Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 172/2003/QĐ-UB

Bình Dương, ngày 04 tháng 7 năm 2003

 
QUYẾT ĐỊNH

V/V BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN TÔN GIÁO CHÍNH QUYỀN TỈNH BÌNH DƯƠNG

ỦY BAN NHÂN DÂN

- Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân ngày 21/6/1994;

- Căn cứ Nghị định số 37/CP ngày 04/6/1993 của Chính phủ quy định về nhiệm vụ quyền hạn và tổ chức bộ máy của Ban Tôn giáo Chính phủ và Thông tư số 01/TT.LB ngày 11/4/1994 của Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ và Ban Tôn giáo Chính phủ hướng dẫn về chức năng nhiệm vụ quyền hạn và tổ chức bộ máy Ban Tôn giáo ở các cơ quan Trung ương và địa phương; Thông tư số 17/2000/QĐ-TGCP ngày 20/3/2000 của Ban Tôn giáo Chính phủ sửa đổi, bổ sung thông tư 01/TT.LB;

- Căn cứ Nghị định số 26/1999/NĐ-CP ngày 19/4/1999 của Chính phủ về các hoạt động tôn giáo; Thông tư số 01/1999/TT/TGCP ngày 16/6/1999 của Ban Tôn giáo Chính phủ hướng dẫn thực hiện một số điều trong Nghị định số 26/1999/NĐ-CP ;

- Theo đề nghị của Trưởng Ban Tôn giáo chính quyền và Trưởng Ban Tổ chức chính quyền tỉnh.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Ban Tôn giáo chính quyền tỉnh Bình Dương.

Điều 2: Quyết định này thay thế cho Quyết định số 1856/QĐ-UB ngày 15/5/1996 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Sông Bé về việc Ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Tôn giáo chính quyền tỉnh Sông Bé.

Điều 3: Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân & Uỷ ban nhân dân tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức chính quyền tỉnh, Trưởng Ban Tôn giáo chính quyền tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị và Thủ trưởng các cơ quan đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Hồ Minh Phương

 

QUY ĐỊNH

CHỨC NĂNG NHIỆM VỤ QUYỀN HẠN TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN TÔN GIÁO CHÍNH QUYỀN TỈNH BÌNH DƯƠNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 172/2003/QĐ-UB ngày 4/7/2003 của Uỷ ban nhân dân tỉnh)

CHƯƠNG I

VỊ TRÍ - CHỨC NĂNG - NHIỆM VỤ - QUYỀN HẠN

Điều 1: Vị trí:

Ban Tôn giáo chính quyền tỉnh (sau đây gọi tắt là Ban) là cơ quan chuyên môn của Uỷ ban nhân dân tỉnh, chịu sự quản lý chỉ đạo về mọi mặt của Uỷ ban nhân dân tỉnh, đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Ban Tôn giáo của Chính phủ.

Điều 2: Chức năng:

Ban giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh thực hiện việc quản lý Nhà nước đối với các hoạt động tôn giáo trên địa bàn tỉnh phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Điều 3: Ban có các nhiệm vụ sau đây:

1- Căn cứ vào tình hình hoạt động của các tôn giáo và tình hình công tác tôn giáo của tỉnh, Ban xây dựng chương trình kế hoạch về công tác tôn giáo ở địa phương trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt.

2- Nghiên cứu, quán triệt, cụ thể hoá các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về tôn giáo và hoạt động tôn giáo để giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện tại địa phương.

3- Tiếp nhận và giải quyết theo thẩm quyền các hồ sơ về nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của tỉnh. Tham mưu, đề xuất Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định các vấn đề về công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động của các tôn giáo trong tỉnh.

4- Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện chính sách tôn giáo và việc chấp hành các quy định của Nhà nước về hoạt động tôn giáo của các ngành, các cấp, các tổ chức tôn giáo, tổ chức xã hội và nhân dân trong tỉnh.

Khi phát hiện có sự vi phạm chính sách tôn giáo hoặc làm trái các quy định của Nhà nước về hoạt động tôn giáo, Ban yêu cầu tạm đình chỉ và báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh xử lý.

5- Trên cơ sở nghiên cứu tổng hợp những kiến nghị của các tôn giáo và tình hình thực tế phát sinh về hoạt động tôn giáo ở các cấp. Ban đề xuất Uỷ ban nhân dân tỉnh giải quyết những vấn đề cụ thể sau:

a- Cấp phép các chương trình hoạt động tôn giáo đăng ký hàng năm.

b- Các cuộc hành lễ, hội họp của tôn giáo có đông người từ các địa phương khác đến dự; các cuộc sinh hoạt ngoài nội dung chương trình đăng ký hàng năm đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh chấp thuận.

c- Các cuộc sinh hoạt tập trung của chức sắc tôn giáo như: Đại hội nhiệm kỳ tĩnh tâm linh mục giáo phận (Công giáo), An cư kiết hạ (Phật giáo) và những sinh hoạt tương tự trong các tôn giáo khác.

d- Đưa đi đào tạo, bồi dưỡng thời gian từ 1 năm trở lên, tại các trường hợp pháp của tôn giáo trong và ngoài tỉnh đối với chức sắc; nhà tu hành các tôn giáo.

đ- Chấp thuận việc thụ phong chức sắc; bổ nhiệm, thuyên chuyển chức sắc, nhà tu hành và những người chuyên hoạt động tôn giáo (kể cả những người do tín đồ bầu ra).

e- Xây dựng, trùng tu, sửa chữa lớn nơi thờ tự của các tôn giáo.

g- Xin phép tổ chức và hoạt động đối với các tổ chức tôn giáo ở địa phương có tổ chức giáo hội được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân.

h- Vấn đề xuất, nhập cảnh của chức sắc, nhà tu hành và những hoạt động đối ngoại liên quan đến tôn giáo ở địa phương.

i- Giải quyết nhu cầu sinh hoạt tôn giáo cho người nước ngoài đang cư trú hợp pháp tại Việt Nam theo quy định của luật pháp.

6- Ban phối hợp cùng các ngành chức năng của tỉnh xem xét để tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh giải quyết các nhu cầu của tổ chức tôn giáo thuộc những lĩnh vực sau đây:

- Hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ

- Hoạt động giáo dục, đào tạo, dạy nghề

- Hoạt động từ thiện nhân đạo - xã hội

- Hoạt động văn hóa, văn nghệ, in ấn, xuất bản

7- Tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh chuẩn bị nội dung các buổi làm việc, tiếp xúc với các tổ chức tôn giáo.

8- Hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của bộ máy làm công tác tôn giáo thuộc Uỷ ban nhân dân cấp huyện và cấp xã để đảm bảo việc quản lý thống nhất về hoạt động tôn giáo trên địa bàn tỉnh.

9- Nghiên cứu, góp ý kiến để các cơ quan pháp luật và các cơ quan chức năng xem xét giải quyết các đơn thư khiếu tố, khiếu nại, các tranh chấp về đất đai, tài sản và một số tranh chấp dân sự khác liên quan đến tôn giáo.

10- Tham mưu Ban chỉ đạo công tác tôn giáo của tỉnh giải quyết những vấn đề về công tác và tổ chức thực hiện trên cơ sở những kết luận và đề xuất của Ban chỉ đạo công tác tôn giáo của tỉnh.

Điều 4: Ban có những quyền hạn sau:

1- Có tư cách pháp nhân, được sử dụng con dấu riêng, được dự toán kinh phí để hoạt động và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước.

2- Ban được Uỷ ban nhân dân tỉnh ủy quyền quyết định việc giải quyết các nhu cầu sinh hoạt tôn giáo sau :

- Cho phép tổ chức các cuộc hành lễ thông thường tại các điểm sinh hoạt tôn giáo ở vùng kinh tế mới đã ổn định và chấp thuận cho các chức sắc được đến hành lễ tại các nơi đó trong thời gian không quá 01 tháng.

- Cho phép tổ chức các cuộc hội họp, sinh hoạt tôn giáo tập trung thông thường của các tổ chức tôn giáo trong phạm vi một huyện, thị xã trở xuống.

- Cho chức sắc, nhà tu hành đi dự các khoá bồi dưỡng về tôn giáo trong thời gian dưới 1 năm hoặc làm giáo viên thỉnh giảng tại các trường hợp pháp của tôn giáo trong và ngoài tỉnh theo định kỳ.

- Cho chức sắc, nhà tu hành đi hành đạo đột xuất ngoài địa bàn phụ trách, chấp thuận cho chức sắc, nhà tu hành ngoài tỉnh đến hành đạo (theo nhu cầu của giáo hội địa phương hoặc đề nghị của các nơi khác) trong thời gian không quá 1 tháng.

- Chấp thuận việc bầu bề trên dòng tu trong phạm vi tỉnh.

- Chấp thuận cho nhập dòng tu đối với người trong và ngoài tỉnh.

- Một số hoạt động khác của tôn giáo theo quy định của pháp luật.

CHƯƠNG II

TỔ CHỨC BỘ MÁY VÀ CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC

Điều 5: Tổ chức bộ máy:

Ban có 1 Trưởng Ban điều hành và 1 Phó Trưởng Ban giúp việc. Các chức danh này do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm.

Ban tổ chức bộ máy làm việc theo chế độ chuyên viên. Các chuyên viên đảm trách một số nhiệm vụ trong lĩnh vực có liên quan để tham mưu giúp Trưởng Ban và Phó Trưởng Ban thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Biên chế của Ban thuộc biên chế quản lý Nhà nước của tỉnh do Uỷ ban nhân dân tỉnh giao chỉ tiêu.

Điều 6: Chế độ làm việc:

1- Ban hoạt động theo chương trình, kế hoạch công tác hàng năm được Uỷ ban nhân dân tỉnh giao và theo chức năng nhiệm vụ, quyền hạn được quy định trong bản quy định này.

2- Trong tổ chức và hoạt động của Ban phải đảm bảo nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, sự tham gia của cấp ủy Đảng trong việc xây dựng chủ trương phương hướng của cơ quan.

3- Văn phòng Hội đồng nhân dân & Uỷ ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm bố trí nơi làm việc cho Ban. Phòng Tài vụ của Văn phòng HĐND-UBND đảm trách nhiệm vụ tài vụ của Ban theo kế hoạch tài chính được duyệt hàng năm.

4- Trưởng Ban là người lãnh đạo và điều hành mọi hoạt động của Ban theo chế độ thủ trưởng, có quyền quyết định mọi vấn đề thuộc phạm vi quyền hạn của Ban và là người chịu trách nhiệm cao nhất trước Uỷ ban nhân dân tỉnh về toàn bộ công tác của Ban; đồng thời chịu trách nhiệm trước Trưởng Ban Tôn giáo của Chính phủ về các vấn đề thuộc lĩnh vực công tác tôn giáo trong địa bàn tỉnh.

Phó Trưởng Ban giúp việc cho Trưởng Ban, được Trưởng Ban phân công phụ trách 1 số mặt công tác. Phó Trưởng Ban chịu trách nhiệm trước Trưởng Ban về phần việc được phân công, đồng thời cùng với Trưởng Ban liên đới chịu trách nhiệm trước cấp trên về phần việc được phân công phụ trách.

5- Ban thực hiện các chế độ, chính sách đối với cán bộ công chức của Ban theo quy định của pháp luật.

6- Ban đảm bảo chế độ họp giao ban định kỳ tháng, quý với Ban Dân vận Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Công an tỉnh, các Đoàn thể cấp tỉnh và bộ phận thực hiện công tác tôn giáo của Uỷ ban nhân dân các huyện, thị trong tỉnh. Ngoài ra, Ban có thể tổ chức các cuộc họp bất thường để phổ biến, triển khai các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách của Uỷ ban nhân dân tỉnh hoặc của cấp trên giao. Hàng năm tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết công tác tôn giáo toàn tỉnh.

7- Khi có những vấn đề phát sinh vượt quá thẩm quyền của Trưởng Ban hay chưa được sự thống nhất ý kiến của các Sở, Ngành, Đoàn thể liên quan thì Trưởng Ban báo cáo với Uỷ ban nhân dân tỉnh để xem xét cho ý kiến chỉ đạo giải quyết.

CHƯƠNG III

MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC

Điều 7: Các mối quan hệ trong công tác:

Ban phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy tham mưu, đề xuất Tỉnh ủy những chủ trương về công tác tôn giáo; đồng thời tham mưu, đề xuất với Uỷ ban nhân dân tỉnh thể chế hóa bằng văn bản để thực hiện các chủ trương về công tác tôn giáo.

Phối hợp với Công an tỉnh trong công tác quản lý Nhà nước đối với toàn bộ hoạt động của các tôn giáo trong tỉnh, tập trung chủ yếu vào khâu quản lý nhân sự đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động của các tôn giáo, theo từng trường hợp cụ thể, bảo đảm thực hiện đúng pháp luật hiện hành.

Phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các ban, ngành, đoàn thể liên quan trong công tác phổ biến, hướng dẫn thực hiện chủ trương tự do tín ngưỡng của Đảng và chính sách, pháp luật về tôn giáo của Nhà nước, vận động đoàn kết, xây dựng cuộc sống "tốt đời, đẹp đạo" trong đồng bào các tôn giáo, đề cao cảnh giác, phòng chống những hành vi lợi dụng tôn giáo nhằm gây phương hại đến đoàn kết toàn dân, an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.

Quan hệ giữa Ban và Uỷ ban nhân dân các huyện, thị là quan hệ phối hợp trong công tác, đề xuất hướng giải quyết với Uỷ ban nhân dân tỉnh về các vấn đề tôn giáo liên quan đến từng huyện, thị trong tỉnh. Do đó cần đồng bộ, chặt chẽ, thống nhất trong quan điểm và quá trình xử lý để nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước đối với công tác tôn giáo trong toàn tỉnh.

Quan hệ giữa Ban với bộ máy công tác tôn giáo các huyện, thị là quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới. Trưởng Ban có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra và tạo mọi điều kiện thuận lợi để bộ phận công tác tôn giáo các huyện, thị thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình đúng theo pháp luật của Nhà nước về công tác tôn giáo.

5- Trong quá trình tham mưu, đề xuất hướng xử lý những công việc thuộc quyền hạn của Uỷ ban nhân dân tỉnh về tôn giáo có liên quan đến các huyện, thị, các ngành, Ban sẽ tham khảo ý kiến bằng văn bản để các ngành, các huyện, phúc đáp lại bằng văn bản, trên cơ sở đó Ban hoàn chỉnh hồ sơ trình Uỷ ban nhân dân tỉnh.

CHƯƠNG IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 8: Trưởng Ban Tôn giáo chính quyền tỉnh có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện bản quy định này.

Điều 9: Các quy định của Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành trước đây trái với nội dung bản quy định này đều bãi bỏ.

Điều 10: Việc sửa đổi, bổ sung bản quy định này do Trưởng Ban Tôn giáo chính quyền tỉnh và Trưởng Ban Tổ chức chính quyền tỉnh thống nhất đề nghị ủy ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định./.