Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1717/QĐ-CT

Vĩnh Phúc, ngày 04 tháng 7 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN THUỶ LỢI TỈNH VĨNH PHÚC ĐẾN NĂM 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội;

Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội;

 Căn cứ Quyết định số 1883/QĐ-TTg ngày 26 tháng 10 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng đô thị Vĩnh Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Quyết định số 113/QĐ-TTg ngày 20/1/2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 1554/QĐ-TTg ngày 17/10/2012 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt Quy hoạch thuỷ lợi vùng đồng bằng Sông Hồng giai đoạn 2012-2020, định hướng đến 2050 trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng;

Căn cứ Quyết định số 2538/QĐ-UBND ngày 20/9/2012 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ ý kiến góp ý Quy hoạch chi tiết phát triển Thuỷ lợi tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2012-2020 định hướng 2030 của Bộ Nông nghiệp & PTNT tại Văn bản số 160/BNN-TCTL ngày 14/01/2013;

Căn cứ ý kiến kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Văn bản số 895-TB/TU ngày 3/5/2013;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp & PTNT tại Tờ trình số 79/TTr-SNN&PTNT ngày 31 tháng 5 năm 2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển Thủy lợi tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 với nội dung sau:

I. PHẠM VI VÀ NHIỆM VỤ QUY HOẠCH

1. Phạm vi: Quy hoạch phát triển thuỷ lợi trên địa bàn toàn tỉnh Vĩnh Phúc với tổng diện tích đất tự nhiên 123.650 ha.

2. Nhiệm vụ: Đề xuất các giải pháp công trình và phi công trình nhằm giải quyết các vấn đề về cấp nước, tiêu úng và thoát nước phục vụ nông nghiệp, thuỷ sản, sinh hoạt và các ngành kinh tế khác như công nghiệp, dịch vụ, bảo vệ môi trường sinh thái, theo hướng phát triển bền vững, sử dụng hiệu quả nguồn nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến 2030.

a) Giải pháp công trình:

- Cải tạo, nâng cấp các hồ, đập hiện có; xây mới một số hồ, đập tại các vị trí cần thiết có nguồn sinh thủy.

- Sửa chữa, nâng cấp, hòa mạng và xây mới các trạm bơm cấp nước.

- Kiên cố hoá hệ thống kênh mương, nhằm giảm diện tích chiếm đất, tưới tiết kiệm; bê tông hoá mặt bờ kênh đảm bảo giao thông thuận lợi.

- Nghiên cứu xây dựng các phương án tưới, tiêu hiện đại và các phương án tưới tiết kiệm nước.

- Cải tạo, nạo vét các luồng tiêu, nạo vét, mở rộng các hồ, đầm, cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các trạm bơm tiêu.

- Từng bước hiện đại hoá trang thiết bị quản lý, điều khiển hệ thống.

- Nâng cao hiệu quả công tác quản lý tưới, tiêu:

+ Đối với thiết bị: Xây dựng các trạm khống chế mực nước và lưu lượng trên hệ thống nhằm nâng cao chất lượng quản lý và phân phối nước. Xây dựng hệ thống giám sát điều khiển, truyền thông tin từ các điểm quan trắc về trung tâm xử lý.

+ Đối với quy trình quản lý, vận hành:

Xây dựng quy trình vận hành khoa học, hợp lý nhằm tiết kiệm nước, chủ động phân phối nước trong các tình huống thực tế xảy ra. Đầu tư xây dựng các phần mềm quản lý để quyết định vận hành nhanh và chính xác hơn.

- Khảo sát, đánh giá phân loại các công trình tiêu để đề xuất phân cấp quản lý.

- Cải tạo, xây mới các tuyến đê, kè, cống dưới đê, hành lang chân đê, điếm canh đê... để tăng cường khả năng phòng chống lũ.

b) Giải pháp phi công trình:

- Nâng cao nhận thức cộng đồng, tăng cường công tác quản lý nhà nước trong việc bảo vệ công trình thủy lợi, bảo vệ tài nguyên nước; tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu.

- Nghiên cứu cơ chế quản lý đối với lĩnh vực thủy lợi, khuyến khích sự tham gia của người dân và chính quyền cơ sở trong việc bảo vệ và khai thác công trình thủy lợi; tăng cường trồng, bảo vệ rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ.

II. NỘI DUNG QUY HOẠCH:

1. Quy hoạch cấp nước:

1.1. Nhu cầu cấp nước các ngành theo quy hoạch:

Nhu cầu dùng nước hàng năm theo giai đoạn cho các ngành kinh tế trong toàn tỉnh cụ thể như sau:

Giai đoạn

Lúa (1000 ha)

Rau màu, cây khác (1000ha)

Trâu bò (1000 con)

Lợn (1000 con)

Gia cầm (1000 con)

Thuỷ sản (ha)

Công nghiệp (triệu m3)

Sinh hoạt, dịch vụ, môi trường (triệu m3)

Tổng lượng nước (triệu m3)

2013-2020

56,0

3,85

126

550

11.500

6.500

12,5

95,6

576,5

2020-2030

54,5

3,70

204

820

12.500

6.500

22,0

96,1

576,4

1.2. Tiêu chuẩn cấp nước:

1.2.1. Cấp nước cho nông nghiệp:

a) Trồng trọt: Tần suất thiết kế cho các công trình tưới theo Quy chuẩn Việt Nam QCVN 04-05:2012 ( mức bảo đảm ứng với tần suất thiết kế P= 85% cho các công trình từ cấp III trở lên, P=75% cho các công trình cấp IV).

b) Chăn nuôi: Nhu cầu nước một ngày đêm trên đầu vật nuôi:

Trâu, bò: 105 lít; Lợn: 45 lít; Gia cầm: 0,75 lít.

c) Thủy sản nuôi thâm canh: 31.500 m3/ha nuôi.

1.2.2. Cấp nước sinh hoạt cho khu nông thôn: Mức cấp tạo nguồn 60 lít/người/ngày (TCXDVN-33:2006).

1.2.3. Cấp nước cho công nghiệp, dịch vụ theo nhu cầu dùng nước của các ngành theo từng giai đoạn đến năm 2030.

1.2.4. Cấp nước cho môi trường: Lấy bằng 20% lượng nước đến tính toán cho giai đoạn đến 2020 và 25% cho giai đoạn đến 2030 (theo khuyến cáo của Bộ Tài nguyên và Môi Trường).

1.3. Quy hoạch cấp nước chi tiết từng hệ thống:

a) Hệ thống Liễn Sơn:

* Tổng diện tích tự nhiên : 47.481 ha, bao gồm:

- Huyện Lập Thạch gồm các xã: Đình Chu, Đông Ích, Thái Hòa, Liễn Sơn, Hoa Sơn, Triệu Đề, 1/2 xã Bàn Giản, 1/2 Liên Hòa và một phần của xã Sơn Đông.

- Toàn bộ huyện Tam Dương (trừ các xã Hoàng hoa, Kim Long và 1/2 xã Hướng Đạo).

- Huyện Bình Xuyên gồm các xã, thị trấn: Hương Canh, Quất Lưu, Đạo Đức, Tân Phong, Phú Xuân, Thanh Lãng.

- Toàn bộ huyện Yên Lạc, Vĩnh Tường và thành phố Vĩnh Yên.

* Giải pháp quy hoạch:

 - Vùng Trạm bơm Bạch Hạc, Liễu Trì và Đại Định:

+ Giữ nguyên các trạm bơm như hiện trạng, nghiên cứu phương án xây mới các trạm bơm để lấy nước khi mực nước sông xuống thấp. Cải tạo, nâng cấp các hồ, đầm nội vùng nhằm trữ nước chống hạn khi đổ ải, cắt lũ vào mùa mưa, kết hợp nuôi trồng thủy sản, tạo cảnh quan môi trường sinh thái và du lịch.

+ Nâng cấp, hoà mạng các trạm bơm nhỏ lẻ, tách riêng đường điện trạm bơm để đảm bảo hệ thống đồng bộ; nạo vét, nâng cấp các hồ đập trong khu vực và kiên cố hệ thống kênh mương, bê tông hóa mặt bờ kênh đảm bảo giao thông nội đồng.

- Vùng đập Liễn Sơn:

+ Tôn cao hệ thống bờ kênh theo mức thiết kế.

+ Nạo vét toàn bộ lòng kênh, chỉnh lý lại độ dốc, đảm bảo tốc độ chảy và hoàn thiện lại tiết diện mặt cắt ngang kênh theo thiết kế để duy trì độ sâu và mực nước trong kênh, đảm bảo việc điều hoà phân phối nước.

+ Nghiên cứu nâng cao trình đỉnh đập Liễn Sơn để tăng cường trữ lượng, phục vụ lấy nước vào mùa kiệt.

+ Xây lại hệ thống cống ngầm qua kênh chính với số lượng khoảng 40 chiếc.

+ Tiếp tục điều chỉnh hệ thống cống lấy nước đảm bảo sát với tình hình thực tế đồng ruộng, tránh tình trạng có nơi nước thừa có nơi nước vẫn thiếu.

+ Chống xói lở hạ lưu đập tràn và hạ lưu cống 5 cửa, âu thuyền Liễn Sơn.

+ Xây dựng trạm đầu kênh hữu với công suất 4x1.000=4.000 m3/h cấp nước cho kênh chính hữu ngạn khi không thể lấy nước tự chảy.

Giải pháp hỗ trợ tiếp nguồn cho hệ thống tưới đập Liễn Sơn bằng cách:

+ Hoàn thiện hồ Đồng Mỏ (W = 8 x106m3); nâng cấp hồ Vĩnh Thành (W = 6 x106 m3); cải tạo, nâng cấp một số hồ như Phân Lân 1, 2 ... đảm bảo bổ sung nguồn cho đập Liễn Sơn tưới đủ và có thể tưới tăng thêm, đồng thời cấp nước cho các ngành kinh tế khác.

+ Cải tạo, nạo vét các đầm: Rưng, Vạc, Sổ, Nhị Hoàng, mở rộng đầm Sáu Vó về phía Yên Lạc và Bình Xuyên tạo thành các hồ điều hòa, cấp nguồn cho vụ Đông Xuân, điều tiết cắt giảm lũ về mùa mưa, tạo điều kiện bảo đảm dòng chảy môi trường cho hệ thống sông Phan - Cà Lồ....

+ Cải tạo, xây mới các trạm bơm lấy nước từ đầm Sổ, Nhị Hoàng, đầm Rưng và các hồ, đầm trong khu vực.

+ Tăng cường hiện đại hoá trong công tác quản lý tưới, để từng bước theo kịp các nước tiên tiến trên thế giới, phù hợp định hướng phát triển thuỷ lợi của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc.

- Vùng bãi sông Phó Đáy:

+ Nghiên cứu phương án trữ nước, lấy nước vùng hạ lưu đập Liễn Sơn (có thể đập cao su, đập bê tông, trạm bơm...) nhằm tận dụng nguồn nước dư thừa, tưới cho khoảng 500 ha vùng bãi còn khó khăn về nguồn nước.

+ Xây dựng các trạm bơm dã chiến hoặc trạm bơm cấp 2 phía kênh hữu ngạn Liễn Sơn để cung cấp nước cho vùng cao cục.

+ Nạo vét kênh mương, nạo vét bùn cát bồi ở các cửa cống lấy nước.

- Vùng bãi huyện Vĩnh Tường Yên Lạc:

Hiện tại, đã xây dựng trạm bơm Liễu Trì quy mô 2x4.000=8.000 m3/h tưới cho các vùng bãi thiếu nước thuộc vùng Vĩnh Tường. Xây dựng phương án chuyển nước từ trạm bơm Đại Định, trạm bơm Lũng Hạ ra vùng bãi để giải quyết tưới cho các diện tích còn thiếu nước. Nghiên cứu các giải pháp tưới tiết kiệm nước bằng các công nghệ tưới hiện đại. Trong tương lai nghiên cứu xây mới một số trạm bơm vừa và nhỏ lấy nước từ sông Hồng để cấp nước cho vùng bãi.

b) Hệ thống Tam Đảo:

* Tổng diện tích tự nhiên: 36.560 ha, bao gồm:

- Huyện Tam Dương (bao gồm các xã Hoàng Hoa, Kim Long và 1/2 xã Hướng Đạo).

- Toàn bộ huyện Tam Đảo.

- Huyện Bình Xuyên (trừ thị trấn Hương Canh, các xã Quất Lưu, Đạo Đức, Tân Phong, Phú Xuân và Thanh Lãng).

* Giải pháp quy hoạch:

- Nghiên cứu cải tạo, xây mới một số hồ ven chân núi Tam Đảo; cải tạo, xây mới một số đập dâng trên các sông suối nhằm trữ lại tối đa lượng nước dư thừa về mùa mưa để phục vụ cho mùa khô.

- Đối với hệ thống hồ Làng Hà:

Nạo vét, mở rộng hồ Làng Hà; cải tạo, nâng cấp, xây mới các hồ, đập nhỏ tại các địa phương (tổng dung tích các ao hồ nhỏ cần bổ sung là 4,5 triệu m3). Xây dựng một số trạm bơm dã chiến tưới cho các vùng cao cục bộ.

Sau năm 2015 nghiên cứu phương án chuyển nước từ hồ Xạ Hương sang hồ Làng Hà.

- Vùng Đại Đình: Xây dựng hồ Đền Thõng để tưới kết hợp du lịch, dung tích hồ chứa 800.000 m3; hồ Lõng Sâu dung tích 500.000 m3. Phía hạ lưu các hồ xây dựng thêm đập dâng để tưới cho một số diện tích nhỏ lẻ kết hợp tạo cảnh quan du lịch.

- Hồ Vĩnh Thành:

Xây dựng dự án nâng cấp hồ, nâng chiều cao đập để vừa tăng mức đảm bảo cấp nước tưới và tạo nguồn cho đập Liễn Sơn trong mùa kiệt, vừa kết hợp du lịch. Theo tính toán thuỷ văn, dung tích hồ được tăng lên khoảng (4-:-5) triệu m3 nước.

- Xây dựng hồ Đồng Bùa 2:

Diện tích lưu vực 6.2 km2, dung tích hữu ích khoảng (1.8-2.4) triệu m3. Mục tiêu công trình để kết hợp trữ nước, điều tiết dòng chảy phòng chống lũ và khai thác phát triển du lịch.

- Hoàn thành hồ Đồng Mỏ:

Diện tích lưu vực 20 km2, dung tích hữu ích khoảng 8 triệu m3. Mục tiêu công trình để kết hợp trữ nước, cấp nước bổ sung cho thượng lưu đập Liễn Sơn vào mùa kiệt, điều tiết dòng chảy phòng chống lũ và khai thác phát triển du lịch.

- Xây dựng hồ Thanh Lanh 2: Dự kiến dung tích 2 triệu m3, mục tiêu để trữ nước tưới kết hợp cắt lũ và du lịch.

- Cải tạo, nâng cấp các trạm bơm tách riêng đường điện; nạo vét, nâng cấp, xây mới các hồ đập trong khu vực, nghiên cứu xây mới các trạm bơm ven sông Phó Đáy, kiên cố hệ thống kênh mương và bê tông hóa mặt bờ kênh đảm bảo giao thông nội đồng.

c) Hệ thống Lập Thạch:

* Tổng diện tích tự nhiên: 27.578 ha, bao gồm:

- Toàn bộ huyện Sông Lô.

- Toàn bộ huyện Lập Thạch (trừ các xã Đình Chu, Đông Ích, Thái Hòa, Liễn Sơn, Triệu Đề, Thị trấn Hoa Sơn và 1/2 xã Bàn Giản, Liên Hòa và một phần xã Sơn Đông).

* Giải pháp quy hoạch:

- Đối với vùng sử dụng nước các hồ chứa:

 Nâng cấp cải tạo toàn bộ các hồ đập địa phương đã có nhằm trữ tối đa lượng nước về mùa mưa; lắp đặt máy bơm điện, dầu dã chiến đối với các hồ chứa nhỏ, hoặc cố định đối với các hồ chứa lớn đảm bảo vận hành tưới khi hồ dưới mực nước chết; nghiên cứu sau năm 2020 xây dựng một số hồ chứa mới như hồ Xóm Mới (xã Quang Yên); hồ Lý Đặng (Quang Sơn) ...

- Đối với vùng lấy nước ven sông:

Cải tạo nâng cấp các trạm bơm đã có đảm bảo vận hành khi mực nước sông Lô, sông Phó Đáy xuống thấp (tháng 1,2); Nghiên cứu xây dựng thêm một số trạm bơm mới dọc sông Lô và Phó Đáy. Trong những năm hạn cần bổ sung phương án chống hạn kịp thời bằng các trạm bơm dã chiến.

- Nâng cấp các trạm bơm tách riêng đường điện, kiên cố hệ thống kênh mương và bê tông hóa mặt bờ kênh đảm bảo giao thông nội đồng.

d) Hệ thống Phúc Yên:

* Tổng diện tích tự nhiên: 12.031 ha, bao gồm toàn bộ thị xã Phúc Yên.

* Giải pháp quy hoạch:

- Khai thác tối đa năng lực các công trình hồ, đập, trạm bơm đã có; tăng cường công tác quản lý để phát huy khả năng phục vụ; hoàn thành hồ Lập Đinh. Nghiên cứu xây mới thêm một số hồ đập như hồ Hang Dơi...

- Nâng cấp, cải tạo các trạm bơm, hồ, đập đã xuống cấp, tách riêng đường điện trạm bơm, kiên cố hệ thống kênh mương và bê tông hóa mặt bờ kênh đảm bảo giao thông nội đồng.

- Xây dựng mới các công trình cần thiết dọc sông Cà lồ, xây mới đập điều tiết trên sông Cà Lồ cụt tại cầu Tiền Châu và đập Thịnh Kỷ để trữ nước chống hạn cho trên 500 ha vùng thượng lưu cống, vừa có tác dụng điều tiết dòng chảy.

Số công trình đề xuất nâng cấp, xây mới là 350 công trình cụ thể từng hệ thống như sau:

TT

Hệ thống

Nâng cấp

Xây mới

Trạm bơm

Hồ đập

Trạm bơm

Hồ đập

 

Tổng

158

257

13

13

1

Liễn Sơn

89

36

8

1

2

Tam Đảo

21

93

2

5

3

Lập Thạch

42

109

3

4

4

Phúc Yên

6

19

0

3

( Có biểu chi tiết danh mục các công trình kèm theo)

2. Quy hoạch tiêu thoát nước:

Mục tiêu: Giải quyết vấn đề tiêu thoát nước cho nông nghiệp, dân sinh, đô thị, khu công nghiệp... với toàn bộ diện tích tỉnh Vĩnh Phúc với mức bảo đảm tiêu thoát nước như sau:

- Khu vực đô thị tính mưa 24 giờ max, tần xuất P=10%, tiêu chí mưa giờ nào tiêu hết giờ đó

- Khu vực nông nghiệp tính mưa 5 ngày max, tần xuất mưa p=10% (mô hình tiêu mưa 5 ngày tiêu trong 7 ngày).

Quy hoạch tiêu thoát tỉnh Vĩnh Phúc được chia thành 3 vùng chính:

- Vùng sông Lô, Phó Đáy (diện tích lưu vực 483,08 km2) hướng tiêu ra sông Lô và sông Phó Đáy.

- Vùng sông Phan, sông Cà Lồ (diện tích lưu vực 715,8 km2) hướng tiêu ra sông Cầu và sông Hồng.

- Vùng bãi Vĩnh Tường - Yên Lạc (diện tích lưu vực 37,62 km2) hướng tiêu ra sông Hồng.

2.1. Giải pháp tiêu vùng sông Lô, sông Phó Đáy:

a, Khu tiêu tả Lô: Tiêu hầu hết diện tích của huyện Sông Lô với khoảng 18.700 ha tiêu tự chảy ra sông Lô.

b, Khu tiêu Hữu Đáy: Tiêu hầu hết diện tích của huyện Lập Thạch với khoảng 17.200 ha tiêu tự chảy ra sông Phó Đáy.

c, Khu tiêu Tả Đáy: Tiêu khoảng 10.700 ha gồm các xã Bồ Lý, Đạo Trù, Yên Dương và Đại Đình của huyện Tam Đảo tiêu tự chảy ra sông Phó Đáy.

Giải pháp tiêu cho vùng này như sau:

- Nạo vét ngòi tiêu và xây dựng trạm bơm Triệu Đề tiêu cho 5.133 ha diện tích của huyện Lập Thạch.

- Nạo vét, mở rộng ngòi tiêu Cầu Mai và cống dưới đê tiêu cho 5.383 ha diện tích của huyện Sông Lô.

- Nạo vét, mở rộng ngòi tiêu Câu Ngạc và cống dưới đê tiêu cho 5.599 ha diện tích của huyện Sông Lô.

- Nạo vét, mở rộng ngòi tiêu Cầu Đọ và mở rộng cống dưới đê tiêu cho 3.631 ha diện tích của huyện Sông Lô.

- Nạo vét ngòi Bì La, ngòi Phú Thụ, Ngòi Dừa, ngòi Vực Chuông, Ngòi Lanh.

- Nạo vét các ngòi tiêu nhánh, cải tạo các vùng trũng, nạo vét tạo các hồ tích nước, phòng lũ, như đầm Miêng, Đồng Thịnh...

Việc xây dựng các trạm bơm tiêu Cầu Đọ, Cầu Mai, Cầu Ngạc sẽ được nghiên cứu sau năm 2020.

2.2. Giải pháp vùng tiêu lưu vực Sông Phan - Sông Cà Lồ:

Vùng tiêu sông Phan, sông Cà Lồ được chia thành 4 tiểu vùng như sau:

* Vùng I (vùng tiêu sông Phan): Với ranh giới phía Tây là đê tả sông Phó Đáy, phía Nam là đê tả sông Hồng, phía Đông là kênh Bến Tre đến Đầm Vạc. Diện tích 16.260ha. Lòng dẫn thoát nước là sông Phan từ cống điều tiết Thụy Yên đến sau Đầm Vạc. Hiện tại khu vực này đang chủ yếu tiêu tự chảy ra sông Phan vào Đầm Vạc qua điều tiết Lạc ý.

Phấn đấu đến năm 2020 chuyển hình thức tiêu khu vực này sang động lực kết hợp với tự chảy bằng các giải pháp công trình:

- Xây dựng trạm bơm tiêu Ngũ Kiên với lưu lượng khoảng 35 m3/s tiêu trực tiếp ra sông Hồng, giai đoạn sau 2030 tiếp tục mở rộng qui mô.

- Xây dựng trạm bơm tiêu Kim Xá với lưu lượng khoảng 25 m3/s tiêu trực tiếp ra sông Phó Đáy, giai đoạn sau 2030 tiếp tục mở rộng qui mô.

- Cải tạo nâng cấp các trạm bơm Cao Đại, Đồng Cương để tiêu trong giai đoạn đến 2020 trong khi chờ xây dựng hoàn thiện các trạm bơm tiêu Ngũ Kiên, Yên Lập, Nguyệt Đức.

- Nạo vét và gia cố một số đoạn xung yếu sông Phan từ Kim Xá đến Đầm Vạc và tiếp tục ra đến đoạn nối 3 sông, độ sâu trung bình nạo vét 0,7 m, chiều rộng đáy nạo vét theo mặt cắt tự nhiên.

- Nâng cấp, cải tạo điều tiết Lạc Ý, điều tiết Vĩnh Sơn và xây dựng mới điều tiết Quất Lưu nhằm chủ động điều tiết nước giữa lưu vực tiêu Sông Phan và kênh Bến Tre.

- Cải tạo các Đầm Nhị Hoàng, Đầm Dưng, Đầm Sổ, mở rộng đầm Sáu Vó cả về phía Yên Lạc và Bình Xuyên thành hồ điều hòa để trữ nước và điều tiết nước.

* Vùng II (vùng tiêu kênh Bến Tre): Ranh giới phía Tây là đê tả Phó Đáy, kênh Bến Tre, phía Đông là đường phân lưu vực sông Cầu Tôn, phía Nam là phân lưu sông Cà Lồ tính đến ngã 3 sông Cầu Tôn - sông Tranh với diện tích 14.100 ha. Lòng dẫn thoát nước là kênh Bến Tre qua Đầm Vạc vào sông Phan. Khu vực này được xác định là tiêu tự chảy với kênh Bến tre. Giải pháp tiêu cho khu vực như sau:

- Xây dựng tràn Đầm Vạc với cao trình đỉnh tràn (+7.00), có cửa xả sâu (+3.00); gia cố mái, bờ và nạo vét để tăng cường khả năng điều tiết nước, tạo cảnh quan môi trường sinh thái bền vững.

- Nạo vét, nâng cấp các tuyến kênh tiêu nhánh đổ vào kênh Bến Tre và Đầm Vạc, đồng thời xây dựng, cải tạo một số cống tiêu trên kênh Bến Tre và cống tiêu vào Đầm Vạc.

 * Vùng III: Bao gồm lưu vực sông Cầu Tôn, sông Bá Hanh, sông Tranh và sông Đồng Đò với diện tích 30.500 ha. Đây là khu vực tiêu tự chảy là chủ yếu bởi các trục sông lớn. Chỉ có khu vực phía Nam của vùng thuộc thị xã Phúc Yên hiện được tiêu thoát bởi các trạm bơm tiêu Đại Phùng 1, Đại Phùng 2, Đầm Láng và một phần tiêu về trạm bơm Tam Báo- Mê Linh, Hà Nội. Giải pháp tiêu cho khu vực giai đoạn tới như sau:

- Xây dựng điều tiết Nam Viêm sau cầu Sắt ngăn nước sông Cà Lồ vào sông Phan khi mực nước sông Cầu ở mức cao.

- Nâng cấp trạm bơm Đại Phùng 1, Đại Phùng 2, Đầm Láng đảm bảo tiêu thoát nước cho khu vực (bao gồm cả công nghiệp và đô thị)

- Xây dưng hồ điều hòa Sơn Lôi- Bá Hiến nhằm trữ nước, điều tiết lũ, cải tạo môi trường.

- Xây dựng cống điều tiết Cầu Tôn tại hạ lưu ngã ba sông Cầu Tôn -xã Tam Hợp, huyện Bình Xuyên, xây dựng cống điều tiết Thịnh Kỷ.

- Cải tạo, nạo vét hệ thống tiêu Bình Xuyên (sông Cầu Tôn sông Tranh - sông Bá Hanh)

- Cải tạo, nạo vét sông Cà Lồ vùng Phúc Yên .

- Sau năm 2020 nghiên cứu xây dựng trạm bơm tiêu Bá Thiện (Nam Viêm) với Q=20m3/s hỗ trợ tiêu cho khu vực khu công nghiệp Bá Thiện.

* Vùng IV: Ranh giới phía Bắc, Tây là vùng I, II sông Phan, đường phân lưu các sông nhánh Cầu Tôn, Bá Hanh, Đồng Đò và phía Nam là đê tả sông Hồng với diện tích 10.720 ha, giải pháp tiêu cho khu vực là:

- Nạo vét, mở rộng sông Cà Lồ cụt với chiều dài 22 km, nạo vét một số trục tiêu nhánh đổ vào sông Cà Lồ cụt.

- Xây dựng trạm bơm Nguyệt Đức với Q= 50-:- 100 m3/s, giai đoạn sau 2030 tiếp tục mở rộng qui mô.

2.3. Giải pháp vùng tiêu vùng bãi Vĩnh Tường, Yên Lạc:

 Giải pháp tiêu tự chảy là chính: Nạo vét các trục tiêu vùng Bãi Vĩnh Tường Yên Lạc, cải tạo, nâng cấp xây dựng các cống tiêu dưới các tuyến đê bối, bờ vùng đảm bảo tiêu thoát tự chảy, bổ sung các trạm bơm tiêu cục bộ tại một số vị trí cần thiết.

( Danh mục các công trình qui hoạch xem các phụ lục kèm theo)

3. Qui hoạch phòng lũ :

 3.1. Xây dựng, tu bổ đê điều:

- Thân đê: Đắp tôn cao, áp trúc mở rộng mặt cắt và đắp cơ đê để hoàn chỉnh theo tiêu chuẩn thiết kế; trồng cây chống sóng, trồng cỏ chống xói mòn bảo vệ mái đê, đồng thời tạo cảnh quan môi trường.

- Hành lang đê: Xây dựng đường hành lang bảo vệ đê tại các trọng điểm trên tuyến tả Hồng, tả Lô, tả Phó Đáy, hữu Phó Đáy.

- Nền đê: Khoan phụt vữa gia cố thân đê, nền đê tại các vị trí đê có địa chất yếu, xuất hiện các mạch đùn mạch sủi. Áp dụng khoa học công nghệ vật liệu mới để xử lý nền đối với những đoạn nền đê có địa chất yếu nhằm bảo đảm an toàn cho đê. Lấp đầm, hồ ao ven đê để tăng cường ổn định cho đê. Đắp tầng phủ nhằm kéo dài đường viền thấm; đắp tầng phản áp tăng khả năng chống trượt ở những khu vực nền đê yếu, thường xuyên bị đùn sủi.

- Mặt đê: Cải tạo mặt đê, đường hành lang chân đê, chống lấn chiếm thân đê và kết hợp làm đường gom ở những khu dân cư.

- Mở rộng mặt đê kết hợp giao thông tuyến đê Tả sông Hồng, đê Tả sông Lô và đê Tả, Hữu sông Phó Đáy.

- Đắp mới tuyến đê bối Triệu Đề - Sơn Đông bảo vệ 500 ha đất canh tác phía ngoài đê hữu Đáy và đê Tả Lô; nắn chỉnh một số đoạn tuyến đê Hữu Đáy.

- Nâng cấp các tuyến đê trên các sông nội địa bao gồm: sông Cà Lồ, Bá Hanh..., nâng cấp các tuyến đê bối, đê bao vùng Vĩnh Tường, Yên Lạc, Sông Lô, Lập Thạch.

- Nghiên cứu xây dựng các tuyến đê bao trên sông Phó Đáy phía thượng lưu cầu Liễn Sơn.

- Xây dựng, tu bổ mở rộng, cống dưới đê.

- Xây dựng, nâng cấp hệ thống điếm canh đê.

- Xây dựng, nâng cấp hồ chứa thủy lợi nhằm tăng cường dung tích phòng lũ.

3.2. Xây dựng, gia cố kè và mỏ hàn:

- Xây dựng kè bảo vệ bờ tại các trọng điểm sạt lở và những đoạn sông có nguy cơ cao về sạt lở bờ; xây dựng các mỏ hàn chỉnh trị dòng chảy tại những đoạn sông có diễn biến bồi xói bất lợi, dòng chảy có nguy cơ uy hiếp tới các khu vực trọng điểm kinh tế, văn hóa-xã hội, các khu dân cư, các công trình ven sông.

- Xây dựng và cải tạo sửa chữa các tuyến kè trên sông Hồng, sông Lô, Phó Đáy và các sông nội địa.

3.3. Xây dựng đường chỉ giới hành lang thoát lũ:

Cắm mốc xác định chỉ giới thoát lũ được thực hiện dưới hình thức xây dựng các cột mốc và đường bê tông dọc theo các tuyến sông có diện tích khai thác bãi sông lớn.

( Danh mục các công trình qui hoạch xem các phụ lục kèm theo)

4. Kinh phí thực hiện quy hoạch:

4.1. Công trình cấp nước:

 Tổng kinh phí thực hiện các giải pháp cấp nước: 3.002 tỷ đồng.

 Số công trình đề xuất nâng cấp, xây mới là 450 công trình trong đó:

- Cải tạo nâng cấp 158 trạm bơm.

- Xây mới 17 trạm bơm

- Cải tạo nâng cấp 256 hồ đập

- Xây mới 19 hồ, đập.

- Hiện đại hóa 4 hệ thống thủy nông.

4.2. Công trình tiêu thoát:

 Tổng kinh phí thực hiện các giải pháp thoát nước: 3.655 tỷ đồng:

- Nâng cấp 4 trạm bơm tiêu lớn Cao Đại, Đầm Láng, Đại Phùng 1,2;

- Xây mới 4 trạm bơm lớn: Kim Xá, Ngũ Kiên, Nguyệt Đức, Triệu Đề.

- Nạo vét 4 đầm lớn: Đầm Rưng, đầm Sáu Vó, đầm Vạc và đầm Sơn Lôi Bá Hiến để tăng cường khả năng điều tiết .

- Xây dựng 3 đập điều tiết gồm: Quất Lưu, Cầu Tôn, Nam Viêm; nâng cấp điều tiết Lạc Ý, Vĩnh Sơn.

- Nạo vét, cải tạo các trục tiêu lớn Sông Phan- Cà Lồ, Bì La, Phú Thụ, Duy Phiên - Hợp Thịnh, Tuân Chính- Bình Dương, Tam Phúc - Vũ Di, Vĩnh Ninh - Phú Đa, Hệ thống nam Yên Lạc- Sáu Vó, Bình Xuyên…

4.3. Công trình phòng lũ:

Tổng kinh phí thực hiện các giải pháp phòng chống lũ: 6.771 tỷ đồng:

- Nâng cấp hệ thống đê sông.

- Cải tạo nâng cấp, mở rộng mặt đê kết hợp giao thông tuyến đê Tả sông Hồng, đê Tả sông Lô và đê Tả, Hữu sông Phó Đáy.

- Xây dựng các công trình bảo vệ và chống sạt lở bờ sông.

4.4. Dự kiến phân kỳ đầu tư:

Đơn vị: Tỷ đồng

Giai đoạn

Tưới

Tiêu

Phòng lũ

Tổng

Tổng

3.002

3.655

6.771

13.428

2013-2015

387

362

1.051

1.800

2015-2020

1.239

1.406

3.630

6.275

Sau 2020

1376

1887

2091

5.353

Bình quân /năm

167

203

376

746

5. Công trình ưu tiên:

5.1. Công trình cấp nước:

- Xây mới, cải tạo các hồ chứa, đập dâng ven chân dãy Tam Đảo.

- Cải tạo, xây mới các trạm bơm lấy nước ven sông Hồng, sông Lô, sông Phó Đáy để lấy được nước khi mực nước sông xuống thấp.

- Cải tạo, nâng cấp các trạm bơm, hồ đập hiện có để đảm bảo phục vụ theo thiết kế; nghiên cứu hòa mạng các hệ thống, công trình nhằm hỗ trợ cho nhau khi cần thiết; nghiên cứu xây dựng các công trình đảm bảo công bằng thủy lợi phí, vùng khó khăn về nguồn nước.

5.2. Công trình tiêu thoát:

- Nạo vét, khơi thông hệ thống tiêu sông Phan-Cà Lồ và hoàn chỉnh các công trình trên hệ thống tiêu sông Phan - Cà Lồ theo quy hoạch.

- Nạo vét và hoàn chỉnh các công trình trên các trục tiêu hiện có để đảm bảo tiêu thoát cho các vùng tiêu Tả Lô, Hữu Đáy, Tả Đáy, vùng bãi Yên Lạc-Vĩnh Tường.

5.3. Công trình phòng lũ:

- Hoàn thành Chương trình nâng cấp hệ thống đê sông đến năm 2020.

- Hoàn thành Chương trình trọng điểm cải tạo nâng cấp, mở rộng mặt đê kết hợp giao thông tuyến đê Tả sông Hồng, đê Tả sông Lô và đê Tả, Hữu sông Phó Đáy.

- Xây dựng các công trình bảo vệ và chống sạt lở bờ sông

6. Diện tích mất đất xây dựng công trình:

Diện tích mất đất xây dựng công trình là 1.035 ha bao gồm:

- Xây dựng các trạm bơm tưới, tiêu mới: 65 ha

- Xây dựng các hồ mới và mở rộng một số hồ cũ: 650 ha (không kể đầm Sáu Vó mở rộng theo qui hoạch vùng: 2.600 ha)

- Xây dựng hệ thống kênh tưới, tiêu mới, nạo vét mở rộng các luồng tiêu, xây dựng mới các điều tiết trên sông: 320 ha

7. Phương án huy động vốn:

Nguồn vốn thực hiện được huy động từ nguồn ODA, nguồn hỗ trợ của Trung ương, ngân sách tỉnh và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Điều 2. Tổ chức thực hiện:

1. Giao Sở Nông nghiệp & PTNT chịu trách nhiệm công bố quy hoạch; đồng thời, chủ trì, phối hợp và hướng dẫn các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức thực hiện quy hoạch. Hàng năm theo dõi, đề xuất danh mục các công trình cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới. Đôn đốc theo dõi việc đầu tư xây dựng, quản lý khai thác bảo vệ các công trình thủy lợi theo quy hoạch được duyệt.

2. Quy hoạch này là cơ sở để tổ chức lập các dự án đầu tư nhằm phát triển hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và Thủ trưởng các cơ quan liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

CHỦ TỊCH




Phùng Quang Hùng