nghiệp vừa và lớn.

2. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ trong quá trình hoạt động.

2.1. Đối tượng

a) Doanh nghiệp trong nước được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Đồng Nai;

b) Các loại hình tổ chức khác có nguồn vốn trong nước hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Đồng Nai theo quy định của pháp luật;

c) Không áp dụng đối với tổ chức, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

2.2. Điều kiện hỗ trợ

a) Có phiếu đăng ký, báo cáo kết quả thực hiện và đảm bảo thực hiện đúng các nội dung đã đề xuất đúng theo quy định của pháp luật;

b) Tùy vào từng nội dung hỗ trợ, quy định điều kiện hỗ trợ cụ thể.

2.3. Nguyên tắc hỗ trợ

a) Việc hỗ trợ phải đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, bình đẳng, hiệu quả, đúng mục đích, không trùng lặp.

b) Trường hợp cùng một nội dung, đối tượng áp dụng đồng thời đáp ứng điều kiện được hỗ trợ theo quy định của Nghị quyết này và chính sách khác áp dụng trên địa bàn tỉnh, thì đối tượng áp dụng được lựa chọn một (01) chương trình hỗ trợ phù hợp nhất.

c) Trường hợp một tổ chức, doanh nghiệp thực hiện nhiều nội dung khác nhau của chính sách thì sẽ được hưởng các chính sách hỗ trợ theo từng nội dung nếu đủ các điều kiện.

d) Tổ chức, doanh nghiệp được nhận hỗ trợ phải đảm bảo sử dụng nguồn hỗ trợ đúng mục đích, đúng quy định về tiêu chuẩn, định mức, chế độ chỉ tiêu hiện hành và báo cáo việc sử dụng chi tiết nguồn hỗ trợ cho Sở Khoa học và Công nghệ hàng năm.

2.4. Mức hỗ trợ

a) Hỗ trợ thực hiện các nghiên cứu, ứng dụng, làm chủ các công nghệ tiên tiến, sản xuất thử nghiệm để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao tính năng, chất lượng sản phẩm, đổi mới thiết bị, dây chuyền, quy trình công nghệ tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị và có tính cạnh tranh cao trên thị trường (bao gồm cả chi phí mua thiết bị, máy móc; chi phí chuyên giao kỹ thuật (nếu có); chi phí thuê chuyên gia (nếu có); chi phí đào tạo, tập huấn,..,):

* Điều kiện hỗ trợ: Doanh nghiệp cần đáp ứng các tiêu chí sau:

- Sản phẩm tạo ra có tính năng, chất lượng, khả năng cạnh tranh cao hơn so với sản phẩm cùng loại sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu;

- Việc nghiên cứu, ứng dụng, làm chủ công nghệ tiên tiến trong sản xuất góp phần tăng ít nhất 5% giá trị của sản phẩm, năng suất lao động cao hơn so với trước khi thực hiện dự án;

- Tổ chức, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị và có tính cạnh tranh cao trên thị trường phải cam kết ứng dụng công nghệ được nghiên cứu, làm chủ trong ít nhất 02 năm đầu sau khi kết thúc dự án và hình thành tổ chức nghiên cứu và phát triển trong doanh nghiệp (trong trường hợp chưa có) sau khi kết thúc dự án.

- Máy móc, thiết bị phục vụ trực tiếp cho việc triển khai thực hiện được đầu tư trong dự án phải mới 100%, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

* Mức hỗ trợ:

Hỗ trợ 30% tổng kinh phí thực hiện dự án nhưng không quá 1 tỷ đồng/doanh nghiệp.

b) Hỗ trợ chuyển giao công nghệ, mua thiết kế, thuê chuyên gia nước ngoài, đào tạo nguồn nhân lực:

* Điều kiện hỗ trợ: Doanh nghiệp cần đáp ứng các tiêu chí sau:

- Công nghệ chuyển giao phải tập trung vào các ngành ưu tiên, trọng điểm,...

- Góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tăng giá trị sản phẩm.

- Sản phẩm tạo ra có tính năng, chất lượng, khả năng cạnh tranh cao hơn so với sản phẩm cùng loại sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu;

* Mức hỗ trợ:

Hỗ trợ 50% giá trị hợp đồng tư vấn nhưng không quá 100 triệu đồng/hợp đồng/năm/doanh nghiệp.

c) Hỗ trợ thúc đẩy hoạt động hợp tác giữa doanh nghiệp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ để tìm kiếm, chuyển giao, ứng dụng, làm chủ, giải mã các công nghệ mới, tiên tiến:

* Điều kiện hỗ trợ: Doanh nghiệp cần đáp ứng các tiêu chí sau:

- Có phối hợp thực hiện giữa doanh nghiệp với cơ quan, tổ chức khoa học và công nghệ trong, ngoài nước (có thể là tổ chức khoa học và công nghệ thuộc công ty, tập đoàn) hoặc thông qua tổ chức khoa học và công nghệ có hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài;

- Xác định được công nghệ cần tìm kiếm: sự cần thiết, tính cấp thiết, phù hợp của công nghệ, công nghệ rõ ràng, đánh giá vai trò và tác động đối với doanh nghiệp;

- Đề xuất được phương án tìm kiếm, phát hiện công nghệ, giải mã theo yêu cầu hoặc theo đặt hàng của tổ chức, doanh nghiệp; xác định điều kiện để chuyển giao công nghệ;

- Chứng minh được khả năng ứng dụng, làm chủ, chuyển giao khai thác hiệu quả công nghệ được tìm kiếm;

- Công nghệ cần chuyển giao, ứng dụng, làm chủ và giải mã là công nghệ mới, công nghệ tiên tiến phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương.

* Mức hỗ trợ:

Hỗ trợ 50% tổng kinh phí nhưng không quá 50 triệu đồng/năm/doanh nghiệp.

d) Hỗ trợ hoạt động hợp tác giữa doanh nghiệp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ để triển khai các dự án đầu tư đổi mới công nghệ, phát triển hạ tầng phục vụ nghiên cứu, ứng dụng và đổi mới công nghệ:

* Điều kiện hỗ trợ: Doanh nghiệp cần đáp ứng các tiêu chí sau:

- Có phối hợp giữa doanh nghiệp với cơ quan, tổ chức khoa học và công nghệ để thực hiện hoạt động khoa học và công nghệ;

- Có báo cáo khả thi cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, đổi mới công nghệ;

- Tổ chức, doanh nghiệp thực hiện đầu tư đổi mới công nghệ, phát triển hạ tầng phục vụ nghiên cứu, ứng dụng công nghệ và đổi mới công nghệ phải cam kết hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong ít nhất 02 năm đầu sau khi kết thúc dự án.

* Mức hỗ trợ:

Hỗ trợ 50% tổng kinh phí nhưng không quá 50 triệu đồng/năm/doanh nghiệp.

e) Hỗ trợ việc triển khai ứng dụng các công nghệ tiên tiến, các mô hình quản trị, sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp theo hướng sản xuất thông minh trong sản xuất tạo ra các sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị và có tính cạnh tranh cao trên thị trường:

* Điều kiện hỗ trợ: Doanh nghiệp cần đáp ứng các tiêu chí sau:

- Mô hình quản trị, sản xuất thông minh tập trung vào các ngành ưu tiên, mũi nhọn và ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao;

- Thực hiện mô hình phải góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tăng giá trị sản phẩm;

- Dự kiến được quy mô ứng dụng, mở rộng thị trường của mô hình.

* Mức hỗ trợ:

Hỗ trợ 30% tổng kinh phí nhưng không quá 100 triệu đồng/doanh nghiệp.

g) Hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp nhận, chuyển giao, nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến; hỗ trợ đào tạo, thuê chuyên gia thiết kế, sản xuất sản phẩm mới và thay đổi quy trình công nghệ để tạo ra các sản phẩm có sức tiêu thụ lớn, chiếm lĩnh thị trường trong nước:

* Điều kiện hỗ trợ: Doanh nghiệp cần đáp ứng các tiêu chí sau:

- Tổ chức có đủ năng lực thực hiện, riêng các dự án nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm, tổ chức chủ trì phải đảm bảo ít nhất 10% nhân lực của dự án có trình độ đại học;

- Sản phẩm tạo ra có khả năng cạnh tranh cao, có tiềm năng về lợi ích xã hội và lợi ích kinh tế, giúp doanh nghiệp phát triển nhanh về chất lượng và quy mô;

- Chứng minh được hiệu quả của dự án:

Đối với dự án tiếp nhận, chuyển giao, nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm, kết quả, sản phẩm dự kiến phải có địa chỉ ứng dụng hoặc chuyển giao;

Đối với dự án ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến phải tạo ra được sản phẩm, dịch vụ được triển khai tối thiểu ở quy mô tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

Đối với dự án sản xuất sản phẩm mới phải tạo ra sản phẩm có tính năng, chất lượng, giá cạnh tranh so với sản phẩm cùng loại sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu;

Việc thay đổi quy trình công nghệ góp phần tăng ít nhất 5% giá trị sản phẩm, tăng năng suất lao động.

* Mức hỗ trợ:

Hỗ trợ 30% tổng kinh phí nhưng không quá 500 triệu đồng/doanh nghiệp.

h) Hỗ trợ ứng dụng công nghệ tiên tiến, tự động hóa các mô hình canh tác nông nghiệp thông minh, công nghệ sau thu hoạch và chế biến sản phẩm nông nghiệp; cải tạo giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao công nghệ tạo giống, kỹ thuật canh tác, nuôi trồng và kiểm soát dịch bệnh ở quy mô lớn tại các vùng nông thôn, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn:

* Điều kiện hỗ trợ: Doanh nghiệp cần đáp ứng các tiêu chí sau

- Xác định được thị trường, khả năng cạnh tranh của sản phẩm; giải quyết những vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của nơi thực hiện dự án và bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường sinh thái;

- Mô hình phù hợp với nhu cầu phát triển và điều kiện thực tế của vùng miền, địa phương;

- Tổ chức chủ trì phải chứng minh được khả năng huy động đủ nguồn vốn đối ứng và sử dụng, nhân rộng mô hình dự án; ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp có sử dụng nguồn vốn từ quỹ phát triển khoa học và công nghệ của mình.

* Mức hỗ trợ:

Hỗ trợ 30% tổng kinh phí nhưng không quá 500 triệu đồng/doanh nghiệp.

i) Hỗ trợ đổi mới công nghệ phát triển các ngành nghề, làng nghề truyền thống:

* Điều kiện hỗ trợ: Doanh nghiệp cần đáp ứng các tiêu chí sau

- Mục tiêu, nội dung hỗ trợ đổi mới công nghệ phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế địa phương;

- Xác định được tiềm năng, thế mạnh sản phẩm của các vùng miền, các làng nghề và làng nghề truyền thống;

- Có khả năng phối hợp với các chương trình khuyến công, khuyến nông, khuyến ngư để xây dựng các dự án nghiên cứu triển khai, ứng dụng công nghệ theo thế mạnh, đặc trưng của các vùng, miền;

- Ưu tiên các dự án góp phần hình thành mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững ứng dụng công nghệ tiên tiến tại mỗi vùng sinh thái.

* Mức hỗ trợ:

Hỗ trợ 30% tổng kinh phí nhưng không quá 500 triệu đồng/doanh nghiệp.

Điều 2. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký, làm cơ sở để Ủy ban nhân dân tỉnh trình Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đề nghị xây dựng Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về lĩnh vực công nghệ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030. Nội dung chính sách trong đề nghị xây dựng Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về lĩnh vực công nghệ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030 có thể thay đổi trong quá trình thực hiện lấy ý kiến các Bộ, ngành và các tổ chức, cá nhân liên quan.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT. UBND tỉnh;
- Sở Khoa học và Công nghệ;
- Sở Tư pháp;
- Sở Tài chính;
- Chánh, các PCVP. UBND tỉnh;
- Lưu: VT, KTNS, THNC, KGVX.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thị Hoàng