Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1736/QĐ-BGTVT

Hà Nội, ngày 27 tháng 12 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN CẮT GIẢM, ĐƠN GIẢN HÓA THỦ TỤC HÀNH CHÍNH NỘI BỘ TRONG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Nghị định số 56/2022/NĐ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Quyết định số 1085/QĐ-TTg ngày 15 tháng 9 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước giai đoạn 2022-2025;

Theo đề nghị của Chánh Văn phòng Bộ.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ trong Bộ Giao thông vận tải (Phương án cắt giảm, đơn giản hóa).

Điều 2. Trách nhiệm thực thi Phương án cắt giảm, đơn giản hóa

1. Các Cục có trách nhiệm xây dựng mới hoặc bổ sung nội dung vào dự thảo Thông tư đang trong quá trình xây dựng để thực thi Phương án cắt giảm, đơn giản hóa.

2. Vụ Pháp chế rà soát Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2024, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật để thực thi Phương án cắt giảm, đơn giản hóa ban hành kèm theo Quyết định này.

3. Văn phòng Bộ theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị; tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ kết quả thực hiện.

Điều 3. Kinh phí tổ chức thực hiện do ngân sách nhà nước cấp, được tổng hợp vào dự toán ngân sách hàng năm của cơ quan, đơn vị và các nguồn kinh phí khác (nếu có). Việc lập dự toán, sử dụng và quyết toán kinh phí của các cơ quan tổ chức thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 5. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, các Cục trưởng, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 5;
- Văn phòng Chính phủ;
- Cổng TTĐT Bộ GTVT;
- Trung tâm CNTT;
- Lưu: VT, VP (KSTTHC).

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Văn Thắng

 

PHƯƠNG ÁN CẮT GIẢM, ĐƠN GIẢN HÓA THỦ TỤC HÀNH CHÍNH NỘI BỘ TRONG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

(Ban hành kèm theo Quyết định số    /QĐ-BGTVT ngày    tháng     năm 2023)

I. LĨNH VỰC ĐĂNG KIỂM

1. Công nhận đăng kiểm viên đường sắt và đăng kiểm viên đường sắt bậc cao

1.1. Nội dung đơn giản hóa

- Bổ sung quy định về: số lượng hồ sơ; thời hạn giải quyết; mẫu đơn, tờ khai (nếu có).

- Để đảm bảo đầy đủ các thành phần của 01 TTHC, đảm bảo tính rõ ràng và để tạo điều kiện cho các đơn vị triển khai thực hiện.

1.2. Kiến nghị thực thi:

- Sửa đổi, bổ sung Điều 10 của Thông tư số 19/2018/TT-BGTVT ngày 19/4/2018 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về tiêu chuẩn Đăng kiểm viên đường sắt và yêu cầu đối với cơ sở vật chất, kỹ thuật của tổ chức đăng kiểm đường sắt.

- Lộ trình thực hiện: Hoàn thành việc thực thi phương án trước ngày 01/7/2024.

- Cơ quan chủ trì thực hiện phương án đơn giản hóa: Cục Đăng kiểm Việt Nam.

1.3. Lợi ích phương án đơn giản hóa

- Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa: 194.640.000 đồng/năm

- Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa: 151.600.000 đồng/năm.

- Chi phí tiết kiệm: 43.600.000 đồng/năm.

- Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 22,11 %.

II. LĨNH VỰC ĐƯỜNG BỘ

2. Chấp thuận phương án giá vận hành khai thác bến phà đường bộ trên hệ thống quốc lộ

2.1. Nội dung đơn giản hóa

- Bổ sung quy định về: cách thức thực hiện; thành phần, số lượng hồ sơ; thời hạn giải quyết; mẫu đơn, tờ khai (nếu có).

- Để đảm bảo đầy đủ các thành phần của 01 TTHC, đảm bảo tính rõ ràng và để tạo điều kiện cho các đơn vị triển khai thực hiện.

2.2. Kiến nghị thực thi:

- Sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39/2020/TT-BGTVT ngày 31/12/2020 của Bộ trưởng Bộ GTVT hướng dẫn phương pháp xây dựng phương án giá, quản lý giá dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và dịch vụ vận hành khai thác bến phà đường bộ trên hệ thống quốc lộ sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên của ngân sách trung ương khi thực hiện phương thức đặt hàng.

- Lộ trình thực hiện: Hoàn thành việc thực thi phương án trước ngày 01/7/2024.

- Cơ quan chủ trì thực hiện phương án đơn giản hóa: Cục Đường bộ Việt Nam.

2.3. Lợi ích phương án đơn giản hóa

- Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa: 15,586,875 đồng/năm

- Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa: 7,809,375 đồng/năm.

- Chi phí tiết kiệm: 7, 777,500 đồng/năm.

- Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 49,9%.

III. LĨNH VỰC HÀNG HẢI

3. Công bố Danh mục bến cảng thuộc các cảng biển Việt Nam

3.1. Nội dung đơn giản hóa

- Sửa đổi, bổ sung quy định về cách thức thực hiện, số lượng hồ sơ, thời hạn giải quyết; bổ sung mẫu Tờ trình.

- Lý do: Để đảm bảo đầy đủ các thành phần của 01 TTHC, đảm bảo tính rõ ràng và để tạo điều kiện cho các đơn vị triển khai thực hiện.

3.2. Kiến nghị thực thi

- Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 20 Nghị định số 58/2017/NĐ-CP ngày 10/5/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam về quản lý hoạt động hàng hải.

- Bổ sung Phụ lục quy định mẫu Tờ trình.

- Lộ trình thực hiện: Hoàn thành việc thực thi phương án trước ngày 01/7/2024.

- Cơ quan chủ trì thực hiện phương án đơn giản hóa: Cục Hàng hải Việt Nam.

3.3. Lợi ích phương án đơn giản hóa

- Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa: 4.895.750 đồng/năm

- Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa: 1.720.750 đồng/năm

- Chi phí tiết kiệm: 3.175.000 đồng/năm

- Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 35,1 %.

IV. LĨNH VỰC ĐƯỜNG SẮT

4. Tổ chức cảnh giới tại các đường ngang nguy hiểm trên đường sắt quốc gia

4.1. Nội dung đơn giản hóa

- Bãi bỏ thủ tục hành chính.

Lý do:

- Hiện nay, các đường ngang trên các tuyến đường sắt đã được đưa vào khai thác, sử dụng từ lâu, được tổ chức phòng vệ theo quy định do vậy không phát sinh thủ tục đối với các loại đường ngang đang tồn tại.

- Đối với các đường ngang không bảo đảm tầm nhìn mới phát sinh, doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt kiểm tra, đề xuất theo hình thức phản ánh thực trạng hiện trường đến Cục Đường sắt Việt Nam. Cục Đường sắt Việt Nam có thể chủ động ban hành quyết định tổ chức cảnh giới căn cứ vào theo dõi thường xuyên của Cục hoặc căn cứ phản ánh của doanh nghiệp nhằm bảo đảm an toàn giao thông tại đường ngang, tùy thuộc vào tính chất, đặc điểm của từng đường ngang, từng thời điểm, thời kỳ.

Do vậy, Bộ GTVT không phải thực hiện ra quyết định căn cứ vào đề nghị của Cục Đường sắt Việt Nam. Cục Đường sắt Việt Nam sẽ chủ động ban hành quyết định và chỉ thực hiện báo cáo theo quy định đối với Bộ GTVT.

4.2. Kiến nghị thực thi

- Sửa đổi, bổ sung Điều 11 Thông tư số 25/2018/TT-BGTVT ngày 14/5/2018 quy định về đường ngang và cấp giấy xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường sắt.

- Cơ quan chủ trì thực hiện phương án đơn giản hóa: Cục Đường sắt Việt Nam.

- Lộ trình thực hiện: Hoàn thành việc thực thi phương án trước ngày 01/7/2024.

4.3. Lợi ích phương án đơn giản hóa

- Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa: 114.331.800 đồng/năm

- Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa: 0 đồng/năm

- Chi phí tiết kiệm: 114.331.800 đồng/năm

- Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 100 %.