UBND TỈNH BẮC GIANG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1724/QĐ-BĐH | Bắc Giang, ngày 10 tháng 10 năm 2017 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ LÀM VIỆC CỦA BAN ĐIỀU HÀNH BẢO VỆ, CHĂM SÓC TRẺ EM TỈNH BẮC GIANG VÀ NHÓM CÔNG TÁC LIÊN NGÀNH
TRƯỞNG BAN ĐIỀU HÀNH BẢO VỆ, CHĂM SÓC TRẺ EM TỈNH BẮC GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/5/2016;
Căn cứ Công văn số 709/BVCSTE-BVTE ngày 18/11/2016 của Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em về hướng dẫn theo dõi, đánh giá thực hiện Quyết định số 2361/QĐ- TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016-2020;
Căn cứ Quyết định số 1449/QĐ-UBND ngày 23/8/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang về việc thành lập Ban điều hành bảo vệ, chăm sóc trẻ em tỉnh Bắc Giang và Nhóm công tác liên ngành;
Xét đề nghị của Thường trực Ban điều hành bảo vệ, chăm sóc trẻ em tỉnh Bắc Giang tại Công văn số 2729/LĐTB&XH-BVCSTE&BĐG ngày 27/9/2017,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hoạt động của Ban điều hành Bảo vệ, chăm sóc trẻ em tỉnh Bắc Giang và Nhóm công tác liên ngành.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Các sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh; Trưởng ban điều hành Bảo vệ, chăm sóc trẻ em các huyện, thành phố; thành viên Ban điều hành bảo vệ, chăm sóc trẻ em tỉnh; Nhóm công tác liên ngành tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi nhận: | TRƯỞNG BAN |
QUY CHẾ
HOẠT ĐỘNG BAN ĐIỀU HÀNH BẢO VỆ, CHĂM SÓC TRẺ EM TỈNH BẮC GIANG VÀ NHÓM CÔNG TÁC LIÊN NGÀNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1724/QĐ-BĐH ngày 10/10/2017 của Ban Điều hành bảo vệ, chăm sóc trẻ em tỉnh Bắc Giang)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác và chế độ làm việc của Ban điều hành Bảo vệ, chăm sóc trẻ em tỉnh Bắc Giang (gọi tắt là Ban điều hành tỉnh) và Nhóm công tác liên ngành giúp việc Ban điều hành (gọi tắt là Nhóm liên ngành tỉnh).
Điều 2. Nguyên tắc làm việc của Ban điều hành tỉnh và Nhóm liên ngành tỉnh
1. Ban điều hành tỉnh làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, quyết định theo đa số.
2. Nhóm liên ngành tỉnh thực hiện nhiệm vụ theo sự chỉ đạo của Trưởng ban điều hành tỉnh. Các thành viên Nhóm liên ngành tỉnh thực hiện nhiệm vụ theo sự chỉ đạo của Ban điều hành tỉnh và phân công của Tổ trưởng; phối hợp với các thành viên trong Nhóm tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giáo, đồng thời trực tiếp giúp việc cho đồng chí Lãnh đạo của cơ quan, đơn vị mình tham gia thành viên Ban điều hành tỉnh theo lĩnh vực phân công phụ trách.
3. Các thành viên Ban điều hành tỉnh, Thường trực Ban điều hành tỉnh và Nhóm liên ngành tỉnh thực hiện nghiêm túc theo quy chế và phân công nhiệm vụ của Trưởng ban, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo và trách nhiệm cá nhân của các thành viên Ban điều hành tỉnh và Nhóm liên ngành tỉnh, đảm bảo hoạt động hiệu quả, góp phần thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em của tỉnh Bắc Giang.
Điều 3. Cơ cấu, tổ chức bộ máy
1. Ban điều hành tỉnh được thành lập theo quy định bao gồm: 01 Trưởng ban là đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh; 01 Phó trưởng ban Thường trực là lãnh đạo Sở Lao động - TB&XH; 02 Phó Trưởng ban là đại diện lãnh đạo Sở Y tế và Sở Giáo dục và Đào tạo. Các thành viên là đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành đoàn thể của tỉnh.
2. Nhóm công tác liên ngành tỉnh - giúp việc Ban điều hành tỉnh bao gồm: 01 đồng chí Tổ trưởng là Trưởng phòng chuyên môn của Sở Lao động - TB&XH, 03 Tổ phó là đại diện phòng chuyên môn thuộc Sở Lao động - TB&XH, Sở Y tế và Sở Giáo dục và đào tạo; các thành viên là cán bộ, công chức một số sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh có liên quan.
Chương II
NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN
Điều 4. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban điều hành tỉnh
Chịu trách nhiệm chỉ đạo, điều phối và huy động nguồn lực phục vụ công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; chỉ đạo và kiểm tra giám sát việc thực hiện pháp luật, chính sách và các chương trình về bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại địa phương; hỗ trợ kỹ thuật và giám sát Ban điều hành bảo vệ, chăm sóc trẻ em cấp huyện thực hiện các chương trình bảo vệ, chăm sóc trẻ em; Hướng dẫn Ban điều hành bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp xây dựng quy chế hoạt động; chỉ đạo các ngành thành viên thực hiện cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em theo quy trình thống nhất; tham mưu cho UBND tỉnh và hỗ trợ các sở, ban, ngành lập kế hoạch bảo vệ, chăm sóc trẻ em; báo cáo định kỳ và đột xuất cho Chủ tịch UBND tỉnh và Trung ương về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh.
Điều 5. Nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng ban, Phó trưởng ban và các thành viên Ban điều hành tỉnh
1. Trưởng ban điều hành
a. Là người đứng đầu chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về hoạt động của Ban.
b. Phụ trách và điều hành toàn bộ công việc của Ban. Phân công trách nhiệm cho các Phó trưởng ban, các thành viên Ban và trực tiếp chỉ đạo cơ quan Thường trực Ban.
c. Quyết định nội dung các cuộc họp, triệu tập, chủ trì các cuộc họp của Ban điều hành; chỉ đạo công tác xây dựng kế hoạch; cơ chế quản lý điều hành, đề xuất các chính sách về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em của tỉnh.
d. Chủ trì tham mưu, đề xuất với Tỉnh ủy, HĐND, Ủy ban nhân dân ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh.
e. Chỉ đạo sự phối hợp hoạt động của các thành viên Ban điều hành với Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Bắc Giang, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế, xã hội trong việc triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em của tỉnh.
f. Ký các văn bản của Ban: Kế hoạch, chương trình công tác hàng năm; các báo cáo với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh.
2. Phó trưởng Ban Thường trực:
a. Giúp Trưởng ban điều hành tổ chức thực hiện các hoạt động thường xuyên của Ban theo chương trình, kế hoạch đề ra.
b. Thay mặt Trưởng ban điều hành công việc chung của Ban khi Trưởng ban vắng mặt hoặc được Trưởng ban ủy quyền.
c. Chủ trì phối hợp với các thành viên xây dựng kế hoạch 5 năm và hàng năm về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
d. Phối hợp theo dõi, đôn đốc, tổ chức, kiểm tra, giám sát về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; giúp Trưởng ban thực hiện việc tổng hợp báo cáo, xây dựng chương trình, kế hoạch, nội dung các cuộc họp; xây dựng dự toán kinh phí hoạt động của Ban hàng năm.
e. Ký các văn bản khi được sự ủy quyền của Trưởng ban. Trực tiếp quản lý, chỉ đạo Nhóm liên ngành giúp việc Ban điều hành tỉnh.
3. Các phó trưởng ban:
a. Giúp việc cho Trưởng ban Ban điều hành và thực hiện những nhiệm vụ do Trưởng ban, Phó Trưởng ban Thường trực phân công.
b. Tham mưu, đề xuất, triển khai nội dung hoạt động của Chương trình bảo vệ trẻ em của tỉnh; theo dõi, giám sát, đánh giá hoạt động của Chương trình bảo vệ trẻ em ở cơ sở.
c. Cùng với Phó trưởng Ban Thường trực chỉ đạo hoạt động của Nhóm công tác liên ngành; đề xuất việc điều phối các dịch vụ trợ giúp trẻ em; phối hợp với các thành viên liên quan trong điều phối dịch vụ trợ giúp trẻ em.
d. Hàng tháng, hàng quý báo cáo Phó Trưởng ban Thường trực về tình hình và kết quả hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em theo lĩnh vực được phân công phụ trách.
4. Nhiệm vụ của các thành viên
Chủ trì, tham mưu thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em theo chức năng nhiệm vụ của ngành, đơn vị được phân công; tham gia xây dựng kế hoạch, cung cấp các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em thuộc lĩnh vực chuyên môn; báo cáo công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em theo hệ thống...
Điều 6. Nhiệm vụ, quyền hạn của Nhóm liên ngành tỉnh
Tham mưu và thực hiện các hoạt động cung cấp các dịch vụ bảo vệ trẻ em phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của ngành, đơn vị; phối hợp thực hiện chuyển tuyến để đáp ứng nhu cầu bảo vệ của trẻ em và gia đình; tham mưu và phối hợp xây dựng kế hoạch bảo vệ, chăm sóc trẻ em cấp tỉnh; đề xuất xây dựng và thực hiện chính sách bảo vệ trẻ em phù hợp trên cơ sở nhu cầu của công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và điều kiện kinh tế xã hội địa phương; báo cáo cho Ban điều hành bảo vệ, chăm sóc trẻ em tỉnh về tình hình trẻ em và công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em theo quy định.
Chương III
CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC
Điều 7. Chế độ hội họp và thông tin, báo cáo
1. Ban điều hành tỉnh họp sơ kết 6 tháng và tổng kết năm để đánh giá tình hình thực hiện công tác BVCSTE và xây dựng kế hoạch, chương trình công tác hằng năm; có thể họp đột xuất khi Trưởng ban triệu tập.
2. Các thành viên Ban điều hành tỉnh có trách nhiệm báo với Ban điều hành tỉnh (qua cơ quan Thường trực) về các hoạt động có liên quan đến nhiệm vụ được phân công phụ trách.
- Báo cáo Quý: Trước ngày 05 tháng cuối Quý;
- Báo cáo 6 tháng: Trước ngày 05/6 hàng năm.
- Báo cáo năm: Trước ngày 05/12 hàng năm.
- Báo cáo đột xuất khi Trưởng ban yêu cầu,
3. Trên cơ sở báo cáo của các thành viên Ban điều hành tỉnh và các huyện, thành phố; cơ quan Thường trực tổng hợp báo cáo tỉnh và Trung ương theo quy định.
Điều 9. Chế độ kiểm tra, giám sát
1. Hàng năm, Ban điều hành xây dựng kế hoạch kiểm tra hoạt động, đánh giá kết quả chỉ đạo, triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại các ngành và địa phương.
2. Các thành viên của Ban có trách nhiệm triển khai kế hoạch kiểm tra theo lịch được phân công và có báo cáo bằng văn bản gửi Thường trực Ban chậm nhất là 07 ngày kể từ ngày kết thúc việc kiểm tra.
3. Thường trực Ban điều hành tỉnh có trách nhiệm tổng hợp báo cáo kết quả kiểm tra gửi Chủ tịch UBND tỉnh, Bộ Lao động - TB&XH và theo dõi tình hình giải quyết các đề xuất, kiến nghị sau khi kiểm tra.
Điều 10. Trụ sở và con dấu
1. Thường trực Ban là Sở Lao động - Thương binh và xã hội.
2. Ban sử dụng con dấu của UBND tỉnh khi Trưởng ban - Phó chủ tịch UBND tỉnh ký văn bản; sử dụng con dấu của Sở Lao động - Thương binh và xã hội khi Phó Trưởng Ban thường trực ký văn bản.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 11. Các thành viên Ban điều hành có trách nhiệm thực hiện Quy chế này và các quy định hiện hành của pháp luật về công tác BYCSTE. Cơ quan Thường trực có trách nhiệm kiểm tra, theo dõi và đôn đốc thực hiện Quy chế này và các lĩnh vực được phân công.
Điều 12. Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh các khó khăn vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung, các thành viên Ban điều hành phản ánh về Cơ quan Thường trực để tổng hợp chung, báo cáo Trưởng ban xem xét, quyết định điều chỉnh đảm bảo phù hợp./.
- 1 Chỉ thị 04/CT-UBND năm 2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em do tỉnh Cà Mau ban hành
- 2 Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 3 Quyết định 349/QĐ-UBND năm 2013 Quy chế hoạt động của Ban điều hành và Nhóm công tác liên ngành Hệ thống bảo vệ, chăm sóc trẻ em tỉnh Điện Biên
- 4 Quyết định 3425/QĐ-UBND năm 2012 về Quy chế hoạt động của Ban điều hành Hệ thống bảo vệ, chăm sóc trẻ em tỉnh Quảng Ninh
- 1 Chỉ thị 04/CT-UBND năm 2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em do tỉnh Cà Mau ban hành
- 2 Quyết định 349/QĐ-UBND năm 2013 Quy chế hoạt động của Ban điều hành và Nhóm công tác liên ngành Hệ thống bảo vệ, chăm sóc trẻ em tỉnh Điện Biên
- 3 Quyết định 3425/QĐ-UBND năm 2012 về Quy chế hoạt động của Ban điều hành Hệ thống bảo vệ, chăm sóc trẻ em tỉnh Quảng Ninh