Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 172/2002/QĐ-UB

Hà Nội, ngày 13 tháng 12 năm 2002 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG HOÀ GIẢI TẠI XÃ PHƯƠNG, THỊ TRẤN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND;
Căn cứ Pháp lệnh số 09/1998/PL - UBTVQH 10 ngày 25 tháng 12 năm 1998 về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở.
Xét đề nghị của Sở Tư pháp và Ban Tổ chức chính quyền Thành phố Hà Nội.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này: "Quy chế tổ chức và hoạt động hoà giải tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn Hà Nội".

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký. Chánh Văn phòng HĐND và UBND Thành phố, Giám đốc sở Tư Pháp, Trưởng Ban Tổ chức chính quyền Thành phố, Giám đốc các quận, huyện chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

TM/ ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ  TỊCH



 
Nguyễn Quốc Triệu

 

QUY CHẾ

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG HOÀ GIẢI TẠI XÃ,PHƯỜNG, THỊ TRẤN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo quyết định số: 172/ 2002/ QĐ- UB ngày 13 tháng 12 năm 2002 của UBND Thành phố Hà Nội)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. phạm vi, đối tượng điều chỉnh

1. Quy chế này quy định tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền lợi của các tổ hoà giải, hoà giải viên và hoạt động hoà giải tại xã, phường, thị trấn; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong công tác hoà giải.

2. Quy chế này không áp dụng đối với hoạt động hoà giải trong tố tụng của Toà án nhân dân và của Trọng tài kinh tế.

3. Tổ hoà giải, hoà giải viên nói chung trong quy chế này bao gồm những người làm công tác hoà giải tại xã, phường, thị trấn quy định tại pháp lệnh số 09/1998/PL-UBTVQH10 ngày 28/12/1998 về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở và được UBND xã, phường, thị trấn công nhận.

Điều 2: Thủ tục công nhận, miễn nhiệm tổ hoà giải và hoà giải viên.

Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn xem xét, ra quyết định công nhận hoặc miễn nhiệm tổ hoà giải và hoà giải viên căn cứ biên bản bầu hoặc đề nghị miễn nhiệm của nhân dân ở thôn, xóm, tổ dân phố, cụm dân cư nơi tổ hoà giải hoạt động.

Điều 3: phạm vi, nguyên tắc hoà giải tại xã, phường, thị trấn

1. Các tổ hoà giải, hoà giải viên được tiến hành hoà giải theo quy định của pháp luật đối với những vụ việc vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư; Đối với những tranh chấp không thuộc phạm vi hoà giải có thể ảnh hưởng đến trật tự an ninh ở địa phương, tổ hoà giải, hoà giải viên có trách nhiệm báo cáo UBND xã, phường, thị trấn để xem xét, giải quyết.

2. Việc tiến hành hoà giải phải tuân theo các nguyên tắc, phương thức quy định tại Pháp lệnh số 09/1998/PL-UBTVQH10 ngày 25/12/1998 về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở, Nghị định số 160/1999/NĐ-CP ngày 18/10/1999 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở.

Điều 4: Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc tham gia công tác hoà giải, tạo điều kiện cho hoà giải viên thực hiện công việc

1. Sở Tư pháp chỉ đạo các đơn vị thuộc ngành tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân các cấp tổ chức quản lý hoạt động hoà giải ở cơ sở theo quy định.

2. Sở tài chính vật giá, Ban tổ chức chính quyền Thành phố, công an Thành phố, Thường trực Hội đồng thi đua khen thưởng Thành phố và các ngành có liên quan có trách nhiệm phối hợp tổ chức tốt công tác hoà giải ở cơ sở theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

3. Đề nghị Uỷ ban MTTQ các cấp hướng dẫn các đoàn thể, tổ chức thành viên của Mặt trận thực hiện việc lựa chọn, giới thiệu người tham gia tổ hoà giải, vận động cán bộ, nhân dân tham gia công tác hoà giải ở cơ sở theo quy định.

Chương 2:

TỔ HOÀ GIẢI VÀ HOÀ GIẢI VIÊN

Điều 5. Tổ hoà giải, tiến hành việc hoà giải

Tổ hoà giải là tổ chức tự quản của nhân dân được thành lập ở thôn, xóm, tổ dân phố, cụm dân cư để thực hiện hoặc tổ chức thực hiện hoà giải.

Mỗi tổ hoà giải có Tổ trưởng và từ 3 hoà giải viên trở lên tuỳ theo số dân cư tình hình cụ thể tại địa bàn.

Điều 6: Tổ trưởng Tổ hoà giải

1. Tiêu chuẩn:

a. Có phẩm chất đạo đức tốt, bản thân và gia đình nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy chế, quy ước của địa phương;

b. Có uy tín trong nhân dân nơi cư trú,

c. Có hiểu biết pháp luật, kiến thức xã hội, có khả năng thuyết phục, vận động nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật;

d. Có tinh thần trách nhiệm, tự nguyện, nhiệt tình tham gia cong tác hoà giải ở cơ sở.

e. Có Khả năng phụ trách Tổ hoà giải, phối kết hợp với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể để tổ chức thực hiện công tác hoà giải ở cơ sở.

2. Nhiệm vụ:

a. Phụ trách tổ hoà giải, phân công nhiệm vụ cho hoà giải viên, phối hợp với các tổ hoà giải khác để thực hiện nhiệm vụ của mình.

b. Trực tiếp thực hiện nhiệm vụ của hoà giải viên.

c. Lập kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động của Tổ hoà giải; Tổ chức các cuộc họp định kỳ hàng tháng, quý, năm và đột xuất dễ rút kinh nghiệm về công tác hoà giải tại địa bàn; đồng thời tổ chức thực hiện các công tác có liên quan do cấp trên đề ra;

d. Báo cáo định kỳ và đột xuất về công tác hoà giải với Ban Tư pháp, Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn và Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp; Đề xuất, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền về các biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hoà giải.

Điều 7: Hoà giải viên

1. Tiêu chuẩn:

a. Có phẩm chất đạo đức tốt, bản thân và gia đình nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy ước địa phương;

b. Có uy tín trong nhân dân nơi cư trú;

c.Có hiểu biết pháp luật, kiến thức xã hội,có khả năng thuyết phục, vận động nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật.

d. Có tinh thần trách nhiệm, tự nguyện nhiệt tình tham gia công tác hoà giải ở cơ sở.

2. Nhiệm vụ:

a) Phát hiện kịp thời và thực hiện hoà giải đối với các vụ việc quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 160/1999/NĐ-CP ngày 18/10/1999 của Chính phủ và theo các nguyên tắc quy định tại Điều 4 pháp lệnh số 09/1998/PL-UBTVQH10 ngày 25/12/1998 về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở.

b) Thông qua công tác hoà giải thực hiện tuyên truyền, giáo dục pháp luật; vận động nhân dân chấp hành pháp luật;

c) Báo cáo kịp thời với Tổ trưởng tổ hoà giải hoặc Ban Tư pháp xã, phường, thị trấn đối với những tranh chấp không thuộc phạm vi hoà giải có thể gây ảnh hưởng xấu đến trật tự, an ninh tại địa phương.

d) Đề xuất với Tổ trưởng Tổ hoà giải hoặc Ban Tư pháp xã, phường, thị trấn về các biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hoà giải ở cơ sở; thường xuyên trao đổi kinh nghiệm hoà giải với các hoà giải viên khác;

Điều 8: Tổ hoà giải và hoà giải viên có quyền:

1. Được tham gia các lớp bồi dưỡng về pháp luật, nghiệp vụ hoà giải ở cơ sở do Uỷ ban nhân dân các cấp hoặc cơ quan chuyên môn cấp tổ chức.

2. Được cung cấp tài liệu, thông tin cần thiết phục vụ công tác hoà giải ở cơ sở.

Điều 9: Kinh phí hoạt động hoà giải ở các xã, phường, thị trấn:

1. Hàng năm ngân sách xã, phường, thị trấn bố trí kinh phí hoạt động trong công tác hoà giải để thực hiện các nội dung sau:

a) Chi hoạt động tuyên truyền, tập huấn nghiệp vụ công tác hoà giải.

b) Chi cho việc tổng kết, khen thưởng chung của xã, phường, thị trấn về công tác hoà giải.

c) Hỗ trợ kinh phí hoạt động của các tổ hoà giải tối thiểu 70.000/ tháng kể cả kinh phí hỗ trợ bồi thường hoạt động của Tổ trưởng tổ hoà giải (do tổ hoà giải thống nhất đề nghị UBND xã, phường, thị trấn quy định)

2. Việc lập dự toán, sử dụng ngân sách và thanh quyết toán kinh phí hoạt động công tác hoà giải ở xã, phường, thị trấn theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Chương 3:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 10: Trách nhiệm của các cơ quan trong việc thực hiện Quy chế.

1. Sở Tư pháp Hà Nội có trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện Quy chế này, định kỳ tổng hợp, báo cáo Uỷ ban nhân dân Thành phố.

2. Sở Tài chính Vật giá có trách nhiệm phối hợp với Uỷ ban nhân dân các quận, huyện chỉ đạo việc lập dự toán, quyết toán kinh phí phục vụ công tác ở cơ sở theo quy định.

3. Ban tổ chức chính quyền Thành phố có trách nhiệm phối hopự kiểm tra, đề ra các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả, mô hình tổ chức và hoạt động hoà giải ở địa bàn, phục vụ thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.

4. Công an thành phố có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị trong ngành phối hợp phát hiện, xử lý kịp thời các vụ tranh chấp, mâu thuẫn để phòng ngừa phát sinh mâu thuẫn lớn, phức tạp ở địa phương, cơ sở.

5. Thường trực Hội đồng thi đua khen thưởng Thành phố chủ trì, phối hợp đánh giá chất lượng hoạt động của các cấp, các ngành, đoàn thể trong việc thực hiện Quy chế, đề nghị Uỷ ban nhân dân Thành phố khen thưởng biểu dương.

6. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Thành phố hướng dẫn các đoàn thể, tổ chức thành viên phối hợp, giám sát thực hiện các quy định của pháp luật về công tác hoà giải và quy chế này.

7. Uỷ ban nhân dân quận, huyện chỉ đạo Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm tổ chức tốt hoạt động hoà giải ở cơ sở theo quy định của pháp luật và Quy chế.

8. Các tổ hoà giải, hoà giải viên trên địa bàn Thành phố Hà Nội có trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về công tác hoà giải và Quy chế này.

Điều 11: Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, các đơn vị nêu tại điều 10 Quy chế có thể đề xuất về việc sửa đổi, bổ sung quy chế này.